Hôm nay,  

Đi chơi Chùa Hương – Cầu Hội Chùa Thiên Trù

10/03/202410:12:00(Xem: 547)
Truyện

thien tru

Cổng chùa Thiên Trù
“Nam Thiên Môn”.


 

Cầu Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay bị cắt ngang hoặc che lấp.

          Mây luồn đáy nước qua cầu
          Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo.
          (Trích bài “Trên Đò Suối” của Hằng Phương)

      Khu cầu Hội có những cây gạo rất to và đẹp. Chim chóc từng đàn bay về ríu rít trên cành những cây hoa gạo này.
      Tại khu vực cầu Hội, cô lái đò cho biết thêm:
      Từ phía chân cầu bên trái của cầu Hội có con đường dẫn đến chùa Thanh Sơn.
      Từ phía chân cầu bên phải của cầu Hội có hang Sơn Thủy Hữu Tình và còn có con đường đi vào làng Hội Xá.
      Tôi nhớ làng Hội Xá là quê vợ của thi sĩ Tản Đà. Nói đến nhà thơ Tản Đà với chùa Hương, tôi không thể không nhắc tới bài thơ của cụ:

          Chùa Hương trời điểm lại trời tô
          Một bức tranh tình trải mấy Thu
          Xuân lại xuân đi không dấu vết
          Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
          Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt
          Đá hỏm hang đen tối tối mò.
          Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gối
          Phàm trần chưa biết, nhắn nhe cho.
         (Trích bài “Chùa Hương” của Tản Đà)

      Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã vừa đi qua gầm cầu Hội.
      Khi cô lái đò vừa dứt nói, tôi liền hỏi:
      - Hàng ngày cô lái thuyền trên suối, với cảnh đẹp như thế này chắc cô thích lắm nhỉ?
      - Vâng, có những hôm mây xuống thật thấp, mây trắng là là trên sườn núi. Trên mặt suối cũng có mây. Những hôm như thế thì đẹp lắm. Em cứ tưởng như em đang ở trên trời hay trên tiên cảnh. Có hôm sương mù, mọi cảnh vật như ẩn như hiện. Tuy lúc đó trời đất âm u, ảm đạm nhưng lòng mình cứ lâng lâng thanh tịnh thoát tục. Có những hôm trăng sáng, nước và ánh trăng như quyện vào nhau. Cảnh đêm yên tĩnh, em chỉ còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông chùa thánh thót vang ra. Nhìn lên trời thì sao sáng đầy trời. Em chỉ tiếc là em không được đi học nhiều nên không biết làm thơ như các anh các chị ở tỉnh thành.
      - Cô đang làm thơ đấy! Tôi nói với cô lái đò.
      Rồi tôi hỏi tiếp:
      - Thế cô chèo đò trên suối có thường gặp những chuyện vui buồn gì không?
      - Chuyện buồn thì ít thôi. Em chỉ chèo thuyền cho khách hành hương thưởng ngoạn cảnh đẹp của Hương Sơn. Với lòng người lúc đó mở rộng theo đức Phật nên cũng chẳng ai muốn làm buồn lòng ai. Chỉ có những hôm nào, em không được khoẻ người thì chèo thuyền cũng thấy uể oải lắm.
      Cô yên lặng một lúc rồi nói tiếp:
      - Chúng em chỉ được làm công việc chèo thuyền nhàn hạ này trong mấy tháng mùa xuân thôi. Khi hội chùa Hương chấm dứt, số đông chúng em lại trở về nghề làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm hay lên rừng kiếm củi, hái mơ. Cũng vất vả lắm. Chiều tối, có khi em phải làm thuê, nhận “kén” về, luộc, rồi “đánh kén” thành “chỉ tơ” (chỉ tơ dệt vải) tới khuya mới được đi ngủ.
      Cô chợt mỉm cười, mặt tươi vui hẳn lên:
      - Chuyện vui thì có nhiều, vui nhất là những hôm có mấy anh ở Hà Nội về chùa Hương, ngồi trên thuyền nhìn em, cứ khen em đẹp. Có anh còn làm thơ tặng em nữa. Những hôm như thế, đêm về em nằm cứ trằn trọc mãi không làm sao ngủ được vì vui.
      Thấy cô lái đò thật thà, cả ba chúng tôi cứ tủm tỉm cười một cách kín đáo. Tôi chỉ vào Uyên và Thi giới thiệu cho cô lái đò:
      - Để tôi giới thiệu với cô, đây là hai người em gái của tôi. Cô này tên Uyên, còn cô này tên Thi. Uyên là chị của Thi.
      - Em biết tên hai chị rồi vì em thấy anh gọi tên hai chị ấy. Nhưng hai chị đây không phải là em gái của anh. Chắc hai chị đây phải là những người bạn rất thân của anh.
      Chúng tôi trợn tròn mắt nhìn cô. Tôi hỏi ngay:
      - Sao cô biết?
      - Em biết vì em thấy anh chăm sóc chu đáo cho hai chị. Nếu hai chị là em gái của anh, thì ngược lại, hai chị đã phải săn sóc cho anh rồi.
      Nghe xong câu nói đó của cô lái đò, cả ba chúng tôi đều cười.
      - Cô nói đúng rồi! Chúng tôi là bạn thân của nhau, lại cùng ở một làng với nhau ở Sơn Tây. Thân nhau từ nhỏ.
      - Em cũng xin cố tin lời anh như vậy! Cô mỉm cười hóm hỉnh.
       Cô lái đò lấy chiếc nón lá xuống, quạt quạt vài cái cho mát rồi lại đội vào ngay. Tôi chợt bắt gặp đôi mắt hơi xếch thật đẹp và đa tình của cô mỗi khi cô cười.
       Uyên chợt hỏi cô lái đò:
       - Thế chị tên gì?
       - Em tên Hương, thằng em trai em tên Sơn. Cả hai chị em chúng em không được sinh ra ở Hương Sơn này, nhưng khi chuyển về đây ở, bố mẹ em đổi tên cho chúng em như thế. Năm nay em 18 tuổi, thằng em 14. Ở nhà mọi người quen gọi em là Mơ vì em hay vào rừng hái mơ về làm rượu mơ hay mang ra chợ bán. Trong xóm em, mọi người chỉ còn biết gọi tên em là Mơ thôi. Mấy anh trai làng cứ trêu em đẹp như quả mơ chín, (cô chép miệng tủm tỉm cười, nói tiếp) mà quả mơ chín quá thì da nó nhăn nheo, xấu lắm.
      Uyên hỏi tiếp:
      - Chị bằng tuổi em. Chị muốn chúng em gọi chị là Hương hay Mơ?
      - Các anh chị cứ gọi em là Mơ cho thân.
      Uyên nhìn Mơ tủm tỉm cười. Uyên nói tiếp:
      - Em đọc tặng chị bài thơ này nhé.
      Mắt Mơ sáng hắn lên, ngừng tay chèo hỏi Uyên rối rít:
      - Thật không chị? Chị đọc cho em nghe đi!
      Uyên đọc:

          Thăm thẳm đường chiều một khách thơ  
          Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
          Khí trời lạnh lẽo và trong trẻo
          Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
          Hỡi cô con gái hái mơ già!
          Cô chửa về ư? Đường còn xa
          Mà ánh trời hôm dần một tắt
          Hay cô ở lại về cùng ta?
          Nhà ta ở dưới gốc cây dương
          Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
          Có suối nước trong tuôn róc rách
          Có hoa bên suối ngát đưa hương. . .
          Cô hái mơ ơi!
          Chẳng trả lời nhau đến một lời
          Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng
          Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.
          (bài “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính)
     
