Santa Ana (Thanh Huy) – Sáng Chủ Nhật ngày 15 tháng 6 năm 2025 tại Hội Quán PGH 2114 W. McFadden Ave, Santa Ana, Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California đã long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 86 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo.
Buổi lễ được bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng, các thanh, thiếu niên PGHH lên trước lễ đài hát quốc ca và sau đó có phút mặc niệm tưởng nhớ công đức tiền nhân, anh hùng liệt nữ, các chiến sĩ QL/VNCH đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do từ sau ngày 30.4.1975.
Đến tham dự có Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn, Hiền Tài Ngô Thiện Đức, thành viên HĐLT, Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, Viện Chủ chùa Huệ Quang, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội PGVNTN Hoa Kỳ; Ông Trần Văn Vui, Tổng Bí Thư Dân Xã Đảng, ông Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng PGHH Trung Ương, ông Trần Nghĩa Đời, Hội Trưởng Hội Gò Công; Hoàng Tử Bảo Ân, bà Kim Yến và phái đoàn Hội thân hữu Bạc Liêu, một số đồng đạo PGHH đến từ các tiểu bang xa và phóng viên đài truyền hình SBTN, các báo Việt Báo, Viễn Đông, Người Việt và đông đảo đồng đạo PGHH tại miền Nam California.
Sau lễ chào cờ và giới thiệu thành phần tham dự, MC Bạch Văn Trung giới thiệu ông Ngô Văn Ẩn, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc, trong đó, thay mặt Ban Trị Sự và Ban Tổ Chức, ông kính chào quý quan khách và anh chị em đồng đạo tới tham dự ngày đại lễ 18 tháng 5 lần thứ 86. Sau đó, ông tiếp: “Hàng năm vào ngày 18 tháng 5 âm lịch, toàn thể đồng đạo PGHH từ quốc nội đến hải ngoại đều long trọng tổ chức ngày đại lễ khai sáng đạo PGHH. Hôm nay, dù xa cách quê hương, ở nơi hải ngoại, nhưng với tinh thần thương Thầy, mến Đạo, cùng hòa mình với toàn thể tín đồ PGHH trên thế giới, Ban Trị Sự PGHH Miền Nam Cali thành kính long trọng tổ chức ngày đại lễ Khai Sáng Đạo, để tưởng nhớ công ơn vô lượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dày công khai sáng nền đạo PGHH, hoằng hóa chúng sinh, vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại làng Hòa Hảo, Quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, Việt Nam… Trước khi dứt lời, ông Ngô Văn Ẩn kính chúc quý vị cùng bửu quyến được thân tâm an lạc, đạo quả viên dung, vạn sự kiết tường.
Tiếp theo là phần nghi lễ PGHH, ông Nguyễn Thanh Giàu, ông Trần Văn Tài và ông Ngô Văn Ẩn ra trước bàn thờ thắp hương và tuyên đọc các lời khấn vái trước bàn thờ Tam Bảo, Đức Thầy và trước hiệu kỳ PGHH màu nâu.
Tiếp theo, ông Ngô Văn Ẩn đọc bài Sứ Mạng của Đức Thầy do chính tay Ngài viết tại Bạc Liêu ngày 18.5 năm 1942. Đồng đạo Hoa Lưu lên tuyên đọc Lời Khuyên Bổn Đạo hay còn gọi là 8 điều răn cấm được trích trong Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Sau đó Ông Trần Văn Tài lên trình bày Ý Nghĩa Ngày Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ. Sau lời chào mừng và cảm ơn quan khách cũng như đồng đạo tham dự, có đoạn Ông cho biết: “… Đại Lễ Kỷ Niệm năm thứ 86, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, một tôn giáo nội sinh từ đất nước Việt Nam của chúng ta. Ngày nầy, cách nay 86 năm, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi, sống trong một xã hội băng hoại, nhân tâm ly tán, đã tuyên bố trong bài SỨ MẠNG do chính tay Ngài viết.
“... Vì thời cơ đã đến lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan…” và Ngài cho biết nguyên do “Nên ngày 18-5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh”.
Ngài chính là Đức Huỳnh Giáo chủ, đản sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, An Giang thuộc miền tây Nam Việt, nơi có ruộng đồng trù phú, cò bay thẳng cánh, và cũng được xem là vựa lúa quan trọng của quốc gia.
