
Phán quyết từ Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 hôm thứ Năm 19/6 đã trao cho Donald Trump một chiến thắng pháp lý lớn. Tòa tuyên bố Trump đã hành động đúng luật khi liên bang hóa Lực lượng Vệ Binh Quốc Gia (VBQG) California mà không cần sự đồng ý của Thống Đốc Gavin Newsom. Cả ba chánh án ở San Francisco đều thống nhất phán quyết Trump sử dụng đúng thẩm quyền khi khai triển 4,000 lính Vệ Binh Quốc Gia California theo đạo luật từ trước tới nay chưa bao giờ được sử dụng mà không cần thống đốc tiểu bang đồng ý.
Cơ sở pháp lý và quyền hạn tổng thống
Tòa dựa vào điều khoản 10 U.S.C. § 12406, cho phép tổng thống được huy động VBQG trong trường hợp “bạo loạn, bạo lực trong nước, hoặc âm mưu gây rối” mà các cơ quan thực thi pháp luật tiểu bang không kiểm soát được.
Giáo sư Eric Merriam (ĐH Central Florida), một cựu chánh án quân sự, nhận định với tờ LATimes: “Từ nhiều thế kỷ nay, tòa án đã dành quyền tự do rất lớn cho tổng thống trong các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia. Không có lĩnh vực luật nào mà tổng thống được ưu ái nhiều như vậy.”
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, một tổng thống liên bang hóa Vệ Binh Quốc Gia của tiểu bang mà không có sự đồng ý của thống đốc. Nhưng đối với nhiều người, sự kiện này không chỉ là can thiệp vào California – mà là phép thử pháp lý và chính trị ở quy mô quốc gia: một phép thử hiến pháp và quyền lực liên bang. Cựu công tố viên liên bang Elie Honig bình luận trên NYTimes: “Đây là một phép thử – một thử nghiệm pháp lý cho hệ thống hiến pháp của chúng ta. Hỏi rằng ‘có được không?’ là chưa đủ. Chúng ta cần hỏi: ‘Có nên làm vậy không?’”
Đây không chỉ là một đợt triển khai quân sự — mà là phép thử hiến pháp. Chính quyền Trump đang thử xem quyền lực tổng thống có thể vượt qua chính quyền tiểu bang đến đâu?
Quyết định của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 cho thấy những giới hạn mong manh trong hiến pháp đã làm mờ ranh giới giữa quyền lực hành pháp và quyền tự trị tiểu bang. Nó cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu có còn chỗ đứng nào cho nguyên tắc tiểu bang?
Và thời đại Trump 2.0, cùng với những đồng minh, tay sai của Donald Trump trong Project 2025 đã nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng các luật lệ và tiền lệ của tòa để có được câu trả lời. Chính vì vậy, “chủ nghĩa Trump” đã được bơm kín, thậm chí đầy tràn vào chính quyền hiện tại. Project 2025 là một quá trình chuẩn bị trong bốn năm (thậm chí trước đó) Trump thua cuộc để tìm ra những kẽ hở, lằn ranh mong manh trong luật pháp, để họ có thể nhẹ nhàng dùng một cái “Fork On The Road” để mở ra, bơm vào đó quyền lực tối thượng của tổng thống.
Chính cá nhân của Donald Trump cũng học được rất nhiều trong bốn năm đầu “ngơ ngác” bước vào Tòa Bạch Ố và bốn năm thua cuộc sau đó. Trump đã từng hối hận vì không đưa quân đội vào các cuộc biểu tình nổ ra ở Minneapolis, Portland, Seattle và những nơi khác vào mùa Hè năm 2020, sau vụ giết George Floyd. Trong chiến dịch vận động tranh cử trước cuộc bầu cử năm 2024, Trump than thở rằng mình đã quá kiềm chế khi đối phó với các thành phố mà ông ta gọi là “ổ tội phạm” như Chicago và New York. Trump nói với các cử tri ở Iowa: “Bạn cần được thống đốc hoặc thị trưởng yêu cầu vào cuộc. Lần sau, tôi sẽ không chờ đợi.”
Nhiệm kỳ Trump 2.0 đã được lên kế hoạch, tổ chức, và thực hiện ở cấp độ cao, “hiệu quả” hơn nhiều so với bất kỳ điều gì đã thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Đó là Đạo Luật Chống Kẻ Thù Ngoại Bang (Alien Enemies Act) năm 1798 đã được hồi sinh. Đó là Trump liên bang hóa Vệ Binh Quốc Gia ở California theo đúng luật. Donald Trump đã ban lệnh khai triển quân đội theo sự bảo trợ của luật năm 1903 cho phép tổng thống, trong các tình huống “nổi loạn hoặc nguy cơ nổi loạn chống lại chính quyền của chính phủ Hoa Kỳ,” khai triển vệ binh với số lượng ông ta cho là cần thiết.
