Hôm nay,  

Lệnh Cách Ly Vĩnh Viễn

20/06/202500:00:00(Xem: 665)
 
Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Phải chăng vì họ chưa cắt máu ăn thề?

***

Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.

“Anh làm gì đó?” Giọng thiếu nữ từ ngoài vọng vào.

Hắn giật mình, nói vội, “Anh tìm cuốn sách.”

“Khu vực cấm lai vãng mà.”

“Anh tìm cuốn sách.” Lập lại câu nói, nhấn mạnh chữ cuốn sách, hắn giải thích vòng vo, “Tối qua quên lấy cuốn sách, không có gì đọc, nằm hoài không ngủ được.”

“Sao anh không vào lấy sách ra đọc?”

“Khuya rồi, làm sao lấy?”

“À, lệnh cách ly vẫn còn hiệu lực.” Giọng reo vui, cô gái nhắc lại thỏa thuận giữa hai người. Hắn mỉm cười. Và hắn nhớ cái hợp đồng với lệnh cách ly mà hai người cùng soạn và cùng hứa sẽ tôn trọng tuyệt đối trước ngày cô ghé thăm.

Hắn đi vòng ra phía góc phòng. Một kệ sách nhỏ nằm lọt hẳn trong góc. Ngồi xuống ngắm nghía. Cái tật không bỏ được. Những cuốn sách quen thuộc, nhưng đi qua vẫn phải ngừng lại, tròn con mắt nhìn. Những ngón tay vuốt nhẹ trên những lưng sách.

“Anh ơi.” Giọng thiếu nữ ngọt ngào.

Lừng khừng vài giây trước tủ sách, hắn nhanh tay rút ra một cuốn. Lật đại một trang. Lẩm nhẩm đọc dòng chữ con mắt vừa bắt gặp. Hắn hay đọc như thế. Chỉ một câu thôi, như người ta bói Kiều.

Chợt tiếng thiếu nữ la hoảng bên ngoài. Hắn đứng bật dậy, “Em, sao vậy?”

Đáp lời hắn chỉ có tiếng suýt soa nho nhỏ. Hắn quăng cuốn sách lên giường, bước vội ra ngoài.

Mái tóc xõa ngang lưng. Người con gái đứng trong bếp, sát chậu rửa bát, bàn tay phải cầm chắc ngón tay trỏ của bàn tay trái. Hắn hấp tấp bước lại, trố mắt nhìn. Máu loang đầu ngón tay cô gái. Một giọt tròn đỏ tươi rụng xuống nền nhà.

“Đứt tay rồi!” hắn nói nhanh.

Đôi mắt nâu đen ngước lên nhìn hắn, “Tại con dao nhà anh đó.” Và cô xoay người, vặn vòi nước lạnh. Cô toan đưa ngón tay loang máu vào dòng nước, hắn đã vội nắm lấy cổ tay cô, “Khoan đã.”

“Để nước lạnh giúp máu đông lại,” cô nói.

“Biết rồi, nhưng chờ chút đã.”

Hắn buông lỏng cổ tay cô, mở cánh cửa tủ đựng ly tách, kiễng chân, vói tay lấy chiếc ly thủy tinh.

“Anh làm gì vậy?” Cô tròn mắt nhìn hắn.

“Chuyện này quan trọng.”

“Quan trọng?” Cô nheo mắt. Khóe cười thoáng hiện trên cánh môi. Chuyện gì liên quan đến cô hắn cũng kết luận ngay là quan trọng.

Đặt chiếc ly lên mặt kệ, một tay hắn cầm nhẹ cổ tay cô đẩy về phía miệng ly, tay kia bóp nhẹ đầu ngón tay bị đứt. Máu ứa ra ở vết cắt. Một giọt rụng vào lòng ly thủy tinh. Thêm một giọt nữa. Rồi hai ba giọt. Rồi cả chục giọt máu đỏ tươi rụng xuống đáy ly.

Cô thúc nhẹ cùi chỏ vào ngực hắn, “Hết máu là em chết đó.”

“Không sao đâu,” hắn trấn an cô.

Những giọt máu tụ dưới đáy ly thủy tinh. Màu đỏ của máu rực rỡ dưới ánh đèn néon trên trần căn bếp. Màu đỏ, màu của nhiệt tâm, của cố gắng vượt qua ngàn thử thách. Có đúng như hắn nghĩ không. Hắn bị những giọt máu của cô thôi miên. Màu đỏ làm hắn chóng mặt. Từ nhỏ hắn đã sợ cái màu chói chang ấy. Có lần nghịch dao, bị đứt tay, thấy máu hắn lăn quay ra xỉu. Nhưng hôm nay, bên cạnh một người con gái, hắn thành người khác.

