Hôm nay,  

Nhà thơ Thiện Trí và thi tập Vạt Nắng Phù Hư

21/06/202509:00:00(Xem: 855)

Nhà thơ Thiện Trí và thi tập Vạt Nắng Phù Hư
 

Nguyên Giác
 

Trong cõi đời thường, rất mực sôi động của thế giới muôn đời phân rẽ, và gay gắt hiển lộ trong các bản tin tôi dịch hàng ngày, đôi khi rời màn hình, tôi mở sách ra, đọc những dòng chữ của một nhà sư đang sống rất mực thơ mộng, như làn gió nhẹ buổi sớm. Những dòng thơ trong thi tập Vạt Nắng Phù Hư là một thế giới khác, không chỉ là khác với những tàn phá khốc liệt ở Ukraine với Gaza, thực tế không phải là một cõi nào trên mây, nhưng là một cõi tâm có sẵn trong từng người chúng ta.
 

Tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống trong rất nhiều thế giới trong một ngày. Bật máy vi tính lên, tìm các bản tin thế giới và quê nhà qua Google, chọn tin và dịch. Từ những xúc động có khi rơi nước mắt khi đọc tin về nỗi đau đớn của những người đang sống dưới mưa bom như Palestine, Ukraine, cho tới nỗi lo lắng khi thấy các bản tin về Biển Đông và đói kém ở quê nhà, cho tới những sân si trong thế giới quyền lực ở Hoa Kỳ... Thời gian nghỉ tay, đọc những dòng thơ nơi này hay nơi kia, từ khắp thế giới, là hạnh phúc đời thường của tôi. Trong đó, tôi thường theo dõi những dòng chữ của nhà thơ Thiện Trí, người cũng là một thiền sư đang dạy Thiền thực nghiệm ở Nam California. Có khi tôi mở bản sách giấy ra xem, và có khi vào Facebook tìm đọc "Monk Thiện Trí."
 blank

 
Tất cả những giông bão ngoài trời đều sẽ biến mất, khi tôi đọc những dòng tự sự của nhà thơ Thiện Trí trong tập Vạt Nắng Phù Hư, nơi trang 30, trích:

“Tôi là chú tiểu hồn nhiên

Vô tư vô lự sống yên bên Thầy

Tháng ngày đạm bạc tương chay

Sáng chiều chuông mõ bến đời nhẹ trôi.”(VNPH, trang 30)
 

Nhưng đừng nghĩ đạm bạc tương chay đó là những ngày vô ích. Chính sự hồn nhiên đó, những ngày vô tư vô lự đó, mới là hành trang vững vàng để vào đời. Bởi vì, bạn hãy tin rằng, bộ áo giáp tuyệt vời nhất cho người tu là sự ngây thơ hồn nhiên. Và cũng là thần thông nữa: có mấy ai mà chuông mõ sáng chiều đẩy cho được rất dịu dàng bến đời nhẹ trôi. Bởi vì khi người ta muốn đẩy cho trôi bến đời, là họ đẩy hung hăng, là họ phóng chạy táo bạo, và thực tế như thế là không phải bước tới, mà là đang đi lùi thêm vào cõi vô minh.
 

Tôi không thích những chữ như "thế giới thi ca" hay "khung trời thi ca" hay vân vân gì khác, vì nghe trầm trọng quá, bởi vì mình không phải là phê bình gia. Chưa bao giờ tôi có ý muốn đóng vai nhà phê bình, dù là trong cương vị nhà báo, tôi vẫn đọc và theo dõi các bài phê bình và những cuộc hội thảo về văn học, triết học, tôn giáo, và đủ thứ chuyện trên đời. Nếu đôi khi tôi gõ chữ có ý phê bình ai (thí dụ, chuyện bầu cử Hoa Kỳ) thì chủ yếu là nói sự kiện, hay ghi lời người khác. Trong cõi này, tôi không muốn làm tổn thương bất kỳ chút gì trong cuộc đời, cho dù là làm rơi đi một chút bụi của người. Do vậy, tôi yêu thương thế giới thơ của nhà thơ Thiện Trí. Đó là thơ để kéo người đọc về một mảnh đất tâm rất dịu dàng và thơ mộng có sẵn, mà chúng ta thường đi lạc  sang những cõi tranh chấp của đời thường.
 

