Hôm nay,  

Mùa xuân biến sắc

19/04/202417:19:00(Xem: 1119)
Truyện

hem

Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi. Tôi đến Paris làm nghiên cứu sinh về văn học so sánh tại Đại học Sorbonne. Đại học nầy là một trong những trung tâm văn học so sánh hàng đầu thế giới. James Joyce thường có mặt tại  Sorbonne trong các cuộc hội thảo, vì ông có công trình nghiên cứu quan trọng về thể loại văn học so sánh. Ông nổi tiếng là một nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu người Ireland.Tôi được diện kiến James Joyce nhiều lần và biết rõ quan hệ giữa ông với Hemingway. Ông viết thư giới thiệu với Gertrude Stein để tôi có dịp gặp Ernest.
     Tôi đến nhà Stein dự buổi họp mặt giữa các văn nghệ sĩ quen biết với Stein như Pablo Picasso, Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, Henri Matisse, và Sherwood Anderson...  Trong không gian ấm áp và trang trí đơn giản của phòng trưng bày, ánh đèn vàng lấp lánh trên các tác phẩm nghệ thuật treo trên tường. Một nhóm nhà văn ngồi chung nhau ở một góc phòng. Gertrude Stein ngồi trên một ghế lớn, cặp kính trễ xuống mũi, đang chăm chú nghe Ernest phát biểu. Ernest nói về những kinh nghiệm của mình khi viết về chiến tranh và cuộc sống trong quân đội. Bên cạnh ông, F. Scott Fitzgerald mắt sáng lên khi nghe Ernest kể về những cuộc phiêu lưu… Pablo Picasso đứng cạnh bức tranh của mình, nói về nghệ thuật thể hiện cảm xúc và mô tả sự vật khiến các nhà văn phải suy ngẫm về sự kết nối giữa văn học và hội họa.
    Không khí sôi động lắng xuống sau phát biểu cuối cùng của Sherwood Anderson. Tôi  đến gần Ernest.
    “Xin kính chào …” Tôi nhìn Ernest với ánh mắt ngưỡng mộ.
    “Chào bạn. Bạn là một nhà văn?” Ernest hỏi.
    “Tôi mới viết văn, đã đọc nhiều tác phẩm của ông. Ông là nguồn cảm hứng lớn đối với tôi.”
    “Cám ơn. Điều gì khiến bạn quan tâm khi viết văn?”
    “Chữ nghĩa và câu chuyện. Tôi luôn tin rằng ngôn từ và câu chuyện có thể giúp tôi khám phá nhiều điều mới mẻ về bản thân và thế giới xung quanh. Tôi muốn chia sẻ những câu chuyện của mình và góp phần kết nối mọi người.”
    “Một quan điểm tốt. Viết văn không chỉ là việc sáng tạo, mà còn là cách để thấu hiểu sâu sắc cuộc sống. Bạn bắt đầu viết về điều gì?”
    “Tôi đang viết về những trải nghiệm bản thân, về những người và những nơi tôi đã gặp.”
    “Một lựa chọn xác đáng. Hãy tiếp tục theo đuổi đam mê và đừng ngần ngại chia sẻ câu chuyện của bạn với người khác. Hãy luôn trung thực và dũng cảm trong viết văn.”
    “Lời khuyên của ông là nguồn động viên lớn cho tôi. Xin cám ơn.”
    Rồi ông hỏi tên tôi bằng tiếng Pháp:
    “Quel est ton nom?”
    James Joyce bất ngờ đến đứng cạnh tôi (hình như ông đã theo dõi tôi đối đáp với Ernest) và hỏi Ernest:
    “Avez-vous aussi entendu le nom de Trac Bạt?”
    Không đợi Ernest trả lời, Joyce nói tiếp:
    “Trác Bạt từ cố đô Hóa Châu qua Sorbonne làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về văn học so sánh.”
    Thật bất ngờ. Ernest quay qua tôi, hỏi như đùa cợt:
    “Tiến sĩ dùng để làm gì?”
“Tôi là nhà giáo.” Tôi nói.” Tôi cần bằng cấp cao nhất để hành nghề, viết văn chỉ là việc phụ.”
    Joyce tiếp lời tôi như nhấn mạnh vai trò quan trọng của tôi:
    “Trác Bạt sẽ thiết lập ngành văn học so sánh cho các Đại Học Việt Thường. Anh là người đầu tiên của Việt Thường làm việc về ngành học nầy.”
    “OK.” Ernest lên tiếng. “Bây giờ tôi mới biết Trác Bạt là ai. Cám ơn.”
 
