Hôm nay,  

Lệnh Cách Ly Vĩnh Viễn

20/06/202500:00:00(Xem: 663)
 
Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Phải chăng vì họ chưa cắt máu ăn thề?

***

Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.

“Anh làm gì đó?” Giọng thiếu nữ từ ngoài vọng vào.

Hắn giật mình, nói vội, “Anh tìm cuốn sách.”

“Khu vực cấm lai vãng mà.”

“Anh tìm cuốn sách.” Lập lại câu nói, nhấn mạnh chữ cuốn sách, hắn giải thích vòng vo, “Tối qua quên lấy cuốn sách, không có gì đọc, nằm hoài không ngủ được.”

“Sao anh không vào lấy sách ra đọc?”

“Khuya rồi, làm sao lấy?”

“À, lệnh cách ly vẫn còn hiệu lực.” Giọng reo vui, cô gái nhắc lại thỏa thuận giữa hai người. Hắn mỉm cười. Và hắn nhớ cái hợp đồng với lệnh cách ly mà hai người cùng soạn và cùng hứa sẽ tôn trọng tuyệt đối trước ngày cô ghé thăm.

Hắn đi vòng ra phía góc phòng. Một kệ sách nhỏ nằm lọt hẳn trong góc. Ngồi xuống ngắm nghía. Cái tật không bỏ được. Những cuốn sách quen thuộc, nhưng đi qua vẫn phải ngừng lại, tròn con mắt nhìn. Những ngón tay vuốt nhẹ trên những lưng sách.

“Anh ơi.” Giọng thiếu nữ ngọt ngào.

Lừng khừng vài giây trước tủ sách, hắn nhanh tay rút ra một cuốn. Lật đại một trang. Lẩm nhẩm đọc dòng chữ con mắt vừa bắt gặp. Hắn hay đọc như thế. Chỉ một câu thôi, như người ta bói Kiều.

Chợt tiếng thiếu nữ la hoảng bên ngoài. Hắn đứng bật dậy, “Em, sao vậy?”

Đáp lời hắn chỉ có tiếng suýt soa nho nhỏ. Hắn quăng cuốn sách lên giường, bước vội ra ngoài.

Mái tóc xõa ngang lưng. Người con gái đứng trong bếp, sát chậu rửa bát, bàn tay phải cầm chắc ngón tay trỏ của bàn tay trái. Hắn hấp tấp bước lại, trố mắt nhìn. Máu loang đầu ngón tay cô gái. Một giọt tròn đỏ tươi rụng xuống nền nhà.

“Đứt tay rồi!” hắn nói nhanh.

Đôi mắt nâu đen ngước lên nhìn hắn, “Tại con dao nhà anh đó.” Và cô xoay người, vặn vòi nước lạnh. Cô toan đưa ngón tay loang máu vào dòng nước, hắn đã vội nắm lấy cổ tay cô, “Khoan đã.”

“Để nước lạnh giúp máu đông lại,” cô nói.

“Biết rồi, nhưng chờ chút đã.”

Hắn buông lỏng cổ tay cô, mở cánh cửa tủ đựng ly tách, kiễng chân, vói tay lấy chiếc ly thủy tinh.

“Anh làm gì vậy?” Cô tròn mắt nhìn hắn.

“Chuyện này quan trọng.”

“Quan trọng?” Cô nheo mắt. Khóe cười thoáng hiện trên cánh môi. Chuyện gì liên quan đến cô hắn cũng kết luận ngay là quan trọng.

Đặt chiếc ly lên mặt kệ, một tay hắn cầm nhẹ cổ tay cô đẩy về phía miệng ly, tay kia bóp nhẹ đầu ngón tay bị đứt. Máu ứa ra ở vết cắt. Một giọt rụng vào lòng ly thủy tinh. Thêm một giọt nữa. Rồi hai ba giọt. Rồi cả chục giọt máu đỏ tươi rụng xuống đáy ly.

Cô thúc nhẹ cùi chỏ vào ngực hắn, “Hết máu là em chết đó.”

“Không sao đâu,” hắn trấn an cô.