Như hình ảnh hoàng hôn, trong buổi chiều tà. Tất cả chúng ta đều đã từng nhìn nhiều ngàn buổi hoàng hôn trong đời. Bây giờ mời bạn đọc không khí thơ và đạo khi nhà thơ Thiện Trí nói về hoàng hôn qua vài dòng văn rất thơ và rất đậm chất vô thường, như sau:
 

Không biết tự bao giờ mà trong tôi mỗi khi nhìn hoàng hôn thì lòng lại “nghiêng” cùng vạt nắng chiều tây…

Cũng vậy, khi nhìn dòng sông và thuyền trôi, tôi lại thấy bến bờ định mệnh của kiếp nhân sinh như: “bóng câu ngoài cửa sổ!” Vạt nắng vẫn sáng, vẫn hồng mà vạt nắng của hoàng hôn thì đậm màu sông quê trong tôi. Nó có một chút gì đó man mác chiều buông lơi…” (Facebook: Monk Thiện Trí)

 
Nếu bạn quan tâm về Thiền, bạn có thể đọc về các lớp Thiền trên trang Facebook: Monk Thiện Trí. Nhưng nơi đây, tôi muốn nói về thơ. Bởi vì thơ là cội nguồn đẹp nhất của thế giới chúng ta. Hễ nhạt bớt chất thơ, là mưa bom, lửa đạn bay tới tấp. Bạn có thể kinh nghiệm: bất kỳ lúc nào mình sân si nổi giận, bạn không thể viết được bất kỳ dòng thơ nào, cho dù là vài chữ gọi được là thơ. Bởi vì thơ là cái sự thật ẩn giấu trong đời thường. Thiền không phải là thơ, nhưng chỉ là một phương tiện giúp chúng ta nhận ra thực tướng của cuộc đời. Thí dụ, như đoạn văn trên của nhà thơ Thiện Trí, thơ là khi nhìn vạt nắng nghiêng của hoàng hôn mà nhận ra cái ẩn sau của buổi chiều là pháp ấn vô thường, là dòng sông trôi chảy liên tục trong thân tâm và kiếp nhân sinh.
 

Tập thơ Vạt Nắng Phù Hư dày 240 trang, khổ vuông, bìa cứng, in trên giấy dày có vân. Tranh bìa trước là hình ảnh vạt nắng trên một cây tùng và sân cỏ. Trang bìa sau là tranh vẽ một ngôi chùa và mấy dòng thơ trên mây, như sau:

Trăm năm, giấc mộng nghê thường

Trăm năm, vạt nắng còn ươm hạt đời

Sáng lên: sáng đất, sáng trời

Chiếu lên từ vạt sáng ngời phù hư!

---- (Vạt Nắng Phù Hư)
 

Một thói quen nhận ra: đôi khi nhà thơ Thiện Trí dùng chữ Hán Việt và điển tích. Thí dụ, dòng đầu bốn câu trên là chữ “nghê thường.” Ca khúc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao cũng có lời nhạc nhắc chữ này: Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn... Truyện thơ Bích câu kỳ ngộ của văn học Việt Nam thời thế kỷ 19 cũng có câu: Vũ y thấp thoáng nghê thường thướt tha. Nghĩa là, xiêm y của các nàng tiên trên trời.
 

Chữ “phù hư” cũng là từ Hán Việt. Trong Lời Giới Thiệu, nơi trang 6 tới 9, do Thầy Thích Như Điển viết, trích như sau:

Trong tập thơ này có cả hàng trăm bài, Thầy Thiện Trí viết ở nhiều thể loại khác nhau như: lục bát, thơ tự do, thơ tự cảm, thơ Thiền v.v... đủ mọi thể tài. Nhiều khi Thầy ấy viết về những căn bệnh của thời đại COVID 19 hay những sự ra đi đột ngột của cố Hòa Thượng Thích Thái Siêu v.v... tất cả đều liên hệ đến sự vô thường sanh diệt của một kiếp người, một kiếp hoa, một kiếp phù sinh ví như cây cỏ, tuyết sương v.v... thật là tuyệt diệu.

