Hôm nay,  

Đọc Ai* – Tiểu thuyết của Đặng Thơ Thơ

29/02/202423:49:00(Xem: 3199)

 

Capture
Bìa sách Ai – Tiểu Thuyết Đặng Thơ Thơ.
Sách dày 286 trang, hiện có bán trên mạng giá $16.86.
Độc giả có thể tìm mua sách tại:
https://www.lulu.com/shop/th%C6%A1-th%C6%A1-%C4%91%E1%BA%B7ng/ai/paperback/product-nvvyrr5.html?q=ai+dang+tho+tho&page=1&pageSize=4



Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
 
Không ngoại lệ, Ai của Đặng Thơ Thơ cũng ra đời như thế. Tuy vậy mấu chốt ở đây không phải là chủ đề, vì như chính chủ đề của nó, Ai không xuất hiện để tồn tại, mà như thời gian, Ai ra đời, là hiện thân của sự tồn tại ngắn ngủi, như cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, mất mát, tất cả là một chuẩn bị cho một “công cuộc” mất tích lâu đời.
 
Câu chuyện bắt đầu với những ý tưởng bất an trong đầu người mẹ, từ một mùa thu không có ngày tháng chính xác ngoài sự ập đến bất chợt của khung cảnh tàn úa. “Tôi không muốn nghĩ là mình đang mất nó dần dần. Vì nghĩ như vậy thì cũng giống như tôi đang sở hữu nó. Nhưng mỗi năm trôi qua thì cảm giác bất an càng tăng lên.”
 
Từ đây tác giả dẫn chúng ta đi vào nỗi lòng của người mẹ, cùng theo bà leo lên bước xuống những đoạn đường gập ghềnh trong suốt quy trình nuôi dưỡng tình yêu thương và cố gắng gìn giữ sự gắn bó với “thằng bé” một cách tuyệt vọng.
 
Như mẹ, thằng bé cũng mơ hồ nhận thấy mối nguy hiểm của sự mất mát.
 
“Những buổi tối trước khi đi ngủ nó vẫn hay đòi tôi đọc một cuốn truyện mỏng viết bằng tiếng Anh cho trẻ con, rồi sau đó nó bắt tôi kể lại bằng tiếng Việt.
            Tại sao con thích nghe tiếng Việt?
            Vì nghe tiếng Việt thì con là con.
            Nghĩa là gì?
    Nói tiếng Anh thì con bị mất đi. Con thành ra I. Giống như mẹ hay hỏi Ai đó?
    Rồi nó nói thêm:
    Nói tiếng Anh thì mẹ cũng là I. Tất cả đều là Ai. Nhiều Ai quá.”
 
Và chỉ trong vài trang, chính xác là một chương sách, Ai đã cho ra đời một quan hệ tình cảm vừa ngọt ngào, vững chãi, vừa đau đớn, dễ tuột. Từ đây, từ chương hai “mẹ phải clone con đi”, ý thức về sự mất mát ngày càng hiển lộ, trở thành cuộc tranh đấu không ngưng nghỉ – nơi con người sinh ra được thả vào sân khấu cuộc đời, thủ diễn vai trò “sống” để đi đến nghi thức chết.
 
Phần 1 của Ai từ chương 1 đến chương 12 chuyển từ góc nhìn của người mẹ sang góc nhìn của thằng bé và trở đi trở lại. Trong chương 9 “trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ - bài tập gửi chuyên viên tâm lý”, thằng bé viết:
 
“Với một đứa bé, không có gì kinh hoàng bằng cái chết của mẹ nó. Cả thế giới sụp đổ, chôn sống nó trong đó, trong cái chết của mẹ nó, và cả thế giới cũng chết theo…
…Một người mẹ bắt con chứng kiến cái chết của mình là một người bất thường. Một người tàn nhẫn. Một người bệnh hoạn.
Rất nhiều người mẹ bệnh hoạn như thế. Mà họ không hề ý thức được là bệnh hoạn...”
 
Suốt cuốn Ai, Đặng Thơ Thơ đã sử dụng tình yêu của người mẹ dành cho con mình hay tình yêu tuyệt đối của thằng bé dành cho mẹ nó để tạo nên một nền tảng tình yêu thiêng liêng, cái khung chính cho mọi ý tưởng, suy diễn, hành động. Từ người mẹ, thằng bé được cắt rốn sinh ra, từ tình yêu người mẹ, thế giới của nó được hình thành kiên cố… rồi sụp đổ.
 
