Hôm nay,  

Quý Vị Hay Bị Đau Đầu? Nguyên Nhân Có Thể Là Do Cổ!

29/03/202400:00:00(Xem: 465)

dau co
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đau cổ và các chứng đau đầu có liên quan với nhau. (Nguồn: pixabay.com)
 
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu.
 
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
 
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp hình MRI để điều tra vai trò của cân cơ myofascial (cơ và mô liên kết xung quanh) trong các trường hợp đau đầu do căng cơ (tension headaches) và đau nửa đầu (migraines) ở 50 người. Nghiên cứu đã phát hiện mối liên quan giữa chứng đau cổ và sự xuất hiện của cả hai loại đau đầu trên. Ngoài ra, các hình ảnh chụp MRI còn cho thấy những thay đổi nhỏ trong cơ thang (trapezius muscle), phần cơ từ giữa lưng lên đến cổ và vai, có thể là do bị sưng viêm trong các trường hợp bị 2 loại đau đầu.
 
Đồng tác giả nghiên cứu Nico Sollmann, bác sĩ chuyên khoa X-quang thuộc Bệnh viện Đại học Ulm và Đại học Kỹ thuật Munich ở Đức, cho biết: “Chúng tôi cũng phát hiện mối liên quan đáng kể giữa những thay đổi trong cơ và tần suất một người bị đau đầu trong 30 ngày trước khi chụp MRI, cũng như tình trạng đau cổ. Những phát hiện này có thể cung cấp bằng chứng khách quan cho sự tương tác giữa vùng cổ và não trong các chứng đau đầu.”
 
Mark Green, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Mount Sinai Icahn ở Thành phố New York, bày tỏ nghi ngờ đối với một số phát hiện. Ông nói: “Chỉ nhìn vào ảnh chụp MRI thì không thể giả định rằng đó là tình trạng viêm, vì cơ có thể bị căng hoặc co lại.” Tuy nhiên, ông không phủ nhận mối liên quan giữa đau cổ và đau đầu do căng cơ hoặc đau nửa đầu.
 
Nghiên cứu của Sollmann không phải là nghiên cứu đầu tiên liên kết chứng đau cổ với đau đầu. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Neurology từng chỉ ra rằng tình trạng đau cổ thường xuất hiện trước, trong và sau khi người ta bị đau nửa đầu.
 
Đồng tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Neurology, Dawn C. Buse, giáo sư lâm sàng về thần kinh học tại Đại học Y Albert Einstein, cho biết: “Đôi khi, mọi người nghĩ rằng đau cổ là nguyên nhân kích thích, nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thần kinh liên quan đến cơn đau nửa đầu đã bắt đầu hoạt động. Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bắt đầu điều trị chứng đau nửa đầu.”
 
Mối liên kết giữa cơ cổ, bộ não và những cơn đau
 
Chưa thể khẳng định rõ liệu đau cổ có thực sự ‘kéo thêm’ chứng đau đầu hay không, hay chỉ là sự trùng hợp – hai cơn đau cùng xuất hiện mà chẳng có liên quan gì với nhau. Nhưng theo Jessica Ailani, giáo sư thần kinh học lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Medstar Georgetown ở Washington, những người bị đau nửa đầu thường cũng bị đau cổ, dù cơn đau nửa đầu có xuất hiện hay chưa.
 
Về nguyên nhân cơ bản, dây thần kinh chia ba (trigeminal nerve), còn được gọi là hạch thần kinh số 5, là yếu tố chung trong nhiều loại đau đầu. Dây thần kinh này kết nối với thân não và chạy dài xuống phần cột sống cổ phía trên, truyền tải các tín hiệu về đau đớn, cảm giác và nhiệt độ đến các khu vực khác nhau của mặt và đầu.
 
Khi bị đau cổ, các dây thần kinh ở phần cột sống cổ phía trên sẽ kích hoạt dây thần kinh chia ba và có thể gây ra cơn đau nửa đầu. Có tới 75% trường hợp bị chứng đau nửa đầu đều bị kèm theo đau cổ.
 
Cũng có thể đang xảy ra hiện tượng nhạy cảm đối với đau. Nói một cách đơn giản, đây là một tình trạng khi hệ thống thần kinh duy trì ở trạng thái kích hoạt, khiến cho người ta trở nên nhạy cảm hơn với cảm giác đau và giảm khả năng chịu đau. Một nghiên cứu trên Tạp chí Scandinavian Journal of Pain phát hiện rằng những người bị đau cổ và đau nửa đầu mãn tính (khi bị đau nửa đầu hơn 15 ngày trong 1 tháng) hoặc bị đau đầu do căng cơ thường có độ nhạy cảm cao hơn ở màng xương sọ ngoài (pericranial) so với những người bị đau đầu cấp tính (episodic headaches). Một giả thuyết cho rằng điều này có thể liên quan đến hiện tượng nhạy cảm đối với cơn đau.
 
