Hôm nay,  

Nhà Thơ Thích Chúc Hiền: Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập

28/06/202509:07:00(Xem: 595)

Nhà Thơ Thích Chúc Hiền:

Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập
 

Nguyên Giác

 
blank 

Tôi đã từng xem thơ Đường luật như một người bạn cũ, một người bạn rất cao niên mà mình tưởng chừng đã quên – cụ là những hình tượng của ngày Tết, của mực tàu giấy dó, âm vang của những vần gieo trang nghiêm trong khuôn phép của những câu 7 chữ. Hồi trung học, tôi học thể thơ này vì học về thơ Bà Huyện Thanh Quan, về những bài thơ luận chiến giữa Huỳnh Mẫn Đạt và Tôn Thọ Tường, về nhiều vị khác nữa. Đó là một thể thơ nghiêm khắc như nét mặt của một cụ đồ ngày Xuân, với các luật rất cổ điển: niêm, luật, đối, vận, như những viên đá lát đường xưa cũ mà mình không dám bước vào. Học là để biết, để làm bài thi cho hai bậc Tú Tài, nhưng để mê thơ thì tất nhiên phải là các thể thơ cách tân. Theo năm tháng, tôi bước đi giữa những dòng thơ tự do, giữa ồn ào của các thể thơ mới, giữa khám phá của thơ tân hình thức và đủ thứ gì nữa. Người bạn vong niên cũ dần phai trong trí nhớ, nằm yên đâu đó giữa những trang sách giáo khoa hẳn là đã úa màu trên các kệ sách thư viện.
 

Cho đến một ngày, tôi gặp một nhà sư, có lẽ trẻ hơn tôi đến gần hai thập niên. Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
 

Một điểm đặc biệt, trong tập thơ Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập, có rất nhiều câu của tác giả Thích Chúc Hiền có thể trích ra để làm câu đối cho ngày xuân, để sách tấn nhau, hay chỉ để ngồi độc ẩm đón giao thừa, uống trà và đọc thơ Thiền. Thí dụ, như hai câu 3 và 4 trong bài thất ngôn bát cú về Thiền sư Minh Trí (?-1196), Thầy Thích Chúc Hiền viết nơi trang 110:
 

Xả tục xuất gia thông yếu chỉ

Tham thiền học đạo tỏ chơn như.
 

Có rất nhiều câu thích nghi với cả hàng xuất gia và cư sĩ. Thí dụ như, từ bài thơ về Thiền Sư Quảng Nghiêm (1121-1190), Thầy Thích Chúc Hiền viết nơi trang 113:
 

Chẳng vướng lợi danh vui tấc dạ

Không màng tài lộc vượt trùng khơi.
 

Hay là bốn câu giữa một bài thất ngôn về Thiền sư Thường Chiếu (?-1201), nhà thơ Thích Chúc Hiền viết nơi trang 115:
 

Bỏ ác làm lành vun cội phước

Trừ tà hiển chánh tỏa tâm thiền

Đạo nhân sớm tối quy bờ giác

Thiền mạch đêm ngày tuôn suối thiêng.
 

Trang thơ nào cũng đầy những lời khuyến tấn tu hành. Như trong bài về Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), nhà thơ Thích Chúc Hiền viết giữa một bài thất ngôn nơi trang 169:
 

Xả tục tầm sư tham vấn đạo

Xuất gia học pháp quyết tầm chân

Đêm ngày tinh tấn rèn tâm trí

Năm tháng siêng năng đáp nghĩa ân.
 

Thi tập dày 224 trang. Nơi trang bìa cuối là trích đoạn Lời Giới Thiệu của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu:
 

Có thế nói, đây chính là thành quả của một thời tu tập bằng chí nguyện phụng sự để cúng dường một tri kiến lịch lãm cho toàn thể quý độc giả - nhất là những người có tâm hồn Thiền tập, lấy đó làm tiêu chí.