*
 
Nhớ một lần ở Deux Magots, như thường lệ, Ernest ngồi viết và … tu rượu. Tôi có dịp chứng kiến giây phút xuất thần của cảm hứng sáng tác khi thấy ánh mắt ông rực sáng và viết nhanh liên tục để bắt kịp những ý tưởng tuôn trào vì sợ chúng tan biến. Viết xong, ông cười sảng khoái với niềm vui và hứng khởi...
    Ông lim dim đôi mắt,cất tiếng đọc:
    “Mùa xuân lệch lạc lại đến, mang làn gió nhẹ qua những con phố. Trong căn phòng nhỏ của tôi, hình ảnh về mùa xuân trong tôi rực rỡ hơn bao giờ hết. Những bông hoa anh đào bừng nở trên tường cho tôi tận mắt thấy một khung cảnh thơ mộng. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra bên ngoài và cảm nhận nhịp sống rộn rã của Paris. Thành phố đang thức dậy từ giấc ngủ đông. Những con đường tràn ngập ánh sáng mặt trời. Một ngày mới bắt đầu. Tiếng lao xao ồn ả từ các quán cà phê hòa vào hơi ấm của sắc xuân chớm nở, xen lẫn tiếng cười và những bản nhạc jazz nhẹ. Đó chính là âm nhạc của cuộc sống, là bản giao hưởng không bao giờ ngừng…”
    Khi thấy ông ngừng đọc và uống một ly nước, tôi nói:
    “Ở Hóa Châu của chúng tôi, người ta thường uống nước chanh để dã rượu, giảm say.”
    “Kể cả nước có ga, nước dừa…” Ernest chuyện gì cũng biết (?)
    Tôi bắt qua chuyện văn:
    “Sao lại là mùa xuân lệch lạc, Ernest?”
    “ Đó là Mùa Xuân Giả Dối, bạn sẽ có dịp đọc nó để tìm thấy câu trả lời.”
    Ông đưa tay ra dấu bảo tôi ngồi yên và đứng dậy đến ngay bàn cô tiếp viên, quay số điện thoại nói gì đó với ai một hồi khá lâu. Sau đó, một thanh niên xuất hiện. Ernest đến bắt tay chúng tôi và bước ra khỏi quán. Tôi chưa hết ngỡ ngàng, người khách trẻ đến bên tôi thân mật:
    “Chào Trác Bạt. Tôi là Jack Donova. Ernest xin lỗi phải về nhà gấp đưa cô vợ Hadley đến trường đua…”
    Chỉ cần Donovan gọi đích danh tên tôi, cảnh vật xung quanh tôi đều trở nên thân thiện. Ernest đã cho Donovan biết về Trác Bạt trong điện thoại và bảo anh tiếp đón tôi.
    Tôi chưa kịp có lời chào, Donovan hỏi tiếp:
    “Trác Bạt biết Arnold Samuelson là ai không?”
    “Có phải đó là anh chàng đến Key West năm 1934 tìm gặp Ernest? (1)”.
    “Đúng vậy. Arnold Samuelson chính là tôi.”
    Chẳng cần phải lịch sự, tôi đứng dậy ôm chầm lấy Samuelson:
    “Câu chuyện nầy quá nổi tiếng, tôi đọc báo biết rõ từng chi tiết… Điều báo chí không nói rõ là Samuelson đã làm những công việc gì để giúp Ernest.”
    “Ernest tin tưởng và chấp nhận tôi ở gấn ông suốt một năm nay, và đổi tên tôi thành Jack Donovan. Ông bảo khi nào tôi trở thành nhà văn nổi tiếng sẽ lấy lại tên thật…”
    Và cho tôi biết, anh đã làm thay Hemingway nhiều việc, giúp ông có thì giờ tập trung vào sáng tác và các dự án khác. Anh kể ra một số công việc: đọc, đánh máy và góp ý về bản nháp của Ernest, lên lịch và chuẩn bị các cuộc hẹn gặp, tìm tài liệu và thông tin cho các dự án, liên lạc với các biên tập viên, nhà xuất bản, hoặc những người khác liên quan đến công việc sáng tác của ông, hỗ trợ kỹ thuật… Trong số nầy, tôi đặc biệt chú ý công việc đọc, đánh máy bản nháp và góp ý.