Đức Thầy là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm. Đức Ông là Hương Cả tại làng Hòa Hảo, một gia đình trung lưu, phúc hậu, có vai trò quan trọng và uy tín với nhân dân địa phương. Ông sơ Huỳnh Công Trí và ông cố Huỳnh Văn Truyền của Đức Ông đều là công thần hy sinh vì tổ quốc, được vua ban chiếu khen thưởng.
Đức Huỳnh Giáo chủ thuyết pháp thao thao bất tuyệt, chữa nhiều bịnh khó trị cho dân chúng và đã viết Sấm giảng và thi văn tuyệt diệu. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.
Cũng từ năm 1939, Đức Huỳnh Giáo chủ sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tu tập để tiến đến giải thoát.
Trong Sấm giảng quyển 1 Khuyên Người Đời Tu Niệm, Ngài khuyên:
“Bá gia phải rán làm lành,
“Niệm Phật cho rành đặng thấy Thần Tiên. (105-106)
“Niệm Phật cho rành đặng thấy Thần Tiên. (105-106)
Hoặc trong quyển 3 Sấm Giảng, Ngài dạy rằng:
“Nào là luân lý Tứ Ân
Phải lo đền đáp xác thân mới còn”(85-86)
Phải lo đền đáp xác thân mới còn”(85-86)
Trong quyển 2 Kệ Dân của Người Khùng, Đức Thầy bày tỏ sự lo âu của mình và cũng cho biết trước về những căn bệnh lạ và chiến tranh tàn khốc:
“Đến chừng đó bốn phương có giặc,
Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
Vậy sớm mau kiếm chữ Ma Ha.
Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
Vậy sớm mau kiếm chữ Ma Ha.
Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.” (41-43)
Và
“Khắp thế giới cửa nhà tan nát,
Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hiu.” (241-242)
Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hiu.” (241-242)
hoặc
“Đau nhiều chứng dị kỳ khó kể,
Sắp từ nay lao khổ đến cùng.” (433-434)
Sắp từ nay lao khổ đến cùng.” (433-434)
Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết giảng những điều cương yếu trong giáo lý PGHH, để người tu dễ áp dụng trong cuộc sống:
Thứ nhất là Thuyết Tứ Ân, con người có bổn phận đền đáp bốn điều Ân lớn đối với Cha mẹ, Đất nước, Tam bảo, Nhơn loại.
Thứ nhì là Luận về Tam Nghiệp, để biết rõ Mười điều Ác phải ráng mà tránh. Thân, Khẩu, Ý nghiệp khiến con người phạm vào Thập ác, muốn tránh và diệt ác, phải hiểu và hành theo Tám đường chánh.
Thứ ba là Luận về Bát Chánh, Đức Huỳnh Giáo Chủ nói với tín đồ rằng đó là “... quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, hướng đến con đường giải thoát...”
Đạo Phật cao rộng vô cùng, với 84.000 pháp môn, hành giả rất dễ lạc trong rừng kinh kệ. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn lựa con đường giản dị nhứt, ngắn nhứt, thuyết giảng các yếu lý căn bản của Phật đạo bằng lời văn dễ hiểu, để hành giả nương theo đó mà bước vào hành trình, tiến lên trong hành trình, và đạt cứu cánh của hành trình tiến tới giải thoát.
Về mặt giáo lý, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đưa ra những thay đổi mang tính chất cách mạng. Đó là: Bài trừ các loại mê tín dị đoan, Loại bỏ các nghi lễ rườm rà, Giản dị hóa nghi thức thờ phượng, Không tạo dựng tự viện mà tu hành tại gia, Hướng giáo lý vào hành động nhập thế, hướng tinh thần từ bi bác ái vào cải tiến xã hội và hướng đức Dũng của Phật đạo vào tình yêu đất nước.
Cuộc cách mạng tôn giáo này, trong một thời gian ngắn, đã làm thành một cuộc thanh lọc tín ngưỡng trong quần chúng.
Theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, người tín đồ đặt trong nhà mình một bàn thờ, trên thờ Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng, Anh Hùng Dân Tộc, dưới thờ Tổ Tiên Cha Mẹ đã qua đời. Không có hình tượng mà chỉ thờ một tấm trần màu đà biểu tượng sự hòa hợp các màu sắc, không phân biệt chủng tộc và tiêu biểu cho tinh thần tối thượng của nhà Phật.