“Mẹ nó chết rồi, nó không cần nói tiếng Việt nữa. Và nó cũng không còn là một đứa con nữa. Nó đã thành (a)I.
            Trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ.
            Một sự hủy hoại. Đứa bé (con) đã chết.”

Giữa hai mấu chính của hành trình tồn tại ngắn ngủi là khái niệm thời gian qua nhiều biến tấu, mà tấu pháp ở đây là những biến thiên đối lập phóng chiếu không ngừng, cho đến khi chúng ta nhận thức được mọi thứ dù thiêng liêng đến đâu, theo thời gian, đều trôi qua kẽ tay, và sự hữu hạn rốt cuộc cũng biến mất.
Phần hai của Ai bắt đầu từ chương 13 “xưởng chế tạo thời gian” với bối cảnh ở Nhật là đoạn mở đầu của cuốn phim, cảnh nhân vật Ai đang ngồi khâu tay và nghĩ luẩn quẩn về các nhân vật của cuốn phim truyền hình. Công việc của cô là làm những con búp bê được khách hàng đặt riêng theo từng nhân vật cho những khách sưu tập búp bê sành điệu. Từ đây mở ra, cuốn tiểu thuyết không chỉ còn là suy diễn của người mẹ hay thằng bé, mà là góc nhìn từ ống kính quay phim và đoàn làm phim, với vô số hình ảnh cụ thể được tác giả dựng lên xung quanh chủ đề trừu tượng: thời gian.

“’Đây là xưởng chế tạo thời gian.” Nàng Ai nói như thế. “Người sưu tập không chỉ mua một con búp bê mà họ còn muốn sở hữu một thứ gì khác, một cuộc đời, hoặc những khả thể của một cuộc đời… Búp-bê có nhiều thời gian hơn con người, mà chúng lại không biết làm gì với thời gian chúng có. Chúng như những nhà tỉ phú không biết cách tiêu tiền. Thời gian của chúng thênh thang vô hạn. Còn chúng ta thì lúc nào cũng túng thiếu…”

Từ cuốn phim Ai, chủ đề về mất tích lan tỏa ra nhiều nhánh, qua nhiều nhân vật, từ nhiều góc nhìn. Chương 14 đến 16, câu chuyện của nhiều mảnh đời AI, những người Việt ở Nhật hay đến Nhật được ống kính Ai rọi vào. Tác giả chuyển từ lối viết tự sự, suy diễn của nhân vật ngôi thứ nhất sang lối viết miêu tả, giải thích sự việc từ lăng kính bên ngoài chiếu vào, những nơi đoàn phim đi qua. Thời gian hay nhân vật hay sự việc được miêu tả là những câu chuyện hiện thực của thời đại, xảy ra ngay tại chỗ, trong một xã hội ở một xứ sở giàu có, văn minh, tự do, hiện đại bậc nhất thế giới, nơi cưu mang và nhận chìm những con người yếu thế đến đây mang theo ước mơ cải thiện đời sống từ một xứ sở nghèo đói, lạc hậu, chịu nhiều áp bức.

Những trang sau đó là những biến tấu âm thanh, hình ảnh xuyên thời gian/không gian. Dùng kỹ thuật làm phim – Đặng Thơ Thơ có khi rọi đèn sáng chiếu cận cảnh tạo cho người đọc một cảm xúc mạnh: “Người đàn ông trần truồng thè lưỡi liếm hai bàn tay. Đầu tiên ông ăn hai cánh tay là thứ dễ đưa lên miệng nhất. Xong ông ngồi bệt xuống đất, vục đầu giữa hai đùi ngoạm phần thịt mềm chỗ bắp vế non…”  Có khi tác giả chỉ quét ống kính ngang qua đủ để lại một suy nghĩ, hay lùi ống kính lui ra toàn cảnh: “Màn hình nhòa dần, màu đỏ loang ra, chảy như một giòng sông cuồn cuộn phù sa…” Có những đoạn tác giả dùng kỹ thuật âm thanh thu âm hay lời tường thuật miêu tả giải thích sự việc: “Đoạn phim này không có ý chỉ trích dân tộc nào. Dân tộc nào cũng có thể đem áp dụng vào đoạn phim này, bất kể dân tộc nào đã chảy máu, dính máu, đầy máu, kể cả những dân tộc thuần chủng và đã mất tích…”

Bố cục Ai khá chặt, mọi hoạt cảnh đều hướng về chủ đề chính, làm sáng tỏ sự biến dạng sắp mất của những gì đang hiện hữu ở bất kỳ một hình thể nào. Và có lẽ kỹ thuật sắp xếp và chủ ý giải thích một khái niệm trừu tượng cũng làm cho phần 2 của Ai có một vài lấn cấn. Tùy theo độc giả, sẽ có người thích kỹ thuật tạo bối cảnh dẫn dắt người đọc, có người thích những hình ảnh mạnh mẽ, cường điệu, có người như tôi, trước những cảnh tượng dồn dập sẽ tạm bỏ sách xuống “nhắm mắt” lại, như người uống rượu đỏ sau một vài ly rượu dù ngon tuyệt, nhấp một ngụm nước lã, trả vị giác về nguyên thủy trước khi tiếp tục uống.