    “Trác Bạt nói gì với Ernest?”
    “Ernest đọc mùa xuân lệch lạc, tôi nghe hơi lạ...”
    “A False Spring tôi đã đọc và đánh máy.Đã viết bản tóm tắt. Sắp viết bài góp ý...”
    “A False Spring cũng có thể là A Fake Spring?”
    Nghe vậy, Donovan quay nhìn tôi dò xét:
    “Hình như Trác Bạt có dự tính làm một luận án về Hemingway?”
    “Tôi chưa nghĩ đến luận án, nhưng muốn viết về Hemingway mặc dù rất khó viết, vì đã có hàng trăm người viết về ông.Hơn nữa, muốn hiểu văn chương Hemingway phải cảm nhận được hồn chữ của ngôn ngữ tiếng Anh…”
    “Ernest nói với tôi, Trác Bạt là nghiên cứu sinh về văn học so sánh. Thiết tưởng tiếng Anh của bạn đâu có khác gì chúng tôi.”
    “Nhưng tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi.”
    “Vậy Trác Bạt định viết gì?”
    “Tôi muốn sống gần ông một thời gian như Donovan rồi mới viết những gì đã cảm nhận về ông. Công việc đọc, đánh máy bản thảo và góp ý với tác giả như Donovan là cơ hội học hỏi và viết về Hemingway tốt nhất. Donovan chắc cũng nghĩ như tôi?”
    “Vâng. Tôi đã ghi nhật ký suốt trong thời gian làm công việc nầy. Giờ tôi cũng có chút vốn liếng để viết rồi.”
    “Với trường hợp tôi, Donovan có ý kiến gì?”
    “Tôi đang làm việc với Ernest để chỉnh sửa cuốn hồi ký A Moveable Feast. Sợ không thể xuất bản sớm. Trác Bạt có thể khai thác cuốn hồi ký nầy để viết những gì người khác không thể viết được.”
    “Bằng cách nào khi nó chưa được xuất bản?”
    “Tôi sẽ hỗ trợ.”
    Trở lại chuyện mùa xuân lệch lạc của Ernest. Tôi cũng có thể phân biệt ý nghĩa khác nhau giữa  False và Fake, nhưng vẫn muốn nghe Donovan nói:
    “False? Fake?”
    Không trả lời tôi, Donovan thản nhiên viết: “His statement about the incident was false” and “The painting was a fake (2)” và đẩy tờ giấy qua tôi thay vì giải thích bằng lời.
    Tuyên bố của ông ta về sự việc là không đúng (false). Bức tranh đó là hàng giả (fake). Thông thường người ta chỉ biết "false”và "fake”là hai từ có ý nghĩa tương đương mà quên nghĩ đến khác biệt tinh tế (subtile) của chúng trong cách sử dụng và ngữ cảnh. "False” mô tả điều gì đó không đúng sự thật, hoặc không trung thực. Nó thường liên quan đến sự thiếu chính xác hoặc thất bại trong việc phản ánh một điều gì đó. Nói rõ hơn, nó mô tả thông tin sai lệch, giả định không chính xác, hoặc một tình huống không phản ánh đúng sự thật. Còn "Fake”thường ám chỉ điều gì đó là giả mạo hoặc làm ra nhằm mục đích gian lận và lừa đảo. "Fake” thường mang ý nghĩa tiêu cực hơn so với "false"...
