Hôm nay,  

Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa như thế nào – Phạm Trần phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhã

06/12/202310:13:00(Xem: 5114)

Nha (2)
Ông Hoàng Đức Nhã.
                     

                      Henry Kissinger làm Chính trị một cách rất phi luân lý. –
Hoàng Đức Nhã.

Lời giới thiệu: Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger, một nhân vật có quan hệ với Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn Hòa đàm chấm dứt chiến tranh ở Paris, Pháp, qua đời ngày 29/11/2023, thọ 100 tuổi. Trong khi đó, ông Hoàng Đức Nhã (sinh năm 1942), là nguyên Bí thư, Tham vụ Báo chí của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng trưởng Bộ Dân vận-Chiêu hồi năm 1973. Ông Hoàng Đức Nhã đã có mặt trong các cuộc thảo luận gay go về Hiệp định Ba Lê tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Thiệu và phía Mỹ gồm các  ông Henry Kissinger, Đại Tướng Alexander Haig và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker.
    Nội dung bài phỏng vấn ông dưới đây được tôi thực hiện, ngay sau khi ông Kissinger tạ thế, là nhắm làm sáng tỏ một  thắc mắc của lịch sử rằng “Có phải  VNCH đã bị Mỹ bỏ rơi để thất thủ năm 1975”?
    Mời bạn đọc theo dõi.
 
                                                              ***

Phạm Trần:  Thưa ông Hoàng Đức Nhã, nhận xét của ông về cố Ngoại trưởng Henry Kissinger là con người thế nào: Khôn khoan, thông minh hay mưu mẹo?
 
Hoàng Đức Nhã: Theo tôi nhận xét ông Kissinger tùy theo người nhận xét có kinh nghiệm cá nhân làm việc, như thương thuyết, trực tiếp với ông ta hay chỉ nghe người khác kể lại, hay đọc sách báo viết rất tốt hay rất xấu về ông ta. Tôi có dịp làm việc trực tiếp với ông ta khi Tổng thống Thiệu và Hội đồng An ninh Quốc gia VNCH họp với ông ta trong một vài giai đoạn của tiến trình đưa đến Hiệp định Ba Lê 1973, và trong những trường hợp rất gay cấn chỉ có Tổng thống và tôi đối đầu với ông Kissinger và Đại sứ Bunker.
    Nhận xét của tôi đây là một nhân vật rất thông minh và thích đặt đối phương trong tình trạng bối rối khi phải ráng hiểu một lô dữ kiện liên quan đến vấn đề đang được bàn luận hậu quả cho VNCH nếu phải theo lập luận của Mỹ. Ông Kissinger trình bày theo cách ông ta, cố cho thấy những điểm ông ta cho là rất tốt cho phía Hoa Kỳ và VNCH, nhưng lại phớt qua những điểm rất tai hại cho VNCH.
    Ông ta là người muốn đạt được những gì ông ta dự tính bằng mọi cách, và nếu cần thì nịnh hót, xoa diụ, nói láo, hứa đủ điều, ép và đe dọa. Nói về những cuộc thương thuyết về Hiệp định hòa bình Ba Lê ông ta lọt vào bẫy của Hà Nội và chấp nhận những điều họ muốn, và tin rằng sẽ ép TT Thiệu chấp nhận những điều kiện đó.
    Theo tôi, ông Kissinger làm chánh trị một cách rất phi luân lý.

Phạm Trần: Trong cuộc hòa đàm Ba Lê, ông đã từng có mặt trong các cuộc gặp tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và ông Kissinger, sau này với Tướng Alexander Haig, phụ tá của ông Kissinger, xin ông cho biết khi ấy Tổng thống Thiệu đã bị áp lực chính trị từ phía Hoa Kỳ như thế nào?
 
Hoàng Đức Nhã: Giai đoạn căng thẳng và nguy hiểm nhất trong tiến trình thương thuyết, từ đầu 1969 cho đến đầu tháng Giêng 1973, là bốn ngày trong tháng 10 năm 1972, 19 đến 23 tháng 10. Trong khoảng thời gian này Hoa Kỳ quyết tâm buộc VNCH chấp thuận bản thảo hiệp định mà phía Hà Nội thuyết phục Hoa Kỳ là tốt cho hai bên VN vì đó là sự sụp đổ của lập trường của Hà Nội cũng như là sẽ tạo một nền tảng tốt cho hai bên tại miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chánh trị của mình. Hoa Kỳ chấp nhận lập luận của Hà Nội mà không hề bàn với VNCH trước khi đồng ý với Hà Nội.
    Giải pháp Hà Nội đưa ra và Hoa Kỳ vội chấp thuận chỉ là một đầu hàng của VNCH. TT Thiệu quyết tâm từ chối ngay cả khi Hoa Kỳ hăm dọa cắt đứt viện trợ. Sau khi ông Kissinger không thuyết phục và ép TT Thiệu được trong bốn ngày tháng 10 năm 1972 thì Tướng Alexander Haig qua Saigon và, trong nhiều phiên họp rất căng thẳng với TT Thiệu và tôi, cũng không thuyết phục được TT Thiệu, ngay cả khi đe dọa “lấy những biện pháp rất tàn bạo” đối với TT Thiệu và tôi.”
 
