Hôm nay,  

Donald Trump Ngã Hay Bay?

29/12/202300:00:00(Xem: 2795)

Hình-lớn-chính-trang-nhất
RENO, NEVADA - NGÀY 17 THÁNG 12: Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại Trung tâm Hội nghị Reno-Sparks vào ngày 17 tháng 12 năm 2023 ở Reno, Nevada. (Ảnh của Justin Sullivan/Getty Images)
 
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số.

Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần. Phần lớn là do con-người-Đức-đa-số, thời đó, thiển cận, tự hào cái tôi quá lớn, suy nghĩ và quyết định theo sở thích thiếu giá trị phẩm chất tồn tại.

Có hai lối chính để tồn tại: Cùng nhau chia xẻ để tồn tại hoặc giết chết người khác để mình tồn tại. Vế sau, giết người để mình tồn tại là ý tưởng và hành động có từ thời thượng cổ một cách chính đáng, rồi kéo dài cho đến nay, tiềm ẩn dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như chiến tranh Nga và Ukraine, Hamas và Do Thái, … trong xã hội như vấn đề màu da, giới tính … trong chính trị như sự thôn tính quyền lực giữa hai đảng … vân vân. Vế trước, cùng nhau tồn tại, thể hiện nhiều trên lý thuyết, trên một số thực hành của Liên Hiệp Quốc, của Hồng Thập Tự, của lý thuyết văn hóa Metamodernism, và dường như chưa thể có tác dụng để đương cự với thú tính mà nhạc sĩ Phạm Duy đã hỏi: “Giết người đi thì ta ở với ai?”(*) Dù ông biện minh: “Kẻ thù ta đâu có phải là người?” (*) Nhưng câu trả lời thực tế vẫn là “Giết người đi để ta ở với ta.” (*Tâm ca Kẻ Thù Ta, Phạm Duy.)

Sống bằng sở thích và sống bởi lý trí hướng dẫn sở thích là hai loại người khác nhau. Hiệu quả của sống bằng sở thích không cần phải hữu lý hay phi lý. Ngược lại, sự suy nghĩ đòi hỏi đánh giá sự việc trên thang đo tiêu chuẩn đạo lý. Hai nguồn lực căn bản này ảnh hưởng mạnh mẽ đến “cái tôi.” Cái tôi của “biết mình” và cái tôi của “không biết mình.” Ai đã từng tìm hiểu triết học của Heidegger sẽ nhận ra cái tôi là một phần của Dasein mà nỗi sợ hãi có tác dụng toàn bộ trên hành động của con người. ‘Khả năng sợ hãi gia tăng tỷ lệ thuận với những mối đe dọa’ (Trích Summary of Being and Time của Mike Sutton.)

Làm sao để biết được mình?

Tự suy gẫm về mình, trung thực nhìn vào tận gan ruột của bản thân, nhưng cách này khó, vì cái tôi ít khi muốn tự nhận, đúng hơn là thường xuyên giả lơ,  sự xấu hoặc lầm lỗi. Lối thứ hai là tự so sánh mình với người khác, cho dù chưa chắc đã biết thực sự họ tốt xấu ra sao, nhưng khi so sánh, tự nhiên, sẽ có ý nghĩ thầm nhưng thành thực hơn về bản thân. Ý nghĩ đó bắt đầu bằng cụm chữ: “Tại sao tôi như vậy?”
“Tại sao tôi quá giống hoặc hơi giống ông Trump?”

Tại sao lại là ông Trump?

Tại sao không chọn tìm hiểu ông Biden, ông Putin, ông nổi bật nào đó, mà chọn ông Trump? Thưa bạn đọc, vì tôi muốn tự thú, tôi có nhiều tính tình và hành vi giống ông Trump.

Tại sao: ông Trump?

Cho đến nay, những thống kê cuối năm có thể tin cậy cho thấy số luợng con-người-đa-số cao hơn con-người-thiểu-số một ít. Con-người-đa-số đó đang ủng hộ ông Trump. Nghĩa là, có vẻ như, đa số đang thích tôi.

Và nhân vật này đang là một hiện tượng đặc sản, đang được con-người-Mỹ-đa-số ưa thích, có một số cuồng mê ông như trong quá khứ con người đa số đã điên say Hitler, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh hoặc ngược lại như Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela, vân vân.

