Hôm nay,  

Đọc Ai* – Tiểu thuyết của Đặng Thơ Thơ

29/02/202423:49:00(Xem: 3202)

 

Capture
Bìa sách Ai – Tiểu Thuyết Đặng Thơ Thơ.
Sách dày 286 trang, hiện có bán trên mạng giá $16.86.
Độc giả có thể tìm mua sách tại:
https://www.lulu.com/shop/th%C6%A1-th%C6%A1-%C4%91%E1%BA%B7ng/ai/paperback/product-nvvyrr5.html?q=ai+dang+tho+tho&page=1&pageSize=4



Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
 
Không ngoại lệ, Ai của Đặng Thơ Thơ cũng ra đời như thế. Tuy vậy mấu chốt ở đây không phải là chủ đề, vì như chính chủ đề của nó, Ai không xuất hiện để tồn tại, mà như thời gian, Ai ra đời, là hiện thân của sự tồn tại ngắn ngủi, như cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, mất mát, tất cả là một chuẩn bị cho một “công cuộc” mất tích lâu đời.
 
Câu chuyện bắt đầu với những ý tưởng bất an trong đầu người mẹ, từ một mùa thu không có ngày tháng chính xác ngoài sự ập đến bất chợt của khung cảnh tàn úa. “Tôi không muốn nghĩ là mình đang mất nó dần dần. Vì nghĩ như vậy thì cũng giống như tôi đang sở hữu nó. Nhưng mỗi năm trôi qua thì cảm giác bất an càng tăng lên.”
 
Từ đây tác giả dẫn chúng ta đi vào nỗi lòng của người mẹ, cùng theo bà leo lên bước xuống những đoạn đường gập ghềnh trong suốt quy trình nuôi dưỡng tình yêu thương và cố gắng gìn giữ sự gắn bó với “thằng bé” một cách tuyệt vọng.
 
Như mẹ, thằng bé cũng mơ hồ nhận thấy mối nguy hiểm của sự mất mát.
 
“Những buổi tối trước khi đi ngủ nó vẫn hay đòi tôi đọc một cuốn truyện mỏng viết bằng tiếng Anh cho trẻ con, rồi sau đó nó bắt tôi kể lại bằng tiếng Việt.
            Tại sao con thích nghe tiếng Việt?
            Vì nghe tiếng Việt thì con là con.
            Nghĩa là gì?
    Nói tiếng Anh thì con bị mất đi. Con thành ra I. Giống như mẹ hay hỏi Ai đó?
    Rồi nó nói thêm:
    Nói tiếng Anh thì mẹ cũng là I. Tất cả đều là Ai. Nhiều Ai quá.”
 
Và chỉ trong vài trang, chính xác là một chương sách, Ai đã cho ra đời một quan hệ tình cảm vừa ngọt ngào, vững chãi, vừa đau đớn, dễ tuột. Từ đây, từ chương hai “mẹ phải clone con đi”, ý thức về sự mất mát ngày càng hiển lộ, trở thành cuộc tranh đấu không ngưng nghỉ – nơi con người sinh ra được thả vào sân khấu cuộc đời, thủ diễn vai trò “sống” để đi đến nghi thức chết.
 
Phần 1 của Ai từ chương 1 đến chương 12 chuyển từ góc nhìn của người mẹ sang góc nhìn của thằng bé và trở đi trở lại. Trong chương 9 “trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ - bài tập gửi chuyên viên tâm lý”, thằng bé viết:
 
“Với một đứa bé, không có gì kinh hoàng bằng cái chết của mẹ nó. Cả thế giới sụp đổ, chôn sống nó trong đó, trong cái chết của mẹ nó, và cả thế giới cũng chết theo…
…Một người mẹ bắt con chứng kiến cái chết của mình là một người bất thường. Một người tàn nhẫn. Một người bệnh hoạn.
Rất nhiều người mẹ bệnh hoạn như thế. Mà họ không hề ý thức được là bệnh hoạn...”
 
Suốt cuốn Ai, Đặng Thơ Thơ đã sử dụng tình yêu của người mẹ dành cho con mình hay tình yêu tuyệt đối của thằng bé dành cho mẹ nó để tạo nên một nền tảng tình yêu thiêng liêng, cái khung chính cho mọi ý tưởng, suy diễn, hành động. Từ người mẹ, thằng bé được cắt rốn sinh ra, từ tình yêu người mẹ, thế giới của nó được hình thành kiên cố… rồi sụp đổ.
 
“Mẹ nó chết rồi, nó không cần nói tiếng Việt nữa. Và nó cũng không còn là một đứa con nữa. Nó đã thành (a)I.
            Trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ.
            Một sự hủy hoại. Đứa bé (con) đã chết.”

Giữa hai mấu chính của hành trình tồn tại ngắn ngủi là khái niệm thời gian qua nhiều biến tấu, mà tấu pháp ở đây là những biến thiên đối lập phóng chiếu không ngừng, cho đến khi chúng ta nhận thức được mọi thứ dù thiêng liêng đến đâu, theo thời gian, đều trôi qua kẽ tay, và sự hữu hạn rốt cuộc cũng biến mất.
Phần hai của Ai bắt đầu từ chương 13 “xưởng chế tạo thời gian” với bối cảnh ở Nhật là đoạn mở đầu của cuốn phim, cảnh nhân vật Ai đang ngồi khâu tay và nghĩ luẩn quẩn về các nhân vật của cuốn phim truyền hình. Công việc của cô là làm những con búp bê được khách hàng đặt riêng theo từng nhân vật cho những khách sưu tập búp bê sành điệu. Từ đây mở ra, cuốn tiểu thuyết không chỉ còn là suy diễn của người mẹ hay thằng bé, mà là góc nhìn từ ống kính quay phim và đoàn làm phim, với vô số hình ảnh cụ thể được tác giả dựng lên xung quanh chủ đề trừu tượng: thời gian.