Hắn nhẹ nhàng đặt chiếc ly vào sát vách tường. Hắn không muốn sơ ý gạt trúng. Ly vỡ không tiếc, nhưng sẽ tiếc những giọt máu hiếm hoi. Hắn nhẹ nhàng kéo cô về phía vòi nước chậu rửa chén bát, mở vòi nước lạnh, đưa ngón tay có vết cắt của cô vào dòng nước. Dòng nước đổ xuống đầu ngón thon, chẻ thành nhiều nhánh nhỏ, rụng xuống chậu nhôm. Hắn bóp nhẹ ngón tay cô. Máu bị nước cuốn đi, để lại đầu ngón tay màu hồng, và vết cắt gần một phân, rướm máu.

“Chờ một phút nha,” hắn nói và khẽ buông cổ tay cô để chạy vào phòng ngủ. Hắn lục những ngăn tủ ở đầu giường. Hộp băng keo trong đó. Hắn lấy miếng băng, tháo vội lớp giấy bọc ngoài. Rồi lấy thêm lọ cồn bảy mươi. Hắn ra với cô. Đổ cồn lên tay cô. Những ngón tay cô run rẩy vì rát. Nhịp run bàn tay cô chuyển qua những ngón tay hắn như nhịp rung cơn địa chấn mơ hồ.

Hắn đưa bàn tay cô lên sát mặt, thổi nhẹ cho dịu bớt cơn đau. Chờ cơn nhức buốt vơi đi, hắn dán miếng băng keo lên vết cắt đầu ngón tay cô. Hắn nắn nhẹ đầu ngón thon như gửi gắm một điều khó nói thành lời.

“Chừng nào mới khỏi hở anh?” Cô hỏi.

“Vài ngày,” hắn nói đại.

Cô buột miệng nói ra cái câu cả hai không muốn nghe, “Vài ngày thì em về mất rồi.”

Những con số đuổi bắt nhau trong đầu. Cuốn phim chiếu vội trên màn hình ký ức. Hắn lại hoang mang. Cô ở cách hắn một nửa vòng trái đất. Cô du lịch theo đoàn. Đoàn du lịch ghé Xứ Tuyết của hắn chỉ có bảy ngày. Mỗi ngày một thành phố. Bắt đầu là thành phố ở miền cực đông, rồi tới thành phố hắn, những ngày kế tiếp đoàn du lịch chuyển dần qua những thành phố ở phía tây. Ngày cuối, đoàn sẽ trở về thành phố này, rồi bay đi nước khác. Cô táo bạo xin tách rời khỏi đoàn khi tới thành phố hắn, và bỏ tất cả những thành phố còn lại ở phía tây để có với hắn những ngày mùa hạ hiếm hoi, khi đoàn về lại thành phố này, cô sẽ nhập lại với họ để bay đi xứ khác.

Hai người ngồi xuống, cạnh nhau, trên chiếc sofa cũ.

“Tưởng họ không cho vậy mà cuối cùng họ cũng chịu,” cô nói vu vơ.

“Cho chứ, vừa nhẹ bớt trách nhiệm, vừa bớt tốn kém cho họ...” hắn tiếp lời.

Cả hai cùng im lặng. Hắn hình dung đến lúc đưa cô ra phi trường. Phải nói lời chia tay như thế nào đây! Buồn chết được. Còn cô thì nhẩm tính xem hôm này đoàn du lịch của cô đang ở thành phố nào.

“Chắc hôm nay họ ở Calgary,” cô nói.

Hắn lặng lẽ gật đầu. Calgary là thủ phủ tỉnh bang Alberta, ở phía tây thành phố hắn.

Cô chợt hỏi, giả giọng khôi hài, “Còn mấy ngày nữa vậy ta?”

Hắn buột miệng, “Bốn ngày rưỡi.”


Cái im lặng chụp xuống quanh họ như tấm màn nhung. Dày và trĩu nặng.

Một lát, hắn cầm lấy cổ tay cô, “Bớt đau chưa?”

Cô khẽ lắc đầu, nhăn nhó, “Vậy là em vẫn chưa nấu được món tủ của em để đãi anh.”

“Không sao, mình đi ăn tiệm.”

Cô nhìn hắn, “Em muốn nấu ăn ở nhà. Du lịch theo đoàn, ngày nào cũng ăn nhà hàng, phát sợ!”

Im lặng. Đầu óc hắn khi không trống rỗng.

Cô xoay đầu, nhìn vào mắt hắn, “Em thèm không khí gia đình, dù chỉ có mấy ngày.”

