Hôm nay,  

Từ Jena Đến Washington: Lộ Trình Của Sự Bất Công

21/06/202511:14:00(Xem: 1733)

JENA
Jena, là mô hình thu nhỏ của nước Mỹ: nơi di dân bị hình sự hóa, sợ hãi thành quốc sách, và trại giam thay thế cho trường học, nông trại.



LTS: Sau nhiều tháng sinh viên biểu tình và tranh đấu, nhà hoạt động người Palestine Mahmoud Khalil sau cùng đã được tạm tha khỏi nhà tù ICE ở thị trấn nông thôn Jena, Louisiana, nơi anh bị giam hơn ba tháng sau khi bị bắt ngay ngoài căn hộ của mình tại khuôn viên trường Đại học Columbia. Hôm qua, ngày 21 tháng 6, 2025, thẩm phán Michael Farbiarz đã ra lệnh tại ngoại cho Khalil với tuyên bố anh ta  "không phải là đối tượng có nguy cơ bỏ trốn và ít bằng chứng cho thấy anh ta là mối nguy hiểm cho cộng đồng."
    Như nhiều người đã bị Ice bắt nhốt, Khalil là một thường trú nhân hợp pháp đã kết hôn với một công dân Hoa Kỳ chưa từng bị buộc tội, là một trong những người đầu tiên bị bắt trong cuộc bố ráp đàn áp người nhập cư của chính quyền Trump nhắm vào hoạt động của sinh viên. Được thả khỏi nhà tù, Khalil nói anh đã bỏ lại những người nhập cư hiện vẫn đang bị Ice giam giữ "ở một nơi mà họ không nên ở, một nơi mà chính quyền Trump đang gắng hết sức tước đoạt nhân phẩm mọi người ở đây."
    Nơi anh nói đến là Jena, Louisiana.

***

Jena, Louisiana – một thị trấn 4.000 dân lọt thỏm giữa rừng thông – nơi bảng hiệu đầu làng ca ngợi đội bóng nữ vô địch của bang, nhưng cách đó chỉ ba dặm, sau hàng rào kẽm gai và lời Kinh Thánh treo lủng lẳng, là Trại Giam ICE đồ sộ - do GEO Group điều hành.

Nơi đây hiện giam giữ hơn 1000 người – phần lớn chưa từng bị kết tội hình sự, nhiều người chỉ là dân đang xin tị nạn hợp pháp, số còn lại chưa kịp hiểu vì sao mình bị bắt.

Thật ra, trại giam ở Jena chưa bao giờ là nơi “tạm giam”, mà là di tích sống của một mô hình kiếm lời trên đau khổ, bạo hành. Cuối thập niên 1990, nơi đây từng là trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên, nơi trẻ em bị đánh đập, bỏ đói, nhốt biệt giam, lột trần, xịt hơi cay – những “biện pháp kiểm soát” mà Bộ Tư Pháp mô tả là “đe dọa tính mạng”¹. Khi bị kiện vào năm 2000, công ty điều hành – Wackenhut, tiền thân GEO Group – chọn giải pháp đơn giản: đóng cửa, khỏi điều trần, khỏi cải cách.

Nhưng nhà tù ấy không biến mất – mà chỉ nằm im chờ cơ hội. Sau bão Katrina 2005, nơi này mở lại để giam người lớn từ vùng lũ – trong điều kiện mà ACLU và National Prison Project mô tả gồm có tra tấn, hành hạ, kể cả việc ép tù nhân liếm máu của chính mình². Không điều tra. Chỉ mở rộng công suất. Đổi khách hàng từ trẻ em da đen sang di dân không giấy tờ. Khác hồ sơ. Cùng số phận.

Jena là mô hình thu nhỏ của nước Mỹ mà Donald Trump đang dựng nên: nơi di dân bị hình sự hóa, nơi nỗi kinh hoàng, sợ hãi thành quốc sách, và “trại giam” thay thế cho trường học lẫn nông trại.

