Hôm nay,  

Nước Đóng Chai Tại Bắc Mỹ

06/12/200600:00:00(Xem: 7098)

Nước Đóng Chai Tại Bắc Mỹ

Cá sống nhờ nước, con người cũng cần phải có nước mới tồn tại được. Từ vài chục năm nay, kỹ nghệ nước uống đã không ngừng phát triển một cách rất mạnh mẽ trên khắp thế giới. Theo thống kê thì hằng năm mỗi người dân tiêu thụ: Canada 47 lít, Hoa Kỳ 90 lít và Âu châu 112 lít. Bên cạnh các loại nước đóng chai đa dạng, đủ kiểu, đủ cỡ, đồng thời chúng ta cũng thấy xuất hiện các ngành kỹ nghệ phụ thuộc, như những máy lọc, những máy làm lạnh nước, những dụng cụ khử trùng và khử chất bẩn trong nước uống. Qua kết quả thăm dò của Leger Marketing, thì có lối 30 % dân Canada không còn tin tưởng và tính nhiệm vào việc dùng nước robinet để uống nữa. Hiện tượng ô nhiễm môi sinh là lý do chính của quyết định nầy. Ngoài ra, theo International Bottled Water Association (IBWA) dân chúng ưa chuộng nước đóng chai vì mùi vị không gắt, không hôi mùi chlorine như nước máy, ngoài ra và nó cũng có vẻ tinh khiết và bổ dưỡng cho sức khỏe nữa. Nước được đựng trong các chai hay bằng plastic rất đẹp mắt, tiện lợi, dễ mang theo và cũng rất dễ tìm. Bởi những lý do nầy, nên nhiều người đã chọn nước đóng chai hoặc nước lọc để uống, tuy vậy cũng có một số người thì lại nghĩ rằng uống nước đóng chai hay uống nước máy thì cũng vậy thôi, không có gì khác biệt với nhau hết...Vậy đâu là sự thật" 

THẾ  NÀO   GỌI   LÀ   NƯỚC   ĐÓNG   CHAI"  

 Đây là nước uống đã được vô chai sẵn, đóng nút kỹ lưỡng và có nhãn hiệu đàng hoàng. Tại Canada, danh xưng của các nước đóng chai được luật lệ quy định rõ rệt, và gồm có nhiều loại:

• Nước suối thiên nhiên (natural spring water). Được khoan rút từ các suối ngầm chảy trong lòng đất. Nước phải trong lành và chứa một nồng độ chất khoáng không được hơn 500 ppm/lít.

• Nước khoáng thiên nhiên (natural mineral water), cũng được hứng từ những mạch ngầm dưới đất, và có một nồng độ chất khoáng rất cao. Canada ấn định nồng độ nầy phải từ 500 ppm/lít trở lên (còn ở Hoa kỳ thì trên 250 ppm/lít). Thông thường nồng độ khoáng chất hòa tan trong loại nước nầy thường ở vào khoảng 700-800 ppm, tuy nhiên cũng có loại có thể chứa trên 3000 ppm chất khoáng. Đối với 2 loại nước suối và nước khoáng vừa kể, nhà sản xuất không có quyền làm thay đổi thành phần chất khoáng tiên khởi có sẵn trong nước ngầm, ngoại trừ họ có thể cho thêm khí CO2 (carbon dioxide), hoặc thêm chất fluoride. Ngoài ra họ cũng có thể sử dụng phương pháp khử trùng bằng ozone.

• Nước đã được xử lý (treated water). Đây không phải là những loại nước lấy từ nguồn nước ngầm, nhưng là nước của thành phố, tức được hứng từ vòi robinet. Thông thường là nước sông hoặc nước ao hồ được lắng lọc, làm cho trong, và khử trùng bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng tia cực tím (ultra violet), ozone, thẩm thấu ngược (reverse osmosis) hoặc sử dụng cách lọc đặc biệt gọi là absolute micron filtration. Nước xử lý có thể là nước cất (distilled water), nước vô khoáng (demineralized water), và nước có gaz (carbonated water)... Nước cất có được qua phương pháp làm bốc hơi và sau đó làm cô động lại thành nước. Nước cất không có chứa chất khoáng hoặc chỉ chứa một nồng độ chất khoáng thật thấp dưới 10 ppm/lít...Nước vô khoáng là nước đã được rút bớt chất khoáng ra bằng một phương pháp nào đó ngoại trừ cách cất nước. Nồng độ chất khoáng của nó rất ư là thấp và phải dưới 10 ppm/lít. Nước vô khoáng có thể được dùng để uống, để chế vô các dụng cụ điện như bàn ủi, bình batterie, để gội đầu các trẻ sơ sinh, tráng phim hoặc để dùng trong các phòng thí nghiệm.Tại Canada, loại nước vô khoáng thường thấy bán trong các pharmacies là Atlas H2O Treated&Demineralized...Nước có gaz để tạo bọt nhỏ li ti (sparkling) gây the the chích lưỡi và coi rất đẹp mắt!

