Hôm nay,  

Mặc Đỗ và Sài Gòn Của Tôi

24/04/202000:00:00(Xem: 3582)

Mặc Đỗ (1915 – 2015)

MĂC ĐỖ
Nhà văn Mặc Đỗ

Mặc Đỗ tên thật Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954. Nơi đây ông sáng lập nhật báo Tự Do và nhóm Quan Điểm. Ông cũng là một trong những nhà văn có ảnh hưởng quan trọng với nền văn chương Miền Nam 1955 - 1975. Ngoài sáng tác, ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm văn học thế giới.

Mặc Đỗ tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1975 và tạ thế vào ngày 20-9-2015 tại Austin, Texas, Hoa kỳ, hưởng đại thọ 100 tuổi.
Các tác phẩm đã xuất bản:

* Sáng tác: Bốn Mươi, Siu Cô Nương, Tân Truyện, Trưa Trên Đảo San Hô, Truyện Ngắn

* Biên khảo: Thần Nhân và Thần Thoại Tây Phương

* Dịch thuật: Lão Ngư Ông và Biển Cả (E. Hemingway), Con Người Hào Hoa (F.S. Fitzgerald), Một Giấc Mơ (Vicky Baum), Người Vợ Cô Đơn (F. Mauriac), Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers (B. Pasternak), Tâm Cảnh (A. Maurois), Anh Môn (A. Fournier), Vùng Đất Hoang Vu (L. Tolstoi), Giờ Thứ 25 (C. V. Georghiu).

Kính mời quý độc giả đọc lại một bài viết ngắn của Mặc Đỗ đã đăng trên Giai phẩm Xuân Canh Tuất của tạp chí Vấn Đề, số tháng 1 & 2/1970.

***

Sài Gòn Của Tôi 

 

“… Sau này, ở Sàigòn, một dịp nói chuyện với anh Nhất Linh tôi có kể lại kỷ niệm đó và hỏi anh có đọc truyện đó không, khi anh còn nhỏ ở Cẩm Giàng. Hai mắt anh sáng lên cùng với trí nhớ bất đồ nhỏm dậy….” (M.Đ)
 
Thành phố của tôi đích thực là Hà Nội: tôi sinh ra ở đó, tôi đã sống trọn vẹn thời tuổi trẻ ở đó. Nhưng tôi có một ông bác ưa phiêu lưu, sớm rời bỏ thành phố sinh trưởng, đi bén rễ ở một nơi mà ngày nhỏ tôi tưởng như xa xôi lắm. Đảo Phú Quốc ở mãi tận cùng đất nước. Những giấc mơ tuổi trẻ của tôi thường hướng về chân trời thật xa đó. Những giấc mơ cũng có khi hiện thành sự thật với những gánh hát tự miền xa tới trình diễn. Bao nhiêu đêm rực rỡ ánh sáng tiền trường, vang vang tiếng ca giọng nói của miền xa đã gây nhộn nhịp, nao nức trong chuỗi ngày tuổi trẻ. Lần lượt những Năm Phỉ, Phùng Há, Sáu Nết, Tư Sang (làm sao nhớ hết những tên, những khuôn mặt ứ tràn sức chiêu dụ của miền xa?) là thứ tình nhân vô vọng làm đẹp những ngày tháng khát khao của tuổi trẻ. Nếu có thể vô cớ khóc lên được chỉ có những lúc buông tay cho tiếng ca vọng cổ thấm vào cơ thể, biến phút giây hiện tại thành những trang sách cổ tích đọc say mê một buổi chiều ngày nghỉ học. Đến bao giờ giọng nói miền xa vẫn lưu luyến như bài ca vọng cổ, đó là một chấp nhận in khắc mãi mãi, không phai.

Phần lớn những giao tình tuổi trẻ của tôi đều dành cho những người tự cái miền hai mùa mưa nắng đem tới những âm hưởng suy đồi day dứt trong tiếng ca vọng cổ. Giọng nói còn chuyên chở những cung cách sống, những món ăn ngon (mắm nêm, mắm thái… hương vị đất nước nhưng cảm giác gợi bao nhiêu mới lạ, bao nhiêu xa xôi!). Tôi từ bỏ những nề nếp cho rằng chật hẹp để mơ tưởng tới cái xa rộng của vùng đất nước mà ruộng đồng chạy dài tới chân trời, không một bóng núi che khuất. Liên tiếp năm sáu năm trời, mỗi tuần lễ một lần, hai lần, những khoảnh khắc rạo rực tuổi trẻ là những lúc đọc thư, viết thư. Bến đợi ở đầu bên kia đất nước là cô em gái một người bạn lớn. Mỗi giòng chữ là một lời hẹn họ, mời gọi. Sàigòn của tôi từ hồi đó.
Tuổi trẻ đã để lại sau lưng, tôi mới bắt đầu xích gần tới miền xa bao lâu mong ước. Ngày xưa xê dịch không dễ dàng như ngày nay, phương tiện duy nhất là những chuyến xe lửa lần lần bò rất chậm dọc theo vùng duyên hải ngời sáng, lượn vừa đúng trên vòng cung bao lơn ngó ra đại dương. Những thuận tiện riêng không cho phép một mạch lao tới nơi mong đợi. Từ Tháp Chàm tôi phải rẽ lên Cao Nguyên chịu thêm một thời mong đợi thử thách nữa. Nhưng Đà Lạt đã gần như Sàigòn rồi, giọng nói chiêu dụ rất thường nghe thấy chung quanh, những hàng chữ mời gọi bữa trước bữa sau đã tới tay. Vậy mà cũng phải ba năm chờ đợi.

