Hôm nay,  

Tháng Tư, Đọc ‘Thủy Mộ Quan’ Của Nhà Thơ Viên Linh (1938-2024)

05/04/202400:00:00(Xem: 1594)
 
Hình trang nhất
Nhà thơ Viên Linh. Minh họa Đinh Trường Chinh
  
“Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.”
 
Đó là hai câu thơ trong bài Gọi Hồn được in trong tập thơ “Thủy Mộ Quan” của nhà thơ Viên Linh, người vừa từ giã cõi mộng đi về chốn vĩnh hằng hôm 28 tháng 3 năm 2024 tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.

Để tưởng niệm nhà thơ Viên Linh trong Tháng Tư lịch sử biến động của đất nước bốn mươi chín năm trước, xin đọc lại vài bài trong tập thơ “Thủy Mộ Quan” của ông, đã được Thời Tập xuất bản năm 1982 tại Virginia, Hoa Kỳ. Nhưng trước hết hãy nói sơ qua về “Thủy Mộ Quan.”
 
Thủy Mộ Quan trong sử mệnh của dân tộc Việt
 
Trong cuộc phỏng vấn do nhà phê bình văn học Thụy Khuê thực hiện và được Đài RFI tại Pháp truyền thanh về Việt Nam vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 7 năm 1992, nhà thơ Viên Linh đã giải thích ý nghĩa của “Thủy Mộ Quan,” mà qua đó ông nói rằng có thể hiểu Thủy Mộ Quan là “Cửa mở vào thế giới mồ mả ở đáy nước.”

Cũng trong dịp phỏng vấn nói trên nhà thơ Viên Linh cho biết tập thơ “Thủy Mộ Quan” gồm ba phần: Thủy Mộ Quan, Ngoại Vực và Dư Tập. Các bài thơ trong phần Thủy Mộ Quan được làm từ năm 1981 đến 1982. Các bài thơ trong phần Ngoại Vực được làm ở hải ngoại từ sau 1975 đến  năm 1982. Các bài thơ trong phần Dư Tập được làm ở trong nước trước năm 1975 mà ông đã tìm được trong các báo chí được lưu trữ tại các thư viện của các nước trên thế giới.

Trả lời cho câu hỏi của nhà phê bình văn học Thụy Khuê, trong cuộc phỏng vấn nói trên, về nội dung của phần “Thủy Mộ Quan,” nhà thơ Viên Linh liên kết từ thảm cảnh Biển Đông trong cuộc vượt biển có một không hai của nhân loại và dân tộc Việt Nam vào những năm sau 1975, đến chuyện “sóng nước” của lịch sử và huyền sử Dân Tộc từ xa xưa đến nay. Ông kể ra hàng loạt những thí dụ điển hình về mối liên hệ mang tính chất sử mệnh của người Việt với sông hồ biển cả, nước non. Trước hết là Động Đình Hồ, nơi phát xuất của tộc Bách Việt. Rồi đến cuộc sống nơi sông biển buộc người Việt phải có tục vẽ mình để chống lại các loài thủy quái. Và chuyện An Dương Vương khi phát hiện công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chàng Trọng Thủy tìm theo nên đã giết công chúa và nhảy xuống biển. Chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Chuyện Hai Bà Trưng liều mình ở dòng sông Hát. Chuyện oan tình đưa đến những cái chết nơi sóng nước như Trương Chi Mỵ Nương, Thiếu phụ Nam Xương, Hòn Vọng Phu, nàng Tô Thị, v.v… Sau đó là chuyện sông Gianh chia đôi sơn hà thời Trịnh Nguyễn. Chuyện sông Bến Hải chia cắt hai miền Nam Bắc vào thời chiến tranh Việt Nam giữa thế kỷ 20. Những chuyện Trâu vàng Hồ Tây, những Hồ Hoàn Kiếm, những Đầm Dạ Trạch, những Chử Đồng Tử sống ngoài biển cả xa xưa và những người phụ nữ Việt sống trên các đảo hoang thời vượt biển mới đây, sau năm 1975…

Trong bài “Thuyền Ngược Bến Không” giới thiệu thi tập “Thủy Mộ Quan,” HT Tuệ Sỹ đã liên tưởng chuyện xuống biển lên rừng trong huyền sử Dân Tộc Việt với thảm trạng lên rừng xuống biển của đất nước trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vào thế kỷ hai mươi:

“Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển:
 
“Vua gặp Âu Cơ lúc thủy du
Cùng nàng rung động nước thiên thu
Duyên tan nàng bắt con về núi
Những đứa theo cha khổ đến giờ”(Thủy Mộ Quan)
         
Giới thiệu phần Ngoại Vực của “Thủy Mộ Quan,” nhà thơ Nguyên Sa đã viết trong bài “Đọc Thơ Viên Linh” được đăng trong Tạp Chí Đời Magazine năm 1983, như sau:

