Hôm nay,  

Đọc “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư

20/06/202516:46:00(Xem: 384)

Điểm sách

 TYT_DVTP_PreOrder



Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…
 
Tác phẩm tập hợp ba câu chuyện riêng lẻ nhưng được gắn kết bởi chủ đề chung: sự thất lạc của con người trong cuộc sống, hiện đại, đặc biệt là trong chiến tranh.
 
Đây là một tác phẩm siêu hư cấu phá vỡ những khuôn mẫu tiểu thuyết truyền thống, với những thử nghiệm về hình thức và kỹ thuật kể chuyện hiện đại.
 
Phần I – Ký ức của loài bò sát: Nỗi ám ảnh bi kịch chiến tranh
 
Phần I, Ký ức của loài bò sát là câu chuyện đầy nhức nhối được kể lại từ một ông lão chín mươi tư tuổi, đưa chúng ta trở về đoạn thời gian thống khổ, khốc liệt đầy những thảm cảnh man rợ và nhiều hệ lụy trong bề dày lịch sử, nơi mà những số phận khiến ta phải động lòng thương cảm xót xa, do con người Việt Nam đã gây ra cho chính dân tộc mình. Phải chăng sự tàn khốc máu lạnh được tác giả ví như những loài bò sát, mở đầu cuốn tiểu thuyết? Bằng những ký ức tuổi thơ bình yên của cậu bé 13 tuổi (ông lão khi còn nhỏ) ở Hà Nội thơ mộng, với những cánh đồng lúa xanh mướt và những trò chơi hồn nhiên. Đó là khoảng thời gian sung sướng nhất đời đối với những cậu học trò tinh nghịch, khoảng thời gian bọn trẻ được vui chơi thả diều, bắn chim. Hay hình ảnh cả bọn rủ nhau leo cây bị kiến cắn khi xem trộm cô hàng xóm tắm.
 
Tuy nhiên, bầu trời tự do đầy nắng kể từ khi gió lột sạch những lớp áo lá, và rồi bão dữ cuồng phong cũng ập đến. Bức tranh bình yên nhanh chóng bị thay thế bởi sự tàn khốc của chiến tranh khi quân Nhật tràn vào Đông Dương, dẫn đến nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc.
 
Cảnh tượng người dân chết la liệt khắp nơi, những người kiệt sức, đói khát, và phải chịu đựng nỗi đau mất mát người thân mà không thể cứu giúp. Đặc biệt, đoạn kể về việc một người đàn ông phải lóc thịt con mình để làm giò ăn là một trong những chi tiết rùng rợn và đau đớn nhất, thể hiện sự tàn khốc đến cùng cực của nạn đói và sự mất mát tinh thần mà con người phải chịu đựng.
 
Mấy tháng qua làng tôi đói đến độ chết gần hết cả làng. Thoạt tiên là bọn trẻ con. Chúng chết nhanh lắm. Chỉ ba hôm không có cái ăn là bụng chúng ỏng ra, hai mắt như chó dại, ngồi đâu ngồi một chỗ, ruồi nhặng bám đầy mặt đầy người cũng không buồn xua đi. Chỉ một đêm là chết.” (Ký ức của loài bò sát, tiểu đoạn 3).
 
Qua những trang sách tác giả mô tả: Ở mọi ngóc ngách, mọi diễn biến, mọi tình hình, người nằm chết la liệt ở khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, sống dở, chết dở vì đói khát, kiệt sức và lo sợ, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…
 
Còn đây giọt máu lặng thinh
Rơi mềm đá sỏi lặng nhìn thế gian”.
 
Nhìn thấy người thân chết mà không cứu được, biết đến lượt mình rồi sẽ chết mà không thoát được. Muốn tìm cái sống đã phải dứt bỏ nhà cửa ra đi, mong sao được cứu sống, nhưng rồi lại chết gục giữa đường. Trang sách phơi bày rất nhiều cái chết và xác chết, rất nhiều những hình ảnh hãi hùng man rợ và khủng khiếp, mà có lẽ nhiều người muốn quên đi mới có thể sống tiếp.
 
