Hôm nay,  

Lệnh Cách Ly Vĩnh Viễn

20/06/202500:00:00(Xem: 668)
 
Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Phải chăng vì họ chưa cắt máu ăn thề?

***

Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.

“Anh làm gì đó?” Giọng thiếu nữ từ ngoài vọng vào.

Hắn giật mình, nói vội, “Anh tìm cuốn sách.”

“Khu vực cấm lai vãng mà.”

“Anh tìm cuốn sách.” Lập lại câu nói, nhấn mạnh chữ cuốn sách, hắn giải thích vòng vo, “Tối qua quên lấy cuốn sách, không có gì đọc, nằm hoài không ngủ được.”

“Sao anh không vào lấy sách ra đọc?”

“Khuya rồi, làm sao lấy?”

“À, lệnh cách ly vẫn còn hiệu lực.” Giọng reo vui, cô gái nhắc lại thỏa thuận giữa hai người. Hắn mỉm cười. Và hắn nhớ cái hợp đồng với lệnh cách ly mà hai người cùng soạn và cùng hứa sẽ tôn trọng tuyệt đối trước ngày cô ghé thăm.

Hắn đi vòng ra phía góc phòng. Một kệ sách nhỏ nằm lọt hẳn trong góc. Ngồi xuống ngắm nghía. Cái tật không bỏ được. Những cuốn sách quen thuộc, nhưng đi qua vẫn phải ngừng lại, tròn con mắt nhìn. Những ngón tay vuốt nhẹ trên những lưng sách.

“Anh ơi.” Giọng thiếu nữ ngọt ngào.

Lừng khừng vài giây trước tủ sách, hắn nhanh tay rút ra một cuốn. Lật đại một trang. Lẩm nhẩm đọc dòng chữ con mắt vừa bắt gặp. Hắn hay đọc như thế. Chỉ một câu thôi, như người ta bói Kiều.

Chợt tiếng thiếu nữ la hoảng bên ngoài. Hắn đứng bật dậy, “Em, sao vậy?”

Đáp lời hắn chỉ có tiếng suýt soa nho nhỏ. Hắn quăng cuốn sách lên giường, bước vội ra ngoài.

Mái tóc xõa ngang lưng. Người con gái đứng trong bếp, sát chậu rửa bát, bàn tay phải cầm chắc ngón tay trỏ của bàn tay trái. Hắn hấp tấp bước lại, trố mắt nhìn. Máu loang đầu ngón tay cô gái. Một giọt tròn đỏ tươi rụng xuống nền nhà.

“Đứt tay rồi!” hắn nói nhanh.

Đôi mắt nâu đen ngước lên nhìn hắn, “Tại con dao nhà anh đó.” Và cô xoay người, vặn vòi nước lạnh. Cô toan đưa ngón tay loang máu vào dòng nước, hắn đã vội nắm lấy cổ tay cô, “Khoan đã.”

“Để nước lạnh giúp máu đông lại,” cô nói.

“Biết rồi, nhưng chờ chút đã.”

Hắn buông lỏng cổ tay cô, mở cánh cửa tủ đựng ly tách, kiễng chân, vói tay lấy chiếc ly thủy tinh.

“Anh làm gì vậy?” Cô tròn mắt nhìn hắn.

“Chuyện này quan trọng.”

“Quan trọng?” Cô nheo mắt. Khóe cười thoáng hiện trên cánh môi. Chuyện gì liên quan đến cô hắn cũng kết luận ngay là quan trọng.

Đặt chiếc ly lên mặt kệ, một tay hắn cầm nhẹ cổ tay cô đẩy về phía miệng ly, tay kia bóp nhẹ đầu ngón tay bị đứt. Máu ứa ra ở vết cắt. Một giọt rụng vào lòng ly thủy tinh. Thêm một giọt nữa. Rồi hai ba giọt. Rồi cả chục giọt máu đỏ tươi rụng xuống đáy ly.

Cô thúc nhẹ cùi chỏ vào ngực hắn, “Hết máu là em chết đó.”

“Không sao đâu,” hắn trấn an cô.

Những giọt máu tụ dưới đáy ly thủy tinh. Màu đỏ của máu rực rỡ dưới ánh đèn néon trên trần căn bếp. Màu đỏ, màu của nhiệt tâm, của cố gắng vượt qua ngàn thử thách. Có đúng như hắn nghĩ không. Hắn bị những giọt máu của cô thôi miên. Màu đỏ làm hắn chóng mặt. Từ nhỏ hắn đã sợ cái màu chói chang ấy. Có lần nghịch dao, bị đứt tay, thấy máu hắn lăn quay ra xỉu. Nhưng hôm nay, bên cạnh một người con gái, hắn thành người khác.

