Hôm nay,  

Từ George III đến Donald I: Một Triều Đại Không Ngai

17/06/202514:54:00(Xem: 2118)

20250614_141517
Một biểu ngữ biểu tình No Kings tại thành phố Tustin, CA ngày thứ Bảy, 14 tháng 6, là một phần của cuộc biểu tình No Kings với 13.14 triệu người biểu tình xuống đường chống chính quyền độc tài Trump trên toàn quốc. Ngày 14 tháng 6 cũng là ngày sinh nhật của TT Trump. Ảnh: VQHN.


Ở những quốc gia bình thường, người ta biểu tình để đòi cơm, đòi nhà, đòi quyền sống. Còn ở nước Mỹ, mùa xuân năm 2025, người ta biểu tình để nhắc nhau một điều nghe có vẻ buồn cười: nước này không có vua. Phải, họ xuống đường, giương biểu ngữ “No Kings,” không phải để chống một thế lực ngoại bang hay giáo chủ nào, mà để nhắc... chính mình, rằng Hiến pháp chưa bị đốt, rằng một người đàn ông – dù tóc nhuộm màu cam, dù có máy bay riêng, dù có đài truyền hình riêng – vẫn không được gọi là “bệ hạ.”

Trớ trêu thay, người bị nhắm đến lại không mấy phiền lòng. Ông ấy đang ngồi thoải mái ở Phòng Bầu Dục, ăn burger thịt bò loại đắt tiền và nhấm nháp chiến thắng như thể mình là hậu thân của Julius Caesar – nếu Caesar có tài khoản Truth Social và thích kiện tụng.

Donald Trump không đội vương miện, nhưng ông đã luyện được cách bắt cả một đảng chính trị quỳ gối. Và cũng như các ông vua cổ đại, ông không cần luật – ông chính là luật. Nếu Toà Tối cao chống đối, ông sẽ gọi đó là “phản quốc.” Nếu truyền thông phản biện, ông gọi đó là “tin giả.” Nếu có cuộc bầu cử mà ông thua, ông sẽ bảo đó là “gian lận.” Và nếu có ai dám nói điều gì khác, ông sẽ gửi quân đội tới – như ông đã làm ở Los Angeles, để dạy cho đám biểu tình “hỗn xược” ấy một bài học về dân chủ... bằng đạn cao su và lựu đạn cay.

Adam Serwer gọi đó là “bài trắc nghiệm bạo chúa”: một nhà lãnh đạo sử dụng vũ lực để đàn áp đối lập chính trị thì không còn xứng đáng cầm quyền. Và Trump – theo ông – “đã thất bại ngay từ đầu.”[1]

Đó là bản phác thảo thô thiển của một chế độ độc tài kiểu Mỹ – dành cho người làm biếng suy nghĩ. Trump không cần Machiavelli; chỉ cần xem lại chính mình trên truyền hình và sao chép.[2]

Giữa lúc người dân giương cao biểu ngữ “No Kings,” ông lại tổ chức một cuộc diễu binh mừng sinh nhật 79 tuổi, với xe thiết giáp chạy ngang đại lộ Pennsylvania và máy bay chiến đấu gầm rú qua bầu trời thủ đô. Không phải để tưởng niệm chiến tranh, không phải để vinh danh cựu chiến binh, mà để tự mãn. Những trống kèn phô trương ấy không khác gì những cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, ngoại trừ việc khán giả lần này là người Mỹ – và họ phải trả tiền cho buổi biểu diễn ấy bằng chính thuế của mình.

Trump là tổng thống, nhưng hành xử như một diễn viên đóng vai tổng thống quá lâu đến mức quên mất rằng sân khấu đã đóng rèm. Ông phát động “cuộc chiến văn hóa” như thể đang bán vé xem đấu vật. Ông tấn công di dân như thể đó là cách kiếm điểm trên mạng xã hội. Và ông đối xử với quân đội như thể đó là đội vệ binh hoàng gia riêng – mà không cần trả lương.

Simon Tisdall gọi ông là “bạo chúa vô dụng.”[3]  Nhưng đó là điều nguy hiểm nhất. Bởi một bạo chúa hữu dụng biết điểm dừng, biết chơi cờ, biết sợ. Còn Trump thì không. Ông ta chơi bằng xúc xắc, và khi thua, ông lật bàn.


