Hôm nay,  

Nắng Xuân Phai

16/04/202409:37:00(Xem: 1397)
Truyện

biencat
                                          Người về giũ áo xuân phai
                                     Chút hương mùa cũ còn lay lắt chiều...
                                                                        -- BC

 

Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và VN thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng  là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức.
    Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm.

*

Cô lục tục bước vào phòng  theo chân bác sĩ giám đốc và các đồng nghiệp. Khán phòng hôm nay được trang trí thật đẹp. Bàn đại biểu trải khăn trắng muốt. Ở giữa phòng, là cây đào Nhật Tân đặt tận ngoài bắc, đơm đầy những đóa hồng rực rỡ. Những chiếc ghế thắt nơ đỏ , xếp từng hàng thẳng tắp. Một băng rôn dài với hàng chữ đỏ trang trọng : Chào mừng Phái đoàn Bác sĩ thiện nguyện Hoa Kỳ.
Mọi người vừa ổn định chỗ ngồi thì đoàn khách bước vào. Tất cả vội đứng dậy. Tiếng vỗ tay vang lên rộn rã. 
    Bác sĩ giám đốc tiến tới bắt tay trưởng đoàn. Người đàn ông trung niên lịch sự bắt tay đáp lễ, mỉm cười và đưa tay trái ra dấu chào mọi người.
    Chiếc quạt trên cao hình như quay mạnh hơn. Cô nghe đầu mình choáng váng . Cảm giác chênh chao khiến cô mất thăng bằng, phải bấu chặt vào lưng ghế phía trước. Từ phút giây đó, cô như một cái máy, cố giữ bình thản, mà không nghe thấy một điều gì.
    Theo yêu cầu của đoàn khách, ban lãnh đạo có buổi họp trao đổi ý kiến và đưa ra danh sách những bác sĩ bệnh viện sẽ làm việc với các bác sĩ thiện nguyện , trong số đó có tên cô.
    Không thể nào. Không thể nào đâu…
    Cô hấp tấp gõ cửa phòng bác sĩ giám đốc. 
    — Đây là cơ hội mà tất cả các bác sĩ đều mong muốn. Và đây cũng là mệnh lệnh.
    Bác sĩ giám đốc nghiêm giọng và khoát tay ra dấu chấm dứt câu chuyện.
    Cô bước ra hành lang, bước đi loạng choạng, suýt té. Một bàn tay vội đỡ lấy cô :
    — Quyên !
    Cô ngước nhìn lên, thảng thốt trong nỗi bàng hoàng:
    — Anh Khải.
    Là anh đó sao. Người mà cô đã dành hết cả thanh Xuân để yêu và dệt biết bao nhiêu mơ ước. Và cũng là người mà cô đã cố quên đi với trái tim tan nát. 
    Nhưng dường như thời gian chỉ làm lắng đọng, chứ không thể nào chôn vùi được quá khứ. 
    Cô vẫn nhớ như in, buổi tối cuối cùng trước khi anh đi xa mãi. Trời hôm ấy mưa lất phất. Từng cơn gió heo may se sắt. Đêm âm u không có lấy một vì sao. Cô ngồi tựa sát vào anh. Một tay anh cầm ghi đông, một tay anh nắm chặt lấy tay cô. Không ai nói với ai một lời nào. Họ đi vòng vòng qua những con đường vắng. Lá xào xạc trên cao. Cô đã nhắm nghiền mắt, ước gì tất cả dừng lại. Đêm không bao giờ qua, để những tia nắng đầu ngày chẳng bao giờ đến — thời khắc mà anh sẽ rời xa cô mãi mãi. Lưng áo anh ướt đẫm nước mưa và nước mắt cô. 
    Cuối cùng rồi cũng phải nói lời giã biệt. Anh dừng xe lại trước cổng nhà, ôm lấy vai cô:
    — Nhớ đến tiễn anh nhé. Anh sẽ chờ em.
    Cô gật đầu, nghẹn ngào. Họ cứ dùng dằng như thế thật lâu. Cái lạnh thấm vào vai áo mỏng làm cô run rẩy. Anh xót xa:
    — Em vào nhà đi. 
    Cô ghìm tiếng nấc:
    — Anh đi trước đi, rồi em sẽ vào. Em muốn nhìn anh thêm lần nữa.
    Phải khó khăn lắm, anh mới buông rời cô và lên xe. Cô nhìn theo bóng anh khuất dần cuối con đường, chìm vào trong màn đêm nhòa nhạt.
    Một  người đàn bà bất ngờ từ phía sau trờ xe tới khi cô vừa định vào nhà. Cô suýt la lên vì hốt hoảng, nhưng bà ta đã kịp cất tiếng:
    — Đừng sợ. Tôi không làm gì hại cô đâu.
    — …
    — Tôi là mẹ của Khải. 
    Cô bối rối:
    — Mời bác vào nhà.
    — Không cần. Tôi chỉ muốn nói chuyện với cô thật ngắn gọn. 
    Ngừng một giây, bà tiếp lời:
    — Tôi biết thằng Khải nhà tôi yêu cô không dễ gì dứt bỏ được. Nhưng chỉ cần cô dứt khoát, là mọi chuyện sẽ chấm dứt. Khó khăn lắm gia đình tôi mới được xuất ngoại định cư. Đừng cản bước tiến của con trai tôi.
    Bà mở ví, rút nhanh một xấp tiền dúi vào tay cô:
    — Coi như tiền đền bù cho cô. Từ đây, yêu cầu cô đừng liên lạc gì với con tôi. 
    Cô sửng sốt rơi từ bàng hoàng này đến bàng hoàng khác. Cô cắn môi đến rướm máu, run run đẩy bàn tay người đàn bà ra xa:
    — Bác không cần lo lắng. Cháu sẽ làm theo ý bác.