Thôi thì, chỉ nếm một giọt nước của đại dương đủ biết nước của bốn biển có vị mặn. Ngộ được một bài thi kệ Thiền của Thượng Tọa đủ biết giáo pháp có hương vị giải thoát. Mà trong 126 bài thơ Đường luật ấy, Thượng Tọa đã gởi gắm, nhắn nhủ bao nỗi niềm để diễn đạt tinh thần tu chứng của chư vị Thiền sư - làm quà cho quý thức giả để tâm nghiên tâm: Thiền là gì? Tu Thiền ra sao? Và chứng Thiền ra thế nào để làm chất liệu sống linh hoạt, thực tại minh nhiên cho bản thân mình hôm nay và mai sau.”
 blank                                  Nhà thơ Thích Chúc Hiền
 

Trong Lời Ngỏ, nhà thơ Thích Chúc Hiền đã giải thích vì sao Thầy sáng tác Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập, nơi các trang 15-17:

 

“Xuất thân từ những giai tầng, địa dư khác nhau, trong những giai đoạn thời gian và hoàn cảnh khác nhau, chư Sư đã đến với cửa Phật theo duyên lành và hạnh nguyện có từ bao kiếp đến nay. Mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả đều cùng chung một lý tưởng trác tuyệt: trở về tìm lại con người đích thực của chính mình, khai phóng bản thể chân như mầu nhiệm sẵn có nơi tự thân, nhằm đem lại niềm tin bất hoại và thắp lên ngọn đèn thiền.

Chính nhờ đó, tông môn được rạng rỡ, mạng mạch Phật pháp thâm huyền mãi được lưu truyền bất diệt, trở thành nơi nương tựa tinh thần vững chắc cho chúng sinh hữu duyên. Qua đó, cũng mang đến suối nguồn an lạc, giúp vơi bớt phần nào những nỗi thống khổ triền miên của kiếp nhân sinh vô thường hữu hạn.

Hành trạng của chư lịch đại Tổ Sư vốn dĩ:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.’ (Thơ-thiền sư Hương Hải)
 

(Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý lưu dấu

Nước không có tâm lưu bóng). (Thiền sư Thích Thanh Từ dịch.)


 

Đó là công hạnh của những bậc đã siêu thoát vô trụ, vô chấp, thể hiện trọn vẹn lý tưởng cao vời muôn thuở ấy. Do vậy, hậu thế đời đời khắc ghi, tưởng nhớ, biên chép thành sử sách để làm tấm gương cho bao thế hệ noi theo.

Chúng con, hàng hậu bối phước mỏng nghiệp dày, căn cơ thấp kém, nhưng may mắn nhờ duyên lành làm pháp tôn của chư vị. Bởi ngưỡng mộ hạnh nguyện cao cả và sự liễu ngộ tuyệt vời của chư Sư, chúng con căn cứ vào tác phẩm Thiền Sư Việt Nam của Thiền Sư Thích Thanh Từ và tác phẩm: Nghiên Cứu Thiền Uyển Tập Anh của GS. Lê Mạnh Thát để mạo muội cẩn bút ghi chép hành trạng của chư vị bằng thể thơ Đường luật (thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn thập lục cú), như những lời tán thán công hạnh, hầu nương theo đức sáng ấy để tập tành, lần dò trên lộ trình tìm về bến giác. Đồng thời, chúng con cũng căn cứ vào hai tác phẩm trên để tóm lược ngắn gọn tiểu sử của chư sư và đã được Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ hoan hỷ tận tụy dịch ra Anh ngữ để các bạn trẻ sanh ra và lớn lên ở Hải Ngoại có thể tham khảo tìm hiểu về các bậc tổ sư tiền bối.

Chính vì thế mà Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập được ra mắt cùng chư độc giả bốn phương, ngõ hầu đáp đền tứ trọng thâm ân trong muôn một. Chúng con kính tri ân HT. Thích Nguyên Siêu đã từ bi hoan hỷ viết lời giới thiệu. Xin chân thành cảm ơn Huynh Trưởng Tâm Thường Định cũng đã hoan hỷ viết lời giới thiệu, chuyển lược tiểu sử chư tổ sang Anh ngữ. Chân thành cảm ơn Phật tử Quảng Pháp, Thiên Nhan, Nhuận Pháp đã hoan hỷ gia tâm thiết kế, trình bày.

Tu Viện An Lạc, California,

Tiết Thanh Minh-Ất Tỵ - 2025

Cẩn bút,

Thích Chúc Hiền” (hết trích)

  

Trong Lời Giới Thiệu, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu ghi nhận nơi trang 20, trích:

Chúng ta đọc vào Hành Trạng Chư Tố Thi Tập gồm có 126 vị Thiền sư, Hòa thượng, Quốc sư, Đại sư, Đại sĩ, Cư sĩ... do vậy nên có một trăm hai mươi sáu bài thất ngôn bát cú, hay thất ngôn thập lục cú theo thể thơ Đường luật. Thi tập được viết qua ngôn ngữ Việt và có phần tiểu sử bằng Việt - Anh, do Tổng Vụ Văn Hóa, GHPGVNTNHK chủ trương và Phật Việt Tùng Thư lưu trữ.