Ailani giải thích: “Khi trải qua cơn đau ở một chỗ nào đó trên cơ thể, rất có khả năng quý vị sẽ dễ cảm thấy đau hơn ở những chỗ khác, vì mọi cảm giác đau đều được truyền đến bộ não. Khi bộ não trở nên nhạy cảm, cảm giác đau sẽ gia tăng. Việc làm giảm các tín hiệu về cảm giác đau cũng trở nên khó khăn.”
 
Hơn nữa, những người bị đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng cơ thường có các điểm kích thích ở phần cân cơ, khi dùng tay ấn lên những điểm này có thể gây ra các cơn đau đầu. Nghiên cứu cũng phát hiện có một mối liên kết giữa các điểm kích thích cân cơ này với ngưỡng chịu đau kém, đặc biệt là ở những người bị đau đầu do căng cơ.
 
Dựa trên các cơ chế này, bất kỳ ai bị đau cổ đều có nguy cơ bị đau đầu do căng cơ hoặc đau nửa đầu. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao phải đối mặt với cả đau đầu và đau cổ là những người bị thoái hóa đốt sống nặng (thoái hóa xương và đĩa đệm ở cổ), sai tư thế (poor posture), hoặc bị chấn thương thể thao.
 
Brian Grosberg, nhà thần kinh học và giám đốc Trung tâm Hartford HealthCare Headache Center, cho biết: “Đau cổ, đau đầu và tình trạng tăng độ nhạy cảm với cơn đau cũng có thể xuất hiện ở những người từng bị chấn thương cổ.”
 
Trong một số trường hợp, khi một người bị đau cổ kèm với đau đầu, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nếu họ cũng bị ớn lạnh, sốt, gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, đi lại, cảm giác đau lan rộng hoặc bị tê tay tê chân. Trong những trường hợp như vậy, đau cổ có thể là dấu hiệu bị u hoặc viêm màng não.
 
Trong trường hợp không có những triệu chứng đáng lo ngại trên, mà chỉ bị đau cổ cùng với đau đầu do căng cơ hoặc đau nửa đầu, thì vấn đề là phải tìm cách điều trị sao cho cả hai dạng đau không kích thích lẫn nhau.
 
Hiện tại, không có một phương pháp điều trị nào đảm bảo có thể giúp giảm cả đau cổ và đau đầu. Tuy nhiên, theo Ailani, có nhiều phương pháp điều trị không sử dụng thuốc (non-pharmacological therapies) có thể giúp cải thiện đau cổ, bao gồm mát-xa xoa bóp, châm cứu, các bài tập giãn cơ, chường nóng hoặc lạnh. Bên cạnh đó, còn một số biện pháp khác như cải thiện bố trí không gian làm việc theo nguyên lý ergonomic và sử dụng các loại gối hỗ trợ nâng đỡ cổ.
 
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các kỹ thuật giải phóng cân cơ và giãn cơ có hiệu quả trong việc giảm chứng đau nửa đầu và cải thiện khả năng linh hoạt của cột sống cổ.
 
Nhóm của Sollmann gần đây đã sử dụng phương pháp kích thích từ ngoại vi lặp lại (repetitive peripheral magnetic stimulation, rPMS) để kích thích không xâm lấn cơ vùng cổ và giảm đau cổ. Và nhóm nhận thấy rằng rPMS cũng giúp giảm bớt các cơn đau đầu.
 
Ngoài ra, có thể dùng các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để điều trị các cơn đau cổ, đau đầu do căng cơ và/hoặc đau nửa đầu. Nhưng Green cảnh báo: “Đừng lạm dụng những loại thuốc này vì về lâu dài, các cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn”. (Tình trạng này thường được gọi là đau đầu do lạm dụng thuốc hay đau đầu hồi ứng rebound headaches.)
 
Đối với những cơn đau đầu mãn tính, cùng với chứng đau cổ, có thể sử dụng một số loại thuốc trong nhóm thuốc chống trầm cảm (antidepressants) – chẳng hạn như amitriptyline, mirtazapineduloxetine – và một số loại thuốc trị động kinh, co giật như gabapentin, để ngăn chặn các cơn đau. Tuy nhiên, các loại thuốc trên chưa được FDA chính thức chuẩn thuận sử dụng để điều trị đau đầu.
 