Tháng ngày còn in trên lồng ngực. Chúng ta luôn đi qua hiện tại với một màn che bưng mắt, tấm màn đó là những điều trực tiếp "tai nghe mắt thấy" hạn hẹp của mỗi cá nhân. Vì thế mà những thời khắc ta đang trải qua, có thể rất lâu sau này, trong những giấc mơ chừng như gục đầu trầm tư u uẩn. người ta sẽ còn quay trở lại mãi để khám phá những lớp sự thật dưới đống tro tàn đổ nát lịch sử.
 
Với ngòi bút tinh tế, tác giả không sa vào chiến tranh, chiến tích mà đi sâu vào cảm xúc. Tác giả đã khéo lồng vào câu chuyện những nhân vật tham gia chiến trường, đã dồn toàn bộ sức lực của mình trong mọi nỗ lực cho cuộc chiến. Tình bạn của anh dân quân và tù nhân người Pháp, tình yêu của nhân vật chính xưng tôi và cô gái người H’Mông. Nhân vật trong truyện không như các tác phẩm ngôn tình trong những cuốn tiểu thuyết thông thường khác, mà họ thực tế đến từng chi tiết, như được bước ra khỏi trang sách và sống trong thế giới thực vậy.
 
Mối tình đầu tiên: Khúc bi ca của núi rừng và dòng suối
 
Xụ Phụn Phèn, cô nàng người H’Mông ngây thơ mười lăm tuổi trong veo như một cơn gió nhẹ, bình yên và tươi mới, nhưng đầy ẩn chứa những khát khao yêu:
 
“Xụ Phụn Phèn là cô gái H’Mông mới mười lăm tuổi nhưng yêu tôi lắm. Da dẻ cô trắng hồng chứ không đen đủi như nhiều cô H’Mông khác. Khuôn mặt cô trong sáng, đôi mắt nâu, hai làn môi mỏng lúc nào cũng thắm đỏ, và khi cô trút bỏ chiếc áo thổ cẩm màu đen, nằm dài trên thảm cỏ mượt mà bên bờ suối thì trước mắt tôi hiện ra một bông hoa rừng tuyệt đẹp, chờ đợi tôi cúi xuống chiêm ngưỡng và chiếm đoạt.” (Ký ức của loài bò sát, tiểu đoạn 14).
 
Một khúc ca đẹp. Thế nhưng, định mệnh nghiệt ngã giáng xuống. Đoạn thảm sát cuộc tấn công máu, diệt cả buôn làng người H’Mông. cho thấy số phận mỗi con người trở nên mong manh, ngắn ngủi và vô vọng giống như số phận của hai mẹ con Xụ Phụn Phèn. Đọc đến đây hình ảnh kinh khủng nhất hiện ra trong đầu tôi, một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt.
 
Bi kịch hằn sâu khi nàng Xụ Phụn Phèn ra đi, mang theo một sinh linh bé bỏng, giọt máu của mối tình đầu tiên. Trong giấc mơ hư ảo, nàng thì thầm cùng con, một lời hứa đau đáu:
 
“Đúng vậy, con ạ. Họ cùng về thủy phủ với mình, nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.” (Ký ức của loài bò sát, tiểu đoạn 29).
 
Nơi chỉ còn sự bình yên vĩnh cửu của những dòng nước trong xanh. Đó là lời ru cuối cùng, là cánh cổng mở ra một thế giới khác, hành trình “đường về thủy phủ” của mẹ con Xụ Phụn Phèn, đây có lẽ là mong muốn của tác giả, muốn lồng vào trong độc giả đoạn phim ngắn một hứa hẹn bình yên nhất khi ta được trở về với bản thể uyên nguyên. Nơi mà không còn bom đạn hay hận thù, nơi tình yêu sẽ không bao giờ bị tổn thương.
 
Phần II – Dưới những gốc nho biển: Khúc bi ca lạc lõng
 
Nếu Phần I khắc họa những hình ảnh và hệ lụy tàn khốc mà chiến tranh gieo rắc lên đời sống người dân Bắc Việt, thì Phần II lại mở ra một bi kịch khác: Câu chuyện về một người con gái miền Trung, số phận như một chiếc lá lìa cành, bị cuốn trôi vào Nam rồi cuối cùng lại giạt về Bắc, để rồi chọn một cái kết bi thảm giữa vòng xoáy cuộc đời.
 
Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc.” (Dưới những gốc nho biển, tiểu đoạn 1).
 
Nhà văn Trịnh Y thư có một lối viết độc đáo, nó là những biến tấu lãng mạn, một kết hợp giữa hiện thực khốc liệt và cảm xúc thăng hoa.
 
Trong bức tranh nghệ thuật của Trịnh Y Thư, khi đối diện với những bi kịch cuộc đời, ngòi bút hóa thành một chứng nhân điềm tĩnh, khách quan và đôi khi lạnh lùng, như một nhà sử học ghi lại dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Những sự thật trần trụi được phơi bày không cần một chút cường điệu, để nỗi kinh hoàng từ câu chuyện vang vọng trong không gian tâm hồn người đọc.
 
Tuy nhiên, khi chạm đến những cảnh vật, ngòi bút lại trở nên mềm mại và trữ tình đến lạ. Như dòng suối tuôn chảy, thấm đẫm từng câu chữ, biến những khung cảnh vốn vô tri thành một bức tranh sống động, vừa chân thực lại vừa nên thơ.
 
Hãy lắng nghe tiếng lòng của dòng sông: “… nước sông đỏ lờ lợ chảy nhẹ.” Đó là một hiện thực không thể chối cãi, nhưng khi âm thanh ấy hóa thành tiếng “thao thiết” cất lên, nó không còn là dòng vô tri chảy mà là lời thì thầm của tâm hồn, là khúc hát da diết của bao nỗi niềm chất chứa trong lòng nhân vật. Có lẽ, hình bóng “Cô”, một biểu tượng của nỗi đau hóa thân, nhưng cũng là ánh sáng phản kháng mong manh, le lói giữa màn đêm số phận.
 
Nhân vật “Cô” như một linh hồn lạc loài, bị số phận “du vào thế thụ động” với những biến cố tàn khốc đến xé lòng. Sự kiện Mậu Thân 1968 không chỉ là một trang lịch sử mà còn là vết sẹo không thể xóa nhòa trong ký ức của “Cô”. Hình ảnh toán lính xông vào nhà, cảnh người mẹ đi tìm xác chồng trong những hố chôn tập thể ở Huế, đặc biệt là chi tiết rợn người về chiếc “đầu lâu thứ mười tám”, tất cả là những mảnh vỡ của một quá khứ đầy đau thương, gieo rắc nỗi ám ảnh khôn nguôi.
 
“Bà ngồi xổm, hai tay bưng cái sọ người, ngắm nghía thật kỹ hàm răng trắng nhởn. Người sống, mỗi người một khuôn mặt, không ai giống ai, nhưng khi chết rồi, không sao phân biệt được xương sọ người này với người kia, cái nào cũng y hệt như nhau. Hai hốc mắt sâu hoắm của cái sọ người chĩa thẳng thật sát vào mắt bà như thôi miên…
[…]
Xem đến cái đầu lâu thứ mười tám thì bà biết chắc đây là đầu chồng bà.” (Dưới những gốc nho biển, tiểu đoạn 10).
 
Hậu quả không chỉ để lại những vết thương thể xác mà còn đục khoét tâm hồn “Cô” đến mức tê liệt. Nhà văn Trịnh Y Thư không né tránh việc chạm vào những tổn thương sâu sắc nhất, từ sự lạm dụng tàn bạo đến trạng thái “rối loạn lưỡng cực” và sự vô cảm đến ghê người. Tác phẩm không chỉ là tiếng lòng của một cá nhân mà còn là tấm gương phản chiếu hiện thực khi “sự tử tế không thấy đâu nữa” và “xã hội chìm trong bùn đen”. “Cô” và người chồng định mệnh của mình, một thiên tài Toán học, bị tù cải tạo và chết bi thảm, xác thân bị thú rừng cắn xé trở thành biểu tượng cho sự hủy hoại những giá trị cao đẹp nhất.
 
Trong ngõ hẻm chật chội và những con phố đã đổi thay, một mối tình dị thường, như một bông hoa dại nở trên nền đất cằn cỗi, đã nảy nở giữa hai linh hồn lạc lõng. “Cô”, người phụ nữ mang trong mình nỗi đau chồng đã khuất trong trại cải tạo, gánh nặng con thơ và gánh nặng mưu sinh bằng những đêm dài ở quán cà phê, đôi khi là cả việc bán thân. Còn “gã” là một bác sĩ quân y Bắc quân, mang trong ánh mắt sự tĩnh lặng của cuộc chiến đã qua nhưng  những vết thương không thể chữa lành.
 