Vào đầu thi tập là Thiền sư Khương Tăng Hội và cuối cùng là Hòa Thượng Hoàng Long. Nội dung ý chỉ cho giá trị tu chứng mà chư vị Tổ đức, Thiền sư một đời đã dày công tôi luyện để đạt thành Thánh giả mà Thượng Tọa đã cảm nhận được tinh thần và giá trị tu chứng thanh cao của ý vị Thiền giả, rồi phát tâm cúng dường để lưu truyền lại mãi đến mai sau. Đây là một công phu nghiên cứu có tầm cỡ văn học và mất rất nhiều thời gian. Người phải có tâm hồn tu tập, phải đam mê ý vị Thiền gia, hay thích vui chơi, bông đùa với nền văn học Thiền thì mới khế hợp được tần số của người chứng và người đam mê, để từ đó dệt thành thi tập bằng cả tâm huyết của tác giả.” (ngưng trích)

 

Trong bài viết nhan đề “Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập: Thơ và tâm hòa điệu trong dòng suối Thiền,” của Cư sĩ Tâm Thường Định, nơi trang 25-28, có bản Anh dịch nơi trang 29-33, có những đoạn ghi nhận như sau, trích:

“... Mỗi bài thơ tựa một khoảnh khắc giao cảm giữa tác giả với tâm Phật, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cốt tủy thiền quán và niêm ước mơ bình dị của người Phật tử. Tựa như mạch ngầm lặng lẽ giữa hai nhành trúc, thơ vẽ nên bức tranh vô ngôn về lòng kiên nhẫn, từ bi và ý chí thoát tục. Người đọc bất giác lắng lòng, cùng hít thở bầu không khí trong lành và tịch mịch thời hoàng kim Phật giáo Việt. Phật pháp bất Ly thế gian pháp, nên ta cũng nhận ra chất Thiền dung hợp chất Đời trong thơ của Thượng tọa Thích Chúc Hiền. Bóng dáng chư Tổ Thiền cũng là bóng dáng những con người nhập thế: xây chùa, dựng tháp, an dân, trừ loạn... Trong tập thơ, hình ảnh chư Tổ không tách rời cõi trần thế tục, mà gần gũi vô cùng -- việc Đời và việc Đạo quyện vào nhau thành một. Khi đọc, chúng ta vững tin: dẫu thời cuộc đảo điên, bản tâm thanh tịnh vẫn là chỗ nương tựa không lay chuyển cho tứ chúng.” (ngưng trích)

 

Tập thơ Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập hiện đang lưu hành trên Amazon, và độc giả có thể tìm mua nơi đây:

https://www.amzn.com/B0FBKLQ1C8/

 
Trên trang Amazon vừa dẫn, có Lời Giới Thiệu, trích: “Thượng Tọa Thích Chúc Hiền là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Hội Đồng Điều Hành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ. Thượng Tọa là một nhà thơ Đường luật còn sót lại trong thế hệ Tăng sĩ trẻ hôm nay. Tuổi trẻ mà thích thơ Đường luật mới là điều lạ. Điều lạ này đã chứng tỏ Thượng Tọa đam mê lặn lội, trầm mình trong thế giới văn học Thiền của các bậc Tổ đức thời xưa. Nhưng trước khi đam mê những thi kệ Thiền, hay gia tâm nghiên tầm Phật pháp để làm chất liệu mà tập thành những bài thơ Đường luật qua nhiều thể loại, thì Thượng Tọa đã nắm vững các luật tắc: bằng, trắc, niêm vận, cấu trúc, đối xứng... của những thể thơ thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt... Có nắm vững luật thơ Đường như thế thì mới hạ bút viết thành 126 bài thơ Đường trong Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập. Đây là điều thật diễm phúc và hãnh diện trong nền văn học thi ca Phật Việt hiện đại, vì chư vị tiền nhân đã qua hết rồi, giờ chỉ còn hàng tử tôn có đủ thẩm quyền để thừa tiếp. May thay!”
 

