Hôm nay,  

San Jose Và Buổi Triển Lãm Tranh, Ảnh, Sách, Thơ, Nhạc, Hy Hữu

04/04/202509:42:00(Xem: 3505)

pic 1
Nhà Thơ Nguyễn Tư Phương ký sách

Hằng năm, cứ độ xuân về hoa xuân nở rộ. Năm nay, hoa ở Thung Lũng Hoa Vàng San Jose cũng nở, nhưng đó lại là những đoá hoa Nghệ Thuật đua nhau vươn mình khoe sắc.

Ngày Thứ Bảy 29 tháng 3 năm 2025 tại Citadel Art Gallery, một buổi Ra Mắt Thơ kèm thêm Triển Lãm đã được tổ chức thân mật và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khách thưởng ngoạn. Buổi hội ngộ văn học, nghệ thuật hy hữu này có sự góp mặt của nhiều tác giả với nhiều hình thái nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn, thơ, sách, và âm nhạc. Gần 200 quan khách hiện diện đã làm bầu không khí nghệ thuật bừng sáng.

pic 2
Nhà Thơ Nguyễn Tư Phương đọc thơ của ông
Các tác giả gồm có:
Sách: Nguyễn Tư Phương, Đào Nguyên Dạ Thảo, Cung Tích Biền, Đặng Thơ Thơ, Trịnh Y Thư, Nguyễn Quang Nhàn, Nguyễn Hữu Liêm, Đinh Quang Anh Thái, Lê Lạc Giao, Tuệ Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Tùng, Lê Đình Nhất Lang, Trần C. Trí, Nam Dao..v..v.. và rất nhiều tác giả khác.

Tranh: Trương Thị Thịnh, Đào Hải Triều, Ann Phong, Hà Cẩm Tâm, Cẩm Tâm, Paulina Đàm, Thái Bùi, Đào Nguyên Dạ Thảo, Henry Trịnh Nghiệp, Lê Quế Hương, Nguyễn Trí Minh Quang, Lâm Quang Kim Phượng, Ouater Trương Sand.

Nhiếp Ảnh: Hoang dã: Đỗ Danh Đôn. Phong cảnh: Trịnh Thanh Thủy

Nhạc Thính Phòng: MC Vĩnh Thanh Thảo, Đồng Thảo, Văn Quân, Trọng Khôi, Nguyên Nhu, Nguyễn Phước Nguyên, Mây Lan...v..v..

Phần mở đầu buổi nói chuyện, Nhà Thơ Nguyễn Tư Phương lên giới thiệu tên tuổi của rất nhiều vị khách và bạn bè thân quen đến từ phương xa về hội ngộ. Ông nói thêm, phòng Tranh hôm nay không những là nơi trưng bày tranh ảnh mà còn là không gian cho thơ ca, ngôn ngữ tìm chỗ đứng của nó, giữa thế giới màu sắc, ánh sáng và những góc nhìn đầy sáng tạo của người nghệ sĩ.

Mục đích buổi ra mắt tập thơ hôm nay của ông chỉ là cái cớ để bạn bè văn nghệ gặp mặt nhau để hàn huyên. HS Đào Nguyên Dạ Thảo đề nghị góp thêm một Hội Chợ Sách nữa. Rốt cuộc rất nhiều người hưởng ứng và thuận duyên nên buổi Ra Mắt Tập Thơ biến thành một buổi Triển Lãm Tranh, Nhiếp Ảnh, Thơ, Sách, Âm Nhạc mang  đủ hình thái Văn Học Nghệ Thuật.

Sau đó ông giới thiệu tập thơ mới của ông "Những Chiếc Bóng". Ông kể về những nhân duyên đã xảy ra, đã nối kết với tập thơ. Những áng thơ ca lần lượt được ông đọc cũng như vài xướng ngôn viên lên đọc. Thơ ông được nhiều người phổ nhạc và các nghệ sĩ, ca sĩ của Thung Lũng Hoa Vàng thay phiên nhau trình diễn. Nhà văn Cung Tích Biền cũng phát biểu cảm tưởng về buổi họp mặt bạn bè và thơ ca đầy thi vị và nghệ thuật này.

pic 4
Quan khách và phòng tranh
Khách quan đứng, ngồi chật kín cả phòng tranh không hẹn mà ở lại, để nghe phần nhạc thính phòng được nối tiếp sau đó. Các ca sĩ thân quen vùng vịnh thay nhau lên trình diễn, khiến bầu không khí sắc màu thấm đẫm tiết tấu thơ ca, âm nhạc đẹp như một bức tranh lập thể, đủ mọi hình dạng, màu sắc và ánh sáng.