Tại các thị trấn đang đói việc như Jena, GEO Group xuất hiện như một nhà hảo tâm trang sức bằng kẽm gai. Thay vì nhà máy, họ mở trại giam. Thay vì bảng lương, họ treo hợp đồng với ICE. Mỗi đầu người là một khoản tiền. Không cần án, không cần luật sư – chỉ cần cái tên trên danh sách và nhà tù có đủ đất trống. Thị trấn gọi đó là “phát triển.” Thứ phát triển được nuôi bằng sự im lặng - một thỏa thuận với chính phủ đương thời, cung cấp việc làm trên xương máu di dân.

Chỉ cách đó vài giờ lái xe, tại Winnfield, một thị trấn lâm nghiệp nghèo phía Bắc Louisiana, Winn Correctional Center – một trong tám trại giam ở Louisiana khác cũng đang phình to dưới thời Trump. Từng là nhà tù cấp trung của tiểu bang, Winn nay đã trở thành một trung tâm giam giữ di dân của miền Nam, với gần 1.500 người bị nhốt trong rừng sâu, xa luật sư, xa gia đình, xa bất kỳ cánh cửa công lý nào.

Người dân thị trấn gọi đây là “phước lành.” Hợp đồng với ICE mang về 70 đô mỗi đầu người mỗi ngày. Nhân viên được tăng lương. Quận trưởng ca ngợi thỏa thuận. Công ty tư nhân điều hành nhà tù thuê cựu quan chức ICE làm giám đốc phát triển, quyên góp cho chiến dịch tranh cử của cảnh sát trưởng, mở rộng hệ thống nhà giam nhan nhản khắp bang Louisiana như mở chuỗi nhà hàng ‘fastfood’, với khoảng 8.000 "khách hàng" là những người nhập cư bị ICE tống vào các trại tù Louisiana, trong số 51,000 người tù nhập cư trên toàn quốc*.

Từ Jena đến Winnfield, từ GEO đến LaSalle, cùng một mô hình kinh doanh kiếm lời. Giam càng đông, lời càng nhiều. Trong khi Trump và MAGA rao giảng di dân là gánh nặng, là kẻ xâm nhập, việc tống giam họ chờ ngày trục xuất nghe không có gì phi lý, nhất là khi giam họ ở những nơi người dân cần việc làm, không cần công lý.

Trump gọi họ là tội phạm - dù thống kê của Đại học Northwestern cho thấy họ là nhóm người có tỷ lệ bị kết án thấp hơn người sinh ra tại Mỹ đến 60%¹.
Trump bảo họ buôn ma túy - dù Viện Brookings xác nhận: 88% vụ bắt ma túy ở biên giới là công dân Mỹ². Trong số người vượt biên bị bắt, chỉ 0,02% dính đến fentanyl.

Trump mắng họ ăn bám - nhưng năm 2022, người di dân không giấy tờ nộp gần 97 tỉ đô la tiền thuế³ – phần lớn không được nhận Medicaid, SNAP hay SSI vì không đủ điều kiện theo luật liên bang⁴. Vừa cáo buộc họ lười biếng, vừa vu khống họ cướp việc dân bản xứ – một nghịch lý kiểu Schrödinger: vừa chảy thây, vừa quá siêng năng.

Trump nói họ mang mầm dịch - nhưng báo cáo của CDC cho thấy người di dân có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn người bản xứ⁵.

Ai cũng hiểu, cho tới khi cố ý không hiểu, rằng di dân từ bao đời không hề là mối đe dọa. Họ là lực lượng vô danh giữ cho guồng máy y tế và nông nghiệp Hoa Kỳ không sụp đổ. Gán tội cho họ là cái cớ để bắt nhốt. Vì nhốt có lời. Vì nhà tù cần hợp đồng. Vì thị trấn cần việc làm. Vì trường đua ngựa cần tiền. Người tranh cử cần lá phiếu. Và vì số liệu là thứ dễ dán lên bảng thành tích hơn tiếng kêu cứu của con người.

