Hôm nay,  

Chuyện Vãn: Gà Nòi, Gà Chọi

6/27/202500:00:00(View: 265)

Ga-choi
 
Thành ngữ VN có câu “Gà giò ngứa cựa” cũng tương tự như “Ngựa non háu đá”, “Ong non ngứa nọc”“Dê cỏn buồn sừng”... để ám chỉ kẻ còn non nớt chưa đủ bản lãnh, kinh nghiệm nhưng hiếu chiến, hung hăng, ham đối chọi, khiêu khích với đối phương.

Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã bỡn cợt với kẻ non cơ háu đá qua hai câu thơ:

“Ong non ngứa nọc trâm hoa rứa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa?”.

Không hiểu vì lý do nào mà gà thuộc gia cầm nuôi trong nhà nhưng trong thành ngữ, ca dao với hình ảnh chẳng hay ho gì nên ví von như:

“Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”: Khi không có người chỉ huy, kẻ xấu làm bậy. “Gà tức nhau vì tiếng gáy”: Tính ganh đua, đố kỵ, không chịu kém người khác. “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”: Cậy thế ỷ lại, bắt nạt người khác. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”: Khuyên bản thân có bản lãnh thì ra ngoài xã hội, anh chị em trong nhà nên đoàn kết, gắn bó với nhau cùng nghĩa tương tự như “Gà nhà lại bới bếp nhà”: Chê cùng phe cánh lại phá hoại lẫn nhau. “Gà què ăn quẩn cối xay”: Chê những người không có ý chí. “Học như gà đá vách”: Chê những người học kém. “Lép bép như gà mổ tép”: Chê người ngồi lê mách lẻo. “Lờ đờ như gà ban hôm”: Quáng gà, chê người chậm chạp, không hoạt bát. “Lúng túng như gà mắc tóc” hay “Gà nuốt dây thun”: Chê người thiếu bình tĩnh, bối rối. “Đồ mắc gà”: dùng để chỉ mạt gà, một loại ký sinh trùng nhỏ sống trên da và lông gà. Ý nói chẳng biết gì cả. “Mèo gả, gà đồng”: Chỉ những kẻ vô lại, ba que, xỏ lá, đâm bị thóc thọc bị gạo, làm bậy. “Một tiền gà, ba tiền thóc”: Ám chỉ món lợi thu về không bằng công sức bỏ ra. “Ngẩn ngơ như chú bán gà. Tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng”: Chê người đần độn, không biết tính toán. “Trông gà hóa cuốc”: Chê người không nhìn rõ sự thật, lẫn lộn phải trái. “Trấu trong nhà để gà ai bới”: Việc trong nhà lại để cho người can thiệp. “Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến”: Than phiền hết tai họa nọ đến tai họa kia. “Cõng rắn cắn gà nhà”: Ám chỉ dẫn kẻ xấu về hại nhà mình…

Nhưng hình ảnh gà con, vịt con rất dễ thương. Hai người chị của tôi khi có cháu nội gái ra đời, bà đặt gà rồi vịt (tên thật do cha mẹ cháu đặt) để gọi trong nhà, lâu ngày thành thói quen… tôi không ở gần với các cháu nên sau nầy các cháu nhắc đến con gà, con vịt… chẳng biết tên thật.

Thuở nhỏ thường hay tinh nghịch, nghe câu nói “Gà nhà bôi mặt đá nhau” bèn đem ra thí nghiệm với tính háo thắng dù bị những trận đòn roi nhưng cũng lén lút rủ rê bạn bè bày trò, bày trận. Lớn lên mới hiểu “bôi mặt” phát xuất từ đó để nói anh em, đồng liêu, đồng môn... vì sự tranh giành, xâu xé, hiếu thắng... nhập trận chiến làm xấu hổ lẫn nhau.

Người xưa đã đem chuyện gà để làm bài học cho người đời.

