Hôm nay,  

Có Những Tháng Ngày Như Thế ...

21/03/202500:00:00(Xem: 3991)

Minh-họa-Đinh-Trường-Chinh
Minh họa của họa sĩ Đinh Trường Chinh

Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo.

Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh.

Hồi đó, mỗi người trong sổ hộ khẩu đều có một Sổ Sức Khỏe, bên ngoài bìa ghi vài thông tin tổng quát, gồm họ tên, tuổi bao nhiêu, và địa chỉ thường trú. Thằng cháu mới 9 tuổi, anh lấy cây viết cùng màu mực với số 9 rồi viết thêm số 2 đàng trước rất phù hợp với độ tuổi của anh (anh thực sự 28 tuổi), nhưng cái tên của thằng cháu khá “đặc biệt”  làm anh hơi ngại ngần. Ba của nó tên Hoàng, là Đại Úy Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bà chị họ của tôi sanh thằng nhỏ thì ảnh đang “lắc lư con tàu đi” tác chiến ở vùng sông nước Hậu Giang và nhắn vợ đặt tên con là Lê Hoàng Biển Cả, coi như kỷ niệm tình yêu sự nghiệp đời Lính của anh.

Anh Hai mượn Sổ Sức Khỏe của cháu, vì anh không còn chọn lựa nào khác. Ba người anh còn lại của tôi, một anh đã vượt biên đang ở Mỹ, hai anh khác học xong Đại Học ra trường đi làm ngoài tỉnh nên hộ khẩu ở chỗ làm. Anh Hoàng, chồng bà chị họ mới “học tập cải tạo” về nhà, còn trong thời hạn bị địa phương quản chế nên có cho vàng anh Hai cũng không dám mượn sổ, không muốn gây thêm liên lụy cho anh rể. Ba tôi, cũng mới nằm bệnh viện cả tháng chữa bệnh bao tử nên cái Sổ Sức Khỏe đầy chữ viết bệnh án của bác sĩ, anh không thể mượn sổ của ba vì dễ bị phát hiện. Chỉ còn đứa cháu 9 tuổi, cái sổ còn trống trơn. Bà chị họ sốt sắng đưa anh cuốn sổ của thằng Biển Cả, bảo anh cứ liều... “mạng cùi” đến bệnh viện, cùng lắm thì anh bị trở vào tù, chớ ai lại bắt thằng bé 9 tuổi?

Thế rồi cũng êm xuôi trót lọt, anh được điều trị cắt cơn sốt rét tại bệnh viện, thời gian dự trù khoảng hai tuần. Tôi đang học lớp10, đường đi đến trường có ngang qua bệnh viện, nên có một buổi chiều sau khi tan học, tôi ghé thăm anh. Gặp tôi, anh vui vẻ tươi tỉnh, biểu tôi gửi xe rồi cùng anh đi dạo ra ngoài vì cả tuần qua anh còn mệt nên chỉ loanh quanh trong bệnh viện.

Hai anh em tản bộ về hướng chợ Xóm Mới, mải mê nói chuyện, đến cổng nhà thờ Hoàng Mai thì tôi nghe tiếng gọi:

- Anh Biển Cả! Anh Biển Cả!

Sau vài giây khựng lại, tôi liền nhớ ra, quay qua anh Hai:

- Anh Hai ơi, có người gọi anh... Biển Cả kìa!

Anh ngưng nói chuyện, cố tìm trong ráng chiều chạng vạng người nào đã gọi anh, thì một cô gái đi nhanh về hướng chúng tôi. Anh nhận ra, cười tươi và giới thiệu:

- Em ơi, đây là cô Hoài, người y tá chăm sóc anh ở bệnh viện. Còn đây là Loan, em gái của tôi học ở trường Nguyễn Trung Trực gần đây nên ghé thăm tôi.

Chị Hoài hỏi thăm tôi vài câu, rồi nói:

- Anh Biển Cả và Loan chờ đây nhe, em chạy vào trong nhà một chút.

