Hôm nay,  

Nhà Thơ Thích Chúc Hiền: Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập

28/06/202509:07:00(Xem: 646)

Nhà Thơ Thích Chúc Hiền:

Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập
 

Nguyên Giác

 
blank 

Tôi đã từng xem thơ Đường luật như một người bạn cũ, một người bạn rất cao niên mà mình tưởng chừng đã quên – cụ là những hình tượng của ngày Tết, của mực tàu giấy dó, âm vang của những vần gieo trang nghiêm trong khuôn phép của những câu 7 chữ. Hồi trung học, tôi học thể thơ này vì học về thơ Bà Huyện Thanh Quan, về những bài thơ luận chiến giữa Huỳnh Mẫn Đạt và Tôn Thọ Tường, về nhiều vị khác nữa. Đó là một thể thơ nghiêm khắc như nét mặt của một cụ đồ ngày Xuân, với các luật rất cổ điển: niêm, luật, đối, vận, như những viên đá lát đường xưa cũ mà mình không dám bước vào. Học là để biết, để làm bài thi cho hai bậc Tú Tài, nhưng để mê thơ thì tất nhiên phải là các thể thơ cách tân. Theo năm tháng, tôi bước đi giữa những dòng thơ tự do, giữa ồn ào của các thể thơ mới, giữa khám phá của thơ tân hình thức và đủ thứ gì nữa. Người bạn vong niên cũ dần phai trong trí nhớ, nằm yên đâu đó giữa những trang sách giáo khoa hẳn là đã úa màu trên các kệ sách thư viện.
 

Cho đến một ngày, tôi gặp một nhà sư, có lẽ trẻ hơn tôi đến gần hai thập niên. Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
 

Một điểm đặc biệt, trong tập thơ Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập, có rất nhiều câu của tác giả Thích Chúc Hiền có thể trích ra để làm câu đối cho ngày xuân, để sách tấn nhau, hay chỉ để ngồi độc ẩm đón giao thừa, uống trà và đọc thơ Thiền. Thí dụ, như hai câu 3 và 4 trong bài thất ngôn bát cú về Thiền sư Minh Trí (?-1196), Thầy Thích Chúc Hiền viết nơi trang 110:
 

Xả tục xuất gia thông yếu chỉ

Tham thiền học đạo tỏ chơn như.
 

Có rất nhiều câu thích nghi với cả hàng xuất gia và cư sĩ. Thí dụ như, từ bài thơ về Thiền Sư Quảng Nghiêm (1121-1190), Thầy Thích Chúc Hiền viết nơi trang 113:
 

Chẳng vướng lợi danh vui tấc dạ

Không màng tài lộc vượt trùng khơi.
 

Hay là bốn câu giữa một bài thất ngôn về Thiền sư Thường Chiếu (?-1201), nhà thơ Thích Chúc Hiền viết nơi trang 115:
 

Bỏ ác làm lành vun cội phước

Trừ tà hiển chánh tỏa tâm thiền

Đạo nhân sớm tối quy bờ giác

Thiền mạch đêm ngày tuôn suối thiêng.
 

Trang thơ nào cũng đầy những lời khuyến tấn tu hành. Như trong bài về Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), nhà thơ Thích Chúc Hiền viết giữa một bài thất ngôn nơi trang 169:
 

Xả tục tầm sư tham vấn đạo

Xuất gia học pháp quyết tầm chân

Đêm ngày tinh tấn rèn tâm trí

Năm tháng siêng năng đáp nghĩa ân.
 

Thi tập dày 224 trang. Nơi trang bìa cuối là trích đoạn Lời Giới Thiệu của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu:
 

Có thế nói, đây chính là thành quả của một thời tu tập bằng chí nguyện phụng sự để cúng dường một tri kiến lịch lãm cho toàn thể quý độc giả - nhất là những người có tâm hồn Thiền tập, lấy đó làm tiêu chí.