Đời nhà Chu ở Trung Hoa, Vua Tuyên Vương thường được quần thần hầu cận tìm đủ mọi cách bầy trò vui chơi để nhà vua giải trí. Được bày tôi thân cận o bế, tâng bốc, nhà vua càng ngày càng đam mê và còn có máu hiếu thắng.

Trong các thú vui đó, có thú đá gà như “tướng râu kẽm” thích chọi; vì vậy, quần thần mới tìm Kỷ Sảnh, một tay sành gà để chọn loại gà chiến. Tuy nhiên, Kỷ Sảnh không cúi mình để được lòng nhà vua hầu kiếm ơn mưa móc mà là người cương trực, tương kế tựu kế lấy gà để khuyên giải nhà vua.

Tuyên Vương bảo Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi thật chiến.

Được mười hôm, Vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?.
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.
Cách mười hôm, Vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”.
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi”.
Cách mười hôm sau, Vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”.
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.
Mười hôm sau nữa, Vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”.

Kỷ Sảnh thưa: “Được rồi, gà bây giờ cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông, thì tựa như gà gỗ; mà thực, thì đủ các ngón hay. Gà khác trông thấy cũng đủ sợ, phải lùi chạy”. (Trang Tử)

Theo lời bàn trong Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như & Tử An, chơi với gà chọi nhưng khi cho “xuất trận” cũng phải cần thời gian để luyện:

I.- Chưa trông thấy gà khác đã muốn chọi, thế là tức khí hão, chớ vị tất chọi mà đã được.

II.- Trông thấy bóng gà khác đã muốn chọi, thế là cậy khỏe, chớ vị tất mà đã được.

III.- Trông thực thấy gà khác đã muốn chọi, thế là còn hiếu thắng chớ vị tất chọi mà đã được.

Chỉ đến lúc nào mất hết tất cả tức khí, cậy khỏe, hiếu thắng, luyện đã được hình toàn thần, đủ hết cả ngón hay, trông bề ngoài trơ ra như gỗ, lúc ấy đã chọi được. Có khi không phải đợi chọi, gà khác ngó thấy cũng đủ sợ mà trốn tránh rồi.

... Những kẻ chỉ vụ bề ngoài, chăm chăm danh lợi, có tranh giành mới lấy làm vui lòng, có tham lam mới lấy làm mãn nguyện, còn những hạng tầm thường, có khi hại đến thân mà vẫn tự đắc cho là phải... “.

Gà có trong 12 con giáp. Trong làng báo của ta có muôn vàn hình ảnh gà nòi, gà chọi. Xin đơn cử bậc tiền bối trong làng văn làng báo nước ta ngày trước như Phan Khôi (1887-1959). Là khuôn mặt lẫy lừng, thuộc loại cứng cựa, nổi tiếng nhà lý luận được mệnh danh “nhân tình của cô Logique”, có rất nhiều giai thoại về sự thẳng thắn và tính “cãi” (Quảng Nam hay cãi) của nhà báo tiền bối.

Cây bút sắc bén, có khả năng biết rộng, nhìn xa nhưng đôi khi bị tai tiếng tính tự phụ, tự tôn và cố chấp, đơn thân độc hành từ quê nhà ra Hà thành tả xung hữu đột “chọi” khắp nơi, gây sóng gió trong làng báo Việt Nam ở tiền bán thế kỷ XX. Với cây bút độc đáo, sắc bén, hào  khí như vậy nhưng không phải lúc nào cũng “gà nòi” trên trường đá, có khi cũng rơi vào tình trạng “gà chọi” bị cựa nhọn đâm ngang.