Hắn nhẹ nhàng đặt chiếc ly vào sát vách tường. Hắn không muốn sơ ý gạt trúng. Ly vỡ không tiếc, nhưng sẽ tiếc những giọt máu hiếm hoi. Hắn nhẹ nhàng kéo cô về phía vòi nước chậu rửa chén bát, mở vòi nước lạnh, đưa ngón tay có vết cắt của cô vào dòng nước. Dòng nước đổ xuống đầu ngón thon, chẻ thành nhiều nhánh nhỏ, rụng xuống chậu nhôm. Hắn bóp nhẹ ngón tay cô. Máu bị nước cuốn đi, để lại đầu ngón tay màu hồng, và vết cắt gần một phân, rướm máu.

“Chờ một phút nha,” hắn nói và khẽ buông cổ tay cô để chạy vào phòng ngủ. Hắn lục những ngăn tủ ở đầu giường. Hộp băng keo trong đó. Hắn lấy miếng băng, tháo vội lớp giấy bọc ngoài. Rồi lấy thêm lọ cồn bảy mươi. Hắn ra với cô. Đổ cồn lên tay cô. Những ngón tay cô run rẩy vì rát. Nhịp run bàn tay cô chuyển qua những ngón tay hắn như nhịp rung cơn địa chấn mơ hồ.

Hắn đưa bàn tay cô lên sát mặt, thổi nhẹ cho dịu bớt cơn đau. Chờ cơn nhức buốt vơi đi, hắn dán miếng băng keo lên vết cắt đầu ngón tay cô. Hắn nắn nhẹ đầu ngón thon như gửi gắm một điều khó nói thành lời.

“Chừng nào mới khỏi hở anh?” Cô hỏi.

“Vài ngày,” hắn nói đại.

Cô buột miệng nói ra cái câu cả hai không muốn nghe, “Vài ngày thì em về mất rồi.”

Những con số đuổi bắt nhau trong đầu. Cuốn phim chiếu vội trên màn hình ký ức. Hắn lại hoang mang. Cô ở cách hắn một nửa vòng trái đất. Cô du lịch theo đoàn. Đoàn du lịch ghé Xứ Tuyết của hắn chỉ có bảy ngày. Mỗi ngày một thành phố. Bắt đầu là thành phố ở miền cực đông, rồi tới thành phố hắn, những ngày kế tiếp đoàn du lịch chuyển dần qua những thành phố ở phía tây. Ngày cuối, đoàn sẽ trở về thành phố này, rồi bay đi nước khác. Cô táo bạo xin tách rời khỏi đoàn khi tới thành phố hắn, và bỏ tất cả những thành phố còn lại ở phía tây để có với hắn những ngày mùa hạ hiếm hoi, khi đoàn về lại thành phố này, cô sẽ nhập lại với họ để bay đi xứ khác.

Hai người ngồi xuống, cạnh nhau, trên chiếc sofa cũ.

“Tưởng họ không cho vậy mà cuối cùng họ cũng chịu,” cô nói vu vơ.

“Cho chứ, vừa nhẹ bớt trách nhiệm, vừa bớt tốn kém cho họ...” hắn tiếp lời.

Cả hai cùng im lặng. Hắn hình dung đến lúc đưa cô ra phi trường. Phải nói lời chia tay như thế nào đây! Buồn chết được. Còn cô thì nhẩm tính xem hôm này đoàn du lịch của cô đang ở thành phố nào.

“Chắc hôm nay họ ở Calgary,” cô nói.

Hắn lặng lẽ gật đầu. Calgary là thủ phủ tỉnh bang Alberta, ở phía tây thành phố hắn.

Cô chợt hỏi, giả giọng khôi hài, “Còn mấy ngày nữa vậy ta?”

Hắn buột miệng, “Bốn ngày rưỡi.”


Cái im lặng chụp xuống quanh họ như tấm màn nhung. Dày và trĩu nặng.

Một lát, hắn cầm lấy cổ tay cô, “Bớt đau chưa?”

Cô khẽ lắc đầu, nhăn nhó, “Vậy là em vẫn chưa nấu được món tủ của em để đãi anh.”

“Không sao, mình đi ăn tiệm.”

Cô nhìn hắn, “Em muốn nấu ăn ở nhà. Du lịch theo đoàn, ngày nào cũng ăn nhà hàng, phát sợ!”

Im lặng. Đầu óc hắn khi không trống rỗng.

Cô xoay đầu, nhìn vào mắt hắn, “Em thèm không khí gia đình, dù chỉ có mấy ngày.”

Hắn hiểu điều cô muốn nói. Hắn cầm bàn tay cô lên, vuốt nhẹ lớp băng keo ở đầu ngón trỏ, “Để anh nấu.”

