Hôm nay,  

Nhà Thơ Thích Chúc Hiền: Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập

28/06/202509:07:00(Xem: 648)

Nhà Thơ Thích Chúc Hiền:

Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập
 

Nguyên Giác

 
blank 

Tôi đã từng xem thơ Đường luật như một người bạn cũ, một người bạn rất cao niên mà mình tưởng chừng đã quên – cụ là những hình tượng của ngày Tết, của mực tàu giấy dó, âm vang của những vần gieo trang nghiêm trong khuôn phép của những câu 7 chữ. Hồi trung học, tôi học thể thơ này vì học về thơ Bà Huyện Thanh Quan, về những bài thơ luận chiến giữa Huỳnh Mẫn Đạt và Tôn Thọ Tường, về nhiều vị khác nữa. Đó là một thể thơ nghiêm khắc như nét mặt của một cụ đồ ngày Xuân, với các luật rất cổ điển: niêm, luật, đối, vận, như những viên đá lát đường xưa cũ mà mình không dám bước vào. Học là để biết, để làm bài thi cho hai bậc Tú Tài, nhưng để mê thơ thì tất nhiên phải là các thể thơ cách tân. Theo năm tháng, tôi bước đi giữa những dòng thơ tự do, giữa ồn ào của các thể thơ mới, giữa khám phá của thơ tân hình thức và đủ thứ gì nữa. Người bạn vong niên cũ dần phai trong trí nhớ, nằm yên đâu đó giữa những trang sách giáo khoa hẳn là đã úa màu trên các kệ sách thư viện.
 

Cho đến một ngày, tôi gặp một nhà sư, có lẽ trẻ hơn tôi đến gần hai thập niên. Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
 

Một điểm đặc biệt, trong tập thơ Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập, có rất nhiều câu của tác giả Thích Chúc Hiền có thể trích ra để làm câu đối cho ngày xuân, để sách tấn nhau, hay chỉ để ngồi độc ẩm đón giao thừa, uống trà và đọc thơ Thiền. Thí dụ, như hai câu 3 và 4 trong bài thất ngôn bát cú về Thiền sư Minh Trí (?-1196), Thầy Thích Chúc Hiền viết nơi trang 110:
 

Xả tục xuất gia thông yếu chỉ

Tham thiền học đạo tỏ chơn như.
 

Có rất nhiều câu thích nghi với cả hàng xuất gia và cư sĩ. Thí dụ như, từ bài thơ về Thiền Sư Quảng Nghiêm (1121-1190), Thầy Thích Chúc Hiền viết nơi trang 113:
 

Chẳng vướng lợi danh vui tấc dạ

Không màng tài lộc vượt trùng khơi.
 

Hay là bốn câu giữa một bài thất ngôn về Thiền sư Thường Chiếu (?-1201), nhà thơ Thích Chúc Hiền viết nơi trang 115:
 

Bỏ ác làm lành vun cội phước

Trừ tà hiển chánh tỏa tâm thiền

Đạo nhân sớm tối quy bờ giác

Thiền mạch đêm ngày tuôn suối thiêng.
 

Trang thơ nào cũng đầy những lời khuyến tấn tu hành. Như trong bài về Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), nhà thơ Thích Chúc Hiền viết giữa một bài thất ngôn nơi trang 169:
 

Xả tục tầm sư tham vấn đạo

Xuất gia học pháp quyết tầm chân

Đêm ngày tinh tấn rèn tâm trí

Năm tháng siêng năng đáp nghĩa ân.
 

Thi tập dày 224 trang. Nơi trang bìa cuối là trích đoạn Lời Giới Thiệu của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu:
 

Có thế nói, đây chính là thành quả của một thời tu tập bằng chí nguyện phụng sự để cúng dường một tri kiến lịch lãm cho toàn thể quý độc giả - nhất là những người có tâm hồn Thiền tập, lấy đó làm tiêu chí.

