“Ngày 21/9/1945…Đó là đêm tôi đã chết.”
Seita đứng đó, trong một góc của nhà ga xe lửa ở Kobe, Nhật Bản. Cậu thấy mình ngồi gục đầu. Đói. Mệt. Mồ côi và đơn độc. Cậu đã mất gia đình, nhà cửa trong trận bom của Mỹ thả xuống thành phố Kobe. Cuối cùng cậu đã phải khuất phục trước cái đói. Seita từ từ nhắm mắt. Tay Seita vẫn ôm chặt tài sản duy nhất của mình, hộp kẹo nhỏ mà Setsuko, cô em gái bốn tuổi, người thân duy nhất còn lại của Seita, rất yêu thích.
Người ta phát hiện Seita nằm đó. Họ mang cậu đi, giằng lấy hộp kẹo trong tay vứt ra ngoài đồng. Chiếc hộp nằm lăn lóc. Nắp hộp mở bung. Một làn khói sáng lóe bởi ánh sáng của những con đom đóm vây quanh. Setsuko trở về. Cô bé với mái tóc ngắn ôm trọn khuôn mặt bầu bĩnh, cười rạng rỡ khi thấy anh Seita đứng cạnh. Hai anh em bước đi trong ánh sáng dẫn đường của những con đom đóm, bắt đầu một kiếp khác.
Câu chuyện của hai anh em Seita, 14 tuổi và Setsuko, 4 tuổi, trong “Grave of the Fireflies” – Mộ Đom Đóm, cuốn phim hoạt hình Nhật Bản năm 1988 của đạo diễn Isao Takahata, dựa theo truyện ngắn thể loại bán tự truyện của Akiyuki Nosaka ấn bản năm 1967, đi sâu vào sự bi thảm trong những tháng cuối cùng của Đệ Nhị Thế Chiến ở Nhật Bản.
Hơn nửa thế kỷ sau, sự thống khổ trong chiến tranh đang cựa mình sống dậy.
Khi thế giới hướng ánh mắt về hai cuộc chiến kéo dài – một tại Gaza, một ở Ukraine – cái giá phải trả không chỉ đo bằng hậu quả địa chính trị hay sự thay đổi lãnh thổ, mà là những cuộc đời tan vỡ. Ở Gaza, trẻ em đang chết với tốc độ mà các tổ chức quốc tế gọi là “chưa từng thấy trong chiến tranh hiện đại”. Tại Ukraine, chiến trường trở thành thế bế tắc ảm đạm, được duy trì nhờ viện trợ nước ngoài và sự quan tâm dần phai nhạt.
Gaza: Nơi tuổi thơ hấp hối
Cuộc chiến tại Gaza, nay đã bước sang tháng thứ chín, đã biến phần lớn vùng đất nhỏ bé này thành một “vùng tử địa” cho trẻ em, theo lời các cơ quan Liên Hợp Quốc. Kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự trả đũa sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, Bộ Y Tế Gaza báo có hơn 50.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có ít nhất 15.600 trẻ em, chiếm khoảng 31% tổng số nạn nhân, theo thống kê từ United Nations.
Trong những tháng gần đây, khủng hoảng nhân đạo càng trở nên khốc liệt. Con số từ Unicef cho biết từ ngày 18 đến 28/3/2025, các cuộc không kích của Israel đã giết chết 322 trẻ em và làm bị thương hơn 600 em, trung bình 100 trẻ em thương vong mỗi ngày. Ở phía Bắc Gaza, hiện có 10.000 trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính, với 1.600 em trong tình trạng nguy kịch, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới. Ít nhất 58 trẻ em vì đói mà đã chết.
Tổ chức Save the Children báo cáo từ tháng 10/2023 đến tháng 8/2024, có 11.300 trẻ em tử vong, trong đó 30% dưới 5 tuổi, bao gồm 710 trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi. Hơn 270 trẻ chào đời trong thời gian chiến tranh và đã chết trước khi biết đến thế giới bên ngoài. Trong mùa đông khắc nghiệt đầu năm 2025, tám trẻ sơ sinh chết vì hạ thân nhiệt, cùng với 74 trẻ em khác chết rét trong các trại tị nạn che phủ bằng bạt và vải không có cách nhiệt hay sưởi ấm.