“’Đây là xưởng chế tạo thời gian.” Nàng Ai nói như thế. “Người sưu tập không chỉ mua một con búp bê mà họ còn muốn sở hữu một thứ gì khác, một cuộc đời, hoặc những khả thể của một cuộc đời… Búp-bê có nhiều thời gian hơn con người, mà chúng lại không biết làm gì với thời gian chúng có. Chúng như những nhà tỉ phú không biết cách tiêu tiền. Thời gian của chúng thênh thang vô hạn. Còn chúng ta thì lúc nào cũng túng thiếu…”

Từ cuốn phim Ai, chủ đề về mất tích lan tỏa ra nhiều nhánh, qua nhiều nhân vật, từ nhiều góc nhìn. Chương 14 đến 16, câu chuyện của nhiều mảnh đời AI, những người Việt ở Nhật hay đến Nhật được ống kính Ai rọi vào. Tác giả chuyển từ lối viết tự sự, suy diễn của nhân vật ngôi thứ nhất sang lối viết miêu tả, giải thích sự việc từ lăng kính bên ngoài chiếu vào, những nơi đoàn phim đi qua. Thời gian hay nhân vật hay sự việc được miêu tả là những câu chuyện hiện thực của thời đại, xảy ra ngay tại chỗ, trong một xã hội ở một xứ sở giàu có, văn minh, tự do, hiện đại bậc nhất thế giới, nơi cưu mang và nhận chìm những con người yếu thế đến đây mang theo ước mơ cải thiện đời sống từ một xứ sở nghèo đói, lạc hậu, chịu nhiều áp bức.

Những trang sau đó là những biến tấu âm thanh, hình ảnh xuyên thời gian/không gian. Dùng kỹ thuật làm phim – Đặng Thơ Thơ có khi rọi đèn sáng chiếu cận cảnh tạo cho người đọc một cảm xúc mạnh: “Người đàn ông trần truồng thè lưỡi liếm hai bàn tay. Đầu tiên ông ăn hai cánh tay là thứ dễ đưa lên miệng nhất. Xong ông ngồi bệt xuống đất, vục đầu giữa hai đùi ngoạm phần thịt mềm chỗ bắp vế non…”  Có khi tác giả chỉ quét ống kính ngang qua đủ để lại một suy nghĩ, hay lùi ống kính lui ra toàn cảnh: “Màn hình nhòa dần, màu đỏ loang ra, chảy như một giòng sông cuồn cuộn phù sa…” Có những đoạn tác giả dùng kỹ thuật âm thanh thu âm hay lời tường thuật miêu tả giải thích sự việc: “Đoạn phim này không có ý chỉ trích dân tộc nào. Dân tộc nào cũng có thể đem áp dụng vào đoạn phim này, bất kể dân tộc nào đã chảy máu, dính máu, đầy máu, kể cả những dân tộc thuần chủng và đã mất tích…”

Bố cục Ai khá chặt, mọi hoạt cảnh đều hướng về chủ đề chính, làm sáng tỏ sự biến dạng sắp mất của những gì đang hiện hữu ở bất kỳ một hình thể nào. Và có lẽ kỹ thuật sắp xếp và chủ ý giải thích một khái niệm trừu tượng cũng làm cho phần 2 của Ai có một vài lấn cấn. Tùy theo độc giả, sẽ có người thích kỹ thuật tạo bối cảnh dẫn dắt người đọc, có người thích những hình ảnh mạnh mẽ, cường điệu, có người như tôi, trước những cảnh tượng dồn dập sẽ tạm bỏ sách xuống “nhắm mắt” lại, như người uống rượu đỏ sau một vài ly rượu dù ngon tuyệt, nhấp một ngụm nước lã, trả vị giác về nguyên thủy trước khi tiếp tục uống.

Phần kết của Ai trả lại không khí của phần đầu, trở lại với người mẹ, hay những người mẹ, với đứa bé, hay những đứa bé, những chữ i i i hun hút trong bức tranh trên tường. Những thước phim động hay những tấm hình triển lãm trở thành những câu hỏi liên tục hiện hình nhưng không có giải đáp. Cuộc sống vẫn đầy ắp những sự tồn tại, những gìn giữ, níu kéo.  Những người mẹ vẫn tiếp tục nhìn con mình đùa giỡn, lớn khôn, và biến mất. Cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn, và lại bắt đầu lại… cũng vào một ngày… mùa thu.

Và đây có lẽ là thành công của tác giả, vì đọc hết trang cuối, thay vì gấp quyển sách lại, tôi thấy mình lật ngược trở về trang nhất, và bắt đầu… đọc lại từ đầu.
 
Nina Hòa Bình Lê
  
*Ai là tiểu thuyết đầu tay của đặng thơ thơ, tác giả hai tập truyện ngắn Phòng Triển Lãm Mùa Đông (2002) & Khả Thể (2014)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác...
Phê Bình . Nhận Định -- BÙI VĨNH PHÚC -- VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024...
NGÔ THẾ VINH, BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG là tuyển tập đặc biệt thứ ba, do tạp chí Ngôn Ngữ hân hạnh đứng tên xuất bản và phát hành rộng rãi...
Trong 3 thập niên qua, trong lãnh vực văn học nghệ thuật với văn, thơ, âm nhạc... tôi đã viết về tác giả, tác phẩm cho các tờ báo cộng tác và đảm trách sau đó được phổ biến trên các website & blogspost...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.