Thôi thì, chỉ nếm một giọt nước của đại dương đủ biết nước của bốn biển có vị mặn. Ngộ được một bài thi kệ Thiền của Thượng Tọa đủ biết giáo pháp có hương vị giải thoát. Mà trong 126 bài thơ Đường luật ấy, Thượng Tọa đã gởi gắm, nhắn nhủ bao nỗi niềm để diễn đạt tinh thần tu chứng của chư vị Thiền sư - làm quà cho quý thức giả để tâm nghiên tâm: Thiền là gì? Tu Thiền ra sao? Và chứng Thiền ra thế nào để làm chất liệu sống linh hoạt, thực tại minh nhiên cho bản thân mình hôm nay và mai sau.”
 blank                                  Nhà thơ Thích Chúc Hiền
 

Trong Lời Ngỏ, nhà thơ Thích Chúc Hiền đã giải thích vì sao Thầy sáng tác Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập, nơi các trang 15-17:

 

“Xuất thân từ những giai tầng, địa dư khác nhau, trong những giai đoạn thời gian và hoàn cảnh khác nhau, chư Sư đã đến với cửa Phật theo duyên lành và hạnh nguyện có từ bao kiếp đến nay. Mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả đều cùng chung một lý tưởng trác tuyệt: trở về tìm lại con người đích thực của chính mình, khai phóng bản thể chân như mầu nhiệm sẵn có nơi tự thân, nhằm đem lại niềm tin bất hoại và thắp lên ngọn đèn thiền.

Chính nhờ đó, tông môn được rạng rỡ, mạng mạch Phật pháp thâm huyền mãi được lưu truyền bất diệt, trở thành nơi nương tựa tinh thần vững chắc cho chúng sinh hữu duyên. Qua đó, cũng mang đến suối nguồn an lạc, giúp vơi bớt phần nào những nỗi thống khổ triền miên của kiếp nhân sinh vô thường hữu hạn.

Hành trạng của chư lịch đại Tổ Sư vốn dĩ:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.’ (Thơ-thiền sư Hương Hải)
 

(Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý lưu dấu

Nước không có tâm lưu bóng). (Thiền sư Thích Thanh Từ dịch.)


 

Đó là công hạnh của những bậc đã siêu thoát vô trụ, vô chấp, thể hiện trọn vẹn lý tưởng cao vời muôn thuở ấy. Do vậy, hậu thế đời đời khắc ghi, tưởng nhớ, biên chép thành sử sách để làm tấm gương cho bao thế hệ noi theo.

Chúng con, hàng hậu bối phước mỏng nghiệp dày, căn cơ thấp kém, nhưng may mắn nhờ duyên lành làm pháp tôn của chư vị. Bởi ngưỡng mộ hạnh nguyện cao cả và sự liễu ngộ tuyệt vời của chư Sư, chúng con căn cứ vào tác phẩm Thiền Sư Việt Nam của Thiền Sư Thích Thanh Từ và tác phẩm: Nghiên Cứu Thiền Uyển Tập Anh của GS. Lê Mạnh Thát để mạo muội cẩn bút ghi chép hành trạng của chư vị bằng thể thơ Đường luật (thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn thập lục cú), như những lời tán thán công hạnh, hầu nương theo đức sáng ấy để tập tành, lần dò trên lộ trình tìm về bến giác. Đồng thời, chúng con cũng căn cứ vào hai tác phẩm trên để tóm lược ngắn gọn tiểu sử của chư sư và đã được Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ hoan hỷ tận tụy dịch ra Anh ngữ để các bạn trẻ sanh ra và lớn lên ở Hải Ngoại có thể tham khảo tìm hiểu về các bậc tổ sư tiền bối.

Chính vì thế mà Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập được ra mắt cùng chư độc giả bốn phương, ngõ hầu đáp đền tứ trọng thâm ân trong muôn một. Chúng con kính tri ân HT. Thích Nguyên Siêu đã từ bi hoan hỷ viết lời giới thiệu. Xin chân thành cảm ơn Huynh Trưởng Tâm Thường Định cũng đã hoan hỷ viết lời giới thiệu, chuyển lược tiểu sử chư tổ sang Anh ngữ. Chân thành cảm ơn Phật tử Quảng Pháp, Thiên Nhan, Nhuận Pháp đã hoan hỷ gia tâm thiết kế, trình bày.

Tu Viện An Lạc, California,

Tiết Thanh Minh-Ất Tỵ - 2025

Cẩn bút,

Thích Chúc Hiền” (hết trích)

  

Trong Lời Giới Thiệu, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu ghi nhận nơi trang 20, trích:

Chúng ta đọc vào Hành Trạng Chư Tố Thi Tập gồm có 126 vị Thiền sư, Hòa thượng, Quốc sư, Đại sư, Đại sĩ, Cư sĩ... do vậy nên có một trăm hai mươi sáu bài thất ngôn bát cú, hay thất ngôn thập lục cú theo thể thơ Đường luật. Thi tập được viết qua ngôn ngữ Việt và có phần tiểu sử bằng Việt - Anh, do Tổng Vụ Văn Hóa, GHPGVNTNHK chủ trương và Phật Việt Tùng Thư lưu trữ.

