Hôm nay,  

Hội Chợ Sách VietBook Fest Năm Thứ Tư – Một Bản Sắc Mới

11/04/202500:00:00(Xem: 4248)

Hình 1 chính trang nhất resize
Sinh hoạt sách vở tại Hội Chợ Sách VietBook Fest 2025 do VAALA tổ chức. Bowers Museum, Santa Ana,
Chủ Nhật 6 tháng 4, 2025. Photo: Việt Báo

  

Với mỗi người Việt tha hương, tháng Tư luôn luôn là tháng của hoài niệm. Tháng Tư năm nay, bên cạnh góc nhìn tưởng niệm, cột mốc 50 Năm còn mở ra cho người Việt chúng ta nhiều cảm xúc, suy tưởng.  Mang trong lòng “nỗi niềm tháng Tư” nằng nặng đó, bọn chúng tôi hẹn nhau sáng Chủ Nhật đầu tháng tại Bowers Museum, đến tham dự Hội Chợ Sách VietBook Fest thường niên do Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA tổ chức, để cùng đọc, cùng nghe kể, cùng nhìn lại, cùng đối thoại những câu chuyện Việt.
 
Thời gian là cái mốc đo lường nhiều thứ. 50 năm là một khoảng thời gian rất dài. Một nửa thế kỷ. Một nửa đời người. Một thế hệ được sinh ra và lớn khôn. Một nền văn học. Một cộng đồng đã định hình sau nhiều biến chuyển. Và đó chính là hình ảnh 50 năm tại VietBook Fest, nơi quy tụ một cộng đồng người Việt trẻ hơn, trưởng thành hơn, và dường như, được thổi bằng một luồng sinh khí mới lạ, mạnh mẽ, đỉnh đạc hơn, một sự chuyển tiếp xuyên thế hệ. 
 
Đến Bowers Museum trước 10 giờ sáng, tôi tưởng rằng sẽ có thì giờ hàn huyên với các bạn, vậy mà phòng sinh hoạt của Bowers Museum đã chật kín người. 

Hình 2A

Bàn sách Anh Ngữ của các tác giả gốc Việt. Photo Việt Báo
Độc giả có thể tim sách ở LibroMobile's: Bookshop.org

Phía bên trái là dãy bàn bán sách Anh Ngữ với trăm cuốn sách của các tác giả người Mỹ gốc Việt do Libro Mobile đảm nhiệm, nơi đông đảo các độc giả trẻ thuộc thế hệ thứ hai đứng sắp hàng rồng rắn thật dài rôm rả chuyện trò chờ mua sách. Nhìn cuốn sách bìa màu xanh da trời với hình những bông hoa nở ra nhiều sắc màu của họa sĩ Ann Phong minh họa cho tựa đề “The Colors of April”, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tháng tư đen, có lẽ, sau 50 năm, cũng là tháng tư của nhiều ý nghĩa khác nữa, từ đêm đen đổ nát là sự phục sinh, từ những cố gắng xây dựng là những thành tựu của người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, là những bông hoa nhiều sắc màu mà sách vở của thế hệ tiếp nối cha anh đang ghi chép lại.

 

Phía trước mặt đối diện với khuôn viên là dãy bàn dài trưng bày hàng trăm cuốn sách tiếng Việt, với đủ thể loại, văn học, lịch sử, ngôn ngữ, âm nhạc do nhà sách Tự Lực đảm nhiệm. Tại đây cũng tấp nập độc giả đọc và mua sách, đa số thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ một rưỡi. Một số phụ huynh cũng đến đây mua sách học tiếng Việt và sách thiếu nhi cho con em.

Đối diện bên kia là dãy bàn của Vaala, nơi khách tham dự có thể đến hỏi thông tin, mua quà lưu niệm, trò chuyện và sinh hoạt với các em volunteers luôn tươi vui giúp đỡ mọi người.  Nhưng nhộn nhịp nhất là ba bàn tròn lớn đặt ngay giữa phòng với giấy, màu, bút mực… nơi các em thiếu nhi và phụ huynh ngồi cùng nhau tô vẽ những bức tranh đủ sắc màu. Chính các em là bức tranh đẹp nhất của ngày Chủ Nhật đầu tháng Tư ở Hội Chợ Sách VietBook Fest.