Chữ Phù Vân (mây nổi) rất nhiều người dùng đến; còn chữ "Phù Hư" ít thấy ai dùng. Nếu giải rõ nghĩa thì đây chính là: Hư ảo nổi trôi cũng có thể được chăng? Nếu tra tự điển thì chúng ta có thể thấy thêm nhiều chữ bắt đầu bằng chữ phù như: Phù đồ, Thế, Phù Trần v.v...tất cả đều mang ý nghĩa là chẳng tồn tại lâu dài trên cõi thế.”
blank 

Tiểu sử của nhà thơ Thiện Trí ghi ngắn gọn nơi trang 2 của thi tập Vạt Nắng Phù Hư, trích như sau:

“Thầy Thiện Trí cũng là tác giả của hai tác phẩm bằng Anh Ngữ: Sharing From The Heart, Foundation Of Mindfulness.

Thích Thiện Trí tốt nghiệp cử nhân Phật Học tại Học Viện PG năm 1997-2001. Thầy định cư tại Hoa Kỳ năm 2002 và tốt nghiệp Thạc Sỹ Tôn Giáo Học (Master of Religious Studies). Năm 2015 đến 2019, Thầy mở trung tâm Thiền "Zen and Mind Family" tại bang Louisiana, TP New Orleans. Tại đây, Thầy đã được hai trường Đại Học Xavier và Loyola mời làm giảng viên môn "Kỹ Năng Thiền Phật Giáo" cho hệ đào tạo từ xa và hệ chính quy cho sinh viên đang học hệ cử nhân.

Hiện nay, Thầy Thiện Trí vừa tiếp tục ngành tiến sỹ tuyên úy Phật Giáo, vừa giảng dạy các lớp kỹ năng thiền tập cho người bản xứ qua hệ thống zoom và là khách mời thường xuyên cho các trường Đại Học cũng như hội liên Tôn Giáo tại xứ sở cờ hoa.” (ngưng trích)
 

Mấy đoạn tiểu sử trên nghe rất là công thức. Chúng ta có thể thông cảm, khi một nhà thơ (và là thiền sư) phải tự kể về mình. Thực ra, tôi ưa thích mấy dòng tiểu sử do thầy viết trong bài Am Mây Thiền nơi trang 10 và 11 của tập Vạt Nắng Phù Hư như sau:
 

Chiều nay gió đi vắng

Mây trắng rủ nhau về

Am thiền lưng chừng núi

Mây ngự thật bình yên

.

Thiền Sư cùng ngồi đó

Không đợi gió, đợi mây

Mắt thiền dường khép lại

Trông như pho tượng đài.”(VNPH, trang 10-11)
 

Tiểu sử có tính công thức kia vẫn không đầy đủ, vì từ lúc ấn hành tập thơ cho tới bây giờ, đã có những chuyển biến trong đời của Thầy. Hiện này, Thầy Thiện Trí đang ghi danh học bậc Tiến Sĩ ở Đại học University of the West (https://www.uwest.edu/) trụ sở ở California, và đồng thời hướng dẫn các lớp thiền tại đại học này. Có thể, khi bạn đọc những dòng chữ này, Thầy đã hoàn tất học vị mới này. Tuy nhiên, quan tâm lớn của Thầy Thiện Trí chính là độ mình và độ người. Chúng ta đọc thấy suy nghĩ của nhà thơ thiền sư này ở lời tự sự nơi trang 214:
 

Trong những ngày "dầu sôi lửa bỏng" của nạn dịch Covid-19 tại quê hương, hình ảnh Chư Tăng-Ni và nam nữ cư sĩ đã cùng nhau xắn tay áo lăn vào "cuộc chiến chống dịch" bằng cách đăng ký vào bệnh viện giúp đỡ các bệnh nhân, gom rau-củ-quả khắp nơi để giúp những người đang khốn khó. v.v...Nhìn những hình ảnh đó, tôi thấy lòng mình vui thật vui. Vì tôi nghĩ, lý tưởng giải thoát của những người "phát túc siêu phương" giờ thành những "Bồ Tát nhập thể" và hơn nữa chính họ "không sợ lây nhiễm" (chắc là nhờ năng lực tu tập và đủ tinh thần mạo hiểm) nên lăn vào cuộc chiến giúp đỡ những người khó khăn trong nạn dịch bùng phát này!