Chị chạy vào trong hẻm nhà thờ, lát sau mang ra một túi đồ dúi vào tay tôi và nói với anh:

- Bữa nay nhà em có đám giỗ, em tính sáng mai mang đến bệnh viện chút trái cây để anh dưỡng sức, nhưng bây giờ gặp thì đưa luôn, có thêm miếng xôi vò, chả lụa và mấy cái bánh ngọt, hai anh em cùng ăn cho vui nha.

Tôi chần chừ, chị Hoài nói tiếp:

- Lộc đám giỗ thôi mà, vả lại, chị muốn cám ơn anh Biển Cả dạy kèm English cho chị.

Anh Hai gật đầu nên tôi cầm lấy bịch thức ăn. Trên đường trở về bệnh viện, anh kể, cái tên Biển Cả làm anh ... nổi tiếng trong bệnh viện. Hễ khi gọi tên bệnh nhân lấy thuốc, cứ đến lượt “Lê Hoàng Biển Cả” là các cô y tá bụm miệng cười, nhìn anh vừa tinh nghịch vừa thân ái. Chị Hoài là người chữa trị và theo dõi bệnh tình của anh, cũng có hỏi anh về cái tên lạ mà hay này, anh trả lời qua loa cho xong chuyện, dù có đôi lần lỡ miệng, xuýt bị lộ thân phận. Khi biết anh là giáo viên dạy Tiếng Anh, chị Hoài nhờ anh giúp mỗi ngày các bài vở chị học từ một Trung Tâm Ngoại Ngữ vì gia đình có chị ruột bên Mỹ đang làm giấy tờ bảo lãnh diện ODP.

Tôi trêu anh:
- Nhìn vào cặp mắt chị Hoài khi nói chuyện, em dám chắc là anh đã lọt vào “mắt xanh” của chị ấy rồi đấy, anh tính sao ?
- Anh biết chớ, nhưng anh chẳng còn tâm trí nào cho chuyện tình cảm yêu đương. Hiện giờ anh chỉ còn một con đường, là phải vượt biên bằng mọi giá, thế thôi.

Sau đó, anh được xuất viện, vừa trở về nhà vài ngày thì may mắn có chuyến vượt biên do bạn thân giới thiệu nên anh lên đường ra khơi. Một chiều tôi đi học về, bà chị họ chạy qua:

- Hồi nãy có cô Hoài y tá đến tìm anh... Biển Cả.

Tôi đã từng kể cho cả nhà nghe chuyện gặp chị Hoài lúc đi dạo với anh Hai, nên chị chép miệng:

- Tội cô ấy quá, nhưng nhà mình còn đang nóng ruột chờ tin nên chị đâu dám nói sự thật, đành nói dối “anh Biển Cả” đi Cần Thơ.

Ba tuần sau, cả nhà sung sướng khi nhận điện tín của anh Hai từ đảo Bidong, Malaysia. Trong nỗi vui mừng này, tôi nghĩ đến chị Hoài, đắn đo có nên báo cho chị biết tin anh Hai. Nhưng tôi lại thôi, nào có ích gì, chỉ làm cho chị buồn thêm.
Rồi trời xui đất khiến buổi sáng chúa nhật tôi đi chợ Xóm Mới, đang đi vào tiệm bánh gai đầu chợ thì gặp chị Hoài cũng đang mua bánh gai. Hai chị em mừng rỡ ríu rít, chị kéo tôi vào quán nước để nói chuyện nhiều hơn. Tôi báo tin vui mà không dám... hớn hở:

- Chị ơi, anh Hai của em đã đến đảo Bidong rồi đó.

Chị thoáng thất vọng, buồn buồn, nhưng kịp mỉm cười:

- Ôi, chị mừng cho anh Hai, chung vui cùng gia đình em.

Nói chuyện qua lại một lúc, trước khi chia tay, chị Hoài ngập ngừng:

- Em nè, chị hỏi điều này nếu em không thấy phiền, em cho chị địa chỉ anh Hai bên đảo được không? Thú thiệt với em, gia đình chị chờ đi ODP lâu quá, nên chị và đứa em trai đang tìm mối vượt biên. Chủ tàu nói chuyến đi dự tính đã đầy người, nhưng nếu phút chót có ai rút lui thì sẽ kêu chị. Nếu chị may mắn tới đảo Bidong sẽ tìm anh Hai của em, còn nếu chị tới đảo khác nước khác, chị cũng sẽ viết thư liên lạc với ảnh, được không em?

