Hôm nay,  

COVID-19 Đã Dạy Chúng Ta Những Gì Để Ứng Phó Với Đại Dịch Trong Tương Lai?

23/02/202400:00:00(Xem: 5443)

Covid
Nhìn lại đại dịch COVID-19 để thấy chúng ta đã làm tốt những gì, còn những gì cần khắc phục, và làm sao để chuẩn bị ứng phó thật nhanh với các đại dịch mới trong tương lai. (Nguồn: pixabay.com)
 
Trong cuốn tiểu thuyết Chuyện Hai Thành Phố (A Tale of Two Cities) của Charles Dickens, được xuất bản năm 1859 và lấy bối cảnh thời Cách Mạng Pháp, có đoạn viết: “Đó là thời đại tốt đẹp nhất, cũng là thời đại tồi tệ nhất, đó là thời đại của sự khôn ngoan, cũng là thời đại của sự ngu xuẩn.” Đại dịch COVID-19 cũng là một thời đại như thế.
 
Một mặt, khoa học đã cứu sống được nhiều người. Chưa đầy một năm sau khi phát hiện virus, Hoa Kỳ đã tạo ra và thử nghiệm vắc xin, rồi cho sản xuất, phân phối và triển khai tiêm chủng hàng loạt miễn phí cho người dân. Ước tính vắc xin COVID đã cứu được ít nhất 3.2 triệu người chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Những thành tựu này tạo ra hy vọng về việc chúng ta có thể nhanh chóng ứng phó với đại dịch trong tương lai.
 
Mặt khác, các viên chức y tế cộng đồng đã bất ngờ rơi vào thế lưỡng nan với các quy định bảo vệ tự do cá nhân. Khoảng 30 tiểu bang hiện đã thông qua luật hạn chế các cơ quan y tế áp dụng các biện pháp bảo vệ mà không có sự cho phép của các nhà lập pháp tiểu bang. Lawrence Gostin, chuyên gia luật sức khỏe tại Đại học Georgetown, nói với tờ Washington Post: “Một ngày nào đó, khi chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu thực sự tồi tệ, và một đại dịch còn nguy hiểm hơn nhiều so với COVID, và chúng ta kỳ vọng là chính phủ sẽ bảo vệ chúng ta, nhưng khi đó họ cũng đành bó tay bất lực. Chúng ta sẽ chết với các quyền mà mình đòi hỏi – thứ chúng ta muốn là tự do chứ không phải sự bảo vệ.”
 
Những gì đã dẫn đến tình hình hiện nay? Vào năm 2020, Paul Offit là bác sĩ thuộc Khoa Truyền Nhiễm tại Bệnh viện Trẻ em Philadelphia. Sau đó, ông được Francis Collins, trưởng Viện Y Tế Quốc Gia, mời tham gia một nhóm tư vấn để hướng dẫn cho các công ty dược phẩm về cách chế tạo và thử nghiệm vắc xin COVID. Offit cũng trở thành thành viên có quyền biểu quyết trong Ủy Ban Cố Vấn Vắc Xin của Cơ quan Kiểm Soát Thực-Dược Phẩm (FDA) kể từ năm 2017.
 
Với vai trò trong các cơ quan này, Offit thường được mời xuất hiện trên các chương trình tin tức truyền hình và các bản tin sáng để giải thích cho những sự kiện đang diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch hoành hành, Offit và các viên chức khác nhận ra rằng không phải lúc nào họ cũng đúng, vì họ thường phải đưa ra các quyết định khi chưa có đầy đủ thông tin. Đôi khi họ cũng đưa ra những khuyến nghị mâu thuẫn, tạo ra sự hiểu lầm và bối rối trong cộng đồng, làm giảm độ tin cậy vào các nguồn thông tin từ chuyên gia hoặc các tổ chức y tế.
 
Nhưng những bài học kinh nghiệm từ SARS-CoV-2, loại virus đã giết chết khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới, có thể sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với một đợt đại dịch mới trong tương lai.
 
Tiêm chủng toàn cầu là lợi ích chung
 
Hoa Kỳ có đầy đủ năng lực công nghệ và nguồn lực để triển khai tiêm chủng toàn cầu, và việc đó không hẳn là hoàn toàn vì nhân đạo. SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lưu hành và tạo ra các biến thể mới trong nhiều thập niên tới. Vào cuối năm 2023, gần một phần ba dân số thế giới chưa được tiêm một liều vaccine COVID nào. Bất kỳ quốc gia nào có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng thì đó cũng chính là nguy cơ cho tất cả các quốc gia khác. Không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn.
 
