Hôm nay,  

Em búp bê Giáng Sinh

23/12/202200:00:00(Xem: 1596)
  
bup be giang sinh
Hình minh họa
 
Theo trí nhớ của tôi về quá khứ xa xôi, tôi vẫn nhìn thấy bà hầu tước De Flavigny luôn tươi cười và thanh thản. Bà thường ngồi ở chiếc ghế bành thấp bọc nhung màu vàng nhạt, đầu đội chiếc nón len viền ren, có vài lọn tóc bạch kim lòa xòa trên mặt. Bên cạnh bà luôn có một phụ nữ khác cùng lứa tuổi, ngồi ở chiếc ghế thấp, cũng tươi cười hiền hậu: bà ấy thường được gọi là "Cô Odile". Bà ấy không phải là cô hầu, mà hình như có một mối dây thân mật khiến hai bà là đôi bạn thân; họ thường ngồi đan những chiếc váy lót bằng len để rồi mỗi thứ năm đem tặng cho người nghèo cùng với một mẩu bánh mì và năm đồng tiền hai xeng (liard = 1/4 xu của Pháp thời đó), vừa kể cho nhau những dòng tâm sự không bao giờ cạn. Vào những ngày không đan thì họ lại lục soạn bao nhiêu là tủ kệ, mở những hộp xinh đẹp quấn đầy cả dải ruy băng, rồi bày ra nào là những khăn lót dĩa, lót bình hoa thêu thùa rất công phu, rồi chùi dọn suốt ngày. Bọn chúng tôi là một đám trẻ con tò mò được phép chứng kiến những hoài niệm về kho tàng cổ xưa rất hữu ích ấy, với điều kiện không được đụng đến bất cứ thứ gì.
 
Bên trong một cái tủ bí mật ấy, như là ngôi đền nhỏ, chúng tôi thấy một vật để đứng trong một hộp thủy tinh mà hai phụ nữ ấy chăm chút như một vật linh thiêng: đó là con búp bê lớn, mặc một chiếc áo đầm bằng lụa đã sờn theo kiểu xưa; đầu nó thì đã rụng gần hết tóc qua thời gian, mũi thì bị gãy, gương mặt và tay thì đã bị tróc hết lớp sơn bọc ngoài, và chân thì chỉ còn một chiếc giày gót cao đã bị nứt nẻ, màu đỏ phai nhòa, với khóa cài bạc đã thành đen đủi.
 
Khi nhìn thấy món đồ vật trang trí ấy, bà hầu tước và cô Odile bế nó ra với sự dè dặt của đứa trẻ lễ sinh ở nhà thờ khi phải cầm vật thánh trong hòm thánh tích: họ nói từng câu ngắn với vẻ ké né: "Ôi, CÔ BÉ lại bị rụng tóc nữa rồi... Cái váy lót lại mòn thêm nữa... Ôi ngón tay này lại sắp rơi xuống nữa nè." Họ cẩn thận chăm chút mở nắp hộp ra, vỗ bụi trên tóc, vuốt nếp gấp chiếc váy bằng đầu ngón tay, nhẹ nhàng, âu yếm. Rồi họ để em búp bê trên ngăn kệ đẹp nhất, như trên một kệ thờ.
 
– Bé có đứng được không, cô bạn yêu dấu của tôi? – Bà hầu tước hỏi bạn mình. Còn bà Odile thì chỉ gọi bà là "Bà Solange" một cách thân mật, không kèm chức tước.
 