“Ngoại Vực, tôi nghĩ đó là sự chuyến tiếp. Nơi cõi ngoài đó còn gương lệch, và đã hé mở Thủy Tang. Ngoại Vực là con đường đưa Viên Linh đi từ Lục bát và Năm chữ sang Bẩy chữ, từ những bài không giới hạn đến một kích thước nhất định của bầu trời nhị thập bát tú, thơ tình dằn vặt trong những tìm kiếm bản ngã tới một thế giới thơ khác, một thứ thơ nhật ký, nơi đó không phải chỉ có tình yêu, cái tôi. Bạn tìm thấy không trong đáy sâu thẳm của Thủy Mộ Quan tâm sự của người binh bại, đoạn 2 của người tình nhận thức được sự trôi chảy của thời gian, đoạn 5 thật nhiều hồi tưởng, đầy ắp những thuyền nhân u uất trong lòng biển.”
 
Đọc vài bài thơ trong Thủy Mộ Quan
 
Nếu đọc “Thủy Mộ Quan” theo dòng thời gian thì phải đọc phần Dư Tập trước, vì các bài thơ trong phần này được nhà thơ Viên Linh sáng tác trước năm 1975, có nghĩa là sớm nhất so với hai phần còn lại của tập thơ. Trong phần này có bài Sinh Nhật mà nhà thơ Viên Linh đã làm lúc ông trên ba mươi tuổi, nếu tính từ năm sinh của ông 1938 thì lúc đó là sau năm 1968. Bài thơ này ông làm vào cuối năm, “năm tận,” để nói lên cảm nghĩ về cuộc đời của chính ông lúc trên ba mươi tuổi. Bài thơ có nhiều đoạn mang nội hàm triết lý sống sâu sắc. Bài thơ không dài lắm nên xin viết hết ra đây để độc giả cùng đọc. 
 
“Hôm nay năm tận, Sài Gòn
Tôi nghe khiếp hãi tâm hồn già nua
Giật mình con quỉ ban trưa
Tiếc mùa hoan lạc hái chưa đủ hời.
 
Hôm nay trời đất có tôi
Trên ba mươi tuổi làm người lãng quên
Xuân hồng, một góc thiếu niên
Năm năm mê mải những miền hoài nghi.
 
Trên ba mươi tuổi ù lỳ
Đêm về kéo cửa ngày đi kiếm mình
Cảnh đời, một cõi u minh
Cảnh tôi thấp thoáng bóng hình những ai.
 
U mê hết tháng năm dài
Chân trong lối kiệt hồn ngoài bến không
Hôm nay năm tận, bàng hoàng
Giục thêm tiệc rượu ngồm ngoàm đĩa vơi.
 
Nhìn ra cảnh cỗi, riêng tôi
Trong hiên viễn phố thấy đời buồn lây.”
 
Bài thơ này chứng tỏ ông không “u mê” chút nào, bởi vì ông thật sự rất tỉnh. Có tỉnh ông mới nhìn ra được cái “u mê” của mình, mà không phải ai cũng có thể tự tỉnh thức như thế. Cái câu “Hôm nay trời đất có tôi,” đã nói lên được điều này. Khi ông tự ý thức được sự hiện hữu của mình, như một con người, như một “nhân,” trong Thiên-địa-nhân, gồm trời, đất và con người. Đó là một con người đứng giữa trời đất, đứng ngang hàng với trời đất, tự quyết định vận mệnh, sinh mệnh của mình giữa trời đất.

Tiếp theo là bài Lầu Chuông trong phần Ngoại Vực mà ông đã làm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng trước năm 1982. Bài này ông viết để tặng cho người em của ông là ông Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, đã từng làm Trưởng ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975, góp phần vào việc phát triển Đại Học Vạn Hạnh trở thành đại học tư thục uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Nhà thơ Viên Linh đặt tựa “Lầu Chuông,” theo tôi, có lẽ có hai ý: Lầu chuông liên quan đến chùa, đến Phật Giáo, và lầu chuông gợi lên ý tưởng về một “lầu chuông gác sách” trong các ngôi cổ tự thời xưa, mà ở đây là chỉ cho thư viện Đại Học Vạn Hạnh.

Bài thơ đã cho người đọc thấy và biết được những chuyện đau buồn sau biến cố đổi đời Tháng Tư năm 1975, khi giới văn nghệ sĩ và trí thức Miền Nam bị vùi dập tơi tả. Hai đoạn đầu của bài thơ cho thấy điều ấy:
 
“Nhận tin em một năm rồi
Thành xưa đã đổi con người đã thay
Cơn mưa chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.
 
Mưa lầy con phố bôi tên
Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời
Nhớ em biển sách làm khơi
Thả thân trôi giạt với lời muôn phương.”
 