      Uyên vừa đọc xong, Mơ vỗ tay khen:
      - Chị làm thơ hay quá! Chị chép cho em nhé!
      Uyên vội khua tay:
      - Bài thơ này không phải của em làm. Em đoán là của ông hàng xóm nhà chị đấy vì ông ấy ở cách Hương Sơn có nửa dặm đường và lại có suối nước trong nữa.
      - Không phải đâu! Trong xóm nhà em chỉ có mỗi một mình em biết chữ. Thế, tên ông ấy là gì hả chị?
      - Nhà thơ Nguyễn Bính.
      - Nguyễn Bính! Ồ, em biết rồi!
      - Chị quen với ông ta hả? Uyên giật mình hỏi.
      - Không! Hôm trước có một anh khách đi đò chép tặng em bài thơ “Cô lái đò”, nói là bài thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Bính. Anh ấy, trước khi lên bờ còn cười dặn em là em đừng đi lấy chồng vì nếu em đi lấy chồng sẽ làm buồn cho những khách sang sông, rồi còn đọc đoạn thơ này cho em nghe và em đã học thuộc:

          Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong
          Cô lái đò kia đi lấy chồng.
          Vắng bóng cô em từ dạo ấy
          Để buồn cho những khách sang sông.
          (Trích bài “Cô Lái Đò” của Nguyễn Bính)

      Uyên phì cười:
      - Chị Mơ đừng tin lời nói của những ông thi sĩ nhé. Ông Nguyễn Bính không những yêu cô hái mơ, cô lái đò, cô nuôi tằm dệt tơ, cô hàng xóm, mà yêu luôn cả cô Mán trên rừng nữa đấy.
      Mơ đứng nhìn trời không nói gì, cứ tiếp tục chèo thuyền.
      Chúng tôi đi thuyền trên suối Yến, vừa được ngắm cảnh đẹp vừa được ngồi bên nhau lại vừa được trò truyện với cô lái đò dễ mến một cách chân tình đến thích thú. Một kỷ niệm thật khó quên.
      Chẳng bao lâu, bến đò Trò đã hiện ra với chỉ lẻ tẻ dăm ba chiếc thuyền chở khách, cái đi vào cái trở ra. Được biết, vào ngày hội chùa Hương nơi bến đò này đông nghẹt những thuyền và người vào ra tấp nập. Hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng tới cuối tháng Ba âm lịch.

          Thuyền ghé khua bờ đá
          Chim mừng, rừng véo von
          Suối đến đây dừng lại
          Tiễn khách trèo lên non.
          (Trích bài “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

      Cô lái đò tắp vào bến, tìm nơi tốt để chúng tôi có thể dễ xuống thuyền. Thi nhìn chúng tôi, lên tiếng hỏi nhỏ:
      - Hay chúng ta mời chị Mơ cùng đi chơi chung cho vui?
      Chúng tôi đồng ý ngay. Khi chúng tôi ngỏ lời đề nghị ấy với Mơ, cô vui vẻ nhận lời.
      - Các anh chị cứ lên chùa đợi em. Em đi cột thuyền.
      Bến đò Trò hay còn gọi là bến đò Thiên Trù. Dẫy thuyền nằm san sát im lìm chờ khách ngay dưới chân núi Mâm Xôi, có cây cổ thụ. Không xa đó, vài ba quán ăn và quán bán đèn nhang, với vài ba hàng bán quà kỷ niệm cho khách thập phương đi lễ chùa.
      Từ bến đò, chúng tôi từ từ leo lên giốc một quãng rồi đứng đợi Mơ để cùng đi. Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy cô Mơ, đầu đội nón lá, lúp xúp chạy từ bến đò chạy lên. Bây giờ tôi mới nhận ra Mơ mặc váy vải xồi, loại vải đen rẻ tiền với chiếc áo cánh mầu nâu khoác ngoài, chỉ cài có hai cái nút áo nơi bụng. Áo cùng mầu với chiếc yếm trước ngực, đuôi yếm thả lỏng che xuống tới quá bụng. Chân cô đi đất nên bước chạy của cô cứ thoăn thoắt. Chiếc váy kêu xoàn xoạt theo những bước chân vội vã của cô.
      Cả bốn chúng tôi cùng song bước lên chùa Thiên Trù, tức “chùa Ngoài” gần ngay đó. Đi hết thêm một dốc nhỏ, chúng tôi tới cổng ngoài của chùa. Cổng chùa là một kiến trúc cổ thuần túy Việt Nam, rất đẹp. Cổng được xây theo kiểu năm cửa, vòm cửa uốn cong hình bán nguyệt. Cổng hai tầng và có nhiều mái. Phía trên cửa giữa có hàng đại tự “Nam Thiên Môn” (Cửa Trời Nam).
       Từ ngoài xa nhìn vào chùa, ta thấy chùa được xây trên một khoảng đất rộng, phẳng, có núi vây chung quanh. Trước mặt là núi, hai bên là núi, phía sau cũng là núi. Những quả núi gần chùa không cao lắm, lại cao đều nhau, không xa nhau, cũng không chen nhau nên trông rất hài hoà. Chùa có kiến trúc thông thoáng không bị gò bó bởi hình ảnh nặng nề của núi.
      Tôi hỏi Mơ:
      - Cô có biết tên những quả núi quanh chùa này không?
      - Hai quả núi có tên là Phụ Mã ở hai bên trái và phải của chùa, núi Sau Chùa ở phía sau của chùa. Ba quả núi này được ví như ba ông “đầu rau” của bếp Thiên Trù. Nhìn rộng ra xa thêm, những núi đứng sau hai quả núi Phụ Mã, bên phải mang tên Tiên Sơn, bên trái mang tên Thung Mang. Bên cạnh núi Sau Chùa là núi Ông Chây. Nếu ta nhìn về chùa Hinh Bồng (cô vừa nói vừa chỉ tay về phía núi Hinh Bồng xa xa) là núi Lão. Sau núi Lão là núi Cỏ Bồng.