Hình 3A
Các em thiếu nhi vẽ và làm thủ công do hội Vietnamese American High School Alliance (VAHSA)
hướng dẫn. Chương trình này do hội VROC (Viet Rainbow of Orange County) đồng giới thiệu. Photo: Việt Báo.

Phía trước cửa phòng vào khán trường của Bowers Museum, nơi cuộc hội luận đầu tiên của ngày sắp bắt đầu, một hàng dài trên trăm người đang sắp hàng chờ vào khán phòng. Không biết mọi người có được vào khán phòng hết hay không vì chúng tôi sau nhiều phút sắp hàng, sợ trễ nên đã dùng “thẻ nhà báo” xin được vào trước, vừa kịp thấy Ysa Lê, Giám Đốc Điều Hành VAALA lên sân khấu gửi lời chào mừng đến tất cả quan khách đã đến với Viet Book Fest: “Chúng tôi vô cùng hân hoan nhìn thấy sự hiện diện đông đảo của quý vị, cùng nhau, chúng ta hội tụ hôm nay tôn vinh những câu chuyện mang tính kết nối, truyền cảm hứng và bơm sức mạnh cho cộng đồng.” Ysa nhấn mạnh:Năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là cột mốc 50 năm kể từ ngày những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ kiên cường, dựng xây và tái định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Trong suốt hành trình đó, nghệ thuật kể chuyện đã đóng một vai trò thiết yếu—lưu giữ lịch sử, mở rộng tương lai, và thắt chặt cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được mang đến cho quý vị VietBook Fest năm nay—không chỉ một lễ hội sách, mà một không gian để kết nối, đối thoại và tôn vinh Bản Sắc Người Việt 50 Năm.”

 

Tiến sĩ Thảo Hà, được Ysa giới thiệu là “a fearless leader”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VAALA, đã lên giới thiệu VAALA và tóm lược ý nghĩa của Hội Chợ Sách VietBook Fest 2025. Nói về thế hệ người Việt thứ hai và câu chuyện viết lách, Cô đề nghị mọi người không chỉ viết khi có chuyện buồn, mà hư cấu tạo ra nhiều chuyện khác nữa: 

“Trong những năm đầu, chúng ta thường kể lại hành trình tị nạn, những vết thương chiến tranh, quá trình định cư và tái định cư, cũng như bản sắc lưu vong của cộng đồng người Việt. Rồi theo thời gian, chúng ta bắt đầu khám phá đời sống, một cách tinh tế —lồng ghép các chủ đề như gia đình, ký ức, chủng tộc, giới tính, bản ngã và xung đột giữa các thế hệ. Và giờ đây, một làn sóng tác giả mới đang táo bạo tái định hình bản sắc người Mỹ gốc Việt, mở rộng khái niệm về chính chúng ta. Vậy “chúng ta” là ai?

Những cây bút tiên phong trong cộng đồng đã lên tiếng kêu gọi ngành xuất bản cần đa dạng hơn, cần ghi nhận sự phong phú trong tiếng nói người Mỹ gốc Việt—vượt ra khỏi khuôn khổ những câu chuyện nặng nề về chấn thương, về những ơn nghĩa người tị nạn ban đầu hay kiểu mẫu thiểu số gương mẫu.

Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ hơn thế rất nhiều. Ngay cả giữa khổ đau, chúng ta cũng đã kết bạn, đã nhảy múa, ca hát, cười vang, uống rượu, hút thuốc, tiệc tùng, tán gẫu, đi du lịch, yêu thầm, và yêu say đắm một cách ngốc nghếch đến điên rồ. Hãy viết về những câu chuyện vui đó nữa!”