NƯỚC  ĐÓNG  CHAI  CÓ  CHỨA  VI  KHUẨN  KHÔNG"  

Nước đóng chai không phải là nước hoàn toàn vô trùng (sterile)... Nó vẫn có thể có chứa một ít vi khuẩn nào đó, nhưng điều quan trọng nhất là nó không được chứa các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

NƯỚC  ĐÓNG  CHAI  CÓ  TỐT  HƠN  NƯỚC  ROBINET"  

Trên nguyên tắc, nhà sản xuất cũng như nhà nhập cảng phải chịu trách nhiệm và bảo đảm sản phẩm của họ phải đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh cũng như tính chất trong lành ấn định bởi cơ quan Health Canada. Điều kiện nầy cũng áp dụng cho cả nước robinet của thành phố nữa. Đến nay, tại Canada chưa thấy có báo cáo nào nói lên các trường hợp bệnh hoạn gây nên bởi nước đóng chai cả.

NÊN  DÙNG LOẠI NƯỚC ĐÓNG  CHAI NÀO" 

Các cụ lớn tuổi, các người bệnh hoạn lâu ngày, có hệ miễn dịch bị suy yếu sẵn, và các cháu bé nhỏ tuổi nên uống nước đóng chai đã được khử trùng bằng phương pháp ozone...Để thay thế, họ cũng có thể dùng nước có gaz. Loại nước nầy có tính hơi acid nên vi khuẩn khó phát triển được trong đó…Bình thường, chúng ta nên mua những loại nước có nồng độ sodium thật thấp, trên chai có đề câu sans sodium/sodium  free hoặc faible en sodium/low in sodium.

CÓ NÊN DÙNG NƯỚC ĐÓNG CHAI ĐỂ RỬA KÍNH ÁP TRÒNG  CONTACT LENSES  HAY KHÔNG" 

Không nên! Chỉ sử dụng các dung dịch đặc biệt mua ở pharmacy để rửa contact lenses  mà thôi.

TRÊN CHAI NƯỚC CẦN PHẢI CÓ GHI NHỮNG CHI TIẾT GÌ"

Theo luật Canada, cần phải có: tên sản phẩm, thành phần và nồng độ các loại khoáng chất, cách lọc và phương pháp khử trùng ra sao, như ozone, thẩm thấu ngược (reverse osmosis) vv… và có thêm chất fluoride vào hay không. Nguồn nước lấy từ đâu và địa chỉ nơi sản xuất.

NƯỚC  ĐÓNG  CHAI  CÓ  CHỨA  NHỮNG  CHẤT  GÌ"  

Tạp chí Protégez vous cho biết nước đóng chai bán tại Québec không có chứa hoặc chứa rất ít chất Arsenic (As), Đồng (Cu), Kẽm (Zn) và Potassium (K). Các chất sau đây thường được thấy ghi trên nhãn hiệu:

• Calcium (Ca): tốt cho xương, ngừa chứng loãng xương (osteoporosis). Các hiệu sau đây có chứa những lượng calcium đáng kể: Abenakis  (540 ppm), Ferrarelle (368 ppm), San Pellegrino (208 ppm), Perrier (147 ppm) và Vichy Celestins (94 ppm).

• Sodium (Na): đa số nước suối thiên nhiên đều chứa rất ít sodium. Ngược lại, nước khoáng thiên nhiên lại chứa rất nhiều sodium. Abenakis (4300 ppm), Vichy celestin (1196 ppm). Bởi lẽ nầy, các loại nước khoáng thường có vị hơi mặn. Đôi khi chúng ta thấy có đề câu Sans sodium/ Sodium free, đây không có nghĩa là hoàn toàn không có sodium, nước vẫn có thể có chứa chút ít sodium nhưng chất nầy phải ít hơn 5 mg cho 100 ml. Các người có bệnh tim, cao áp huyết, hoặc đau thận thì không nên dùng nước có chứa trên 10mg sodium trong 1 lít.

