Hôm nay,  

Trung Kiên với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul

05/12/201923:50:00(Xem: 3126)
Hinh bia sach_Pham Phu Minh
Bìa sách

Tập hồi ký --- nhan đề "Trung Kiên với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul" của Tiến Sĩ Kinh Tế Đinh Xuân Quân--- gói gọn gần trăm năm lịch sử của gia tộc ông dự kiến sẽ ra mắt tại Quận Cam vào giữa tháng 2/2020. Buổi giới thiệu sách sẽ thực hiện tại:

Westminster Community Service Center
8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683
vào ngày 15/02/2020 từ 1:00pm-4:00pm.

Có những tấm ảnh không chỉ làm thay đổi số phận của một con người, mà còn góp phần làm thay đổi cả một giai đoạn lịch sử. Hai tấm ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam đã là điều đó, tấm tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt cộng Bảy Lốp, và tấm cô bé gái bị cháy vì bom napalm Phan Thị Kim Phúc, chẳng hạn.

Thắng, một anh bạn hiện sống ở Úc kể câu chuyện như sau. Vào năm 1968, Thắng lên sáu, gia đình còn sống trong một trại gia binh ở Đà Nẵng. Một hôm, Thắng thấy người ta đang xúm xít đông đảo ở góc chợ chiều, ngoài người dân ra thì có cả vài người lính Mỹ. Tò mò, cậu cố chen vào xem chuyện gì. Mất một lúc, khi lủi vào được tận vòng trong cùng, đứng kề dưới chân ba người lính Mỹ, Thắng ngước lên thì thấy một xác người nằm co quắp, hai tay bị trói quặp ra sau lưng, tóc tai rũ rượi, máu đọng đen đã khô trên ngực, đàn ruồi bay vo ve. Người ta đang đắp chiếu lại và chờ xe đến mang đi. Thắng quay mặt đi, không dám nhìn lần nữa, không kịp nhận ra là đàn ông hay đàn bà, xác Việt Cộng hay xác người bị Việt Cộng giết. Cảnh tượng quá khủng khiếp. Thắng cố quay ra nhưng vướng phải chân của một người lính Mỹ. Họ đang chụp ảnh. Anh lính vụng về làm rơi tấm ảnh polaroid xuống đất nhằm lúc Thắng giẫm lên làm tấm ảnh dính vào chân. Trong lúc hỗn loạn, Thắng lượm tấm ảnh bỏ vào túi quần. Khi len được ra ngoài, Thắng chạy một mạch về nhà. Mẹ Thắng thấy con chạy chơi về, mặt mày thất thần, áo quần bẩn thỉu, bèn bắt thay ra, tắm rửa. Thắng kịp giấu tấm ảnh vào góc giường. Tối đó, khi mọi người đã ngủ, Thắng moi tấm ảnh ra xem. Nó dính sình đất nhem nhuốc, nhưng không cần xem kỹ, chỉ liếc qua thì Thắng đã thấy lại cảnh tượng ghê rợn lúc ban chiều. Thắng đặt tấm ảnh úp mặt lên bàn. Không dám chạm vào nó. Hôm sau, ba mẹ cậu thấy tấm ảnh, la cho Thắng một trận rồi vất đi.

Tấm ảnh như mang theo vong hồn của người đã khuất, theo ám Thắng mãi suốt đời. Nó là hình ảnh thực chứng của thời thơ ấu trong chiến tranh. Có lẽ người lính Mỹ ấy đã chụp lại ít nhất một tấm khác tương tự ở cùng góc nhìn ấy. Tôi tự hỏi anh ta chụp cảnh tượng ấy để làm gì. Anh ta đã làm gì với nó. Hình ảnh ghê rợn ấy không trừng phạt anh như đã làm với bạn tôi sao.