Sàigòn rõ ràng là nơi tận cùng của chuyến đi. Ga xe lửa nằm gọn trong thành phố. Đó là nơi đến, nhất định đến. Không phải là chỗ ghé qua như hầu hết những nhà ga khác. Muốn từ đây đi người ta phải lùi lại trên con đường đã đến, chờ một khúc rẽ mới tiếp tục cuộc đi. Nhưng có tiếp tục đi nữa cũng chẳng đi được bao xa. Sàigòn – Mỹ Tho không đầy một trăm cây số. Mà không phải vẫn con tàu đó. Sàigòn nhất định là nơi đến, không cách nào khác.

Nhưng, với người bấy lâu khao khát, ga Sàigòn có làm thất vọng. Một dẫy nhà thấp, rất ít ồn ào của những chuyến tới chuyến đi, chỉ là một ga nhỏ, như nhiều ga nhỏ khác dọc đường lại thua kém cái hun hút của hai nẻo đường dài. Thất vọng, nếu trên sân ga không có những người đón đợi. Biển tiếng nói chiêu dụ vây lấy người mới đến, xô đẩy người mới đến vào những khám phá rất nhiều đang chờ bắt đầu từ hè phố trước ga. Đà Lạt - Sàigòn hành trình vừa đúng một đêm nằm ngủ trên xe. Người đến tỉnh dậy cùng thành phố trở dậy, khám phá càng ham hố vì có cả ngày dài trước mặt, đầy đủ, quá nhiều…


Cây, những cây, Sàigòn buổi sáng tươi mát trong ánh nắng. Người mới đến được thành phố chấp nhận ngay từ những bước chân đầu, không bỡ ngỡ ngơ ngác. Làm sao còn thấy mình là khách khi ngồi giữa một tiệm mì, giữa đông đảo người Sàigòn ăn sáng. Những món điểm tâm tự nhiên đưa tới trước bàn, không cần gọi. Lựa chọn bằng mắt dễ dàng, cứ ăn như mọi người chung quanh đang ăn. Chỉ một chút nhận xét là ngay bữa đầu đã có thể thông thạo hết thảy mọi người. Người Sàigòn nghĩ tới mình nhiều hơn là bận tâm tới mọi người khác ở chung quanh, cho nên người mới đến rất mau hòa mình được vào đám đông người không cùng ngôn ngữ – người Tàu, người Chà – họ tới, họ phát triển và không ai nghĩ rằng họ quá đông, thao túng một phần lớn đời sống trong thành phố, của cả một miền.

Buổi trưa Sàigòn. Hai mươi lăm năm sau, hôm nay, làm sao tìm lại được những buổi trưa Sàigòn thời đó. Du khách Tây phương đã từng viết về Sàigòn, ví Sàigòn như một thành phố miền Nam nước Pháp. Nhận xét thật đúng những lúc ban trưa mọi hoạt động hầu ngưng trệ hẳn để mọi người nghỉ ngơi. Bóng cây buổi trưa Sàigòn quả là những bóng cây với tất cả sự êm tịnh, vắng lặng, những lá me lay động in bóng trên mặt hè vắng Sàigòn thật khác, so với những thành phố miền Trung, miền Bắc. Nhưng đặc biệt nhất là đêm Sàigòn. Buổi sáng, buổi chiều, Sàigòn làm việc, đêm đến Sàigòn mới thật sự sống. Ra quán uống cà-phê, ăn sáng, đó là một cần thiết ngắn. Tối đến ra đường, đó mới là thời gian của mình của mỗi người Sàigòn. Ăn và chơi mọi thứ đều có đủ. Bỏ ra một năm trời khám phá chưa chắc đã biết hết mọi thứ ăn và mọi thứ chơi của Sàigòn. Rất nhiều người đến Sàigòn rồi không thể bỏ đi. Chưa hẳn bởi họ ham ăn ham chơi. Đêm Sàigòn là của hết thảy mọi người, ai cũng có thể tìm thấy cái phần của mình ở một nơi nào đó trong thành phố nô nức về đêm. Bởi có đêm Sàigòn đời sống thấy dễ chịu hơn. Ban ngày làm việc, đêm đến có cơ hội tức khắc đền bù những nhọc mệt trong ngày. Cần cù, cố gắng được chia thành nhiều đoạn ngắn. Hãy sống cho ngày hôm nay, sáng mai lại tiếp tục. Đời sống Sàigòn đáng yêu bởi lẽ không đòi hỏi nhiều cố gắng tích lũy.