Mấy câu, “Thành xưa đã đổi con người đã thay,” và “Mưa lầy con phố bôi tên,” đã chỉ thời đất nước đã thay ngôi đổi chủ và các con đường cũng bị đổi tên dưới chế độ cộng sản sau năm 1975. Cùng với thời cuộc đổi thay, tuổi thanh xuân đang tràn đầy nhiệt huyết hứa hẹn một tương lai tươi sáng thì lại bị chôn vùi, “Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời.” Cái bi kịch của đất nước sau Tháng Tư năm 1975 đã được phô lộ rõ nét trong mấy đoạn sau của bài thơ:
 
“Em tôi không sách không đèn
Một đầu tư tưởng bôi lem nghĩa đời
Đêm nay tầm tã mưa rơi
Tỉnh ra tôi thấy mặt trời trắng tinh.
 
Thấy trăng mọc lúc bình minh
Thấy người lưu xứ lênh đênh quê nhà
Thấy tôi đập kính soi hoa
Trên cây nhân thế la đà trái đen.
 
Thấy tôi nguyền rủa Thánh Hiền
Cầm dao giết Phật giả điên đốt chùa
Nhớ mưa xưa nhớ mưa xưa
Tháng tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.”

Vien Linh 02

Thuyền nhân Việt Nam lênh đênh trên biển cả. (Photo: www.pixabay.com)

 
Tháng Tư mới chỉ là “đầu mùa máu tuôn,” bởi vì những năm tháng sau đó đất nước chìm sâu trong ngục tù, đói khát, lầm than và đau đớn, mà làn sóng vượt biên, vượt biển ra đi tìm tự do của hàng triệu người Việt là minh chứng. Trong làn sóng vượt biển đó, có hàng trăm ngàn người Việt đã vùi thây dưới lòng đại dương. Bài Gọi Hồn trong phần Thủy Mộ Quan của nhà thơ Viên Linh được viết vào năm 1981 để “tưởng nhớ những oan hồn uổng tử trên Biển Đông.” Bài thơ gồm hai phần: những đoạn đầu là thi điếu cho những oan hồn uổng tử và những đoạn sau nói lên ước nguyện có một ngày những người con của Lạc Long và Âu Cơ gặp lại nhau trên cố hương để cùng xây dựng lại cơ đồ. Bài thơ khá dài nên xin chép đăng phần đầu như lời chiêu niệm “Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.”
 
“Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương
 
Thấp thoáng trần gian
Mịt mù bóng đảo
Trôi về tây về bắc về đông
Trôi về đâu bốn bề thủy thảo?
Về đâu kiếp đắm với thân trầm?
 
Hồn ơi dương thế xa dần
Hồn đi thôi nhé thủy âm là nhà
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
 
Xong rồi một cỗi u minh
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi.
 
Hồn vẫn ở la đà Đông Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.
 
Thân chìm đắm cõi điêu tàn nước cũ
Những lâu đài thành quách những vàng son
Những tân thư kỳ mặc những linh đường
Những rực rỡ của một thời dựng nước.
 
Bao mắt mở bao tóc sầu dựng ngược
Bao tay cùm bao ngực vỡ hôm qua
 
Trong rêu xanh ngần ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.
 
Nhắm hướng hôi tanh
Chia bày trận mạc
Hồn binh tàn hỗn chiến Thủy Môn Quan.
 
Đêm rơi thời hết vận tàn
Ô y cầu nhỏ người sang Lạc Hà
Thác rồi thân hóa phù sa
Mon men trở lại quê nhà mỗi đêm.
 
Về đâu đêm tối
Hương lửa lung linh
Những ai còn bóng
Những ai mất hình?
 
Những ai vào kiếp phù sinh
Hóa thân hồ hải làm binh giặc trời
Khi nào hết quỉ ngoài khơi
Ta vào lục địa ta hồi cố hương…”
 
Bốn mươi ba năm sau đọc lại vẫn có cảm giác nghẹn ngào vì những ký ức đau thương của một thời tao loạn đã bùng dậy. Lời thơ bi ai, tuyệt vọng như tâm trạng của những oan hồn uổng tử bơ vơ, lạc lõng giữa trời biển bao la! Tưởng niệm Tháng Tư, xin thành tâm cầu nguyện cho những vong linh được siêu thoát. Cầu chúc nhà thơ Viên Linh thong dong vào cửa Vô Môn Quan… 
 
Huỳnh Kim Quang
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Santa Ana – Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) hân hạnh giới thiệu Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3, diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 5, từ 10:00 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại Viện Bảo Tàng Bowers, số 2002 North Main Street, thành phố Santa Ana...
Buổi ra mắt sách của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc hôm Chủ Nhật 21/4/2024 tại Nhà sách Tự Lực cũng là một cơ duyên để nhiều bạn văn gặp nhau, trong một thời đại thống trị của văn học Internet, khi không còn bao nhiêu sách giấy được xuất bản, và cũng không còn bao nhiêu buổi ra mắt sách giấy ngay giữa Quận Cam, California.
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...