    Tôi gọi thêm rhum St-James cho Donovan… Anh ta nói về ý nghĩa khác nhau giữa A False Spring và A Fake Spring. A Fake Spring thường được sử dụng trong ngữ cảnh biểu cảm hoặc hài hước, mô tả thời tiết ấm áp, giống như mùa xuân, xuất hiện trong thời gian ngắn, và sau đó bị thay thế bởi thời tiết lạnh hơn hoặc giá rét trở lại… A False Spring nói về một mùa xuân lệch lạc, không đơn thuần mô tả mùa xuân, mà còn là cách diễn đạt tinh tế về sự không chắc chắn và phức tạp của cuộc sống, và về sự tương phản giữa hiện thực và những kỷ niệm ấn tượng về một mùa xuân tươi mới của quá khứ…
    Donovan đưa tôi bản tóm tắt của A False Spring do anh viết từ bản thảo của Hemingway. Đây là cách Donovan hỗ trợ tôi như đã hứa? Tôi chăm chú đọc kỹ…
    Vấn đề duy nhất của mùa xuân Paris là “nơi nào hạnh phúc nhất”. Nhưng những hạn chế của hạnh phúc lại xuất phát từ con người, trừ một số ít người tươi trẻ như mùa xuân. Được tiếp thêm năng lượng sau một đêm ngủ ngon giấc, Ernest dậy sớm làm việc, lắng nghe tiếng kèn (3) người chăn dê báo thức, đến bán sữa cùng đàn dê.
    Ernest mua một tờ báo đua ngựa, nghĩ đến việc cá cược. Vợ chồng Ernest lên tàu đến trường đua. Hadley đặt cược vào một chú ngựa có tên Chèvre d’Or, cuối cùng toàn bộ số tiền họ chắt chiu để dành đủ sống trong sáu tháng bị mất sạch. Từ đó, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn khi Ernest rời bỏ công việc tại báo Toronto Star để tập trung vào sáng tác. Cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, Ernest suy ngẫm về cuộc sống thiếu thốn của mình và cuộc chiến chống lại nghèo đói không bao giờ thắng nếu ta vẫn tiêu pha hoang phí. Ông tự hỏi một người hài lòng với công việc và hạnh phúc gia đình như ông không lý nào để chuyện nghèo khó ảnh hưởng đến. Ông viết:
    “…Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình nghèo. Cũng không chấp nhận mình nghèo. Vẫn nghĩ rằng mình thuộc vào hạng người vượt trội còn những người chúng tôi khinh bỉ và không đáng tin kia thì lại giàu có. Chẳng có gì lạ khi mặc áo nỉ thay đồ lót để giữ ấm. Nó chỉ lạ đối với những tên giàu có... Chúng tôi ăn ngon và rẻ, uống ngon và rẻ, ngủ ngon và ấm áp bên nhau và yêu thương nhau.”
    (… We did not think ever of ourselves as poor. We did not accept it. We thought we were superior people and other people that we looked down on and rightly mistrusted were rich. It had never seemed strange to me to wear sweatshirts for underwear to keep warm. It only seemed odd to the rich. We ate well and cheaply and drank well and cheaply and slept well and warm together and loved each other.)
