Hôm nay,  

Lướt qua “Hành Trình Phù Sa”

28/02/202409:12:00(Xem: 1360)
20240225_091314

Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam. Mở đầu tập sách tác giả viết: “Vết xước của quá khứ, vết cắt của thời gian xẻ dọc xẻ ngang trong cuộc đời phiêu bạt, lờ mờ như giấc mộng, nhạt nhòa của ký ức. Đôi khi tôi tự hỏi: Tôi là ai? Tôi đang ở đâu?”. Có lẽ câu hỏi này chẳng phải là câu hỏi riêng của một mình anh Lê Triều Điển, nó là câu hỏi của bao nhiêu con người trên thế gian này, là câu hỏi muôn đời. Người xưa cũng đã từng hỏi như thế, người nay đang tự hỏi và rồi người của mai sau cũng sẽ tiếp tục tự vấn. Những con người sinh ra ở thế gian này, nhất là những người nhạy cảm, những nghệ sĩ, những ai quan tâm đến thân phận con người đều hỏi câu hỏi này.
    Họa sĩ lê Triều Điển sanh ra và lớn lên ở vùng đất có những con sông chở nặng phù sa, những địa danh: Chợ Lách, vàm Xếp, vàm Măng Thít, Phú Phụng… tuổi thơ của anh và cũng như của tất cả người dân thời ấy quá cơ cực. Anh kể: “Hôm nay Tây ruồng bố miệt Cầu Kè bắt bớ, hãm hiếp, đốt nhà. Hôm sau Việt Minh trừ gian diệt ác, ám sát, đốt chợ, đốt đồn, giết thả trôi sông...” Phận người dân như con sâu cái kiến, khổ đau vì vận nước loạn lạc chiến tranh. Gia đình của họa sĩ cũng như những người dân khác lênh đênh chạy loạn liên tục. Thuở ấy anh học chữ ở một ngôi trường mà nơi ấy vốn là ngôi đình cổ. Sau đó học tiểu học ở Tân Giai, sau khi tốt nghiệp thì thi vào trường kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. Ở đây anh đã học vẽ với thầy Thịnh Del (Mỹ thuật Paris), thầy U Văn An (Mỹ thuật Đông Dương), cô Trương Thị Thịnh (Mỹ thuật Gia Định)… Năng khiếu, chăm chỉ học tập, sáng tạo và sự hướng dẫn của các thầy cô là nền tảng để sau này đời có một người họa sĩ nổi tiếng: Lê Triều Điển. Anh viết: “ ...cái nhìn về nghệ thuật, sự sáng tạo, sự tìm kiếm của người nghệ sỹ trên con đường trở về bản ngã, trở về cội nguồn trong sâu thẳm của sự sáng tạo, của tâm hồn, chớ không chỉ là sự cần cù, khéo tay, góp phần hình thành trong tôi sự đam mê, dấn thân vào niềm yêu thương tuyệt đối trên hành trình nghệ thuật, một con đường không có điểm đến”. Anh nói đúng, hầu hết nghệ sĩ yêu nghệ thuật, sáng tạo không ngừng nghỉ và không bao giờ tự cho rằng mình đã đến đích. Cái đẹp của nghệ thuật vốn vô cùng, hành trình sáng tạo hay là hành trình đi tìm cái đẹp là một hành trình vô tận, một khi nghĩ mình đến đích thì kể như “chết” rồi! Hành trình nghệ thuật vĩnh viễn không có đích.
    Đất Việt hết chiến tranh với Pháp lại tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Người Mỹ đổ vào miền Nam một lực lượng binh lính, cố vấn và khí tài vô cùng lớn. Chiến tranh lan rộng và tàn khốc, tất cả người dân miền Nam sống trong khổ đau, sợ hãi và tương lai mịt mù vô định. Lúc này anh rời trường Cao Thắng qua học trường Bách Khoa Phú Thọ và anh thú nhận: “ Nằm chung trong số phận những kẻ lừng khừng chán ghét chiến tranh”. Chiến tranh đang tàn phá quốc gia, gây bao đau thương thể xác và tâm hồn người. Mọi người lo sọ rối bời và mất phương hướng, trong hoàn cảnh này, họa sĩ dồn tâm trí: “Tôi vẽ, bôi xóa rồi lại vẽ, lại bôi xóa, hân hoan hào hứng với những sắc màu nhảy múa như những cơn lên đồng”. Chiến tranh leo thang càng lúc càng khốc liệt. Anh bị chuyển ra Đà Nẵng sau khi học xong khoá cơ khí không quân. Trong tình thế bế tắc, bi quan anh đã: “Tôi lao vào vẽ, vẽ để quên đi nỗi cô đơn, vẽ những nỗi buồn sâu kín trong tâm hồn, vẽ để tìm thấy chính mình, trở về với những đau khổ của một kiếp người, đón nhận từng khoảnh khắc cảm xúc của cuộc đời đang sống”.