Ông ta đòi hoà bình ở Trung Đông bằng cách ném bom Yemen. Ông rút khỏi hiệp ước khí hậu như thể Trái Đất là căn nhà thuê, sắp dọn đi. Ông mở chiến tranh thuế với cả thế giới, rồi bảo đó là “nghệ thuật đàm phán.” Ông sa thải những người kiểm toán chính phủ – 17 cơ quan – như thể sự minh bạch là một căn bệnh truyền nhiễm. Ông gây áp lực với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bằng cách giữ lại viện trợ quân sự, để buộc Kyiv mở cuộc điều tra đối thủ chính trị của ông – một hành vi bị luận tội, nhưng được tha bổng nhờ Thượng viện do cận thần của ông kiểm soát.

Và trong khi dân chúng biểu tình “No Kings,” Trump đứng trên ban công Bạch Ốc, như một Louis XVI thời digital, giơ tay chào đám đông với nụ cười ngạo mạn: “Các ngươi không cần vua – nhưng các ngươi cần ta.”

‘Tyrants fall’ – bạo chúa thì sụp đổ. Đó là câu chuyện an ủi người ta kể nhau nghe trước giờ ngủ. Nhưng cũng nên nhớ: trước khi sụp đổ, họ thường được vỗ tay. Họ thường thắng cử. Họ thường được xem là “cần thiết cho trật tự.” Và chỉ khi họ lạm dụng mọi thứ, người ta mới chợt tỉnh và nhận ra: à, hoá ra cái vương miện mà ta cười cợt năm nào – giờ đã chụp trên đầu chính mình.

Trump có thể tự hủy hoại mình – như Simon Tisdall đã chỉ ra – không phải vì ông ta yếu, mà vì ông ta không biết giới hạn. Tham vọng, lòng kiêu hãnh và sự ngu ngạo sẽ dẫn ông ta đến vách đá.[4] Nhưng nếu ta chỉ ngồi đợi, cười thầm và vỗ tay khi ông ta lỡ miệng, thì khác gì những thần dân cũ của Rome – chỉ biết nhìn đế quốc suy tàn trong im lặng.

“No Kings,” người biểu tình hô to. Nhưng lời hô ấy không phải dành cho Trump. Nó là lời nhắc nhở cho chính chúng ta, rằng nếu không can đảm giữ lấy nền cộng hoà, thì ngai vàng sẽ không cần người leo lên – chính ta sẽ tự dựng nó, đánh bóng nó, và trao vương miện cho kẻ đầu tiên hứa sẽ dẹp loạn bằng máu và lệnh hành pháp.

Và khi lịch sử hỏi: “Làm sao một quốc gia được xây dựng để chống lại vua chúa lại ngã gục dưới chân một bạo chúa tầm thường?” – chúng ta chỉ có thể đáp rằng: “Vì chúng tôi tưởng ông ấy chỉ là một vai diễn truyền hình. Chúng tôi tưởng chỉ là mục giải trí.”

Nina HB Lê

Chú thích:

  1. Adam Serwer, “The Tyrant Test,” The Atlantic, ngày 16 tháng 6, 2025. https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2025/06/donald-trump-military-force-protesters-los-angeles/676412
  2. Machiavelli (1469–1527) là tác giả cuốn Il Principe (Quân Vương), một trong những tác phẩm kinh điển về kỹ nghệ quyền lực. Nhắc đến ông ở đây là để đối chiếu sự tinh vi chiến lược của lý thuyết cầm quyền với thứ bản năng sân khấu hóa quyền lực của Donald Trump.
  3. Aoife O’Donoghue, “Donald Trump and Tyranny,” London Review of Books, tháng 4, 2025
  4. Simon Tisdall, “Tyrants like Trump always fall – and we can already predict how he will be dethroned,” The Guardian, ngày 27 tháng 4, 2025. https://www.theguardian.com/commentisfree/2025/apr/27/donald-trump-us-constitution-president