Vào đầu thi tập là Thiền sư Khương Tăng Hội và cuối cùng là Hòa Thượng Hoàng Long. Nội dung ý chỉ cho giá trị tu chứng mà chư vị Tổ đức, Thiền sư một đời đã dày công tôi luyện để đạt thành Thánh giả mà Thượng Tọa đã cảm nhận được tinh thần và giá trị tu chứng thanh cao của ý vị Thiền giả, rồi phát tâm cúng dường để lưu truyền lại mãi đến mai sau. Đây là một công phu nghiên cứu có tầm cỡ văn học và mất rất nhiều thời gian. Người phải có tâm hồn tu tập, phải đam mê ý vị Thiền gia, hay thích vui chơi, bông đùa với nền văn học Thiền thì mới khế hợp được tần số của người chứng và người đam mê, để từ đó dệt thành thi tập bằng cả tâm huyết của tác giả.” (ngưng trích)

 

Trong bài viết nhan đề “Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập: Thơ và tâm hòa điệu trong dòng suối Thiền,” của Cư sĩ Tâm Thường Định, nơi trang 25-28, có bản Anh dịch nơi trang 29-33, có những đoạn ghi nhận như sau, trích:

“... Mỗi bài thơ tựa một khoảnh khắc giao cảm giữa tác giả với tâm Phật, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cốt tủy thiền quán và niêm ước mơ bình dị của người Phật tử. Tựa như mạch ngầm lặng lẽ giữa hai nhành trúc, thơ vẽ nên bức tranh vô ngôn về lòng kiên nhẫn, từ bi và ý chí thoát tục. Người đọc bất giác lắng lòng, cùng hít thở bầu không khí trong lành và tịch mịch thời hoàng kim Phật giáo Việt. Phật pháp bất Ly thế gian pháp, nên ta cũng nhận ra chất Thiền dung hợp chất Đời trong thơ của Thượng tọa Thích Chúc Hiền. Bóng dáng chư Tổ Thiền cũng là bóng dáng những con người nhập thế: xây chùa, dựng tháp, an dân, trừ loạn... Trong tập thơ, hình ảnh chư Tổ không tách rời cõi trần thế tục, mà gần gũi vô cùng -- việc Đời và việc Đạo quyện vào nhau thành một. Khi đọc, chúng ta vững tin: dẫu thời cuộc đảo điên, bản tâm thanh tịnh vẫn là chỗ nương tựa không lay chuyển cho tứ chúng.” (ngưng trích)

 

Tập thơ Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập hiện đang lưu hành trên Amazon, và độc giả có thể tìm mua nơi đây:

https://www.amzn.com/B0FBKLQ1C8/

 
Trên trang Amazon vừa dẫn, có Lời Giới Thiệu, trích: “Thượng Tọa Thích Chúc Hiền là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Hội Đồng Điều Hành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ. Thượng Tọa là một nhà thơ Đường luật còn sót lại trong thế hệ Tăng sĩ trẻ hôm nay. Tuổi trẻ mà thích thơ Đường luật mới là điều lạ. Điều lạ này đã chứng tỏ Thượng Tọa đam mê lặn lội, trầm mình trong thế giới văn học Thiền của các bậc Tổ đức thời xưa. Nhưng trước khi đam mê những thi kệ Thiền, hay gia tâm nghiên tầm Phật pháp để làm chất liệu mà tập thành những bài thơ Đường luật qua nhiều thể loại, thì Thượng Tọa đã nắm vững các luật tắc: bằng, trắc, niêm vận, cấu trúc, đối xứng... của những thể thơ thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt... Có nắm vững luật thơ Đường như thế thì mới hạ bút viết thành 126 bài thơ Đường trong Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập. Đây là điều thật diễm phúc và hãnh diện trong nền văn học thi ca Phật Việt hiện đại, vì chư vị tiền nhân đã qua hết rồi, giờ chỉ còn hàng tử tôn có đủ thẩm quyền để thừa tiếp. May thay!”
 