Bài nguyện của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ngôn ngữ giản dị, dễ nhớ. Trong nhà tín đồ việc trang trí nơi thờ phượng thật hết sức giản dị tinh khiết. Cư sĩ tại gia Phật Giáo Hòa Hảo chỉ chú trọng vào ba nơi thờ chánh là Bàn Thông Thiên đặt trước nhà ngoài trời, còn Bàn thờ Ông Bà và Bàn thờ Phật đặt trong nhà.
Việc cúng Phật, theo quy tắc chính yếu của đạo, là không cúng bằng vật gì khác hơn bông hoa, nước lã và đèn hương.
Tính cách giản dị thể hiện trong các sinh hoạt xã hội như tang lễ, hôn nhơn, ăn Tết, tất cả đều nằm trong chủ trương giản dị. Đám tang, không có kêu khóc thảm thiết, chỉ lâm râm cầu nguyện cho linh hồn kẻ quá vãng được siêu thoát về lạc cảnh. Hôn nhơn, không ép duyên, cũng bỏ tục lệ đòi tiền và lễ vật, bỏ bớt sự ăn uống linh đình mà sau đó mang thêm nợ nần, nghèo khổ.
Đức Huỳnh Giáo Chủ lựa chọn và tóm lược yếu lý Phật đạo để đưa thẳng vào đời sống con người, đào tạo con người có thái độ nhập thế, sống ở thế gian, tu với thế gian, phục vụ thế gian, đó là hành động thực tế, tạo cho mình các điều kiện để về cõi Cực lạc Niết bàn sau khi chấm dứt cuộc sống thế gian. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng hiểu rằng “Muốn về cõi Phật” thì phải “Lập thân cõi trần”. Nếu không xong bổn phận con người tại thế gian hôm nay, tất nhiên ngày mai không có hy vọng được tiến lên cõi Cực lạc.
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”.
Tứ Ân Phật Giáo Hòa Hảo mang ý thức dân tộc và xã hội, tuy rằng vẫn nằm trong căn bản Phật Giáo. Tứ Ân trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo chứa đựng ngôn từ kích thích lòng ái quốc và nhiệt tình vì nước đấu tranh. Bất cứ người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng xem Tứ Ân là bài học nhập môn, và sau khi đã học bài đó, họ ý thức mình phải làm gì để đền đáp ân Đất nước.
Thuyết Tứ Ân quả thật đã tạo ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm hồn các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, sản sanh những bậc anh hùng áo vải Trần Văn Thành, Nguyễn Trung Trực và lớp nghĩa binh dựng cờ kháng Pháp, trong hàng ngũ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Do đó, Tứ Ân được các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo xem như một chương trình hành động trọng yếu trong cuộc đời tu hành của họ, và họ hiểu rằng “Tứ Ân trả vẹn, tội căn chẳng còn”. Khi hành trọn Tứ Ân là đã tròn bổn phận làm người, để hoàn thành hạnh tu…
Nhân đây chúng tôi cũng muốn đưa ra 2 khuynh hướng của người đồng đạo tại hải ngoại :
Khuynh hướng Thuần Đạo và Khuynh hướng Thế Lực, nhằm mục đích rao giảng tôn giáo PGHH tại hải ngoại.
Khuynh hướng Thế lực chủ trương đoàn thể phải mạnh, phải có uy thế mới mong đóng góp được vai trò của một tổ chức Giáo hội trong cộng đồng người Việt.
Khuynh hường Thuần Đạo chủ trương không cần tranh giành ảnh hưởng với thế quyền mà ước vọng chính là giải thoát chúng sanh, phục vụ chúng sanh trên con đường tu hành để tiến tới giải thoát.
Đã gần 50 năm kể từ thời gian đồng đạo chúng ta họp nhau nơi hải ngoại, chúng ta vẫn chưa đạt được Khuynh hướng Thuần Đạo để TRE GIÀ MĂNG PHẢI MỌC.
Vào năm 1940, trong khi bị Pháp buộc phải ở tại nhà thương Chợ Quán, Đức Thầy có bày tỏ trong bài thơ Tự Thán:
“Sống sanh ra phận râu mày,
Một đời một đạo đến ngày chung thân”
Chúng tôi thiết nghĩ người tín đồ chúng ta phải trung kiên với đạo. Nhưng ý thức trung kiên có 2 phần tiêu cực, và tích cực. Trung kiên tiêu cực có nghĩa là một mực trung thành với tổ chức. Trung kiên tích cực có nghĩa là ngoài ý thức trung thành sống chết với đoàn thể, người tín đồ còn tích cực nghiên cứu kinh sách, tìm hiểu đạo lý, tinh tấn tu hành, phổ thông giáo lý tới người khác, luôn luôn làm sáng danh đạo, và nhất là không làm ô danh đạo.
