Hôm nay,  

Đọc Ngô Thì Nhậm: Thần Thông và Tu Tâm

26/06/202509:16:00(Xem: 294)
blank 

Đọc Ngô Thì Nhậm: Thần Thông và Tu Tâm
 

Nguyên Giác
 

Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Lấy tu tâm làm chính, không bận tâm và không để mất thì giờ với chuyện thần thông. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.

Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư, và được nhiều vị sư tôn vinh là vị Tổ Thứ Tư của Dòng Thiền Trúc Lâm. Tất cả các vị sư khác trong sách đều nói trong tông phong này.  Nơi đây, chúng ta trích các đoạn đầu trang 373, nguyên văn như sau:

 blank

(Hải Lượng Đại thiền sư)

Hải Lượng Đại thiền sư nói rằng:

- Nước Nam cao tăng rất nhiều, danh Nho cũng rất nhiều. Nhưng các cao tăng thường thích làm những việc quái dị, bí hiểm, như bọn Không Lộ, Đại Điên, Đạo Hạnh, Vạn Hạnh, pháp thuật rất cao, nay còn truyền lại những việc như vết sét đánh ở cây gạo, dấu chân in ở đỉnh hang Sài Sơn, đều do các sư tự làm ra. Việc đó giống hệt với việc tượng đá Liễu Thăng dựng ngược ở Quỷ Môn Quan (*) là do Tiền triểu muốn dựng tượng vũ công mà làm ra.

Cái vạc Phổ Minh, cái tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm, cái chuông Phả Lại (**), đều là như thế cả. Những việc như thế, các bậc chân tu không làm. Chân tu như Trúc Lâm Tam tổ chưa hề làm điều gì quái gở truyền lại đời sau. Cho nên tu pháp không bằng tu đạo, tu thân không bằng tu tâm. Tu đạo tu tâm, nhà Nho gọi là "Tàng tu" (Tu giấu kín).” (hết trích)
 

Hai chỗ ghi chú nơi Quỷ Môn Quan và chuông Phả Lại là:

(*). Tương truyền ở Quỷ Môn Quan (Lạng Sơn) có tượng đá hình Liễu Thăng bị chém dựng ngược.

(**). Vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm, chuông Phả Lại: Gọi là An Nam tứ khí, nghĩa là "Bốn vật báu của nước Nam."
 

Bốn vị sư Không Lộ, Đại Điên, Đạo Hạnh, Vạn Hạnh đều là những vị sư có thần thông, làm nhiều điều khác thường, trái nghịch với các định luật vật lý mà chúng ta học trong sách khoa học và trong lẽ thường của nhân gian. Thực tế, chúng ta nhìn từ Nam ra Bắc, gần như nơi nào cũng nghe chuyện kỳ bí. Thậm chí, bạn có thể thấy các đền Tứ Phủ, các chuyện hầu đồng cầm kiếm xiên lình, đâm dao xuyên da thịt mà không chảy máu, hay chuyện bước đi trên than hồng mà không phỏng chân. Hay những trường hợp mượn chuyện kỳ bí để dạy đạo lý nhân quả, như các chuyện du ký địa ngục. Nghĩa là, với nhiều người, tôn giáo phải là thần thông, là chuyện khác đời thường.
 

Thực tế không phải như vậy. Các nhà sư trong sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh đã bác bỏ, nói rằng tu theo pháp luyện thần thông là sai lầm, là chưa hiểu đạo Phật.
 

Chúng ta thử suy nghĩ, nếu bạn có thần thông. Thí dụ, bạn đi xuyên qua tường nhà người khác, hay bạn bay lên mây. Bạn có thể dễ dàng khởi tâm, hoặc người khác nhìn thấy cũng sẽ dễ dàng khởi tâm, rằng có một tự ngã nào biết thần thông, siêu đẳng hơn những tự ngã khác. Không phải ai cũng chệch hướng tự cao hay thần thánh hóa người khác như thế, nhưng hiểm nguy đó là có. Tương tự, giả sử rằng bạn có tha tâm thông, bạn biết những người chung quanh suy nghĩ những gì. Than ôi, cuộc đời đâu còn vui nữa, bởi vì bạn sẽ đọc ra những rừng tham sân si trong tâm của người đối diện.
 