Cho tôi xin đầu thành đảnh lễ và cùng chung vui để góp phần "hoan hỷ" trong những hành động cao quý...” (Vạt Nắng Phù Hư, trang 214)
 

Chúng ta thường nghĩ về Thiền là cái gì nghiêm trọng lắm. Không, không hề nghiêm trọng. Với một tâm hồn rất mực hồn nhiên, bạn chỉ ngồi xuống, thở nhẹ nhàng là thấy Phật hiện ra liền, theo nhà thơ Thiện Trí giải thích, nơi trang 35, trong bài Đơn Giản Là:
 

Đơn giản là “hơi thở”

Tôi thấy hồn an yên

Thấy nụ cười Phật hiện

Thấy tôi... thật rất hiền

.

Thật vậy chỉ là thở

Thở trong và thở sâu

Thở vào tôi rõ biết

Thở ra nhận rõ liền. (VNPH, trang 35)
 

Phật hiện ra không chỉ trong hơi thở. Mà cũng hiện ra nơi bình hoa, trong tiếng chuông, hay khi nghe một câu kệ. Nhà thơ Thiện Trí gọi đó là Năng lượng khác, hoàn toàn xa lìa qua khứ và đau thương. Thầy giải thích về một lớp Thiền nơi trang 234, trích:
 

"Và các bạn biết không, chỉ cần tôi đặt trước mặt chúng tôi là một bình hoa tươi (dĩ nhiên là hoa thật) và một cái chuông nhỏ. Tôi mời các bạn ấy lắng nghe chuông. Tôi ngâm nga một câu kệ và chúng tôi thở những hơi thở trong, nhẹ, mát và đều... Khoảng 15 phút sau, tôi mời các bạn mở mắt ra thật nhẹ nhàng và mỉm cười với hoa cùng với tôi nữa. Thế là các bạn lập tức nhận ngay được năng lượng của tươi mát, của trong lành, của yêu thương và... một năng lượng tích cực ùa về. Năng lượng đó khác hẳn hoàn toàn với năng lượng của quá khứ, của đau thương, của thất vọng, của chán chường, của... nhiều vô số." (VNPH, trang 234)
 

Khi sống trong thế giới thơ mộng như thế, là phải cảm ơn thế giới của thơ, của hoa, của hơi thở, của chiều tà... Nhà thơ Thiện Trí, do vậy, đã viết nơi trang 33 như sau:
 

Cảm ơn ngày tháng truân chuyên

Cho ta hiểu chuyện không phiên, trách than

Cảm ơn hoa nở lại tàn

Cho ta thấu hiểu hợp tan lẽ thường. (VNPH, trang 33)
 

Có thể nói ngắn gọn về nhà thơ thiền sư Thiện Trí rằng, trong một cõi đầy bạo lực của thế kỷ 21, nơi hạnh phúc ẩn rất xa những cuồng nộ vô minh, nơi rất nhiều người nhìn mà không thấy và rất nhiều người nghe mà không nhận ra, những dòng chữ thơ mộng của Thầy đã trở thành ngón tay chỉ trăng, mời gọi chúng ta tỉnh thức và nhận ra một cõi bình an chưa từng xa lìa chúng ta.
 

