Hôm nay,  

Khánh Ly - Tiếng Hát và Tấm Lòng

27/06/202500:00:00(Xem: 1301)

Khánh Ly hát trong 'Quán Văn' sau vườn nhà
Khánh Ly hát trong 'Quán Văn' sau vườn nhà
Lần đầu tiên tôi được nghe kể chuyện về ca sĩ Khánh Ly là vào khoảng 10 tuổi. Lúc đó, bố tôi là giáo sư trường Sư Phạm Sài Gòn. Vào một buổi tối, nghe nói Khánh Ly được mời về trường hát. Trong nhà tôi, chị Khánh được theo bố đi nghe nhạc, khuya về kể rằng bố được giao nhiệm vụ tặng hoa cho Khánh Ly. Khi nhận hoa, cô ca sĩ nổi tiếng này còn hỏi rằng: “…Trong truyện Giòng Sông Định Mệnh, tại sao anh không cho Thiệu và Yến lấy nhau?”
 
Chị Khánh mê Khánh Ly lắm, cho nên ở nhà thỉnh thoảng còn được gọi là “Khánh Lỳ”. Chị có mấy cuốn băng cối, hình như có tên là “Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Việt Nam”. Chị còn chép lời vào một cuốn nhạc gồm đủ loại tác giả, trong đó có nhiều nhạc Trịnh Công Sơn. Nhờ vậy mà từ nhỏ tôi đã được nghe Khánh Ly hát Ca Khúc Da Vàng, có lời để hát theo, cho nên nhập tâm lúc nào không hay…
 
Lớn lên một chút, sau 1975, người hay kể chuyện về Khánh Ly nhất là anh Trần Đại Lộc. Đi tù cải tạo về từ năm 1978, anh đến nhà tôi chơi, rồi từ đó trở thành “anh Hai Lộc” trong nhà. Anh kể thời làm Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường (CPS), trong Bộ Dân Vận Chiêu Hồi đã tổ chức nhiều chương trình có Khánh Ly hát, cho nên trở nên thân thiết. Anh Lộc cũng chụp hình chân dung cho Khánh Ly khá nhiều. Đối với anh, Khánh Ly là một ca sĩ sống đặc biệt có tình nghĩa với bạn bè. Dù dư luận văn nghệ sĩ trong nước có một số người nói những điều không hay về người ca sĩ đã di tản từ 1975 này, anh vẫn luôn nói rằng đó là một người bạn mà anh luôn quí trọng.
 
Sang Mỹ vào cuối năm 2006, vào làm cho Việt Báo từ năm 2009, tôi gặp chị Khánh Ly lần đầu tiên là trong tòa soạn, và bắt đầu làm quen với chị từ dạo ấy. Trong một nhóm bạn nhỏ như vậy, tôi có dịp gần gũi với chị hơn, và tự chiêm nghiệm rằng những điều anh Hai Lộc nói về “Khánh Ly sống có tình với bằng hữu” vẫn đúng cho đến tận hôm nay.
 
Vào Tháng Ba vừa rồi là đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật 80 của Khánh Ly, và cũng có thể là lần cuối chị trình diễn trên sân khấu lớn. Chỉ vài ngày trước đó, chị bị stroke nhẹ phải vào nhà thương, tưởng đã không thể có mặt. Nhưng rồi chị cũng đến được, vẫn hát trong tình thương yêu của bạn bè, thân hữu. Sau đó Việt Báo có đăng rất nhiều bài viết về Khánh Ly, người ca sĩ huyền thoại gắn liền với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, gắn liền với quê hương Việt Nam “…hai mươi năm nội chiến từng ngày…”, là đề tài không bao giờ cũ trong suốt nửa thế kỷ qua. Tình cảm của những người hâm mộ dành cho Khánh Ly sau 60 năm vẫn còn sâu đậm lắm.
 