Chúng tôi không biết gì thêm về hai phụ nữ ấy và con búp bê, cho đến một đêm trước Giáng Sinh, vào một năm xa xưa lắm rồi, bỗng dưng chúng tôi được tham dự, được "kết nạp" vào toàn bộ bí mật đó. Hôm ấy Odile và bà bá tước đã nói chuyện với nhau một cách sôi nổi hơn thường ngày. Đến chiều tối, cả hai trở nên trầm lặng, gần như tĩnh tâm, rồi im lặng chắp hai tay lại, ngậm ngùi nhìn nhau, và ta hiểu rằng họ đang hướng về một kỷ niệm thật yêu dấu của riêng họ. Khi bên ngoài trời tối hẳn, Odile thắp nến lên rồi lấy xâu chìa khóa từ bên trong cái tạp dề, bà mở cửa tủ đựng em búp bê. Bà bưng con búp bê ra khỏi hộp; trong mớ áo quần trang hoàng kiêu sa thuở nào, giờ đây với cái đầu nhẵn tóc, nó có vẻ già hơn hai người phụ nữ rất nhiều, và họ đang chuyền tay nhau vật báu bằng những cử chỉ thật chăm chút, gần như là âu yếm, như thể đối với con gái yêu.
 
Nữ hầu tước để con búp bê lên chân mình, nhẹ nhàng kéo đôi tay bằng thạch cao đến gần thân nó, toàn bộ khớp kêu ken két như tiếng rên rỉ, rồi bà nhìn ngắm "cô nàng" với một nụ cười thật trìu mến:
 
– Cô bạn yêu dấu của tôi. Bây giờ ta kể chuyện của mình cho bọn trẻ nghe nhé?
 
Odile gật đầu đồng ý, nữ hầu ước ra dấu cho chúng tôi đến đứng quanh bà; con búp bê vẫn ngồi trên đùi bà, và làm như bà sẽ thuật lại câu chuyện cho mỗi con búp bê nghe thôi.

Bà kể rằng từ rất nhiều năm trước, khi bà con là đứa trẻ, cuộc nội chiến tàn phá xứ Bretagne của bà, đó là thời gian kinh hoàng. Từ những ngày đầu năm 1792, cha mẹ của bé Solange đã di cư, và giao bé cho một bà nông dân sống bên cạnh lâu đài của họ ở Ploubalay trông chừng, vì tính cách nguy hiểm của cuộc trốn chạy nên không thể mang bé đi cùng; họ nghĩ rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc thôi, và họ sẽ trở về trong thời gian ngắn. Nhưng rồi không lâu sau đó, biên giới đã bị đóng cửa, và luật lệ gắt gao ngăn cấm những kẻ di cư trở về lại nước Pháp. Cô bé Solange phải ở với gia đình người hàng xóm tốt bụng, không nhận được tin tức gì của cha mẹ mình, vì hình phạt sẽ là án tử hình nếu ai có ý muốn liên lạc với những người di cư.
 
Ploubalay là một ngôi làng rộng lớn, cách Saint-Malo khoảng ba dặm; bờ biển gần đó có đầy cả những tảng đá lớn, bao quanh là quần đảo đá ngầm, nên mọi mưu toan cập bến đều rất nguy hiểm. Bọn lính mới chiếm cứ toàn bộ thị trấn, họ đã đuổi bon lính phe bảo hoàng đi; tên trung sĩ cầm đầu bọn họ là một người có tính tình như bao nhiêu người trong quân cách mạng: thô lỗ, sắt đá. Hắn người vùng Alsace, tên là Metzger. Mọi người đều sợ hãi hắn ta, nhất là đối với bé Solange, khi nhìn bộ ria mép, đôi lông mày rậm, ánh mắt nghi ngờ, giọng nói cứng ngắt, vang to của người đàn ông kinh khiếp đó là cả một cơn ác mộng cho bé.
 
Khi tên trung sĩ không làm việc với toán lính của hắn, thì hắn ngồi ở cửa nhà thờ, để canh chừng những con đường của thị trấn với vẻ mặt thật dữ tợn. Một hôm bé Solange đi mua bánh mì cho bà Roualt, lúc về thì thấy ông ấy đang nhìn theo mình. Bé muốn đi vòng ra sau, nhưng lại không dám. Lấy hết can đảm, bé liền đi thật nhanh như thể ở nhà đang có người đợi mình. Đến lúc tưởng rằng đã thoát đôi mắt cú vọ của hắn, bỗng bé nghe thấy giọng nói ồm ồm của tên lính:
 
– Này cô bé kia, đứng lại!
 