Tuyệt vời. May thay vậy. Đúng là điều lạ. Nhà thơ Thích Chúc Hiền đã viết lên những dòng thơ vừa có tính thi ca, vừa có tính văn học sử, vừa có tính trao truyền yếu chỉ Thiền Tông. Cực kỳ là hy hữu.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bạn đang cư trú ở một nơi rất xa quê nhà. Thế rồi, một hôm, bạn mở TV xem và bất chợt nhìn thấy một vở kịch Nhật Bản thể loại Noh, và bạn bùi ngùi nhớ về quê nhà, nơi thời thơ ấu bạn đã từng xem một tuồng hát bội, một thể loại kịch cổ điển thường hát ở các ngôi đình Miền Nam Việt Nam. Khi vở Kịch Noh vừa chấm dứt, cho dù bạn chưa hiểu tận tường tuồng Nhật Bản nói gì, nước mắt đã đầm đìa trên mắt của bạn, đó là nước mắt khi nhớ về thời tuổi nhỏ chạy chơi trong sân đình, nơi các nghệ sĩ tuồng ngồi vẽ mặt của những buổi chiều trước giờ kéo màn.
Trước năm 2005, tôi đọc vài bài viết ký tên Vương Thư Sinh, Hoàng Tiểu Ca với lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng nên rất thích. Khi hỏi người bạn đồng khóa, nhà văn Dương Viết Điền cùng ở Los Angeles, cho biết đó là nhà văn Trần Việt Hải. Hè năm 2005, tôi ra tờ Cali Weekly, mời người bạn thân Nguyễn Ngọc Chấn làm chủ bút, và ngỏ ý với Việt Hải làm tổng thư ký, anh vui vẻ nhận lời. Năm 2008, tôi phục trách Section B của nhật báo Saigon Nhỏ, mỗi ngảy với chủ đề riêng, Thứ Bảy là Văn Học Nghệ Thuật, tôi cần bài gì và Việt Hải gợi ý cho tôi viết bài gì đều đáp ứng suốt 7 năm.
"Những gì chúng ta đã trải qua, và những gì chúng ta sẽ phải đối diện, đều là những vấn đề nhỏ nhặt so với những gì nội tại trong chính con người của chúng ta." – Ralph Waldo Emerson.
Giới thiệu sách với tôi là giới thiệu cảm hứng sáng tác văn học của chính tác giả. Có thể là một đề tài mang tính triết học văn chương rộng rãi, hay một điều nào đó nặng tính cảm xúc như buồn vui đời thường mà bất kỳ ai cần bạn bè, người thân chung quanh chia sẻ. Nói như thế có nghĩa tôi muốn đơn giản hóa một vấn đề lớn lao mà có thể phải mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu.
Đọc Trịnh Y Thư là đọc một nghệ thuật viết tiểu thuyết vừa siêu hình vừa hiện thực. Nó thực thực hư hư đầy bất ngờ ở những bước ngoặt tình tiết. Độc giả thoạt thấy câu chuyện là như vầy, nhưng đoạn sau nó lại mở ra một cảnh mới, nhân vật cũ mà cảnh thì khác. Lối sắp xếp câu chuyện, dàn cảnh như trong phim trường. Tác giả dẫn dắt khán giả như đang xem một cuốn phim mà nhà đạo diễn đổi cảnh quay, đổi đề tài, đổi tâm tính mà vẫn luôn giữ khán giả ở lại với nhân vật của truyện, của con người Việt Nam trong suốt ba cuộc bể dâu...
“ VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG” ( VE,LKD) là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau 23 tác phẩm đã xuất bản gồm các sách Giảng văn, Giáo trình sách giáo khoa, Thơ, Văn, Bút ký... xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Sách dày 110 trang gồm 63 bài thơ và lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do nhà Xuất bản Tuổi Hoa Publishing, Hoa Kỳ ấn hành tháng 8 năm 2024, với tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Hà và ký họa chân dung tác giả của họa sĩ Chóe.
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
Kề từ khi bệnh tật tận tình thăm hỏi, Khánh Trường đã cho ra đời: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Số tác phẩm đồ sộ này, ít ai, kể cả những tác giả sung sức nhất, làm nổi. Đúng là…kỳ vĩ! Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” này có chút khác với các cuốn trước vì tác giả ghi ngay ngoài bìa sách là “du ký tiểu thuyết”. Chuyện mới à! Mới nhưng truyện của Khánh Trường chằng bao giờ thoát ra khỏi tình. “Cùng Nhau Đất Trời” cũng vậy, đây là một truyện tình. Nhân vật chính không còn trẻ, đã 38 tuổi, chưa chồng con. Ông bố sốt ruột: “Cô tưởng cô còn trẻ lắm sao? Kén cá chọn canh mãi, mai mốt thành gái già, hối không kịp”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.