Hậu quả của mỗi ông nêu trên đưa vào đời sống về sau khác nhau, có thứ tốt đẹp và có thứ khốn khổ. Nếu như ông Trump được ủng hộ táo bạo và thành công, chỉ huy Mỹ quốc bốn năm nữa, hoặc có thể hơn vì ông là người có tham vọng thay đổi hiến pháp, thì hiệu quả tốt đẹp hay khốn đốn? Muốn tìm manh mối thì cần thiết tìm hiểu cá tính của ông, vì giang sơn dễ đổi, mà bản tính khó dời. Cá tính sẽ sinh ra sở thích, sở thích sẽ đưa đến hành động, hành động tạo ra hiệu quả tốt hoặc xấu.

Ngoài cá tính căn bản, gốc rễ để xem xét, có thể xét sở thích là thân cây, xét thói quen là cành nhánh, và hành vi là hoa lá, dẫn đến trái quả là hiệu suất của hành động. Thông thường, người ta hay xét người từ theo dõi và phân tích hành động của người đó. Phương pháp này dễ bị bẻ cong và gây nhiều tranh cãi. Vì hành động không phải là thứ gì vững chắc, nó là kết quả của một nội tâm phức tạp và bí ẩn. Trong khi, cá tính là nền tảng không đổi, không suy sụp của mỗi người.

Viết đến đây, tôi nhớ lại chuyện xưa. “Anh Hùng Đổ Mồ Hôi.” Thời tôi lớn lên, học sinh trung học, ham chơi, thích chứng tỏ bản thân là một anh hùng du đảng không biết sợ ai. Đối với người Việt cùng thời, tôi có dạng to con. Trời sinh mặt mày hung dữ. Với mái tóc dày và dài, những người yếu bóng vía nhìn thấy là kính nể ngay lập tức. Tôi tung hoành ở xóm trên, tạo ra một chút tiểu sử côn đồ. Có vị trí của một đại ca trung cấp. Thực tế là do mồm miệng đỡ tay chân. Tôi nói giỏi. Thuyết phục giỏi. Và giỏi nhất là hăm dọa. Tôi mà hăm dọa một nhân vật nào thì cả nhà đứa đó đều kinh sợ, cho dù, tôi chẳng làm gì cả. Biết sử dụng lời nói một cách du côn thì tác dụng uy hiếp mạnh hơn luật pháp. Khà ra lửa. Vì vậy tôi có biệt danh là “Tiến Khủng Long”
Ở xóm dưới có đại ca du đảng khác, biệt danh “Đức Rắn.” Thằng này muốn đánh đấm ai, hạ gục ai, thì cứ im lặng đến gần, rồi bất ngờ ra tay, như rắn cắn.

Các đàn em hai xóm đụng độ nhau dẫn đến việc hai đại ca gặp nhau để giải quyết vấn đề. Tranh giành quyền lực đại ca và quyền lợi có người cung phụng ăn nhậu khỏi trả tiền. Chúng tôi gặp nhau trong quán nhậu “Cờ Tây”. Phe xóm dưới tấn thủ phía trong. Phe xóm trên đóng đô phía trước. Hai bên đều bình tĩnh uống bia, vì chai là vũ khí, uống nhiều chai cho đầy đủ đạn dược. Chưa bên nào tỏ vẻ muốn tấn công hoặc đối thoại. Không khí căng thẳng. Không gian chờ đợi giây phút hỗn loạn sắp hiện hình. Đột nhiên, Đức Rắn đứng dậy, cầm con dao bén cắt thịt chó, tự rạch vào tay trái từ cùi chỏ đến cườm tay, một đường dài, máu tung toé, rồi điềm nhiên ngồi xuống. Đám đàn em xé vãi khăn bàn băng bó vết thương. Xóm trên không phản ứng, quá mức hăm dọa. Một người tự cắt tay mình như rọc giấy mà không tỏ vẻ đau đớn, thì cắt người khác không bao giờ chùn tay. Ghê thật. Một lát ngắn sau, xóm trên tự động đứng dậy ra về. Từ đó, đại ca xóm trên rời xa danh từ du đảng, trở thành một sinh viên trường luật tử tế, khôi hài và nhát gan.