Cô bé tội nghiệp cảm thấy như tim mình ngừng đập: bé không bước được nữa, chắc là chết giấc mất thôi.
 
– Đến đây xem nào. Xích tới chút nữa.
 
Bé phải nghe theo, không còn kiểm soát mình được nữa, bé chỉ cách tên trung sĩ hai bước chân, mà cũng chưa dám ngẩng mặt lên nhìn. Hắn để bé đứng như vậy một lúc, rồi bỗng bằng một giọng vang to như sấm làm con bé rùng mình:
 
– Mi thuộc dòng quý tộc phải không?
 
Cô bé há hốc miệng, phú dâng cho Thượng Đế. Bé không hiểu lắm, nhưng biết rằng chữ đó là dành cho những người sẽ bị giết.
 
– Mi bao nhiêu tuổi hả?
 
Bằng một giọng khàn đi vì kinh khiếp, bé trả lời:
 
– Tám tuổi, bé định nói thêm cho lịch sự – Thưa ông – nhưng rồi không thốt ra, vì biết rằng nếu nói ra thì tên ấy sẽ bóp cổ bé ngay tức khắc. Nhưng hắn không có vẻ gì là để ý đến điều đó, lại làu bàu:
 
– Hừ, tám tuổi... tám tuổi! – Rồi nói thầm – Mi cao lớn và mạnh khỏe đấy, so với tuổi của mi.
 
Cô bé nhìn ông ta, hắn thật là kinh khủng, với vẻ mặt dữ dằn, đầu đội cái nón hai sừng có vài sợi lông chim đỏ, gương mặt rám nắng, ống điếu thì đen thui, túi đạn đeo chéo trước ngực, kiếm dài ngoằng và đôi ủng đầy cả bùn sình. Và điều ghê gớm nhất là đôi mắt hắn, sâu hoắm, sắc sảo như chực ăn tươi nuốt sống cô bé.
 
– Thôi, về nhà đi! – Hắn ra lệnh. Cô bé nghe thế liền nhanh chân chạy một mạch về nhà, vừa chạy mà tim vẫn còn đập thình thịch.
 
Kể từ hôm đó, cô bé có cảm tưởng như tên trung sĩ luôn theo dõi mình. Khi hắn có việc đi ngang trước nhà gia đình Rouault, là phải cố nhìn vào bên trong để tìm bé. Hoặc khi gặp bé ngoài đường, hắn gọi bé bằng cái giọng quỷ quái, thô lỗ, làm cho con bé run lẩy bẩy “Ah! cô bé kia!” Solange ước sao không phải đi ra ngoài nữa, nhưng bà Rouault, tiên đoán rằng cha mẹ của bé sẽ không có cơ may trở về nữa, và bà không thể để bé ăn không ngồi rồi, nên thường sai đi mua những thứ cần thiết cho gia đình.
 
Thế là, bị ép buộc để hằng ngày phải diện kiến với con bù nhìn ghê sợ của mình, Solange đành phải chịu đựng sự nghiệt ngã của đời mình; và tên lính mới ấy chỉ còn chờ có được cơ hội. Một hôm khi đang ngồi rửa rau ở máy nước công cộng trong khu nhà, hắn bỗng xuất hiện và hỏi:
 
– Này bé, tên mi là gì?
 
Cô bé biết rằng giờ ấy đã điểm, nên cam chịu trả lời:
 
– Solange...
 
Tên lính reo lên:
 
– Solange! (Hắn đọc là Zaulanche) – Cái tên mới ngộ làm sao! – Rồi hắn nắn cánh tay bé, và bế con bé lên để xem thử nó có nặng không – Tám tuổi ư! Sao mà lớn nhanh thế!
 
Cô bé có cảm tưởng như mình đang là con mồi ngon trong tay một con yêu tinh.
 
