Hôm nay,  

Tản mạn về Huế của anh “học trò xứ Quảng”

22/03/202400:00:00(Xem: 695)

nho Hue
 
Khi nói về cái nhìn của chàng học trò xứ Quảng với những người đẹp đất thần kinh tôi nghe nhiều lần hai câu: Học trò trong Quảng ra thi / Thấy cô gái Huế chân đi không đành. Có lẽ vì mặc cảm thua sút, thấp cơ so với người đẹp, chàng học trò xứ Quảng nói lại bằng cách thay chữ “Thấy” bằng chữ “Mấy” để vớt vát: Học trò trong Quảng ra thi / Mấy cô gái Huế chân đi không đành.

  
Tôi là dân Quảng, nhìn nhận theo cách riêng và thuần cảm tính của mình, rất khách quan và thật lòng, vẫn nghiêng về hai câu trước ít nhất là dựa trên sự chiêm nghiệm của mình trong 5 năm sống và học hành ở Huế chỉ vì một điều rất dễ hiểu là tôi đã ở vào tình trạng “chân đi không đành” khá nhiều lần!
  
Cho đến bây giờ, đã bốn mươi năm xa Huế, hẳn là hai chữ “thấy” và “mấy” vẫn là vấn đề tiếp tục được nói đến, được mổ xẻ để giành phần hơn cho trai Quảng hoặc gái Huế. Không chắc rằng hai câu này có phải là ca dao hay không, tôi gõ câu đầu vào Google, không tin được là tôi nhận được 4.590.000 câu trả lời chỉ trong 0.55”!
  
Tôi đến Huế hai lần năm lên chín, một lần theo mẹ thăm người quen và lần khác thăm cha tôi bệnh điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, tôi cũng sống với Huế cùng nhân vật trong truyện “Trong gia đình” được phóng tác từ “En Famille” của Hector Malot lấy bối cảnh không gian là Huế, một lần ở lại mấy ngày trong trường NHSQG bên đường Ngô Quyền khi thăm chị tôi làm việc ở đó và thực sự sống nhiều năm ở cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng số 127 đường cùng tên, ngày xưa còn có tên là đường Hàng Bè. Địa chỉ này là tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này đang được quản lý bởi Hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam tại Huế do ông Nam Thiên có nhà trước cửa Thượng Tứ phụ trách.
  
Sinh viên cư xá dưới 40 người gồm dân các quận của Quảng Tín, Quảng Nam và Đà Nẵng, mỗi năm chừng bốn năm người ra trường, cư xá lại nhận thêm con số đó thay vào. Năm năm sống ở cư xá tôi hiểu tính cục bộ địa phương trong tâm tư chàng sinh viên xứ Quảng, một số người là dân quận huyện, thời gian đầu chưa am hiểu nhiều về đất và người của Huế nên khá mặc cảm, nhất là trước các cô gái Huế, chưa nói đến những Tôn Nữ con nhà!
  
Gần bốn mươi chàng trai đó sống ở cư xá cả trên dưới lầu mỗi tầng hai dãy giường có lối đi ở giữa, hai người một ô, mỗi dãy bốn ô, tính chung một tầng là 16 người, có thêm một gác xép và một phòng nhỏ sau phòng khách khoảng 8 người nữa. “Cơm đùm gạo bới” đi học nên chỉ tập trung vào việc dùi mài kinh sử, lộ trình chính là từ nơi ở đến trường và ngược lại, thời gian đầu thường ngại tiếp xúc ngoại trừ bạn cùng lớp trong khoa. Tuy vậy, máu Quảng Nam vẫn rần rật trong tư tưởng họ, có lần, ngồi hóng mát trước hành lang phòng khách cư xá, sát lề đường, chứng kiến hai anh bạn chọc ghẹo hai cô gái đi qua, tôi can không kịp vì việc này luôn được Ban Đại diện cư xá nhắc nhở thường xuyên trong các buổi họp thường kỳ: không nên để dân địa phương đánh giá thấp sinh viên nội trú và có những việc làm khiến cư xá nói chung và sinh viên Quảng Nam nói riêng mang tiếng xấu. Các cô gái có lẽ từng gặp chuyện này nên thủ sẵn vũ khí loại hàng độc, khi bị chọc, một cô nói ngay: “Chiếu không?” Đó là từ người Quảng Nam cho là bị xúc phạm vì khi người Huế chê dân Quảng thì thường dùng ba chữ mang tính miệt thị: dân bán chiếu. Tôi chưa gặp nhưng nghe nói là có rất nhiều người dân Quảng gánh chiếu đến các vùng quê và cả đi vào các ngỏ hẽm phố phường để bán. Hai anh bạn này là sinh viên năm hai, có lẽ do đàn anh truyền kinh nghiệm nên hỏi ngay: “Bán chiếu để trải dưới đò à?” Ác đến thế, đốp chát đến thế là cùng!
  