• Chorure, Chloride (Cl): Nước suối chứa rất ít chloride, trung bình 18 ppm, ngược lại nước khoáng chứa rất nhiều chloride, thường ở vào khoảng 350 ppm. 

• Magnesium (Mg) & Sulfate (SO4): Sulfate thường kết hợp với Calcium hoặc với Magnesium…Sulfate có tính nhuận trường. Uống nhiều có thể làm xót ruột và gây ra tiêu chảy. Magnesium giúp củng cố sức miễn dịch, giúp tim hoạt động tốt và điều hòa áp huyết động mạch. Luật Quebec, Canada ấn định nước suối không được chứa hơn 500 ppm sulfate. Tuy vậy, 2 hiệu sau đây đều có chứa một lượng sulfate rất cao, đó là Abenakis (750 ppm), và San Pellegrino (459 ppm). • Nitrate (NO3): Ngược với Sulfate, Nitrate rất độc và có thể gây hại cho sức khỏe. Trong cơ thể Nitrate chuyển thành Nitrite (NO2) và ngăn trở việc chuyển vận oxy trong máu, gây ngạt thở và làm tím da, thường là vùng quanh miệng, và da ở 2 bàn tay và ở 2 bàn chân. Hiện tượng nầy thường xảy ra ở các cháu bé dưới 6 tháng tuổi, người ta gọi đây là Blue baby syndrome hay methemoglobinemia. Dùng nước có chứa quá nhiều Nitrate để pha sữa có thể đưa đến hiện tượng nầy. Phụ nữ đang mang thai cũng cần nên để ý tới Nitrate…Có người còn nghi Nitrate có thể gây ra cancer nữa. Đa số nước đóng chai đều không có hoặc có rất ít Nitrate…Nitrate cũng hiện diện khá nhiều trong một số rau cải, như carrot, và rau mồng tơi.

• Bicarbonate (HCO3): Đây là chất kháng acid (antacid), làm giảm độ chua của bao tử. Ở nồng độ 600ppm, Bicarbonate có thể làm giảm thiểu chứng xót dạ dầy và bụng đầy hơi. Bicarbonate có rất nhiều trong các loại nước khoáng, dẫn đầu là Vichy celestins  (3026 ppm Bicarbonate).

• Fluoride (F): giúp vào sự phát triển của xương cũng như ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em. Việc lạm dụng hay thặng dư Fluoride sẽ dẫn đến tình trạng các men răng có đóm trắng đóm nâu làm mất vẻ thẩm mỹ, khoa học gọi tình trạng nầy là dental fluorosis. Ở người lớn không thấy xảy ra hiện tượng nầy, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều fluoride trong một thời gian lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức xương và khớp. Nên nhớ là fluoride cũng hiện diện trong kem đánh răng và trong một số thực phẩm nữa. Thường thì nước đóng chai có rất ít chất fluoride ngoại trừ một vài hiệu như Vichy celestin (6.1 ppm fluoride).

NHÀ SẢN XUẤT  CÓ  THỂ  DÙNG  NƯỚC  ROBINET  ĐỂ  VÔ  CHAI  HAY  KHÔNG"  

Được! Trường hợp nầy không thể sử dụng danh từ nước suối hay nước khoáng thiên nhiên được. Nhà sản xuất có quyền được dùng nước robinet, đem cất, lọc, khử trùng, làm cho bớt mùi chlore và sau đó vô chai đem bán.

NƯỚC ĐÓNG  CHAI  CÓ  THỂ  TỒN  TRỮ ĐƯỢC  TRONG  BAO  LÂU"  

Để giữ sự trong lành, một khi chai nước đã được khui ra, uống không hết nên cất vào tủ lạnh ngay. Vì thời gian tồn trữ nước đóng chai thường trên 90 ngày, nên luật Canada không bắt buộc nhà sản xuất phải ghi ngày vô chai và ngày giới hạn sử dụng (Best before). Thông thường thời gian tồn trữ nước đóng chai là 2 năm kể từ ngày vô chai với điều kiện là nấp chai vẫn còn nguyên vẹn và nước được cất giữ ở nơi tối, mát mẻ… Đối với những loại nước mà chúng ta tự hứng vô bình tại các siêu thị, thì cần nên sử dụng càng sớm càng tốt. Tránh cất giữ nước đóng chai nơi ẩm nóng, dưới ánh sáng mặt trời hoặc để gần nơi cất giữ xăng dầu, savon và các loại hóa chất chùi rửa…