Thôi thì, chỉ nếm một giọt nước của đại dương đủ biết nước của bốn biển có vị mặn. Ngộ được một bài thi kệ Thiền của Thượng Tọa đủ biết giáo pháp có hương vị giải thoát. Mà trong 126 bài thơ Đường luật ấy, Thượng Tọa đã gởi gắm, nhắn nhủ bao nỗi niềm để diễn đạt tinh thần tu chứng của chư vị Thiền sư - làm quà cho quý thức giả để tâm nghiên tâm: Thiền là gì? Tu Thiền ra sao? Và chứng Thiền ra thế nào để làm chất liệu sống linh hoạt, thực tại minh nhiên cho bản thân mình hôm nay và mai sau.”
 blank                                  Nhà thơ Thích Chúc Hiền
 

Trong Lời Ngỏ, nhà thơ Thích Chúc Hiền đã giải thích vì sao Thầy sáng tác Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập, nơi các trang 15-17:

 

“Xuất thân từ những giai tầng, địa dư khác nhau, trong những giai đoạn thời gian và hoàn cảnh khác nhau, chư Sư đã đến với cửa Phật theo duyên lành và hạnh nguyện có từ bao kiếp đến nay. Mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả đều cùng chung một lý tưởng trác tuyệt: trở về tìm lại con người đích thực của chính mình, khai phóng bản thể chân như mầu nhiệm sẵn có nơi tự thân, nhằm đem lại niềm tin bất hoại và thắp lên ngọn đèn thiền.

Chính nhờ đó, tông môn được rạng rỡ, mạng mạch Phật pháp thâm huyền mãi được lưu truyền bất diệt, trở thành nơi nương tựa tinh thần vững chắc cho chúng sinh hữu duyên. Qua đó, cũng mang đến suối nguồn an lạc, giúp vơi bớt phần nào những nỗi thống khổ triền miên của kiếp nhân sinh vô thường hữu hạn.

Hành trạng của chư lịch đại Tổ Sư vốn dĩ:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.’ (Thơ-thiền sư Hương Hải)
 

(Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý lưu dấu

Nước không có tâm lưu bóng). (Thiền sư Thích Thanh Từ dịch.)


 

Đó là công hạnh của những bậc đã siêu thoát vô trụ, vô chấp, thể hiện trọn vẹn lý tưởng cao vời muôn thuở ấy. Do vậy, hậu thế đời đời khắc ghi, tưởng nhớ, biên chép thành sử sách để làm tấm gương cho bao thế hệ noi theo.

Chúng con, hàng hậu bối phước mỏng nghiệp dày, căn cơ thấp kém, nhưng may mắn nhờ duyên lành làm pháp tôn của chư vị. Bởi ngưỡng mộ hạnh nguyện cao cả và sự liễu ngộ tuyệt vời của chư Sư, chúng con căn cứ vào tác phẩm Thiền Sư Việt Nam của Thiền Sư Thích Thanh Từ và tác phẩm: Nghiên Cứu Thiền Uyển Tập Anh của GS. Lê Mạnh Thát để mạo muội cẩn bút ghi chép hành trạng của chư vị bằng thể thơ Đường luật (thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn thập lục cú), như những lời tán thán công hạnh, hầu nương theo đức sáng ấy để tập tành, lần dò trên lộ trình tìm về bến giác. Đồng thời, chúng con cũng căn cứ vào hai tác phẩm trên để tóm lược ngắn gọn tiểu sử của chư sư và đã được Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ hoan hỷ tận tụy dịch ra Anh ngữ để các bạn trẻ sanh ra và lớn lên ở Hải Ngoại có thể tham khảo tìm hiểu về các bậc tổ sư tiền bối.

Chính vì thế mà Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập được ra mắt cùng chư độc giả bốn phương, ngõ hầu đáp đền tứ trọng thâm ân trong muôn một. Chúng con kính tri ân HT. Thích Nguyên Siêu đã từ bi hoan hỷ viết lời giới thiệu. Xin chân thành cảm ơn Huynh Trưởng Tâm Thường Định cũng đã hoan hỷ viết lời giới thiệu, chuyển lược tiểu sử chư tổ sang Anh ngữ. Chân thành cảm ơn Phật tử Quảng Pháp, Thiên Nhan, Nhuận Pháp đã hoan hỷ gia tâm thiết kế, trình bày.