Những người giống cá tính ông Trump, chia làm hai loại: Loại thứ nhất, càng giống càng mê. Thậm chí mê tín ông Trump hơn Giáo Hoàng, Tăng Thống, Bà Thanh Hải, vân vân… Gọi là nhóm Cuồng Trump. Nhóm mê ít hơn, gọi là Si Trump. Nhóm thấy người khác mê, mình mê theo, gọi là Vĩ Trump (tức là Đuôi Trump). Loại thứ hai, tuy biết mình giống Trump nhưng không theo sở thích mà theo lý trí, đánh giá đời sống theo giá trị của phẩm chất làm người, thì trở thành nhóm chống Trump. Tôi khởi đầu là Si Trump bây giờ là Nghịch Trump. Tôi vốn gan thỏ, nên dùng chữ nghịch cũng cảm thấy hơi sợ. Thôi thì nói cho nhẹ nhàng, tôi không thích ông Trump.

Xét về mặt bên ngoài nhìn vào, ông Trump có thể chất cao lớn, xếp vào hạng đẹp trai những lúc ông cười. Lúc quạu thì vẻ đẹp biến mất, nét lửa thay thế vào. Thuộc vào hạng công tử, nhà giàu, có thể lực, có tiền bạc, điển hình một vị trí hiện sinh mà nhiều người ham muốn. Theo như cuốn sách “Too Much and Never Enough” của Mary Trump, cháu gái ông Trump và những lời kể lại của những bà con, người quen biết, kể cả những kẻ phục vụ cho ông, thì ông là một người được nuông chiều từ nhỏ đến lớn nên trở thành “không biết đều,” có lẽ, đúng hơn là “không cần biết điều.” Xem thường mọi quy luật vì vậy khi trưởng thành, theo đà đó, xem thường luật pháp. Chưa có vị tổng thống Hoa Kỳ nào mà giấu giếm, từ chối không trưng ra bản khai thuế cuối năm như ông Trump. Chưa có nhà kinh doanh xứng đáng nào dám tự động tăng giá địa ốc, cơ sở, sân banh lên mức cao không thể tưởng so với giá trị thật. Phải chăng không sợ luật pháp là anh hùng?
1
(Hình in trên cup, với hàng chữ: Never Surrender. Giá $17.95)

Nói về mức độ nhan sắc hung dữ thì tôi khá giống ông Trump. Khi tôi trợn mắt, nhíu mày thì vợ con tôi sợ kinh khiếp. Có lẽ tôi không được đẹp trai như ông, nên khi ông tự công nhận mình là cái máy hôn, thì tôi thua xa. Có lẽ máy của tôi đã hư từ căn bản. Hơn nữa, ông còn tự hành động như máy bóp hạ bàn. Đàn ông nào không thích? Tôi cũng thích nhưng nghèo, không có tiền trả nếu bị kiện. Ông có thể mắng chửi người làm, người giúp việc, nhân viên, kể cả những người trong ban tham mưu, ban hành chánh, ban tranh cử, một cách quá độ. Đó là việc tôi không dám làm. Kể cả lúc tôi làm tổng giám đốc của hai đài phát thanh Houston và Dallas, có khá nhiều nhân viên, nhưng lúc nào tôi cũng nhỏ nhẹ, vui vẻ vì bài học Đức Rắn. Ai có thể biết được lúc nào rắn sẽ cắn? Lo xa là tốt hơn.
2
 (Hình chụp lại từ The Cut: Donald Trump Shares His Thoughts About Ladies’Skin. Của Rathelenn Hou.)

Về tiết mục phụ nữ, tôi giống ông Trump. Khác một chút, là tôi không được đối tượng mê lại, không có khả năng chu cấp nếu được đáp trả. Khác lớn hơn, chưa được gần gũi các thí sinh và hoa hậu thế giới. Đây cũng là một lý do ngấm ngầm khiến nhiều người ngưỡng mộ ông Trump. Phải chăng càng có nhiều mỹ nhân càng anh hùng?

Tôi thích nhất là nghe người quen, cuồng si vĩ Trump khen ngợi ông Trump là một anh hùng. Là một người dám nói, dám làm, không rụt rè như trí thức “gà phải cáo.” Xét như vậy là xét từ hành động, hành vi để đoán được tính tình; xét hình dong, xét hành vi để kết luận về nhân cách là phương thức sai lầm. Sai ở chỗ đi từ ngành trở về gốc. Ngành thì nhiều, gốc chỉ có một. Đáng lẽ phải xét từ gốc ra đến ngành. Ngành chỉ để minh chứng cho gốc, không thể là gốc. Nếu có người hỏi: Con chó là gì? – Nghe nó sủa, đúng là chó. - Nếu con chó bị câm, không phải chó hay sao? - Biết sủa cũng có thể là sói. – Nghe sủa? Có ai đó mở máy thu băng tiếng sủa, còn con kia, đâu phải là chó, nhất là, thời đại điện tử tân tiến hôm nay, giả chó dễ hơn làm người.
 