    Và họ vui vẻ cùng nhau đến Gare du Nord, lên xe lửa băng qua những khu bẩn thỉu và buồn tẻ nhất rồi cuốc bộ đến trường đua một lần nữa. Chưa đến giờ, họ ngồi trên bờ cỏ ăn trưa, uống rượu, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh: khán đài, quầy cá độ, màu xanh phủ khắp trường đua, tường đá và những cây cọc trắng, đường ray, bãi tập trung ngựa… Những chú ngựa đầu tiên lững thững đi vào. Ernest đến gần mấy ngựa chiến thì gặp người quen cũ ở San Siro, Milano (Ý). Ông nầy khuyên Ernest đặt cược vào hai ngựa chiến:
    “Nên nhớ, đặt vào chúng không phải là khoản đầu tư. Nhưng đừng để chuyện tiền bạc làm mất cơ hội.”(Mind, they’re no investment. But don’t let the price put you off.)
    Ernest làm theo. Ông đặt cược vào ngựa chiến thứ nhất theo tỉ lệ một ăn mười hai. Chú ngựa phi phóng tuyệt hay, tiến về đích trước hết. Họ thắng cược, cất giữ một nửa tiền, một nửa còn lại đặt vào ngựa chiến thứ hai, tỉ lệ cược là một ăn mười tám. Trong lúc chờ kết quả, họ đến quầy bar uống champagne và hồi hộp theo dõi cuộc đua. Kết cuộc họ lại thắng nữa.
    Họ kiếm được rất nhiều tiền. Đã có tiền lại có cả thanh xuân, những gì Ernest cần đều có đủ. Đúng là một ngày hoàn hảo. Nếu mỗi người tiêu xài một phần tư tiền thắng cược,thì vẫn còn một nửa để cá cược tiếp. Hemingway viết:
    “Tôi bí mật cất giữ tiền dành riêng cho cá cược và tách biệt nó với các khoản khác.” (I kept the racing capital secret and apart from all other capital.)
    Sau đó, họ đến quán Prunier, thỏa thích với sơn hào hải vị: ăn hàu và cua Mêxico cùng với rượu Sancarre. Xong, đi bộ về nhà giữa đêm đen.
    Ta còn phải chú ý đến một nhân vật đặc biệt: Chink. Chink là người bạn chân tình của vợ chồng Hemingway-Hadley. Cặp đôi nầy làm gì cũng nghĩ đến Chink…
    Đọc ngang đây, tôi nhìn Donovan:
    “Tôi đã đọc cuốn ‘Chink: A Biography’ của Lavinia Greacen (4). Đây là cuốn tiểu sử nổi tiếng về Chink Dorman-Smith. Chink tốt nghiệp học viện quân sự Sandhurst, thủ khoa khóa sĩ quan với điểm số cao nhất trong lịch sử Sandhurst, được trao tặng huân chương trong Thế chiến thứ nhất trước khi bước sang tuổi 20, và sau đó là vị tướng đã đánh bại Rommel trong trận Alamein lần thứ nhất năm 1942, giúp lật ngược tình thế cho quân đội Anh. Cuộc đời của Chink truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của Hemingway viết hai tác phẩm “A Moveable Feast”và “Across The River  and Into The Trees”, chưa kể các yếu tố về nhân vật nầy được đưa vào các tiểu thuyết khác trong hơn 30 năm. Ảnh hưởng của ông đối với Hemingway kéo dài cho đến khi Hemingway qua đời…”
    “Hiếm có người nào không ở trong văn giới được Hemingway đưa vào các tác phẩm nhiều như Chink…” Donovan nói. “Nhưng Chink Dorman-Smith vẫn còn là một bí ẩn hấp dẫn và gây tranh cãi, là một nhân vật phi lý như David Niven bước vào tiểu thuyết của Dostoyevsky. Tác giả Lavinia Greacen đã tiểu thuyết hóa nhân vật Chink. Trác Bạt phải cảnh giác về cuốn ‘Chink: A Biography’. Hemingway chỉ cho biết Chink là quân nhân chuyên nghiệp tốt nghiệp Sandhurst và tham chiến trong trận Mons. Ông gặp Chink lần đầu ở Ý và Chink trở thành người bạn thân nhất của vợ chồng ông trong suốt một thời gian dài. Lúc đó, cứ mỗi lần nghỉ phép Chink lại đến ở chơi với vợ chồng ông.”