*
 
Bây giờ đang là tháng Mười Hai, những tháng ngày u buồn ảm đạm, không có ánh dương; ngày nào bọn lính mới cũng bắt được những người di cư trở về, họ sống quá cơ cực ở Jersey hoặc Luân Đôn, không chịu đựng nổi, nên ao ước được trở về Pháp, rất nhiều người đã mạo hiểm cập bến.
Bọn lính phục kích ở bờ biển cũng như toàn bộ khu vực, và đã luyện một đám chó to lớn đi săn loại mồi đặc biệt này, để tìm ra tung tích những kẻ khốn cùng, ban ngày thì nằm bẹp trong lau sậy, ban đêm thì men theo các mương rãnh. Dân làng thường thấy bao nhiêu người đi ngang qua Ploubalay này bị xiềng xích, áo quần tả tơi, bọn lính đi kèm họ đến Saint Malo, hoặc Rennes, rồi sau một cuộc xét xử sơ sài, đem họ ra bắn. Luật lệ không nương tha và không có kháng án: bất cứ người di dân nào bị bắt là chịu tử hình.
 
*
 
Vào đêm vọng Giáng Sinh năm 1793 ấy, trong làng không còn ai nhớ về những buổi lễ thân thương của thuở xa xưa nữa. Nhà thờ thì đóng cửa, chuông thì im vắng; đêm tối đã buông xuống, đầy sương mù; suốt ngày người dân nghe tiếng chó sủa không ngớt về phía khu Bodard: hôm nay bọn lính đã thu hoạch được khá rồi.
 
Cô bé Solange ngủ ở căn gác kế căn đựng thóc lúa, đầy cả bóng tối ghê rợn, và ban đêm bé nằm bất động, nghĩ đến bao nhiêu điều bất trắc có thể xảy ra. Hôm ấy bé vừa thay áo quần vừa run vì lạnh và bé thật buồn, nhớ đến bao nhiêu đêm Giáng Sinh với cha mẹ mình, thật vui thích, và trong lòng bé thấy thương mến làm sao!
 
Những buổi sáng thức dậy sao sung sướng hạnh phúc quá! Ở cạnh lò sưởi tràn đầy quà cáp gói bằng dải nơ thật xinh xắn, rồi bao nhiêu là đồ chơi và bánh kẹo! Vừa mơ mộng như thế, cô bé vừa cầm đôi guốc gỗ một cách uể oải, không muốn để cạnh lò sưởi vì biết rằng rồi đây chúng cũng sẽ trống trơn khi bé thức dậy, y như năm vừa rồi. Ngay cả Đức Chúa nhỏ bé cũng lo sợ và không đến nước Pháp nữa hay sao?
 
Bé có cảm tưởng như có tiếng động, thế là bé nhanh nhẩu thổi nến và chui vào chăn. Rồi bé ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, bé thấy như cánh của nhè nhẹ mở ra, và một bóng đen lẻn vào căn gác. Bé hé mắt ra nhìn: căn phòng bây giờ đã được ánh trăng chiếu sáng,. Ta có mơ không đây? Bé nhận rõ bóng đen là một người đàn ông: một người đàn ông ăn mặc như những người di cư mà bé thấy ở ngoài quận khi lính đem tù nhân đi Saint Malo; rồi bé nghe thấy một giọng nói thật khẽ:
 
– Solange, bé con nhỏ cưng của ta, đừng sợ con ạ.
 
Bé cảm thấy một bàn tay đang vuốt những lọn tóc trên trán mình một cách cẩn thận. Một tia sáng ánh trăng đang chiếu rõ cô bé. Người đàn ông nhìn bé:
 
– Ôi con yêu Solange của ta, con xinh đẹp quá, và cao lớn, mạnh khỏe nữa!
 
Ông ấy không ngớt ngắm nhìn bé. Rồi ông ôm lấy bé một cách cuồng nhiệt, và hôn tới tấp làm bé xuýt nghẹt thở. Bé không còn biết mình thức chưa hay còn đang mơ; nhưng bé biết ngay là nếu cha của mình còn sống, thì đây chính là giọng của người, những cái vuốt ve trìu mến, và ôm ấp bé như thế. Bé thấy người đàn ông quỳ bên cạnh giường mình, rồi bé nghe ông khóc nức nở; bé khép mình trong tay cha. Rồi quá hạnh phúc, bé nhắm mắt ngủ tiếp.
 