Tuyệt vời. May thay vậy. Đúng là điều lạ. Nhà thơ Thích Chúc Hiền đã viết lên những dòng thơ vừa có tính thi ca, vừa có tính văn học sử, vừa có tính trao truyền yếu chỉ Thiền Tông. Cực kỳ là hy hữu.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác...
Tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống trong rất nhiều thế giới trong một ngày. Bật máy vi tính lên, tìm các bản tin thế giới và quê nhà qua Google, chọn tin và dịch. Từ những xúc động có khi rơi nước mắt khi đọc tin về nỗi đau đớn của những người đang sống dưới mưa bom như Palestine, Ukraine, cho tới nỗi lo lắng khi thấy các bản tin về Biển Đông và đói kém ở quê nhà, cho tới những sân si trong thế giới quyền lực ở Hoa Kỳ... Thời gian nghỉ tay, đọc những dòng thơ nơi này hay nơi kia, từ khắp thế giới, là hạnh phúc đời thường của tôi. Trong đó, tôi thường theo dõi những dòng chữ của nhà thơ Thiện Trí, người cũng là một thiền sư đang dạy Thiền thực nghiệm ở Nam California. Có khi tôi mở bản sách giấy ra xem, và có khi vào Facebook tìm đọc "Monk Thiện Trí."
Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…
Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió? Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian? Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì...
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Có những cách để tưởng niệm 50 năm ngày Miền Nam tự do sụp đổ. Trong khi những cuộc hội thảo, chiếu phim, nhạc hội... do cộng đồng tổ chức sôi nổi khắp những tuần lễ trong tháng 4/2025, nhà văn Phan Nhật Nam và dịch giả Kim Vu có một cách lặng lẽ hơn: Dịch giả Kim Vu trong tháng Tư 2025 đã ấn hành tác phẩm tiếng Anh “The Sound Of A Suffering Land” – tuyển tập bản dịch 8 truyện của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thơ mộng, uyên bác, thấu suốt Phật lý... Những dòng thơ của Thầy Tuệ Sỹ hiện lên trang giấy như các dãy núi nơi những đỉnh cao ẩn hiện mơ hồ giữa các vầng mây. Do vậy, dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ qua tiếng Anh cũng là một công trình lớn, khi phải cân nhắc từng chữ một để giữ được cái thơ mộng, cái uyên bác, và cái nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường của một nhà sư thiên tài, độc đáo của dân tộc. Hai dịch giả Terry Lee và Phe X. Bạch đã làm được phần rất lớn trong việc giới thiệu thơ của Thầy Tuệ Sỹ cho các độc giả trong thế giới Anh ngữ.
Mặc dù chỉ mới ba năm trôi qua kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở, nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều đến mức mà chức thủ tướng của bà đã được cảm thấy như nó thuộc về một thời đại khác. Cuốn hồi ký mới của bà cho thấy bà bình tâm với những quyết định đã đưa ra, bao gồm cả những quyết định bị phê phán nghiêm khắc nhất.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Chu Sa đã tổ chức một buổi ra mắt hai tác phẩm trong vòng thân hữu tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần chiều Thứ Sáu 2/5/2025. Tập thơ nhan đề “Tình Không” -- ấn hành cuối đời, gom lại tất cả các bài thơ tình của nhà thơ trong đó có 36 bài thơ đã đăng trước 1975 trên các tuần báo Khởi Hành, Tuổi Ngọc và các tạp chí Văn, Vấn Đề... và nhiều bài thơ tình gần đây. Cuốn thứ nhì là hồi ức “Chuyện Làng Văn” về các mảng đời trước và sau 1975 của 50 văn nghệ sĩ mà tác giả có cơ duyên thân tình.
"Mỗi người đến thế giới này như một kẻ xa lạ, không phải vì họ xa lạ mà bởi vì họ được nhìn bởi người khác, trong đó có các nhà văn, như kẻ xa lạ. Bi kịch của con người là ở chỗ họ quá khác nhau, ở các học thuyết và các niềm tin, ở các quyết định và hành động, nhưng sâu thẳm họ giống nhau khi rắp tâm đi tìm sự thật cuối cùng. Không có công lý và sự thật phổ biến cho mọi trường hợp, và con người luôn luôn chọn đứng về một phía, và đó là bi kịch và hài kịch của họ. Những xung đột giữa người và người, giữa các quốc gia, các chủ nghĩa, đỉnh cao là chiến tranh, ở mức cá nhân là hận thù, những xung đột ấy chỉ có hy vọng hóa giải khi con người nhìn thấy sự thật phía sau câu chuyện lịch sử, những động cơ tâm hồn bên dưới sự thật. Sự hiểu biết ấy, và sự vui thú sinh ra từ hiểu biết ấy, làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.