
TEHRAN, IRAN - NGÀY 16 THÁNG 6: Khói bốc lên sau một cuộc tấn công của Israel vào một tòa nhà do Mạng lưới Tin tức Cộng hòa Hồi giáo Iran, một phần của đài truyền hình nhà nước Iran, sử dụng, vào ngày 16 tháng 6 năm 2025 tại Tehran, Iran. (Ảnh của Stringer/Getty Images)
"Hiến pháp Hoa Kỳ đã viết rõ. Không hề mập mờ:
Quyết định chiến tranh thuộc về tay Quốc hội, không phải Tổng thống.
Ông Trump không được phép hành động phi pháp để tấn công Iran."
— TNS Bernie Sanders (I-Vt.) trên mạng xã hội.
Từ Tehran rực cháy đến Washington ồn ào, trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi cốt lõi cho Washington đã thay đổi: không còn là Hoa Kỳ can dự bao nhiêu, mà là: chiến hay không chiến?
Thứ Sáu, Israel ra tay trước. Chiến dịch “Sư Tử Vùng Lên” đánh thẳng vào các cứ điểm hạt nhân Iran. Tehran phản pháo bằng loạt tên lửa – có cả Fattah-1 siêu thanh. Israel nói đã phá hủy hơn một phần ba bệ phóng của Iran. Thiệt hại phía dân sự chưa rõ. Nhưng khói đã bốc lên tận trần nghị trường.
Trump nói “không tham chiến.” Nhưng máy bay, tàu chiến Mỹ đã vào vị trí. Tình báo được chia sẻ. Phòng thủ được kích hoạt. Cố vấn bận rộn. Netanyahu gọi. Trump nghe. Ban đầu dè dặt. Sau oanh tạc thành công, Trump đổi giọng: “Iran nên được di tản toàn bộ — ngay lập tức.”
Trong nước, MAGA chia phe như nội chiến. Carlson và Bannon kêu gọi kiềm chế. Hannity và Graham đòi “xóa sổ.” Greene cảnh báo phản bội khẩu hiệu “Nước Mỹ Trên Hết.” Trump – như mọi khi – ở giữa, nghiêng bên này, chông bên kia.
Ngày 16 tháng 6, Sanders trình dự luật "Không Chiến Tranh Với Iran", buộc Tổng thống phải xin phép Quốc hội trước khi nổ súng.
Cùng lúc, Bộ trưởng Quốc phòng tăng cường lực lượng. Trump viết trên mạng: “Chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn bầu trời Iran.” Chữ “chúng ta” khiến cả thế giới rùng mình.
Huckabee sánh Trump với Truman. Vụ ám sát hụt năm ngoái – theo ông – là dấu hiệu trời chọn. Trách nhiệm của ông nay là “giải quyết xong mọi chuyện.” So sánh đó không làm người ta yên tâm. Truman thả bom nguyên tử.
Tình báo Mỹ nói: Iran chưa tái khởi động chương trình hạt nhân. Trump nói: “Tôi không quan tâm. Tôi tin họ gần xong rồi.”
Thế giới thì nín thở. Guterres cầu xin kiềm chế. Châu Âu lo Mỹ nhập cuộc. Bắc Kinh đề nghị làm trung gian. Vùng Vịnh – nửa ủng hộ, nửa e dè. Đồng minh cũng chẳng biết Mỹ đang tính gì.
Và thế là, nước Mỹ lại đứng trước một quyết định quen thuộc: Bước vào – hay bước lùi?
Tổng thống Dwight D. Eisenhower từng nói: "Mỗi khẩu súng, mỗi tàu chiến, mỗi viên đạn – là trộm cắp từ người đói và người rét."
Câu hỏi hôm nay không chỉ là: Ai nổ súng trước? Mà là: Ai có can đảm buông tay trước khi quá muộn?
Nguyên Yên
Nguồn: NPR, Reuters, AP, The Guardian, TIME, The Atlantic, Al Jazeera, Fox News, CNN, UN News, DW, South China Morning Post
Gửi ý kiến của bạn