Trong Kinh DN 11, Đức Phật nói với cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha:

"Kevaddha, Ta không dạy cho các Tỷ-kheo pháp này: “Này các Tỷ-kheo các Ngươi hãy thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa cho các cư sĩ áo trắng”...

... Này Kevaddha, có ba pháp thần thông này Ta đã tự mình giác ngộ và tuyên thuyết. Thế nào là ba? Tức là biến hóa thần thông, tha tâm thần thông, giáo hóa thần thông....

... - Này Kevaddha chính vì ta thấy sự nguy hiểm trong sự biến hóa thần thông mà ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ biến hóa thần thông....

...  Này Kevaddha chính Ta thấy sự nguy hiểm trong sự tha tâm thần thông mà Ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ tha tâm thần thông. Này Kevaddha, thế nào là giáo hóa thần thông? Ở đời có Tỷ-kheo giáo hóa như sau: “Hãy suy tư như thế này, chớ có suy tư như thế kia; hãy tác ý như thế này, chớ có tác ý như thế kia; hãy trừ bỏ điều này, hãy chứng đạt và an trú điều kia”. Này Kevaddha, như vậy gọi là giáo hóa thần thông.” (hết trích)
 

Như thế, Đức Phật chỉ khuyến tấn giáo hóa thần thông. Nếu bạn khuyên được người khác làm theo lời Phật dạy, đó là giáo hóa thần thông. Tuyệt vời vô cùng, vì lời khuyên đó sẽ giúp người khác tu giải thoát.
 

Tương tự, trong Kinh DA 24, Đức Phật dạy, theo bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:
 

Phật nói với Kiên Cố: “Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.”..." (hết trích)
 

Thần thông trong Thiền Tông là gì? Đó là sống đời hàng ngày, chẻ củi, gánh nước mà thuận theo tự tánh, không còn dấy lên chút tâm tham sân si nào nữa. Một điển hình là Cư Sĩ Bàng Long Uẩn (740-808), một cư sĩ Thiền tông, ngộ đạo nổi tiếng trong Phật giáo thời nhà Đường, đời thứ ba sau Lục Tổ Huệ Năng.
 

Thầy Thanh Từ ghi lại trong sách Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng, tập 1, trích:

"Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785 TL), ông đến yết kiến Hòa thượng Thạch Đầu, hỏi:

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Thạch Đầu lấy tay bụm miệng ông. Ông bỗng nhiên tỉnh ngộ....

... Một hôm Thạch Đầu hỏi:

- Từ ngày thấy Lão tăng đến nay, hằng ngày ông làm việc gì?

Ông thưa:

- Nếu hỏi việc làm hằng ngày tức không có chỗ mở miệng.

Ông liền trình một bài kệ:

Hằng ngày không việc khác,

Chỉ tôi tự biết hay.

Vật vật chẳng bỏ lấy,

Chỗ chỗ nào trái bày.

Đỏ tía gì làm hiệu,

Núi gò bặt trần ai.

Thần thông cùng diệu dụng,

Gánh nước bửa củi tài." (ngưng trích)

 

Trước tiên, chúng ta lặp lại câu hỏi của ngài Thạch Đầu: Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì? Than ôi, câu này hay vô cùng. Vậy thì, “muôn pháp” là gì?
 

Kinh SN 35.23, còn gọi là Kinh Tất Cả, bản dịch Thầy Minh Châu như sau:
 

Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.

Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!” (hết trích)
 

Khi người tu không còn làm bạn với, không còn lân la với, không còn dính chút gì với mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, ý và cái được suy nghĩ tư lường... thì đã tự bước ra khỏi ba cõi sáu đường rồi. Đó là giải thoát. 
 