Từ thập niên 70, bên tả ngạn sông Hương có 34 vạn đò sống trên sông nước với nhiều nghề nghiệp khác nhau,từ Phu Vân Lâu, Thương Bạc xuống đến chợ Đông Ba, rẽ về sông Đông Ba có một số đò là nơi kinh doanh thân xác phụ nữ phần lớn phục vụ khách làng chơi là những người lính về từ “địa đầu giới tuyến”. Dân Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng, tôi biết, không chấp nhận chuyện này! Đò Huế không còn là nơi để những đêm trăng sáng, chèo ra giữa sông Hương nghe câu “mái nhì mái đẩy”, không phải là nơi bạn bè tri kỷ gặp nhau cùng ngược dòng Hương Giang vừa thưởng thức khúc “Nam ai Nam bình” vừa uống rượu ngăm trăng, qua khỏi Tuần đến Tả Trạch Hữu Trạch tìm mùi thơm của hoa Thạch xương bồ, mùi thơm khó quên nên người Pháp đặt tên sông là Rivière de Parfum mà đò Huế trở thành chốn Bình Khang được biết đến trên cả nước không khác gì “Number 9” thường nghe gọi là “năm bờ nay” tức cây số 9, Cam Ranh.
  

Không có số liệu chính xác về số sinh viên Quảng Nam học ở 5 khoa của Đại học Huế, những người học ở trường Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh Quốc gia hay Trung học Nông Lâm Súc, những trường không mở ở Quảng Nam Đà Nẵng nhưng nếu tính cả vào lúc tôi ở Huế sẽ có con số phỏng chừng dưới 200. Cư xá Nam Giao, Đội Cung, Xavier, Jeanne D’Arc, Huỳnh Thúc Kháng, cư xá của hai trường y tế là những nơi cư trú của họ trong những năm đi học, số còn lại thuê nhà ở hoặc dạy kèm ở ngoài. Năm năm tôi sống ở nơi này, chưa nghe thấy ai có đóng góp hoặc cống hiến gì nổi bật ở các trường hay trong các hội đoàn ngoại trừ đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của các đô thị miền Nam mà cư xá tôi ở, con số tham gia lên đến gần chục người! Có lẽ lo học nhiều nên kết quả của các chàng sinh viên xứ Quảng khá khả quan và điều này làm họ lọt vào mắt xanh của những người đẹp, khóa Huỳnh Thúc Kháng của tôi cũng có người rước được người đẹp về làm dâu đến tận Tam Kỳ!
  
Khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu người Huế đã viết về tình thương yêu và nhớ nhung của họ khi sống xa thành phố nắng nẻ đất, mưa trắng trời này, đó là giáo sư Cao Huy Thuần, là giáo sư Nguyễn Tường Bách, là nhà văn Trần Kiêm Đoàn… Ngày tôi về thăm Huế, Thanh Nhã tặng mấy cuốn sách trong đó có “Từ ngõ Huế xưa” một quyển sách chọn lựa những bài hay nhất về Huế của Trần Kiêm Đoàn, bài nào đọc cũng không thể không xúc động, trong bài Mưa Huế (trang 36) anh trích một đoạn trong Nhớ Huế (năm 1995) của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà anh dùng là “người bên kia đèo Hải Vân” như sau: “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ… Tình yêu của Huế không cần viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh.

Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó”.
  
Bạn bè tôi, những con dân sinh ra và lớn lên trên đất thần kinh luôn âm ỉ trong lòng một niềm tự hào về đất và người xứ Huế, nơi đã là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng: nhà Nguyễn, cũng không ít người khi nghe ai đó ngợi ca Huế đã có những phản ứng trái chiều dầu những ngợi ca đó được số đông ủng hộ vì đã có cái nhìn sâu sắc đến mức có thể đi vào văn học sử như hai câu nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn:
  
Con sông dùng dằng, con sông không chảy   
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…
  
Hay: Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ, Huế mộng họ liền thêm vào 5 chữ đầy ác ý và giễu cợt, chưa bàn đến đúng, sai: “Huế tộng bộng hai đầu!”
  
Lại nữa, từ câu ca dao về sông Hương núi Ngự như:
  
Núi Ngự bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đực mưa trong.

Họ trả lời ngay:
  
Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!
  