Tu Viện An Lạc, California,

Tiết Thanh Minh-Ất Tỵ - 2025

Cẩn bút,

Thích Chúc Hiền” (hết trích)

  

Trong Lời Giới Thiệu, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu ghi nhận nơi trang 20, trích:

Chúng ta đọc vào Hành Trạng Chư Tố Thi Tập gồm có 126 vị Thiền sư, Hòa thượng, Quốc sư, Đại sư, Đại sĩ, Cư sĩ... do vậy nên có một trăm hai mươi sáu bài thất ngôn bát cú, hay thất ngôn thập lục cú theo thể thơ Đường luật. Thi tập được viết qua ngôn ngữ Việt và có phần tiểu sử bằng Việt - Anh, do Tổng Vụ Văn Hóa, GHPGVNTNHK chủ trương và Phật Việt Tùng Thư lưu trữ.

Vào đầu thi tập là Thiền sư Khương Tăng Hội và cuối cùng là Hòa Thượng Hoàng Long. Nội dung ý chỉ cho giá trị tu chứng mà chư vị Tổ đức, Thiền sư một đời đã dày công tôi luyện để đạt thành Thánh giả mà Thượng Tọa đã cảm nhận được tinh thần và giá trị tu chứng thanh cao của ý vị Thiền giả, rồi phát tâm cúng dường để lưu truyền lại mãi đến mai sau. Đây là một công phu nghiên cứu có tầm cỡ văn học và mất rất nhiều thời gian. Người phải có tâm hồn tu tập, phải đam mê ý vị Thiền gia, hay thích vui chơi, bông đùa với nền văn học Thiền thì mới khế hợp được tần số của người chứng và người đam mê, để từ đó dệt thành thi tập bằng cả tâm huyết của tác giả.” (ngưng trích)

 

Trong bài viết nhan đề “Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập: Thơ và tâm hòa điệu trong dòng suối Thiền,” của Cư sĩ Tâm Thường Định, nơi trang 25-28, có bản Anh dịch nơi trang 29-33, có những đoạn ghi nhận như sau, trích:

“... Mỗi bài thơ tựa một khoảnh khắc giao cảm giữa tác giả với tâm Phật, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cốt tủy thiền quán và niêm ước mơ bình dị của người Phật tử. Tựa như mạch ngầm lặng lẽ giữa hai nhành trúc, thơ vẽ nên bức tranh vô ngôn về lòng kiên nhẫn, từ bi và ý chí thoát tục. Người đọc bất giác lắng lòng, cùng hít thở bầu không khí trong lành và tịch mịch thời hoàng kim Phật giáo Việt. Phật pháp bất Ly thế gian pháp, nên ta cũng nhận ra chất Thiền dung hợp chất Đời trong thơ của Thượng tọa Thích Chúc Hiền. Bóng dáng chư Tổ Thiền cũng là bóng dáng những con người nhập thế: xây chùa, dựng tháp, an dân, trừ loạn... Trong tập thơ, hình ảnh chư Tổ không tách rời cõi trần thế tục, mà gần gũi vô cùng -- việc Đời và việc Đạo quyện vào nhau thành một. Khi đọc, chúng ta vững tin: dẫu thời cuộc đảo điên, bản tâm thanh tịnh vẫn là chỗ nương tựa không lay chuyển cho tứ chúng.” (ngưng trích)

 

Tập thơ Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập hiện đang lưu hành trên Amazon, và độc giả có thể tìm mua nơi đây:

https://www.amzn.com/B0FBKLQ1C8/

 
Trên trang Amazon vừa dẫn, có Lời Giới Thiệu, trích: “Thượng Tọa Thích Chúc Hiền là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Hội Đồng Điều Hành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ. Thượng Tọa là một nhà thơ Đường luật còn sót lại trong thế hệ Tăng sĩ trẻ hôm nay. Tuổi trẻ mà thích thơ Đường luật mới là điều lạ. Điều lạ này đã chứng tỏ Thượng Tọa đam mê lặn lội, trầm mình trong thế giới văn học Thiền của các bậc Tổ đức thời xưa. Nhưng trước khi đam mê những thi kệ Thiền, hay gia tâm nghiên tầm Phật pháp để làm chất liệu mà tập thành những bài thơ Đường luật qua nhiều thể loại, thì Thượng Tọa đã nắm vững các luật tắc: bằng, trắc, niêm vận, cấu trúc, đối xứng... của những thể thơ thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt... Có nắm vững luật thơ Đường như thế thì mới hạ bút viết thành 126 bài thơ Đường trong Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập. Đây là điều thật diễm phúc và hãnh diện trong nền văn học thi ca Phật Việt hiện đại, vì chư vị tiền nhân đã qua hết rồi, giờ chỉ còn hàng tử tôn có đủ thẩm quyền để thừa tiếp. May thay!”
 

