Hôm nay,  

Chiều Thơ Khánh Trường

02/07/202421:03:00(Xem: 3039)



Cung Tich Bien
Nhà văn Cung Tích Biền và Khánh Trường

Thỉnh thoảng có một ngày vui. Gặp nhau trong thân tình, được bày lộ nỗi lòng, nâng ly rượu giao hòa. Đó là buổi ra mắt tập thơ của Họa sĩ Khánh Trường. Chiều, của một ngày cuối cùng tháng Sáu, 2024. Trời Nam Cali mát dịu. Tôi và Kim đến rất đúng giờ nhưng phòng họp đã đầy chật bằng hữu. Tấm lòng yêu mến Khánh Trường quả là rõ thực.

Tay này đa tài trên khắp nẻo, hội họa, văn chương, báo chí, cả ngang tàng một cõi thời trai trẻ. Bỗng đủ thứ bệnh tật đến rần rần như rủ nhau đi xem hội. Trên hai mươi năm nay ung thư thanh quản, hộc máu, tắt tiếng, đột quỵ, ngồi xe lăn, bại thận, mỗi tuần bị lụi kim, kim bự tổ chảng, vào người thay máu hai lần. Nhìn hai cổ/ cánh tay của Khánh Trường, từng đụn da thịt gồ lên thấp xuống, như cái dãy… Trường sơn thu nhỏ.

Chiếc xe lăn là một thường trực gần gũi, cái thế gian co cụm, giọng nói đã khó khăn phát ra không thành tiếng. Khánh Trường nói tiếng Việt, vợ anh phải làm thông ngôn dịch ra… tiếng Việt để mọi người nghe rõ, và lớn hơn.

Trong những nghìn ngày mờ mờ nhân ảnh, sống là sống mòn, để đợi một ngày Hui nhị tì, Khánh Trường, đã trên hai mươi hai mươi năm ấy, bỗng hóa thân thành một Khánh Trường khác. Sôi nổi, mãnh liệt, và bền bỉ làm việc. Vẽ, viết truyện ngắn truyện dài. Sáng trưng một cõi. Bạt ngàn cuộc rong chơi cõi thần hồn.

Một căn phòng đầy những sách, những bức tranh, là sáng tác phẩm của Trường. Nơi đó cũng là nơi mỗi cuối tuần anh em xa gần ghé thăm Khánh Trường. Cuộc rượu bày ra, cổ họng nốc vào, trời đất bồng bềnh, câu chuyện văn chương thời thế. Riêng Khánh Trường, trên chiếc xe lăn, hình hài một anh lính Nhảy dù vạm vỡ, bấy nay thu nhỏ dần lại, nón bê-rê đội đầu, nụ cười lặng lẽ. Một tay giang hồ xưa kia cùng anh em uống bia rượu như nước lã, nói năng la hét tanh bành, nay ngồi một chỗ trên xe lăn, nụ cười khiêm tốn, “Các bạn uống đi, mình ngồi xem cũng vui”. Nghe Khánh Trường xướng vậy. Lòng ta đau như cắt.

Những ngày buồn tênh, những giờ lạnh lòng trong hoang vu, xe lăn, khung cửa sổ, vài cành hoa bên ngoài, bầu trời bỗng rất hẹp, và mặt đất, công viên, con đường phố thị ngoài kia bỗng dư thừa, với một con người không thể còn tự bước đi. Nhưng Cõi Người bị số mệnh luôn tàn phá ấy, bỗng cất tiếng nói của riêng mình qua con đường nghệ thuật. Rất gian nan. Cực bền bỉ. Luôn là vượt cái hố thẳm tâm linh và hoang vu ấy, trong bình thản, như nhiên.  

Trong mỗi nhà sáng tác, mỗi nghệ sĩ, những  nhà phát minh, chừng có một năng lực vượt thoát, ra ngoài cái thân ngũ ẩn, vượt cát bụi để hòa thân, hóa niệm, vào cái thế giới huyền ảo. Trong tục lụy phiền muộn họ như đã may mắn được thần linh mở Cửa Trời. Hãy bước vào đây. Hãy nhẹ những khói sương. Và, hãy sáng ngời như lời Kinh tụng.

