Hôm nay,  

10 năm với Việt Sử Đại Cương của GS Trần Gia Phụng

17/03/202415:29:00(Xem: 1429)
vtd 1

Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy).
    Nhân dịp nầy, đề cập đến bộ sử Việt Nam Đại Cương của tác giả đã ấn hành vào hai thập niên qua.
    GS Trần Gia Phụng định cư tại Toronto, Canada, kể từ năm 1996 (quyển Trung Kỳ Dân Biến) đến năm 2021 (Chiến Tranh 1954-1975), ông đã ấn hành 26 quyển sách, hơn mười nghìn trang, đặc biệt với bộ sử Việt Sử Đại Cương, được đánh giá là bộ sử với công trình nghiên cứu về Lịch Sử Việt Nam đầu tiên quy mô nhất của người Việt hải ngoại.
    Sách về Lịch Sử Việt Nam của các bậc tiền nhân trước kia viết bằng chữ Nho và chữ Nôm. Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim (1883-1953) biên soạn xuất bản năm 1920. Bút hiệu Lệ Thần, cụ là học giả, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam. Tuy vào thời điểm đó công trình biên soạn chưa được hoàn chỉnh nhưng đã được dùng làm sách giáo khoa dưới thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa. Đây là quyển sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên vào đầu thế kỷ XX.
    Trong phần Tựa, cụ viết: “Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này…
    Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, chứ không học sử nước nhà…
    Nay nhân sự học ở nước ta đã thay đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước…”.
    Phần Niên Biểu trong Việt Nam Lược Sử đối chiếu thời gian lịch sử Việt Nam và Trung Hoa để biết giữa các triều đại.
    Vào thời Việt Nam Cộng Hòa, sử gia Phạm Văn Sơn (1915, chết trong trại tù K2/Tân Lập, ngày 6/12/1978). Quyển sách đầu tiên là Việt Nam Tranh Đấu Sử (1949), Việt Nam Hiện Đại Sử Yếu (1952), Thủy Chiến Việt Nam (1952) ở Hà Nội. Sau khi di cư vào Nam năm 1954, trong vai trò người viết sử, cộng tác với tập san Sử Địa, đã xuất bản nhiều quyển sách liên quan đế lịch sử. Đại Tá, Trưởng Khối Quân Sử, Phòng Nghiên Cứu, Bộ Tổng Tham Mưu. Tác giả Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa - 4 quyển (1968), Chiến Sử Việt Nam (1969)… Đặc biệt với bộ sách Việt Sử Tân Biên gồm 7 quyển: Quyển I (năm 1956, 510 trang), Quyển II (1958, 710 trang),  Quyển III (1959, 500 trang), Quyển IV (1961, 500 trang), Quyển V (1962, 492 trang), Quyển VI (1963, 502 trang), Quyển VII (1972, 466 trang). Tổng cộng có 3.662 trang.
    Lời Tác Giả trong cuốn Việt Sử Toàn Thư: “Từ mười hai năm nay, bước chân vào làng sử học, chúng tôi đã được hân hạnh giới thiệu các bạn văn gia trí thức và học sinh một tổ tác phẩm nhỏ như Việt Nam Tranh Đấu Sử, Việt Nam Hiện Đại Sử Yếu, Vĩ Tuyến 17, Việt Sử Tân Biên…
    Theo ý các bạn, Việt Sử Tân Biên gồm 7 cuốn chỉ lợi ích nhiều cho các giáo sư sử địa, các văn gia trí thức cần biên khảo rộng rãi và cho một số sinh viên nặng tình đặc biệt với sử học… Ngoài ra, từ trên 30 năm nay, tuy trong các thư viện của chúng ta đã có một sách về lịch sử, nhưng các sách này vẫn còn mang nặng ảnh hưởng của tư tưởng thời phong kiến, đế quốc. Nếu cần tiến bộ, tất nhiên ta phải có những cuốn sử mới viết theo quan niệm rộng rãi và tinh thần phóng khoáng của trào lưu dân chủ ngày nay cùng gồm thâu được nhiều điều mới lạ do sự khám phá hay sưu tầm của các học giả cận đại, hiện đại…”
    Cùng lúc, tác giả ấn hành với Việt Sử Toàn Thư - Từ Thượng Cổ Đến Hiện Đại, ấn hành  năm 1960 (với sách báo tham khảo gồm 4 trang, VNSL của cụ Trần Trọng Kim có 26 quyển). Sách dày 746 trang. Quyển sách nầy theo dòng thời gian như Việt Nam Sử Lược, thêm nhiều tài liệu bổ túc. Chương V: Những cuộc tranh thủ độc lập của Việt Nam từ 1928-1954. Xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Những cuộc tranh đấu của thế hệ trẻ tuổi. Cuộc đảo chánh 9-3-1945. Lá bài Bảo Đại và Hiệp Định Hạ Long. Cuộc chiến tranh Thực - Cộng (1945-1954). Thỏa hiệp Genève...
    Thời Việt Nam Cộng Hòa đã có nhiều sách lịch sử Việt Nam nhưng hai quyển Việt Nam Sử Lược và Việt Sử Toàn Thư được coi là tác phẩm tiêu biểu cho sinh viên, học sinh.
 