Tuyệt vời. May thay vậy. Đúng là điều lạ. Nhà thơ Thích Chúc Hiền đã viết lên những dòng thơ vừa có tính thi ca, vừa có tính văn học sử, vừa có tính trao truyền yếu chỉ Thiền Tông. Cực kỳ là hy hữu.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa - đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp...
Những Ngày Thơ Ấu của Võ Phú là cánh cửa mở ra thế giới tuổi thơ, tựa một bản giao hưởng của nỗi nhớ, nhưng cùng lúc chính là tiếng vọng của văn học Việt Nam hải ngoại, vốn từ lâu vẫn luôn phải đối diện với những câu hỏi không dễ trả lời: Chúng ta viết gì? Viết cho ai? Và viết bằng ngôn ngữ nào?
Tạp chí Ngôn Ngữ, trong thời gian qua đã hân hạnh thực hiện được chín tuyển tập, tương đối đầy đủ về chín tác giả nhưng toàn là phái nam. Lần này là lần đầu tiên, một bàn tay hoa trong văn học nghệ thuật Việt Nam, dành cho Ngôn Ngữ vinh hạnh này: nữ sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh...
Tôi gấp sách lại ở “Phần IV – Thơ” quyển “Trịnh Y Thư – Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác”. Dừng lại để ngẫm xem những gì còn đọng lại trong đầu kể từ chương I cho đến hết chương III...
Văn của Tiểu Lục Thần Phong có gì? Có bút lực mạnh, có hồn văn buồn, có câu chữ lắng đọng một thứ dư vị rất riêng.
không tự dưng thành tên gọi Ngô Tịnh Yên. nhất là, sáng tạo một khuôn lục bát riêng ngô tịnh yên. giống như, một tinh tú bay cô độc âm thầm hoang liêu tịch mịch trở thành định tinh rực rỡ ánh sáng quyến rũ. tự chứng một dấu ấn, mà, như vũ thuật, khi thi triển, võ giới biết ngay người chưởng môn thành lập môn phái nào, như lục bát bùi giáng... – đặc thù,
Sử gia Ấn Độ Shashank Shekhar Sinha đã thách thức lý thuyết được chấp nhận rộng rãi rằng Phật giáo đã biến mất từ thế kỷ 13 ra khỏi Ấn Độ, nơi Phật giáo ra đời. Trong cuốn sách mới nhất của ông, nhan đề "Casting the Buddha: A Monumental History of Buddhism in India" (NXB Macmillan, New Delhi, 2024), Sinha chỉ ra rằng người Ấn Độ đã có những cuộc tranh luận về giáo lý của Phật giáo và đã đón nhận nhiều giáo lý trong số đó trong nhiều thế kỷ sau khi Phật giáo bị tuyên bố là "đã chết" ở Ấn Độ.
Tình cờ tôi được một người bạn cho mượn tập truyện nhan đề Người giữ nhà thờ họ và những truyện khác của nhà văn Khuất Đẩu. Tập truyện do nhà Ý Thức xuất bản năm 2009 gồm hai truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, Huyền Trân công chúa, và một số truyện ngắn. Đọc xong tập truyện, tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây vài ba cảm nhận chủ quan của mình bởi đây là cuốn sách đáng đọc và có nhiều điều đáng nói trong đó...
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân” của các tác giả Alexander Hamilton, James Madison, and John Jay. Dịch giả: Phạm Hồng Sơn.
Có một năm chúng tôi đi leo núi ở Red Rock, Las Vegas, chồng tôi gặp một người Hàn Quốc. Anh ta làm nghề sửa các thiết bị điện lạnh, sống một mình. Khi gặp người cùng ngôn ngữ, anh ta vui mừng mời chồng tôi về nhà. Căn phòng đó thật kỳ lạ. Hoàn toàn không có vật dụng cá nhân gì cả, kể cả giường. Chỉ là một căn phòng thuê trống để anh ta về nằm ngủ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.