Hôm nay,  

Tổng thống Donald Trump và ngày 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và kỷ nguyên mới

30/04/202520:43:00(Xem: 1045)

 

 

BuiVanPhu_2025_0428_TTTrump304TBTToLam_H01_TraiCaiTao_VSAUCB
H01: Sinh viên Đại học U.C. Berkeley dựng lại cảnh thăm nuôi tù cải tạo trong văn nghệ tháng 4/2008 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Ngày 30 tháng Tư năm 2025 ghi dấu 50 năm ngày Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, sau 20 năm yểm trợ, trong đó có 8 năm đưa quân vào trực tiếp tham chiến, từ 1965 đến 1973, và có lúc đã có hơn nửa triệu lính Mỹ hiện diện tại miền Nam để giúp Việt Nam Cộng hòa chống lại sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản trong vùng Đông Nam Á.

 

Hoa Kỳ, với 58.000 binh sĩ hy sinh và cả trăm tỷ đô la, đã thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Nam Việt Nam.

 

Sự kiện chính quyền Sài Gòn đầu hàng ngày 30/4/1975, sau đó Hà Nội thống nhất hai miền Nam, Bắc vào năm 1976, được lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam xem như chiến thắng vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm.

 

Hai mươi năm sau, tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton quyết định bang giao với Hà Nội, vì thế năm nay cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

BuiVanPhu_2025_0428_TTTrump304TBTToLam_H02_TuongDaiThuyenNhan
H02: Đài tưởng niệm thuyền nhân vượt biển ở Quận Cam, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Trong ba thập niên qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam hàng trăm triệu đô la qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Hòa bình Hoa Kỳ (U.S. Institute of Peace) trong các dự án nhân đạo. Hoa Kỳ cũng đã cấp cho Việt Nam những tàu tuần duyên và Hà Nội cho các tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam.

 

Tháng 9 năm 2023, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, quan hệ Mỹ-Việt đã được nâng lên tầm cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện.

 

Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt mức gần 150 tỷ đô la trong năm 2024, theo số liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, với hàng Việt Nam vào Mỹ đạt 136,6 tỷ, hàng Mỹ vào Việt Nam 13,1 tỷ, như thế cán cân thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Việt Nam là 123,5 tỷ đô la.

 

Quan hệ Mỹ-Việt đang trên đà phát triển dựa trên lợi ích chung và lòng tin giữa lãnh đạo hai nước.

 

Nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1/2025, quan hệ Mỹ-Việt đã gặp nhiều trở ngại.

 

Việc cắt ngân sách dành cho USAID và giải tán U.S. Institute of Peace khiến cho nhiều chương trình của hai tổ chức này phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.

 

Về trao đổi thương mại, Trump cho áp dụng mức thuế nhập khẩu hàng Việt vào Mỹ là 46%, khiến chính quyền Việt Nam choáng váng, dù hiện chính sách này đang được tạm hoãn.

 

Hà Nội nhanh chóng đề nghị đưa mức thuế của Việt Nam áp dụng cho hàng Mỹ nhập khẩu xuống 0%. Hôm 7/4, phát biểu trên truyền hình CNBC, cố vấn thương mại của Trump, ông Peter Navarro, nói rằng việc hạ thuế xuống 0% là không đủ để thay đổi mức thuế 46% cho hàng Việt, chính yếu là vì Việt Nam đã trở thành sân sau cho hàng Trung Quốc vào Mỹ, vì vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ và thuế giá trị gia tăng.

 

Có thể Trump đã nhìn Việt Nam như là sân sau, là ao nhà của Trung Quốc nên đã chỉ thị cho giới chức ngoại giao Mỹ tại Hà Nội không được tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày người Mỹ rút lui khỏi Việt Nam.

 

Nhiều người chỉ trích Trump với quyết định đó, cho rằng nó cản trở tiến trình hòa giải giữa hai cựu thù đã được bắt đầu từ nhiều năm nay.

 

Sau khi mở ra bang giao, lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những chuyến thăm qua lại: Bill Clinton năm 2000, George W. Bush (con) năm 2008, Barack Obama năm 2016, Donald Trump năm 2017, Joe Biden năm 2023.

 

Lãnh đạo Việt Nam cũng đã thăm chính thức Hoa Kỳ là Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 2008, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2017.

 

Nhưng tần suất không bằng các chuyến thăm giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Việt Nam trong các năm 2015, 2017, 2023 và 2025 (chưa kể vào năm 2011, ông tới thăm khi còn là phó chủ tịch nước).