Hồi sống ở cư xá, có lần tôi được nghe một đàn anh kể lại một chuyện tình trai Quảng-gái Huế, không cần thẩm định mức độ khả tín của câu chuyện nhưng tôi biết anh và không tin đây là chuyện đùa. Anh kể rằng, có một chàng trai Quảng ra học đại học, ở trọ và kiếm tiền phụ thêm tiền nhà chu cấp hằng tháng bằng việc kèm trẻ (hồi ấy gọi là précepteur). Không rõ nhan sắc và sức học của cô học trò thế nào nhưng cô là con của một chủ tiệm buôn lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Có tình yêu nảy nở sau quan hệ thầy trò này không hay chàng trai này có ý “đào mỏ” hay không cũng không rõ nhưng một thời gian sau cô học trò này… có bầu! Cha cô bé đề nghị chàng sinh viên làm rể mình, sẽ tổ chức một đám cưới xứng tầm với gia sản và vị thế của ông trong giới doanh nhân và hứa hẹn sẽ cho hai vợ chồng trẻ một căn nhà riêng trong phố. Chừng như ý thức được “thế thượng phong” của mình, chàng trai đòi hỏi thêm một chiếc xe hơi và vốn liếng. Ở đời, “già néo đứt dây”, sau nhiều lần “đàm phán” không tìm được mẫu số chung, ông chủ quyết định đưa con vào Sài Gòn sống chờ ngay sinh nở. Không biết “cái hậu” thế nào, những nhân vật trong chuyện này ra sao nhưng nếu là chuyện tình thì nó thiếu cái happy ending!
  
Các bậc tiền bối Quảng Nam ra học, ở lại làm quan, làm việc ở Huế nhiều thế hệ khác nhau đã có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Nguyễn, cho Huế nhưng đọc một bài viết của tác giả Phạm Phú Phong (1) tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng về việc đối xử của chính quyền hiện tại với những danh nhân, những di tích liên quan mà nơi tôi ở, cư xá SV Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa bây giờ hoang tàn đổ nát vì chính quyền giao cho Đại Học Y làm nơi ở của cán bộ, họ cơi nới, chia nhỏ, thậm chí có người dùng cho thuê mặt bằng buôn bán là một thực tế đắng lòng!
  
Sau Mậu Thân, Huế đổ nát, điêu tàn do bom đạn, Huế tang thương với hàng ngàn vành tang trắng do thành tựu “giải phóng” qua các mồ chôn tập thể, coi phóng sự trên tivi về các buổi khai quật những mồ chôn này, phóng sự luôn kết thúc bằng bản nhạc “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà mỗi lần nghe, tôi nhớ – dầu chỉ mới đến Huế vài ba lần – mình đã không cầm được nước mắt!
  
Sau này, khi lập gia đình, tôi lại lần nữa gắn bó với Huế tuy vợ tôi chỉ lớn lên ở Huế từ thuở lên năm lên sáu. Và bởi đó, tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn xứ Huế nơi một anh, một chị tôi đã học và làm việc, nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng, nơi tôi sống suốt thời sinh viên sôi nổi, nơi tôi đã không ít lần thấy lòng mình dậy lên những xôn xao về một nét đẹp Huế, một giọng nói Huế, một ánh mắt Huế, một tấm lòng Huế… cho tôi nhiều người bạn Huế vô cùng dễ thương và sau cùng, ít nhiều cũng cho các con tôi một chút chất Huế trong người.
 