Sự hiện diện hy hữu của rất nhiều tác giả đã mang tác phẩm của mình đến trưng bày khiến lòng tôi xúc động và phấn khởi. Tôi liền đi một vòng phỏng vấn các tác giả về những tác phẩm của họ.

Khi HS Nguyễn Trí Minh Quang được hỏi về ý nghĩa trừu tượng của tác phẩm tựa đề "Attachment"của mình. Cô nói, "bức vẽ có hình một thân người cầm sợi dây buộc vào đuôi 1 con cá có nghĩa là cô gái trong hình bị ràng buộc vào 1 con cá dù nó đã lìa đại dương và đã chết. Cô ta vẫn yêu mến, ôm ấp và cố ràng buộc vào nó bằng 1 sợi dây. Nói tóm lại, tác giả muốn nói đến tâm lý của con người vốn bị ràng buộc và lệ thuộc vào nhiều thứ trên đời, như danh tiếng, cái đẹp, sự dễ chịu hay thoải mái. Đôi khi nó mang đến kết quả là sự khổ đau."
pic 6
Bức điêu khắc"
Chết không một
lời trăn trối" của
Henry Trịnh Nghiệp

Henry Trịnh Nghiệp tham dự với 4 tác phẩm điêu khắc vừa Phù Điêu và Tượng Đứng. Một bức điêu khắc gây ấn tượng cho tôi nhất là bức "Chết không một lời trăn trối". Có hình tượng 1 chiếc quan tài với 1 bộ xương bằng dây kẽm màu đồng với tư thế nằm đảo ngược, phía dưới là 1 cái khẩu trang. Henry kể "Đó là hình ảnh người anh họ đã mất vì Covid, anh ấy nằm ngược mà còn ngoái đầu lên như muốn nói 1 lời trăn trối cuối cùng mà không nói được. Thời ấy, có khi người chết không biết tên tuổi là ai, họ chỉ để 1 cái nhãn là "Covid 19" mà thôi." Nhìn những chiếc đinh to tướng đóng vào bộ xương khiến tôi hình dung ra được sự đau đớn tột cùng của người chết.

Lúc xem một bức tranh Trừu Tượng có những đường cong, bố cục và màu sắc rất lạ. Tôi xin cô Paulina Jade tác giả của bức 'Ghost of The Writer' giải thích thêm về những gì cô muốn thể hiện trong tranh. Cô bảo "Tôi đã liên tưởng đến người chị đã mất của tôi và những gì thuộc về thế giới của chị ấy như thú vật chị yêu mến hay dòng nước mà chị đã hoà tan trong ấy, kể cả các hạt mầm gieo rắc cho sự tái sinh của chị trong lối vẽ Nghệ Thuật Biểu Hiện."


Bức tranh vẽ chiếc mặt nạ nhiều màu sắc và hình thể, trông giống một bức tranh lập thể dưới tiêu đề "Kiếp Sau" đã dấy lên trong óc tôi nhiều câu hỏi. Khi phỏng vấn tác giả Hoàng Thị Kim về bức tranh này, chị trả lời . "Có người hỏi: tại sao tôi vẽ những thiếu nữ xinh đẹp , có nàng bị che một mắt, có nàng mất nửa cái đầu, nửa cái mặt mà nhìn vẫn xinh tươi. Như trong tranh bìa tôi vẽ cho tập tân truyện : “Một Thời Nên Vắng Mặt” của Cung Tích Biền, tác phẩm ” Kiếp Sau” này nói lên điều gì? Nó mãi là một dấu chấm hỏi ray rứt của tôi: Có kiếp sau hay không có kiếp sau?"