Con sông quê một dòng thơ thẩn, xóm nhỏ trúc tre hiền hòa nơi chào đời, nhưng lời ca dao của mẹ,  đã luôn là suối nguồn nơi người sáng tạo. Thơ Khánh Trường không thoát ngoài thông lệ này. Đi đâu thì đi cũng quay về với những tình yêu, yêu người, yêu quê hương, yêu tuổi thơ ngơ ngác. Những tình ấy, dù chỉ thoáng, dù nay mờ nhạt, nó vẫn là một mảng sắc màu, một sợi chỉ trong nghìn chỉ, kết nên tấm vải đặc trưng nơi mỗi phận người.

**

Một căn phòng không rộng lắm, của Nhà sách  Tự Lực, thành phố Garden Grove, Quận Cam, một buổi ra mặt tập thơ của Khánh Trường. Khách mời là bạn bè, thân hữu. Hầu hết là các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh. Người có thiện cảm gầy ra buổi họp mặt là Hòa Bình Lê, chủ nhiệm Việt Báo. Tiếp dẫn, nối liền cái dây thân ái trong buổi họp mặt là Nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Hầu hết những phát biểu chiều nay của mọi   người, nhiều lắm, là những lời ưu ái đầy chân tình, dành cho Khánh Trường.

Ký giả Nguyên Hòa, Việt Báo, qua một bài tường thuật buổi này, và có nhắc tới một nhận định:  “Nhà văn Cung Tích Biền kết thúc phần trò chuyện văn nghệ sĩ thân hữu. Ông nhấn mạnh rằng bên cạnh những thành tựu về văn, thơ, họa, báo chí, Khánh Trường nổi bật với biệt tài trình bày báo và sách vở rất đẹp, rất mã, mà theo Ông hiếm người có tài này. Nói về thơ, nhà văn Cung Tích Biền cho rằng thơ Khánh Trường có những dòng tư tưởng siêu hình. Đọc những bài rất ngắn để lại suy nghĩ rất dài, rất xa. Ông cũng nói rằng những bài thơ ngắn Y sa đọc về bằng hữu khiến Ông rất cảm động và thấy Khánh Trường thật tài tình khi vẽ ra đặc tính bạn hữu của mình chỉ qua mấy nét, mấy dòng thơ”.


**

Bài viết này, không là một bài nhận định về văn chương hội họa, thơ Khánh Trường, do đã nhiều người viết rồi. Cũng chẳng kể lể về tình bạn, chuyện đời có nhau, huynh đệ chi binh, vì đó, chỉ là những vụn vặt riêng tư. Ở đây nói về một cuộc đời, một nhân phận khá đặc biệt.

Khánh Trường chẳng là ông thần ông thánh gì. Cũng ăn mắm, chè ngọt. Mặn ngọt đề huề. Nghĩa là phải chịu những búa rìu dư luận đắng cay ngọt bùi. Khen, thì nức nở. Chê bai ghét thù, thì, cạch nó đi, thằng này khó chơi.

Mà, khó chơi thiệt. Vào, những năm 90 của thế kỷ trước, khi Cộng Đồng người Việt hải ngoại rất kỵ những ai, việc gì, chưa nói đến Cộng sản thứ thiệt, chỉ nghe như có hơi hướng thân Cộng là triệt để tiêu trừ. Có những nhà báo bị giết. Một nhà văn chỉ với một trang quảng cáo hô hào bà con Hải ngoại nên về nước đầu tư, làm ăn, là anh đã bị chết thiêu, một đêm nơi trú ngụ của mình.

Trong lúc tất cả báo chí tiếng Việt trên đất Mỹ bấy giờ đều chỉ một mục đích bảo vệ lý tưởng và các di sản của Miền Nam Tự do, trong đó có văn chương nghệ thuật. Tuyệt đối, không một bài, một dòng nào khuynh tả, thân Cộng. Vậy, mà ngay năm 1991, Khánh Trường chủ trương một tạp chí, có tên Hợp Lưu.

Một cái tên báo, đủ hiểu ra là hô hào sự hòa hợp, chung dòng trong ngoài, tả hữu. Chỗ gặp nhau giữa hai dòng sông hòa một, nơi một phụ lưu trở về với sông mẹ, nơi ấy gọi là giao thủy, hợp lưu.