Đó là Bộ Tư Pháp của Trump đưa ra lập luận trong một số trường hợp, tòa án không có vai trò gì khi kiểm tra hoặc thậm chí xem xét hành động và thẩm quyền của tổng thống.
Hôm 18/6/2025, tại lễ khánh thành cột cờ mới trước White House, Donald Trump trả lời với truyền thông về ý tưởng dựng cờ: “Tôi đã bị săn đuổi, và bây giờ tôi là kẻ đi săn.” Câu trả lời ngỡ như ngu ngơ, nhưng nó lại chính là thời khắc Trump tuôn ra sự tức giận, hận thù ông ta giam giữ bấy lâu. Một trong những nỗi hận đó là thua cuộc trước Joe Biden. Bây giờ, Trump có thể làm tất cả để thỏa “nỗi nhục thế kỷ” đó.
Tận diệt nền dân chủ
Không khó khăn để hiểu mục tiêu của Donald Trump và các đồng minh trong chính quyền hiện tại: tận diệt nền dân chủ Hoa Kỳ. Khi Trump tái đắc cử, các tập đoàn lớn, các tỷ phú bỏ tiền vào buổi lễ nhậm chức và vinh dự đứng hàng đầu chính là đoạn “intro” cho bộ phim dài bốn năm về nước Mỹ. Chưa kể các tập đoàn truyền thông lớn nín lặng, khuất phục trong sợ hãi. Kế đó là hàng loạt hành động trừng phạt, trả thù những người bất đồng chính kiến, chọn những kẻ bất tài, nịnh hót vào nội các. Sử dụng lực lượng thực thi pháp luật, dùng lời hù dọa, tấn công cá nhân, để gieo rắc nỗi sợ hãi.
Đây chính là những gì đang diễn ra. Quốc Hội tê liệt. Lưỡng đảng hoàn toàn bất lực. Diễn tiến trong đất nước đến với người dân bằng các dòng chữ nhảy múa trên Truth Social Media. Những từ ngữ ngô nghê, cú pháp lạ lẫm lại trở thành một bản tin mà truyền thông chạy đua để đăng tải.
Đây chính là lý do tại sao chúng ta phải đối mặt với nhiều rủi ro như vậy, ngay lúc này. Đường phố nước Mỹ lại xuất hiện trên báo chí với những hình ảnh người bịt mặt, trang bị súng, áo giáp để rượt đuổi người, còng tay đè sát mặt đường, tống người vào xe. Ngọn hải đăng dân chủ với tượng Nữ Thần Tự Do kiêu hãnh nay trở thành một quốc gia bị thế giới cảnh báo “đừng đến du lịch.”
Quốc gia từng chìa tay ra cho thế giới kêu gọi “hãy đến đây, những con người mệt mỏi, nghèo khổ, những đám đông chen chúc khao khát tìm kiếm được tự do” nay lùng bắt di dân ngay trên đường phố, hoặc những nông trại xa thị thành. Đó là quyền hành pháp tối thượng hiến pháp trao cho một tổng thống và Donald Trump đã tận dụng rất tốt trong chính quyền này.
Phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã giúp Trump một vé đi tiếp trên con đường tận diệt nền dân chủ của quốc gia. Đây là một tiền lệ nguy hiểm để Trump có thể làm điều tương tự, áp đặt chính sách gây tranh cãi mà không cần qua quốc hội hay chính quyền tiểu bang. Sự chuyên quyền trong nước là những gì Trump đang theo đuổi, và những gì đang xảy ra trên đường phố Los Angeles chỉ là sự khởi đầu.
Đây cũng là một phép thử cho hệ thống Tư Pháp Mỹ: Sẽ giữ vững những ranh giới mờ nhạt để tiếp tục tạo cơ hội cho Project 2025 bẻ khóa, hay linh hoạt để thích nghi với thực tế chính trị mới.
Cuối giờ chiều hôm nay, nhà hoạt động Mahmoud Khalil, cựu sinh viên đại học Columbia University có thẻ xanh (green card) đã được phóng thích khỏi trung tâm Jena/LaSalle Detention Facility ở Jena, Louisiana, sau hơn ba tháng bị đặc vụ di trú bắt giam. Tiếp theo chắc chắn sẽ là một cuộc chiến khác giữa nhân quyền và chính quyền. Những lá cờ Mỹ tung bay trong cuộc biểu tình No Kings Day là biểu tượng cho cuộc đấu tranh với lòng tự hào và tình yêu đất nước trong trái tim, tình yêu thật sự mà không cần khẩu hiệu Make America Great Again. Dưới những lá cờ đó, và trước cột cờ vĩ đại vừa dựng lên trước Tòa Bạch Ốc, Donald Trump chỉ là một kẻ đi săn thất bại.
Kalynh Ngô