Từ đầu năm 2025, Trump mở rộng giam giữ di dân bằng cách nhét họ vào các nhà tù liên bang vốn dành cho tội phạm hình sự. Theo tờ The Guardian (1/5/2025), các nhà tù như Atlanta, Miami, Leavenworth, Philadelphia nay có thêm trăm, ngàn “tù nhân hành chính.” Tên gọi thay đổi. Cách giam không đổi: ăn đồ mốc, nhốt biệt giam, không giấy vệ sinh, không luật sư. Không biết lý do bị bắt. Không ai giải thích. Không ai trả lời.

Chính quyền đương thời gọi đó là “khôi phục pháp luật.” Nhưng khôi phục điều gì, cho ai? Khôi phục thời người ta bị nhốt vì màu da, vì quê quán, vì im lặng – hay vì dám lên tiếng? Chỉ biết rằng khi ICE tròng xích lên người họ, cái danh hiệu “di dân” hay "di dân không giấy tờ" cũng đều biến mất. Họ trở thành “tội phạm,” dù chưa hề  bị luật pháp buộc tội. Tư cách pháp lý của họ mờ dần, cho đến khi chỉ còn là một dòng trống trong đám hồ sơ nhân quyền.

Di dân là mô hình kinh doanh lý tưởng. Kinh tế xuống, thị trấn ký hợp đồng với GEO. Trại giam bị tố hành hạ trẻ em, họ đổi sang giam người lớn. Sinh viên học sinh biểu tình ôn hòa bị tống giam, họ gọi là “thành tích.” Jena từng là biểu tượng của sự đối đãi bất công năm 2007, với vụ “Jena Six”⁸. Sáu thiếu niên da đen bị truy tố, bị tống giam và trừng phạt nặng nề sau vụ ẩu đả ở học đường với thiếu niên da trắng – khiến cả nước phẫn nộ xuống đường. Jena tạm thời đóng cửa. Rồi nước Mỹ lại quên.

Mà người Mỹ quả thật mau quên. Trừ những ký ức bị nhốt kín sau song sắt. Jena ngày nay, như bao trại giam khác, lại trở thành chốt gác cho dây chuyền trục xuất – và người dân thị trấn vẫn im lặng.

Hiến pháp Hoa Kỳ không dùng chữ “công dân,” mà dùng chữ “người” – nhằm bảo vệ mọi sinh linh sống trên đất Mỹ. Nhưng ở những trại giam như Jena hay Windfield, người ta tìm cách quên điều đó. Người bị nhốt không cần lý do – vì chẳng ai hỏi. Người canh tù không cần bằng chứng – vì chẳng ai đòi. Người sống cạnh nhà tù chỉ cần biết: nhà thờ vẫn mở cửa; trường học vẫn có tài trợ; rạp hát vừa được sửa mái, rừng thông vẫn xanh tươi reo hò.

Nước Mỹ từng giam giữ Fred Korematsu⁹ – công dân Mỹ gốc Nhật, sinh tại California, bị bắt giam chỉ vì gương mặt giống kẻ thù trong Thế chiến II. Năm 1944, Tối cao Pháp viện cho rằng bỏ tù Anh cho là điều cần thiết, vì ‘an ninh quốc gia’. Phải mất 40 năm mới có thể hủy án.  Nhưng guồng máy buộc tội vẫn chưa hề ngưng hoạt động – Chỉ đổi tên. Đổi mục tiêu.

Với những ai đang bịt tai phớt lờ tiếng kêu câm lặng của những người bị tống giam trong rừng thông, lịch sử đang nhắc nhở: “Tự do là cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ. Và sẽ chẳng ai an toàn trừ khi tất cả mọi người đều được (luật pháp) bảo vệ.”¹⁰  Im lặng trước bất công cũng chính là chọn chỗ ngồi trên toa đầu của chuyến tàu sắp trật đường ray.