Hợp Lưu quy tụ tất cả các nguồn văn, hữu lẫn tả khuynh, trong và ngoài nước, từ một nhà văn lớn tuổi khoan hòa chuẩn mực, đến những cây bút trẻ tươi mầm, phá tung, bức thoát ra ngoài những khuôn phép xưa cũ. 

Sự tâp họp này, đối với các tác phẩm của những nhà văn Miền Nam Cộng Hòa còn lại trong nước thì cũng bình thường. Nhưng sự có mặt những tác giả từng là đảng viên, cán bộ văn hóa của chính quyền Miền Bắc, như Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến, vân vân, thì Khánh Trường đụng phải sự chống đối quyết liệt, mang cả lòng thù hận, của Cộng đồng Hải ngoại, những người thà tan gia bại sản, thà chết chìm trên biển Đông, nhất mực không sống chung với Cộng sản.

Khánh Trường có lúc từng bị “ném đá”. Cả những lời dọa, mày sẽ ăn lựu đạn. Nhưng Khánh Trường vẫn gan dạ đi đúng con đường mình chọn, Hợp Lưu vẫn sống, tiếp tục sống trong rất nhiều năm. Sự đóng góp của Hợp Lưu về mặt văn học nghệ thuật, lẫn khai phá, giá trị nhân văn là không thể phủ nhận.

**

Về chữ nghĩa trong sáng tác, trong mỗi chữ, ngoài cái xác nó còn có một cái hồn. Hồn thiêng lẫn hồn oan. Chúng tạo ra cái nghiệp [cũng là oan nghiệp] suốt đời người với một ai trót sống vì nó. Người cầm bút càng dấn sâu vào, nghiệp càng lớn, rộng trải. Bể khổ chẳng ở đâu xa. Nguyễn Công Trứ đã từng mơ ước khi có dịp trở lại chốn này:

“Kiếp sau xin chớ làm người.

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

 

Cung Tích Biền

Senior Village - Garden Grove.