Bình minh hôm sau, bé mở choàng mắt, và lúc đầu thật khó khăn để nhớ lại những gì vừa xảy ra đêm qua, nhưng rồi bé trấn tĩnh lại: chắc chắn là mình đã nằm mơ rồi. Căn phòng trống trơn, cánh cửa thì khép kín; dưới nhà bé nghe rõ bước chân bà Rouault đi qua đi lại. Solange ngồi ở mép giường, và bỗng nhiên, sung sướng hét lên. Trên đôi guốc của mình, được sắp lại ngay ngắn, bé vừa nhìn thấy một con búp bê dựng đứng, mặc chiếc váy thật rực rỡ bằng lụa xanh, một con búp bê thật cao lớn, uy nghi, tươi cười, ăn mặc như một phu nhân, với những lọn tóc xoắn thật xinh bao lấy khuôn mặt bằng sứ thanh tao, trên vai là khăn choàng kiểu hoàng hậu, chân thì mang giày bằng da cừu, khóa cài giày lại bằng bạc sáng loáng.
 
Cô bé liền quỳ xuống trước "lệnh bà", và ngay tức khắc gọi bà là Yvonne. Bé thay áo quần rất nhanh, rồi ôm "con gái" trên tay, bé đi xuống nhà. Bà Rouault vừa nhác thấy bé cùng với món đồ chơi tuyệt diệu ấy mà trong trí tưởng tượng của bà cũng chưa bao giờ mơ ước được, vô cùng ngạc nhiên thốt lên:
 
– Lạy Trời, Solange, ai cho cháu con búp bê này vậy?
 
– Thưa bà, đó là của chúa Hài Đồng Giê Su cho cháu ạ. – Cô bé trả lời một cách hồn nhiên.
 
Người đàn bà há hốc miệng kinh ngạc. Ôi, nói về lòng tin theo kiểu thần thánh này thì bà chịu thua thôi. Tuy nhiên, bằng chứng rành rành đây khiến bà choáng ngợp: bà biết rằng ở Ploubalay này, hoặc ngay cả tỉnh thành Matignon, Saint Malo, hoặc Rennes đi nữa cũng không một ai có thể sắm được cho mình hay người thân một món đồ tuyệt diệu như thế. Thế rồi, chính vì điều này, bà trở nên rất cung kính, và ngắm nhìn mà không dám đụng vào phu nhân mà Solange trao cho bà một cách long trọng. Bà liền gọi ông đến:
 
– Ông xem thử món quà mà Chúa Hài Đồng mang đến cho Solange nè.
 
Ông ấy là một người chất phác,và không biết gì về những trang sức lụa là của các bà mệnh phụ đâu. Nhưng rồi các bà hàng xóm đều ùa đến. Tất cả đều choáng ngợp và chắp tay lại kinh ngạc, rồi xầm xì; vài người nghiêng mình trước một vật thần thánh, vài người không hiểu nổi điều thần bí này.
Còn Solange thì chẳng quan tâm đến nỗi xúc động của họ, bé đang ru Yvonne, và ôm hôn nó một cách thận trọng, môi chỉ dám phớt nhẹ lên lọn tóc vàng óng và đôi má bóng lưỡng của con gái mình; bé đem nó đến cửa sổ để cho nó thấy cảnh bên ngoài. Rồi bà Rouault trở về với thực tế, sai con bé đi mua hàng ở tận góc xa xôi của ngôi làng; con bé hớn hở đem em búp bê theo. Hiện tượng này đã được một nửa quận biết rồi; các bà nông dân đứng ở cửa sổ để nhìn, và bé Solange biết được bây giờ mình trở nên quan trọng như thế nào rồi.
 