Phan Khôi, hiệu Chương Dân, Tú Sơn, Khải Sinh Từ, ngoài ra còn vài bút hiệu khác. Cháu ngoại của Tổng Đốc Hoàng Diệu. Đậu tú tài Hán học năm 1905, bỏ chữ Hán, học Pháp ngữ, năm 1907 cụ Phan ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và bước vào làng báo trong thời kỳ phôi thai với tờ Đăng Cổ Tùng Báo của cụ Nguyễn Văn Vĩnh và Đào Nguyên Phổ; sau đó,  cụ viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo và tờ Hữu Thanh. Cuối thập niên 20, cụ vào Sài Gòn cộng tác với tờ Thần Chung sang tờ Phụ Nữ Tân Văn.

Phan Khôi gây cuộc bút chiến tung hoành dọc ngang. Ngoài vài khuôn mặt ôm lý thuyết duy vật, hoạt động trong Cộng Sản Đông Dương điển hình như Hải Triều, bị Phan Khôi xung trận, đả kích, gây sôi nổi dư luận trong nước. Phan Khôi “chọi” Trần Trọng Kim, hai bên xung trận, gây ra cuộc bút chiến. Chủ bút lừng lẫy Phạm Quỳnh của tờ Nam Phong, cũng bị Phan Khôi “chọi”, gài Phạm Quỳnh phải xuất chiêu trả đũa nhưng đôi cựa của Phan Khôi quá tuyệt nên Phạm Quỳnh chỉ một lần tung đòn.

Người em gái của Phan Khôi là vợ của Sở Cuồng Lê Dư, thế nhưng, trong bài khảo luận về Quốc Học Việt Nam của Lê Dư bị Phan Khôi đả kích nặng nề.
Giữa thập niên 1930’, Phan Khôi đảm trách tờ Phụ Nữ Thời Đàm, còn hăng máu nóng, Phan Khôi lại nhảy sang thế võ khác, làm thơ trào phúng “đá” Tú Mỡ ở tờ Phong Hóa. Gặp địch thủ thứ thiệt trong “thất tinh” của Tự Lực Văn Đoàn, nội công thâm hậu, sở trường về tay trào phúng, Phan Khôi trở thành nạn nhân trước thế “mổ” của loại diều hâu tấn xà!.

Thế mới biết, đem cái sở đoản mà “chọi” cái sở trường, không toét đầu cũng xệ cánh. Con gà chiến không những bộ vó, tiếng gáy, mà còn lầm lầm lỳ lỳ như gà gỗ, càng chịu đòn bao nhiêu mới biết ngón đòn của đối thủ. Khi đã chịu đòn mà còn đứng, chỉ cần nhích đôi cánh, đối thủ cũng chạy để thoát thân.

Gà chọi Tú Mỡ đã từng cao hứng tự phụ “Bởi tính ngang phè như nhánh bứa” đá Tản Đà, chủ bút tờ An Nam. Thế nhưng, gà chọi Tú Mỡ trở thành “gà nuốt dây thun” trong hội Liên Hiệp Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam trong chế độ Cộng Sản.

Bài thơ Tình Già của Phan Khôi đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 122 ra ngày 10/3/1932 là bài thơ khởi xướng đánh dấu sự ra đời của phong trào Thơ mới. Sau khi bài thơ nầy xuất hiện trên báo, phái thơ cũ phản ứng rất mạnh. Bài thơ Nhàn Ngâm của Tùng Thành đả kích:

“Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối
Noi gương Hồ Thích làm thơ mới
Câu dài, câu ngắn chẳng ra sao
Vần đụp, vần đơn nghe thật thối”.