Phạm Trần: Có phải ông Henry Kissinger đã “qua mặt” (hay có phê bình nặng nề rằng “đâm sau lưng”) Việt Nam Cộng Hòa khi thảo luận “sau lưng” Tổng thống Thiệu về giải pháp chấm dứt  chiến tranh với Trung Cộng và Chính quyền miền Bắc khi ấy là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa?
 
Hoàng Đức Nhã: Vì quá muốn có một thắng lợi để một phần giúp TT Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972, và mặt khác, muốn chứng tỏ cho các cấp lãnh đạo trong giới chánh trị và xã hội thượng lưu của Hoa Kỳ rằng ông ta làm được những gì mấy người khác chưa làm được cho nên ông Kissinger không muốn bị VNCH cản trở và không những đi sau lưng đồng minh VNCH mà còn tự định đoạt tương lai chánh trị của miền Nam nữa. Ông ta giấu điều này cho đến khi Hà Nội cho biết sẵn sàng ký và trao cho ông ta một bản thảo Hiệp định với rất nhiều điều kiện tai hại cho VNCH. Ông Kissinger chấp nhận ngay và bay qua Saigon ép TT Thiệu chấp nhận khi TT Thiệu chưa hề được biết bản thảo Hiệp định này.


Phạm Trần: Thưa ông, có phải ông Henry Kissinger là người chỉ biết lo cho quyền lợi của Mỹ khi ông ta nói chuyện với đại diện miền Bắc ở Paris khi ấy là ông cố vấn Lê Đức Thọ, nhưng không điếm xỉa gì đến quyền lợi của VNCH trong các cuộc thượng lượng này?
 
Hoàng Đức Nhã: Đúng thế. Chúng ta đều hiểu rằng một ông Ngoại trưởng của Hoa Kỳ phải phác họa và thi hành chánh sách ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trước hết. Ông Kissinger thì làm điều này bất chấp ước muốn của đồng minh và hậu quả tai hại cho đồng minh.
    Như tôi trả lời trong câu hỏi trên, ông Kissinger bất cần những nguyên tắc thương thuyết – mà điều chính là tương lai chánh trị tại miền Nam phải do hai bên trong miền Nam quyết định – và tự quyết định khi thương thuyết với Hà Nội, và chỉ thông báo cho VNCH biết sau khi ông ta và Lê Đức Thọ phê chuẩn dự thảo Hiệp định mà VNCH không hề được biết trước và cũng không có cơ hội để phê bình.
 
Phạm Trần: Trong các cuộc “đối mặt thảo luận trực diện” tại Dinh Độc Lập với ông Kissinger, bên cạnh Tổng thống Thiệu, về Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973, ông có trở ngại gì với ông Henry Kissinger không, chẳng hạn như “bực tức”, “cãi vã” hay “công khai phản đối áp lực của ông Kissinger” đối với vận mệnh VNCH?

Hoàng Đức Nhã: Chúng tôi hành động rất lễ độ, đúng mức, như một nhà thương thuyết theo đúng căn bản của một cuộc thương thuyết. Chúng tôi không hề la lối, đập bàn, sỉ nhục hay chửi rủa ông Kissinger.
    Khi ông ta hăm dọa, TT Thiệu tỏ ra rất nghiêm chỉnh và trả lời một cách đúng nghi lễ rằng VNCH không chấp nhận bản thảo Hiệp định. TT Thiệu nhấn mạnh nhiều lần với ông Kissinger rằng xin ông ta trình lại TT Nixon rằng VNCH rất muốn có một hiệp định chân chính, bảo vệ quyền lợi của VNCH nhưng không thể chấp nhận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger đã đồng ý với Lê Đức Thọ.
 
Phạm Trần: Ông có thể ghi lại những “phản ứng quyết liệt” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong những lần nói chuyện tại Dinh Độc Lập với phía Mỹ nói chung và riêng hai ông Kissinger và Tướng Alexander Haig về hòa đàm Paris?
 