Không khí trở nên sôi động, cuộc hội thảo thứ nhất bắt đầu ngay sau đó có chủ đề ‘50 Năm Nghệ Thuật Kể Chuyện: Sự Tiến Hóa Của Những Tiếng Nói của Người Mỹ gốc Việt Trong Văn chương’, với sự tham dự của ba tác giả người Mỹ gốc Việt hàng đầu: Việt Thanh Nguyễn, tác giả “The Sympathizer”, cuốn tiểu thuyết giành giải Pulitzer năm 2016; Andrew Lâm, nhà báo từng nhận nhiều giải thưởng và là tác giả của “Perfume Dreams”, “EastEats West”, và “Birds of Paradise”; và Lan Cao, giáo sư luật khoa và tác giả của “Monkey Bridge”, “The Lotus and the Storm”, và “Family in Six Tones”. Cuộc hội thảo này do Tiến sĩ Thúy V. Đặng, giáo sư dạy ngành Information và Asian American Studies tại UCLA, một khuôn mặt thân thuộc với trên 14 năm gắn bó với VAALA, điều hợp.

HÌnh 4A
Hội Thảo ‘50 Năm Nghệ Thuật Kể Chuyện: Sự Tiến Hóa Của Những Tiếng Nói của Người Mỹ gốc Việt Trong Văn chương’ với nhà văn Andrew Lâm, Lan Cao và Viet Thanh Nguyen, do tiến sĩ Thúy V. Đặng điều hợp. Photo: Việt Báo.

 

Với bối cảnh 50 năm văn chương của người Mỹ gốc Việt đã phần nào chuyển từ những đề tài chiến tranh sang những câu chuyện đời sống người tị nạn mang nhiều sắc thái đa dạng, cuộc đối thoại giữa các tác giả xoay quanh chủ đề gia đình trong văn chương. Khi được hỏi “ai” là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp viết lách của mình, hai trong số ba nhà văn đã nhắc đến một thành viên trong gia đình. Với Nhà văn Nguyễn Thanh Việt thì đó là vợ của anh, nhà thơ Lan Dương, người đã cùng anh gắn bó suốt nhiều năm trên con đường văn chương và gia đình. Riêng với nhà văn Lan Cao thì đó chính là Cha Mẹ của chị, Ô.B. Cao Văn Viên, những người đã khuyến khích con cái theo đuổi giấc mơ và ý thích của riêng mình.

Các đề tài về thể loại văn chương cũng được bàn đến, từ hư cấu đến hồi ký. Theo nhà văn Andrew Lâm, cảm xúc là thật, dù câu chuyện là hư cấu - nhà văn Lan Cao cũng đồng ý rằng dù viết dưới bất kỳ thể loại nào, cảm xúc là yếu tố thật. Nói về hồi ký, chị cũng chia sẻ những câu chuyện khi chị cùng con gái viết cuốn hồi ký song đôi “Family in Six Tones” với nhiều chi tiết cảm động và lý thú.

 

Một người Việt lớn tuổi từ khán giả đã đặt một câu hỏi lý thú cho ba nhà văn về tên gọi và bút hiệu của mỗi người – nguyên nhân và ý nghĩa của việc mỗi người giữ lại tên Việt hay thay đổi tên tiếng Anh, và điều này có liên quan, ý nghĩa gì đến nhân dạng và định hình bản sắc. Nhà văn Andrew Lâm trả lời đầu tiên rằng tên Việt của anh là Dũng, và điều này gây khó khăn cho thầy cô giáo và bạn bè từ thời tiểu học, và vì vậy quyết định lấy tên Andrew đối với anh dễ dàng, không nhức đầu. Nhà văn Lan Cao cho biết chị tên thật là Cao Phương Lan. Phương cũng tạo nhiều vấn đề cho bạn bè trung học nên chị cắt bỏ chữ Phương. Câu hỏi còn lại đối với chị là thứ tự Lan Cao hay Cao Lan cũng như những sưu tư về ý nghĩa phái tính và yếu tố xã hội qua tên gọi. Nhà văn Việt Thanh Nguyễn cho rằng đối với anh, Nguyễn Thanh Việt, hay Việt Thanh Nguyễn, hay Viet Thanh Nguyen không là yếu tố định nghĩa người Việt trong Anh, mà theo anh, chính tên gọi Viet Thanh Nguyen (không dấu) đã nêu lên bản sắc của chính thế hệ anh, một thế hệ người tị nạn Mỹ gốc Việt, lớn lên và trưởng thành ở Hoa Kỳ,  chịu ảnh hưởng của hệ thống văn hóa Mỹ, đồng thời giữ lại những ảnh hưởng bản sắc Việt từ gia đình và cộng đồng. Có lẽ ngạc nhiên và vui nhất là khi anh kể về phản ứng của anh khi anh lên 12 tuổi, cha mẹ Anh đổi tên thành Joseph và Linda và anh đã tự hỏi: “Điều gì xảy ra đây?” Theo anh, dù mang tên gọi như thế nào, cha mẹ anh chắc chắn vẫn 100% người Việt, và anh, chắc chắn vẫn là một người Mỹ gốc Việt.