Trung thành sống chết với đoàn thể, là một đức tánh cần phải có của người tín đồ. Nhưng chưa đủ, người tín đồ cần phải tích cực trong nhiệm vụ Giữ đạo, Hiếu đạo, Hành đạo, và Phổ đạo.
Nói cách khác, người tín đồ không những chỉ trung thành với Đức Thầy, mà còn phải trung thành với giáo lý của Ngài, thấu đáo và thực thi nghiêm chỉnh giáo lý đó. Nếu không cố gắng tu hành tích cực thì sự theo đạo chưa đạt được tiêu chuẩn chánh yếu là quy y Phật pháp để tu hành theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo.
Người tín đồ trung kiên tích cực chắc chắn sẽ thấy ánh sáng đạo pháp soi sáng tâm hồn, như ngọn hải đăng chơn lý, hướng dẫn cho ý nghĩ và hành động theo chánh đạo, không sa ngã vào các điều tà trái với đạo lý, trong việc đời cũng như việc đạo. Vì nếu làm các điều trái với đạo thì không còn được xem là trung thành với giáo lý của Đức Thầy nữa.
Đức Thầy thường nói: Phải có Đức Tin và Lòng lành. Có Đức tin và có thêm Lòng lành, người tín đồ không những sống chết với đoàn thể mà còn xả thân hy sinh vì giáo lý của Đức Thầy.
Nhân dịp Đại Lễ Khai Đạo lần thứ 86, tôi trân trọng kêu gọi thế hệ già nên có bổn phận tận tình giúp đỡ cho thế hệ trẻ Phật Giáo Hòa Hảo, để chính thế hệ trẻ đóng vai trò chủ động. Bởi vì định luật tự nhiên mà đạo Phật gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không, chi phối đời sống con người với những giới hạn đương nhiên về tinh thần và thể chất.
Những người lớn tuổi đã sống qua các giai đoạn nghiêm trọng của lịch sử kể từ thập niên 40, đến hôm nay đã đi dần vào trạng huống tàn lụi với thời gian. Dù có ray rứt, khổ đau rất nhiều về hiện tình đau thương của dân tộc, dù có ưu tư rất nhiều về tương lai của đất nước, thì lớp người già hôm nay cũng không còn đủ nhiệt huyết và sức khỏe để đảm nhận vai trò chủ động trong sứ mạng lịch sử hiện đại.
Chân trời tiến bộ mở rộng mà mắt già đã kém sáng. Cho nên sứ mạng này phải do lớp trẻ của dân tộc đảm nhận, và lớp già phải vun bồi, giúp đỡ cho thế hệ trẻ chu toàn nhiệm vụ…
Hôm nay là ngày Father Day tại Hoa Kỳ, chúng tôi xin kính chúc quý thân hữu và đồng đạo nhiều hạnh phúc, sức khỏe dồi dào thân tâm an lạc.”
Sau bài phát biểu của ông Trần Văn Tài, hai đồng đạo Trần Mỹ Hạnh và Nguyễn Sum diễn ngâm Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Tiếp theo, MC Bạch Văn Trung kính mời Hòa Thượng Thích Minh Tuyên có lời phát biểu. Hòa Thượng lên tiếng ca ngợi Đức Huỳnh Giáo Chủ đã sáng lập ra một tôn giáo mới được ca ngợi và được hàng triệu tín đồ tin theo. Hòa Thượng cũng lên tiếng khen ngợi ông Trần Văn Tài, một vị Hội Trưởng có nhiệt tâm phục vụ đạo pháp và với tinh thần hy sinh gắn bó với đạo, ông đã giúp Hội Quán PGHH ngày càng đổi mới và có thêm nhiều đồng đạo.
Sau lời Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, ông Trần Văn Vui, cựu Đoàn Trưởng Thanh Niên Đoàn PGHH và hiện là Tổng Bí Thư Việt Nam Dân Xã Đảng lên trình bày cảm tưởng.
Sau cùng, ông Ngô Văn Ẩn, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ lên cảm tạ quan khách, thân hữu và đồng đạo, đồng thời kính mời mọi người dùng cơm chay thân mật do Đoàn Phụ Nữ PGHH khoản đãi.
Đại lễ 18 tháng 5 hoàn mãn vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày.
Gửi ý kiến của bạn