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua thăm Trung Quốc vào các năm 2011, 2015, 2017 và 2022. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến Bắc Kinh trong năm 2024 ngay sau khi lên làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Tứ trụ của Ba Đình trong 15 năm đã sang thăm nước láng giềng có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang năm 2017, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ năm 2024...

 

Các cố vấn của Trump hiểu rõ quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam qua chính sách 16 chữ và 4 tốt: "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" để trở thành: "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt." Và không lâu sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, thì đến tháng 12 cùng năm, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc", được coi là một cấp độ đặc biệt trong ngoại giao của Hà Nội, cao hơn cả Đối tác Chiến lược Toàn diện.

BuiVanPhu_2025_0428_TTTrump304TBTToLam_H03_NghiaTrangQDBienHoa
H03: Nghĩa trang Bình An, tên cũ là Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà, nơi chôn cất binh sĩ Việt Nam Cộng hoà tử trận trong chiến tranh (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình qua thăm Việt Nam trong hai ngày 14 và 15/4 vừa qua, các cuộc gặp giữa lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh được Trump chú ý và đã phát biểu rằng hai nước đang tìm cách "chơi" – screw – Mỹ.

 

Hà Nội có thực tâm muốn hòa giải với Mỹ hay chỉ dùng Mỹ để trao đổi thương mại, mà lúc này đang phải đối phó với chính sách mới của Trump?

 

Về phía mình, Mỹ đã tài trợ cho Hà Nội cả trăm triệu đô la để giải quyết di sản của chiến tranh, từ tháo gỡ bom mìn, tẩy chất độc da cam, giúp thương phế binh, giúp tìm kiếm 300.000 bộ đội cộng sản mất tích trong chiến tranh, mở Đại học Fulbright Vietnam ở Sài Gòn, cũng như các chương trình giáo dục, y tế, môi sinh. Đoàn Hòa bình (Peace Corps) đã gửi tình nguyện viên sư phạm Anh ngữ đến giúp giáo viên tiếng Anh tại các trường trung học.

 

Về tinh thần, năm 2019, Đại sứ Daniel Kritenbrink cùng nhân viên đại sứ quán Mỹ đã đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị. Ở phía ngược lại, chưa có quan chức nào của Hà Nội đến đặt vòng hoa tại Bức Tường Đá Đen ở thủ đô Washington, nơi khắc tên các chiến binh Mỹ hy sinh tại Việt Nam.

 

Còn chuyện hòa giải giữa người Việt với nhau, sau 50 năm chấm dứt chiến tranh, đã có hay chưa?

 

Tháng 9 năm 2024, trong dịp đến New York tham dự kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Tô Lâm đã có buổi nói chuyện và thảo luận tại Đại học Columbia, New York do giáo sư Nguyễn Liên Hằng điều phối. Bà đã nhắc đến câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về sự kiện 30/4 khiến triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn và hỏi Tổng Bí thư sẽ làm gì để có hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước.

 

Câu trả lời của ông không nói đến điều mà giáo sư Liên Hằng đã hỏi. Ông chỉ lặp lại chuyện Việt Nam và Hoa Kỳ đã hòa giải trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và nói rằng cuộc chiến đã chấm dứt gần 50 năm, Việt Nam đã vượt qua quá khứ để có hòa bình, ổn định là điều mà người dân Mỹ cũng như thế giới mong muốn.

 

Câu trả lời của ông Tô Lâm chưa cho thấy Hà Nội thực sự muốn hòa giải với người dân Việt có quá khứ hay chính kiến khác biệt với lãnh đạo, hay ít ra đây vẫn là chủ đề nhạy cảm, bị né tránh.

 

Sự thực là lãnh đạo Việt Nam vẫn nghi ngờ Hoa Kỳ. Năm vừa qua, với Chỉ thị 24, Hà Nội cho thấy họ lo sợ người Mỹ và các thế lực bên ngoài có âm mưu "diễn biến hòa bình" hay "cách mạng màu", trong đó có việc tuyên truyền tấn công nhằm vào Đại học Fulbright Việt Nam.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm đang muốn đưa Việt Nam vào một "kỷ nguyên mới". Tuy nhiên, các giải pháp của ông chỉ là cải cách hành chính, kinh tế qua việc tinh giản bộ máy nhà nước bằng cách gom 63 tỉnh thành xuống còn 34 và đề cao phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ông không nhắc gì đến cải cách chính trị.