Nghiên cứu khoa học là một quá trình diễn ra liên tục và không ngừng
 
Các khuyến nghị về điều trị và phòng ngừa COVID đã liên tục phát triển và thay đổi theo thời gian, giúp chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn về cách vi-rút lây truyền và những đối tượng có nguy cơ cao nhất. Ban đầu, người ta được khuyến cáo rửa tay liên tục, lau sạch các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (bàn, ghế, tay nắm cửa…) và đồ đạc mua sắm từ cửa hàng về. Tuy nhiên, theo thời gian, người ta dần hiểu rõ rằng việc rửa tay và lau chùi đồ đạc có ít tác dụng hơn so với việc đeo khẩu trang. Các khoa học gia, bác sĩ và viên chức y tế cộng đồng sẽ cần phải cẩn thận đưa ra thông báo cho công chúng, rằng tất cả các khuyến nghị đều dựa trên thông tin được biết vào thời điểm đó, và rằng thông tin có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Nếu không, tính linh hoạt của kiến thức khoa học sẽ tiếp tục khiến công chúng bối rối và mất lòng tin.
 
Các chiến dịch cấp cơ sở có thể xây dựng niềm tin thực sự trong cộng đồng
 
Tuy rằng việc ứng phó với thông tin sai lạc ở quy mô quốc gia hoặc tiểu bang là gần như không thể, nhưng ở cấp địa phương thì hoàn toàn có thể. Trong thời kỳ đại dịch, Ala Stanford đã chứng minh điều này. Bà và Hiệp Hội Bác Sĩ Da Đen Chống COVID-19 (Black Doctors COVID-19 Consortium) đã đến từng nhà để cung cấp nguồn thông tin nhất quán và đáng tin cậy cho người dân ở Bắc Philadelphia. Trong cộng đồng có nhiều ác cảm với việc tiêm phòng này, bà và các đồng nghiệp đã trấn an và giáo dục hơn 50,000 người để họ tự giác tiêm chủng cho bản thân và con cái mình.
 
Tách biệt chính trị đảng phái và khoa học sẽ cứu sống được nhiều người
 
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, việc tử vong do một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin lại được phân chia theo các đảng phái chính trị. Tính đến tháng 12 năm 2022, có đến 37% cử tri thuộc Đảng Cộng Hòa không tiêm vaccine, trong khi ở Đảng Dân Chủ thì con số này là 9%. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các quận ở các bang do Đảng Cộng Hòa kiểm soát có tỷ lệ tử vong do COVID cao hơn. Sức khỏe cộng đồng luôn có yếu tố chính trị, vì có liên quan đến vấn đề phân phối nguồn tài nguyên, cũng như các giá trị và quan điểm. Tuy nhiên, sức khỏe cộng đồng không nhất thiết phải trở thành một vấn đề đảng phái, đây là điểu mà các đảng chính trị cần phải luôn ghi nhớ.
 
Ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lạc là rất quan trọng
 
Đây là công việc khó khăn và gian truân. Cũng giống như ta đang sử dụng một cái ly nhựa để tát nước lũ lụt do Bão Katrina gây ra. Đầu đại dịch, các viên chức y tế và chính phủ đã tuyên bố rằng COVID là do con người tạo ra – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Tuy nhiên, nếu áp dụng nguyên tắc của Carl Sagan rằng “những tuyên bố bất thường cần có bằng chứng phi thường,” thì đây là một tuyên bố bất thường, không có bằng chứng nào mà chỉ có âm mưu và ám chỉ, cho nên đây không phải là thông tin chính xác dựa trên bằng chứng khoa học.
 
Luôn ưu tiên bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất
 
Mọi người ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị nhiễm COVID, nhưng không phải ai cũng dễ bị bệnh nặng khi nhiễm vi rút. Tỷ lệ tử vong ở người cao niên cao hơn khoảng một ngàn lần so với trẻ em; có đến 40% số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ xảy ra trong các viện dưỡng lão. Nhiều nghiên cứu về các liều vắc xin tăng cường (booster) chỉ ra rằng nhóm người được hưởng lợi nhiều nhất từ các liều booster bao gồm những người trên 75 tuổi, những người có nhiều vấn đề về sức khỏe, những người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. Chừng nào COVID còn lưu hành, chúng ta còn phải ưu tiên bảo vệ bốn nhóm đối tượng này.
 
Phương pháp chữa bệnh không nên tệ hại hơn căn bệnh
 
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, chiến lược duy nhất để kiểm soát COVID là hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Chúng ta đóng cửa hàng loạt công ty và trường học. Chiến lược này đã có những hậu quả tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em đã chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi do không được đi học và giao tiếp xã hội. Tác động của những thiệt hại này sẽ còn âm ỉ trong nhiều năm tới. Việc cho trẻ em đi học trở lại lẽ ra cũng nên được quan tâm nhiều như việc cho mọi người đi làm trở lại. Tóm lại, trong việc đối phó với đại dịch, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng các biện pháp giải quyết sẽ không khiến cho tình hình trở nên xấu hơn.
 