GS Trần Gia Phụng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, ban Sử Địa năm1965 và Cử Nhân giáo khoa Sử Học Đại Học Văn Khoa Huế cùng năm 1965. Trước năm 1975, ông dạy tại trung trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng và là giảng viên Viện Đại Học Cộng Đồng Đà Nẵng.  Năm 1995 ông định cư và sinh sống tại Toronto, Canada.
    Quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam. Con nhà thơ Trần Gia Thoại (1908-1886) có thơ đăng báo từ khi còn trẻ trên Tiếng Dân, Đông Pháp Thời Báo, Phụ Nữ Tân Văn, Thần Kinh… trước năm 1945. Nhà thơ Trần Gia Thoại đã ấn hành 10 tác phẩm, trong đó có 2 tập thơ Duyên Văn (1952), Nợ Bút (1953). Cụ là dịch giả 2 tập thơ ngụ ngôn La Fontaine (1621-1695) Fables de La Fontaine, trước đó cụ Trương Minh Ký (1855-1900) và cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1892-1936) đã dịch). Tác giả cuốn Giai Thoại Văn Chương và Tâm Sự Nhà Chí Sĩ Phan Chu Trinh Qua Thi Ca. Chủ Tịch Thị Hội Cổ Học Đà Nẵng, là bậc thân hào nhân sĩ đáng kính nơi quê nhà. Giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản Đà Nẵng.
    GS Trần Gia Phụng khi còn ở Việt Nam, bận rộn với công việc nhà giáo, vì vậy khi định cư tại Canada mang hoài bão viết sử với tinh thần khách quan, trung thực, độc lập về lịch sử đất nước.
    Trong cuộc phỏng vấn giữa nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh và GS Trần Gia Phụng tại Little Saigon 29/7/2016, ông khiêm tốn minh xác “Tôi chỉ là một người học sử, hay một người nghiên cứu sử… đừng gọi tôi là sử gia”. Và, ông nhận xét về sách lịch sử trong nước: “Chính sách giáo dục của cộng sản là “giáo dục phục vụ chính tri”. Vì vậy, tất cả các bộ môn trong chương trình giáo dục CS, đều phục vụ chế độ, trong đó có môn lịch sử. Cộng sản Việt Nam rất chú trọng đến ngành lịch sử nói chung và môn lịch sử trong trường học nói riêng, vì CS dùng môn lịch sử trong trường học để tuyên truyền cho chế độ CS, tùy tiện viết lại lịch sử, sửa đổi lịch sử theo nhu cầu của đảng CS. Nói cách khác, lịch sử của CS không phải là sự thật quá khứ, mà là thứ lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là lịch sử biên tập lại theo quyết định của đảng CS, nhằm tuyên truyền và làm lợi cho CS”. Đó là lý do ông viết về lịch sử Việt Nam với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
