Hôm nay,  

Giáo Sư Lê Thái Ất Và Cuốn Sách Văn Hóa Việt Nam: Cộng Đồng Việt Hải Ngoại, Định Hướng Giữ Gìn Văn Hóa

09/03/201300:00:00(Xem: 9011)
Trong thời gian gần đây, nhiều nhân vật trong chuyên mục này có nhắc đến những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam ở Mỹ: bảo tồn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại, dự án xây dựng Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam… Những vấn đề này làm tôi tự đặt lại một câu hỏi đã cũ nhưng luôn luôn mới đối với người Việt chúng ta: đặc trưng của nền Văn Hóa Việt Nam là gì? Cái gì của nền Văn Hóa Việt Nam người Việt ở Mỹ nên giữ lại trong khi vẫn là công dân Hoa Kỳ? Những câu hỏi này dẫn tôi đến với cuốn sách Văn Hóa Việt Nam *, xuất bản lần thứ nhì cách đây đã 6 năm. Buổi chuyện trò với Giáo Sư Lê Thái Ất, tác giả của cuốn sách đã giúp cho tôi rất nhiều trong nỗ lực tìm hiểu về nền văn hóa của dân tộc mình…

Trước năm 75, giáo sư Lê Thái At đã từng dạy học tại các trường Trung Học Chu Văn An, Đại Học Vạn Hạnh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh những môn Việt Văn, Công Dân Giáo Dục…Tôi còn nhớ mình đã từng học Việt Văn bằng sách giáo khoa do ông biên sọan hồi còn ở trung học. Sang đến Mỹ vào năm 92, ông dành tòan bộ thời gian để nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Năm 1996, ông cho xuất bản cuốn sách đầu tiên tại Hoa Kỳ, Ngôn Ngữ Việt Nam. Năm 1999, cuốn sách Văn Hóa Việt Nam ra mắt độc giả. Nó được hưởng ứng nồng nhiệt bởi cộng đồng người Việt hải ngọai, nên đã được tái bản vào năm 2003.

Theo GS Lê Thái At, rất khó để có một định nghĩa đầy đủ về văn hóa vì đây là một khái niệm rất rộng. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu gọn văn hóa là nếp sống, lề lối sinh họat, phát triển tăng tiến của riêng con người. Đó là toàn bộ cuộc sống văn minh hướng thượng, là nguồn sinh lực ưu thắng làm cho nhân lọai đạt đến văn minh, tiến bộ.

Để tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam, GS Lê Thái At đã sử dụng hình ảnh rất sống động và dễ hình dung: dòng sông văn hóa. Hãy nhìn lại lịch sử Việt Nam dưới lăng kính văn hóa. Theo các chứng tích lịch sử, con sông văn hóa dân Việt Nam đã bắt nguồn từ lâu lắm rồi. Nhưng phải đợi đến thời kỳ Hồng Bàng (2879-259 trước Công Nguyên), ta mới có một cột mốc lịch sử rõ ràng, vì đây là lúc dân tộc Việt có hẳn một quốc gia (nước Văn Lang), một chính quyền (triều đại Hùng Vương). Chấm dứt triều đại An Dương Vương, tức là bắt đầu thời kỳ Bắc Thuộc, một nhánh sông đã đổ vào con sông văn hóa Việt, đó là dòng văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Việt Nam bắt đầu giao lưu với một nền văn hóa khác kể từ đó. Rồi đến thế kỷ thứ 19, một nhánh sông nữa nhập vào, đó là nền văn hóa Tây Phương trong suốt thời Pháp Thuộc. Dòng sông Việt lại có thêm sắc màu mới. Rồi đến năm 75, đất nước ly tán, con sông văn hóa Việt Nam phải chẻ ra nhiều nhánh, chảy đi khắp nơi và gặp gỡ nhiều con sông văn hóa khác trên thế giới.