Untitled-1"Kiếp Sau"  của Hoàng Thị Kim;  "Attachment" của Nguyễn T M Quang;  "Ghost of the Writer" của Paulina Jade

 
Thái Bùi, một hoạ sĩ về thể loại Installation Art kiêm điêu khắc gia. Ông thực hiện một màn vẽ tại chỗ bằng phấn trên sàn nhà trong chủ đề "Sống và Chết". Ông vẽ một con cá bị thương sắp chết và các con cá nhỏ bơi vòng quanh, với thông điệp về sự sống và cái chết là hai điều luôn đi đôi với nhau nên không có gì phiền muộn cả.

HS Đào Hải triều có 7 bức tranh trưng bày và ông cho biết thường triển lãm tranh của mình ở đây. Ông vẽ với nhiều thể loại, ban đầu Hiện Thực, bây giờ là Trừu Tượng vì nó dễ chuyên chở và giải quyết được tư tưởng và những vấn đề của ông.

HS Cẩm Tâm thì tâm sự chị rất hạnh phúc khi được tham dự buổi triển lãm với nhiều tác giả hôm nay. Chị thấy vui và kết bạn được với nhiều người cùng tâm nguyện và yêu nghệ thuật. Chị thích vẽ Phong Cảnh và Trừu Tượng để thể hiện tranh của chị.

Luật Sư Nguyễn Hữu Liêm có khoảng 8 cuốn sách viết về Triết và Luật Học tỷ như cuốn Dân Chủ Pháp Trị ông viết về việc thành lập một nền Dân Chủ Pháp Trị hy vọng cho Việt Nam. Ngoài ra ông còn có tham vọng kiến tạo một nền Siêu Hình Học bằng Tiếng Việt để đưa ra các khái niệm và nguyên lý Triết Học trong cuốn Thời Lý và Hiện Hữu.

Nhà Văn Nguyễn Quang Nhàn với cuốn Thánh Tích hay Sự tích Hoa Ti Gôn là những câu chuyện về sự sống mãnh liệt của con người, của gia đình, cội nguồn, và quê hương nơi chúng ta bỏ nước ra đi.

Nhiếp Ảnh Gia Đỗ Danh Đôn, có 28 bức ảnh trưng bày về Wild life (Hoang Dã). Ông tâm sự ông yêu thiên nhiên, động vật, nhất là chim. Sở thích chụp ảnh biến thành đam mê. Ông thấy chim đẹp nên tìm hiểu hoạt động và sinh hoạt của chúng. Chụp chim đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian cũng như sự trợ giúp của kỹ thuật và máy móc.

Một người khách ngoại quốc phát biểu lúc được hỏi cảm nghĩ của ông khi tham dự buổi triển lãm tranh của Người Việt này. Ông James nhận ra có những bức tranh có nét vẽ rất mạnh mẽ, và thông điệp của nó rất rõ ràng. Ông tiết lộ ông cũng từng có tranh triển lãm ở đây trước kia. Khi tôi hỏi ý kiến của ông có thấy sự khác biệt giữa tranh của người Việt và người ngoại quốc không? Ông nói sự khác biệt cũng tùy thuộc vào các tác phẩm khác nhau. Có bức thể hiện rõ cái tinh chất Việt Nam nhìn vào là thấy liền như bức phong cảnh Đà Nẵng này tôi nhìn là nhận ra bãi biển này liền.

Một khách người Việt khi được hỏi, cô nói đây là lần đầu cô được dự buổi triển lãm đông và nhiều thể loại thế này. Cô thấy tranh đẹp quá và nể phục tài năng của các anh chị ở đây và cô cũng hãnh diện cho người Việt mình.