Độc giả có thể liên lạc với nhà thơ Thiện Trí qua:

Tu Viện Phổ Quang

824 Sandy Lane

Fort Worth, TX 76120, USA

Hay điện thoại: 504-505-5887. Hay qua Email: [email protected]
 

Không phải sao, cuộc đời của mỗi chúng ta luôn luôn là một vạt nắng nghiêng, nơi đó tự thân chính là ánh sáng đang khởi dậy và cũng chính là những lụi tàn tự thân. Hãy nhìn thấy một thực tướng này, mỗi người chúng ta là một vạt nắng, và thế giới người trong cõi này là vô lượng vạt nắng đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang viết, đang thở, đang yêu thương nhau và kể cả đôi khi căm thù nhau. Tại sao vạt nắng này lại cố ý làm tắt vạt nắng kia, trong khi lẽ ra chúng ta có thể làm cho cõi này từ bi hơn, rực sáng hơn, khi vạt nắng này cười với vạt nắng kia, và cùng ngồi tụng Tâm Kinh để thấy đời mình và người cũng chỉ là những vạt nắng rỗng rang, vô tự tánh, rất mực là thơ.

.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác...
Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…
Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió? Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian? Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì...
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Có những cách để tưởng niệm 50 năm ngày Miền Nam tự do sụp đổ. Trong khi những cuộc hội thảo, chiếu phim, nhạc hội... do cộng đồng tổ chức sôi nổi khắp những tuần lễ trong tháng 4/2025, nhà văn Phan Nhật Nam và dịch giả Kim Vu có một cách lặng lẽ hơn: Dịch giả Kim Vu trong tháng Tư 2025 đã ấn hành tác phẩm tiếng Anh “The Sound Of A Suffering Land” – tuyển tập bản dịch 8 truyện của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thơ mộng, uyên bác, thấu suốt Phật lý... Những dòng thơ của Thầy Tuệ Sỹ hiện lên trang giấy như các dãy núi nơi những đỉnh cao ẩn hiện mơ hồ giữa các vầng mây. Do vậy, dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ qua tiếng Anh cũng là một công trình lớn, khi phải cân nhắc từng chữ một để giữ được cái thơ mộng, cái uyên bác, và cái nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường của một nhà sư thiên tài, độc đáo của dân tộc. Hai dịch giả Terry Lee và Phe X. Bạch đã làm được phần rất lớn trong việc giới thiệu thơ của Thầy Tuệ Sỹ cho các độc giả trong thế giới Anh ngữ.
Mặc dù chỉ mới ba năm trôi qua kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở, nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều đến mức mà chức thủ tướng của bà đã được cảm thấy như nó thuộc về một thời đại khác. Cuốn hồi ký mới của bà cho thấy bà bình tâm với những quyết định đã đưa ra, bao gồm cả những quyết định bị phê phán nghiêm khắc nhất.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Chu Sa đã tổ chức một buổi ra mắt hai tác phẩm trong vòng thân hữu tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần chiều Thứ Sáu 2/5/2025. Tập thơ nhan đề “Tình Không” -- ấn hành cuối đời, gom lại tất cả các bài thơ tình của nhà thơ trong đó có 36 bài thơ đã đăng trước 1975 trên các tuần báo Khởi Hành, Tuổi Ngọc và các tạp chí Văn, Vấn Đề... và nhiều bài thơ tình gần đây. Cuốn thứ nhì là hồi ức “Chuyện Làng Văn” về các mảng đời trước và sau 1975 của 50 văn nghệ sĩ mà tác giả có cơ duyên thân tình.
"Mỗi người đến thế giới này như một kẻ xa lạ, không phải vì họ xa lạ mà bởi vì họ được nhìn bởi người khác, trong đó có các nhà văn, như kẻ xa lạ. Bi kịch của con người là ở chỗ họ quá khác nhau, ở các học thuyết và các niềm tin, ở các quyết định và hành động, nhưng sâu thẳm họ giống nhau khi rắp tâm đi tìm sự thật cuối cùng. Không có công lý và sự thật phổ biến cho mọi trường hợp, và con người luôn luôn chọn đứng về một phía, và đó là bi kịch và hài kịch của họ. Những xung đột giữa người và người, giữa các quốc gia, các chủ nghĩa, đỉnh cao là chiến tranh, ở mức cá nhân là hận thù, những xung đột ấy chỉ có hy vọng hóa giải khi con người nhìn thấy sự thật phía sau câu chuyện lịch sử, những động cơ tâm hồn bên dưới sự thật. Sự hiểu biết ấy, và sự vui thú sinh ra từ hiểu biết ấy, làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.