Hắn hiểu điều cô muốn nói. Hắn cầm bàn tay cô lên, vuốt nhẹ lớp băng keo ở đầu ngón trỏ, “Để anh nấu.”

Cô nhìn hắn, mỉm cười. Cô biết hắn có thể nấu mì gói. Sống một mình, hắn lão luyện trong kỹ thuật nấu mì. Nhưng không còn muốn chọc ghẹo hắn chuyện nấu nướng, cô nhắc, “Còn cái ly… anh tính làm gì?”

Hắn giật mình, “Ô, nghĩ ngợi vu vơ mà quên bẵng đi mất.”

Hắn rảo bước về phía nhà bếp, cầm chiếc ly đưa lên ánh đèn. Máu trong ly sắp đông lại, bởi hắn thấy lớp màng mỏng dăng trên mặt.

Từ căn phòng khách nhỏ xíu, ngóng về phía nhà bếp, cô thấy hắn đặt cái ly lên bàn ăn, kéo hộc tủ, lấy ra con dao nhỏ có mũi nhọn.

“Anh làm gì vậy?” Cô hỏi.

Hắn đáp lời cô bằng cái nheo mắt.

Dưới ánh đèn néon trắng xanh, cô thấy hắn xịt an côn lên đầu ngón tay, rồi nhắm chặt hai mắt, và bằng một động tác dứt khoát, hắn đâm mạnh mũi dao vào đầu ngón tay mình. Cô thấy miệng hắn há hốc rồi ngậm ngay lại. Và hắn rùng mình như con bệnh lên cơn sốt rét. Tiếng rên rỉ nho nhỏ vọng lại chỗ cô ngồi, nghe như tiếng thì thầm. Hắn buông con dao xuống, bóp chặt đầu ngón tay, nặn cho máu ứa ra. Hắn đặt đầu ngón tay lên trên miệng chiếc ly thủy tinh. Và hắn bóp mạnh đầu ngón. Những giọt máu đỏ tươi ứa ra ở vết cắt, to dần, rồi rụng xuống đáy ly, lẫn vào lớp mỏng đỏ sậm của máu cô.

Hắn run rẩy nặn đầu ngón tay, cho những giọt đỏ tiếp tục ứa ra, rụng xuống lòng ly.

Rồi hắn ngước lên nhìn cô. Trong phòng khách, trên chiếc sofa cũ màu xám nhạt, cô nghiêng đầu, tròn mắt, nhìn hắn. Cô không hiểu hắn đang làm gì nhưng cô bị thu hút bởi hành vi lạ lẫm của hắn.

“Anh làm gì ghê vậy?” Cô hỏi, khi không còn nén được sự tò mò.

Hắn lặng thinh nhìn quanh bốn vách tường. Hắn thấy đầu mình nhẹ bâng và dường như mọi vật đang sắp sửa bị cơn gió vô hình nào đó cuốn đi. Những vách tường màu vàng nhạt bỗng sậm màu, như vừa được phết lên một lớp sơn mới. Hắn thấy hình ảnh cô cong cuốn như hình phản chiếu trên tấm gương có mặt không phẳng đều. Rồi nét ngạc nhiên trên mặt cô loãng đi như cánh diều phất phơ trong gió. Trần nhà võng xuống, những chân ghế sofa dài ngoằng. Bàn ghế xô lệch, chuyển động chung quanh hắn. Trời đất tối sầm, hắn lảo đảo quơ tay tìm vật gì đó vững chãi để bám vào. Chân hắn tuột ra ở hai đầu gối, cánh tay hắn lỏng lẻo, gạt trên mặt bàn. Hắn chợt nhớ từ ngày còn bé hắn đã sợ máu. Hắn thấy hai mắt cô mở càng lúc càng lớn, như những vòng sóng lan rộng trên mặt hồ. Hắn đổ sầm xuống sàn nhà cùng tiếng thủy tinh vỡ ngọt và tiếng la phập phều trong không khí một giọng nữ mà ngôn từ nhùng nhằng dính cứng lấy nhau.

Hắn mở mắt. Không gian mờ tối mở ra khoảng trần nhà màu trắng. Vật gì đó nặng nề chặn ngang lồng ngực. Hắn quơ tay mò mẫm tìm để gỡ cái vật nặng nề ấy xuống. Một cánh tay rất mảnh. Và hắn nhớ ra đó là cánh tay cô. Trí nhớ như cơn gió lùa nhanh qua khung cửa sổ tâm tư. Hắn nghe giọng ngọt ngào của cô, “Anh tỉnh dậy rồi.” Bàn tay mát lạnh đặt lên má hắn, vuốt nhẹ, “Làm em sợ quá.”

