Hôm nay,  

Lệnh Cách Ly Vĩnh Viễn

20/06/202500:00:00(Xem: 667)
 
Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Phải chăng vì họ chưa cắt máu ăn thề?

***

Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.

“Anh làm gì đó?” Giọng thiếu nữ từ ngoài vọng vào.

Hắn giật mình, nói vội, “Anh tìm cuốn sách.”

“Khu vực cấm lai vãng mà.”

“Anh tìm cuốn sách.” Lập lại câu nói, nhấn mạnh chữ cuốn sách, hắn giải thích vòng vo, “Tối qua quên lấy cuốn sách, không có gì đọc, nằm hoài không ngủ được.”

“Sao anh không vào lấy sách ra đọc?”

“Khuya rồi, làm sao lấy?”

“À, lệnh cách ly vẫn còn hiệu lực.” Giọng reo vui, cô gái nhắc lại thỏa thuận giữa hai người. Hắn mỉm cười. Và hắn nhớ cái hợp đồng với lệnh cách ly mà hai người cùng soạn và cùng hứa sẽ tôn trọng tuyệt đối trước ngày cô ghé thăm.

Hắn đi vòng ra phía góc phòng. Một kệ sách nhỏ nằm lọt hẳn trong góc. Ngồi xuống ngắm nghía. Cái tật không bỏ được. Những cuốn sách quen thuộc, nhưng đi qua vẫn phải ngừng lại, tròn con mắt nhìn. Những ngón tay vuốt nhẹ trên những lưng sách.

“Anh ơi.” Giọng thiếu nữ ngọt ngào.

Lừng khừng vài giây trước tủ sách, hắn nhanh tay rút ra một cuốn. Lật đại một trang. Lẩm nhẩm đọc dòng chữ con mắt vừa bắt gặp. Hắn hay đọc như thế. Chỉ một câu thôi, như người ta bói Kiều.

Chợt tiếng thiếu nữ la hoảng bên ngoài. Hắn đứng bật dậy, “Em, sao vậy?”

Đáp lời hắn chỉ có tiếng suýt soa nho nhỏ. Hắn quăng cuốn sách lên giường, bước vội ra ngoài.

Mái tóc xõa ngang lưng. Người con gái đứng trong bếp, sát chậu rửa bát, bàn tay phải cầm chắc ngón tay trỏ của bàn tay trái. Hắn hấp tấp bước lại, trố mắt nhìn. Máu loang đầu ngón tay cô gái. Một giọt tròn đỏ tươi rụng xuống nền nhà.

“Đứt tay rồi!” hắn nói nhanh.

Đôi mắt nâu đen ngước lên nhìn hắn, “Tại con dao nhà anh đó.” Và cô xoay người, vặn vòi nước lạnh. Cô toan đưa ngón tay loang máu vào dòng nước, hắn đã vội nắm lấy cổ tay cô, “Khoan đã.”

“Để nước lạnh giúp máu đông lại,” cô nói.

“Biết rồi, nhưng chờ chút đã.”

Hắn buông lỏng cổ tay cô, mở cánh cửa tủ đựng ly tách, kiễng chân, vói tay lấy chiếc ly thủy tinh.

“Anh làm gì vậy?” Cô tròn mắt nhìn hắn.

“Chuyện này quan trọng.”

“Quan trọng?” Cô nheo mắt. Khóe cười thoáng hiện trên cánh môi. Chuyện gì liên quan đến cô hắn cũng kết luận ngay là quan trọng.

Đặt chiếc ly lên mặt kệ, một tay hắn cầm nhẹ cổ tay cô đẩy về phía miệng ly, tay kia bóp nhẹ đầu ngón tay bị đứt. Máu ứa ra ở vết cắt. Một giọt rụng vào lòng ly thủy tinh. Thêm một giọt nữa. Rồi hai ba giọt. Rồi cả chục giọt máu đỏ tươi rụng xuống đáy ly.

Cô thúc nhẹ cùi chỏ vào ngực hắn, “Hết máu là em chết đó.”