Canadian Bottled Water Association (CBWA) khuyên chúng ta không nên dùng các chai plastic đựng nước để đựng các loại thức uống khác. Các chai nầy chỉ nên sử dụng một lần duy nhất mà thôi (usage unique) vì chất plastic có chứa chất polyethylene terephthalate (PET). Xài đi xài nhiều lần, plastic sẽ biến ra thành những chất độc có hại cho sức khỏe. Đối với các bình lớn, loại 18 lít, chúng được làm từ chất polycarbonate rất cứng chắc nên nhà máy có thể sử dụng đi sử dụng lại 40-50 lần để đựng nước. Tại nhà máy, bình được rửa lại cẩn thận, tiệt trùng, chăm đầy nước và niêm nấp lại kỹ lưỡng trước khi đem bán cho người tiêu thụ.

TẠI CANADA CƠ QUAN NÀO KIỂM  SOÁT NƯỚC ĐÓNG  CHAI"  

Tại Canada, nước đóng chai được liệt kê vào món thực phẩm, và bị chi phối bởi luật Food and Drugs Act cũng như luật về bao bì nhãn hiệu Consumer Packaging and Labelling Act and Regulations….Cơ Quan Y tế Health Canada ấn định các định mức về vệ sinh cũng như về nồng độ tối đa của các chất kim loại được cho phép hiện diện trong nước uống. Cơ Quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) chịu trách nhiệm thi hành và kiểm soát các quy định trên. Ngoài ra, một số bộ sở quan thuộc chính quyền tỉnh bang  hoặc thành phố cũng có thể đề ra những điều luật riêng rẽ để kiểm soát nước đóng chai tại địa phương của mình, 85% nước đóng chai tại Canada đều nằm trong vòng kiểm soát của hiệp hội Canadian Bottled Water Association…

Tại Hoa Kỳ, nước đóng chai được kiểm soát và chi phối bởi luật the Federal Food, Drug, and Cosmetic Act thuộc thẩm quyền của cơ quan The Food and Drug Administration.

ĐẮT NHƯ VÀNG!  

Chai nước có màu xanh lơ, nhãn hiệu cũng cùng một màu, và kèm theo lời quảng cáo thật là hấp dẫn: Nước xử lý có chứa muối khoáng, một món giải khát thật tinh khiết (Pure refreshment - Mineralized Treated Water), được lọc và khử trùng qua phương pháp thẩm thấu ngược hay phương pháp ozone. Đó chẳng qua là nước robinet mà thôi, do Cty Coca Cola sản xuất và mang tên là Dasani, giá bán 1$/1 lít...Vậy, nguồn nước đã được lấy từ đâu" Xin thưa, tại Canada, nước lấy tại thành phố Calgary (Alberta) và tại thành phố Brampton (Ontario), còn ở Hoa Kỳ nước được hứng tại một thành phố nào đó ở Kansas và Pennsylvania. Tất cả đều đúng luật định, không có gì sai trái cả. Những năm gần đây, thị trường nước ngọt có mòi xuống dốc vì thiên hạ sợ uống ba cái thứ nước ngọt nhiều đường, nhiều caffeine sẽ không tốt cho sức khỏe. Thôi thì uống nước lã đóng chai là thượng sách rồi. Các Cty nước ngọt chụp lấy thời cơ xoay qua việc sản xuất nước đóng chai. Bán 1 vốn 10 lời. Năm 2001, Hoa Kỳ đã tiêu thụ 20 tỉ lít nước vô chai.Theo Bewerage Digest, kỹ nghệ nước đóng chai Hoa Kỳ đã thu vào trên 7.5 tỉ $ / năm… Riêng Canada, với khoảng 31 triệu dân, từ năm 1995 đến năm 2000 lượng nước tiêu thụ đã nhảy vọt từ 527 triệu lít lên 850 triệu lít /năm. Nước đóng chai đắt gấp cả trăm lần hơn nước robinet...Tại Canada, phần lớn các hiệu nước đóng chai đều nằm trong tay của các đại công ty quốc tế như: Nestlé (Montclair, Perrier), Danone (Labrador, Evian, Naya), CocaCola (Dasani) và PepsiCola (Aquafina, sản xuất từ nước robinet của thành phố).