Mối tình này khởi đầu như một giấc mơ, từ cách “gã” dõi theo “Cô” đầy ám ảnh, cho đến sự thật rằng “gã” chỉ muốn ngắm “Cô” trong trang phục, được dàn dựng công phu như một bức tranh hoàn hảo, không chút dục vọng.
 
Phải chăng trong mắt kẻ si tình khắp nơi đều là màu hồng, kể cả những điều được cho là phi lý? Thú thật, đọc đến đây tôi rất muốn hỏi tác giả, tôi không thể tưởng tượng nổi gã ngắm gì ở cô mà ngắm một cách say đắm suốt nửa giờ nhỉ?
 
    “‘Anh đi tắt đèn.’
    “Không, tôi thích để đèn.” Giọng gã từ tốn, êm nhu.
    Cô đưa tay lên lần cởi khuy áo nhưng gã giơ tay cản lại. Cô nhìn gã ra vẻ thắc mắc, gã bảo cô:
    ‘Cô cứ để nguyên quần áo. Tôi chỉ ngồi đây ngắm cô thôi.’
    Cô không nói gì nữa, thấy hơi lạ về trò chơi này của gã bác sĩ bộ đội, nhưng cô từng gặp những gã làng chơi có sở thích tình dục kỳ quặc, thậm chí quái đản, nên cô chẳng lấy gì làm kinh ngạc, và cô nằm yên cho gã ngắm mình. Gã ngồi ngang đùi cô, từ vị trí đó, gã có thể ngắm mặt cô rồi đến bộ ngực vun tròn, và xuống dần hạ thể nơi cặp đùi đàn bà săn chắc hiện rõ dưới lớp vải mỏng của chiếc quần tây màu đen. Gã ngồi nhìn cô như thế cả nửa giờ đồng hồ, hai người không nói gì với nhau.” (Dưới những gốc nho biển, tiểu đoạn 3).
 
Chỉ có một nỗi buồn xa vắng lạ lùng, một sự cảm thông vô hạn chảy tràn trong ánh mắt của “gã”, như dòng sông âm thầm chảy qua những miền ký ức xót xa. Nhà văn Trịnh Y Thư đã khéo léo khắc họa sự “hiểu biết và nhạy cảm” đến lạ lùng của gã, biến câu chuyện tình yêu này thành một nỗi buồn rất thật, rất thấm thía của những con người bị cuốn vào vòng xoáy lịch sử, của những giấc mơ dang dở và những vết thương không thể lành.
 
Chữ nghĩa của nhà văn Trịnh Y Thư luôn khép lại bằng một kết lửng, luôn để lại nhiều trăn trở cho người đọc, để độc giả tự tìm thấy một câu trả lời thỏa mãn cho chính bản thân mình.
 
Phần III – Đường về thủy phủ: Vũ điệu siêu thực của Nàng và kẻ sáng tạo
 
Trong cõi siêu thực, nơi ranh giới giữa thực và ảo mờ nhòe như sương khói, xuất hiện một mối tình cuồng si, đầy nổi loạn. “Tôi”, một nhân vật nữ tự xưng mình bước ra từ trang tiểu thuyết của “gã nhà văn” đang dạy học tại một miền đất xa xôi, mang trong mình cả sự căm thù lẫn say đắm.
 
Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết đang bị đâm mà tiếp tục hân hoan đập những nhịp đập hối hả như thể sợ ngày mai không còn được đập.” (Đường về thủy phủ, tiểu đoạn 1).
 
Cô căm ghét gã vì gã đã sáng tạo và ban cho cô một thân phận, một số phận mà cô không hề chọn lựa. Nhưng cũng chính gã là người đã thổi hồn vào cô, đã cho cô một cuộc sống, và từ đó, một tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng đã nảy sinh, như ngọn lửa bùng lên từ tro tàn.
 
Câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi cô, như một “sản phẩm” bứt ra khỏi khuôn khổ, “dan díu” với những cậu sinh viên khác, thể hiện sự nổi loạn của một linh hồn khát khao tự do, khát khao định đoạt số phận mình.
 
Mối tình này là sự hòa quyện giữa ảo ảnh và hiện thực, giữa trí tưởng tượng của người nghệ sĩ và đời sống cuộn chảy, mang đến vô vàn tầng ý nghĩa về thân phận, về sự tồn tại, về sự giằng xé giữa người sáng tạo và tác phẩm, giữa ước mơ và thực tại phũ phàng.
 
Trong một bối cảnh hiu quạnh của ghềnh đá đen trơ trọi giữa biển hoang sơ, với sóng vỗ rì rào và ánh đèn khách sạn trong sương chiều, một mối tình khác len lỏi, mang đến sự dịu dàng và trầm lắng. Nàng, một “đóa hoa tri thức”, và “gã nhà văn” xuất hiện như hai “dương bản” của một nguyên thể.
 
Họ là hai tâm hồn đồng điệu nhưng đối lập: nàng day dứt trước sự phi lý của kiếp người, gã kiên cường đối mặt thử thách. Mối quan hệ này là minh chứng cho một nội tâm bất tận, nơi nỗi đau và hy vọng, bi ai và dũng khí đan xen. Cả hai đều mang trong mình những vết thương lòng, những phản ứng bất thường và sự cô độc đến tận cùng, cùng nhau vật lộn với nghịch cảnh, tìm kiếm bình yên trong nỗi đau chung. Mà không phải ai cũng cảm nhận được nỗi sợ hãi, áp lực, nỗi cô đơn cùng cực, thật sâu từ trong tâm hồn.
 
“Tô phở” và hành trình trở về nguồn cội
 
Cuộc đời của “gã nhà văn” được Trịnh Y Thư khắc họa như một ân hận và nỗi buồn, hằn sâu bởi bi kịch chiến tranh. Giữa những giằng xé ấy, văn chương Trịnh Y Thư mở lối, không chỉ chạm đến nỗi bất lực của phận người mà còn gieo mầm hy vọng.
 
Và cùng lúc là hành trình của cô gái trở về nguồn cội. Điểm nhấn là hình ảnh “tô phở”, một biểu tượng của sự bình yên và nguồn cội. Trong một quán ăn Việt Nam hai người tình cờ ghé vào trên bước đường lang thang vô định, bỗng nhiên tiếng mẹ đẻ và hương vị tô phở nồng nàn không chỉ xoa dịu tâm hồn cô mà còn kết nối cô với cội nguồn, với quê hương và hình bóng người mẹ. Tô phở ấy đã dẫn lối cho cô trở về, tìm thấy an ủi và bình yên trong chính căn nhà cũ, nơi cô thuộc về.
 
Thủy phủ: Chốn nương tựa siêu hình
 
Xuyên suốt tác phẩm, “Đường về thủy phủ,” dẫn dắt người đọc đến những miền cảm xúc sâu thẳm, và có lẽ cũng là lời tự vấn về những điều còn mãi sau tất cả những biến cố của cuộc đời. Với một cái kết nhân hậu và nhân bản, nhà văn Trịnh Y Thư đã dẫn chúng ta trở về Thủy phủ, nơi yêu thương thay thế cho hận thù, và đời sống phù du này chỉ có ý nghĩa khi nào nó được định hình bằng tình yêu.
 
Đắm chìm vào từng trang sách, dù Lời ngỏ nhà văn Trịnh Y Thư có nói đây chỉ là câu chuyện hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng, nơi cuộc chiến chỉ hiện hữu qua những dòng chữ tài liệu, nhưng lạ thay, trái tim tôi đã vương vấn, đã hòa cùng nhịp đập với từng nhân vật. Như thể định mệnh đã an bài, những mảnh đời hư cấu ấy bỗng trở nên chân thật đến lạ, len lỏi vào tâm hồn, để lại những trang sách khó phai.