Riêng tôi đợi cho chị nghỉ ngơi hồi phục sau cơn bệnh, xin một ngày được đến nhà, ngồi tâm tình riêng với chị. Không phải như một người hâm mộ ca sĩ Khánh Ly, mà chỉ là một người bạn nhỏ, nghe chị kể về những vui buồn của 80 năm cuộc đời…
 
Đặc điểm cá nhân nào đã tạo nên một Khánh Ly với một chỗ đứng không thể thay thế trong nền tân nhạc Việt Nam? Theo chị, đó là một niềm đam mê ca hát không gì có thể đánh đổi được. Không hiểu vì sao từ lúc còn bé cắp sách đến trường, chị chỉ nghĩ đến văn học, nghệ thuật âm nhạc; chỉ có một ước mơ và sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ để thực hiện cho bằng được: trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Trong cuốn tự truyện “Đằng Sau Những Nụ Cười”, chị kể lại chuyện mới 12 tuổi đã dám trốn nhà từ Đà Lạt về Sài Gòn để dự thi một cuộc thi tuyển lựa ca sĩ vào năm 1956. Chị hát bài Ngày Trở Về của Phạm Duy, và đoạt giải nhì. Quả là “gan liền tướng quân!”  Cũng may là ước mơ một đời người cũng đã thực hiện được; để ở tuổi 80 chị không có gì hối tiếc khi chấm dứt sự nghiệp. Để trở thành một ca sĩ đi vào lòng hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ, ngoài thiên phú về giọng hát, theo chị điều quan trọng trong đời sống hàng ngày là biết quên đi bản thân để có thể vui buồn cùng với mọi người. Trong suốt 60 năm ca hát từ Việt Nam ra hải ngoại rồi lại trở về Việt Nam, niềm say mê của khán giả bao giờ cũng là niềm hạnh phúc của chị. Chị hát lúc nào cũng đam mê như người yêu với tình yêu đầu đời.
 
Kỷ niệm nào là đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong 60 năm ca hát? Đó là lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS). Vào một buổi tối năm 1964, TCS và một vài người bạn đến nghe chị hát tại một phòng trà ở Đà Lạt; rồi ông tự giới thiệu mình. Hồi đó, chị chưa hề biết TCS là ai, và cũng chưa từng nghe nhạc của ông. Những ngày sau đó, ông hẹn gặp, tự đàn hát những ca khúc của mình: Tiếng Hát Dạ Lan, Nắng Thủy Tinh, Xin Mặt Trời Ngủ Yên… Chị nghe thấy thích và hát theo, học cách người nhạc sĩ diễn đạt những bài hát. Chị bắt đầu hát nhạc TCS tình cờ như vậy đó. Chị không hề cố ý lựa chọn để hát nhạc TCS; mà cũng không chắc là ông có chủ đích chọn Khánh Ly để hát nhạc của mình. Vậy mà nhạc TCS ngấm vào tâm hồn lúc nào không hay, để rồi nhạc TCS trở thành một phần không thể tách rời giọng hát của Khánh Ly. TCS cũng không hướng dẫn chị phải hát nhạc mình như thế nào. Ông chỉ nói là “…Đừng hát giọng óc nữa, nghe khó chịu lắm…!” Thuở mới đi hát, chị hát toàn nhạc tiền chiến: Con Thuyền Không Bến, Đêm Đông… cho nên hát giọng cao; bây giờ có cố hát lại như vậy cũng không được… Trong cuộc đời ca hát, chị hát nhiều thể loại nhạc, nhiều tác giả, và cũng để lại dấu ấn riêng không kém gì nhạc TCS. Nhưng chị nói rằng chỉ khi hát nhạc TCS là cảm thấy thoái mái, dễ dàng nhất.