          Núi bắc “đầu rau” mấy vạn niên
          Mà màn biếc thẫm đẹp thiên nhiên?
          Thiên Trù một khoảng êm phơi phới,
          Núi ngắm nhau xanh một sắc hiền.
          (Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)

      Cô giải thích thêm:      
      - Em nghe các cụ gọi chùa Thiên Trù này là “Bếp Trời” vì các cụ tin rằng khu đất chùa này, theo phong thủy, tương ứng với chùm sao Thiên Trù ở trên trời. Chùm sao Thiên Trù lại tượng trưng cho cái bếp, cho sự ăn uống. Bếp thì có ba ông “đầu rau” để kê nồi.
      Chùa có nhiều cây hoa gạo cổ thụ và có hai hàng cây hoa đại (cây bông sứ) trước cổng vào. Uyên say sưa nhìn ngắm những cây hoa gạo vươn cao.
      Mơ tiến lại gần Uyên:
      - Nếu chị đến thăm chùa vào giữa tháng hai ta, tức giữa hội chùa Hương thì chị sẽ thấy hoa gạo đỏ rực treo lơ lửng trên cành, có người ví nó trông giống như những đốm lửa nhỏ hiện trên trời xanh. Đẹp lắm! Vào cuối tháng ba, hoa gạo rụng thì tới lượt hoa đại nở rộ.  Hoa đại nở vừa đẹp lại vừa thơm.
      Chúng tôi vừa đi qua cổng là vào tới sân cấp thứ nhất của chùa. Một không gian thoáng rộng được mở ra. Chùa được xây trên mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài rất sâu theo kiểu “ngũ môn, tam cấp” (năm cửa, ba tầng bậc). Hai bên sân chùa là những gian nhà bán hàng cơm hay hàng bán quà kỷ niệm.

hung 1
     Tháp chuông (cổ)             Ngôi nhà tam bảo                  Khu bảo tháp
     