Đoàn kết là sức mạnh
 
Có lẽ điểm sáng nhất trong đại dịch là Operation Warp Speed. Chỉ 11 tháng sau khi SARS-CoV-2 được cô lập, hai loại vắc xin đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng lớn và được xác nhận là hiệu quả và an toàn. Sau đó, Tòa Bạch Ốc đã hợp tác thành công với các hiệu thuốc và bệnh viện để phân phối và kiểm soát vắc xin, cũng như cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm và thuốc điều trị vi rút. Đó là một nỗ lực đáng kinh ngạc và là dấu hiệu tích cực cho khả năng của chúng ta trong việc tạo ra và phân phối vắc xin chống lại các loại vi rút gây đại dịch trong tương lai.
 
Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài về sự đoàn kết. Trong những năm 1940 và 1950, bệnh bại liệt là một căn bệnh đáng sợ và gây hậu quả nặng nề. Người Mỹ đã phản ứng bằng cách góp tiền cho Tổ chức chống bệnh bại liệt National Foundation for Infantile Paralysis, hay còn gọi là March of Dimes. Tổ chức này đã nhận được hàng triệu đô la, nhờ đó phát triển ra vắc-xin chống bại liệt. Và cũng nhờ vào nỗ lực này, bệnh bại liệt đã biến mất khỏi hầu hết mọi nơi trên thế giới.
 
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, những chiếc máy bay bị khủng bố đánh cướp và điều khiển đâm vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, Ngũ Giác Đài và một khu vực ở Pennsylvania, giết chết 2,977 người. Cảnh sát và lính cứu hỏa đã nhanh chóng đến hiện trường, lao vào các tòa nhà đang sập đổ để cứu người. Mọi người ôm nhau khóc, cùng nhau cầu nguyện, đoàn kết lại trước thảm kịch quốc gia. Để tăng cường sự đoàn kết này, Tổng thống George W. Bush đã nói rõ rằng sự kiện này không liên quan gì đến người Mỹ theo đạo Hồi. Ông nói: “Khủng bố không phải là đức tin chân chính của đạo Hồi.” Một lần nữa, tất cả chúng ta cùng nhìn về một hướng.
 
Ngày 20 tháng 1 năm 2020, Hoa Kỳ phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Kể từ đó, loại virus này đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người dân Hoa Kỳ. Với công nghệ mới, chúng ta đã tạo ra vắc xin an toàn và hiệu quả trong thời gian ngắn kỷ lục. Bác sĩ và y tá đã phải tăng cường làm việc, quần quật suốt ngày đêm, thậm chí còn không có đủ đồ bảo hộ. Đó là một cuộc chiến chung. Và chúng ta đã cùng đồng lòng vượt qua thảm họa chung của đất nước, thấu hiểu tinh thần ‘một người vì mọi người.’
 
Sức mạnh và khả năng để vượt qua khó khăn, thách thức vẫn luôn sẵn có bên trong chúng ta. Và khi hình dung mình là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn, chúng ta sẽ khai thác được những phẩm chất tốt đẹp nhất trong mỗi người.

