Tác giả: Paolina Milana - Đăng trên The Guardian, ngày 12 tháng 6 năm 2025
Tôi không viết bài này với tư cách một người Dân chủ hay một người Độc lập. Tôi viết với tư cách một người phụ nữ đã từng tự hào đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng hoà gần suốt đời mình.
Tôi đã bỏ phiếu cho ông Ronald Reagan và ngưỡng mộ tín niệm của ông rằng “phẩm hạnh là điều thiết yếu”. Tôi từng tin vào trách nhiệm cá nhân, vào đức tin và tình yêu quê hương – và đảng Cộng hoà thuở ấy là hiện thân của những giá trị ấy. Tôi thậm chí đã ủng hộ ông George W. Bush trong cuộc kiểm phiếu hỗn loạn với những “lá phiếu đục lỗ” năm 2000 – không vì tôi cho rằng ông hoàn hảo, mà vì tôi tin ông sẽ lãnh đạo với sự tử tế và chính trực.
Suốt nhiều năm, tôi đã thấy lòng mình lắng dịu khi chứng kiến những khoảnh khắc đoàn kết giữa các tổng thống – đương nhiệm và tiền nhiệm – đặc biệt là tình cảm chân thành giữa ông Bush và gia đình Obama. Khác chính đảng, khác lập trường, nhưng cùng một niềm tin vào dân chủ, vào việc phục vụ quốc gia, vào ba tiếng “chúng ta, nhân dân”.
Tinh thần ấy nay đã mất.
Tôi đoạn tuyệt với đảng Cộng hoà khi một kẻ bịp bợm bước chân vào Toà Bạch Ốc – và tệ hơn, khi đảng mà tôi từng tôn kính đứng nhìn mà không làm gì. Tôi sửng sốt chứng kiến các lãnh đạo đảng đánh đổi nguyên tắc để lấy quyền lực, vứt bỏ danh dự để được ảnh hưởng, và cam tâm đi theo một người xúi giục bạo lực, khinh thường luật pháp, coi thường Hiến pháp.
Đảng Cộng hoà của Abraham Lincoln đâu rồi? Đảng từng gìn giữ liên bang, từng đại diện cho sự thật, bổn phận và danh dự?
Tôi là con gái của những người di dân đã trốn chạy chế độ phát xít Benito Mussolini – một tên độc tài từng hứa hẹn sẽ “làm cho nước Ý vĩ đại trở lại”, đàn áp tiếng nói đối lập, truyền bá tuyên truyền và gieo rắc nỗi sợ. Gia đình tôi từng sống qua thời kỳ một nền dân chủ sụp đổ – không trong một ngày, mà qua những bước nhỏ, âm thầm, với sự đồng loã của đám đông. Những gì tôi đang chứng kiến tại Hoa Kỳ hôm nay khiến tôi rợn người.
Tôi hiện sống tại Los Angeles, nhìn thấy thêm nhiều nỗi kinh hoàng do một người mơ làm vua gây ra – một kẻ gán mọi phản đối là “giả tạo”, gọi giới phê bình là “phản quốc”, và không muốn lãnh đạo mà chỉ muốn cai trị. Và vẫn còn quá nhiều người tiếp tay cho ông ta.
Họ sẽ còn đi bao xa để giữ quyền lực?
Họ sẽ phản bội bao nhiêu lời thề?
Chối bỏ bao nhiêu sự thật?
Ân xá bao nhiêu tội phạm?
Họ sẽ phản bội bao nhiêu lời thề?
Chối bỏ bao nhiêu sự thật?
Ân xá bao nhiêu tội phạm?
Trong khi đó, các chương trình thiết yếu cho người lao động, cựu chiến binh và trẻ em đang bị cắt xén – còn giới tỷ phú thì hưởng thuế suất ưu đãi và các tập đoàn thì giành được những hợp đồng bí mật. Đây không còn là bất đồng chính sách. Đây là một nỗ lực có tổ chức nhằm gây chia rẽ và làm rối loạn đất nước.
Với tư cách một tín hữu Kitô giáo, tôi cũng phải nói ra một điều phản bội khác: sự lạm dụng đức tin một cách phạm thượng. Những hành động tàn ác khoác áo thánh kinh. Danh Chúa Giê-su – đấng rao giảng lòng thương xót, đức khiêm nhường và tình thương dành cho kẻ yếu – lại bị lợi dụng để biện minh cho lòng tham, thù hận và sự dối trá. Đó không phải là đạo Kitô. Đó không phải là đạo lý. Và chắc chắn không phải là nước Mỹ mà tôi tin tưởng.
Giữ im lặng không phải là can đảm. Tiếp tay cho quyền lực bị lạm dụng không phải là yêu nước. Và bỏ rơi Hiến pháp – cùng với lương tâm tập thể của chúng ta – để trung thành mù quáng với một cá nhân không phải là bảo thủ.
Tôi không rời bỏ đảng Cộng hoà một cách nhẹ nhàng. Tôi rời đi vì chính đảng ấy đã từ bỏ tôi. Đã từ bỏ những giá trị tôi từng trân quý. Đã trở nên không còn nhận ra được – không phải vì thay đổi cương lĩnh, mà vì sự suy đồi hoàn toàn về mặt đạo lý.
Tôi đã chờ đợi nhiều người Cộng hoà khác lên tiếng. Tự đứng ra. Nhớ lại họ từng là ai. Nhưng chỉ nghe được sự im lặng.
Đây không chỉ là một sự thức tỉnh cá nhân. Đây là một lời kêu gọi lương tâm – gửi đến mọi công dân, những ai trong thâm tâm biết rằng điều gì đó đang trật đường ray nghiêm trọng.
Vì nếu ta thực sự tin rằng phẩm hạnh là quan trọng – nếu ta chọn dân chủ thay vì độc tài – thì ta phải cất tiếng nói. Trước khi ta không còn quyền được nói nữa.
Ngay cả lúc này – nhất là lúc này – tôi vẫn tin nước Mỹ còn có thể được cứu. Nhưng không phải bằng cách giả vờ rằng mọi thứ vẫn bình thường.
— Dịch từ bài gốc “I was a Republican – the party I believed in no longer exists” đăng trên The Guardian, 12/6/2025 – Tác giả: Paolina Milana
Gửi ý kiến của bạn