Lần đầu tiên trong đời tôi được cầm máy ảnh và bấm thử là năm tôi lên bảy. Ba tôi đóng quân ở miền Trung. Ông về phép, mang theo một chiếc máy ảnh nhỏ mà tôi không còn nhớ hiệu gì. Nó là vật thể kỳ diệu nhất mà tôi từng được thấy. Kỳ diệu và thiêng liêng, như thể nó được mang đến từ một thế giới nào khác. Hôm ấy, ông bảo cả nhà thay đồ đẹp rồi ra sân nhà để ông chụp ảnh. Nắng mười giờ sáng đẹp. Mẹ tôi vận áo dài hoàng yến, ngoài khoác thêm chiếc áo bầu voan trắng, bốn anh em tôi vận sơ-mi trắng, quần sọt xanh, đầu đội mũ nỉ rộng vành, kiểu nón của hướng đạo viên. Ba tôi chỉ dẫn cho mọi người đứng làm kiểu để ông bấm mấy tấm, rồi để máy lên chiếc ghế, điều chỉnh chế độ tự chụp trong 10 giây, ông chạy vội đứng vào chung với vợ con. Một lúc sau, thấy ánh mắt thèm thuồng món đồ chơi lạ, ông chỉnh máy, rồi đưa cho tôi, chỉ cách cầm máy ngắm, nín thở để đừng rung, và bấm. Tôi không được xem liền tác phẩm nhiếp ảnh đầu đời của mình vì ba tôi mang phim đi rửa rồi quên bẵng, mấy tháng sau khi ông chìa ra xấp ảnh để mẹ chọn bỏ vào album gia đình, có tấm rõ có tấm không, thì tôi nhận ra được tấm do mình bấm máy dù nó nhòa mờ. Tuy nhiên, tôi nhớ mãi cái cảm giác thú vị kỳ lạ khi cầm máy, trọng lượng nằng nặng của máy, cái bao da có mùi thơm lạ xốc vào mũi, những nút bấm, vòng xoay của ống kính, và sau cùng, khoảng sân nhà hiện ra trong khung ngắm: ba tôi mặc đồ trận, đội mũ sắt, tay bồng một đứa con, tay kia choàng vai mẹ tôi cũng đang bồng một đứa, thằng em kế tôi ngồi xổm bên con chó Ky nằm dưới chân ba tôi, và rồi, tiếng “tách” khi tôi bấm nút. Tấm ảnh có lẽ bị hư, out of focus, nhưng hình ảnh ấy được lưu giữ trong trí nhớ tôi dài lâu. Tôi mơ hồ hiểu rằng mình đang làm một việc vô cùng quan trọng. Tôi đang tạo ra và lưu giữ lại hình ảnh của trần gian. Một khoảnh khắc được tôi cắt lìa ra khỏi dòng chảy của đời sống. Và, kỳ dị thay, tôi thấy mình hiện diện trong khung ảnh, đang lóng cóng, và trịnh trọng, nâng chiếc máy lên ngắm. Bây giờ, sau nhiều đổi dời, gia đình tôi không còn giữ được những tấm ảnh xa xưa ấy.

Khoảng giữa thập niên 80, tôi thèm có cái máy ảnh để làm nghề chụp ảnh dạo kiếm sống như vài người bạn có, nhưng đó là ước mơ quá lớn. Đó là thời mà ai cũng muốn có tấm ảnh màu trước bồn phun nước góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, ở trung tâm thành phố, hay ngồi trên bậc thềm đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên, và người ta phải nhờ đến những ông thợ chụp ảnh dạo bấm cho. Theo sự tiến bộ của khoa học, những phát minh nối nhau ra đời theo nhu cầu của con người, và đồng thời làm cho nhiều thứ trước đó biến mất. Nghề chụp ảnh dạo và máy chụp phim biến mất khi máy ảnh du lịch và máy quay phim digital ra đời, được bán với giá phải chăng. Máy ảnh du lịch biến mất khi smart phone ra đời. Giờ đây, ai cũng có thể sở hữu một điện thoại có công dụng chụp ảnh và quay phim để ghi lại và phát tán mọi hành vi và diễn tiến của cuộc đời có mình hiện diện trong đó. Con người không còn mãi mãi là những kẻ vô danh tính, vô nhân ảnh, vô tăm tích.


Về sau, làm báo, viết lăng nhăng để kiếm sống bằng nhuận bút, tôi chỉ đủ tiền để sắm chiếc máy ảnh loại du lịch, nhỏ gọn có thể bỏ trong túi áo, chụp tự động, dễ thao tác, chất lượng ảnh không quá kém, có thể dùng làm minh họa cho những bài viết của mình. Niềm khao khát chơi ảnh còn đó nhưng tôi không theo đuổi, phần vì không có máy tốt, phần vì lười chưa chịu mày mò tìm hiểu, học hỏi thêm về kỹ thuật, nhưng cái chính là tôi chưa có một ý niệm rõ rệt về việc chụp ảnh. Tôi chưa trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: chụp cái gì, và chụp để làm gì?

