Hôm nay,  

Hoa Kỳ và TQ Sau Bầu Cử và Đại Hội

02/11/201200:00:00(Xem: 8919)
...Đối ngoại thì ngang tàng hung hãn, chứ bên trong đã có mầm ung thối...

Một ngẫu nhiên khiến hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có thay đổi lãnh đạo giữa nhiều vấn đề nan giải trong nội bộ. Phải chăng vì vậy mà đôi bên cùng phê phán lẫn nhau về những khó khăn kinh tế của mình? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sự kiện này qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều năm chuẩn bị, tuần tới, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử và sau đó hai ngày, Trung Quốc có Đại hội đảng khóa 18. Sau tổng tuyển cử, Hoa Kỳ sẽ có Quốc hội mới, khóa 113, và có thể lãnh đạo Hành pháp mới. Bên kia Thái bình dương, sau Đại hội, đảng Cộng sản Trung Quốc có Tổng bí thư khác trong một Bộ Chính trị và Thường vụ mới. Qua năm sau, cả hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới sẽ có một lớp người lãnh đạo mới, nhưng họ cũng phải ứng phó với nhiều nan đề thật ra đã cũ ở bên trong, nhất là về kinh tế.

Vì vậy, kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu về những thay đổi trên thượng tầng, những vấn đề kinh tế chìm sâu bên dưới và quan trọng không kém, tương quan giữa hai quốc gia đang có ảnh hưởng rất mạnh đến kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ sao về đề nghị này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có một thực đơn hấp dẫn mà tôi sẽ phải gói cho gọn để khỏi vượt thời lượng. Đáng chú ý nhất trong đề tài này là sự đối chiếu, là so sánh hai quốc gia. Một đàng là Hoa Kỳ đã phát triển và công nghiệp hóa từ lâu trong một chế độ dân chủ; đàng kia là Trung Quốc với một chế độ độc tài có tham vọng là nhờ quyền lực tập trung đó mà thâu ngắn giai đoạn để cũng trở thành một nước công nghiệp hoá....

Việt Long: Như vậy ta sẽ trước tiên đi từ những thay đổi trên thượng tầng lãnh đạo chính trị, đó là Tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ và Đại hội đảng tại Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiến pháp Hoa Kỳ quy định là cứ hai năm một lần, dân chúng đi bầu lại toàn thể Hạ viện, một phần ba Thượng viện và nhiều chức Thống đốc tiểu bang, rồi bốn năm một lần thì đi bầu lại chức vụ Tổng thống cùng Phó Tổng thống. Cũng từ Hiến pháp, dù Hoa Kỳ theo phương thức "Tổng thống chế" hơn là "Đại nghị chế" như nhiều nước Âu, Úc hay Nhật Bản, quyền lực về nội trị của Tổng thống Mỹ thật ra bị giới hạn bởi Quốc hội, Tối cao Pháp viện và cả một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương, nên chỉ có thế tương đối mạnh là về đối ngoại.

- Ta cũng để ý là Hoa Kỳ theo chế độ liên bang nên Tổng thống và chính quyền liên bang không thể lấn quyền lực của các tiểu bang và trong cuộc bầu cử tổng thống đầy phức tạp, các tiểu bang nhỏ vẫn có tiếng nói riêng khi chọn ứng viên ngay từ vòng sơ bộ. Điều ấy dẫn tới một nghịch lý năm nay là nhiều tiểu bang nhỏ mới giữ vị trí bản lề và quyết định về người sẽ là tổng thống.

- Sau cùng, tình trạng bầu bán liên tục ấy lại công khai cho nên mọi chuyện xấu tốt, kể cả xuyên tạc khi tranh cử, đều được phơi bày cho công luận biết để phê phán với hậu quả là cử tri đều thấy rõ, rằng lãnh đạo chỉ là người đi xin việc và người dân có quyền sa thải họ bằng lá phiếu. Nhìn từ bên ngoài thì ta có thể thấy rằng bầu cử tại Mỹ có vẻ huyên náo như chợ phiên hay điên khùng bát nháo như chợ cá, mà ứng cử viên nào cũng sợ là không được làm "đầy tớ của nhân dân".