Sự đả kích nầy bởi đố kỵ vì sau nầy bài thơ Tình Già của Phan Khôi được lưu truyền vào cũng vào đầu thập niên 1930 ở ngoài Bắc đã đề cao phong trào Thơ mới, vài nhà thơ tiền chiến cũng ủng hộ ((Lưu Trọng Lư, Phong Trào Thơ Mới, trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 27, ngày 1-12-1934)… Phan Khôi lên tiếng: “Làng thơ bên Pháp lâu nay có nảy ra một lối thơ mới kêu là thơ tự do (vers libre). Nó đã không niêm, không luật, không hạn chữ, cũng không có vần nữa”. Từ 1934, thơ mới xuất hiện trên rất nhiều nhật báo, tuần báo trong cả nước từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn…Vào giữa thập niên 1950’ ở miền Nam Việt Nam, điển hình như nhóm Sáng Tạo với lý thuyết gia Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền… chủ trương thơ mới, thơ tự do như tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc năm 1956 của Thanh Tâm Tuyền. Vì vậy thành ngữ “Gà què ăn quẩn cối xay” cho thấy vài nhân vật đả kích Thơ mới với đầu óc thiển cận chỉ quanh quẩn lối mòn.

Sau năm 1954, nhà báo Phan Khôi vẫn không rời trường đá, tuy được Cộng Sản ưu đãi nhưng hiên ngang tung đòn xung kích đối kháng thể hiện qua Nhân Văn, Giai Phẩm... Trong Giai Phẩm Mùa Thu, Phan Khôi đột kích qua bài Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ số ra ngày 29-8-56, chủ nhiệm, chủ bút tờ Nhân Văn, xuất thủ với bài “Ông Bình Vôi” số ra ngày 25-9-56, công kích thẳng vào giới lãnh đạo Cộng Sản. Tháng 12-1957 với bài xung kích như Nắng Chiều, Cây Cộng Sản bằng ngòi bút dũng cảm nhắm thẳng vào vấn đề để xung kích. Vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm đã triệt hạ ngòi bút bất khuất của Phan Khôi cho đến hơi thở cuối cùng.

Sống trong chế độ không có tự do ngôn luận, nhà báo Phan Khôi bất chấp hiểm nguy, đe dọa khi bước vào trường đá nhằm thể hiện sứ mạng của người cầm bút chân chính “chọi” Đảng, “chọi” giai cấp lãnh đạo văn nghệ làm công cụ bồi bút manh tâm bóp chết tư tưởng tự do, bóp chết quyền cầm bút để bảo vệ nhân sinh.

Sau năm 1954, Hội Văn Nghệ dành cho vợ chồng Phan Khôi căn phòng trong Tòa Đốc Lý cũ trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Con trai của cụ là Phan Thao, cán bộ cao cấp của CSVN, từng là  Ủy viên Đảng bộ Trung Kỳ, Chủ Nhiệm nhật báo Cứu Quốc nhưng vì bất đồng chính kiến, cụ không nhìn mặt con. Ngoài ra, cụ có  người em họ là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, Thứ Trưởng Nội Vụ, nhưng hai anh em  cũng bất hòa với nhau. Năm 1957, vào tuổi bảy mươi, chỉ có hai vợ chồng già sống trong cảnh cơ cực với nhau, cụ Phan làm bài thơ tự mừng thọ, hai câu đầu:

“Lên bảy mươi rồi, mẹ nó ơi!
Thọ ta, ta chúc lọ phiền ai”...

Bài thơ nầy không đăng báo, cụ Phan chỉ gởi cho vài người nhưng được chuyền cho nhau. Nguyễn Công Hoan trước đó là nhân vật lãnh đạo văn nghệ, bị cụ Phan chê bài viết sặc mùi chính trị nên không cho đăng trên tờ Nhân Văn. Gặp lúc cụ Phan bị thất sủng, Nguyễn Công Hoan lợi dụng vai trò Chủ tịch Hội Nhà Văn, làm bài thơ đả kích Phan Khôi với lời lẽ khiếm nhã cho đăng trên báo:

“Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc chứ mừng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài...”

Thật oái oăm! Người bị đả kích không bị nhục mà người lên tiếng hung hăng mạt sát, chữ nghĩa hạ cấp, bị thiên hạ xem thường, đánh giá hèn mọn. Đem con gà  đá thả vào chuồng để “chọi” con gà bị trói cánh, trói chân, làm sao xem cho đặng?