Về ngày 30/4 năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một mà BBC News Tiếng Việt hôm 27/4 có trích đoạn: "Mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước…"

 

Tôi đồng ý. Người Việt dù đang sống ở đâu cũng yêu quê hương. Nhưng yêu quê hương, đất nước mà không yêu xã hội chủ nghĩa và muốn nói lên điều đó thì có gặp rắc rối không? Đã có những người bị trù dập vì làm điều đó, như Trung tướng Trần Độ, như nhà văn Dương Thu Hương, hay đã bị bỏ tù như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, luật sư Đoàn Thanh Liêm, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Hồng Sơn, như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Lê Quốc Quân và nhiều người Việt trong nước còn đang bị giam tù là Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Sơn Lộ, Huy Đức Trương Huy San và hàng trăm tù nhân chính trị chỉ vì có quan điểm khác với nhà nước.

 

Cũng không thấy lãnh đạo Hà Nội có chính sách hòa giải dân tộc, điển hình như tạo điều kiện cho việc gìn giữ, tu bổ Nghĩa trang Nhân dân Bình An, tức Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà, là nơi chôn cất 16.000 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa trong thời chiến tranh. Sự việc đến nay còn nhiều trở ngại, dù rằng từ năm 2013, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã đến đây thắp hương và đã nói với ông Nguyễn Đạc Thành, Chủ tịch Sáng hội Việt Mỹ (Vietnamese American Foundation), là sẽ sẵn sàng giúp cho sáng hội trong công tác bảo tồn. Bây giờ người trong nước muốn tìm hiểu về lịch sử của nghĩa trang vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

Năm 2000, có mặt tại Sài Gòn dịp kỷ niệm 25 năm ngày 30/4, Thượng nghị sĩ John McCain đã phát biểu với báo chí: "Tôi cho rằng những kẻ xấu đã thắng. Tôi nghĩ họ đã đánh mất hàng triệu người tài giỏi ra đi bằng thuyền, hàng ngàn người bị xử tử và hàng trăm ngàn người phải đi học tập cải tạo,…" theo CBS News ngày 25/4/2000.

 

Câu nói của McCain có lẽ đã làm cho Hà Nội vô cùng bực tức. Ông là một phi công bị bắt làm tù binh hơn 5 năm, từng bị tra tấn trong nhà giam Hỏa Lò, nhưng cũng là người cổ vũ cho phát triển bang giao hai nước.

Sự kiện Tổng thống Donald Trump năm nay không muốn quan chức Mỹ tại Hà Nội tham dự các lễ lạt kỷ niệm ngày Hoa Kỳ rút lui khỏi Việt Nam cũng đã gây sốc cho lãnh đạo Hà Nội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phát biểu chính thức về chuyện này.

 

Với triệu người vui ăn mừng chiến thắng, còn triệu người Việt buồn vì 30/4 đã phủ tang lên cuộc đời vì học tập cải tạo, kinh tế mới, gia đình tan hoang, mất cửa nhà, mất mạng trên đường vượt biển, vượt biên.

 

Nửa thế kỷ sau cuộc chiến, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia thua kém nhiều nước trong khu vực, không phải vì đất nước thiếu người tài hay thiếu tài nguyên, mà là vì thiếu tự do, dân chủ.