Khi bé đến trước nhà thờ, nơi đó tên Metzger vẫn ngồi vắt ngang ghế, lần này thì bé không thèm quay đầu lại để nhìn nữa: hôm nay chẳng có mối hiểm nguy nào đến với bé nữa rồi? Niềm vui bất tận trong lòng khiến bé không còn sợ việc gì hay ai nữa, nên khi tên trung sĩ gọi bé lại, và hỏi nó ôm vật gì, thì bé trả lời một cách tự tin:
 
– Đó là một con búp bê, một con bê thật đẹp.
 
– Ở đâu mà nhóc có được vậy?
 
– Thưa ông trung sĩ, chính Chúa Giê Su Hài Đồng đã cho tôi.
 
Tên lính theo phe cộng hòa liền đứng phắt dậy, lấy chân hất cái ghế ra:
 
– Mi nói cái gì? – Hắn hét lên.
 
– Đó là con búp bê mà Chúa đã cho cháu nhân dịp Giáng Sinh, ông trung sĩ.
 
– A, mi nghĩ là ta sẽ tin vào...
 
Nhưng trước vẻ ngây thơ của con bé, hắn ngừng nói. Nhưng hắn giật lấy con búp bê từ tay cô bé, nhìn thật kỹ, rồi nói:
 
– Ôi, một lệnh bà đẹp thật; mà này, nhìn xem, bên dưới giày có ghi nè: Berkint-London. Vậy ra con búp bê này là dân xứ Anh quốc? Vậy thì Chúa Giê Su Hài Đồng là người Anh hả?
 
– Cháu không biết, thưa ông.
 
Cô bé vừa trả lời vừa lấy lại con búp bê; bây giờ niềm vui của cô bé đã bị hỏng rồi.
 
– Để xem nào… – Hắn làu bàu, rồi quay lại gọi thuộc hạ.
 
Một tên hạ sĩ chạy ra. Hắn hỏi tên hạ sĩ:
 
– Hôm qua có người lạ nào xuất hiện trong làng không?
 
– Dạ tôi nghĩ là không đâu ạ, hôm qua bọn lính canh đã làm việc rất tốt. Thật ra đám chó săn đã hú lên một cách không bình thường, nhưng chúng tôi đã lục soát kỹ mà không tìm thấy gì cả.
 
– Được rồi, tập họp mọi người lại đi. Rồi hắn đeo túi đạn vào, cài dây lưng, lấy khẩu súng và dẫn đầu đám lính đến nhà bà Rouault.
 
Solange lo lắng đi bên cạnh hắn, nhưng bước nhanh hơn, và ôm ghì bé Yvonne xinh đẹp và tươi cười vào lòng. Đến nơi, hắn ta để hai tên lính gác trước cửa, rồi chia vài tên ra khắp nơi bên trong và quanh nhà. Rồi bảo đám còn lại đi theo mình, hắn vô trong phòng, cầm tay bé Solange, ngồi vào ghế, rồi kéo bé đến gần mình, và bằng một giọng rất nhỏ nhẹ, có lẽ để dỗ dành con bé:
 
– Nào, bé con, kể cho ta nghe tất cả mọi việc đi nào.
 
Thế là bằng một giọng rất nhỏ, buồn bã, cô bé bắt đầu kể về "giấc mơ của bé", về người đàn ông mà bé nghĩ là đã nhìn thấy trong phòng, về ảo tưởng của những nụ hôn mà ông ấy đã hôn bé, và rồi đến lúc sáng, cô ngạc nhiên xiết bao khi phát hiện ra con búp bê thật xinh.
 
Tên trung sĩ lắng nghe thật kỹ lời của cô bé, không bỏ sót chi tiết nào. Bỗng dưng, quay lại phía đám lính đang lắng nghe, hẳn ra lệnh:
 
– Bọn bay quay trở ra đi, và hãy canh cho thật kỹ mọi ngõ ngách! Nã súng vào đầu bất cứ tên nào có ý trốn chạy!
 