Mấy năm gần đây, kỹ nghệ nước uống còn sáng tạo thêm những loại nước uống rất đặc biệt. Đó là những thứ nước uống có “trị giá tăng thêm” (à valeurs additionnelles), nghĩa là được trộn thêm những chất dinh dưỡng, chất khoáng, vitamines, hydrogen("), oxygen, hoặc cả chất chlorophylle nữa. Tại Quebec, hiệu nước Reebok có chứa calcium, magnésium và 4 loại vitamins: C, B6, B12 và acide folique. Hiệu Oxygizer là loại nước có thêm oxygen và được nhập cảng từ Áo quốc. Giá bán rất “bình dân”, chỉ có 4.50$ cho một chai ½ lít mà thôi. Nước có thêm oxygen (oxygenatad water) nhờ được trình bày rất đẹp mắt, quảng cáo tinh vi nên đã trở thành một mặt hàng rất phổ thông à la mode nhất là đối với giới trẻ. Thấy có ăn, rất nhiều công ty đã nhảy ra sản xuất mặc hàng nầy. Quảng cáo của các nhà sản xuất rất táo bạo, thí dụ như nước có oxygen sẽ giúp tăng thành tích của những người chơi thể thao… Có thật vậy không" Sự thật thế nào thì phải hỏi lại! Theo tạp chí Journal of American Association  Nov 2003, thì dù cho có uống nước pha oxygen đi nữa thì thành tích của một người vận động viên cũng không thấy gì thay đổi hết! CÓ NÊN UỐNG NƯỚC ROBINET KHÔNG"

Tại các thành phố và thị trấn lớn, nước sông, rạch, ao hồ được đưa về trữ trong những bể khổng lồ tại các nhà máy nước. Sau đó, nước được lắng lọc, pha trộn hóa chất để làm trầm hiện các chất hữu cơ, giúp nước được trong, đồng thời để khử các loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Chlore (Chlorine) là chất thường được dùng nhiều nhất để khử trùng nước uống. Trở ngại chính của chlore là làm cho nước có mùi gắt, uống không ngon. Ngoài ra hóa chất nầy cũng có thể tác dụng với các chất hữu cơ, chẳng hạn như lá cây mục rác rến, để tạo ra những phế chất nhóm Trihalomethanes (THM). Người ta nghi về lâu về dài THM có thể gây ra cancer (ruột và bọng đái) hoặc gây xảo thai...Để làm mất mùi chlore, chúng ta có thể đun nước cho sôi lên để làm mùi bay đi. Chúng ta cũng có thể hứng nước vào bình, không đậy nấp và đem cất qua đêm trong tủ lạnh, hôm sau sẽ bớt mùi chlore...Health Canada cho phép nước robinet có thể chứa một nồng độ THM tối đa  là 0.1mg/lít.

Cũng có một số ít nhà máy sử dụng ozone để khử trùng nước uống. Phương pháp nầy rất hữu hiệu nhưng rất tốn kém. Trở ngại chính là ozone dần dần sẽ mất tác dụng trong hệ thống phân phối nước, trong khi chất chlore rất ổn định và bền bỉ trong nước suốt từ nhà máy đến nơi tiêu thụ.

Tại Canada, 40% thành phố đã cho thêm chất Fluoride vào nước robinet. Phương pháp nầy nhầm giúp ngừa sâu răng đồng thời cũng giúp cho răng phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đồng ý và chống đối phương pháp thêm Fluoride vào nước. Họ sợ một sự thặng dư Fluoride sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe thậm chí còn có thể gây ra cancer nữa. Health Canada cho phép nước robinet được chứa một nồng độ Fluoride là 1.0 mg trong 1 lít...Các tests xét nghiệm về vi trùng  học, virus, ký sinh trùng học, kim loại nặng và các hóa chất độc vẫn thường được thực hiện tại các nhà máy nước uống. Kết quả cho thấy là nước robinet ở Canada rất tốt và có thể uống được một cách an toàn không nguy hiểm. Tuy vậy, thỉnh thoảng chính quyền địa phương vẫn ra thông báo khuyên người dân phải đun nước cho sôi rồi hãy uống với lý do là nước đã bị nhiễm vi trùng đường ruột (coliformes) khá cao trên mức quy định...