Nina HB Lê


Ghi chú:

  1. The New York Times, “Tại Jena, một cuộc chiến về sắc tộc và công lý,” 2007.
  2. ACLU và National Prison Project, “Báo cáo về điều kiện giam giữ sau bão Katrina,” 2006.
  3. Đại học Northwestern, Di dân và Tỉ lệ Giam giữ ở Mỹ, 1870–2020, 2023.
  4. Viện Brookings, “Ai thực sự mang fentanyl vào Mỹ?” 2023.
  5. Viện Chính sách Thuế và Kinh tế (ITEP), “Đóng góp thuế của di dân không giấy tờ,” 2023.
  6. Luật Liên bang Hoa Kỳ, INA & PRWORA: Quy định về phúc lợi công cộng đối với người không có quốc tịch.
  7. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), “Tỉ lệ tiêm chủng trong cộng đồng di dân,” 2022.
  8. Reuters, “Hồ sơ vụ Jena Six và phản ứng quốc gia,” 2007.
  9. Angela Davis, nhà hoạt động nhân quyền.
 * Số liệu từ Cơ Quan Thực Thi Di Trú và Hải Quan Hoa Kỳ.
** 
là một thuật ngữ châm biếm dùng để mô tả nghịch lý trong luận điệu bài di dân: họ vừa bị buộc tội lười biếng ăn bám, vừa bị cáo buộc quá siêng năng đến mức "cướp việc làm".