Bọn họ ra ngoài, khi còn lại một mình Metzger và cô bé:
 
– Nào, bé con, mi nói là người đàn ông đã hôn mi... và gọi là "Solange bé nhỏ của ta", rằng ông ấy đã quỳ bên cạnh giường cô bé và còn khóc nữa?
 
Cô bé gật đầu, không muốn nói dối, nhưng cũng cảm nhận được một tai họa sắp xảy đến. Metzger chưa vội hành động. Hắn đặt đôi tay thô ráp lên vai bé Solange, và nói thật nhỏ, như thế nói cho chính mình:
 
– Ừ… – Hắn ta nói một cách nghiêm trang – Ta cũng có một bé nhóc con như thế này, ở Alsace, thành phố Gersheim... Nó cũng lên tám tuổi... Tròn hai năm rồi ta cũng chưa gặp lại con bé... và ta nói thế này: Để chỉ nhìn thấy nó thôi, cho dù nó đang ngủ, trong bóng tối, để hôn nó một chút thôi, chỉ để cảm thấy nó thiu thiu ngủ trên vai ta, mớ tóc vàng của nó sát vào mặt của ta... thì ta đây cũng dám liều mạng sống của ta như vậy... Hình như người cha nào cũng như thế cả.
 
Hắn đăm chiêu suy nghĩ thật lâu. Rồi hắn trở nên cương quyết, đứng phắt dậy, lại thô bạo, và lắc lắc cái đầu như để xua đuổi một ý nghĩ hèn kém nào đó, rồi quay ra cánh cửa mở:
 
– Hai người đi với ta, chúng ta sẽ lục soát căn nhà nhỏ bé này!
 
Solange bỗng la lên:
 
– Thưa ngài trung sĩ, khoan đã!
Bé đã nghe tên lính ấy nói và đột nhiên cô bé hiểu tất cả: đêm đó, chính ba của bé đã đương đầu với cái chết để được đến vài phút bên cạnh con gái bé cưng, đã rời khỏi nơi ẩn náu, băng qua biển cả, cặp bến vào những tảng đá nguy hiểm, trườn người giữa đám lau sậy dưới họng súng của bọn lính canh, đề về đến làng. Chính ba của bé khi nghĩ rằng bé sẽ không có món đồ chơi nào cho lễ Giáng Sinh cả, nên đã mang "lệnh bà" đến cho nó.
 
Ba của bé đang ẩn trốn trên căn gác kia, và họ sẽ lên bắt ông đi, và bé sẽ nhìn thấy ông bị xiềng xích quấn vào người, và đi với bọn người lính bao quanh... Thế rồi, cô bé, lòng dạ tan nát, khóc nức nở làm rung cả đôi vai bé nhỏ, và chạy đến bên tên trung sĩ:
 
– Đợi đã! Đợi đã, ông ơi!
 
Tên lính bây giờ đã trở lại vẻ hung ác dữ dằn, nói bằng giọng thô lỗ:
 
– Gì nữa đây? – Hắn hỏi.
 
Solange suy nghĩ như thế này: Để cứu cha của bé, bé sẽ đưa hết tất cả những gì bé sở hữu; nhưng hỡi ôi, bé chỉ có mỗi con búp bê. Bé liền nảy ra ý định hy sinh thật cao cả:
 
– Thưa ngài trung sĩ, ngài có một con gái... cùng tuổi với cháu... mà ngài chưa gặp lại từ hai năm nay phải không? – Metzger liền gật đầu ra hiệu đúng như vậy.
 
– Thế thì… Thế thì… – Solange nói tiếp, đôi mắt ngấn lệ – Có thể bởi vì ông không có mặt ở nhà nên chúa Hài Đồng Giê Su đã quên cô bé rồi chăng? Vậy ông hãy lấy con búp bê của cháu đây này, cháu tặng ông đó.
 
Tên lính liền quay lại phía cô bé; hắn nhìn cô bé với đôi mắt đã ướt đẫm; hắn thở rất mạnh, đôi môi run rẩy dưới bộ ria mép, và ta nhận thấy trên gương mặt hắn những bắp thịt cử động lên xuống, tỏ rõ cảm xúc bị đè nén. Hai người lính bước vào phòng.
 