Khánh Ly và các 'bạn nhỏ'
Khánh Ly và các 'bạn nhỏ' 
 
Ca Khúc Da Vàng và hát tình khúc TCS có gì khác nhau? Mới nghe thoáng qua, cả hai có cùng loại giai điệu đơn giản mà giàu cá tính; ca từ với thứ ngôn ngữ giàu trí tưởng tượng đặc trưng của TCS. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở phần hồn. Hát tình khúc TCS là hát cho một người, cho chính mình; trong khi hát Ca Khúc Da Vàng (CKDV) là hát cho nhiều người, hát cho dân tộc, hát cho quê hương Việt Nam. Trong CKDV có cả tình yêu quê hương, dân tộc và cả tình yêu đôi lứa; có cả hạnh phúc, nỗi đau và niềm hy vọng. Chính CKDV mới thể hiện được trái tim, tâm hồn đáng trân trọng của TCS, một người luôn nghĩ đến nỗi đau, niềm vui của những người khác; muốn an ủi và đem niềm hy vọng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong chiến tranh. Có thể vì vậy mà chị dễ đồng cảm với TCS trong CKDV. Khi hát tình ca TCS, chị nghĩ đến bản thân, đến người yêu. Nhưng khi hát CKDV, chị thấy mình có trách nhiệm với quê hương đất nước, với xã hội, với con người, đặc biệt là những người kém may mắn trong chiến tranh.
 
Tình bạn tri kỷ trong âm nhạc với TCS là một mối quan hệ đặc biệt trong cả cuộc đời chị, nhưng chưa bao giờ là tình yêu nam nữ. TCS là một người nhỏ nhẹ, dịu dàng, từ tốn, nghiêm túc. Chị kính nể ông ngay từ lần đầu gặp gỡ, và vẫn giữ sự kính trọng này cho đến ngày hôm nay. Sự tương kính này hình như đã được xác lập một cách tự nhiên, và cả hai đều giữ mối thâm giao theo đúng cách; nhờ vậy mà tình bạn vẫn giữ được tốt đẹp đến trọn đời.
 
Với Khánh Ly, tình bằng hữu là vô cùng đáng trân trọng, không phân biệt giàu nghèo, xấu đẹp. Đã là bạn sẽ là bạn suốt đời, và chị đối với bạn bè lúc nào cũng đầy, bao giờ cũng hết lòng. Nhóm thân hữu NTM có lẽ là những người cảm nhận điều này nhiều nhất. Bất kể tuổi tác, có tiếng tăm hay không, mới gặp hay đã biết từ lâu, những ai đến chơi với chị đều nhận được sự trân quí như nhau. Chị kho cá, muối cà ngon lắm. Làm xong chia thành từng phần, chị nhớ những ai thích, gọi để đến lấy phần. Vườn nhà chị trồng nhiều cây ăn quả. Đến mùa có trái, chị rủ nhóm đến nhà chơi, mời hái cho hết trái cây bơ, cây bưởi. Hình như niềm vui của mọi người cũng là niềm vui của chị. 
 
Và rồi chị chạm đến tuổi tám mươi… Đến cuối đời, rời xa sân khấu, khán giả, quên đi kẻ ghét người thương, quên đi những vinh nhục của “…đời ca hát ngày tháng cho người mua vui…” (Ánh Đèn Màu). Bên cạnh con cháu, chị vẫn còn những người bạn mà chị yêu quí, có dịp là lại quây quần bên chị. Tôi hỏi chị có tiếc điều gì chưa thực hiện được khi đã rời sân khấu hay không? Chị trả lời là có; vẫn còn một số ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn chị rất thích mà vẫn chưa bao giờ trình diễn, như bài Đường Chiều Lá Rụng của Phạm Duy. À! Vậy là đối với chị, những bài hát vẫn là niềm say mê đến cuối cuộc đời.
 
Điều quan trọng nhất đối với chị là được hát. Bởi vì giọng hát cho chị tất cả những gì có được trong cuộc đời. Chị tin rằng giọng hát mình có được là do ý chỉ của Thiên Chúa. Tại sao trong hàng triệu Việt người có giọng nói chỉ có một giọng hát Khánh Ly? Cũng vì thế, chị tin rằng đi hát là theo ý chỉ của Chúa; Đức Tin là kim chỉ nam trong suốt sự nghiệp ca hát của chị. Về cuối đời, chị làm nhiều việc thiện cho nhà thờ, đi hát cho cả nhà thờ lẫn chùa chiền; đến thăm viện dưỡng lão, trại mồ côi… đều là cho lý tưởng phục vụ con người.
 