 

Hình 6

Các tác giả và người điều hợp cuộc hội luận thứ hai 'Con Đường Đến với Xuất bản' 
chụp hình lưu niệm: Từ trái: Đỗ Bảo Anh, Carolyn Huỳnh, Tu Vinh Nguyễn,
và Tu David Phu. Photo từ Vaala.


Cuộc hội luận thứ Hai chủ đề ‘Con Đường Đến Với Xuất bản’ được tiếp nối sau đó, với sự tham gia của Carolyn Huỳnh, tác giả của tiểu thuyết “The Family Recipe” và “The Fortune of the Jaded Women”; Đầu bếp Tu David Phu, từng được San Francisco Chronicle vinh danh là Rising Star và Top Chef, tác giả của “The Memory of Taste”, và Vinh Nguyễn, giáo sư từ University of Waterloo, Canada và tác giả của “The Migrant Rain Falls in Reverse”, chương trình do nhà báo Đỗ Bảo Anh, Deputy Editor for Culture and Talent của tờ Los Angeles Times, điều hợp. Nhà báo Đỗ Bảo Anh nêu lên những khó khăn, thử thách khi tìm được một nhà xuất bản và các tác giả đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong con đường xuất bản đầy thử thách, đặc biệt đối với các nhà văn Việt, khi họ cố gắng trình làng những câu chuyện theo góc nhìn riêng.

 

Cùng xảy ra song song với các cuộc hội luận trong khán phòng buổi sáng là chương trình dành cho các em thiếu nhi Giờ kể chuyện (Storytime Adventures): phiêu lưu cùng tác giả và trí tưởng tượng tại phòng sinh hoạt phía ngoài. Đây là một sinh hoạt vui nhộn dành cho gia đình và các em thiếu nhi với Thái Nguyễn, nhà thiết kế thời trang và đồng tác giả của cuốn truyện tranh “Mai’s Áo Dài”, các hoa khôi liên trường của Tổng Hội Sinh Viên Nam California, cùng người dẫn chương trình là “cô Phở” (Jennifer Trần). Nhìn các em thiếu nhi say sưa cùng cha mẹ ngồi xoay quanh lắng nghe chăm chú khi chú Thái đọc truyện, không biết mọi người nghĩ đến điều gì, riêng tôi, có lẽ vì là người từng trải qua nhiều khó khăn khi đi gõ cửa xin tài trợ  cho các chương trình văn hóa nghệ thuật, tôi lấy điện thoại gõ chữ VAALA và bấm vào https://vaala.org/get-involved/donate/ để gửi đi chút đóng góp nhỏ bé, thiết thực.

 

Hinh 8
Giờ kể chuyện (Storytime Adventures): phiêu lưu cùng tác giả và trí tưởng tượng với Thái Nguyễn.
Photo từ VAALA.

 

Cuộc hội thảo cuối ngày với chủ đề ‘Hướng Đi Của Văn Chương Và Sách Báo Việt Hải Ngoại’ kết thúc một ngày BookFest với nhiều thông tin hữu ích. Câu hỏi đặt ra là văn chương và sách báo Việt hải ngoại biến chuyển ra sao và tương lai sẽ như thế nào, với sự tham gia của các nhà văn Cung Tích Biền, tác giả của “Thằng Bắt Quỷ”; nhà văn Đặng Thơ Thơ, tác giả “Ai”, nhà văn Trịnh Y Thư, tác giả “Đường Về Thủy Phủ”, và Kalynh Ngô, dịch giả của “My Vietnam, Your Vietnam” – (“Việt Nam Của Con, Việt Nam Của Cha”).