Đó cũng là ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh khi người tu thấy tất cả các pháp đều không có tự tánh. Bát Nhã Tâm Kinh viết về chẳng cùng muôn pháp làm bạn là, trích:
 

"Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt." (ngưng trích)
 

Như thế, đối với tất cả các pháp, ngài Bàng Uẩn không buông bỏ, mà cũng không nắm giữ hay dính vào. Và như thế, chẻ củi, gánh nước đều là thần thông.

Đó cũng là tông chỉ của Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh vậy.
 

THAM KHẢO:

. Kinh DN 11, Đức Phật không dạy thần thông. Bản dịch Thầy Minh Châu:

https://suttacentral.net/dn11/vi/minh_chau

. Kinh DA 24: Phật nói, chỉ dạy trầm tư về đạo. Bản dịch Thầy Tuệ Sỹ:

https://suttacentral.net/da24/vi/tue_sy

. Cư sĩ Bàng Long Uẩn. Bản dịch Thầy Thanh Từ:

http://thuongchieu.net/index.php/phapthoai/suphu/4782-banguan

. Kinh SN 35.23. Kinh tất cả. Bản dịch Thầy Minh Châu:

https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau

 

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
27/06/202500:00:00
Seita đứng đó, trong một góc của nhà ga xe lửa ở Kobe, Nhật Bản. Cậu thấy mình ngồi gục đầu. Đói. Mệt. Mồ côi và đơn độc. Cậu đã mất gia đình, nhà cửa trong trận bom của Mỹ thả xuống thành phố Kobe. Cuối cùng cậu đã phải khuất phục trước cái đói. Seita từ từ nhắm mắt. Tay Seita vẫn ôm chặt tài sản duy nhất của mình, hộp kẹo nhỏ mà Setsuko, cô em gái bốn tuổi, người thân duy nhất còn lại của Seita, rất yêu thích.
23/06/202509:51:00
Đức Phật có dạy pháp phóng sinh hay không? Trong rất nhiều kinh, Đức Phật đã dạy là hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào. Lời dạy đó cũng có thể hiểu là dạy phóng sinh. Đức Phật cũng đã quy định nhập hạ ba tháng mỗi năm trong mùa mưa để tránh giẫm đạp, vô ý sát sinh các loài côn trùng và mầm non cây trồng. Sau đây, chúng ta dò lại một số lời Đức Phật dạy rằng hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào.
21/06/202511:09:00
một số hành động cụ thể cần được thực hiện: • Liên lạc với các đại diện Quốc hội để yêu cầu họ lên án việc bố trí quân đội tại các cộng đồng dân sự. • Tham gia mạng lưới phản ứng nhanh trong cộng đồng để bảo vệ các gia đình phải đối mặt với các cuộc đột kích trục xuất. • Tham dự các cuộc họp cộng đồng để phối hợp các nỗ lực kháng cự tại địa phương và hỗ trợ lẫn nhau. • Tham gia các cuộc biểu tình và tập hợp quần chúng. • Tham gia các chi nhánh PIVOT địa phương hoặc bắt đầu một chi nhánh để tổ chức cộng đồng. • Nói chuyện với các phần tử trong gia đình về những sự kiện đang xảy ra và sự quan trọng của chúng. Chia sẻ tuyên bố này cùng người quen biết và cùng ba người bạn cam kết hành động.
20/06/202519:44:00
Phán quyết hôm nay của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã giúp Trump một vé đi tiếp trên con đường tận diệt nền dân chủ của quốc gia. Đây là một tiền lệ nguy hiểm để Trump có thể làm điều tương tự, áp đặt chính sách gây tranh cãi mà không cần qua quốc hội hay chính quyền tiểu bang. Sự chuyên quyền trong nước là những gì Trump đang theo đuổi, và những gì đang xảy ra trên đường phố Los Angeles chỉ là sự khởi đầu.
20/06/202500:00:00