Còn nhớ, tháng 5 năm 2000, tại thành phố Walkerton Ontario cũng đã xảy ra vụ tai tiếng nước robinet bị nhiễm khuẫn E.coli 0157:H7, còn gọi là khuẩn bệnh Hamburger. Biến cố nầy đã khiến trên 2000 dân địa phương phải đến bệnh viện để xin điều trị chứng đau bụng và tiêu chảy. Cuối cùng cũng có 7 nạn nhân chẳng may bị thiệt mạng, đa số là những người lớn tuổi...

Bên cạnh vi khuẩn ra, nước cũng có thể bị nhiễm bởi 2 loại ký sinh trùng thuộc nhóm nguyên sinh vật (protozoa), đó là Giardia và Cryptosporum. Các ký sinh trùng nầy, dưới dạng bào tử (spores), có thể sống rất dai trong môi sinh...Giardia được tìm thấy trong phân người, chó, hải ly (castor, beaver) và chuột xạ. Bị nhiễm Giardia, chúng ta sẽ bị đau bụng và tiêu chảy dây dưa cả tuần lễ... Cryptosporum cũng được thấy trong phân người và trong phân của gia súc như bò chẳng hạn. Cryptosporum có thể nhiễm vào nguồn nước, kể cả nước giếng.

Đau bụng và tiêu chảy là triệu chứng chính của nước đã bị nhiễm Cryptosporum. Bệnh có thể rất nặng ở các cháu bé nhỏ tuổi và ở các bác lớn tuổi. Đun nước cho sôi là cách hữu hiệu nhất để diệt vi khuẩn, virus và ký sinh trùng trong nước uống. Nhưng điều e ngại nhứt của mọi người vẫn là các hóa chất ô nhiễm trong kỹ nghệ và canh nông có thể có trong nước sông và từ đó mà nhiễm vào hệ thống nước robinet của thành phố...Chất diệt cỏ Atrazine là một trong nhiều loại ô nhiễm hóa học được phát hiện trong nước sông ở Québec... Atrazine có thể gây ung thư...Nhiễm chì (Pb) cũng là một vấn đề quan trọng của nước robinet. Nước máy có thể bị nhiễm chì từ hệ thống ống nước bằng chì thường thấy ở các nhà được xay cất cách nay 5-6 chục năm. Cũng may là ngày nay, luật Canada cấm sử dụng ống nước bằng chì trong việc xây dựng nhà cửa. Nhiễm chì trong thời gian lâu dài rất có hại cho hệ thần kinh trung ương, nhất là đối với các cháu bé. Để ngăn ngừa vấn đề nầy, người ta khuyên chúng ta mỗi buổi sáng nên mở xả bỏ nước robinet cho chảy tự do trong vòng 1 phút rồi hãy uống. Nước robinet đôi khi cũng có màu sắc khác thường, như hơi đỏ nâu. Đây có thể là thùng nước nóng đã bị rỉ sét, hoặc có người đang sửa chữa hệ thống ống dẫn nước trong khu vực của mình. Vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, khi mở robinet, đôi lúc nước có màu trắng đục.

Đây là hiện tượng rất bình thường mà thôi. Bọt khí được giữ trong ống, lúc được mở ra, nhiệt độ cũng như áp suất bị thay đổi đột ngột làm cho nước tạo ra những bọt nhỏ li ti. Hứng trong ly, nước có màu trắng đục, nhưng để yên một lúc thì nước sẽ lần lần trong trở lại bắt đầu từ dưới đáy ly lên trên. Nên nhớ là đừng bao giờ sử dụng nước nóng hứng từ robinet để uống, để pha sữa hoặc để nấu ăn, vì nước nóng có thể tích lũy nhiều chất kim loại, như chì và đồng cũng như các chất rỉ sét xuất phát từ bồn chứa.