    Lúc này những bức tranh anh vẽ đầy những vệt ngang dọc chằng chịt, tôi có cảm tưởng nhưng những đường lửa đạn kinh hoàng của chiến tranh. Những bức tranh với những hình nhân, mặt người cách điệu đang toát lên vẻ khủng bố tột độ. Có bức tranh đầy mắu sắc tím của hoa lục bình miền sông nước pha lẫn gam màu xánh xanh, ở giữa tranh là một khung chữ nhật màu đen với vô số vệt màu nhểu xuống… Phải chăng là cuộc đời bị “nhốt” trong đau khổ, tang tóc, chết chóc của chiến tranh?
    Những năm 1970, anh trở về Vĩnh Long mở quán cà phê thu hút nhiều nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đến ủng hộ. Những nghệ sĩ địa phương cũng đến sum họp và sinh hoạt với nhau: Nguyễn Thế Đệ, Trần Mộng Hoàng, Nguyễn Sinh Từ… Quán cũng là nơi họp mặt thường xuyên của nhóm du ca Đoàn Xuân Kiên. Anh được nhiều bạn bè ủng hộ nên thực hiện giấc mơ mở phòng đọc sách, mua sách nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, văn học, bách khoa, sử địa….Phòng đọc sách hoạt động tốt gây ảnh hưởng tích cực và tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long đã quyết định cho xây thư viện tại chợ Vĩnh Long.
    Sau 1975, những tưởng hòa bình và thống nhất thì quê hương sẽ an ổn và cường thịnh… Nào ngờ lại tiếp tục một hành trình bất định mới cũng không kém phần khổ đau, sợ hãi, bơ vơ, lạc lõng… Một bức tranh anh vẽ có nhiều quân cờ oxox bị vây trong những ô vuông, tròn hoặc ngoằn ngoèo không biết hình dạng gì. Có lẽ người họa sỷ gởi gắm tâm sự đời là những cuộc cờ, thắng thua bất định, tất cả những cuộc cờ hay cuộc chơi ấy vốn đã được định đoạt bởi những thế lực giấu mặt. Những quân cờ oxox hoàn toàn không quyền quyết định thắng thua cũng như quyền quyết định vận mệnh của mình.
    Về Cần Thơ, họa sỹ Lê Triều Điển cùng bạn bè thực hiện tập san văn nghệ và mở hội quán Quán Gió. Ở đây anh gặp nhà thơ Hồng Lĩnh, hai người yêu nhau và kết thành vợ chồng. Phải nói rằng đây là cặp vợ chồng nghệ sỹ đẹp, ăn ý, đồng lòng và chung tình rất mực. Một cặp đôi quý hiếm trong hội hoa, thơ ca của Việt Nam.
    Hội họa là tình yêu, là máu, là tất cả đối với anh. Hành Trình Phù Sa có đoạn: “ Hội họa đã thâm nhập âm thầm vào tâm hồn tôi từ rất lâu, nó như có sẵn trong máu thịt của tôi, cứ vẽ quẹt không chán nản, dù chẳng biết vẽ để làm gì, hình như đó là cách để tôi giãi bày với cuộc đời”.
    Sau 1975, tất cả lật nhào hết từ con người đến đạo đức, tâm hồn, đời sống vật chất, đời sống tinh thần… cái đói, khổ thường trực. Với người nghệ sĩ thì  sự kềm kẹp tư tưởng còn bức bách hơn. Sách có đoạn rằng: “ Sau những năm hoạt động nghệ thuật tự do giờ anh em họa sỹ phải chịu sự gò bó của cái gọi là thông qua phác thảo rồi mới được sáng tác nên anh em rất khó chịu bức bối”. Ở trang này có kèm một bức tranh hỗn loạn với bao nhiêu màu sắc và với những hình thù vô định, đường nét rối beng phải chăng là cái mớ bòng bong hỗn loạn của xã hội?