“Không sao đâu,” hắn trấn an cô.

Những giọt máu tụ dưới đáy ly thủy tinh. Màu đỏ của máu rực rỡ dưới ánh đèn néon trên trần căn bếp. Màu đỏ, màu của nhiệt tâm, của cố gắng vượt qua ngàn thử thách. Có đúng như hắn nghĩ không. Hắn bị những giọt máu của cô thôi miên. Màu đỏ làm hắn chóng mặt. Từ nhỏ hắn đã sợ cái màu chói chang ấy. Có lần nghịch dao, bị đứt tay, thấy máu hắn lăn quay ra xỉu. Nhưng hôm nay, bên cạnh một người con gái, hắn thành người khác.

Hắn nhẹ nhàng đặt chiếc ly vào sát vách tường. Hắn không muốn sơ ý gạt trúng. Ly vỡ không tiếc, nhưng sẽ tiếc những giọt máu hiếm hoi. Hắn nhẹ nhàng kéo cô về phía vòi nước chậu rửa chén bát, mở vòi nước lạnh, đưa ngón tay có vết cắt của cô vào dòng nước. Dòng nước đổ xuống đầu ngón thon, chẻ thành nhiều nhánh nhỏ, rụng xuống chậu nhôm. Hắn bóp nhẹ ngón tay cô. Máu bị nước cuốn đi, để lại đầu ngón tay màu hồng, và vết cắt gần một phân, rướm máu.

“Chờ một phút nha,” hắn nói và khẽ buông cổ tay cô để chạy vào phòng ngủ. Hắn lục những ngăn tủ ở đầu giường. Hộp băng keo trong đó. Hắn lấy miếng băng, tháo vội lớp giấy bọc ngoài. Rồi lấy thêm lọ cồn bảy mươi. Hắn ra với cô. Đổ cồn lên tay cô. Những ngón tay cô run rẩy vì rát. Nhịp run bàn tay cô chuyển qua những ngón tay hắn như nhịp rung cơn địa chấn mơ hồ.

Hắn đưa bàn tay cô lên sát mặt, thổi nhẹ cho dịu bớt cơn đau. Chờ cơn nhức buốt vơi đi, hắn dán miếng băng keo lên vết cắt đầu ngón tay cô. Hắn nắn nhẹ đầu ngón thon như gửi gắm một điều khó nói thành lời.

“Chừng nào mới khỏi hở anh?” Cô hỏi.

“Vài ngày,” hắn nói đại.

Cô buột miệng nói ra cái câu cả hai không muốn nghe, “Vài ngày thì em về mất rồi.”

Những con số đuổi bắt nhau trong đầu. Cuốn phim chiếu vội trên màn hình ký ức. Hắn lại hoang mang. Cô ở cách hắn một nửa vòng trái đất. Cô du lịch theo đoàn. Đoàn du lịch ghé Xứ Tuyết của hắn chỉ có bảy ngày. Mỗi ngày một thành phố. Bắt đầu là thành phố ở miền cực đông, rồi tới thành phố hắn, những ngày kế tiếp đoàn du lịch chuyển dần qua những thành phố ở phía tây. Ngày cuối, đoàn sẽ trở về thành phố này, rồi bay đi nước khác. Cô táo bạo xin tách rời khỏi đoàn khi tới thành phố hắn, và bỏ tất cả những thành phố còn lại ở phía tây để có với hắn những ngày mùa hạ hiếm hoi, khi đoàn về lại thành phố này, cô sẽ nhập lại với họ để bay đi xứ khác.

Hai người ngồi xuống, cạnh nhau, trên chiếc sofa cũ.

“Tưởng họ không cho vậy mà cuối cùng họ cũng chịu,” cô nói vu vơ.

“Cho chứ, vừa nhẹ bớt trách nhiệm, vừa bớt tốn kém cho họ...” hắn tiếp lời.

Cả hai cùng im lặng. Hắn hình dung đến lúc đưa cô ra phi trường. Phải nói lời chia tay như thế nào đây! Buồn chết được. Còn cô thì nhẩm tính xem hôm này đoàn du lịch của cô đang ở thành phố nào.