Phần kết của Ai trả lại không khí của phần đầu, trở lại với người mẹ, hay những người mẹ, với đứa bé, hay những đứa bé, những chữ i i i hun hút trong bức tranh trên tường. Những thước phim động hay những tấm hình triển lãm trở thành những câu hỏi liên tục hiện hình nhưng không có giải đáp. Cuộc sống vẫn đầy ắp những sự tồn tại, những gìn giữ, níu kéo.  Những người mẹ vẫn tiếp tục nhìn con mình đùa giỡn, lớn khôn, và biến mất. Cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn, và lại bắt đầu lại… cũng vào một ngày… mùa thu.

Và đây có lẽ là thành công của tác giả, vì đọc hết trang cuối, thay vì gấp quyển sách lại, tôi thấy mình lật ngược trở về trang nhất, và bắt đầu… đọc lại từ đầu.
 
Nina Hòa Bình Lê
  
*Ai là tiểu thuyết đầu tay của đặng thơ thơ, tác giả hai tập truyện ngắn Phòng Triển Lãm Mùa Đông (2002) & Khả Thể (2014)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản dịch Việt ngữ dựa trên nguyên bản Anh ngữ bài điểm sách ‘Wild Dances’ puts consequences of a long-ago, faraway conflict at center (NPR May 9, 2023) của Đinh Từ Bích Thúy...
Một buổi ra mắt sách thực hiện dưới hình thức buổi trà đàm tại Quán Cành Nam trong Viện Viêt Học hôm thứ Năm 13 tháng 7/2023 đã trình bày một hình thức mới của văn học Việt Nam: một tuyển tập dịch sang Anh văn 3 truyện kể từ 3 nhà văn Phạm Thành Châu, Phạm Tín An Ninh, Phan Nhật Nam do dịch giả Kim Vũ thực hiện nhằm cho thế hệ trẻ gốc Việt chỉ đọc dược tiếng Anh hiểu được sự thật lịch sử tại quê nhà Việt Nam, nơi cha anh của họ đã rời nước ra đi. Chương trình dịch sang tiếng Anh các chuyện kể sẽ được dịch giả Kim Vũ thực hiện liên tục, và dự kiến sẽ có thêm hỗ trợ từ Tiến sĩ Đinh Xuân Quân.
Uyên Hà (Lê Đình Ba) làm thơ từ ngày đi học Trường Trung Học Trần Quý Cáp nơi phố cổ Hội An vào những năm đầu của thập niên 1960s và đợi… cho đến Hè năm 2023, ở tuổi tám mươi mới ấn hành “đứa con đầu lòng” thi phẩm Người Đứng Khóc Tay Không...
Tản mạn nhân đọc tập Tạp bút “Chỉ là đồ chơi” của Trịnh Y Thư, sách do Văn Học Press tái bản dưới dạng eBook, năm 2023...
Nhà văn Vũ Thất, sinh năm 1940 tại Tân Châu, Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cựu học sinh trung học Võ Tánh, Nha Trang (1957-1959). Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình (1961-1963), TTHL Hải Quân Nha Trang. Xuất thân với 81 Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình...
Đọc tập thơ “Xếp màu cho tuổi”, thơ Đặng Toản, Houston 2022...
Nhân những biến động gần đây trên Tây Nguyên Việt Nam, tác phẩm tiểu thuyết "Vòng đai xanh" của nhà văn Ngô Thế Vinh được nhắc đến như một văn bản trung thực và khả tín để tìm hiểu thêm về nguyên do và tình trạng của cuộc xung đột có tính lịch sử này. Việt Báo xin đăng lại bài Tựa của cuốn sách trong dịp tái bản năm 2018 tại hải ngoại...
Tạp bút của Trịnh Y Thư, ấn bản 2023, định dạng eBook...
Truyện dài “Đời Thủy Thủ” của nhà văn Vũ Thất xuất bản lần thứ nhất năm 1969 tại Sài Gòn, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ với nhân vật chính Võ Bằng, một sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.