Những giọt máu tụ dưới đáy ly thủy tinh. Màu đỏ của máu rực rỡ dưới ánh đèn néon trên trần căn bếp. Màu đỏ, màu của nhiệt tâm, của cố gắng vượt qua ngàn thử thách. Có đúng như hắn nghĩ không. Hắn bị những giọt máu của cô thôi miên. Màu đỏ làm hắn chóng mặt. Từ nhỏ hắn đã sợ cái màu chói chang ấy. Có lần nghịch dao, bị đứt tay, thấy máu hắn lăn quay ra xỉu. Nhưng hôm nay, bên cạnh một người con gái, hắn thành người khác.

Hắn nhẹ nhàng đặt chiếc ly vào sát vách tường. Hắn không muốn sơ ý gạt trúng. Ly vỡ không tiếc, nhưng sẽ tiếc những giọt máu hiếm hoi. Hắn nhẹ nhàng kéo cô về phía vòi nước chậu rửa chén bát, mở vòi nước lạnh, đưa ngón tay có vết cắt của cô vào dòng nước. Dòng nước đổ xuống đầu ngón thon, chẻ thành nhiều nhánh nhỏ, rụng xuống chậu nhôm. Hắn bóp nhẹ ngón tay cô. Máu bị nước cuốn đi, để lại đầu ngón tay màu hồng, và vết cắt gần một phân, rướm máu.

“Chờ một phút nha,” hắn nói và khẽ buông cổ tay cô để chạy vào phòng ngủ. Hắn lục những ngăn tủ ở đầu giường. Hộp băng keo trong đó. Hắn lấy miếng băng, tháo vội lớp giấy bọc ngoài. Rồi lấy thêm lọ cồn bảy mươi. Hắn ra với cô. Đổ cồn lên tay cô. Những ngón tay cô run rẩy vì rát. Nhịp run bàn tay cô chuyển qua những ngón tay hắn như nhịp rung cơn địa chấn mơ hồ.

Hắn đưa bàn tay cô lên sát mặt, thổi nhẹ cho dịu bớt cơn đau. Chờ cơn nhức buốt vơi đi, hắn dán miếng băng keo lên vết cắt đầu ngón tay cô. Hắn nắn nhẹ đầu ngón thon như gửi gắm một điều khó nói thành lời.

“Chừng nào mới khỏi hở anh?” Cô hỏi.

“Vài ngày,” hắn nói đại.

Cô buột miệng nói ra cái câu cả hai không muốn nghe, “Vài ngày thì em về mất rồi.”

Những con số đuổi bắt nhau trong đầu. Cuốn phim chiếu vội trên màn hình ký ức. Hắn lại hoang mang. Cô ở cách hắn một nửa vòng trái đất. Cô du lịch theo đoàn. Đoàn du lịch ghé Xứ Tuyết của hắn chỉ có bảy ngày. Mỗi ngày một thành phố. Bắt đầu là thành phố ở miền cực đông, rồi tới thành phố hắn, những ngày kế tiếp đoàn du lịch chuyển dần qua những thành phố ở phía tây. Ngày cuối, đoàn sẽ trở về thành phố này, rồi bay đi nước khác. Cô táo bạo xin tách rời khỏi đoàn khi tới thành phố hắn, và bỏ tất cả những thành phố còn lại ở phía tây để có với hắn những ngày mùa hạ hiếm hoi, khi đoàn về lại thành phố này, cô sẽ nhập lại với họ để bay đi xứ khác.

Hai người ngồi xuống, cạnh nhau, trên chiếc sofa cũ.

“Tưởng họ không cho vậy mà cuối cùng họ cũng chịu,” cô nói vu vơ.

“Cho chứ, vừa nhẹ bớt trách nhiệm, vừa bớt tốn kém cho họ...” hắn tiếp lời.

Cả hai cùng im lặng. Hắn hình dung đến lúc đưa cô ra phi trường. Phải nói lời chia tay như thế nào đây! Buồn chết được. Còn cô thì nhẩm tính xem hôm này đoàn du lịch của cô đang ở thành phố nào.

“Chắc hôm nay họ ở Calgary,” cô nói.

Hắn lặng lẽ gật đầu. Calgary là thủ phủ tỉnh bang Alberta, ở phía tây thành phố hắn.

Cô chợt hỏi, giả giọng khôi hài, “Còn mấy ngày nữa vậy ta?”