Cô nhìn hắn, mỉm cười. Cô biết hắn có thể nấu mì gói. Sống một mình, hắn lão luyện trong kỹ thuật nấu mì. Nhưng không còn muốn chọc ghẹo hắn chuyện nấu nướng, cô nhắc, “Còn cái ly… anh tính làm gì?”

Hắn giật mình, “Ô, nghĩ ngợi vu vơ mà quên bẵng đi mất.”

Hắn rảo bước về phía nhà bếp, cầm chiếc ly đưa lên ánh đèn. Máu trong ly sắp đông lại, bởi hắn thấy lớp màng mỏng dăng trên mặt.

Từ căn phòng khách nhỏ xíu, ngóng về phía nhà bếp, cô thấy hắn đặt cái ly lên bàn ăn, kéo hộc tủ, lấy ra con dao nhỏ có mũi nhọn.

“Anh làm gì vậy?” Cô hỏi.

Hắn đáp lời cô bằng cái nheo mắt.

Dưới ánh đèn néon trắng xanh, cô thấy hắn xịt an côn lên đầu ngón tay, rồi nhắm chặt hai mắt, và bằng một động tác dứt khoát, hắn đâm mạnh mũi dao vào đầu ngón tay mình. Cô thấy miệng hắn há hốc rồi ngậm ngay lại. Và hắn rùng mình như con bệnh lên cơn sốt rét. Tiếng rên rỉ nho nhỏ vọng lại chỗ cô ngồi, nghe như tiếng thì thầm. Hắn buông con dao xuống, bóp chặt đầu ngón tay, nặn cho máu ứa ra. Hắn đặt đầu ngón tay lên trên miệng chiếc ly thủy tinh. Và hắn bóp mạnh đầu ngón. Những giọt máu đỏ tươi ứa ra ở vết cắt, to dần, rồi rụng xuống đáy ly, lẫn vào lớp mỏng đỏ sậm của máu cô.

Hắn run rẩy nặn đầu ngón tay, cho những giọt đỏ tiếp tục ứa ra, rụng xuống lòng ly.

Rồi hắn ngước lên nhìn cô. Trong phòng khách, trên chiếc sofa cũ màu xám nhạt, cô nghiêng đầu, tròn mắt, nhìn hắn. Cô không hiểu hắn đang làm gì nhưng cô bị thu hút bởi hành vi lạ lẫm của hắn.

“Anh làm gì ghê vậy?” Cô hỏi, khi không còn nén được sự tò mò.

Hắn lặng thinh nhìn quanh bốn vách tường. Hắn thấy đầu mình nhẹ bâng và dường như mọi vật đang sắp sửa bị cơn gió vô hình nào đó cuốn đi. Những vách tường màu vàng nhạt bỗng sậm màu, như vừa được phết lên một lớp sơn mới. Hắn thấy hình ảnh cô cong cuốn như hình phản chiếu trên tấm gương có mặt không phẳng đều. Rồi nét ngạc nhiên trên mặt cô loãng đi như cánh diều phất phơ trong gió. Trần nhà võng xuống, những chân ghế sofa dài ngoằng. Bàn ghế xô lệch, chuyển động chung quanh hắn. Trời đất tối sầm, hắn lảo đảo quơ tay tìm vật gì đó vững chãi để bám vào. Chân hắn tuột ra ở hai đầu gối, cánh tay hắn lỏng lẻo, gạt trên mặt bàn. Hắn chợt nhớ từ ngày còn bé hắn đã sợ máu. Hắn thấy hai mắt cô mở càng lúc càng lớn, như những vòng sóng lan rộng trên mặt hồ. Hắn đổ sầm xuống sàn nhà cùng tiếng thủy tinh vỡ ngọt và tiếng la phập phều trong không khí một giọng nữ mà ngôn từ nhùng nhằng dính cứng lấy nhau.

Hắn mở mắt. Không gian mờ tối mở ra khoảng trần nhà màu trắng. Vật gì đó nặng nề chặn ngang lồng ngực. Hắn quơ tay mò mẫm tìm để gỡ cái vật nặng nề ấy xuống. Một cánh tay rất mảnh. Và hắn nhớ ra đó là cánh tay cô. Trí nhớ như cơn gió lùa nhanh qua khung cửa sổ tâm tư. Hắn nghe giọng ngọt ngào của cô, “Anh tỉnh dậy rồi.” Bàn tay mát lạnh đặt lên má hắn, vuốt nhẹ, “Làm em sợ quá.”

Từng mảnh vụn trí nhớ theo nhau dạt về. Hắn hít một hơi dài, hai tay cầm lấy bàn tay mềm mại của cô.

“Hết đau chưa?” hắn hỏi.

“Hết rồi,” cô nói.
Hắn nhìn bàn tay mình. Ngón tay trỏ hắn viền lớp băng keo quanh đầu ngón. Hệt như bàn tay cô. Hắn chống tay cố ngồi dậy, nhưng đầu hắn nặng trĩu. Hắn nghĩ nếu cứ cố nhổm dậy, cái cổ không mang nổi cái đầu nặng như đá tảng, sẽ gẫy gập.