- Trời ơi, có gì mà phiền chớ. Ngày mai đi học em sẽ ghé qua bệnh viện đưa chị địa chỉ. Mà chị ơi, vậy thì em phải khai thiệt với chị một chuyện ...
- Chuyện gì, em cứ nói.
- Dạ, anh Hai của em hổng phải tên Biển Cả.
- Chị biết mà! Nãy giờ em có thấy chị gọi ảnh là “Biển Cả” không?
- Ủa, ủa, là sao??
- Hôm nọ chị đến nhà tìm ảnh, dù đã có địa chỉ lấy từ sổ sức khỏe, nhưng khi đến đầu hẻm thấy một bác ngồi bán khoai mì đang ... rảnh rang, chị bèn hỏi nhà anh Biển Cả, bác ấy cười lớn, anh gì mà anh, căn nhà cổng màu xanh đó, thằng Biển Cả đang chơi bắn bi với mấy thằng nhóc trong xóm kìa, cô là cô giáo của nó hả!
- Ha...ha...Vậy là chị biết từ ngày đó?
- Thực ra, chị biết từ những ngày ảnh còn ở bệnh viện.
- Ủa, ủa, là sao nữa?
- Chị là người tiếp nhận ảnh lúc đến khám bệnh, thấy cái tên hay, các cô y tá xúm vào hỏi han, ảnh ngượng ngùng bối rối, đúng kiểu chưa quen nói dối. Sau đó chị nhìn kỹ sổ sức khỏe, thì thấy chỗ ghi tuổi, cái số 29 không đều nhau, nét mực cũng hơi khác. Rồi khi chị hỏi ảnh thẻ “chứng minh nhân dân” để làm thủ tục nhập viện, ảnh nói bị mất. Cũng may chị là Y tá trưởng nên bỏ qua thủ tục này.
- Ôi, chị vừa thông minh lại vừa tốt bụng. Sao chị dám giúp ảnh, lỡ ảnh là... tội phạm nguy hiểm thì sao?
- Nghe chị nói nè, trước tiên, chị hành động theo lương tâm “lương y như từ mẫu”, làm sao chị có thể đuổi bệnh nhân ra về khi họ đang run vì cơn sốt? Lý do tiếp theo, dáng vẻ bên ngoài của anh ấy với cặp mắt kiếng, phong thái mô phạm, giọng nói từ tốn điềm đạm, cũng đủ gây tin tưởng cho người đối diện. Hơn nữa, khi tiếp xúc, thì càng thấy anh ấy là người đứng đắn, đạo đức, nhất là sự hiểu biết của ảnh, không chỉ trong môn English mà trong các vấn đề khác. Chị đã cảm mến ảnh từ những ngày đó.
- Chị nói thì em mới dám... khoe luôn, ảnh là cuốn tự điển bách khoa của gia đình và cả xóm em luôn á! Em xin thay mặt anh Hai, cám ơn chị đã bao che và chữa bệnh cho anh ấy.
- Chị cũng cám ơn ảnh, thời gian hai tuần lễ chị đã mở mang thêm một số kiến thức là nhờ ảnh.

Tôi về nhà, viết liền lá thư cho anh Hai, kể lại toàn bộ cuộc nói chuyện với chị Hoài, và dặn ảnh chuẩn bị tinh thần, biết đâu con tàu của chị ấy sẽ cập bến Malaysia. Anh viết lại, biểu tôi yên tâm, vì ảnh đang làm thiện nguyện, dạy English ở đảo, nên quen thân với Ban Điều Hành trại, hễ có chuyến đưa người mới vào đảo là anh được xem danh sách từ chiều hôm trước, rồi đến ngày, anh vẫn hòa vào đám đông kéo nhau ra cầu Jetty đón đoàn người tỵ nạn mới, để tìm người quen, bạn bè, hàng xóm.