-- San Phi
Saigon, ngày 16 tháng 6 năm 2025

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác...
Tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống trong rất nhiều thế giới trong một ngày. Bật máy vi tính lên, tìm các bản tin thế giới và quê nhà qua Google, chọn tin và dịch. Từ những xúc động có khi rơi nước mắt khi đọc tin về nỗi đau đớn của những người đang sống dưới mưa bom như Palestine, Ukraine, cho tới nỗi lo lắng khi thấy các bản tin về Biển Đông và đói kém ở quê nhà, cho tới những sân si trong thế giới quyền lực ở Hoa Kỳ... Thời gian nghỉ tay, đọc những dòng thơ nơi này hay nơi kia, từ khắp thế giới, là hạnh phúc đời thường của tôi. Trong đó, tôi thường theo dõi những dòng chữ của nhà thơ Thiện Trí, người cũng là một thiền sư đang dạy Thiền thực nghiệm ở Nam California. Có khi tôi mở bản sách giấy ra xem, và có khi vào Facebook tìm đọc "Monk Thiện Trí."
Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió? Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian? Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì...
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Có những cách để tưởng niệm 50 năm ngày Miền Nam tự do sụp đổ. Trong khi những cuộc hội thảo, chiếu phim, nhạc hội... do cộng đồng tổ chức sôi nổi khắp những tuần lễ trong tháng 4/2025, nhà văn Phan Nhật Nam và dịch giả Kim Vu có một cách lặng lẽ hơn: Dịch giả Kim Vu trong tháng Tư 2025 đã ấn hành tác phẩm tiếng Anh “The Sound Of A Suffering Land” – tuyển tập bản dịch 8 truyện của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thơ mộng, uyên bác, thấu suốt Phật lý... Những dòng thơ của Thầy Tuệ Sỹ hiện lên trang giấy như các dãy núi nơi những đỉnh cao ẩn hiện mơ hồ giữa các vầng mây. Do vậy, dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ qua tiếng Anh cũng là một công trình lớn, khi phải cân nhắc từng chữ một để giữ được cái thơ mộng, cái uyên bác, và cái nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường của một nhà sư thiên tài, độc đáo của dân tộc. Hai dịch giả Terry Lee và Phe X. Bạch đã làm được phần rất lớn trong việc giới thiệu thơ của Thầy Tuệ Sỹ cho các độc giả trong thế giới Anh ngữ.
Mặc dù chỉ mới ba năm trôi qua kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở, nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều đến mức mà chức thủ tướng của bà đã được cảm thấy như nó thuộc về một thời đại khác. Cuốn hồi ký mới của bà cho thấy bà bình tâm với những quyết định đã đưa ra, bao gồm cả những quyết định bị phê phán nghiêm khắc nhất.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Chu Sa đã tổ chức một buổi ra mắt hai tác phẩm trong vòng thân hữu tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần chiều Thứ Sáu 2/5/2025. Tập thơ nhan đề “Tình Không” -- ấn hành cuối đời, gom lại tất cả các bài thơ tình của nhà thơ trong đó có 36 bài thơ đã đăng trước 1975 trên các tuần báo Khởi Hành, Tuổi Ngọc và các tạp chí Văn, Vấn Đề... và nhiều bài thơ tình gần đây. Cuốn thứ nhì là hồi ức “Chuyện Làng Văn” về các mảng đời trước và sau 1975 của 50 văn nghệ sĩ mà tác giả có cơ duyên thân tình.
"Mỗi người đến thế giới này như một kẻ xa lạ, không phải vì họ xa lạ mà bởi vì họ được nhìn bởi người khác, trong đó có các nhà văn, như kẻ xa lạ. Bi kịch của con người là ở chỗ họ quá khác nhau, ở các học thuyết và các niềm tin, ở các quyết định và hành động, nhưng sâu thẳm họ giống nhau khi rắp tâm đi tìm sự thật cuối cùng. Không có công lý và sự thật phổ biến cho mọi trường hợp, và con người luôn luôn chọn đứng về một phía, và đó là bi kịch và hài kịch của họ. Những xung đột giữa người và người, giữa các quốc gia, các chủ nghĩa, đỉnh cao là chiến tranh, ở mức cá nhân là hận thù, những xung đột ấy chỉ có hy vọng hóa giải khi con người nhìn thấy sự thật phía sau câu chuyện lịch sử, những động cơ tâm hồn bên dưới sự thật. Sự hiểu biết ấy, và sự vui thú sinh ra từ hiểu biết ấy, làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.