Nguyên Hòa biên dịch
 
Nguồn: “COVID-19 has tested us. Will we be ready for the next pandemic?” được đăng trên trang Nationalgeographic.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cũng giống như một cuốn từ điển vật lý, ‘cuốn từ điển’ trong đầu của chúng ta cũng chứa thông tin về các từ, bao gồm các chữ cái, âm thanh và ý nghĩa hoặc ngữ nghĩa của từ, cũng như thông tin về các thành phần câu cú và cách ghép các từ lại với nhau để tạo thành các câu đúng ngữ pháp. ‘Cuốn từ điển’ đó còn là một cuốn từ điển các từ ngữ đồng nghĩa. Nó có thể giúp chúng ta kết nối các từ ngữ và xem chúng giống nhau về ý nghĩa, âm thanh hoặc chính tả như thế nào.
Vừa mới mua một thùng raspberry hôm qua, mà hôm nay chúng bắt đầu trông hơi…mốc lên rồi. Mà mang bỏ hết thì tiếc đứt ruột – hay là chỉ lấy những trái bị mốc bỏ ra là được? Không ít người sẽ quyết định như vậy. Tưởng chừng như vô hại, nhưng nấm mốc trên thực phẩm có thể gây ra nhiều vấn đề, từ chứng khó tiêu cho đến những tình huống nghiêm trọng nhất như tổn thương thận hoặc thậm chí là ung thư.
Các cơ quan y tế Trung Quốc tuần qua cho biết họ chưa phát hiện bất kỳ mầm bệnh bất thường hoặc chủng vi-rút mới nào sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) yêu cầu cung cấp thông tin về các đợt bùng phát bịnh hô hấp. WHO đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết sau khi các tổ chức như Program for Monitoring Emerging Diseases (ProMED) báo cáo về các trường hợp viêm phổi chưa được chẩn đoán ở trẻ em ở miền bắc Trung Quốc.
Nghệ (turmeric) là một loài thực vật có hoa thuộc họ gừng. Từ lâu, nghệ đã được đánh giá cao trong nền y khoa cổ Ayurvedic ở Ấn Độ nhờ đặc tính chống viêm. Với ẩm thực Châu Á, nghệ cũng được ưa thích bởi hương vị và màu sắc của nó. Trong tiếng Hindi, nghệ được gọi là Haldi, có nguồn gốc từ tiếng Phạn có nghĩa là “màu vàng.” Nhưng đối với hàng triệu người Nam Á thường xuyên sử dụng nghệ, màu vàng rực rỡ của nghệ có thể khiến họ mất mạng.
Thời gian Mở Ghi Danh Medicare (Open Enrollment) đang diễn ra. Chúng tôi đã chọn một số câu hỏi về chủ đề này và muốn chia sẻ thông tin trong chuyên mục của tháng này. Chúng tôi đã thêm một câu hỏi để giải quyết rõ ràng hơn những lĩnh vực mà nhiều người còn nhầm lẫn về vắc xin ngừa COVID-19. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, thị trường bảo hiểm Y tế theo đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng, phúc lợi hưu trí an sinh xã hội, thu nhập an sinh bổ sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/cúm, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng 3 cách:
Mua thuốc bậy bạ không nguồn gốc là một trò xui rủi. Từ Xanax đến cocaine, thuốc hoặc thuốc giả được mua ở những nơi không phải cơ sở y tế có thể chứa liều lượng fentanyl nguy hiểm cho tính mạng. Các bác sĩ đã chứng kiến sự gia tăng sử dụng fentanyl không cố ý từ những người mua các loại thuốc theo toa thuộc nhóm opioid và các loại thuốc khác có chứa hoặc pha, trộn fentanyl. Người ta nhận thấy Fentanyl đã được đưa vào nguồn cung cấp thuốc heroin ở Massachusetts. Vào năm 2016, Giáo sư Kavita Babu và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng những bệnh nhân đến khoa cấp cứu với báo cáo sử dụng quá liều heroin thường có fentanyl trong kết quả xét nghiệm mẫu thuốc của họ.
Hàng năm, trên khắp thế giới sẽ có hàng triệu người quyết tâm không động tới các loại đồ uống có cồn trong một tháng – truyền thống này bắt đầu từ Tháng Giêng Khô Ráo (Dry January) và sau này mở rộng thành nhiều nỗ lực tương tự, chẳng hạn như Tháng Mười Tỉnh Táo (Sober October). Cho dù đó là cả một chiến dịch đông đảo người tham gia, hay chỉ đơn giản là nỗ lực của một cá nhân để bớt ‘say xỉn’ lại, số lượng người tham gia ‘tháng kiêng rượu’ có vẻ như ngày càng nhiều.
Thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng tế bào sống tốt hơn tế bào chết. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: các tế bào thường hy sinh bản thân để giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Chúng là những ‘anh hùng thầm lặng’ chẳng màng sinh-tử để bảo vệ chúng ta. Mặc dù cái chết có vẻ thụ động – là một kết thúc đáng tiếc xảy ra theo kiểu “muốn tránh cũng không được” – nhưng cái chết của các tế bào thường có chủ đích và mang tính chiến lược. Tại sao tế bào chết và chết như thế nào là chuyện khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Một người đàn ông 29 tuổi mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối, đã qua đời 18 ngày sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ. Trường hợp này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của hệ thống miễn dịch bị suy giảm trước mối đe dọa mới nổi này, nhắc nhở về nguy cơ gia tăng đậu khỉ đối với một số nhóm dân cư. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, 20 ca mắc bệnh đậu khỉ được ghi nhận, trong đó có 18 bệnh nhân dương tính với HIV.
Trong những tuần gần đây, tin tức về việc vận động viên thể dục dụng cụ Mary Lou Retton phải vào bệnh viện vì một loại viêm phổi (pneumonia) hiếm gặp đã khiến nhiều người quan tâm và tò mò về căn bệnh này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.