    Tôi đọc tiếp bản tóm tắt Donovan viết:
    Những kỷ niệm cũ liên quan đến Chink in sâu vào tâm trí của Hadley và Ernest. Nàng hỏi Ernest có nhớ mùa xuân trên đèo St. Bernaud bên Ý và cùng với Chink cuốc bộ đến Aosta? Có nhớ chuyện ăn trái cây tại quán Biffi ở Galleria? Chuyện nàng và Chink ngồi đọc sách ngoài vườn nhà trọ ở Aigle trong lúc chàng đi câu? Chuyện do Jim Gamble kể chàng nghe về loại nho tím? Chuyện Chink và Ernest lúc nào cũng trao đổi ý kiến viết như thế nào để mọi vật trở nên chân thật? Nàng hỏi Ernest có nhớ những lần chàng và Chink tranh luận mà không có người thắng,kẻ thua? Có nhớ những khi cả ba người tranh cãi hoặc trêu đùa nhau về mọi thứ? Có nhớ tất cả những gì họ đã trải qua và những gì đã nói trong các chuyến đi? Nhớ hết mọi chuyện? Và mỗi khi mùa đông và mùa xuân đến họ lại nhớ Chink. Họ chờ Chink có giấy phép về thăm để cùng họ đi lang thang đây đó…
    Nhớ đến sông nước, Hemingway viết: “Tôi nhớ sông Rhône, hẹp và đầy tuyết xám với hai luồng cá hồi mỗi bên bờ, nhớ dòng Stockalper và kênh Rhône. Dòng Stockalper ngày đó rất trong và kênh Rhône vẫn còn u ám.”(I remembered the Rhône, narrow and grey and full of snow water and the two trout streams on either side, the Stockalper and the Rhône canal. The Stockalper was really clear that day and the Rhône canal was still murky.)
    Họ đi ăn tối tại nhà hàng đắt tiền Michaud's. Ernest tự hỏi liệu nỗi nhớ họ cảm thấy khi đứng trên cầu có phải là nguyên nhân của cơn đói hay không. Hadley thì nói ngay, trí nhớ là cơn đói. Sau khi cả hai trở về nhà, Hemingway vẫn còn “cảm giác như đói”. Cảm giác đó khiến ông thao thức suốt đêm, và nhận ra rằng ở Paris chẳng có gì đơn giản, kể cả nghèo đói, trái ngược với cảm giác đơn giản vào sáng hôm sau.
    Hemingway viết đoạn cuối:
    “Cuộc sống dường như thật đơn giản vào sáng hôm đó khi tôi thức dậy và nhận ra mùa xuân giả dối, nghe thấy tiếng kèn của người đàn ông cùng đàn dê và đi ra ngoài mua tờ báo đua ngựa… Nhưng Paris đã quá cổ kính trong lúc chúng tôi vẫn còn trẻ. Không có gì đơn giản ở đây cả, dù đó là nghèo đói, là món tiền bất chợt, là ánh trăng, là đúng sai hay là hơi thở của ai đó nằm bên cạnh bạn dưới ánh trăng.” (Life had seemed so simple that morning when I had wakened and found the false spring and heard the pipes of the man with his herd of goats and gone out and bought the racing paper. But Paris was a very old city and we were young and nothing was simple there, not even poverty, nor sudden money, nor the moonlight, nor right and wrong nor the breathing of someone who lay beside you in the moonlight.)
 