Hình ảnh dòng sông văn hóa như trên giúp chúng ta xác định được rõ ràng rằng nền Văn Hóa Việt Nam đã hình thành những đặc thù riêng của mình trước khi gặp gỡ với các nền văn minh khác. Một số ví dụ rõ ràng nhất có thể kể đến:

- Người Việt thờ cúng ông bà, tổ tiên, coi trọng truyền thống gia đình

- Người Việt có tục cưới hỏi bằng lễ vật trầu cau, coi trọng đạo vợ chồng

- Người Việt thờ trời đất, có tục cúng tế trời đất bằng bánh chưng, bánh dầy, đặt con người vào vị trí tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên

Những nền văn hóa khác như Trung Hoa, Tam Giáo (Phật-Khổng-Lão)… du nhập vào Việt Nam sau này, đã bổ xung thêm vào nền văn hóa Việt Nam nhiều điều hay đẹp. Một phần là vì nền văn hóa của chúng ta có những điểm tương đồng với các truyền thống này. Người Việt có truyền thống dung nạp, tiếp nhận những điều mới khá nhanh. Nhưng chúng ta biết gạn lọc. Người Việt chỉ giữ lại những thứ tốt đẹp, phù hợp với truyền thống căn bản của mình. Có lẽ vì thế mà chúng ta không bị đồng hóa. Khổng Giáo đem vào nước Việt truyền thống khoa bảng, nề nếp kỷ cương của một xã hội phong kiến. Tinh thần học sống hòa hợp với thiên nhiên của Lão Giáo đã có sẵn trong nếp nghĩ của người Việt. Phật Giáo, với tính nhân bản và từ bi đã được chấp nhận và ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, các vị vua đời Trần đã kết hợp hài hòa tinh thần Phật Giáo & Khổng Giáo, đem đạo Phật vào việc trị quốc, đã tạo nền một thời kỳ phát triển rực rỡ của lịch sử Việt Nam.

Thời điểm đáng quan tâm nhất của dòng sông văn hóa đối với chúng ta là thời điểm hiện tại, khi dòng sông Việt phải tách ra khỏi dòng chính, chia ra những nhánh sông nhỏ, hòa vào các dòng văn hóa Mỹ, Uc, Âu… Người Việt hải ngoại, đặc biệt là người Việt ở Mỹ, nên lấy những đặc điểm nào của truyền thống văn hóa Việt Nam để mà gìn giữ, để người Việt vẫn có sắc thái riêng trong quốc gia hợp chủng này? Theo GS Lê Thái At, hai yếu tố quan trọng hàng đầu đó là gìn giữ GIÁ TRỊ NHÂN BẢN và TINH THẦN GIA ĐÌNH của người Việt. Yếu tố nhân bản thì được nhắc đến trong hầu hết các nền văn hóa lớn của nhân lọai. Ở đây ta hãy xét riêng về tinh thần gia đình. Người Việt coi trọng gia đình, đặt gia đình là nền tảng của xã hội. Cách xưng hô độc đáo trong ngôn ngữ Việt Nam thể hiện rõ tinh thần này. Các từ "Ong", "Bà", "Cô", "Chú", "Con", "Cháu" … vốn là các thứ bậc trong một đại gia đình Việt Nam lại được dùng như đại danh từ nhân xưng ngoài xã hội. Thêm nữa, trong một gia đình, vợ chồng gọi nhau bằng "bố', "mẹ", và gọi cha mẹ của mình bằng "ông" và "bà". Đó là vì họ đặt mình vào vị trí của con cái khi xưng hô. Các cá nhân trong một gia đình liên hệ chặt chẽ với nhau như vậy đó. Gia đình xứng đáng là nền tảng để xây dựng nhân cách của một cá nhân, vừa là những viên gạch của nền móng xã hội. Vì sao vậy? Vì gia đình có đủ yếu tố để phát triển tình thương. Một trong những tình yêu đầu tiên của nhân loại có lẽ là tình mẫu tử. Mấy ai thương mình hơn chính cha mẹ mình? Yếu tố kế tiếp là gia đình có liên hệ huyết thống, có cùng truyền thống tâm linh là những mối dây liên hệ vô hình nhưng chặt chẽ. Đứa trẻ lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của gia đình, cho nên chịu ảnh hưởng nhiều từ cha mẹ mình. Nếu đơn vị gia đình yên ổn, các thành viên của nó sẽ là những các nhân tốt của xã hội. Xem trọng vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái, và đòi hỏi ở con cái lòng hiếu thảo, biết ơn, có trách nhiệm đối với cha mẹ già chính là giữ gìn truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Phát triển rộng hơn nữa khái niệm gia đình, ta sẽ thấy hình ảnh đại gia đình, rồi gia tộc của người Việt. Người Việt biết ơn, thờ cúng ông bà tổ tiên, vì cho rằng nếu không có họ thì chẳng có mình. Và bởi vì cái gọi là "caí tôi" của ta ngày hôm nay có liên hệ đến những bậc tiền nhân ấy. Đó cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Những quan niệm có tính nhân nghĩa, trước sau trong xã hội như vậy, có lẽ cũng có nguồn gốc từ việc mở rộng khái niệm truyền thống gia đình Việt Nam.