Hắn buột miệng, “Bốn ngày rưỡi.”


Cái im lặng chụp xuống quanh họ như tấm màn nhung. Dày và trĩu nặng.

Một lát, hắn cầm lấy cổ tay cô, “Bớt đau chưa?”

Cô khẽ lắc đầu, nhăn nhó, “Vậy là em vẫn chưa nấu được món tủ của em để đãi anh.”

“Không sao, mình đi ăn tiệm.”

Cô nhìn hắn, “Em muốn nấu ăn ở nhà. Du lịch theo đoàn, ngày nào cũng ăn nhà hàng, phát sợ!”

Im lặng. Đầu óc hắn khi không trống rỗng.

Cô xoay đầu, nhìn vào mắt hắn, “Em thèm không khí gia đình, dù chỉ có mấy ngày.”

Hắn hiểu điều cô muốn nói. Hắn cầm bàn tay cô lên, vuốt nhẹ lớp băng keo ở đầu ngón trỏ, “Để anh nấu.”

Cô nhìn hắn, mỉm cười. Cô biết hắn có thể nấu mì gói. Sống một mình, hắn lão luyện trong kỹ thuật nấu mì. Nhưng không còn muốn chọc ghẹo hắn chuyện nấu nướng, cô nhắc, “Còn cái ly… anh tính làm gì?”

Hắn giật mình, “Ô, nghĩ ngợi vu vơ mà quên bẵng đi mất.”

Hắn rảo bước về phía nhà bếp, cầm chiếc ly đưa lên ánh đèn. Máu trong ly sắp đông lại, bởi hắn thấy lớp màng mỏng dăng trên mặt.

Từ căn phòng khách nhỏ xíu, ngóng về phía nhà bếp, cô thấy hắn đặt cái ly lên bàn ăn, kéo hộc tủ, lấy ra con dao nhỏ có mũi nhọn.

“Anh làm gì vậy?” Cô hỏi.

Hắn đáp lời cô bằng cái nheo mắt.

Dưới ánh đèn néon trắng xanh, cô thấy hắn xịt an côn lên đầu ngón tay, rồi nhắm chặt hai mắt, và bằng một động tác dứt khoát, hắn đâm mạnh mũi dao vào đầu ngón tay mình. Cô thấy miệng hắn há hốc rồi ngậm ngay lại. Và hắn rùng mình như con bệnh lên cơn sốt rét. Tiếng rên rỉ nho nhỏ vọng lại chỗ cô ngồi, nghe như tiếng thì thầm. Hắn buông con dao xuống, bóp chặt đầu ngón tay, nặn cho máu ứa ra. Hắn đặt đầu ngón tay lên trên miệng chiếc ly thủy tinh. Và hắn bóp mạnh đầu ngón. Những giọt máu đỏ tươi ứa ra ở vết cắt, to dần, rồi rụng xuống đáy ly, lẫn vào lớp mỏng đỏ sậm của máu cô.

Hắn run rẩy nặn đầu ngón tay, cho những giọt đỏ tiếp tục ứa ra, rụng xuống lòng ly.

Rồi hắn ngước lên nhìn cô. Trong phòng khách, trên chiếc sofa cũ màu xám nhạt, cô nghiêng đầu, tròn mắt, nhìn hắn. Cô không hiểu hắn đang làm gì nhưng cô bị thu hút bởi hành vi lạ lẫm của hắn.

“Anh làm gì ghê vậy?” Cô hỏi, khi không còn nén được sự tò mò.

Hắn lặng thinh nhìn quanh bốn vách tường. Hắn thấy đầu mình nhẹ bâng và dường như mọi vật đang sắp sửa bị cơn gió vô hình nào đó cuốn đi. Những vách tường màu vàng nhạt bỗng sậm màu, như vừa được phết lên một lớp sơn mới. Hắn thấy hình ảnh cô cong cuốn như hình phản chiếu trên tấm gương có mặt không phẳng đều. Rồi nét ngạc nhiên trên mặt cô loãng đi như cánh diều phất phơ trong gió. Trần nhà võng xuống, những chân ghế sofa dài ngoằng. Bàn ghế xô lệch, chuyển động chung quanh hắn. Trời đất tối sầm, hắn lảo đảo quơ tay tìm vật gì đó vững chãi để bám vào. Chân hắn tuột ra ở hai đầu gối, cánh tay hắn lỏng lẻo, gạt trên mặt bàn. Hắn chợt nhớ từ ngày còn bé hắn đã sợ máu. Hắn thấy hai mắt cô mở càng lúc càng lớn, như những vòng sóng lan rộng trên mặt hồ. Hắn đổ sầm xuống sàn nhà cùng tiếng thủy tinh vỡ ngọt và tiếng la phập phều trong không khí một giọng nữ mà ngôn từ nhùng nhằng dính cứng lấy nhau.