“Chắc hôm nay họ ở Calgary,” cô nói.

Hắn lặng lẽ gật đầu. Calgary là thủ phủ tỉnh bang Alberta, ở phía tây thành phố hắn.

Cô chợt hỏi, giả giọng khôi hài, “Còn mấy ngày nữa vậy ta?”

Hắn buột miệng, “Bốn ngày rưỡi.”


Cái im lặng chụp xuống quanh họ như tấm màn nhung. Dày và trĩu nặng.

Một lát, hắn cầm lấy cổ tay cô, “Bớt đau chưa?”

Cô khẽ lắc đầu, nhăn nhó, “Vậy là em vẫn chưa nấu được món tủ của em để đãi anh.”

“Không sao, mình đi ăn tiệm.”

Cô nhìn hắn, “Em muốn nấu ăn ở nhà. Du lịch theo đoàn, ngày nào cũng ăn nhà hàng, phát sợ!”

Im lặng. Đầu óc hắn khi không trống rỗng.

Cô xoay đầu, nhìn vào mắt hắn, “Em thèm không khí gia đình, dù chỉ có mấy ngày.”

Hắn hiểu điều cô muốn nói. Hắn cầm bàn tay cô lên, vuốt nhẹ lớp băng keo ở đầu ngón trỏ, “Để anh nấu.”

Cô nhìn hắn, mỉm cười. Cô biết hắn có thể nấu mì gói. Sống một mình, hắn lão luyện trong kỹ thuật nấu mì. Nhưng không còn muốn chọc ghẹo hắn chuyện nấu nướng, cô nhắc, “Còn cái ly… anh tính làm gì?”

Hắn giật mình, “Ô, nghĩ ngợi vu vơ mà quên bẵng đi mất.”

Hắn rảo bước về phía nhà bếp, cầm chiếc ly đưa lên ánh đèn. Máu trong ly sắp đông lại, bởi hắn thấy lớp màng mỏng dăng trên mặt.

Từ căn phòng khách nhỏ xíu, ngóng về phía nhà bếp, cô thấy hắn đặt cái ly lên bàn ăn, kéo hộc tủ, lấy ra con dao nhỏ có mũi nhọn.

“Anh làm gì vậy?” Cô hỏi.

Hắn đáp lời cô bằng cái nheo mắt.

Dưới ánh đèn néon trắng xanh, cô thấy hắn xịt an côn lên đầu ngón tay, rồi nhắm chặt hai mắt, và bằng một động tác dứt khoát, hắn đâm mạnh mũi dao vào đầu ngón tay mình. Cô thấy miệng hắn há hốc rồi ngậm ngay lại. Và hắn rùng mình như con bệnh lên cơn sốt rét. Tiếng rên rỉ nho nhỏ vọng lại chỗ cô ngồi, nghe như tiếng thì thầm. Hắn buông con dao xuống, bóp chặt đầu ngón tay, nặn cho máu ứa ra. Hắn đặt đầu ngón tay lên trên miệng chiếc ly thủy tinh. Và hắn bóp mạnh đầu ngón. Những giọt máu đỏ tươi ứa ra ở vết cắt, to dần, rồi rụng xuống đáy ly, lẫn vào lớp mỏng đỏ sậm của máu cô.

Hắn run rẩy nặn đầu ngón tay, cho những giọt đỏ tiếp tục ứa ra, rụng xuống lòng ly.

Rồi hắn ngước lên nhìn cô. Trong phòng khách, trên chiếc sofa cũ màu xám nhạt, cô nghiêng đầu, tròn mắt, nhìn hắn. Cô không hiểu hắn đang làm gì nhưng cô bị thu hút bởi hành vi lạ lẫm của hắn.

“Anh làm gì ghê vậy?” Cô hỏi, khi không còn nén được sự tò mò.