UỐNG  NƯỚC  GIẾNG  CÓ  BẢO  ĐẢM  KHÔNG"

Tại Canada, dân sống xa thành thị, bắt buộc phải đào giếng để có nước mà xài. Có 2 loại giếng: giếng cạn dưới 30 mét, và giếng sâu từ 30 mét trở lên...Giếng cạn dễ bị ô nhiễm hơn giếng sâu. Như nước sông, nước giếng tự nó cũng không hoàn toàn tinh khiết trong lành. Các loại vi khuẩn, như E.coli, và ký sinh trùng Cryptosporidium từ phân gia súc có thể nhiễm vào đất và ngấm vào thủy cấp. Chất Nitrate có thể xuất phát từ tác động của vài loại vi khuẩn trên các chất phế thải gốc thực vật và động vật, cũng như Nitrate từ phân bón hóa học tan trong nước mưa và sau đó nhiễm vào nước giếng. Các hóa chất nông dược, thuốc trừ sâu, và thuốc diệt cỏ đều là những mối đe doạ cho nước giếng. Tính chất và độ trong lành của nước giếng cũng rất thay đổi tùy theo nơi. Có nơi nước giếng có thể chứa một tỉ lệ muối Calcium, Magnesium và chất sắt (Fe) khá cao. Người ta gọi đây là nước cứng (hard water), uống không ngon, giặt rửa quần áo cũng khó sạch vì làm savon ít tạo bọt được. Nước nặng vì chứa nhiều muối khoáng nên thường làm đóng quầng bồn tắm và lavabo.

Để giải quyết vấn đề nầy, người ta phải dùng một loại máy để khử bớt chất khoáng cho nước trở nên mềm (soft water) rồi mới xài...Đôi khi nước giếng có mùi hôi thum thủm như trứng gà ung. Hiện tượng này do nước chứa quá nhiều chất lưu huỳnh  (sulfur) hoặc do khí hydrogen sulfide (H2S) tạo nên bởi một số vi khuẩn. Mỗi năm, mẫu nước giếng cần nên được gởi đi xét nghiệm về mặt hóa học và vi trùng học. Để bảo vệ sức khỏe, tốt hơn hết là nên đun sôi nước giếng rồi hãy uống!

LẠY TRỜI MƯA XUỐNG LẤY NƯỚC TÔI UỐNG!

Tại nông thôn VN cũng như tại các quốc gia đang phát triển, nước mưa thường được người dân hứng lấy để uống. Riêng tại Canada, người viết chưa bao giờ nghe ai nói đến việc uống nước mưa hết. Xét cho kỹ thì nước mưa thật sự không hoàn toàn tinh khiết như mọi người lầm tưởng...Nước bốc hơi từ ao hồ, sông rạch và bể cả tạo thành mây. Từ trên cao mưa rớt xuống xuyên qua biết bao là tầng lớp không khí đầy bụi bậm, rồi rớt lên mái nhà, chảy vào máng xối đầy chất bẩn. Đó là chưa kể vô số chất ô nhiễm từ khói xe hơi, từ các ống khói ở các khu kỹ nghệ vv…quyện vào mây và nhiễm vào nước mưa. Nước mưa cũng có thể nhiễm khuẩn như bất cứ loại nước nào khác. Nước mưa thuộc loại nước mềm, nhờ chứa ít muối khoáng nên nó rất thích hợp để dùng pha trà hoặc để tưới hoa kiểng trong nhà. Để cẩn thận, nước mưa cần được đun sôi trước khi uống! 

NHỮNG MÁY LỌC NƯỚC TẠI NHÀ

Để giải quyết phần nào vấn đề ô nhiễm của nước uống, bạn cũng có thể sử dụng các máy lọc hiện có bán trên thị trường. Mỗi loại máy đều có tính chất và đặc điểm riêng rẽ, và giá cả cũng khác biệt nhau. Không có điều luật nào của chính phủ chi phối và kiểm soát sự công hiệu của các loại máy nầy hết. Chúng ta chỉ còn biết trông cậy vào những lời quảng cáo mà thôi. Nhưng có một điều chắc chắn, là nếu sử dụng không đúng cách và không năng chùi rửa, tẩy trùng thường xuyên các bộ phận chứa nước thì chắc chắn rong rêu và vi khuẩn sẽ bám đầy trong đó và máy lọc sẽ trở nên một ổ chứa vi trùng khổng lồ mà thôi.