Hắn mở mắt. Không gian mờ tối mở ra khoảng trần nhà màu trắng. Vật gì đó nặng nề chặn ngang lồng ngực. Hắn quơ tay mò mẫm tìm để gỡ cái vật nặng nề ấy xuống. Một cánh tay rất mảnh. Và hắn nhớ ra đó là cánh tay cô. Trí nhớ như cơn gió lùa nhanh qua khung cửa sổ tâm tư. Hắn nghe giọng ngọt ngào của cô, “Anh tỉnh dậy rồi.” Bàn tay mát lạnh đặt lên má hắn, vuốt nhẹ, “Làm em sợ quá.”

Từng mảnh vụn trí nhớ theo nhau dạt về. Hắn hít một hơi dài, hai tay cầm lấy bàn tay mềm mại của cô.

“Hết đau chưa?” hắn hỏi.

“Hết rồi,” cô nói.
Hắn nhìn bàn tay mình. Ngón tay trỏ hắn viền lớp băng keo quanh đầu ngón. Hệt như bàn tay cô. Hắn chống tay cố ngồi dậy, nhưng đầu hắn nặng trĩu. Hắn nghĩ nếu cứ cố nhổm dậy, cái cổ không mang nổi cái đầu nặng như đá tảng, sẽ gẫy gập.

“Định đi đâu vậy?” cô hỏi.

“Ra phòng khách... Lệnh cách ly...” hắn lẩm bẩm nhắc điều hai người thỏa thuận. Cái lệnh ấy truyền rằng cô sẽ ghé thăm, và hắn nhường cho cô phòng ngủ của hắn. Lệnh ấy cũng phán rằng hắn không được vào phòng lúc cô ở đó. Lệnh cách ly. Cái thỏa thuận không ghi trên giấy nhưng hiệu lực vô song.
Cô ấn cho hắn nằm xuống. “Nghỉ ngơi, lo dưỡng bệnh đi kìa.”

Hắn mỉm cười, rồi sực nhớ, nhỏm dậy, thì thầm, “Cái ly đâu rồi?”

“Vỡ rồi!” Cô cũng thì thầm vào tai hắn.

Hắn hốt hoảng, “Vỡ thật à? Sao lại vỡ vậy?”

“Lúc xỉu, anh gạt cái ly rơi xuống đất...”

Hắn hụt hơi. Rồi hắn than thầm, “Chết rồi! Thế còn...”

“Em bỏ rác hết rồi...” cô nói.

“Máu hai đứa mình,” hắn tiếp, đầy tiếc nuối trong giọng nói.

Cô vuốt ve trán hắn. Hắn nằm im, nhắm mắt tận hưởng phút giây hạnh phúc. Chỉ còn bốn hôm nữa thôi, cô sẽ về lại quê nhà. Hắn ở lại chốn này. Một mình. Bỗng dưng nỗi buồn vồ lấy hắn. Nghĩ đến lúc đưa cô ra phi trường. Cô nhập vào đoàn người đi cùng chuyến. Hắn đứng nhìn cô xách túi hành lý đi qua trạm kiểm soát quan thuế, rồi bóng cô mất hút sau khúc quanh. Bỗng dưng lồng ngực hắn thắt lại.

“Mà anh lấy máu làm gì vậy?” Câu hỏi của cô vực hắn ra khỏi vũng buồn.

Hắn ngập ngừng, “Mình cắt máu ăn thề...”

Cô chớp mắt. Hắn nhìn lên trần nhà. Chất màu trắng ngả qua xám nhạt cào xé hai con mắt. Hắn lẩm bẩm, “Vậy xem như lỡ lời thề.”