Tôi không viết bài này với tư cách một người Dân chủ hay một người Độc lập. Tôi viết với tư cách một người phụ nữ đã từng tự hào đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng hoà gần suốt đời mình. Tôi đã bỏ phiếu cho ông Ronald Reagan và ngưỡng mộ tín niệm của ông rằng “phẩm hạnh là điều thiết yếu”. Tôi từng tin vào trách nhiệm cá nhân, vào đức tin và tình yêu quê hương – và đảng Cộng hoà thuở ấy là hiện thân của những giá trị ấy. Tôi thậm chí đã ủng hộ ông George W. Bush trong cuộc kiểm phiếu hỗn loạn với những “lá phiếu đục lỗ” năm 2000 – không vì tôi cho rằng ông hoàn hảo, mà vì tôi tin ông sẽ lãnh đạo với sự tử tế và chính trực.
18/06/202509:53:00
Từ Tehran rực cháy đến Washington ồn ào, trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi đơn giản cho Washington đã thay đổi: không còn là dính líu bao nhiêu, mà là: tham chiến hay không?
18/06/202508:42:00
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hai phẩm chất này không liên hệ chút gì tới màu da, sắc tộc. Con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo, cũng hoàn toàn không phân biệt gì tới sắc tộc, màu da. Tu tập hàng ngày là phải viễn ly, buông bỏ, xa lìa tham sân si -- và như thế, cũng hoàn toàn không dính chút gì tới những bức tường biên giới hay các bãi mìn giữa các quốc gia tranh chấp.
16/06/202508:36:00
Hạnh phúc là những người cha biết tìm ra Phật pháp, tài sản quý nhất trong cõi này, để trao lại cho con mình. Cũng y hệt như ông trưởng giả trong Kinh Pháp Hoa, giấu viên ngọc trong góc áo của cậu con trai bụi đời. Và cũng hạnh phúc là những người con nhận ra rằng cha mình đã dạy cho con từ những ngày thơ ấu về niềm tin Tam Bảo, đã dạy cho con biết tin sâu vào nhân quả để không bao giờ dám làm ác, đã dạy cho con biết từ bi với người và yêu thương với đời, và đã dạy chữ cho con bằng cách đánh vần theo những dòng kinh để không bao giờ trôi lạc trong cõi này.
14/06/202511:57:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Đạo giấu kín ở chỗ có nói gì đâu, Đạo thánh nhân giấu kín trong chữ Vô vi, không thấy dấu vết nhưng người người đều chịu ơn. Trong sách này, ý chỉ đó được gọi là Tiếng Ấn Giấu – viết theo âm Hán-Việt là Tàng Thanh. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
13/06/202511:44:00
Vào Thứ Bảy này, thủ đô Washington D.C. sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để mừng 250 năm ngày thành lập Lục Quân Hoa Kỳ – trùng đúng ngày sinh nhật lần thứ 79 của tổng thống Donald Trump. Nhưng không chỉ có xe tăng, quân nhạc và pháo hoa, cùng lúc đó sẽ có hàng ngàn cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ, với một thông điệp rất rõ ràng: "Chúng tôi không muốn một vị vua." Nếu có ý định tham dự cuộc biểu tình No Kings một cách hiệu quả và an toàn, bạn đọc nên ghi danh tham gia tại trang chính thức của chiến dịch biểu tình hoặc qua các tổ chức vận động tại địa phương. Trang chính của No Kings: truy cập NoKings.org, vào mục Attend (tham dự) hoặc Find an event near you (tìm một cuộc biểu tình gần bạn) để xem danh sách sự kiện theo từng khu vực. Trang này cung cấp bản đồ tương tác giúp bạn chọn và ghi danh rõ địa điểm mình muốn tham gia. Và nhớ rằng biểu tình ôn hoà ở nơi công cộng (đường phố, vỉa hè, công viên) là quyền được Tu Chính án thứ nhất bảo vệ.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.