Grosberg cho biết, các phương pháp điều trị đau nửa đầu khác bao gồm các loại thuốc như triptans, gepants hoặc ditans. Ngoài ra, còn có nhiều loại thuốc phòng ngừa trong các nhóm gepants, beta blocker, tricyclic antidepressantmonoclonal antibody.
 
Tiêm Botox đôi khi cũng được sử dụng để điều trị đau nửa đầu mãn tính, giúp làm giảm cường độ và tần suất của những cơn đau. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Toxins năm 2023, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc tiêm Botox ở 116 người mắc chứng đau nửa đầu mãn tính và có mức độ kém linh hoạt ở cổ khác nhau. Kết quả cho thấy, sau ba tháng, nhóm có vùng cổ kém linh hoạt nhất có sự cải thiện lớn nhất về tần suất đau đầu hàng tháng và mức độ kém linh hoạt do đau nửa đầu. Còn về sự cải thiện cường độ cơn đau thì không có khác biệt đáng kể giữa các nhóm người tham gia nghiên cứu.
 
Green nói: “Nếu thường xuyên bị đau đầu, tốt nhất quý vị nên tìm biện pháp ngăn chặn.” Điều này có thể giúp giảm tần suất xuất hiện những cơn đau ở cả đầu và cổ.
 
VB biên dịch
 Nguồn: “What's the source of your headaches? It could be your neck.” được đăng trên trang Nationalgeographic.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Khi nói đến việc giữ cho xương khỏe mạnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin D, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết để giúp cho bộ xương chắc khỏe. Nhưng dù rằng vitamin D đúng là một chất dinh dưỡng thiết yếu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của các loại vitamin khác trong việc chống gãy xương (fractures) và bệnh loãng xương, hay bệnh xương xốp (osteoporosis).
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Hôm cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao của bang Alabama phán quyết rằng: “Phôi đông lạnh là trẻ em.” Tuyên án này tuy chỉ có uy lực theo Hiến pháp và luật pháp ở Alabama, tuy nhiên, sự bắt đầu này tạo ra tiền lệ cho tất cả những vụ án vế sau của tất cả các bang khác và kề cả hiến pháp Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến thời kỳ cho phép phá thai. Nhiều người và nhiều cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt nếu làm hỏng phôi thai, như một tội giết trẻ em. Phán quyết của Alabama, được công bố hôm thứ Sáu, bắt nguồn từ hai vụ kiện của ba nhóm cha mẹ đã trải qua thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sinh con và sau đó chọn đông lạnh số phôi còn lại. Giáo sư Nicole Huberfeld của Trường Luật Đại học Boston cho biết, đó cũng là một quyết định có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thử tưởng tượng rằng chỉ cần uống một viên thuốc là quý vị sẽ tràn trề năng lượng, da dẻ mịn màng, và tim mạch khỏe re? Các viễn cảnh hấp dẫn này vẫy gọi mãnh liệt mỗi khi chúng ta dạo quanh qua các quầy hàng bán các loại thực dược phẩm bổ dưỡng trong hiệu thuốc, từ các loại viên uống dầu cá (fish oil), bột collagen (collagen powder), kẹo bổ sung ma-giê và muôn hình vạn trạng các loại vitamin.
Hơn một thập niên từ sau cái chết bất ngờ của mẹ, Sehrish Sayani mắc chứng rối loạn tâm thần hậu chấn (PTSD). Suốt những năm đó, những cơn hoảng loạn dữ dội nhất đã giảm dần, nhưng các triệu chứng như nghi ngại thái quá (hypervigilance), trở nên đặc biệt nhạy cảm với một số yếu tố và những giấc ngủ chập chờn đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của cô.
Trong cuốn tiểu thuyết Chuyện Hai Thành Phố (A Tale of Two Cities) của Charles Dickens, được xuất bản năm 1859 và lấy bối cảnh thời Cách Mạng Pháp, có đoạn viết: “Đó là thời đại tốt đẹp nhất, cũng là thời đại tồi tệ nhất, đó là thời đại của sự khôn ngoan, cũng là thời đại của sự ngu xuẩn.” Đại dịch COVID-19 cũng là một thời đại như thế. Một mặt, khoa học đã cứu sống được nhiều người. Chưa đầy một năm sau khi phát hiện virus, Hoa Kỳ đã tạo ra và thử nghiệm vắc xin, rồi cho sản xuất, phân phối và triển khai tiêm chủng hàng loạt miễn phí cho người dân. Ước tính vắc xin COVID đã cứu được ít nhất 3.2 triệu người chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Những thành tựu này tạo ra hy vọng về việc chúng ta có thể nhanh chóng ứng phó với đại dịch trong tương lai.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.