Cô tròn mắt nhìn hắn. Đôi mắt đẹp. Mắt trẻ thơ. Cái mụn ruồi trên khóe môi luôn hé nở nụ cười. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy, cái mụn ruồi và cả chiếc răng khểnh kia nữa, như chân dung trọn vẹn của hạnh phúc, đang cận kề bên hắn. Vậy mà có lúc phải chia xa.

Hắn cố chống tay ngồi dậy.

“Đi đâu vậy?” Cô hỏi.  

“Ra phòng khách...”

“Chi vậy?”

“Khuya rồi… Với lại… lệnh cách ly…” Hắn bỏ dở câu nói.

Lặng thinh. Cả hai người. Một lát, cô thì thầm, “Anh tính cắt máu ăn thề bằng cách nào?”

“Thì pha rượu với máu hai người. Em rành kiếm hiệp mà còn hỏi.” Rồi sực nhớ mình không bao giờ uống rượu, hắn chữa, “Pha cà phê thay cho rượu.”

“Thấy máu thì xỉu mà cứ nhất định cắt máu ăn thề,” cô cằn nhằn.

“Sợ lạc.”

“Đi đâu mà lạc?”

“Lạc mất nhau.”

Cô lặng thinh.

***

Rồi cô về lại quê nhà. Hắn ở lại, tiếp tục thân viễn xứ. Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Lệnh cách ly bỗng dưng có hiệu lực vĩnh viễn. Cũng chỉ vì chưa kịp cắt máu ăn thề. Bao nhiêu năm sau, hắn vẫn tin chắc như thế.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau hơn ba mươi năm gắn bó với cuộc sống ở Mỹ, ông Hải và bà Lan quyết định về hưu và bắt đầu một chương mới của cuộc đời. Quyết định này, mặc dù bất ngờ với những người xung quanh, lại xuất phát từ một ước mơ giản dị-sống những ngày cuối đời an nhàn tại quê hương. Hai ông bà đã dành dụm được một khoản lương hưu kha khá, cộng thêm số tiền đầu tư từ kế hoạch lương hưu 401k, đủ để họ cảm thấy có thể an tâm sống thoải mái ở Việt Nam.
Mẹ chị vừa bước qua tuổi 90, cụ đã bắt đầu lẫn, không tự săn sóc mình và không dùng máy móc được nữa. Bố chị mới mất cách đây hai năm và Mẹ chị xuống tinh thần rất nhanh sau khi Bố mất. Bắt đầu là buồn bã, bỏ ăn, thiếu ngủ, sau đi tới trầm cảm. Chị đi làm bán thời gian, giờ còn lại cả ngày chạy xe ngoài đường đưa đón mấy đứa nhỏ, hết trường lớp thì sinh hoạt sau giờ học. Chị không thể luôn ở bên Mẹ. Chị tìm được nhà già cho Mẹ rất gần trường học của con, lại gần nhà nữa, nên ngày nào cũng ghé Mẹ được, Mẹ chị chỉ cần trông thấy chị là cụ yên lòng.
Má ơi! Thế giới vô thường, thay đổi và biến hoại trong từng phút giây nhưng lòng con thương má thì không biến hoại, không thay đổi, không suy hao. Nguyện cầu ngày đêm cho má, hướng phước lành đến cho má. Cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh tăng ba đời mười phương gia hộ má vượt qua đau bệnh để sống an lạc trong những ngày tháng tuổi già bóng xế.
Truyện đầu tiên kể nơi đây là kể về một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca. Khi đó, ngài được gọi là một vị Bồ Tát. Ngày xưa rất là xưa, có hai người thợ săn, là hai vị thủ lĩnh của hai ngôi làng gần nhau. Hai vị trưởng làng đã lập một giao ước rằng nếu con của họ tình cờ khác giới tính, họ sẽ sắp xếp cho hai đứa con này kết hôn với nhau. Đó là một thời phần lớn hôn nhân là do sắp xếp của ba mẹ. Một vị trưởng làng có một cậu con trai được đặt tên là Dukūlakumāra, vì cậu bé được sinh ra trong một tấm vải bọc đẹp; vị trưởng