Giám đốc điều hành UNICEF, bà Catherine Russell nói hồi tháng 4/2025:“Dải Gaza hiện là nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với một đứa trẻ. Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, mà là sự sụp đổ của nhân tính.”
Với những đứa trẻ may mắn sống sót, thì tuổi thơ và tương lai của họ cũng không còn. Hàng trăm trường học và bệnh viện bị phá hủy. Hơn 1 triệu trẻ em đã phải rời bỏ nhà cửa, mất gia đình. Vào ngày 25/5 vừa qua, một cuộc không kích của Israel đánh thẳng vào trường Fahmi al-Jarjawi ở Gaza, giết chết 18 trẻ em trong tổng số 36 người thiệt mạng.
Dù cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi ngừng bắn, Israel vẫn tuyên bố phải tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Trong khi đó, Hamas tiếp tục giữ con tin và yêu cầu Israel rút quân toàn diện khỏi Gaza. Giữa vòng xoáy đó, trẻ em tiếp tục chết từng ngày, từng giờ.
Ukraine, cuộc chiến bế tắc
Tại Ukraine, chiến sự giờ đây là một cuộc chiến tiêu hao không hồi kết. Hơn ba năm sau cuộc xâm lược toàn diện phi quân sự, phi nhân tính của Putin, chiến sự gần như không thay đổi. Donbas vẫn bị tranh chấp dữ dội. Nga kiểm soát phần lớn miền Nam Ukraine, trong khi các chiến dịch phản công của Kyiv đang chậm lại do thiếu hụt vũ khí và nhân lực.
Cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul hồi đầu tháng 6 đã đạt thỏa thuận trao trả tù binh và thi thể, nhưng bế tắc sâu sắc vẫn tồn tại khi Nga yêu cầu vùng lãnh thổ mới, trong khi Ukraine đòi ngừng bắn ít nhất 30 ngày.
Hơn 6 triệu người Ukraine vẫn đang sống trong cảnh ly tán. Thành phố Kharkiv, Zaporizhzhia và nhiều khu vực dân cư tiếp tục bị tấn công bằng drone và tên lửa. Kinh tế suy kiệt, tinh thần nhân dân rệu rã, sẽ thêm nhiều “người nằm co như loài thú khi mùa Đông” về tiếp theo. Các con đường, tòa nhà trên khắp đất nước Ukraine không thể biết có còn tồn tại đến bình minh hay không. Hay trên những con đường đó, sau mỗi tiếng còi báo động, là những hình ảnh “nằm yên không kêu than chết trên căn phần.”
Gãy vỡ và im lặng
Cả hai cuộc chiến đều đã trở thành biểu tượng của một trật tự toàn cầu đang lung lay. Hoa Kỳ, dưới chính quyền của Donald Trump, đã thẳng thừng quay mặt với Ukraine. Nhưng ngược lại, cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel để thôn tính Gaza. Ở Nam bán cầu, nhiều quốc gia như Brazil, Nam Phi, và Indonesia công khai cáo buộc phương Tây có “tiêu chuẩn kép” khi thương tiếc cho người Ukraine, nhưng lại thờ ơ trước cảnh trẻ em Palestine chết hàng loạt.
Lực lượng Israel và máy bay không người lái đã tấn công vào hàng trăm người đang chờ xe cứu trợ ở trung tâm Gaza vào sáng sớm thứ Ba 24/6, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. AP tường thuật ở bệnh viện Awda tại trại tị nạn Nuseirat ở thành phố, nơi tiếp nhận các nạn nhân, người Palestine đang chờ xe tải cứu trợ y tế trên đường Salah al-Din ở phía Nam Wadi Gaza. Nhưng súng đã nổ khi họ chưa kịp đến gần chiếc xe chở hy vọng cứu sống họ.