    Trở lại bộ sách Việt Sử Đại Cương. Tập I (Lập Quốc – 1428), ấn hành năm 2004, sách dày 482 trang (khổ book 5.5x8.5’ - 13cmx18cm). Bìa màu vàng, chữ đen, mỗi quyển có tấm hình nhỏ tượng trưng, nhà xuất bản Non Nước, Toronto. Trong Lời Mở Đầu tác giả cho biết sẽ thực hiện 5 tập:  Tập 1 (từ thời lập quốc đến năm 1428); tập 2 (từ năm 1428 đến năm 1802); tập 3 (từ năm 1802 đến năm 1884); tập 4 (từ năm 1884 đến năm 1945); tập 5 (từ năm 1945 đến năm 1975).
    Tập 2 ấn hành năm 2006, dày 480. Tập 3 ấn hành năm 2007, dày 462 trang. Tập 4 ấn hành năm 2008, dày 534 trang. Tập 5 ấn hành năm 2009, dày 534 trang.
Nhưng sau khi hoàn tất 5 tập, tác giả ấn hành tiếp 2 tập. Tập 6 (1954-1975) ấn hành năm 2012, dày 544 trang và tập 7 (1960-1975), ấn hành năm 2013, dày 516 trang. Trong Lời Nói Đầu của tập 6, tác giả cho biết “Giai đoạn nầy có nhiều sự kiện sự kiện cần ghi lại nên cuối cùng phải chia thành hai tập: Tập 6 viết về diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa, sinh hoạt của hai miền Nam Bắc Việt Nam. Tập 7 viết về chiến tranh miền Bắc xâm lăng miền Nam, lồng trong ý thức hệ quốc cộng giữa hai miền.
    Như vậy bộ sách Việt Sử Đại Cương, tác giả viết trong 10 năm dày tổng cộng 5.552 trang. (TS Hoàng Cơ Định cũng viết bộ sử tựa đề Việt Sử Đại Cương tập 1 ấn hành tháng 5/2019).
    Ngoài ra, để bổ túc giai đoạn của 3 tập 5, 6 và 7, tác giả Trần Gia Phụng ấn hành 2 quyển: Chiến Tranh 1946-1954 (Từ chiến tranh Việt Minh - Pháp đến chiến tranh ý thức hệ Quốc-Cộng) năm 2018, dày 568 trang; Chiến Tranh 1954 -1975 năm 2021, dày 598 trang.
    Đặc biệt trong mỗi chương, mục với phần chú thích rất rõ ràng, trích dẫn với nguồn tài liệu phong phú. Ví dụ trong VSĐC tập 1: Thời Tiền Sử (trang 43-51) với phần chú thích có 4 trang. Truyền Thuyết Hùng Vương (trang 81-101 với phân chú thích có 8 trang… VSĐC tập 7: Chiến Tranh Chấm Dứt 30/4/1975 (trang 421-444) với phần chú thích có  7 trang. Hầu hết, trong toàn bộ các tác phẩm của ông đều có phần chú thích như vậy.  
    Về tài liệu tham khảo rất phong phú, đa dạng được liệt kê trong mỗi tác phẩm. Với các thư viện ở Canada, Mỹ và Âu Châu (người em út của ông là TS Trần Gia Phước, giáo sư, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Đại Học Würzburg, Đức, chuyên gia Networks of Excellence, vì vậy trong những lần sang Đức, Pháp… ông có cơ hội tham khảo ở các thư viện có nhiều tài liệu về Việt Nam.                                         