Hoàng Đức Nhã: TT Thiệu hành động rất bình tĩnh và không hề khóc lóc, đập bàn như một vài người viết lại trong sách của họ. Có hai trường hợp rất căng thẳng cho thấy cách TT Thiệu đối đầu với đe dọa của phía Hoa Kỳ. Lần đầu là trong những ngày tháng 10 năm 1972 khi ông Kissinger hăm dọa một cách mỉa mai rằng: “Hai ông [TT Thiệu và tôi] không nên trở thành người tử đạo (You two should not try to be martyrs)”. TT Thiệu không trả lời và ngó qua tôi cũng như nói tôi trả lời đi. Tôi nói với ông Kissinger: “Chúng tôi không hề muốn trở thành người tử đạo. Chúng tôi chỉ là người ái quốc thi hành Hiến pháp một cách nghiêm chỉnh để bảo vệ quê hương chúng tôi”. Ông Kissinger rất bực tức vì thấy tôi trả lời ông ta thay vì TT Thiệu. Lần thứ hai là khi ông Alexander Haig qua Saigon vào đầu 11 năm 1972. Mục đích của ông ta là tiếp tục ép TT Thiệu chấp thuận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger không thuyết phục được. Khi TT Thiệu lặp đi lặp lại rằng VNCH không thể ký bản thảo Hiệp định này nếu không có những điều khoản rất quan trọng cho VNCH. Ông Haig rất bực tức, và với một giọng trầm và nét mặt giận dữ nói rằng Hao Kỳ “sẽ có những hành động rất táo bạo (brutal actions) đối với VNCH”. Cũng như lần ông Kissinger đe dọa lần này TT Thiệu cũng ngó về tôi, và tôi nói với ông Haig rằng: “Hành động táo bạo hả? Chắc cũng táo bạo như trong tháng 11 năm 1963 chứ gì?”
 
Phạm Trần: Là người “trong cuộc”, xin ông cho biết “có đúng” Chính quyền Mỹ đã bội ước bảo vệ  VNCH và để cho cho quân Cộng sản miền Bắc chiếm đóng ngày 30/4/1975?
 
Hoàng Đức Nhã: Đúng thế. Chánh phủ Hoa Kỳ đã bội hứa, giảm thiểu môt cách nhanh chóng viện trợ quân sự cho VNCH, ngay cả nhiều điều khoản trong Hiệp định cho phép Hoa Kỳ thay một khẩu súng, một chiến cụ bị hư hại trong việc VNCH chống lại vi phạm của Bắc Việt. Hoa Kỳ đã không cần quan tâm đến số phận của miền Nam khi CSBV vẫn được viện trợ ồ ạt của Trung Cộng và Liên Sô sau khi bản Hiệp định được ký và Hoa Kỳ long trọng tuyên bố sẽ phản ứng mãnh liệt nếu BV vi phạm Hiệp định.
    Theo tôi, lỗi lầm lớn nhất của VNCH là không hiểu được rằng TT của Hoa Kỳ không có quyền chỉ thị Quốc Hội chấp thuận viện trợ do Hành Pháp yêu cầu.
 
Phạm Trần: Nếu ông Richard Nixon không bị vụ Watergate làm mất chức Tổng thống thì liệu VNCH có tồn tại không?

Hoàng Đức Nhã: Theo tôi, vụ Watergate chỉ là một yếu tố đưa đến việc Bắc Việt chiếm miền Nam. Nếu TT Nixon tồn tại và Quốc Hội vẫn chống viện trợ cho VNCH thì miền Nam cũng bị bỏ rơi. Lý do chánh là sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972 Quốc Hội thứ 94 do đảng Dân Chủ nắm đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện. Họ đã sử dụng đa số đó để một mặt áp lực tối đa TT Nixon phải từ chức nếu không muốn bị luận tội vì vụ Watergate, và mặt khác, rút khỏi miền Nam càng sớm càng tốt vì binh lính và tù binh chiến tranh của Hoa Kỳ đã trở về nước. Trong tinh thần đó đảng Dân Chủ không chấp thuận viện trợ cho miền Nam bất chấp những trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp định Ba Lê và những lời hứa của TT Nixon với TT Thiệu.

Phạm Trần: Xin cảm ơn ông.
 