Hắn lặng thinh nhìn quanh bốn vách tường. Hắn thấy đầu mình nhẹ bâng và dường như mọi vật đang sắp sửa bị cơn gió vô hình nào đó cuốn đi. Những vách tường màu vàng nhạt bỗng sậm màu, như vừa được phết lên một lớp sơn mới. Hắn thấy hình ảnh cô cong cuốn như hình phản chiếu trên tấm gương có mặt không phẳng đều. Rồi nét ngạc nhiên trên mặt cô loãng đi như cánh diều phất phơ trong gió. Trần nhà võng xuống, những chân ghế sofa dài ngoằng. Bàn ghế xô lệch, chuyển động chung quanh hắn. Trời đất tối sầm, hắn lảo đảo quơ tay tìm vật gì đó vững chãi để bám vào. Chân hắn tuột ra ở hai đầu gối, cánh tay hắn lỏng lẻo, gạt trên mặt bàn. Hắn chợt nhớ từ ngày còn bé hắn đã sợ máu. Hắn thấy hai mắt cô mở càng lúc càng lớn, như những vòng sóng lan rộng trên mặt hồ. Hắn đổ sầm xuống sàn nhà cùng tiếng thủy tinh vỡ ngọt và tiếng la phập phều trong không khí một giọng nữ mà ngôn từ nhùng nhằng dính cứng lấy nhau.

Hắn mở mắt. Không gian mờ tối mở ra khoảng trần nhà màu trắng. Vật gì đó nặng nề chặn ngang lồng ngực. Hắn quơ tay mò mẫm tìm để gỡ cái vật nặng nề ấy xuống. Một cánh tay rất mảnh. Và hắn nhớ ra đó là cánh tay cô. Trí nhớ như cơn gió lùa nhanh qua khung cửa sổ tâm tư. Hắn nghe giọng ngọt ngào của cô, “Anh tỉnh dậy rồi.” Bàn tay mát lạnh đặt lên má hắn, vuốt nhẹ, “Làm em sợ quá.”

Từng mảnh vụn trí nhớ theo nhau dạt về. Hắn hít một hơi dài, hai tay cầm lấy bàn tay mềm mại của cô.

“Hết đau chưa?” hắn hỏi.

“Hết rồi,” cô nói.
Hắn nhìn bàn tay mình. Ngón tay trỏ hắn viền lớp băng keo quanh đầu ngón. Hệt như bàn tay cô. Hắn chống tay cố ngồi dậy, nhưng đầu hắn nặng trĩu. Hắn nghĩ nếu cứ cố nhổm dậy, cái cổ không mang nổi cái đầu nặng như đá tảng, sẽ gẫy gập.

“Định đi đâu vậy?” cô hỏi.

“Ra phòng khách... Lệnh cách ly...” hắn lẩm bẩm nhắc điều hai người thỏa thuận. Cái lệnh ấy truyền rằng cô sẽ ghé thăm, và hắn nhường cho cô phòng ngủ của hắn. Lệnh ấy cũng phán rằng hắn không được vào phòng lúc cô ở đó. Lệnh cách ly. Cái thỏa thuận không ghi trên giấy nhưng hiệu lực vô song.
Cô ấn cho hắn nằm xuống. “Nghỉ ngơi, lo dưỡng bệnh đi kìa.”

Hắn mỉm cười, rồi sực nhớ, nhỏm dậy, thì thầm, “Cái ly đâu rồi?”

“Vỡ rồi!” Cô cũng thì thầm vào tai hắn.

Hắn hốt hoảng, “Vỡ thật à? Sao lại vỡ vậy?”

“Lúc xỉu, anh gạt cái ly rơi xuống đất...”

Hắn hụt hơi. Rồi hắn than thầm, “Chết rồi! Thế còn...”

“Em bỏ rác hết rồi...” cô nói.

“Máu hai đứa mình,” hắn tiếp, đầy tiếc nuối trong giọng nói.