 

Hình 5A
Hội thảo ‘Hướng Đi Của Văn Chương Và Sách Báo Việt Hải Ngoại’ với nhà văn Cung Tích Biền, Đặng Thơ Thơ, Kalynh Ngô, Trịnh Y Thư do Ysa Lê điều hợp.

 

Nhà văn Cung Tích Biền kể nhiều chuyện lý thú về cuộc hành trình của văn chương sách báo từ thời Việt Nam Cộng Hòa, trong khi nhà văn Đặng Thơ Thơ và Trịnh Y Thư tập trung về đề tài văn chương Việt hải ngoại và quá trình xuất bản cũng như tìm kiếm những phương cách và phương tiện xuất bản mới. Trong bối cảnh văn chương hải ngoại, những khó khăn thử thách trong việc bảo tồn tiếng Việt và phát hành sách Việt cũng được nhà văn Trịnh Y Thư đề cập đến, với các giải pháp được nêu ra. Dịch giả Kalynh Ngô chia xẻ kinh nhiệm của Cô về quá trình dịch thuật, cách thức liên lạc tác giả và nhà xuất bản, đồng thời nêu ra những uyển chuyển trong bối cảnh văn hóa mới. Nhà văn Đặng Thơ Thơ lạc quan đưa ra những kế hoạch và công việc sắp tới mà chị tin rằng với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức văn hóa trong cộng đồng như Vaala, Da Màu và Việt Báo, sách vở sẽ tiếp tục được in ấn và phát hành đến tay độc giả Việt.

 

Một ngày VietBook Fest khép lại với độc giả đến quầy mua sách và xin chữ ký của các tác giả. Trước khi ra về, tôi ghé lại hỏi thăm nhà sách Tự Lực về “tình hình buôn bán”, được anh Eric Cường Nguyễn cho biết, số sách bán hôm nay thật nhiều hơn dự định, sách bán nhiều nhất là sách song ngữ, sách thiếu nhi, và sách văn học. 

 

Khi những thùng sách đã được đóng lại chuẩn bị “dọn hàng”, một phụ nữ và hai cô con gái cỡ đôi mươi ghé đến xin được mua sách giờ cuối. Người Mẹ tìm mua cuốn “Đường Về Thủy Phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư và đi tìm tác giả xin chữ ký, trong khi hai cô con gái mua nhiều sách văn học và sách thơ tiếng Việt. Tôi hỏi các cháu làm sao đọc được những cuốn sách này, cô chị vừa cười vừa trả lời, mẹ đọc cuốn dày, chúng em đọc cuốn “mỏng” hơn.

 

Mọi người lần lượt ra về, nhìn các bạn trẻ volunteers của VAALA vẫn vui tươi dọn dẹp cuối ngày, tôi không khỏi nhớ về một cảm xúc của ngày này, nhiều năm trước, tại VietBook Fest năm thứ nhất ở Thư Viện Santa Ana, nơi quy tụ vài chục người dưới táng cây bàng, nơi Ysa Lê đã chia sẻ về tầm nhìn và hướng đi của Cô về một VietBook Fest với ước mơ mở rộng và kết nối.

thiêu nhi thu cong
Thiện nguyện viên VAALA hướng dẫn các em thiếu nhi. Photo:  VAALA.

 

Bước vào năm thứ tư, VietBook Fest 2025 với gấp bốn lần số lượng người tham dự, gấp 4 lần các chương trình hội luận - đã khẳng định một sự trưởng thành và nhu cầu văn hóa lớn mạnh của cộng đồng người Việt sau 50 năm thế hệ cha anh bỏ công bỏ sức làm ăn nuôi dạy con cái nên người.
 