Phạm Trần thực hiện

(12/2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
27/06/202500:00:00
Seita đứng đó, trong một góc của nhà ga xe lửa ở Kobe, Nhật Bản. Cậu thấy mình ngồi gục đầu. Đói. Mệt. Mồ côi và đơn độc. Cậu đã mất gia đình, nhà cửa trong trận bom của Mỹ thả xuống thành phố Kobe. Cuối cùng cậu đã phải khuất phục trước cái đói. Seita từ từ nhắm mắt. Tay Seita vẫn ôm chặt tài sản duy nhất của mình, hộp kẹo nhỏ mà Setsuko, cô em gái bốn tuổi, người thân duy nhất còn lại của Seita, rất yêu thích.
26/06/202509:16:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Lấy tu tâm làm chính, không bận tâm và không để mất thì giờ với chuyện thần thông. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch. Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư
23/06/202509:51:00
Đức Phật có dạy pháp phóng sinh hay không? Trong rất nhiều kinh, Đức Phật đã dạy là hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào. Lời dạy đó cũng có thể hiểu là dạy phóng sinh. Đức Phật cũng đã quy định nhập hạ ba tháng mỗi năm trong mùa mưa để tránh giẫm đạp, vô ý sát sinh các loài côn trùng và mầm non cây trồng. Sau đây, chúng ta dò lại một số lời Đức Phật dạy rằng hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào.
21/06/202511:09:00
một số hành động cụ thể cần được thực hiện: • Liên lạc với các đại diện Quốc hội để yêu cầu họ lên án việc bố trí quân đội tại các cộng đồng dân sự. • Tham gia mạng lưới phản ứng nhanh trong cộng đồng để bảo vệ các gia đình phải đối mặt với các cuộc đột kích trục xuất. • Tham dự các cuộc họp cộng đồng để phối hợp các nỗ lực kháng cự tại địa phương và hỗ trợ lẫn nhau. • Tham gia các cuộc biểu tình và tập hợp quần chúng. • Tham gia các chi nhánh PIVOT địa phương hoặc bắt đầu một chi nhánh để tổ chức cộng đồng. • Nói chuyện với các phần tử trong gia đình về những sự kiện đang xảy ra và sự quan trọng của chúng. Chia sẻ tuyên bố này cùng người quen biết và cùng ba người bạn cam kết hành động.
20/06/202519:44:00
Phán quyết hôm nay của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã giúp Trump một vé đi tiếp trên con đường tận diệt nền dân chủ của quốc gia. Đây là một tiền lệ nguy hiểm để Trump có thể làm điều tương tự, áp đặt chính sách gây tranh cãi mà không cần qua quốc hội hay chính quyền tiểu bang. Sự chuyên quyền trong nước là những gì Trump đang theo đuổi, và những gì đang xảy ra trên đường phố Los Angeles chỉ là sự khởi đầu.
20/06/202500:00:00
Tôi không viết bài này với tư cách một người Dân chủ hay một người Độc lập. Tôi viết với tư cách một người phụ nữ đã từng tự hào đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng hoà gần suốt đời mình. Tôi đã bỏ phiếu cho ông Ronald Reagan và ngưỡng mộ tín niệm của ông rằng “phẩm hạnh là điều thiết yếu”. Tôi từng tin vào trách nhiệm cá nhân, vào đức tin và tình yêu quê hương – và đảng Cộng hoà thuở ấy là hiện thân của những giá trị ấy. Tôi thậm chí đã ủng hộ ông George W. Bush trong cuộc kiểm phiếu hỗn loạn với những “lá phiếu đục lỗ” năm 2000 – không vì tôi cho rằng ông hoàn hảo, mà vì tôi tin ông sẽ lãnh đạo với sự tử tế và chính trực.
18/06/202509:53:00
Từ Tehran rực cháy đến Washington ồn ào, trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi đơn giản cho Washington đã thay đổi: không còn là dính líu bao nhiêu, mà là: tham chiến hay không?
18/06/202508:42:00
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hai phẩm chất này không liên hệ chút gì tới màu da, sắc tộc. Con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo, cũng hoàn toàn không phân biệt gì tới sắc tộc, màu da. Tu tập hàng ngày là phải viễn ly, buông bỏ, xa lìa tham sân si -- và như thế, cũng hoàn toàn không dính chút gì tới những bức tường biên giới hay các bãi mìn giữa các quốc gia tranh chấp.
16/06/202508:36:00
Hạnh phúc là những người cha biết tìm ra Phật pháp, tài sản quý nhất trong cõi này, để trao lại cho con mình. Cũng y hệt như ông trưởng giả trong Kinh Pháp Hoa, giấu viên ngọc trong góc áo của cậu con trai bụi đời. Và cũng hạnh phúc là những người con nhận ra rằng cha mình đã dạy cho con từ những ngày thơ ấu về niềm tin Tam Bảo, đã dạy cho con biết tin sâu vào nhân quả để không bao giờ dám làm ác, đã dạy cho con biết từ bi với người và yêu thương với đời, và đã dạy chữ cho con bằng cách đánh vần theo những dòng kinh để không bao giờ trôi lạc trong cõi này.
14/06/202511:57:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Đạo giấu kín ở chỗ có nói gì đâu, Đạo thánh nhân giấu kín trong chữ Vô vi, không thấy dấu vết nhưng người người đều chịu ơn. Trong sách này, ý chỉ đó được gọi là Tiếng Ấn Giấu – viết theo âm Hán-Việt là Tàng Thanh. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.