*
 
    “Donovan góp ý thế nào với Ernest?” Tôi hỏi Donovan.
    “Phải  có phân tích về A False Spring, sau đó mới góp ý với Ernest.”
      Và Donovan lại đưa thêm bản phân tích do anh viết để tôi đọc tiếp:
    “Những gì Hemingway viết đều chứa đựng sự tri ân dành cho Hadley Richardson. Ông thường viết dưới dạng các cuộc đối thoại thân mật trong gia đình giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên, việc tập trung vào Hadley như điềm báo trước ngày tận thế của hạnh phúc hôn nhân. Ở đây, Hadley được miêu tả là người ngây thơ và hoài niệm, phù hợp với những cuộc phiêu lưu nhàn nhã của họ. Hình ảnh “người chăn dê thổi còi”gợi nhớ đến một cảnh trong truyện ngụ ngôn, cổ tích. Hemingway đang thần thoại hóa trải nghiệm của mình ở Paris, tôn vinh bản thân và Hadley như những người hùng: nghèo, đã không nhận mình nghèo,còn khinh bỉ những người giàu. “Vậy thì họ là ai? “Họ là những người khẳng định quyết liệt quyền được hưởng hạnh phúc và không sống như những kẻ khốn cùng. Việc Ernest sống tiết kiệm hơn mức cần thiết chỉ do hoàn cảnh nhất thời… Họ chiêm nghiệm cuộc đời theo những cách khác nhau. Với Hadley, trải nghiệm là điều quan trọng nhất, vì trải nghiệm có thể gợi lên khao khát, nó cũng là nguồn gốc của nỗi nhớ. Còn nỗi nhớ thì giống như cơn đói, ám chỉ sự thiếu thốn và vắng mặt. Với Ernest, trải nghiệm sẽ lưu giữ trong tâm trí dưới dạng ký ức. Để mất khao khát, cảm xúc và trải nghiệm là nỗi đau lớn nhất của một nhà văn…”
    “Tôi nghĩ Hemingway viết để thể hiện cuộc sống thực tế và sự nghiệp văn học của ông.”Tôi góp ý với Donovan. “Ông cố gắng tái hiện tâm trạng và kinh nghiệm từ quá khứ. Điều này giúp định hình nhân vật trong tác phẩm và tạo ra cái nhìn chân thực và sâu sắc về đời sống văn hóa tại Paris vào thời điểm mà ông gọi là một mùa xuân giả dối …”
    Phần góp ý cho Ernest, Donovan chưa viết...
 

Phan Tấn Uẩn         

Gainesville, tháng 2 năm 2024

 

 

Chú thích:

 

(1)  Năm 1934, một nhà văn 22 tuổi đầy tham vọng tên là Arnold Samuelson lên đường tìm gặp Hemingway để xin lời khuyên sau khi đọc truyện ngắn “ONE TRIP ACROSS” của ông. Là con trai một nông dân trồng lúa mì nhập cư Na Uy, anh vừa hoàn thành khóa học về báo chí tại Đại học Minnesota, nhưng đã từ chối trả 5 đô la phí tốt nghiệp. Tin chắc rằng học viết văn với Hemingway là cách hay nhất,anh ta theo một chiếc xe chở than từ Minnesota đến Key West. Samuelson sau này nhớ lại: “Đó dường như là một việc làm hết sức ngu ngốc, nhưng một kẻ lang thang 22 tuổi trong thời kỳ Đại suy thoái không cần phải có nhiều lý do cho những gì mình đã làm”. Cuối cùng Samuelson đã ở lại làm người phụ tá cho Hemingway gần một năm… Samuelson đã ghi lại trải nghiệm và nhiều bài học quý trong một bản thảo chỉ được con gái ông phát hiện sau khi ông qua đời năm1981. Cuối cùng sách được xuất bản với tên With Hemingway: A Year in Key West and Cuba. 

 

(2) Danh từ hay tĩnh từ đều viết là False, Fake ( n & adj)

 

(3) Tiếng kèn (loa) của người chăn dê đến bán sữa cùng đàn dê:

hem 1 

(4) Cuốn “Tiểu Sử Chink”của tác giả Lavinia Greacen:
 

hem 2

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói...
Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an; đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.