Việt Long: Trong khi ấy mọi chuyện tại Trung Quốc lại có vẻ tuần tự và ổn định hơn, nhưng sự thật có hẳn là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả là nhìn qua Trung Quốc thì mọi sự lại có vẻ êm đềm ổn định hơn, thậm chí là kín như bưng, nhưng lâu lâu lại như mụn bọc xưng tấy vì mưng mủ.

- Xứ này có hơn một tỷ 330 triệu dân, mà quyền quyết định lại thuộc một đảng duy nhất. Đảng này có hơn 80 triệu đảng viên, tiếng là có quyền dân chủ khi cử đại biểu vào các Đại hội năm năm tổ chức một lần. Sự thật thì không phải quần chúng bầu ra đảng nên đảng không là đại diện của họ, đấy chỉ là sự khẳng định từ trên xuống mà không ai được nói khác. Sự thật cũng không là đảng viên ở dưới bầu lên lãnh đạo ở trên theo lối gọi là dân chủ tập trung mà là lãnh đạo, từ Bộ Chính trị gồm 25 người và Thường vụ Bộ Chính trị gồm chín người, đã quyết định trong bí mật cho ở dưới chấp hành. Sự thật khác là các đảng viên cán bộ không có trách nhiệm giải trình với người dân ở dưới mà chỉ cần được hậu thuẫn của thượng cấp trong guồng máy đảng ở trên để được thăng quan tiến chức. Kết quả là ở trên có nhiều quyền mà lại ít thông tin về thực tế ở dưới vì được cấp dưới báo cáo sai, trong khi dân chúng và báo chí lại ít được quyền tự do phản bác.

Việt Long: Người ta cứ ca ngợi thành tích cải cách và tăng trưởng của Trung Quốc từ ba chục năm qua. Nhưng như ông vừa trình bày thì xứ này cũng có khá nhiều khó khăn trong nội bộ, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sự thật thì sau 30 năm khủng hoảng vì sự hoang tưởng của tư tưởng Mao Trạch Đông khiến mấy chục triệu người chết oan trong thời bình thì 30 năm cải cách từ 1979 đến 2009 là một tiến bộ lớn cho mức sống của người dân và khả năng sản xuất của kinh tế.

- Nhưng dù có thay đổi, chế độ chính trị đó vẫn không giải quyết nổi những khó khăn cơ bản về kinh tế và xã hội trên một lãnh thổ bát ngát mà thiếu tài nguyên và có quá nhiều dị biệt giữa các khu vực. Như nhiều trí thức trong đảng đã phát biểu gần đây, "Trung Quốc là sự bất ổn từ dưới cơ sở, là sự bất mãn của thành phần ở giữa, và sự bất lực của lãnh đạo trên chóp bu." Sau Đại hội 18 này, thế hệ thứ năm, sẽ lãnh đạo trong 10 năm tới, phải cải cách và chuyển hướng để tránh khủng hoảng. Việc cải cách ấy thì thế hệ trước đó, của những Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo, đã thấy là cần thiết mà thực hiện chưa nổi.

- Cũng do sự bất mãn của đông đảo quần chúng ở dưới, lại trong một chu kỳ thay đổi lãnh đạo qua vận động ngầm cho Đại hội đảng, mà chủ nghĩa ái quốc được đảng khai thác để xả sức ép tâm lý bằng tự ái dân tộc và dồn phản ứng người dân qua hướng bài ngoại và đề cao chủng tộc. Vì vậy mà Trung Quốc đang gặp cảnh ngộ có thể nói là vỏ thì cứng mà ruột lại mềm. Đối ngoại thì ngang tàng hung hãn, chứ bên trong đã có mầm ung thối.