Vậy mà bốn tháng sau, khi anh có tên đi định cư Mỹ, buổi tối trước khi rời đảo Bidong để qua trại Sungai Besi, anh viết thư về nhà, có viết riêng cho tôi một đoạn:
- Em ơi, sao chị Hoài vẫn chưa đến Bidong, mà cũng chưa viết thư cho anh từ trại khác, liệu có chuyện gì xảy ra với chị ấy chăng? Em hãy đến bệnh viện tìm xem chị ấy còn ở đó không nhé.

Tôi chạy liền đến bệnh viện, vào thẳng phòng trực y tá, với tư cách người nhà bệnh nhân, xin gặp chị Hoài để nói lời cảm tạ. Một chị y tá cho biết:
-  Chị Hoài nghỉ làm rồi em ơi.
-  Từ khi nào hở chị?
-  Cỡ bốn, năm tháng.

Trời ơi, đúng là lúc chị nói với tôi dự tính vượt biên. Tôi hồi hộp:
-  Vậy chị cho em địa chỉ nhà chị Hoài để em ghé thăm.
-  Khỏi ghé em ơi, chị Hoài vượt biên đến Thailand rồi.

Tôi run run:
-  Thiệt không chị? Chị ấy đến Thái hay Bidong, Mã Lai?
-  Đến Thái! Chị ấy có gửi thư và hình cho tụi chị, nếu em muốn xem thì ngày mai quay lại chị cho xem.

Tôi thở phào, trở về nhà, nhưng cả đêm thao thức với những nghĩ suy, tại sao chị ấy không viết thư cho anh Hai như đã nói với tôi? Tôi bèn đưa ra hai giả thuyết, thứ nhất, có thể trên đường vượt biển chị đã đánh mất hành lý và địa chỉ của anh Hai (giả thuyết này có nhiều khả năng xảy ra, vì hai người anh của tôi đi vượt biên đều gặp tình trạng này, kẻ thì làm rơi trên biển, người thì đánh mất lúc di chuyển từ ghe nhỏ qua tàu lớn). Giả thuyết thứ hai, có thể nào chị đã gặp gỡ một tình yêu chung chuyến tàu hoặc chung trại tỵ nạn, nên không còn ý muốn liên lạc với anh Hai?

Rồi tôi cũng đi vào giấc ngủ với niềm vui, là chị Hoài đã thoát được nơi chốn này, đến được bến bờ tự do như mong ước. Còn chuyện sau đó, dù là giả thuyết một, giả thuyết hai, hay giả thuyết ba, bốn, năm, sáu ...gì chăng nữa, với tôi, cũng đều là một kết thúc vừa ý.

Anh Hai, sẽ nhớ những ngày được cô y tá dễ thương cứu giúp trong hoàn cảnh “hoạn nạn khốn khó”. Chị Hoài, sẽ không quên cảm xúc xao động nhẹ nhàng khi chữa trị cho một bệnh nhân có cái tên giả “đặc biệt”.

Anh Hai, chị Hoài, và tôi, người chứng kiến và kể lại câu chuyện này, cùng có một kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về quãng thời gian sống dưới chế độ “Xã Hội Chủ Nghĩa- Xuống Hố Cả Nút”, khi mà “cây cột đèn có chân cũng muốn ra đi”!

Edmonton, Tháng 3/2025
KIM LOAN
 

Ý kiến bạn đọc
14/04/202511:27:39
Khách
Ui, chuyện dễ thương quá. 2 nhân vật chị Hoài và anh Hai Biển Cả đều xứng đáng đươc hưởng tự do và phải chi họ gặp nhau cho có happy ending.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
Câu chuyện ngày nay kể về một chuyện ngày xưa, một ngày của thuở hồng hoang loài người; hằng triệu năm trước, khi một mảnh đất trên địa cầu, sau cơn địa chấn, tách ra và trôi dạt về phương Nam, ngày càng xa thẵm và nó trôi đến phía cực Nam của trái đất, dừng lại một nơi chốn tận cùng, rồi một biên giới được dựng lên bởi bức tường Băng Tuyết vĩnh viễn. Trên mảnh đất xa xôi, ngàn năm cô đơn ấy, một loài chim Cánh Cụt ríu rít sống bên nhau, yêu thương che chở nhau cho đến chết vì nhau.
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.