Phái đoàn bác sĩ thiện nguyện lưu lại Việt Nam 3 tuần lễ. Công việc thì đầy ắp, mà thời gian dường như không đủ cho họ. Kế hoạch của họ là trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, hướng dẫn các bác sĩ bệnh viện sử dụng trang thiết bị mới và phối hợp phẫu thuật một số ca khó. 
    Không biết là tình cờ hay có sự sắp đặt, mà cô được bố trí cùng anh thực hiện những ca mổ, với tư cách là bác sĩ gây mê. Sự phối hợp của họ thật ăn ý, khiến mọi người phải nửa đùa nửa thật:
    — Đúng là một cặp đôi hoàn hảo.
    Những lúc ấy, cô bắt gặp ánh mắt anh đau đáu nhìn mình. Vâng, vị trí đó, anh và cô đã từng mơ ước suốt những tháng năm dài trên giảng đường đại học. Họ đã vẽ vời bao viễn cảnh tốt đẹp cho tương lai của mình, mà không ngờ rằng tất cả đều là ảo vọng. 
    Ngoài những lúc cần phải làm việc chung, cô luôn tránh mặt anh. Anh cũng thường giữ một khoảng cách nhất định với cô. Nhưng ánh mắt anh luôn tìm kiếm và hướng về cô bất cứ lúc nào.
    Sự hiện diện của anh làm xáo trộn cuộc sống của cô. Trái tim cô đập những nhịp loạn xạ, dù cô biết, cả anh và cô cần phải có một giới hạn. Cô đã nghĩ mình sẽ nhẹ nhõm lắm, khi đợt công tác của đoàn anh chấm dứt. Vậy mà, lòng cô đã buồn mênh mang trong buổi họp mặt tiễn biệt tối nay. Cô chọn một chỗ ngồi khuất ở góc phòng, lặng lẽ nhìn mọi người phát biểu, trò chuyện, nâng ly chúc mừng nhau và cả hát hò.
    Tiếng vỗ tay vang dội khi anh nâng cây đàn guitar khẩy lên khúc dạo đầu bài nhạc của Ngô Thụy Miên. Rồi bỗng dưng không khí trầm lắng hẳn lúc tiếng hát anh vang lên những ca từ nức nở:

Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
   Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
   Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy
   Dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em…”    ( Niệm khúc cuối )

Nước mắt cô chảy tràn xuống má. Cơ chừng, cô thấy anh và cô ngồi trên bậc thềm lớp học ngày nào. Nắng trải dài một vạt chiều trong khuôn viên vắng. Tiếng đàn anh từng giọt nhỏ xuống, lắng trong hồn cô và loang mãi suốt tháng năm dằng dặt sau này.
    Lẳng lặng, cô đứng lên, rời khỏi phòng , đi mãi về phía cuối hành lang. Lúc này, cô chỉ muốn ở một mình, cùng những hồi ức xa xưa.
 