                                  
3
(Hình in trên bảng nam châm. Giá $4.99.)

Tôi xét thấy ông Trump cũng là loại “anh hùng đổ mồ hôi” như tôi.

Ông Trump có tài thuyết phục, bằng một cách hùng biện khác với đường lối học viện và chính đáng dựa trên cơ bản luận lý tiến đến hữu lý. Ông hùng biện bằng cách cứ nói không cần bằng chứng, cứ tuyên bố dù biết là sai, cứ tấn công khiến cho đối phương bối rối sinh ra thất lạc tinh thần. Trong những cuộc tranh luận để tranh cử của ông trên màn ảnh với bà Clinton và ông Biden, nếu để ý, sẽ thấy ông hùng biện hết mình, tấn công địch thủ lúc họ đang phát biểu. Tấn công bằng nói chận ngang, bằng xì xò những âm thanh cản trở và biểu hiện bằng toàn thể thân người, dung nhan, nhất là hai vành môi méo qua méo lại biểu lộ lòng bực bội. Nếu có ai đã từng cãi vã với tôi, chắc chắn sẽ nhận ra, tôi giống ông Trump qua những hình ảnh này.

4
Trong thế giới truyền thông điện tử và xã hội ngày nay, ông có khả năng chinh phục nhiều người nghe bằng những lời phi lý. Tạo ra niềm tin rất tâm lý theo kiểu câu chuyện: Một người mẹ có đứa con trai vô cùng đạo đức. Một hôm đang ngồi may vá, có người quen từ chợ chạy về báo tin, thấy ai đó giống như con của bà bị bắt dẫn đi vì tội cướp. Bà không tin, Tự tin về đạo hạnh của con. Bà tiếp tục may vá. Rồi người quen thứ hai đến báo cùng tin. Bà vẫn không đổi ý. Đến người thứ ba báo cáo, bà bỏ việc may vá trèo cửa sổ tẩu thoát vì sợ bị bắt vạ lây tội cướp. Cứ nói lập đi lập lại, quả quyết lập lại, thề thốt lập lại, từ từ sẽ có người tin, không cần bằng chứng, càng nói số người tin càng gia tăng. Đây là bài học đã có từ chính sách tuyên truyền của Đức Quốc Xã, của các chế độ Cộng Sản và các nhà cầm quyền độc tài. Tôi đã từng áp dụng chiến lược này trong vài khía cạnh của ngành phát thanh và nó rất hữu hiệu. Người nghe thường thường là 99% nghe theo, chỉ có 1% hỏi lại. Một kinh nghiệm nhãn tiền nữa, lý do mà người vợ thường nói lập đi lập lại một điều gì, khiến cho ông chồng kết luận là càm ràm, nhưng nghe hoài tự nhiên cảm thấy cũng đúng hoặc cũng không quan trọng gì, làm theo ý vợ cho yên thân. Tệ nhất là tin. Mê vợ thì được nhưng tin thì nên làm người 1% hỏi lại.

5
(Hình trích NDTV World: "Angry" Trump Expected To Reshuffle Staff In White House Turmoi.)
 
Vũ khí tinh thần lợi hại nhất của ông Trump là hăm dọa. Mỗi lần ông hăm dọa, khiến tôi nhớ lại thời “Tiến khủng long.” Ông hăm dọa bất kỳ ai, từ thẩm phán, công tố viên, luật sư, nhà chính trị, nhân chứng, người đi bầu, người phản động, người chỉ trích, vân vân. Ai làm việc gì khiến ông thất lợi, không hài lòng, lập tức ông lên tiếng qua thông tin xã hội qua báo chí, hăm dọa. Hơn nữa lực lượng cuồng Trump sẽ tiếp tay, gửi emails, gửi máy nhắn, gửi thư nặc danh, hăm dọa tính mạng, đời sống và gia đình của người mà ông Trump ghét bỏ.