Người ta có thể nói “nỗi niềm tháng tư” năm nay là một trong những làn gió thổi VietBook Fest 2025 lên một tầm vóc mới. Riêng tôi nghĩ chính nhờ VAALA, một tổ chức văn hóa nghệ thuật Việt-Mỹ vô vụ lợi, hiện thân của một thế hệ chuyển tiếp ở hải ngoại, sau nhiều nỗ lực của nhiều năm tháng và chiều dày công sức của một nhóm người ôm ấp hoài bão, hôm nay Hội Chợ Sách Việt đã có thể đứng dậy tự khoác lên mình chiếc áo Phù Đổng, với bản sắc 50 năm của một cộng đồng Việt đa thế hệ, tự hào lớn mạnh và vững vàng - cùng hướng tới tương lai.

 

Nina HB Lê

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hội Ung Thư Việt Mỹ kính mời quý đồng hương cùng tham gia các sinh hoạt sắp tới: 1.Lớp Chăm Sóc Sức Khỏe Cộng Đồng: Quý Vị Không Đơn Độc - Quản Lý Cảm Xúc Buồn Bã vào Thứ Ba, 24 tháng 6, 2025, 2:30 PM - 4 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. Quý vị có thể ghi danh qua trang mạng: https://tinyurl.com/communitywellnesslab. 2.Thuyết trình: Tâm Khỏe do Bác sĩ Xuyến Đông trình bày vào Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2025, 4 PM - 6 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. Quý vị có thể ghi danh qua trang mạng: https://tinyurl.com/MonthlyWorkshop2025. 3.Sinh hoạt: Lớp Dưỡng Sinh Thức Pháp vào Thứ Bảy, ngày 28 tháng 6, và Chủ Nhật, ngày 29 tháng 6, 2025, 7 AM – 8:30 AM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. 4.Sinh hoạt: Lớp Khí Công vào Thứ Ba, ngày 1 tháng 7, 2025, 9 AM – 10:30 AM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. 5.Thuyết trình: Phương Cách Sống Để Cơ Thể và Não Bộ Được Lành Mạnh vào Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025, 11 AM - 12:30 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ.
Pechanga Resort Casino hân hạnh kính mời quý vị đến tham dự chương trình nhạc hội chủ đề “Dạ Khúc Tình Ca” sẽ được tổ chức vào lúc 7 giờ tối ngày Chủ Nhật 20 tháng Bảy, 2025 tới đây trên sân khấu Pechanga Theater. Trong không gian ấm cúng quen thuộc của rạp Pechanga, khán giả sẽ lại có dịp được MC Hoài Tâm duyên dáng đưa khán giả bước vào một buổi chiều âm nhạc đầy ắp âm thanh tuyệt vời của những ca khúc tình yêu, những nhạc phẩm trữ tình làm mê đắm tâm hồn người thưởng thức trong buổi chiều tà. “Dạ Khúc Tình Ca” là những lời ngợi ca tình yêu trong cuộc đời, trong con tim mỗi người chúng ta. Trong chương trình ca nhạc này, MC Hoài Tâm sẽ mời quý khán thính giả hội ngộ cùng những giọng ca rất quen thuộc với khách mộ điệu của thế giới âm nhạc trẻ sau này.
Hôm Thứ Hai 23 Tháng Sáu, các công ty bảo hiểm lớn nhất Hoa Kỳ đã đồng ý làm đơn giản lại hệ thống phê duyệt phức tạp của họ. Quyết định này diễn ra sau gần bảy tháng sau vụ bắn chết Giám Đốc Điều Hành một công ty bảo hiểm tại New York, làm cho dư luận bắt đầu chú ý rộng rãi đến việc các công ty bảo hiểm y tế từ chối hoặc trì hoãn việc chăm sóc theo yêu cầu của bác sĩ. Hàng chục công ty bảo hiểm, bao gồm Cigna, Aetna, Humana và UnitedHealthcare, đã đồng ý một số biện pháp, bao gồm bỏ bớt các thủ tục y tế cần phê duyệt và chấp thuận trước. Các công ty bảo hiểm cũng cam kết sử dụng ngôn ngữ rõ ràng khi giao tiếp với bệnh nhân và hứa rằng các chuyên gia y tế sẽ xem xét các từ chối bảo hiểm.