Hình ảnh cuối đời của Phan Khôi rất cao đẹp, xóa mờ đi vài hình ảnh hiếu khích của tuổi trẻ nhưng nói lên bản tính của con người bộc trực suốt cả chặng đường dài trước bão tố, chông gai. Đám tang cụ Phan Khôi trong cảnh cô đơn, âm thầm... trong tháng ngày đen tối của hậu quả vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm. 

Gà có hai loại: gà đá (gà chọi) và gà thịt (gà thực phẩm, trống/mái). Với lập luận của Kỷ Sảnh và trong Cổ Học Tinh Hoa để ám chỉ con người điềm đạm mà thôi. Nghề chơi cũng lắm công phu.

Gà chọi, gà nòi là giống gà quý, có khả năng chiến đấu (đá) với đối thủ. Ngày xưa ở trong nước những tay thích đá gà đam mê thú chơi dân gian thường được tổ chức ở các hội làng, lễ hội đầu năm hoặc hội truyền thống của địa phương. Với gà chọi cũng được “xem tướng” rất kỷ. Hình dáng, tướng mạo, xét kỹ 5 bộ phận trên mình gà, gọi là ngũ thường: Mỏ to thẳng, miệng rộng, đầu mồng dâu, mắt chữ điền, mắt long cung tiếng. Cổ to, dài, thẳng. Lưng rộng, cánh dài. Đùi to, phần đùi dài hơn phần cánh. Chân thanh, ngón thắt, vảy mỏng, khô và cựa gà rất quan trọng, dài, thẳng. Ngoài ra dáng đi, chân gà, tiếng gáy phải là gáy khét.

Chọn gà còn tìm gốc gác của nó như tông mái. Gà mái nòi giữ giống, giữ tông “chó giống cha, gà giống mẹ”. Gà nòi trống, gọi là gà cồ (to con) cũng quan trọng, chịu đòn giỏi, sức bền, có nhiều thế độc gà phải tài, ăn nhiều độ, chưa thua thì mới sinh ra được gà tài, gà hay. Thường một đám gà con khi tuyển chọn cũng chỉ được một vài con gà nòi, gà chọi.

Chọn màu lông, thông thường có 3 màu lông phổ biến: ô, tía, xám. Gà màu ô phải là ô ướt hoặc ô toàn sắc; gà tía phải là tía mật ngã màu đen; gà xám phải là xám khô, vì vậy dân gian mới có câu rằng: “Nhứt điều ô, nhì xám khô, ba ô ướt”. Nếu chọn được tía ngũ sắc (năm màu lông) thì khó có gà nào địch nổi. Chỉ giống gà ô mới có thần kê, vậy mới có câu: “Gà ô chân trắng mỏ ngà. Đá đâu thắng đấy gọi là thần kê”.

Ngoài ra con gà nào gáy 7 tiếng trở lên nhưng gáy giật từng tiếng, đó cũng là thần kê. Chọn vảy gà hay, gà tài rất quan trọng. Đòn, thế đá của gà hay, gà tài thường thể hiện trên vảy ở hai chân. Có nhiều loại vảy tốt khác nhau, nhưng tiêu biểu là các loại vảy: tứ trụ, liên chu, liên giáp nội, đại giáp, tam tài, trường thành, huỳnh kiều, xuyên thành giáp, chân lông vảy loạn, án thiên đệ nhất, án địa (địa phủ), giao long (hai hàng trơn), lục đinh (3 cựa mỗi chân), nếu lục đinh có 2 cựa rung rinh gà ấy mới qúy; đặc biệt gà có vảy “đệ nhất thần đao” (linh giáp tử) được gọi là linh kê...