– Cháu đừng nói gì hết, không phải lo điều gì. – Tên trung sĩ nói nhỏ với bé. Rồi hắn nói với bọn lính:
 
– Chúng ta sẽ lên trên kia, và lục soát mọi ngõ ngách. Bọn bây giữ súng sẵn sàng và hãy lên đạn, cố nhìn cho kỹ. Bé con này, đi trước đi.
 
Cả ba người lính và cô bé leo lên bậc thang: vừa vào căn gác, hắn đặt một người ở ngưỡng cửa, người kia cạnh cửa sổ; hắn mở cửa căn gác xép, rồi chỉ một mình hắn bước vào đó, đóng cửa lại.
Trống ngực Solange đập thình thình, muốn vỡ toang ra. Một lúc sau, cửa gác bật mở, và Metzger hiện ra:
 
– Bên trong này không có gì cả! Ta trở xuống thôi. Con chim đã bay mất rồi. Chúng ta đã bị lừa.
 
Rồi khi xuống dưới nhà, lúc chỉ còn một mình hắn và Solange, hắn nói nhỏ vào tai bé:
 
– Cháu hãy nhớ kỹ điều này: "Người đàn ông ấy" có thể ở lại trên đó hết đêm nay và nguyên cả ngày hôm sau. Cháu nói ông ta hãy yên tâm đi, mọi việc sẽ tốt thôi. Ông ấy sẽ ra đi vào đêm ngày mốt, và đến Lancieux và Saint-Briac, ở đó ông có thể ra khơi lại; vùng đó sẽ không có lính gác, ta sẽ đem lính của ta qua phía bên kia. Cháu hiểu rõ chưa?
 
– Dạ hiểu, thưa ngài trung sĩ.
 
– Vậy tốt rồi! Còn con búp bê này của cháu, ta sẽ mang nó đi. Ta sẽ gởi về cho bé Odile của ta. Ta phải lấy con bê, bởi vì có thể có một người khác sẽ tò mò giống như ta khi thấy Chúa Hài Đồng Giê Su mang cho bọn nhóc như cháu những món đồ mỹ nghệ xuất xứ từ Anh Quốc đó. Cái em bé này đã gây cho cháu quá nhiều phiền toái rồi. Thế nhé! Và nhớ giữ bí mật nhe cháu! Và đừng quên: đi về phía Lancieux và Saint-Briac.
 
Rồi ông ta đi ra, gọi cả bọn lính đi theo; và rồi, ngay chiều hôm đó, mang họ đi tuần tiễu về phía Matignon, cùng với lũ chó săn luôn, trong suốt ba ngày tròn.
 
*
 
– Và đó là câu chuyện của cả ba chúng ta, – Nữ bá tước Flavigny nói – Đó là chuyện lôi thôi duy nhất trong suốt cuộc đời của cả ba chúng tôi, Odile, Yvonne, và tôi. Mười lăm năm sau, khi tôi làm đám cưới với bá tước của tôi, chúng tôi đi thăm vùng Alsace; tôi đã đến Gersheim, và hỏi thăm về trung sĩ Metzger, về con gái Odile của ông ta, vì các con biết đấy, những cái tên đó đã in đậm trong trí nhớ của ta rồi. Ta đã tìm thấy người lính già ở nhà máy sản xuất hoa làm rượu bia của ông ta. Ông ấy đã giải ngũ, sau khi được lãnh huân chương ở Austerlitz, do chính Hoàng đế trao tặng. Ông ấy đã kể cho con gái mình câu chuyện về bé Solange, và Odile đã cất giữ "lệnh bà"; rồi khi ông ấy qua đời, vài năm sau đó, ta đã đưa Odile về đây với ta; cô bé đã mang Yvonne lại cho ta, và kể từ ngày đó, cả ba chúng ta không bao giờ rời nhau nữa.
 
– G. Lenotre
thái nữ lan dịch
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.