Thế liệu việc gìn giữ truyền thống văn hóa này có làm cản trở quá trình hội nhập cho thế hệ con em chúng ta ở Mỹ? Không hề! Ngược lại, chúng ta phải tin tưởng rằng chính xã hội Mỹ đang áp dụng nhiều điều tốt đẹp đãcó sẵn trong nền văn hóa Việt Nam. Nước Mỹ không có một truyền thống văn hóa lâu đời, nên nó sử dụng tinh hoa văn hóa của những dân tộc đến định cư trên đất nước mình. Hội nhập nên hiểu theo nghĩa là học hỏi nền văn minh khoa học kỹ thuật, những phương cách đã biến nước Mỹ thành cường quốc kinh tế số 1, nhưng vẫn giữ gìn lại được sức mạnh văn hóa của dân tộc. Trở lại với truyền thống gia đình, trước đây nhiều người tin rằng xã hội Mỹ phát triển từ những cá nhân, không dựa vào đơn vị gia đình. Trẻ con lớn lên có cảm tưởng là xã hội cho mình tất cả. Học vấn miễn phí đến trung học. Lên đại học được cho tiền, mượn loan, lại có thể đi làm thêm để kiếm tiền dễ dàng. Ra trường hễ có việc làm là có nhà cửa, có cuộc sống tự do riêng. Thanh thiếu niên Mỹ vì thế chỉ mong thóat ly gia đình càng sớm càng tốt. Vợ chồng có ly dị thì chẳng ai phải lo lắng về mặt kinh tế. Khi về già, người Mỹ đã có nursing home chăm sóc, điều kiện y tế lại còn tốt hơn ở nhà. Con cái đến thăm thì tốt, nếu không có cũng chẳng sao. Một xã hội hòan chỉnh như vậy, tại sao phải dựa vào gia đình? Thế nhưng gần đây, giới truyền thông báo động về tình trạng gia đình Mỹ. Nhiều trẻ em lớn lên trở nên bất bình thường về mặt tâm lý vì cha mẹ li dị. Số thanh thiếu niên nghiện ngập, trở thành tội phạm vì không có gia đình chăm sóc gia tăng. Nhiều cuốn phim nói về hòan cảnh của người già, sống lạc lõng, cô đơn trong viện dưỡng lão đầy đủ tiện nghi. Như vậy đâu là cái lỗ hổng mà xã hội Mỹ giàu có không cung cấp được? Đó chính là tình yêu thương, nhu cầu lớn nhất của nhân loại! Gia đình là trường học đầu tiên về sự yêu thương. Xã hội mà chỉ vận hành bằng quyền lợi, nghĩa vụ, luật pháp, thiếu vắng tình thương thì xã hội đó sẽ bị tổn thương dù vật chất có dư thừa. Xã hội Mỹ có ưu điểm là có khả năng tự điều chỉnh rất nhanh, nên đã bắt đầu khôi phục lại giá trị gia đình. Người Việt hãy vững tin vào những giá trị văn hóa sẵn có này của dân tộc mình.

Thật là khó để nói đầy đủ về Văn Hóa Việt Nam trong một phạm vi bài báo. GS Lê Thái At kết thúc câu chuyện bằng một khái niệm cũng rất mới: nghĩa vụ văn hóa của mỗi người dân Việt Nam sống ở hải ngoại. Dòng sông văn hóa Việt Nam sẽ đục hay trong là do ý thức, sự góp sức gạn đục khơi trong của từng cá nhân, từng gia đình Việt Nam. Ý thức được những điều hay đẹp của nền văn hóa dân tộc, thực hiện một cách có chọn lọc nơi quê hương mới, đó là nghĩa vụ của mọi người Việt trên đất Mỹ. Đã nói đến nghĩa vụ, thì phải nói đến quyền lợi. Ai sẽ được hưởng lợi trong việc làm văn hóa này? Chính chúng ta, gia đình chúng ta chứ không ai khác. Đi xa hơn nữa, một cộng đồng người Việt vững mạnh về mặt văn hóa cũng làm lợi lộc cho nước Mỹ, và cả cho quê nhà xa xôi bên kia bờ Thái Bình Dương…

Đòan Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.