Họa sĩ tự tạo ra thế giới của mình, chủ động theo cách họ muốn cái thế giới ấy như thế nào; trong khi nhà nhiếp ảnh chỉ có thể phần nào thay đổi cái thế giới ngoại tại có sẵn theo ý của mình, hắn không thể chủ động toàn phần trong việc tạo ra tác phẩm, mà lệ thuộc vào sự may rủi ngẫu nhiên của không gian bên ngoài. Họa sĩ vẽ ra, tạo ra cuộc đời theo ý mình, trong khi nhà nhiếp ảnh ghi lại, giữ lại hình ảnh có sẵn ở ngoài cuộc đời thật bằng chiếc máy tuy có nhiều công năng tối tân, nhưng vô hồn. Người chụp ảnh giỏi là kẻ bằng cảm quan nhạy bén của mình, sẽ quyết định chụp cái gì, ở góc nhìn nào, điều chỉnh máy như thế nào, bấm máy vào lúc nào, rồi can thiệp vào bức ảnh sau khi chụp, bắt nó kể câu chuyện về thế giới, về cuộc đời, bắt chiếc máy ảnh làm việc nhiều hơn khả năng chỉ ghi chép lại của nó. Khả năng của nhà nhiếp ảnh là mang sự linh hoạt, sinh động, của màu sắc đến với thế giới, ngay cả khi chỉ trong hai màu đen và trắng. Thậm chí, hắn tạo ra những tình huống không có thật, hay điều hướng cho người xem truy tìm sự thật từ sự tương phản, từ sắc độ, và từ cái nhìn hư cấu của hắn. Hắn cho người xem vay mượn đôi mắt của hắn. Hắn tiết lộ với họ những bí mật trong đời sống thường nhật mà họ không nhận biết được.

Sau cùng, tôi cũng sắm được chiếc máy ảnh và vài ống kính vừa ý, tạm đủ để thỏa mãn thú vui lâu nay mơ mòng ấp ủ mà chưa thực hiện. Tôi cũng tạm trả lời được câu hỏi chụp cái gì đây. Người ta gọi trò chơi nhiếp ảnh này là nhiếp ảnh đường phố, street photography. Tôi thích gọi việc chụp ảnh của mình là chụp này chụp nọ. Không theo một trường phái hay chủ đích nào rõ rệt, tôi mang theo máy ảnh ra đường, và bấm bất cứ những gì mình thấy thích, phần lớn là con người và những sinh hoạt của họ. Tôi cố gắng không vi phạm vào sự riêng tư của người được/bị chụp, phần lớn là có sự đồng ý và cho phép của họ. Chụp ảnh là cách thế để tôi kể lại những câu chuyện về con người và thế giới mà mình đang sống trong đó. Mỗi tấm ảnh mang một câu chuyện. Ngoài ra, hình ảnh còn giúp tôi lưu giữ những chi tiết và dữ kiện cho việc viết văn. Một số nhân vật trong truyện của tôi là được mô phỏng theo những tấm ảnh mình đã chụp.  

Giải quyết xong phần chụp cái gì rồi thì vẫn chưa xong, còn thêm câu hỏi chụp xong rồi thì làm gì với những tấm ảnh đó? Hẳn nhiên, ảnh là để xem. Nhưng chỉ riêng mình xem thì hơi phí, phải không nào? Vậy, ngoài mình ra thì còn ai nữa sẽ xem chúng? May thay, chúng ta đang sống trong thời đại có Facebook, có Instagram và nhiều phương tiện chia sẻ hình ảnh khác, nhưng tôi chỉ đăng những tấm ảnh mà mình thú vị lên Facebook với ý n ghĩ tự trấn an rằng mình chỉ rón rén tước đoạt (và làm phiền, nếu có) của những người xem ảnh chừng năm giây trong cuộc đời dài dằng dặc, và thường là vô vị, của họ, thì đó không phải là điều quá đáng.

Tôi chưa có nhiều dịp đi đây đó, trong tất cả những thành phố mà tôi đã đến và sống qua thì Sài Gòn và New York là hai nơi thân thiết nhất. Tôi yêu thích sự huyên náo và nhịp đời đa dạng của chúng. New York còn thích hợp với thú vui chụp này chụp nọ của tôi hơn. Mỗi tháng tôi đều về thăm nhà, nơi có người tôi yêu sống ở đó. Tôi nghĩ, trên thế giới không có thành phố nào có nhiều người mang máy ảnh ra đường như ở New York. Họ không phải là khách du lịch, và cũng không phải là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mà phần nhiều là người chụp ảnh như một thú vui. Cư dân New York cũng quen với việc được/bị chụp ảnh, và dường như họ ít khi phản ứng gay gắt. Người ta mang theo ra đường đủ loại máy ảnh tùy theo cách chơi mà họ theo đuổi. Có người sử dụng máy chụp phim to đùng có từ đầu thế kỷ trước, có người dùng những chiếc Leica xinh xắn và tối tân trị giá vài ngàn đô. New York đủ an toàn để người ta cầm máy ảnh đi chơi trong những đêm khuya khoắt mà không sợ bị cướp giật. Những ngày rảnh rỗi, chúng tôi chỉ cần đôi giày sneaker êm nhẹ và chai nước lọc là đủ để lang thang từ sáng tới khuya, đói thì ăn fast food, mỏi thì ngồi nghỉ trên ghế đá hay vỉa hè, chỉ vậy thôi là đời vui như hội.