Nuôi gà đá rất công phu. Hồi còn học sinh, anh rể tôi thích đá gà nên nuôi vài con gà chọi được chăm sóc rất kỹ. Mỗi ngày phun nước trà đặm đặc cho màu da sậm. Phun rượu có tẩm thuốc Bắc để bảo vệ da. Dùng đầu đũa nhọn châm nhẹ vào cổ, thân, cánh để gà chịu đựng đau đớn cho quen dần chịu đựng. Khi gà nhốt trong lồng, lấy tấm gương soi nhữ trước lòng để xem phản ứng nhanh, chậm… Cho hai con gà “xung trận” để biết sự lợi hại của từng con. Hai tay cầm con gà nầy thách đấu với con gà kia…

Tóm lại với các yếu tố chính của gà chọi, gà đá: Thư hùng kê, lão thần đồng, lưỡng hậu, giáp cần, móng rồng… để biết đòn, thế.

Trong quyển Cờ Bạc của Huỳnh Văn Lang, ấn hành vào năm 1998, tác giả cho biết trong suốt “sự nghiệp” đá gà ăn tiền của ông kéo dài hàng chục năm (1966-1975) khi rời chiếc ghế Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái VNCH, ông đã kiếm tiền khá bộn trong việc nuôi gà đá và đá gà, đem kinh nghiệm để viết thành chương.  

Theo tác gỉa, ông được một người bạn tặng cho một quyển sách cũ viết về nghệ thuật đá gà áp dụng theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành do chính đức Tả Quân Lê Văn Duyệt viết. Tả Quân Lê Văn Duyệt trước khi viết quyển sách bí truyền đó, dựa vào Kê Kinh Diễn Nghĩa của tác giả khuyết danh và Tả Quân đã trải qua kinh nghiệm khoảng 400 độ đấu gà với bao năm nghiền ngẫm từ kiến thức đến kinh nghiệm.

Tả Quân Lê Văn Duyệt đã luận “Con gà cũng như con người, cùng vạn vật đã sanh ra trong vũ trụ thì tất nhiên bị vũ trụ bao vây và chi phối, mà vũ trụ cùng vạn vật lại do định luật âm dương ngũ hành chi phối, vì tất cả đều do âm dương ngũ hành mà ra...” Vì vậy, Tả Quân đã dùng luật ngũ hành làm tiêu chuẩn căn bản cho môn chọi gà  và còn để lại cho hậu thế những bài học nghệ thuật vừa cao siêu vừa hiệu nghiệm.

Biết được cách phân biệt ngũ hành qua màu sắc của con gà và những phức tạp gặp phải khi con gà mang nhiều màu sắc khác nhau. Lông màu gì pha với màu gì, mồng gà màu gì và chân cẳng vảy vi mang màu gì. Minh định được màu sắc chính của con gà người chọi gà có thể xác nhận được giá trị  của gà đá... Gà mà còn như vậy thì người phải quan sát cho kỹ, thật thận trọng, “biết địch biết ta”, may ra tìm cách “chọi”.

Làm bàn về gà đá, gà chọi để suy ngẫm trong cõi dân gian, con người cũng vậy, đừng có hung hăng con bọ xít, đừng có “bôi mặt đá nhau” và cũng đừng lớn lối trong khi bản thân thuộc loại “gà chết, gà nuốt dây thun” cứ tưởng gà nòi, chưa trông, thoáng thấy bóng... vội tung đòn. Gặp phải gà chiến, gà đá, nguy thay!.

Than ôi! Làm người nếu muốn “chọi” với nhau thì lấy loài gà làm bài học và suy ngẫm.

Gà nòi, gà chọi... cũng chỉ là nạn nhân cho thú vui của những người thích thú vui và cá độ, cuối cuộc đời cũng trở thành vô dụng gà xé phay nhưng nuốt không vô!.