Bùi Văn Phú

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
27/06/202500:00:00
Seita đứng đó, trong một góc của nhà ga xe lửa ở Kobe, Nhật Bản. Cậu thấy mình ngồi gục đầu. Đói. Mệt. Mồ côi và đơn độc. Cậu đã mất gia đình, nhà cửa trong trận bom của Mỹ thả xuống thành phố Kobe. Cuối cùng cậu đã phải khuất phục trước cái đói. Seita từ từ nhắm mắt. Tay Seita vẫn ôm chặt tài sản duy nhất của mình, hộp kẹo nhỏ mà Setsuko, cô em gái bốn tuổi, người thân duy nhất còn lại của Seita, rất yêu thích.
26/06/202509:16:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Lấy tu tâm làm chính, không bận tâm và không để mất thì giờ với chuyện thần thông. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch. Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư
23/06/202509:51:00
Đức Phật có dạy pháp phóng sinh hay không? Trong rất nhiều kinh, Đức Phật đã dạy là hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào. Lời dạy đó cũng có thể hiểu là dạy phóng sinh. Đức Phật cũng đã quy định nhập hạ ba tháng mỗi năm trong mùa mưa để tránh giẫm đạp, vô ý sát sinh các loài côn trùng và mầm non cây trồng. Sau đây, chúng ta dò lại một số lời Đức Phật dạy rằng hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào.
21/06/202511:09:00
một số hành động cụ thể cần được thực hiện: • Liên lạc với các đại diện Quốc hội để yêu cầu họ lên án việc bố trí quân đội tại các cộng đồng dân sự. • Tham gia mạng lưới phản ứng nhanh trong cộng đồng để bảo vệ các gia đình phải đối mặt với các cuộc đột kích trục xuất. • Tham dự các cuộc họp cộng đồng để phối hợp các nỗ lực kháng cự tại địa phương và hỗ trợ lẫn nhau. • Tham gia các cuộc biểu tình và tập hợp quần chúng. • Tham gia các chi nhánh PIVOT địa phương hoặc bắt đầu một chi nhánh để tổ chức cộng đồng. • Nói chuyện với các phần tử trong gia đình về những sự kiện đang xảy ra và sự quan trọng của chúng. Chia sẻ tuyên bố này cùng người quen biết và cùng ba người bạn cam kết hành động.
20/06/202519:44:00
Phán quyết hôm nay của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã giúp Trump một vé đi tiếp trên con đường tận diệt nền dân chủ của quốc gia. Đây là một tiền lệ nguy hiểm để Trump có thể làm điều tương tự, áp đặt chính sách gây tranh cãi mà không cần qua quốc hội hay chính quyền tiểu bang. Sự chuyên quyền trong nước là những gì Trump đang theo đuổi, và những gì đang xảy ra trên đường phố Los Angeles chỉ là sự khởi đầu.
20/06/202500:00:00
Tôi không viết bài này với tư cách một người Dân chủ hay một người Độc lập. Tôi viết với tư cách một người phụ nữ đã từng tự hào đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng hoà gần suốt đời mình. Tôi đã bỏ phiếu cho ông Ronald Reagan và ngưỡng mộ tín niệm của ông rằng “phẩm hạnh là điều thiết yếu”. Tôi từng tin vào trách nhiệm cá nhân, vào đức tin và tình yêu quê hương – và đảng Cộng hoà thuở ấy là hiện thân của những giá trị ấy. Tôi thậm chí đã ủng hộ ông George W. Bush trong cuộc kiểm phiếu hỗn loạn với những “lá phiếu đục lỗ” năm 2000 – không vì tôi cho rằng ông hoàn hảo, mà vì tôi tin ông sẽ lãnh đạo với sự tử tế và chính trực.
18/06/202509:53:00
Từ Tehran rực cháy đến Washington ồn ào, trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi đơn giản cho Washington đã thay đổi: không còn là dính líu bao nhiêu, mà là: tham chiến hay không?
18/06/202508:42:00
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hai phẩm chất này không liên hệ chút gì tới màu da, sắc tộc. Con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo, cũng hoàn toàn không phân biệt gì tới sắc tộc, màu da. Tu tập hàng ngày là phải viễn ly, buông bỏ, xa lìa tham sân si -- và như thế, cũng hoàn toàn không dính chút gì tới những bức tường biên giới hay các bãi mìn giữa các quốc gia tranh chấp.
16/06/202508:36:00
Hạnh phúc là những người cha biết tìm ra Phật pháp, tài sản quý nhất trong cõi này, để trao lại cho con mình. Cũng y hệt như ông trưởng giả trong Kinh Pháp Hoa, giấu viên ngọc trong góc áo của cậu con trai bụi đời. Và cũng hạnh phúc là những người con nhận ra rằng cha mình đã dạy cho con từ những ngày thơ ấu về niềm tin Tam Bảo, đã dạy cho con biết tin sâu vào nhân quả để không bao giờ dám làm ác, đã dạy cho con biết từ bi với người và yêu thương với đời, và đã dạy chữ cho con bằng cách đánh vần theo những dòng kinh để không bao giờ trôi lạc trong cõi này.
14/06/202511:57:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Đạo giấu kín ở chỗ có nói gì đâu, Đạo thánh nhân giấu kín trong chữ Vô vi, không thấy dấu vết nhưng người người đều chịu ơn. Trong sách này, ý chỉ đó được gọi là Tiếng Ấn Giấu – viết theo âm Hán-Việt là Tàng Thanh. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.