Đến tuổi 80, chị tin rằng mình đã không phung phí điều gì trong cuộc sống, và đã sống trọn vẹn. Chi không còn hối tiếc, không ăn năn, không trông chờ bất cứ một điều gì. Nếu ngoài vườn có một đóa hoa mới nở, chị sẽ ngắm nó mà chẳng nghĩ là hoa nở vì mình. Ngày nào có người thân, bè bạn bên cạnh sẽ vui, mà không có cũng chẳng sao. Tri túc ở tuổi già, chị cảm thấy bình yên, hạnh phúc…
 
Câu chuyện giữa hai chị em kết thúc lúc buổi chiều nhá nhem tối. Tôi lái xe ra về, lòng cảm thấy vui. Là một người mê giọng hát Khánh Ly, thuở bé đã từng mơ ước được một lần được nhìn, được nghe Khánh Ly hát trên sân khấu. Sang đến Mỹ, từng mong có dịp đệm guitar cho chị hát Ca Khúc Da Vàng. Đến nay, những điều này đều đã làm được. Và hôm nay, tôi còn được ngồi với chị, nghe chị kể chuyện buồn vui cuộc đời. Hai chị em cùng ngắm lại những bức ảnh anh Trần Đại Lộc chụp chị từ hồi trước 1975, nhắc lại những câu chuyện về người bạn chung hiền lành, chân tình này. Chị như còn nhắn nhủ với tôi một điều: có những thứ còn tồn tại lâu hơn cả một giọng hát huyền thoại. Đó là tình bằng hữu, là tấm lòng yêu thương nhân ái. Như câu hát chị đã từng nhiều lần ngân nga:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi…
 