    Trong 25 năm, ngoài các quyển sách nêu trên, tác giả đã ấn hành: Trung Kỳ Dân Biến 1908 (1996), Những Câu Chuyện Việt Sử, tập 1 (1997), Những Cuộc Đảo Chánh Cung Đình Việt Nam (1998), Những Câu Chuyện Việt Sử, tập 2 (1999), Những Kỳ Án trong Việt Sử (2000), Quảng Nam trong Lịch Sử, tập 1 (2000), Án Tích Cộng Sản Việt Nam (2001), Ải Nam Quan (2002), Những Câu Chuyện Việt Sử, tập 3 (2002), Exposing The Myth of Ho Chi Minh (2003), Quảng Nam Trong Lịch Sử, tập 2 (2003), Nhà Tây Sơn (2005), Những Câu Chuyện Việt Sử, tập 4 (2005), Bảo Đại (2014), Lịch Sử Sẽ Phán Xét (2016)…
    Về kỹ thuật, ông cho biết, 2 quyển sách đầu tiên, con ông layout rồi hướng dẫn ông, từ đó về sau, toàn bộ tác phẩm của ông, tự layout theo ý muốn. Vì vậy ông khẳng định: “Tôi theo kế hoạch lấy sách nuôi sách… Về việc tài trợ, tôi tuyệt đối không nhận bất cứ nguồn tài trợ… Tính tôi vốn độc lập, có lập trường riêng, không muốn lệ thuộc ai, không muốn bị mang tiếng là viết sách theo lệnh của đồng tiền, nên tôi không nhận tiền của ai, và cũng không nhờ ai chuyện ra mắt sách… Tôi sợ mang tiếng là viết thuê theo đơn đặt hàng, hoặc viết thuê theo lệnh của người khác, hoặc theo lệnh của một tổ chức hay đảng phái nào… Tôi một mình cặm cụi viết sách, một mình lo việc tiêu thụ sách. Chỉ cần đủ tiền in quyển sách kế tiếp là quá tốt rồi”. Những lời chia sẻ của ông còn lưu trữ trên website Hưng Việt, điều đó thể hiện nhân cách và lập trường của ông trong công việc nhà nghiên cứu lịch sử.
    Quyển LSSPX dày 652 trang, trong Lời Nói Đầu, tác giả cho biết “Chúng tôi trình bày các bài báo theo thứ tự thời gian xuất hiện trên các tạp chí. Có bài chúng tôi hiệu đính cho rõ ràng hơn và chú thích thêm những thông tin chúng tôi đưa ra ngay trong chính văn. Sách còn có mục “danh mục và sự kiện” ghi lại chuyện đời và việc…”. Ngoài công việc viết sử, tác giả còn là nhà báo theo sát thời sự, tin tức diễn biến xảy ra để nhận định. Trong quyển sách nầy có nhiều bài thuyết trình của tác giả ở Cannada và Hoa Kỳ, và không có phần chú thích vì trong mỗi bài viết đã nêu ra xuất xứ nguồn tài liệu.
    LSSPX là tác phẩm thứ 22, “tập trung 63 bài báo viết về cộng sản mà tác giả Trần Gia Phụng viết khoảng hơn 10 năm qua, đã đăng trên các báo ở hải ngoại”. Có lẽ quyển LSSPX là “cái gai” cho nhà cầm quyền trong nước và phần tử “dư luận viên” vì tác giả “Góp phần làm sáng tỏ các sự kiện lịch sử trước đây bị khuất tất hay bị che giấu do CS tuyên truyền, xuyên tạc, vẽ vời” (Lời Nói Đầu, trang 9).
 