Từng mảnh vụn trí nhớ theo nhau dạt về. Hắn hít một hơi dài, hai tay cầm lấy bàn tay mềm mại của cô.

“Hết đau chưa?” hắn hỏi.

“Hết rồi,” cô nói.
Hắn nhìn bàn tay mình. Ngón tay trỏ hắn viền lớp băng keo quanh đầu ngón. Hệt như bàn tay cô. Hắn chống tay cố ngồi dậy, nhưng đầu hắn nặng trĩu. Hắn nghĩ nếu cứ cố nhổm dậy, cái cổ không mang nổi cái đầu nặng như đá tảng, sẽ gẫy gập.

“Định đi đâu vậy?” cô hỏi.

“Ra phòng khách... Lệnh cách ly...” hắn lẩm bẩm nhắc điều hai người thỏa thuận. Cái lệnh ấy truyền rằng cô sẽ ghé thăm, và hắn nhường cho cô phòng ngủ của hắn. Lệnh ấy cũng phán rằng hắn không được vào phòng lúc cô ở đó. Lệnh cách ly. Cái thỏa thuận không ghi trên giấy nhưng hiệu lực vô song.
Cô ấn cho hắn nằm xuống. “Nghỉ ngơi, lo dưỡng bệnh đi kìa.”

Hắn mỉm cười, rồi sực nhớ, nhỏm dậy, thì thầm, “Cái ly đâu rồi?”

“Vỡ rồi!” Cô cũng thì thầm vào tai hắn.

Hắn hốt hoảng, “Vỡ thật à? Sao lại vỡ vậy?”

“Lúc xỉu, anh gạt cái ly rơi xuống đất...”

Hắn hụt hơi. Rồi hắn than thầm, “Chết rồi! Thế còn...”

“Em bỏ rác hết rồi...” cô nói.

“Máu hai đứa mình,” hắn tiếp, đầy tiếc nuối trong giọng nói.

Cô vuốt ve trán hắn. Hắn nằm im, nhắm mắt tận hưởng phút giây hạnh phúc. Chỉ còn bốn hôm nữa thôi, cô sẽ về lại quê nhà. Hắn ở lại chốn này. Một mình. Bỗng dưng nỗi buồn vồ lấy hắn. Nghĩ đến lúc đưa cô ra phi trường. Cô nhập vào đoàn người đi cùng chuyến. Hắn đứng nhìn cô xách túi hành lý đi qua trạm kiểm soát quan thuế, rồi bóng cô mất hút sau khúc quanh. Bỗng dưng lồng ngực hắn thắt lại.

“Mà anh lấy máu làm gì vậy?” Câu hỏi của cô vực hắn ra khỏi vũng buồn.

Hắn ngập ngừng, “Mình cắt máu ăn thề...”

Cô chớp mắt. Hắn nhìn lên trần nhà. Chất màu trắng ngả qua xám nhạt cào xé hai con mắt. Hắn lẩm bẩm, “Vậy xem như lỡ lời thề.”

Cô tròn mắt nhìn hắn. Đôi mắt đẹp. Mắt trẻ thơ. Cái mụn ruồi trên khóe môi luôn hé nở nụ cười. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy, cái mụn ruồi và cả chiếc răng khểnh kia nữa, như chân dung trọn vẹn của hạnh phúc, đang cận kề bên hắn. Vậy mà có lúc phải chia xa.

Hắn cố chống tay ngồi dậy.

“Đi đâu vậy?” Cô hỏi.  

“Ra phòng khách...”

“Chi vậy?”

“Khuya rồi… Với lại… lệnh cách ly…” Hắn bỏ dở câu nói.

Lặng thinh. Cả hai người. Một lát, cô thì thầm, “Anh tính cắt máu ăn thề bằng cách nào?”

“Thì pha rượu với máu hai người. Em rành kiếm hiệp mà còn hỏi.” Rồi sực nhớ mình không bao giờ uống rượu, hắn chữa, “Pha cà phê thay cho rượu.”

“Thấy máu thì xỉu mà cứ nhất định cắt máu ăn thề,” cô cằn nhằn.

“Sợ lạc.”

“Đi đâu mà lạc?”

“Lạc mất nhau.”

Cô lặng thinh.

***

Rồi cô về lại quê nhà. Hắn ở lại, tiếp tục thân viễn xứ. Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Lệnh cách ly bỗng dưng có hiệu lực vĩnh viễn. Cũng chỉ vì chưa kịp cắt máu ăn thề. Bao nhiêu năm sau, hắn vẫn tin chắc như thế.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.