Mười đầu ngón tay anh gần như ứa máu. Anh đã đàn và hát lại bài hát quen thuộc ngày nào của hai người bằng tất cả đớn đau của trái tim mình. Ánh mắt anh hướng về phía cô. Ước gì căn phòng này chỉ còn lại cô và anh. Ước gì hai lăm năm qua chỉ là cơn mộng dữ.
    Giai điệu cuối cùng chấm dứt. Anh buông đàn, lặng lẽ đứng lên rời đám đông. 
Anh tìm thấy cô nơi cuối hành lang. Dáng cô nhỏ bé và lẻ loi đến thắt lòng. Anh cởi chiếc áo khoác của mình choàng lên đôi vai mảnh khảnh.
    Họ đứng lặng bên nhau, chừng có thể nghe thấy tiếng của vì sao rơi xuống khỏi bầu trời đêm sâu thẳm. Lâu, thật lâu, anh mới cất tiếng:
    — Anh đã chờ em ở sân bay. Chờ mãi. Chờ mãi trong tuyệt vọng. Cuối cùng em đã không đến.
    — Anh đã không thôi dằn vặt mình. Giá mà ngày ấy, anh quyết đoán hơn để chúng mình không lạc mất nhau.
    Cô cười buồn, lắc đầu:
    — Anh đừng tự trách mình nữa. Chỉ là ngày đó chúng mình khờ khạo và ngây ngô quá. 
    — Bao nhiêu năm rồi, anh luôn nhủ lòng sẽ trở về đây, để hoàn thành tâm nguyện của chúng mình , là đứng cùng nhau trong ca phẫu thuật, ở một bệnh viện lớn, với danh phận là bác sĩ. Và em biết không, những ngày qua làm việc cùng em, là khoảng thời gian anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
    — Vâng, em cũng thế. Cuối cùng mình cũng làm được điều mình thiết tha mong muốn.
    Anh chợt nghiêng xuống nhìn sâu vào mắt cô:
    — Ngày mai em đến tiễn anh nhé. Anh sẽ chờ em…
    Trong một thoáng, cô nghe như thời gian của hai lăm năm xưa trở lại. Đêm cũng lạnh và buồn trong giây phút chia xa.
    8:00 sáng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê cần phẫu thuật gấp. Bác sĩ Thìn và cô lập tức phụ trách ca này. Hơn hai tiếng đồng hồ tranh giành mạng sống cho nạn nhân, cô lảo đảo bước ra khỏi phòng mổ. Lúc này, cô mới chợt nhớ đến anh. Kim đồng hồ trên tường chỉ 10:10’. 
    Cô cuống quýt bàn giao ca, thay đồ, vơ vội túi xách và chạy nhanh ra cổng. Chiếc taxi vừa trờ tới, cô đã vội vàng mở cửa bước lên, giục tài xế đến phi trường. Chỉ còn 55’ nữa thôi là anh sẽ lên máy bay.
    Sân ga quốc tế kia rồi. Không kịp chờ tài xế tìm chỗ đậu xe, cô đã hối hả mở cửa bước xuống. Cô chạy như bay, dáo dác tìm bóng anh. Trước cửa phòng chờ, anh cũng đang dáo dác tìm bóng cô. 
    — Quyên, anh đây.
    Cô lặng nhìn anh. Nét mặt còn vương vẻ hớt hải. Anh mỉm cười bước đến nắm tay cô. 
    — Cảm ơn em đã đến.
    Những ngón tay cô lóng ngóng trong bàn tay anh, run rẩy.
    Người bạn cùng đoàn anh đứng bên trong phòng cách ly ra dấu gọi. Cô cúi xuống thẫn thờ:
    — Anh vào đi, muộn rồi.
    — Ừ, anh vào đây.
     Anh gật đầu, nói rất khẽ và lặng lẽ quay đi. Nhưng bất chợt, anh xoay người lại, sải những bước thật nhanh đến bên cô. Vòng tay anh ghì chặt lấy cô. Cô nghe hơi thở mình gấp gáp trong nhịp tim anh dồn dập. Thời khắc như dừng lại. Chừng như là thiên thu của đời người. 
    — Hạnh phúc và bình an, nhé em. Tiếng anh như gió thoảng bên tai cô.
    — Vâng, hạnh phúc và bình an, nhé anh. Tiếng cô cũng thì thầm như tiếng gió. Ánh mắt họ nhìn nhau thiết tha. Sâu xa tận đáy lòng họ, là nỗi xót xa lẫn niềm vui ngập tràn. Vì họ biết rằng, suốt cuộc đời này, dù xa xôi góc biển chân trời, vẫn luôn có một người yêu thương và dõi theo mình.

Cô thả bộ dọc theo con đường thênh thang nắng. Những tia nắng mùa Xuân vàng óng ánh, vờn trên những ngọn cỏ xanh mươn mướt. Có tiếng động cơ máy bay vang ầm ì trên cao. Cô ngước lên, nhìn hút chiếc máy bay đảo cánh vút vào bầu trời  xanh biếc. Mơ hồ, cô như nhìn thấy anh đang mỉm cười cùng cô, nụ cười chênh chao trong màu nắng. Thì thầm, cô lập lại câu đã nói ban nãy cùng anh:
    — Hạnh phúc và bình an, anh nhé. 

-- Biển Cát

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...