Qua sân thứ nhất là tới bậc thềm thứ nhất, có độ hơn chục bậc bước lên cao, tới sân cấp thứ hai. Hai bên sân cấp thứ hai cũng là hai dẫy nhà hàng ăn. Giữa sân có một tháp chuông, kiến trúc ba tầng, mái rất lớn và tuyệt đẹp lại uy nghi. Các người bán quà kỷ niệm rong cứ theo chân chúng tôi mời mua những xâu tràng hạt, mầu nâu có, mầu đen có hay chỉ được làm bằng những hạt cây tròn mộc mạc.
     Qua sân thứ hai, chúng tôi lại tới bậc thềm thứ hai, cũng khoảng hơn mươi bậc bước, đưa lên một sân cấp thứ ba cao hơn. Đây là sân của ngôi nhà Tam Bảo, cũng là sân chính của chùa Thiên Trù.  
      Chính giữa sân đứng sừng sững một đỉnh đồng cao ba thước và một đỉnh hương đúc bằng xi măng, khói nhang nghi ngút suốt ngày. Hai con sư tử được sơn vàng nằm chầu trước cửa ngôi nhà Tam Bảo.
      Ngôi nhà Tam Bảo là công trình kiến trúc chính của quần thể chùa Thiên Trù, một công trình kiến trúc quy mô lớn với phong cách truyền thống. Trên cột nhà Tam Bảo được treo nhiều câu đối sơn son thếp vàng. Bên trong có nhiều tượng Phật và các vị La Hán tạc bằng đá hay gỗ tuyệt đẹp, thể hiện một trình độ nghệ thuật và mỹ thuật rất cao.
      Quần thể chùa Thiên Trù liên kết với nhau theo nhiều nền tầng cấp, cao thấp khác nhau rất hài hoà tạo nên một hình dáng kiến trúc tuyệt mỹ, vừa tráng lệ lại vừa thoát tục. Đứng về góc cạnh nào cũng thấy cái vẻ đẹp dung dị mà lại sâu xa của triết lý nghệ thuật xưa và cũng sâu lắng trong sự tôn nghiêm của triết lý đạo Phật.
      Ngoài sân chùa có hồ bán nguyệt với hòn non bộ. Cây cối trong chùa xanh tươi mang vẻ đẹp thanh tao, gọn gàng bởi bàn tay con người. Cái đẹp của thiên nhiên hòa trong cái đẹp của nhân tạo làm tăng thêm vẻ siêu thoát của tín ngưỡng.  
      Một khu bảo tháp sau chùa được xây dựng để chứa hài cốt của những vị trụ trì chùa này. Ngôi bảo tháp lâu đời nhất là bảo tháp Hoà thượng Viên Quang, được xây vào thế kỷ thứ 17. Tháp được xây bằng gạch đỏ, trên nóc tháp có mái cong như mái chùa.  
      Trong chùa Thiên Trù còn có nhiều bảo vật cổ, trong đó phải kể đến quả chuông đúc vào thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793). Quả chuông trước đây được để trong động Hương Tích, sau mới đưa ra Thiên Trù.
      Quả thực ai đã đi chùa Hương, hay nói chung là Hương Sơn, ta không thể không đến chiêm ngưỡng cái đẹp, cái thanh thoát của chùa Thiên Trù.

          Thầy me đến điện thờ
          Trầm hương khói tỏa mờ
          Hương như là sao lạc,
          Lớp sóng người lô nhô
          Chen vào thật lắm công
          Thầy me em lễ xong
          Quay về nhà ngang bảo
          “Mai mới vào chùa Trong”
          Chàng hai má đỏ hồng
          Kêu với thằng tiểu đồng
          Mang túi thơ bầu rượu:
          “Mai ta vào chùa Trong”
          Đêm hôm ấy em mừng!
          Mùi trầm hương bay lừng
          Em nằm nghe tiếng mõ
          Rồi chim kêu trong rừng
           ...
          Em chưa tỉnh giấc nồng
          Mây núi đã pha hồng
          Thầy mẹ em sắp sửa
          Vàng hương vào chùa Trong.
          ...
          (Trích bài “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)


-- Nguyễn Giụ Hùng
 
Ghi chú:
(1)  Trong bài “Cảnh Chùa Hương” - Bà Huyện Thanh Quan
(*)   Hình ảnh lấy từ cuốn “Du Lịch Chùa Hương”- Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội (2009)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.