Những ngày cuối tháng 5/2025, từ Dải Gaza, Reuters tường thuật đoạn phim Mahmoud al-Haw, 39 tuổi, cha của bốn đứa con nhỏ, và những người Palestine khác tụ tập quanh một bếp ăn từ thiện ở một vùng bị chiến tranh tàn phá. Họ chen chúc về phía trước, điên cuồng vung vẩy những cái nồi trống rỗng. Gần đó là những thiếu niên tuổi đang lớn đang cố sứ dùng tay vét những mảng thức ăn còn sót lại bám trong cái thùng lớn. Những đứa trẻ nhỏ nhỏ, còm cõi, không đủ sức chen lấn nên bị đè bẹp ở phía trước, khóc òa. Một đứa giơ một cái chậu nhựa lên với hy vọng có được một vài muỗng súp. Ông Haw gắng sức chen vào đám đông cho đến khi nhận được phần của mình.
“Tôi có một đứa con gái đang bệnh nặng. Tôi không thể làm gì để cứu con. Không có bánh mì, không có gì cả,” Haw nói, Reuters thuật lại.
Unicef đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của các hệ thống nước ở Gaza đang đe dọa vùng lãnh thổ này bằng nạn hạn hán tàn khốc cũng như nạn đói. Israel đã chặn đứng nguồn cung cấp y tế, thực phẩm và nhiên liệu vào Gaza kể từ đầu tháng 3, khiến các chuyên gia quốc tế cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra ở vùng đất bị bao vây này, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine.
Ở Ukraine, chiến tranh cướp đi tương lai của nhiều thế hệ. Chiến tranh ở Gaza đang giết chết tuổi thơ trong những căn hầm đổ nát. Một thế hệ trẻ em đang lớn lên giữa đống đổ nát hoang tàn, chấn thương và tình trạng vô quốc tịch. Lịch sử thế giới vẫn còn in rõ những vết sẹo chiến tranh để lại dù qua nhiều thập kỷ. Hậu quả của những lần chạy loạn, mất nhà, mất quốc gia, mất nguồn gốc. Ai từng đi qua chiến tranh mà có thể quên?
Giữa những điều thống khổ ấy, lại là trò chơi quyền lực của các quốc gia độc tài, chủ nghĩa phát xít và thể chế thần quyền. Dù cách xa nhau về địa lý, cả hai cuộc chiến giờ đây phản ánh một thực tế chung: sự đau khổ của người dân thường không còn là thiệt hại phụ, mà là trung tâm của mọi thứ. Đây không còn chỉ là những cuộc chiến giữa các quốc gia hay các nhóm vũ trang. Chúng là những cuộc chiến về tương lai của nhân loại, và liệu sự im lặng của chúng ta hôm nay có phải là thứ sẽ định hình nỗi đau của ngày mai?
Hiện tại, súng vẫn tiếp tục nổ, máy bay không người lái vẫn tiếp tục kêu vo ve và thường dân ở cả hai khu vực vẫn tiếp tục phải trả giá đắt nhất. Hình ảnh những đứa trẻ Palestine đen đúa, ánh mắt to tròn, thèm khát, đang vét lấy vét để những muỗng súp cuối cùng, chính là phiên tòa xét xử cho những bên tham chiến.
Những ánh mắt đó là ánh mắt Setsuko bé nhỏ trong cơn mê sảng, khi cầm viên đá mà ngỡ sushi, kiệt sức dần vì suy dinh dưỡng và đói khát. Món ăn cuối cùng Setsuko được ăn là miếng dưa dấu mà anh trai Seita đi nhặt về giữa lúc bom rơi. Khi người ta chạy vào hầm tránh bom đạn, Seita chạy ra khỏi hang núi để gom thức ăn về cho em.
Nhưng khi về đến nơi, Setsuko không thức dậy nữa.
---
Ảnh:
Setsuko-Seita: Hai anh em mồ côi Seita và Setsuko trong lúc chạy giặc, bắt đom đóm làm đèn.
Gửi ý kiến của bạn