Việt Long: Ta trở lại chuyện Hoa Kỳ và các nan đề ở bên trong đang trở thành nổi cộm trong cuộc tranh cử năm nay. So sánh với cái mầm ung nhọt như ông nói về Trung Quốc thì ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin phép sẽ rất ngắn gọn đối chiếu tương quan giữa đôi bên để nói về thực lực và tiềm năng của hai nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới.

- Nói chung, khó khăn của các nền kinh tế công nghiệp hoá tại Âu Châu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ xuất phát từ nhiều thập niên tăng chi và đi vay nên khó xoay trở khi phải trả nợ vào đúng lúc kinh tế trôi vào chu kỳ suy trầm. Những khó khăn đó là cơ hội cho Trung Quốc giải thích cái tính ưu việt của mô hình tổ chức và lãnh đạo chính trị của mình. Nhưng sự sai lầm của xứ khác không thể giải trừ được hậu quả tai hại từ những sai lầm của mình. Và trên cái lực dù sao vẫn rất mạnh của các nền kinh tế tiên tiến, cái thế của nền dân chủ vẫn cho phép người ta cải sửa. Các chế độ độc tài thì khó cải sửa và khủng hoảng kinh tế tất nhiên trở thành khủng hoảng xã hội, rồi dội lên thượng tầng thành khủng hoảng chính trị.

- Một cách ngắn gọn và khá tiêu biểu thì Hoa Kỳ và sinh hoạt bầu bán là sự bất ổn thường trực với lập luận đả kích nhà cầm quyền được hàng ngày tung ra trước dư luận, nhưng đấy cũng là sự cải tiến thường trực của cả xã hội vì nhà nước không là tất cả và quyết định về tất cả mọi việc. Trung Quốc thì có cái vẻ ổn định mà thật ra rất khó chuyển hoá, về kinh tế chẳng hạn thì họ chưa thể chuyển lượng sang phẩm, từ tăng trưởng qua phát triển.

Việt Long: Ông trả lời sao khi mà dư luận thế giới nói đến việc Trung Quốc đang là một chủ nợ của Hoa Kỳ với hơn ngàn tỷ đô la Công khố phiếu họ nắm trong tay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất lý thú vì cho phép chúng ta soi thấu vào ngọn nguồn của vấn đề và thấy ra nhược điểm sinh tử trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc.

- Chúng ta biết Trung Quốc chọn chiến lược Đông Á là lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng. Kết quả là nhà nước nắm trong tay một khối lượng dự trữ ngoại tệ tương đương với khoảng ba ngàn ba trăm tỷ đô la mà cả thế giới nói đến. Nhưng người dân vẫn chẳng được hưởng kết quả ngoạn mục đó một cách tương xứng vì vậy họ mới bất mãn và động loạn xã hội mới bùng nổ. Bây giờ, với khối tài nguyên ngoại tệ dồi dào ấy, lãnh đạo Trung Quốc làm những gì? Họ đầu tư ra ngoài và có phương tiện lớn lao để mua chuộc hoặc lung lạc xứ khác, đấy là cái mặt nổi về chính trị hay tuyên truyền ở bên trên. Chuyện kinh tế bên dưới lại hơi khác.

Việt Long: Thưa ông, thế thì cái mặt chìm là những gì ở bên dưới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng trong luồng giao dịch tài chính với bên ngoài, tính đến Tháng Sáu vừa qua thì Trung Quốc đạt mức thặng dư tương đương với khoảng một ngàn 750 tỷ đô la. Đấy là kết số của tài sản họ đầu tư ra ngoài, khấu trừ phần đầu tư của ngoại quốc vào thị trường của họ. Người ta có thể kết luận rằng Bắc Kinh tung tiền khuynh đảo thế giới, kể cả nhờ vị trí chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Thực tế kinh tế vốn dĩ cứng đầu, sự thật bên dưới lại chẳng như vậy.

- Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn lao mà hai phần ba tức là hai ngàn tỷ là tài sản đầu tư ra ngoài, phân nửa số này là đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, đa số dưới dạng Công khố phiếu, có lời thấp mà mức an toàn cao. Đấy là ý nghĩa của việc làm chủ nợ của nước Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng nhận một ngàn 900 tỷ đô la đầu tư ngoại quốc, kể cả của Mỹ - tức là vay tiền nước ngoài để phát triển – và phải trả tiền lời cao gấp bội. Tiền lời ấy là lợi nhuận của doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

- Nôm na là Trung Quốc vay tiền ngoại quốc để phát triển và phải trả tiền lời rất cao. Thế rồi khi thu hoạch được tài sản là khối ngoại tệ ấy thì lại cho ngoại quốc vay với lãi suất cực thấp. Một cường quốc đang đòi lũng đoạn thế giới thì chẳng thể làm ăn theo kiểu lỗ lã như vậy! Sở dĩ vẫn cứ thế vì các nhược điểm sinh tử trong cơ cấu kinh tế của họ. Hỏi cho dễ hiểu, vì sao Bắc Kinh không dùng tài sản vĩ đại của mình đầu tư vào bên trong cho người dân được hưởng? Vì bên trong thiếu an toàn và có thể mất!

Việt Long: Quả là ông cứ hay nêu ra những nghịch lý bất ngờ! Trung Quốc đi vay đắt và cho vay rẻ nên thật ra là gặp bất lợi lớn vì những nhược điểm trong cơ cấu kinh tế cùa mình. Còn Hoa Kỳ thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tại Mỹ, nhất là trong chu kỳ tranh cử hầu như thường trực, thế giới cứ thấy dư luận than vãn về nhiều chứng tật bên trong, kể cả tình trạng doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài và tạo công việc làm cho người dân xứ khác trong khi công nhân viên Mỹ bị thất nghiệp.

- Sự thật kinh tế chìm sâu bên dưới lại khác. Hoa Kỳ là nơi tiếp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài nhiều hơn mọi quốc gia trên thế giới. Nghĩa là làm sao? Là các doanh nghiệp Âu Châu hay Nhật Bản đã bỏ tiền vào kinh doanh tại Hoa Kỳ, tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Vì thời lượng có hạn, tôi chỉ xin nêu thêm một thí dụ khác để so sánh với Trung Quốc.

- Trong mùa bầu cử tại Mỹ, người ta đả kích nhau là bị nhập siêu tức là mua nhiều hơn bán với Trung Quốc nên mới là con nợ của Bắc Kinh. Hoa Kỳ có mức tiêu thụ khoảng 70% Tổng sản lượng và đấy là vấn đề thật. Nhưng hơn 88% số tiêu thụ là mua hàng hóa và dịch vụ nội địa của doanh nghiệp Mỹ, chỉ khoảng 12,5% là mua từ nước ngoài. Trong số này, phần của Trung Quốc, với thương hiệu là "Chế tạo tại Trung Quốc", chiếm chưa tới 3%, mà quá nửa trị giá lại thuộc về doanh nghiệp Mỹ đã nhập khẩu, đóng gói và quảng cáo rồi phân phối tại Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc có cái thế xuất khẩu rất mạnh mà cái lực lại tùy vào các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây để tìm lợi thế nhân công rẻ. Khi lợi thế ấy không còn hoặc kinh tế các nước tiên tiến bị đình trệ và giảm mức nhập khẩu, là chuyện đang xảy ra, thì chính Trung Quốc mới bị lao đao và lãnh đạo mới càng khó xử lý.

- Để kết luận, có lẽ ta phải vượt qua nhiễu âm của tranh cử để nhìn ra thực lực và tương quan mạnh yếu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mối lo nếu có từ phía Bắc Kinh thì chính là an ninh chứ không là kinh tế hay mậu dịch.

Việt Long: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trả lời cuộc phỏng vấn kỳ này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.