Little Saigon, June 2025
Vương Trùng Dương
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Bà ba Séc góa chồng từ tuổi 30, cũng may chồng ra đi sớm, bà buồn rầu một khoảng thời gian, rồi bất chợt do sức sống còn lại, bà vùng dậy lo làm ăn buôn bán mà nuôi được ba đứa con… năm 1970, cũng còn dễ xoay sở, bà chỉ có một cửa hàng tạp hóa… hay còn gọi là chạp phô, bà bán thêm củi, hàng đống, hàng thước, hàng tạ, gạo, bà bán từng bao lớn 100 kí, bao nhỏ 20 kí… vậy mà bốn mẹ con sống được, khá ung dung.
Sáng hôm nay Thứ Hai, sửa soạn đi đám tang người bạn học đột ngột ra đi mấy tuần trước. Anh đang tính chuyện qua Canada tháng Sáu nầy, có thêm người bạn học cũ từ Việt Nam cũng sang rồi cùng xuống New York gặp nhau. Nay thì những hẹn hò từ nay khép lại, với biết bao dự tính, mong ước dang dở…nhưng tin rằng một người tốt đẹp như Anh thì chắc thân đang nhẹ nhàng như mây đâu đó. Tuổi anh đã cổ lai hy. Có người bạn khác làm cho tờ báo Việt Nam ở đây, sáng nào cũng đọc cáo phó với phân ưu nên nhận ra mỗi ngày còn hơi thở là một bonus, lúc đó mới năm mươi.
Ở Mỹ ngày lễ Mẹ được quy định vào ngày chủ nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng 5. Còn ngày lễ Cha người ta lấy ngày chủ nhật thứ ba trong tháng 6. Cả hai ngày này để vinh danh người Mẹ và người Cha. Lễ Mẹ tháng năm, lễ Cha tháng sáu. Nhân ngày lễ Cha, xin tán chuyện như vầy: Từ ngày được “quy Mã” làm thân tị nạn tôi mới biết ở xứ này có nhiều ngày lễ. Lễ lớn lễ bé đều có, tháng nào cũng có ngày lễ được ghi rõ ràng trên lịch chẳng hạn như tháng giêng có Tết dương lịch, có ngày tưởng niệm mục sư Martin Luther King. Tháng hai có Valentine’ Day, President’ Day. Tháng ba có Saint Patrick’ Day, lễ Easter. Tháng tư có Earth’ Day. Tháng năm sau Ngày Của Mẹ là lễ “Chiến Sĩ Trận Vong” (Memorial’ Day). Tháng sáu có Flag’ Day và Father’ Day.
Ông Michael Farchi, cư ngụ tại Agora Hills, California, đi du lịch Las Vegas vào tháng 12/2023. Ông trú tại khách sạn hạng xịn The Venetian thuộc khu trung tâm Las Vegas Strip. Một buổi sáng, khi thức dậy, ông thấy đau đớn tột độ. Ông tả như sau: “Tôi có cảm giác như ai đó đâm vào vùng kín của mình. Cảm giác như bị một mảnh kiếng hoặc một con dao sắc nhọn cứa trúng. Tôi bước vô nhà vệ sinh thì nhìn thấy một con bọ cạp đang đu bám trên quần lót của mình”. Ông gửi ngay bản tường trình cho khách sạn Venetian Resort Las Vegas, viết như sau: “Tôi bị một con bọ cạp cắn trúng háng và tinh hoàn”. Khách sạn Venetian thuộc loại sang, có dòng nước với những con thuyền gondola xuôi ngược như bên con kênh tại Venise, Ý. Khách sạn cho biết họ ghi nhận sự việc. Ông Farchi thuê luật sư Brian Virag để kiện. Chuyện thằng nhỏ bị tổn thương đã thành chuyện lớn. Tất cả chỉ vì cái con bọ cạp ranh mãnh