Cô vuốt ve trán hắn. Hắn nằm im, nhắm mắt tận hưởng phút giây hạnh phúc. Chỉ còn bốn hôm nữa thôi, cô sẽ về lại quê nhà. Hắn ở lại chốn này. Một mình. Bỗng dưng nỗi buồn vồ lấy hắn. Nghĩ đến lúc đưa cô ra phi trường. Cô nhập vào đoàn người đi cùng chuyến. Hắn đứng nhìn cô xách túi hành lý đi qua trạm kiểm soát quan thuế, rồi bóng cô mất hút sau khúc quanh. Bỗng dưng lồng ngực hắn thắt lại.

“Mà anh lấy máu làm gì vậy?” Câu hỏi của cô vực hắn ra khỏi vũng buồn.

Hắn ngập ngừng, “Mình cắt máu ăn thề...”

Cô chớp mắt. Hắn nhìn lên trần nhà. Chất màu trắng ngả qua xám nhạt cào xé hai con mắt. Hắn lẩm bẩm, “Vậy xem như lỡ lời thề.”

Cô tròn mắt nhìn hắn. Đôi mắt đẹp. Mắt trẻ thơ. Cái mụn ruồi trên khóe môi luôn hé nở nụ cười. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy, cái mụn ruồi và cả chiếc răng khểnh kia nữa, như chân dung trọn vẹn của hạnh phúc, đang cận kề bên hắn. Vậy mà có lúc phải chia xa.

Hắn cố chống tay ngồi dậy.

“Đi đâu vậy?” Cô hỏi.  

“Ra phòng khách...”

“Chi vậy?”

“Khuya rồi… Với lại… lệnh cách ly…” Hắn bỏ dở câu nói.

Lặng thinh. Cả hai người. Một lát, cô thì thầm, “Anh tính cắt máu ăn thề bằng cách nào?”

“Thì pha rượu với máu hai người. Em rành kiếm hiệp mà còn hỏi.” Rồi sực nhớ mình không bao giờ uống rượu, hắn chữa, “Pha cà phê thay cho rượu.”

“Thấy máu thì xỉu mà cứ nhất định cắt máu ăn thề,” cô cằn nhằn.

“Sợ lạc.”

“Đi đâu mà lạc?”

“Lạc mất nhau.”

Cô lặng thinh.

***

Rồi cô về lại quê nhà. Hắn ở lại, tiếp tục thân viễn xứ. Rồi họ xa nhau. Rồi họ quên nhau. Lệnh cách ly bỗng dưng có hiệu lực vĩnh viễn. Cũng chỉ vì chưa kịp cắt máu ăn thề. Bao nhiêu năm sau, hắn vẫn tin chắc như thế.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày tết", mà là những ngày cận tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày xuân trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với má, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể. Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng.
Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh… và cũng là câu nói thường tình với cá nhân, nhóm người trong xã hội. Tác phẩm Thủy Hử ban đầu là Giang Hồ Khách Truyện, sau lấy tên là Thủy Hử vì “căn cứ địa” Lương Sơn là vùng đầm, hồ nên Thủy Hử (bến nước). Truyện nầy qua bản dịch của La Thần và Á Nam Trần Tuấn Khải, gồm 3 cuốn, năm 1973, sau đó với Tử Vi Lang nên rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Trong truyện Thủy Hử của của nhà văn Thi Nại Am (1296-1372) ở Trung Hoa vào triều Nguyên-Mông (1295-1368), kể về câu chuyện của Tống Giang triều nhà Tống, nổi dậy kéo theo “giang hồ hảo hán” gồm 108 người đến núi Lương Sơn. Gọi là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Ở Sơn Tây, tôi là khách lạ nhưng mang tâm trạng sâu đậm như người trở về nguồn cội. Đầu tiên tôi tìm mua tấm bản đồ tỉnh lỵ nhưng không ai bán, họ chỉ dẫn địa điểm Thành Cổ rồi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của hình vuông ấy là sẽ tìm ra mọi nơi. Hướng Nam đối diện với phố Quang Trung còn gọi là Cửa Tiền, Cửa Hậu ở hướng Bắc có phố Lê Lợi và nếu đi thẳng đến cuối đường sẽ gặp sông Hồng, hướng Đông là Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cuối cùng hướng Tây hay Cửa Hữu có phố Ngô Quyền.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.