Tôi không rành về lịch sử vì phải nhớ đến các con số thời kỳ, nhân vật… rất nhức đầu, nhưng thích đọc và tìm hiểu vì lịch sử của dân tộc liên quan đến nhiều lãnh vực từ văn hóa, văn học nghệ thuật, tôn giáo, truyền thống… tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân trước hiểm họa của phương Bắc… đến sự sống còn, vận mệnh đất nươc trải qua các triều đại.
    Với tôi, viết về lịch sử như múa rìu với các bậc thức giả như cao thủ võ lâm nhưng với toàn bộ tác phẩm của GS Trần Gia Phụng qua quá trình biên soạn rất công phu và giá trị cho cộng đồng người Việt hải ngoại, các thế hệ mai sau am tường nên mạo muội đề cập đến lãnh vực nầy.
    Với công việc nhà giáo trước năm 1975, thế hệ sinh viên, học sinh với thầy Trần Gia Phụng nay đã ở tuổi 70, 80 vì vậy trong giao thiệp, tôi gọi bằng anh cho thân mật nhưng trong bài viết gọi là ông để có sự khách quan và tỏ lòng tôn kính… Tuy ông không muốn gọi là sử gia nhưng với độc giả đã biết về những công trình biên soạn lịch sử đều đánh giá là sử gia.
    Từ khi Việt Sử Đại Cương tập 1 ra đời cho đến nay tròn hai thập niên. Nếu so sánh với Việt Sử Tân Biên của sử gia Phạm Văn Sơn và Việt Sử Đại Cương của GS Trần Gia Phụng, có sự trùng hợp với nhau gồm 7 quyển và trên 3.500 trang. Đây là hai bộ sử trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam và sau năm 1975 ở hải ngoại rất đáng quý.
    Như đã đề cập ở trên, một số tác phẩm và bài viết của GS Trần Gia Phụng là “cái gai” cho nhà cầm quyền trong nước và phần tử “dư luận viên”… dĩ nhiên ông cũng bị vài bài viết đả kích, có lần ông chia sẻ với tôi “trung ngôn nghịch nhĩ” và chứng tỏ bài viết có tác dụng. Ông là hình ảnh “thầy giáo làng” đứng giữa “thanh thiên bạch nhật” với kiến thức uyên bác và tấm lòng chân chính yêu nước vì tiền đồ dân tộc. Ông đã dấn thân với công việc của nhà sử học mang lại giá trị đích thực theo dòng lịch sử Việt Nam thì chẳng ngại “mũi tên” của phe đối nghịch, nếu ngại thì không viết mà khi viết thì chẳng bận tâm “mũi tên” đâm sau lưng.
    Trong cuộc phỏng vấn của ký giả Hồng Phúc: Anh có nghe được tiếng vọng gì từ độc giả của mình, tán đồng hay phản bác, về những công trình tim óc của mình không?
    Tác giả Trần Gia Phụng cho biết: “Chắc chắn là có chứ, khen có, chê có. Xin bỏ qua một bên chuyên khen ở đây. Tôi không dám mèo khen mèo dài đuôi. Còn người ta chê tôi thì đa số vì lập trường chính trị. Đầu tiên là CS chê tôi. Cộng Sản mà không chê tôi thì mới là lạ. Còn nhóm người thứ hai chê tôi, chính vì những định kiến sẵn có của họ…”.
    Giá trị của lịch sử là sự minh bạch, khi viết những cuốn sử, ông tra cứu, đối chiếu nhiều nguồn tài liệu, ông nhận thấy các nhà viết sử trong nước và cả Viện Sử Học nhưng chỉ là thiếu tinh thần minh bạch, khách quan nên ảnh hưởng đến sách giáo khoa cho nhiều thế hệ trong nước! Vì vậy, tựa đề Lịch Sử Sẽ Phán Xét như hồi chuông cảnh báo.
    Thế kỷ XVIII, triết gia Pháp Jean Jacques Rousseau đã nói “Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất”. Với lịch sử thì câu nói nầy là chân lý, và GS Trần Gia Phụng đã đáp ứng được điều đó.

 

– Vương Trùng Dương

Little Saigon, March, 2024

Ý kiến bạn đọc
18/03/202403:34:01
Khách
Bài khá hay và có nhiều chi tiết. Xin tác giả cho biết người Việt ở Mỹ và Canada có thể mua sách của GS Trần Gia Phụng ở đâu ạ. Thành thật cảm ơn tác giả nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.