pic 3
Sách trưng bày


Trịnh Thanh Thủy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời gian là thực phẩm dài hạn cho người sống. Không thể từ chối. Hoặc chúng ta hưởng thụ nó. Hoặc chúng ta chịu đựng nó. Món ăn này đôi lúc sung sướng để nhai. Đôi lúc mệt mỏi, phiền hà để gặm. Đôi lúc nuốt xuống mắc nghẹn. Đôi lúc nuốt không kịp thở. Đã làm người thì nhất định phải biết sử dụng thời gian. Nếu ai không biết, thì thời gian sẽ sử dụng người đó.
Nghe danh nhà văn Khánh Trường đã lâu, biết ông là họa sĩ, điều đầu tiên tôi đi tìm là cái nhìn của người họa sĩ trong tập Truyện ngắn Khánh Trường I. Ông có những đoạn văn tả cảnh đầy màu sắc. “Bầu trời ửng sáng. Nắng rải xuống mặt đất màu vàng dịu. Nắng làm cho màu đỏ tấm pano quảng cáo trên mặt tường ngôi nhà bên kia đường hực lên rực rỡ, khiến thân thể trần truồng một trăm phần trăm của thiếu nữ nằm tênh hênh suốt chiều ngang tấm pano trở nên mời mọc quyến rũ hơn.”
Một tác phẩm Nghệ thuật Khái niệm gồm một quả chuối đơn giản, được dán bằng băng keo lên tường, đã được bán với giá 6,2 triệu đô-la tại một cuộc đấu giá ở New York vào thứ Tư, 20 tháng 11 năm 2024. Sự kiện này đã gây xôn xao không ít chẳng những trong thế giới nghệ thuật mà cả dư luận công chúng bên ngoài. Tác phẩm với nhan đề Comedian/ Diễn viên hài, của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan, đã trở thành một hiện tượng khi ra mắt vào năm 2019 tại Art Basel Miami Beach. Những người tham dự lễ hội nghệ thuật này cố gắng tìm hiểu xem liệu một quả chuối màu vàng đã chín có những đốm đen được dán trên bức tường trắng bằng băng keo bạc loại dán thùng gửi hàng là một trò đùa hay là lời bình luận đầy thách thức láo xược về các tiêu chuẩn đáng ngờ trong giới sưu tập nghệ thuật. Có lúc, một nghệ sĩ khác đã lấy quả chuối ra khỏi bức tường và điềm nhiên bóc vỏ ra ăn. Tác phẩm này thu hút quá nhiều sự chú ý đến mức ban tổ chức phải lấy nó xuống cất đi.
Ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ (Thanksgiving Day, ngày Thứ Năm trong tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm) được cho là khởi đầu vào năm 1621 khi những người di cư đầu tiên từ Anh Quốc đến Bắc Mỹ tạ ơn và ăn mừng với người Mỹ Da Đỏ bản xứ về một vụ mùa màng được thu hoạch khấm khá. Đây cũng là dịp để chúng ta nghĩ đến và đền đáp phần nào những ơn nghĩa mà mình đã nhận được trong cuộc đời này. Trong bài thơ “Ta Về” của nhà thơ Tô Thùy Yên viết khi ra tù cộng sản sau cuộc đổi đời vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, có câu thơ mà tôi rất thích: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở.” Hoa nở rồi hoa tàn là chuyện rất bình thường theo luật tắc sinh trụ hoại diệt của vạn vật, như nhà Phật đã nói. Hoa có biết nó nở vì ai không? Làm sao chúng ta biết được hoa nở là vì chúng ta? Nhưng nếu không có hoa nở thì làm sao nhà thơ họ Tô kia có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên! Vì vậy mà khi nhìn đóa hoa nở nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói lời cảm ơn vì cảm nhận rằng hoa đã vì ông nở.
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.
Nhà thơ Kiên Giang nổi tiếng trên thi đàn miền Nam từ những năm 1955, 1956 với bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” (được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc rất nổi tiếng)
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
VFF đang cùng cộng đồng hướng đến một sự kiện trọng đại: kỷ niệm 50 năm tị nạn kể từ biến cố 30-04-1975. Không phải tình cờ khi nhiều phim đoạt giải năm nay có chủ đề liên quan đến sự hòa giải giữa các thế hệ sau nửa thế kỷ ly hương.
Năm 1816, khi nhà phát minh người Pháp, Joseph Nicephore Niepce thành công chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính, cũng là lúc nghề vẽ tranh truyền thần của những họa sĩ thời đó bắt đầu gặp nguy hiểm. Đến khi công nghệ chụp ảnh hoàn hảo hơn ra đời vào khoảng 1839, thì những người vẽ tranh chân dung dần dần… thất nghiệp.
Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.