Ý kiến bạn đọc
21/06/202521:28:20
Khách
Ông Trump và chánh quyền cũa ông hành động dộc tài vô nhân đạo như các nước cộng sán. Các ông mổi tuần đi nhà thờ cầu nguyện Chúa mà khi có quyền trong tay lại hành xử hoàn toàn trái ngươc lời Chúa day !
Thật không thể tin được : Con của Chúa (Trump ) ra lệnh cho con của Chúa ( ICE) bắt con của Chúa (di dân) nhốt con của Chúa (di dân) như súc vật , Chúa có thể tha tội hay không?
Cửa Dịa ngục đang MỞ RỘNG SẲN CHỜ các ông.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo khoa học về thần kinh, tình yêu được tạo ra bởi một số hóa chất trong não bộ. Thí dụ, khi chúng ta gặp ai đó đặc biệt với mình, các hormone như dopamine và norepinephrine sẽ kích thích phản ứng dẫn đến sự khen thưởng trong não bộ, khiến chúng ta muốn gặp người đó nhiều lần nữa, cũng giống như khi nếm thử món gì đó thấy ngon miệng, chúng ta thường sẽ thèm được ăn thêm.
Hay hay dở, bạn bè của chúng ta trước đây đều thực sự là người, hỉ nộ ái ố gì cũng đối đãi nhau trong giới hạn tốt xấu của con người. Nhưng bây giờ thì bạn có thể… hơn là người. “Bạn”, nhưng lại phong tỏa thông tin hay kiểm duyệt nhau, như thể chính quyền. “Bạn” nhưng, theo từng thái độ chính trị, có thể trục xuất, cấm vận hay tuyên chiến với nhau, hung hăng và sắt máu, như thể Anh, Nga, Pháp, Mỹ hay Tàu.
Doanh nhân Donald Trump đã khởi xướng trào lưu dân tuý và hai lần thắng cử tổng thống. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên chính trường để vận động tranh cử năm 2016, Trump không có tham vọng thu tóm quyền lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong ý tưởng thù địch, mặc dù thể hiện nhiều quan điểm chống đối gay gắt. Ngược lại, ngày nay, "chủ thuyết Trump" chế ngự toàn diện mọi sinh hoạt của đất nước. Thực ra, khi nhìn lại hoạt động của Đảng trong thời hiện đại, đây là kết quả của một tiến trình dài nhằm tái định hình chiến lược bảo thủ mà Đảng đã đề ra vào những năm 1960.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để trở thành một di dân tốt của đất nước Hoa Kỳ. Tôi phục vụ trong quân đội. Tôi học cao học. Tôi làm việc cho chính phủ liên bang. Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình trong 15 năm qua. Nay, tôi, chúng tôi, đang hoang mang về những chính sách không rõ ràng, không biết từ ai. Thậm chí, sếp lớn nhất của cơ quan chúng tôi phải tổ chức cuộc họp để trấn an nhân viên về những email của OPM gửi ra gần đây kêu gọi chúng tôi nên tự động nghỉ việc để nhận tám tháng lương. Họ không khuyến khích chúng tôi trả lời những email như thế. Trên một diễn đàn của Fed, mọi người từ lo lắng, sợ hãi, cho đến bây giờ thì tất cả đều đồng ý sẽ chiến đấu đến cùng.”
Không ra tranh cử. Không được xác nhận chính thức. Cũng chẳng cầm một xu tiền lương từ chính phủ. Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã tuyên chiến với chính phủ liên bang Hoa Kỳ và, chỉ trong vài ngày, đã bắt đầu ra tay cắt giảm quy mô và ảnh hưởng của bộ máy chính quyền, đồng thời còn nắm được một số bí mật nhạy cảm nhất. Musk sử dụng mạng xã hội quyền lực của mình để định hướng dư luận, và không ngần ngại dọa dẫm rằng sẽ dùng khối tài sản khổng lồ của mình để hậu thuẫn cho đối thủ chính trị của bất kỳ ai dám chống đối.
Tổng Bí thư Tô Lâm hứa “Việt Nam sẽ học hỏi tối đa kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là sự đổi mới lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".
...Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, Mỹ khởi xướng Kế Hoạch Marshall vào năm 1948 để giúp tái thiết kinh tế Châu Âu và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Khi nhận thấy cần có một cơ quan phát triển phối hợp, Tổng thống John F. Kennedy đã ký lệnh hành pháp 10973 Foreign Assistance Act vào ngày 4/9/1961, và ký thành luật thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 3/11, tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội trong thời gian dài, thay vì chỉ viện trợ quân sự hoặc khẩn cấp. Cơ quan này được tạo ra để hợp nhất các nỗ lực viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ và thúc đẩy phát triển toàn cầu như một phần của chính sách đối ngoại quốc gia. Thời Chiến Tranh Lạnh, USAID đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bằng cách cung cấp viện trợ cho các nước ở Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á. USAID là nguồn là viện trợ chính cho các chương trình phát triển tập trung vào nông nghiệp, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Cuộc Cách Mạng Xanh (Green Revolutio
Với mức áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc, liệu đây là những "đòn ngoại giao" như giới ủng hộ Donald Trump luôn bào chữa hay là sự thăm dò? Còn hiện nay, với các phát biểu cầu cạnh, một mức thuế "nhẹ nhàng" như vậy so với hai láng giềng đồng minh lâu đời Mexico và Canada, con đường "đánh Tàu" của Donald Trump trong nhiệm kỳ hai xem ra đã không như người Việt ủng hộ ông kỳ vọng.
Khi Sài Gòn thất thủ, cha của Bình Lý hòa cùng dòng người đi vào “đêm chôn dầu vượt biển.” để lại quê nhà người vợ và hai đứa con trai còn nhỏ. Sau gần 10 năm, cha và mẹ của anh đoàn tụ ở nước Mỹ. Bình chào đời trên xứ sở tự do, mang trên mình căn cứ người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai. Đúng 50 năm của biến cố 30 Tháng Tư (1975 – 2025), chính anh và những người bạn trẻ khác trong nhóm Viet Place Collective, đã tranh đấu suốt hai năm để thuyết phục giới chức vùng DMV chuẩn thuận cho tên đường Saigon Blvd – Đại Lộ Sài Gòn hiện diện trên một đoạn đường Wilson Blvd thuộc Falls Church.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.