Quận Cam 2-7-2024

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào chiều Chủ Nhật cuối Tháng Sáu, khoảng hơn 400 khán giả đã ngồi chật khán phòng của Huntington Beach Central Library Theater để cổ vũ cho các tài năng âm nhạc trẻ gốc Việt trong chương trình nhạc Emê Concert 2, chủ đề “I Wish It So”.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói về Khánh Trường-nhà thơ đã không quên nhắc lại “Khánh Trường là người làm được rất nhiều thứ, không những ông là họa sĩ, nhà thơ, mà ông viết văn rất hay. Tôi rất thích đọc truyện Khánh Trường. Nhưng điều tôi phục nhất là Khánh Trường của Hợp Lưu. Khánh Trường của nguyên tắc làm theo ý mình, trái ý thiên hạ. Người ta cho là anh ta phản kháng hay nổi loạn, nhưng theo tôi, KT chỉ làm cái gì mình cho là đúng, hay, phải làm. Tôi rất khâm phục.”
Ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” là ca khúc thứ hai của nhạc sĩ Thanh Sơn, sau ca khúc “ Tình học sinh” ra đời năm 1962, song bị... chìm lĩm, chẳng một ai chú ý? Năm 1983, trả lời phỏng vấn của chương trình Paris By Night, nhạc sĩ Thanh Sơn kể về sự ra đời của ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng”, sau 20 năm ra đời, đã được hàng triệu người kể cả miền Bắc sau này ưa thích. Đó là vào năm 1953, ông học chung lớp với người bạn nữ tên là “Nguyễn Thị Hoa Phượng”, hè năm ấy, người bạn gái cùng gia đình chuyển về Sài Gòn, ông có hỏi cô bạn: “Nếu nhớ nhau mình sẽ làm sao?”, cô bạn mĩm cười trả lời đại ý là “ Cứ mỗi năm đến hè, nhớ đến nhau, anh cứ nhìn hoa phượng nở cho đỡ nhớ bởi tên em là Hoa Phượng...”, và đó cũng là “đề tài” mà ông ấp ủ để 10 năm sau, khi đó cô bạn gái ngày xưa chắc đã... vu qui rồi?
Không thể chối cãi, trong đầm không gì đẹp bằng sen. Đúng hơn nữa, trong đầm không gì thơm hơn sen. Nhưng vì sao sen lại mọc trong đầm bùn? Vì sao sen không mọc sánh vai cùng Cẩm Chướng, Mẫu Đơn, Hồng Nhung, Anh Đào, Thiên Điểu, Oải Hương, Hướng Dương, vân vân trong những vườn quyền quý cao sang, những nơi chưng bày lộng lẫy? Vì sao sen lại chọn ngâm mình trong nước hôi tanh? Vì sao trong tất cả loại sen, tôi lại quý sen hồng, trong khi đa số yêu sen trắng? Sen và bùn là một lý thuyết chính trị cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Hoa sen phải mọc từ bùn, trong bùn. Không thể mọc ở những nơi không có bùn. Vì sao hoa sạch thơm phải mọc và sống từ nơi dơ thúi? Rồi sen phải vượt lên khỏi mặt nước mới nở được hoa đẹp, hoa thơm, nhưng vẫn cần có bùn để tồn tại. Một quá trình hiện thực, một ẩn dụ để tư duy.
Bộ phim Face Off 7: One Wish như đem lại một tín hiệu tốt lành rằng trong một xã hội Việt Nam ngày nay đang có quá nhiều điều nhiễu nhương, những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam vẫn còn có chỗ để tồn tại…
Hồi nhỏ, tôi thường nghe cha tôi đọc hai câu ca dao này: “Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha chết gót con đen sì.” Lúc ấy tôi chừng năm bảy tuổi, nên nghe rồi thuộc lòng mà không hiểu hết ý nghĩa, chỉ biết hời hợt là nếu cha chết thì mình sẽ khổ lắm! Nhưng ngay cả khổ ra sao thì cũng chẳng hình dung được. Câu ca dao nói trên cho thấy truyền thống ngày xưa, người cha đóng vai trò then chốt trong gia đình. Ông vừa là trụ cột kinh tế để nuôi gia đình, vừa là tấm gương đức hạnh để cho con cái noi theo. Đặc biệt là với truyền thống phụ hệ con cái mang họ cha, nên việc “nối dõi tông đường” đặt lên vai người con trai, hay người đàn ông. Đó có thể là yếu tố cấu thành quan niệm “trọng nam khinh nữ” ngày xưa tại các nước theo phụ hệ như Việt Nam, Trung Hoa, v.v…
Tháng 3/2022, Bến Bạch Đằng Saigon bị đổi tên thành “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”. Sự kiện này đã dẫn đến những tranh luận trong dân gian chung quanh đề tài: Ngôn ngữ Hà Nội (ngôn ngữ miền Bắc) đang làm mờ dần sắc thái đặc biệt của ngôn ngữ miền Nam Việt Nam...
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Điều tôi muốn nhắn nhủ với các thế hệ nam nữ thanh-niên trẻ là chúng ta phải sống làm sao cho đáng sống kiếp người. Nói theo ngôn ngữ của Lý Đông A, con người phải sống đủ 3 mặt là: Sống - Còn - Nối tiến hóa. Gói gọn là sống Nhân Chủ, dựa vào Nhân Bản, rồi Nhân Chính và Dân Chủ...
Đêm nhạc có sự hiện diện đặc biệt của phu nhân nhạc sĩ Cung Tiến là bà Josee Cung và con trai Raphael Cung, cùng các anh chị em của Ông và Bà. Bích Liên đã gởi lời cảm ơn gia đình cố nhạc sĩ đã cho phép và khuyến khích chị thực hiện CD Vết Chim Bay. Chị cho biết thực hiện CD trong gần hai năm trời. Trong CD này, người nghe sẽ lại được thấy một Bích Liên cầu toàn trong âm nhạc Cung Tiến, giống như chị đã từng làm với CD Tạ Ơn Đời để tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy. Từng nốt nhạc, từng lời ca, từng câu hát đều được nâng niu, trân trọng. Chị nói CD này như là một nén hương thắp lên để tưởng nhớ người nhạc sĩ. Là một người luôn hướng đến sự toàn bích của âm nhạc, ở một thế giới xa xôi nào đó, chắc hẳn nhạc sĩ Cung Tiến sẽ cảm nhận được tấm lòng tri kỷ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.