Tại Vietlife TV 15609 Beach Blvd, Thành Phố Westminster vào trưa Thứ Bảy ngày 21 tháng 6 năm 2025, Khu Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nam California và Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm Lần Thứ 95 Anh Hùng Liệt Nữ Yên Báy. Điều hợp chương trình do MC Nam Yến. Tham dự buổi lễ ngoài quý Đảng Viên Việt Nam Quốc Dân Đảng còn có một số quý vị đại diện các Đảng phái chính trị tại địa phương, cộng đồng Việt Nam Nam California, Cụ Vũ Hoàng, một số các cơ quan truyền thông… Đến từ Texas có Hòa Thượng Thích Huyền Việt, Ông bà Bác Sĩ Trần Quốc Hưng (trong Liên Minh Vì Dân Chủ Cho Việt Nam).
Tại phòng hội Phòng Thương Mại Thành Phố Westminster 14491 Beach Blvd Thành Phố Westminster vào lúc 6 giờ chiếu Thứ Sáu ngày 20 tháng 6 năm 2025 một buổi Lễ tưởng niệm Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt đã được các thân hữu tổ chức. Buổi lễ do ông Larry Nguyễn, giám đốc Trung Tâm Chăm Sóc Người Cao Niên Sacramento (cơ quan bảo trợ), Luật Sư Đỗ Thái Nhiên trưởng ban tổ chức, điều hợp chương trình buổi lễ do MC. Nancy Nguyễn cùng nhóm thân hữu trong ban tổ chức có: Trần Trung Đạo, Larry Nguyễn, Trần Minh Phương, Nguyễn Thanh Hà, Cao Minh Châu, Vũ Đan Thy, Trần Anh, Nancy Nguyễn, Trần Minh Khôi, Tạ Văn Thành…
Tại hội trường Thư Viện Việt Nam vào lúc 5 giờ chiều thứ Sáu ngày 20 tháng Sáu năm 2025, như thông lệ hằng năm vào ngày 19 tháng sáu, Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa do chiến hữu Vũ Long Sơn Hải, Biệt Đội Trưởng và Nhà báo Du Miên, Giám Đốc Thư Viện, Bảo Tàng Viện Việt Nam đứng ra tổ chức đêm văn nghệ tưởng niệm Ngày Quân Lực 19-6 và vinh danh QLVNCH.
Trong không khí khắp nơi đang tưng bừng tổ chức những buổi lễ chào đón ngày Father's Day tức ngày Lễ dành cho Cha, tôi đến tham dự buổi Lễ cho Cha được tổ chức ở Trung Tâm Hoàn Nhiên. Bầu không khí vui tươi, thân mật, ấm cúng và tràn ngập yêu thương ở đây, khiến tôi thấy thật gần gũi với mọi người và bùi ngùi nhớ tới người cha đã khuất của mình. Không đông đảo, lộng lẫy, đầy hoa và thức ăn tràn ngập như hôm Lễ Mother's Day được tổ chức trước đây, buổi lễ hôm nay cũng vui tươi, đầy tiếng cười nhưng đằm thắm và sâu lắng hơn.
Nhà văn Thảo Trường (1936–2010) qua đời đã 15 năm.Thân hữu và gia đình nhà văn Thảo Trường trân trọng kính mời quý bạn đến tham dự buổi ra mắt bốn tác phẩm vừa tái xuất bản của nhà văn Thảo Trường: Hà Nội Nơi Giam Giữ Cuối Cùng; Người Khách Lạ Trên Quê Hương; Ngọn Đèn; và Lá Xanh. Chương trình do Đinh Quang Anh Thái điều hợp, với các diễn giả: giáo sư Trần Huy Bích, giáo sư Trần Chấn Trí; nhà văn Đặng Thơ Thơ và phần đọc trích chuyện, và chia sẻ ký ức về Thảo Trường.
Sáng Chủ Nhật ngày 15 tháng 6 năm 2025 tại Hội Quán PGH 2114 W. McFadden Ave, Santa Ana, Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California đã long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 86 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo. Buổi lễ được bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng, các thanh, thiếu niên PGHH lên trước lễ đài hát quốc ca và sau đó có phút mặc niệm tưởng nhớ công đức tiền nhân, anh hùng liệt nữ, các chiến sĩ QL/VNCH đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do từ sau ngày 30.4.1975.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.