“Định đi đâu vậy?” cô hỏi.

“Ra phòng khách... Lệnh cách ly...” hắn lẩm bẩm nhắc điều hai người thỏa thuận. Cái lệnh ấy truyền rằng cô sẽ ghé thăm, và hắn nhường cho cô phòng ngủ của hắn. Lệnh ấy cũng phán rằng hắn không được vào phòng lúc cô ở đó. Lệnh cách ly. Cái thỏa thuận không ghi trên giấy nhưng hiệu lực vô song.
Cô ấn cho hắn nằm xuống. “Nghỉ ngơi, lo dưỡng bệnh đi kìa.”

Hắn mỉm cười, rồi sực nhớ, nhỏm dậy, thì thầm, “Cái ly đâu rồi?”

“Vỡ rồi!” Cô cũng thì thầm vào tai hắn.

Hắn hốt hoảng, “Vỡ thật à? Sao lại vỡ vậy?”

“Lúc xỉu, anh gạt cái ly rơi xuống đất...”

Hắn hụt hơi. Rồi hắn than thầm, “Chết rồi! Thế còn...”

“Em bỏ rác hết rồi...” cô nói.

“Máu hai đứa mình,” hắn tiếp, đầy tiếc nuối trong giọng nói.

Cô vuốt ve trán hắn. Hắn nằm im, nhắm mắt tận hưởng phút giây hạnh phúc. Chỉ còn bốn hôm nữa thôi, cô sẽ về lại quê nhà. Hắn ở lại chốn này. Một mình. Bỗng dưng nỗi buồn vồ lấy hắn. Nghĩ đến lúc đưa cô ra phi trường. Cô nhập vào đoàn người đi cùng chuyến. Hắn đứng nhìn cô xách túi hành lý đi qua trạm kiểm soát quan thuế, rồi bóng cô mất hút sau khúc quanh. Bỗng dưng lồng ngực hắn thắt lại.

“Mà anh lấy máu làm gì vậy?” Câu hỏi của cô vực hắn ra khỏi vũng buồn.

Hắn ngập ngừng, “Mình cắt máu ăn thề...”

Cô chớp mắt. Hắn nhìn lên trần nhà. Chất màu trắng ngả qua xám nhạt cào xé hai con mắt. Hắn lẩm bẩm, “Vậy xem như lỡ lời thề.”

Cô tròn mắt nhìn hắn. Đôi mắt đẹp. Mắt trẻ thơ. Cái mụn ruồi trên khóe môi luôn hé nở nụ cười. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy, cái mụn ruồi và cả chiếc răng khểnh kia nữa, như chân dung trọn vẹn của hạnh phúc, đang cận kề bên hắn. Vậy mà có lúc phải chia xa.

Hắn cố chống tay ngồi dậy.

“Đi đâu vậy?” Cô hỏi.  

“Ra phòng khách...”

“Chi vậy?”

“Khuya rồi… Với lại… lệnh cách ly…” Hắn bỏ dở câu nói.

Lặng thinh. Cả hai người. Một lát, cô thì thầm, “Anh tính cắt máu ăn thề bằng cách nào?”

“Thì pha rượu với máu hai người. Em rành kiếm hiệp mà còn hỏi.” Rồi sực nhớ mình không bao giờ uống rượu, hắn chữa, “Pha cà phê thay cho rượu.”

“Thấy máu thì xỉu mà cứ nhất định cắt máu ăn thề,” cô cằn nhằn.

“Sợ lạc.”

“Đi đâu mà lạc?”

“Lạc mất nhau.”

Cô lặng thinh.

***

Rồi cô về lại quê nhà. Hắn ở lại, tiếp tục thân viễn xứ. Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Lệnh cách ly bỗng dưng có hiệu lực vĩnh viễn. Cũng chỉ vì chưa kịp cắt máu ăn thề. Bao nhiêu năm sau, hắn vẫn tin chắc như thế.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
Câu chuyện ngày nay kể về một chuyện ngày xưa, một ngày của thuở hồng hoang loài người; hằng triệu năm trước, khi một mảnh đất trên địa cầu, sau cơn địa chấn, tách ra và trôi dạt về phương Nam, ngày càng xa thẵm và nó trôi đến phía cực Nam của trái đất, dừng lại một nơi chốn tận cùng, rồi một biên giới được dựng lên bởi bức tường Băng Tuyết vĩnh viễn. Trên mảnh đất xa xôi, ngàn năm cô đơn ấy, một loài chim Cánh Cụt ríu rít sống bên nhau, yêu thương che chở nhau cho đến chết vì nhau.
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.