Doãn Hưng
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 2016, một vụ án xảy ra ở Little Saigon, California, gây chấn động cộng đồng hải ngoại, các hãng thông tấn cũng như báo chí truyền thông địa phương. Bảy năm sau, tình tiết và những nhân vật trong câu chuyện ly kỳ về ông Mã Long, tài xết taxi, bị ba tù vượt ngục bắt cóc, bước lên bục vinh quang ở Sudance Film Festival, dành hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất của phim The Accidental Getaway Driver – Tài Xế Đêm. Hai năm sau nữa, vào ngày 27/2/2025, cuốn phim sẽ chính thức được trình chiếu trên màn ảnh rộng.
Cuối tuần qua, ở nhà hát Majestic, New York tràn ngập tiếng vỗ tay khi cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff bước vào. Đoạn video đăng trên broadwayworld và danh khoản Twitter Latina for Kamala cho thấy, vợ chồng cựu phó tổng thống đến thưởng lãm buổi nhạc kịch GYPSY của đạo diễn sáu lần đoạt giải Tony George C. Wolfe. Khi cả hai bước vào, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hô vang “Kamala” cho đến khi dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc mở đầu của GYPSY. Cuối buổi biểu diễn, Harris và Emhoff đứng lên, gửi tràng pháo tay dài cho nghệ sĩ Audra McDonald và các bạn diễn. Chỉ vài ngày trước đó, bà Deborah Rutter, giám đốc của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy – John F. Kennedy Center for the Performing Arts, thường được gọi là Kennedy Center, bị sa thải. Thay thế bà, không ai khác hơn chính là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump.
Khánh Ly khóc.Tôi bất ngờ. Mọi người chưa nghĩ ra. 300 cái đầu, 600 trăm con mắt, 600 trăm lỗ tai, 300 hơi thở đều im lặng. Một cảnh tượng hoàn toàn đồng cảm. Tâm trạng nặng nề trong bóng tối tràn ngập cả thính đường. Lúc đó, sân khấu kéo màn. Hậu cảnh sáng dần lên, thấy tấm hình lớn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang cầm cây đàn thùng, tay kia quàng qua mái tóc Khánh Ly. Nét mặt ông chìm đắm vào địa đàng âm nhạc và Khánh Ly trẻ như thời còn chân đất ở quán Tre.
Ngày 12 tháng 2 năm 2025, Tổng thống Donald Trump đã sa thải một nửa số thành viên được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Trung Tâm về Nghệ Thuật Biểu Diễn John F. Kennedy (Kennedy Center for the Performing Arts, gọi tắt là Kennedy Center). Ngay sau đó, các thành viên còn lại, phần lớn là những người mà Trump vừa bổ nhiệm, đã bỏ phiếu để đưa ông lên làm chủ tịch của Kennedy Center. Hội đồng cũng đã bãi nhiệm Deborah Rutter, người từng giữ chức chủ tịch trung tâm từ năm 2014. Mặc dù Rutter vốn dĩ đã có kế hoạch rời đi sau bảy tháng nữa, nhưng hội đồng vẫn quyết định thay thế bà ngay lập tức bằng Richard Grenell, một cựu viên chức trong chính quyền Trump hồi nhiệm kỳ đầu.
Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Quảng Nam, mất ngày 7/10/ 1998 tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Bùi Giáng là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và làm thơ. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức…, nghiên cứu những tư tưởng triết học của Jean Paul Sartre, Heidegger, Nietche, Albert Camus…, dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn trên thế giới Henry Miller, Simone de Beauvoire, St Exupéry, Sagan, khảo luận những tư tưởng triết học Đông Tây Kim Cổ… Ông xuất bản nhiều tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu, phê bình, nổi tiếng các tập thơ Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột…
Lũ con cháu chúng tôi sang thăm cô Nhã chú Từ ở thành phố Malmo, miền Nam Thụy Điển, vào khoảng giữa tháng 10 2024. Có chúng tôi về, cô chú vui lắm và thường cùng chúng tôi ra ngoài dạo phố, ngắm cảnh, ăn uống. Trong một buổi chiều đi uống cà phê, chúng tôi chụp được tấm hình cô chú nắm tay nhau đi dạo trong một công viên thanh bình, khi trời đất vào thu, dưới ánh nắng nghiêng nghiêng của buổi hoàng hôn cuối ngày. Chúng tôi đặt tên tấm hình đó là “Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời”, là câu đầu tiên trong bài hát Vầng Trăng Xưa, chú Từ sáng tác trong trại giam Hàm Tân vào năm 1985.
Bước vào phòng triển lãm, ba bức tranh đầu tiên bên tay phải đập vào mắt người thưởng ngoạn là ba tác phẩm của họa sĩ Ann Phong: “I Told You, The Earth Is Warming Up”; “Looking Back, Looking Forward”; “If We Don’t Care For Nature, It Will Disappear.” Chọn ba tác phẩm này cho cuộc triển lãm, họa sĩ giải thích: “Các tác phẩm nghệ thuật của tôi phản ánh mối quan hệ giữa người với người; trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với trái đất nơi chúng ta đang sống. Thật đau lòng khi chứng kiến ​​thiên nhiên bị tàn phá bởi lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Có vẻ như khi chúng ta càng làm cho cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, thì chúng ta càng tạo ra nhiều ô nhiễm hơn; càng làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất một cách bất cẩn hơn…”
Nhóm Tuệ Đăng là gì có lẽ đến lúc này không còn xa lạ với cộng đồng người Việt hải ngoại và ngay cả trong nước nữa nhờ thời đại tin học và Youtube lan tỏa nhanh chóng. Nhóm lúc đầu là những thanh thiếu niên Phật tử yêu thích hát nhạc Phật và nhạc quê hương
Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970. Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu ".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.
Buổi ra mắt sách "Mai Áo Dài" không tổ chức ở khu hội chợ Tết ở Phước Lộc Thọ. Không pháo, không múa lân, không thức ăn, nhưng vẫn thu hút hàng trăm người đến dự...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.