Người xưa nói: Công vi thủ, thủ vi tâm? Hình như có nghĩa là mọi sự đều bắt đầu ở cái tâm, tâm suy nghĩ rồi mới cho ra tưởng. Tâm nghĩ thế nào thì cảm nhận ra như thế. Sau nhận thức, con người mình có suy nghĩ, từ suy nghĩ đó cho ra hành động. Và như thế đó, thầy Thích Thiện Thuận muốn dậy phật tử chúng ta hiểu thế nào là tâm tạo pháp. Về vật lý, tâm gồm những tâm nhĩ, những tâm thất, những động mạch, mạch máu, mạch vành, cơ, bắp… Về tinh thần, tâm là một hiện tượng phi vật chất phi vật thể nhận biết, suy nghĩ rồi cảm ứng thông qua những tiếp xúc từ mọi giác quan. Do đó, ngài nói tâm tạo pháp.
Hôm 06/05/24, Xi, Đảng trưởng Đảng cộng sản Tàu và Chủ tịch nước, tới Pháp thăm viếng cấp nhà nước 2 ngày. Theo giới ngoại giao thì cuộc gặp gỡ có những « trao đổi rất xây dựng ». Nhưng những nhà chuyên về Á châu và đặc biệt về Tàu, lại cho rằng ông Tổng thống Macron mời Xi qua thăm viếng chỉ là cách « ngoại giao giao hảo » mà thôi.
Nước Pháp này đúng là nước con gà, con gà Gaulois, khi tôi đến thăm một người bạn đã lâu ngày không gặp nhau ở tận vùng Villiers le Pin, ngoại vi vùng 93, gọi là ngoại ô mà rất xa Paris. Vùng đất khá thanh lịch êm ả, mỗi nhà có một diện tích rất rộng, vườn trước, đất bao quanh hai bên nhà, nhất là khoảng vườn sau bao la rộng thoáng. Tuy bao la là phía sau giáp rừng có lẽ, còn hai bên nhà nọ cách nhà kia cũng phân biệt bằng một hàng rào kẽm dây thép mỏng, mắt cáo thưa, để xác định giới tuyến, nhất là giới tuyến cho các quý vị gia súc… chó, mèo, nhất là gà, gà mẹ gà con ríu rít.
Thành ngữ Pháp có câu: “Le style, c’est l’homme”, văn là người. Con người như thế nào đều thể hiện rõ qua những gì mà người đó viết ra. Do đó, đọc văn thì hiểu được người. Khi phân tích một bài văn, người ta để ý đến hai phần, một là nội dung tư tưởng, hai là hình thức thể hiện. Vấn đề tác giả nêu ra nhằm mục đích gì? Có hướng đến Chân, Thiện, Mỹ không? Có xây dựng những giá trị phổ quát, lâu dài hay chỉ để đả phá, phục vụ cho ý đồ riêng tư, nhỏ nhen trước mắt? Nhận định dựa trên nguyên tắc được công nhận, dữ kiện có thật hay chủ quan, mơ hồ hoặc quá khích nhằm quy chụp, phủ nhận chân lý, bóp méo sự thật?
MyVan Entertainment & Travel Hân hạnh giới thiệu Chuyến Du Lịch Hawaii mùa hè 2024. Đồng hành cùng ca sĩ Mai Thiên Vân và Jimmy từ 23 tháng 7 đến 28 tháng 7, 2024. Hành trình tham quan những địa danh nổi tiếng tại Hawaii - Honolulu - Plynesian - Cultural Center - North Shore. Những đặc sản của miền Nhiệt Đới. Thưởng thức trái cây tươi ngon. Ở Resort 4 sao và những bất ngờ thú vị đang chờ đón quý vị. Mọi chi tiết ghi danh xin vui lòng liên lạc: Jimmy: 801-916-2745 Hoặc Nga: 714-261-7888.
Vào thời chưa có internet, sách báo online…, tức chỉ có sách báo in, sách báo giấy thì đối với trẻ em - tức thiếu niên nhi đồng, dù đã biết đọc tiếng Việt hay chưa thì truyện tranh (hay tranh truyện) thường là loại sách, báo ưa thích của đa số các cháu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.