KẾT  LUẬN

Thật ra, sống tại Canada và Hoa kỳ thì vấn đề nước uống cũng không đến đổi nào tệ lắm. Chính người viết đôi khi cũng uống nước robinet ở nhà. Lúc đi chơi xa thì dùng nước chai cho nó tiện. Ở sở, ở hãng thì có bình nước tự động. Tại các công viên, trong hội trường, trường học hoặc các nơi công cộng cũng thường có các vòi nước để cho mọi người uống giải khát miễn phí, uống hơi hôi ten một chút nhưng chã sao. Chúng ta đi ăn tiệm, ly nước đá lạnh mà mình uống trong bữa ăn chắc chắn cũng là nước robinet mà thôi...Nếu bạn không ưa “gu”, ưa mùi của nước máy, không tin tưởng và tín nhiệm các nhà máy lọc của chính phủ, và nhất là để được an tâm khỏi hồi hộp thì bạn nên uống nước chai hoặc nước lọc cho chắc ăn! Còn muốn tiết kiệm và nếu siêng thì mỗi ngày bạn hãy nấu vài ấm nước đổ vào bình chứa và đem cất trong tủ lạnh để uống dần. Đây là phương pháp rẻ tiền và an toàn nhất tuy có hơi mất công đôi chút...Riêng tác giả và chắc cũng như một số các bạn ở nhà đều có máy làm lạnh nước. Mỗi tháng chịu khó khệ nệ xách bình không ra chợ để đổi lấy bình nước đầy đem về, rồi ì ạch khiên vô nhà, hì hục khiên đặt lên máy, chỉ tội nghiệp cho cái thân già lụ khụ thêm một tí nữa mà thôi!

 Nước máy, nước chai đều là nước cả...Uống nước nào, đó là tùy theo sở thích và quyền lựa chọn của mỗi người./.

Tài liệu tham khảo:

- Questions et réponses sur l’eau embouteillée, Santé Canada.

- Contaminants dans l’eau des puits, Santé Canada.

- Protégez vous, No Juin 1999.

- Bottled water, to drink or not to drink" Iowa State University.

- Drinking water quality & Health, Colorado State University.

- Bottled water: Better than the Tap" By Anne Christiansen Bullers, FDA Consumer Magazine, July 2002.

- Bottled water: New Trends, New Rules.by Victor Lambert, FDA Consumer Magazine.

- JAMA, Oxygenated Water and Athletic Performance, vol. 290 No.18,Nov12, 2003.

- PasseportSanté.net,  Eau en bouteille ou eau filtrée, sept 2005.

- CBWA, Frequently asked quesions www.cbwa-bottledwater.org

Montreal, Dec 2, 2006  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào những năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung học ở Bồ Đào Nha, công việc đầu tiên của Ricardo Da Costa là vận động viên ba môn phối hợp (triathlete) chuyên nghiệp – bao gồm bơi lội, đạp xe, và điền kinh. Trong quá trình tham gia các cuộc thi, một trong những vấn đề lớn nhất mà anh và các vận động viên khác phải đối mặt là các vấn đề về tiêu hóa, nhưng không có ai để tâm hoặc tìm cách giải quyết vấn đề này.
Aspirin nổi tiếng với khả năng giảm đau từ các cơn đau cơ và đau đầu; giúp giảm sốt; và liều lượng thấp có thể làm loãng máu, giảm nguy cơ đông máu gây đột quỵ và đau tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng Aspirin cũng có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư ruột kết
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Khi nói đến việc giữ cho xương khỏe mạnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin D, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết để giúp cho bộ xương chắc khỏe. Nhưng dù rằng vitamin D đúng là một chất dinh dưỡng thiết yếu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của các loại vitamin khác trong việc chống gãy xương (fractures) và bệnh loãng xương, hay bệnh xương xốp (osteoporosis).
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Hôm cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao của bang Alabama phán quyết rằng: “Phôi đông lạnh là trẻ em.” Tuyên án này tuy chỉ có uy lực theo Hiến pháp và luật pháp ở Alabama, tuy nhiên, sự bắt đầu này tạo ra tiền lệ cho tất cả những vụ án vế sau của tất cả các bang khác và kề cả hiến pháp Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến thời kỳ cho phép phá thai. Nhiều người và nhiều cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt nếu làm hỏng phôi thai, như một tội giết trẻ em. Phán quyết của Alabama, được công bố hôm thứ Sáu, bắt nguồn từ hai vụ kiện của ba nhóm cha mẹ đã trải qua thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sinh con và sau đó chọn đông lạnh số phôi còn lại. Giáo sư Nicole Huberfeld của Trường Luật Đại học Boston cho biết, đó cũng là một quyết định có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.