– Nguyễn Hoàng Quý
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hai phụ nữ bị thưa ra Tòa án Paris về tội xúc phạm sĩ diện và đời sống riêng tư vì hai người này quả quyết bà vợ của ông Tổng thống Macron là người chuyển giới và bà vì thế không phải là mẹ của các con của bà. Hai phụ nữ loan tin thất thiệt đó sẽ ra Tòa vào ngày 16 tháng 6 tới đây. Một bà là đồng bóng, bà kia là nhà báo độc lập. Đồng thời, nhiều Twitter và hashtag #JeanMichelTrogneux đồng loạt quả quyết Đệ nhứt phu nhơn thật sự là một phụ nữ chuyển giới, tên khai sanh là Jean-Michel Trogneux.
Ảo thì không phải là sự thật, không có thật. Những từ ngữ mà chúng ta thường nghe có liên quan xa gần đến việc sống ảo là ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng, vân. vân...Ảo thuật nhằm đánh lừa giác quan chớ không phải là thật. Đó chỉ là một trò giải trí để mua vui chớ không có hại như ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng của những người sống ảo, xa rời thực tế. Sống ảo là một căn bệnh tâm lý gây ra bởi nhiều lý do phức tạp khác nhau, tùy trường hợp của mỗi cá nhân. Có thể là do kém hiểu biết cùng với mê tín, mê muội, có thể do một tại nạn hay một biến cố xảy ra để lại một vết thương trong tâm hồn, có thể do một chấn động vì người thân đột ngột qua đời, có thể do sự thất bại ngoài xã hội, và trong gia đình, có thể vì ảo tưởng theo đuồi một mục tiêu không thật và cuối cùng chạm phải một thực tế phủ phàng.
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế từ bài La Marseillaise, bài quốc ca của Pháp. Tôi thuộc cho tới bây giờ, sau nhiều chục năm tôi vẫn còn hát được. “Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài / quần trễ tai hồng đỏ đen mực son. Đầu lúc la lúc lắc đảo như lên đồng / được dăm trẻ ghẻ lở quá hủi phong. / Quát lấy điếu, đem bình phóng , bưng cơi trầu. / Nhân chi sơ, người đi trước / ta bảo phải để vào tai dốt đặc. Ở trên đầu thầy có cái chi lúc lắc? Búi tó, nó to bằng niêu / tính ghét móng tay hằng cân / thọc luôn trong nách, bật tanh tách hoài / Ngâm thơ thích chí rung đùi”. Nhớ nhưng không chắc có đúng không, có thể có chỗ không nhớ tôi đã chế ra. Nhạc chế cũng như ca dao không bao giờ có tên tác giả. Không biết đây là một bài nhạc chế để chọc quê chính quốc lúc đó đang cai trị Việt Nam hay đùa chơi với các thầy đồ của một anh học trò không thích tới trường.
Tình cờ trong một gian hàng của nghệ nhân làm Bonsai, cây kiểng, tôi thấy trưng bày một chậu kiểng nhỏ, có nhiều nhánh cong queo, lá hình bầu dục, phía dưới có nhiều lông trắng óng ánh như nhung, trĩu nặng từng chùm quả nhỏ tròn trông giống như trái mồng tơi nhưng nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím đen... trông rất quen, nhưng không thể gọi ngay ra tên của loài cây này được...
Tôi quen biết một cô Tây, gọi là một cô đầm thì đúng hơn, tên gọi đầy đủ là Florence Cavalier, vợ của ông tây Jean Paul Cavalier. Florence còn trẻ, lối 30 tuổi. Ngày từ khi còn nhỏ, 9 tuổi, Florence đã là một hướng đạo sinh, scout, lớn lên em học và hành nghề y tá. Cái gốc scout và nghề nghiệp y tá bổ túc lẫn cho nhau, thêm Flor có ngoại hình xinh xắn tươi vui, thành ra trông lúc nào cô ấy cũng tràn đầy nghị lực, sức sống và yêu đời...
Muốn biết một đất nước có văn minh hay không, người ta thường quan sát nhiều khía cạnh khác nhau với một tinh thần phóng khoáng, một tâm trạng cởi mở, không thiên vị, về xã hội, cách điều hành đất nước (governance), việc bảo tồn và thăng tiến văn hóa, về mức sống người dân như việc chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, và trên hết là sự hạnh phúc (well-being) của người dân...
Cuối tháng ba, đầu tháng tư và kéo dài đến tháng sáu, tháng bảy, du khách đến với Đà Lạt, từ những con đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, đến Hồ Xuân Hương, Chợ Đà Lạt, hay Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm... sẽ thấy lòng mình chùng xuống, trước sắc tím lãng mạn, êm đềm và thơ mộng của những cây “ phượng vĩ tím” hay gọi tắt là “phượng tím”. Những cây phượng có nguồn gốc từ Châu Âu, du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1962 của thế kỷ trước.
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “tâm linh” trở nên rất thời thượng, tràn ngập khắp trên mặt báo chí, truyền thông, mạng xã hội, người người nói, nhà nhà nói. Nó trở thành từ cửa miệng của rất nhiều người trong đạo lẫn ngoài đời. Những tà sư, thầy cúng, các nhóm lợi ích kết hợp với những thế lực chính trị và thế lực ngầm ra sức phá rừng, xẻ núi, lấp ruộng… để làm những ngôi chùa, đền, miếu khổng lồ phục vụ cho cái gọi là du lịch tâm linh, hành hương tâm linh… Ngoài những ngôi chùa khổng lồ ấy ra còn có vô số chùa tư, đền, miếu, am, dinh, miễu...mọc lên như nấm sau mưa. Có một điểm chung là các cơ sở này thờ hằm bà lằng từ Phật, thánh thần, thiên, ông đồng bà cốt, cậu hoàng… và cả những nhân vật chính trị thế tục.
Người đọc nhìn thấy môt hình ảnh rất nhỏ, khiêm tốn, ngay trong ngày đầu 30-4-1975, hình ảnh người chiến binh giải phóng Sàigòn đang quì gối cầu nguyện bên ngoài ngưỡng cửa Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn. ..
Tôi đã xem phim “Oppenheimer” chiếu ngoài rạp, một phần vì tiểu sử của nhà khoa học vật lý đã chế ra bom nguyên tử, từng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học U.C. Berkeley và vì cũng muốn biết ngôi trường thân yêu của mình đã được lên phim như thế nào.