Hai mươi lăm năm sau, những gốc cây của Sàigòn ngày xưa lần lần bị đánh ngã. Chẳng cần tới những lưỡi cưa tàn nhẫn, riêng bụi và khói độc của đường phố cũng đủ làm nghẹt thở từng cành lá. Sàigòn đâu còn là Sàigòn nữa. Đâu còn thứ Sàigòn hoan hỉ mời gọi và tức thời biến người lạ thành quen. Bóng mát không tìm thấy. Bây giờ chỉ còn đám đông những người lạ, từ bốn phương kéo tới và ồ ạt tranh sống. Sàigòn của ai, của những người mạnh tay, lanh mắt. Hãy đổ lỗi hết cho chiến tranh, để lương tâm mỗi người tạm yên. Cho cái gốc thực sự Sàigòn đừng mất.

Cuộc sống bây giờ ai thấy cũng tạm. Cho nên đừng đánh giá gắt gao. Chiến tranh như cơn lốc xô đẩy những đám người quy tụ thành từng tập thể bát nháo. Hoàn cảnh nhất thời đâu giữ mãi được gót chân người nếu không khí tình cảm chung quanh không là bóng mát níu kéo. Như những bóng cây buổi trưa Sàigòn hồi nào. Như những đêm Sàigòn ngày xưa đem thoải mái đến, sau những ngày làm việc. Nghĩ cho cùng, bóng mát cũng không do ý muốn của con người. Đừng ai nghĩ là muốn hay không muốn tạo bóng mát. Bóng mát của Sàigòn ngày xưa là hợp thành của chính bao nhiêu cái vô tâm của người Sàigòn. Người mới đến cũng mang cái vô tâm của mình hòa trộn vào mớ vô tâm chung. Sàigòn ngày xưa quyến rũ không phải vì ai, do ai. Có một quy luật cởi mở mặc nhiên ai nấy cùng theo và hết sức tôn trọng. Cái chén nhỏ tư lợi hẹp hòi của mỗi người làm sao so sánh được với lượng vô biên của một miền phù sa chỉ thèm tranh đua với riêng biển cả. Sàigòn, miền Nam, tương lai là ở trước mặt. Điều đáng sợ là sợ mất cái gốc tươi mát ngày xưa.

Hànội, Huế, Sàigòn. Ba mối tình, một bản hòa tấu. Làm sao thiếu được một khúc. Thiếu thốn chính là những người dễ dàng cam chịu ẩn núp trong một ngõ ngách địa phương, cam tâm đứng lại trong khi dòng đời đang chảy. Cái nhịp diễn tiến hiển hiện trong ngôn ngữ hòa trộn. Thử lắng nghe những sân khấu bình dân nhất. Những người đứng lại có thấy chăng ngôn ngữ – phương tiện cảm thông số một – đã đi tiên phong bồi đắp phù sa san bằng những ranh giới tư lợi trước mũi. Đào Duy Từ đã sống lại trong một số người hôm nay. Nhưng Đào Duy Từ hôm nay đã không cưỡng lại nổi sức giao hòa của ngôn ngữ…

Mặc Đỗ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đa số người viết thể loại này không trải qua quá trình nghiên cứu văn học phê bình hoặc không tu tập qua hệ thống hàn lâm. Kết quả thường cho thấy là những bài viết theo sở thích cảm tính, kinh nghiệm chung, mô phỏng hoặc bắt chước những bài viết nổi bật đã có sẵn. Trong khuynh hướng đó, ít thấy khả năng sáng tạo trong các bài viết này. Sáng tạo là một trọng điểm làm cho bài viết phê bình có giá trị.Một nhận xét tổng quát như vậy sẽ bỏ sót vài khía cạnh quan trọng, đó là một số ít nhà văn sinh nhi chi tri, có khả năng thông diễn, họ có thể nhìn thấu suốt một tác phẩm hoặc tác giả để đưa ra nhận định và phê phán tài hoa, hợp lý, đáng thán phục. Những vị này mà tôi được biết, họ thuộc vào tiểu thiểu số, mỗi thời đại chỉ có vài người, họ rất thận trọng về việc viết bài phê bình vì không ai lường được sự ảnh hưởng của nó như thế nào, nhất là khả năng ám ảnh của nó đối với tác giả cũng như độc giả.
Santa Ana – Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) hân hạnh giới thiệu Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3, diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 5, từ 10:00 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại Viện Bảo Tàng Bowers, số 2002 North Main Street, thành phố Santa Ana...
Buổi ra mắt sách của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc hôm Chủ Nhật 21/4/2024 tại Nhà sách Tự Lực cũng là một cơ duyên để nhiều bạn văn gặp nhau, trong một thời đại thống trị của văn học Internet, khi không còn bao nhiêu sách giấy được xuất bản, và cũng không còn bao nhiêu buổi ra mắt sách giấy ngay giữa Quận Cam, California.
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.