Tôi chưa chụp được tấm ảnh nào khốc liệt như tấm ảnh anh lính Mỹ làm rơi. Xã hội Mỹ tương đối an toàn, ít biến động, mà sự an toàn thường là tẻ nhạt. Đêm về, tôi bỏ thẻ nhớ vào laptop, để cho những tấm ảnh hiện lên bên cạnh nhau, lắng nghe chúng so sánh và kể chuyện. Thế giới chỉ bất ngờ đông cứng lại. Thời gian cũng đông cứng lại. Nhưng những con người trong ảnh không bất động. Thật ra họ chỉ như bị chích một liều thuốc tê cực mạnh khiến phải thảng thốt dừng lại mãi mãi, nhưng đồng thời họ cũng đang cục cựa nhúc nhích, đang thở, đang bước, đang nói, đang hạnh phúc, đang đau khổ, đang cố gắng lao bật ra khỏi khung hình. Và đời sống mở ra những bí mật, từ đó.

PHẠM PHÚ MINH

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác...
Tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống trong rất nhiều thế giới trong một ngày. Bật máy vi tính lên, tìm các bản tin thế giới và quê nhà qua Google, chọn tin và dịch. Từ những xúc động có khi rơi nước mắt khi đọc tin về nỗi đau đớn của những người đang sống dưới mưa bom như Palestine, Ukraine, cho tới nỗi lo lắng khi thấy các bản tin về Biển Đông và đói kém ở quê nhà, cho tới những sân si trong thế giới quyền lực ở Hoa Kỳ... Thời gian nghỉ tay, đọc những dòng thơ nơi này hay nơi kia, từ khắp thế giới, là hạnh phúc đời thường của tôi. Trong đó, tôi thường theo dõi những dòng chữ của nhà thơ Thiện Trí, người cũng là một thiền sư đang dạy Thiền thực nghiệm ở Nam California. Có khi tôi mở bản sách giấy ra xem, và có khi vào Facebook tìm đọc "Monk Thiện Trí."
Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…
Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió? Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian? Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì...
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Có những cách để tưởng niệm 50 năm ngày Miền Nam tự do sụp đổ. Trong khi những cuộc hội thảo, chiếu phim, nhạc hội... do cộng đồng tổ chức sôi nổi khắp những tuần lễ trong tháng 4/2025, nhà văn Phan Nhật Nam và dịch giả Kim Vu có một cách lặng lẽ hơn: Dịch giả Kim Vu trong tháng Tư 2025 đã ấn hành tác phẩm tiếng Anh “The Sound Of A Suffering Land” – tuyển tập bản dịch 8 truyện của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thơ mộng, uyên bác, thấu suốt Phật lý... Những dòng thơ của Thầy Tuệ Sỹ hiện lên trang giấy như các dãy núi nơi những đỉnh cao ẩn hiện mơ hồ giữa các vầng mây. Do vậy, dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ qua tiếng Anh cũng là một công trình lớn, khi phải cân nhắc từng chữ một để giữ được cái thơ mộng, cái uyên bác, và cái nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường của một nhà sư thiên tài, độc đáo của dân tộc. Hai dịch giả Terry Lee và Phe X. Bạch đã làm được phần rất lớn trong việc giới thiệu thơ của Thầy Tuệ Sỹ cho các độc giả trong thế giới Anh ngữ.
Mặc dù chỉ mới ba năm trôi qua kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở, nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều đến mức mà chức thủ tướng của bà đã được cảm thấy như nó thuộc về một thời đại khác. Cuốn hồi ký mới của bà cho thấy bà bình tâm với những quyết định đã đưa ra, bao gồm cả những quyết định bị phê phán nghiêm khắc nhất.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Chu Sa đã tổ chức một buổi ra mắt hai tác phẩm trong vòng thân hữu tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần chiều Thứ Sáu 2/5/2025. Tập thơ nhan đề “Tình Không” -- ấn hành cuối đời, gom lại tất cả các bài thơ tình của nhà thơ trong đó có 36 bài thơ đã đăng trước 1975 trên các tuần báo Khởi Hành, Tuổi Ngọc và các tạp chí Văn, Vấn Đề... và nhiều bài thơ tình gần đây. Cuốn thứ nhì là hồi ức “Chuyện Làng Văn” về các mảng đời trước và sau 1975 của 50 văn nghệ sĩ mà tác giả có cơ duyên thân tình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.