làng kia có một cô con gái tên là Pārikā, vì cô bé được sinh ra ở bên kia con sông. Khi chàng trai và cô gái lớn lên, cha mẹ hai bên đã kết hôn cho hai người con này. Tuy nhiên, chàng trai Dukūlakumāra và cô gái Pārikā đã có nhiều kiếp tu, cùng giữ hạnh trong sạch, cho nên cô dâu và chú rể cùng cam kết bí mật với nhau rằng hai người sẽ ở chung nhà như vợ chồng, sẽ yêu thương nhau như vợ chồng nhưng sẽ không làm mất hạnh trong sạch của nhau.
Rõ ràng thằng bé đã thức. Nhưng khi An bước đến bên giường, mắt cu cậu nhắm tịt lại vờ như đang ngủ. An cù vào nách con : — Giả bộ này. Giả bộ này… / Bin uốn éo người, cười khanh khách. An xốc con dậy, hôn vào đôi má phúng phính: / — Con đánh răng rồi ti sữa cho ngoan nhé. Mẹ đi làm đây. / Bin choàng vòng tay nhỏ xíu quanh cổ mẹ, giọng ngọng nghịu: / — Mẹ ứ đii… / Bà đưa tay đỡ lấy cu Bin: / — Sang đây bà bế. Chiều mẹ lại về với Bin nào. / Chỉ nũng nịu với mẹ chút thôi, chứ Bin rất ngoan. Chưa bao giờ em khóc nhè, vòi vĩnh như những đứa trẻ khác. Sự hiểu chuyện của con, nhiều khi làm An nghe buốt lòng.
Chiếc ghế đá hầu như rất quen thuộc, dù nó cũng như mọi chiếc ghế khác trong công viên. Tháng Sáu. Bầy ve kêu inh ỏi. Chúng vô tư thật! Đoan ngồi xuống. Mấy buổi chiều nay, tan học, Đoan ghé khu vườn rộng lớn này, như một người trở về, cảm giác thật khó tả. Chợt nghe trong đầu vẳng lại lời của một bài thơ:
Cuộc đời trung úy Đỗ Lệnh Dũng, một sĩ quan VNCH, là biểu tượng bi tráng của lòng trung thành, khí phách giữa chiến tranh tàn khốc, và là minh chứng cho nỗi đau kéo dài của những người lính và thương phế binh miền Nam sau cuộc chiến.
Lớn hơn anh Hợp một tuổi, tháng 4 năm 1975, anh Đăng chưa xong năm thứ nhất về Cơ khí ở Phú Thọ, vận nước xoay chiều, ba anh cũng phải đi "học tập cải tạo" như hơn ba trăm ngàn Sĩ quan QLVNCH. Là con trai đầu lòng, anh Đăng bỏ cả ước mơ, bỏ trường về quê, điền vào chỗ trống của người chủ gia đình mà ba anh bỏ lại. Anh sinh viên kính trắng của Phú Thọ bỗng chốc trở thành phụ xe, lơ xe, cũng đổi đời như gần hai chục triệu người dân miền Nam.
Bây giờ trời đã tối, nhiều người đi ngủ sớm. Bọn trẻ học bài dưới bóng ngọn đèn dầu ở ngoại ô, ngọn đèn đường gần bờ sông. Trước hàng rào kẽm gai, một người lính mang súng đi đi lại lại, một đôi tình nhân đi chơi về muộn. Ngọn đèn hỏa châu sáng bừng góc trời một lát rồi tắt. Người yêu quê hương đã đi ra khỏi mảnh đất của những hận thù dai dẳng mà vẫn muốn trở về. Người nông dân muốn cày lại thửa ruộng của mình. Người thợ sửa đồng hồ muốn ngồi lại cái ghế vải nhỏ thấp của mình sau tủ kiếng bày đồng hồ cũ và mới. Lò bánh mì chiếu sáng nhấp nhô bóng những đứa trẻ bán bánh mì đứng trước cửa sổ với bao tải lớn đựng bánh nóng mới ra lò. Con chim về ngủ muộn biến mất trong bụi cây chỗ anh đứng.
Em nằm im lặng nghe đêm thở | Tháng Tư mở đôi mắt trong đêm | Anh ạ, em nghe Tháng Tư khóc | Tháng Tư nhỏ những giọt lệ đen.(tmt)
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi.
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.