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo khoa học về thần kinh, tình yêu được tạo ra bởi một số hóa chất trong não bộ. Thí dụ, khi chúng ta gặp ai đó đặc biệt với mình, các hormone như dopamine và norepinephrine sẽ kích thích phản ứng dẫn đến sự khen thưởng trong não bộ, khiến chúng ta muốn gặp người đó nhiều lần nữa, cũng giống như khi nếm thử món gì đó thấy ngon miệng, chúng ta thường sẽ thèm được ăn thêm.
Hay hay dở, bạn bè của chúng ta trước đây đều thực sự là người, hỉ nộ ái ố gì cũng đối đãi nhau trong giới hạn tốt xấu của con người. Nhưng bây giờ thì bạn có thể… hơn là người. “Bạn”, nhưng lại phong tỏa thông tin hay kiểm duyệt nhau, như thể chính quyền. “Bạn” nhưng, theo từng thái độ chính trị, có thể trục xuất, cấm vận hay tuyên chiến với nhau, hung hăng và sắt máu, như thể Anh, Nga, Pháp, Mỹ hay Tàu.
Doanh nhân Donald Trump đã khởi xướng trào lưu dân tuý và hai lần thắng cử tổng thống. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên chính trường để vận động tranh cử năm 2016, Trump không có tham vọng thu tóm quyền lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong ý tưởng thù địch, mặc dù thể hiện nhiều quan điểm chống đối gay gắt. Ngược lại, ngày nay, "chủ thuyết Trump" chế ngự toàn diện mọi sinh hoạt của đất nước. Thực ra, khi nhìn lại hoạt động của Đảng trong thời hiện đại, đây là kết quả của một tiến trình dài nhằm tái định hình chiến lược bảo thủ mà Đảng đã đề ra vào những năm 1960.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để trở thành một di dân tốt của đất nước Hoa Kỳ. Tôi phục vụ trong quân đội. Tôi học cao học. Tôi làm việc cho chính phủ liên bang. Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình trong 15 năm qua. Nay, tôi, chúng tôi, đang hoang mang về những chính sách không rõ ràng, không biết từ ai. Thậm chí, sếp lớn nhất của cơ quan chúng tôi phải tổ chức cuộc họp để trấn an nhân viên về những email của OPM gửi ra gần đây kêu gọi chúng tôi nên tự động nghỉ việc để nhận tám tháng lương. Họ không khuyến khích chúng tôi trả lời những email như thế. Trên một diễn đàn của Fed, mọi người từ lo lắng, sợ hãi, cho đến bây giờ thì tất cả đều đồng ý sẽ chiến đấu đến cùng.”
Không ra tranh cử. Không được xác nhận chính thức. Cũng chẳng cầm một xu tiền lương từ chính phủ. Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã tuyên chiến với chính phủ liên bang Hoa Kỳ và, chỉ trong vài ngày, đã bắt đầu ra tay cắt giảm quy mô và ảnh hưởng của bộ máy chính quyền, đồng thời còn nắm được một số bí mật nhạy cảm nhất. Musk sử dụng mạng xã hội quyền lực của mình để định hướng dư luận, và không ngần ngại dọa dẫm rằng sẽ dùng khối tài sản khổng lồ của mình để hậu thuẫn cho đối thủ chính trị của bất kỳ ai dám chống đối.
Tổng Bí thư Tô Lâm hứa “Việt Nam sẽ học hỏi tối đa kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là sự đổi mới lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".
...Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, Mỹ khởi xướng Kế Hoạch Marshall vào năm 1948 để giúp tái thiết kinh tế Châu Âu và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Khi nhận thấy cần có một cơ quan phát triển phối hợp, Tổng thống John F. Kennedy đã ký lệnh hành pháp 10973 Foreign Assistance Act vào ngày 4/9/1961, và ký thành luật thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 3/11, tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội trong thời gian dài, thay vì chỉ viện trợ quân sự hoặc khẩn cấp. Cơ quan này được tạo ra để hợp nhất các nỗ lực viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ và thúc đẩy phát triển toàn cầu như một phần của chính sách đối ngoại quốc gia. Thời Chiến Tranh Lạnh, USAID đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bằng cách cung cấp viện trợ cho các nước ở Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á. USAID là nguồn là viện trợ chính cho các chương trình phát triển tập trung vào nông nghiệp, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Cuộc Cách Mạng Xanh (Green Revolutio
Với mức áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc, liệu đây là những "đòn ngoại giao" như giới ủng hộ Donald Trump luôn bào chữa hay là sự thăm dò? Còn hiện nay, với các phát biểu cầu cạnh, một mức thuế "nhẹ nhàng" như vậy so với hai láng giềng đồng minh lâu đời Mexico và Canada, con đường "đánh Tàu" của Donald Trump trong nhiệm kỳ hai xem ra đã không như người Việt ủng hộ ông kỳ vọng.
Khi Sài Gòn thất thủ, cha của Bình Lý hòa cùng dòng người đi vào “đêm chôn dầu vượt biển.” để lại quê nhà người vợ và hai đứa con trai còn nhỏ. Sau gần 10 năm, cha và mẹ của anh đoàn tụ ở nước Mỹ. Bình chào đời trên xứ sở tự do, mang trên mình căn cứ người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai. Đúng 50 năm của biến cố 30 Tháng Tư (1975 – 2025), chính anh và những người bạn trẻ khác trong nhóm Viet Place Collective, đã tranh đấu suốt hai năm để thuyết phục giới chức vùng DMV chuẩn thuận cho tên đường Saigon Blvd – Đại Lộ Sài Gòn hiện diện trên một đoạn đường Wilson Blvd thuộc Falls Church.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.