    Tranh của họa sỹ Lê Triều Điển thuộc trường phái lập thể hay trừu tượng, nó biểu tỏ cảm xúc nội tâm. Những mảng màu, những đường nét, những ký hiệu mang tính ước lệ rất khó hiểu, khó cảm nhận. Điều dễ thấy nhất là trên tranh của họa sỹ Lê Triều Điển đầy những vết ngang dọc chi chít, những hình tượng giống hệt chữ tượng hình, những biểu tượng của woodoo, những thể thức hình ảnh như người tiền sử vẽ trong các hang động... Dòng tranh của anh rất kén người xem vì nó không thuộc tính đại chúng, chỉ những người am hiểu nghệ thuật mới thích. Bản thân tôi cũng chẳng hiểu gì cả và cũng chẳng thích dòng tranh này. Tôi chỉ đoán mò và cảm nhận một cách chủ quan chứ thật sự không biết gì. Cái gu của tôi là những dòng tranh hay tượng điêu khắc thuộc trường phái tân cổ điển ( tiêu biểu như Bantoni Pampeo Jacques Louis David…) hoặc là dòng nghệ thuật của Michelangelo,Leonardo da Vinci, Claude Monet, Isaac Levitan...
    Sau thời kỳ bao cấp, xã dội dần mở cửa hội nhập trở lại với thế giới, tranh của anh được trưng bày ở Gallery Tự Do, được bán cho Blum Blossom. Giai đoạn này anh gởi tranh cho nhiều gallery nhưng phần nhiều bị chiếm dụng mất hết, chỉ có một vài chủ nhân tốt bụng mới trả tiền. Ngoài vẽ ra anh còn đi làm trang trí công trình cho nhiều đơn vị nhưng phần lớn bị quỵt tiền, bị nghiệm thu ăn chặn, cắt xén… gần hết. Họa Sỹ Lê Triều Điển còn là nghệ nhân làm gốm nặn tượng.Những tác phẩm đất nung của anh lần đầu tiên triễn lãm ở Gallery Xuân đường Võ Văn Tần. Họa sỹ Tú Duyên thích thú khen: “ Lần đầu tôi mới thấy đất có tiếng nói độc đáo như vậy”. Có lẽ anh đã dồn hết tâm hồn vào nặn tượng cũng như đã từng với vẽ tranh. Những cục đất sét vô tri qua bàn tay của anh đã trở nên sống động, biết biểu cảm, biết “nói”, biết thố lộ vì anh đã thổi hồn vào.
    Sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, kinh tết dần dần khá hơn, các mối quan hệ giữa nghệ sĩ sáng tạo và người yêu nghệ thuật cũng tốt đẹp, nhiều nhà sưu tập tranh dám bỏ ra món tiền lớn để mua những bức tranh mà họ đánh giá cao. Nhờ tranh mà đời sống gia đình anh qua cơn khốn khó. Anh tâm sự: “Bán tranh tiếc đứt ruột vì tác phẩm giống như đứa con của mình sinh ra...” nhưng vẫn phải bán để sống còn, để tiếp tục duy trì sáng tạo, để tiếp tục cuộc hành trình vẽ. Lúc bấy giờ tranh của anh đượcc treo trang trọng ở đại sảnh khách sạn, resort, ở nhiều Gallery danh tiếng và được triễn lãm ở Singapore, Pháp….Tranh của anh màu sắc và đường nét khá ảm đạm, khắc khổ nó cứ như những suy tưởng và ý niệm cô đơn, lạc lõng của anh. Anh vẽ tranh hay nặn tượng gốm không đặt nặng về chủ đề tư tưởng. Tất cả tự nhiên như lưu xuất từ tâm hồn, đôi tay chỉ là công cụ truyền tải. Tôi đã một lần gặp anh ngoài đời, anh gầy gò, tóc cột đuôi gà… thường cười vui với mọi người nhưng tôi vẫn cảm nhận cái sự cô đơn lạc lõng của anh ở giữa cuộc đời. Anh có may mắm lớn là người bạn đời của anh, chị Hồng Lĩnh là một nhà thơ cũng vừa là một họa sỹ. Chị cũng yêu thích gốm, phải nói là cả hai tâm hồn đồng điệu rất mực yêu nghệ thuật. Chị Hồng Lĩnh xinh đẹp, hiền hậu, thủy chung, chịu thương chịu khó, gắn bó với anh suốt cả hành trình sống, hành trình sáng tạo nghệ thuật. Anh chị luôn bên nhau trên cuộc hành trình gian khổ của đời và cái hành trình bất tận đi tìm cái đẹp. Những giọt mồ hôi, những giọt màu mà anh chị nhỏ xuống trên hành trình sáng tạo nghệ thuật cứ như những hạt phù sa. Những hạt phù sa xuyên suốt hành trình miệt mài bồi đắp.

 

– Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 0224

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.