Sự hăm dọa của ông trở thành một án cảnh mà luật pháp phải can thiệp. Lúc còn là đại ca tôi thường hăm dọa và có rất nhiều người nhát, hèn, sợ hãi, có kẻ trở nên phục tùng hoặc xu nịnh. Qua Mỹ, không dám hăm dọa ai vì sợ cảnh sát đến tận nhà còng tay. Vậy mà, ông Trump phải có luật ngăn cản, nhưng ông vẫn tiếp tục hăm dọa qua những khe hở của luật pháp. Tôi thấy có nhiều người, kể cả các chính trị gia vì lợi vì sợ đã không dám đối mặt với ông Trump. Hăm dọa là trực tiếp hoặc gián tiếp báo trước sẽ có một cuộc trả thù. Báo trước có nghĩa là chưa chắc đã xảy ra, tuy nhiên, đối với tâm thức hèn nhát thì cơ hội xảy ra rất lớn, và thiệt thân rất nhiều. Như Heidegger đã nói, sợ hãi tác dụng toàn thể hành động của một người. Nghệ thuật gây sợ hãi của ông Trump lộ liễu, cụ thể, và hiệu nghiệm. Càng ngày càng gây sợ hãi cho một số người và hành vi gây sợ hãi này làm cho một số người khác thích thú, thích bạo động. Bằng chứng là dân Mỹ càng ngày càng thích xem phim ảnh, video đầy bạo động, giết người, máu me, hung tàn. Ông Trump trở thành anh hùng cho một số người thiếu chất anh hùng, một số người hiểu lầm ý nghĩa anh hùng, và một số người tưởng mình anh hùng cho đến khi gặp Đức Rắn. Sở dĩ ông Trump thành công trong việc hăm dọa, băng qua luật pháp vì ông có tiền, có phương tiện, và có sĩ tượng cuồng si vĩ. Hiện nay, có vẻ như không ai thực sự có khả năng cản trở ông gây sợ hãi cho người khác.

Thực tế, tôi nghĩ, ông Trump chưa gặp Đức Rắn.

Vì sao tôi nghĩ rằng ông Trump giống tôi, giống anh hùng đổ mồ hôi?

Trước hết, ông Trum không sợ những ai, những việc, những chuyện mà ông có thể dùng tiền để mua chuộc hoặc chống lại. Ông không sợ bất kỳ thứ gì mà ông có thể dùng sức mạnh của cuồng si vĩ chầu chực sau lưng. Ông càng tạo ra niềm tin, ông sẽ đắc cử trong năm 2024, ông càng làm cho con-người-đa-số sợ sệt. Báo thù? Chưa chắc. Trù ẻo? Chắc có.  Ngấm ngầm thủ đoạn trả đũa? Chắc chắn.

Joy Behar trong chương trình The View’s trích từ cuốn sách Oath and Honor của cựu dân biểu đảng Cộng Hòa, Liz Cheney, cô nói, “Đó không chỉ là ông ấy mà còn là những người hỗ trợ ông. Vấn đề nảy sinh vì họ từ chối luận tội ông ta, và Liz Cheney đã nói nếu đó là một cuộc bỏ phiếu nặc danh thì có lẽ họ đã luận tội ông rồi, nhưng họ sợ mất việc và trong một số trường hợp còn xảy ra bạo lực chính trị.” Vì phải bỏ phiếu hữu danh, nên đa số dân biểu Cộng Hòa đã không dám ra mặt kết tội để trở thành kẻ thù của ông Trump.

Nhưng ông Trump cũng  sợ khi có sự nguy hiểm đến tính mạng hoặc thiệt hại thân thể, như tôi thấy Đức Rắn cắt tay nó mà nghĩ đến hình ảnh nó cắt tay, cắt cổ mình, mà sợ hãi rút lui, tập làm người lương thiện.

Cá tính của một người từ lúc sinh ra cho đến khi khôn lớn được bảo vệ bởi tiền bạc và quyền lực, không được rèn luyện bởi quân sự, không có kinh nghiệm thế nào là anh hùng trong chiến tranh, được kế thừa làm chủ một tài sản lớn, như một ông vua con, chưa bao giờ thực sự có thành tích hảo hán, khi phải đối diện với khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, tất nhiên nỗi sợ sẽ lấn áp lòng hùng. Xét chung, sợ hãi là một động cơ lớn bẩm sinh ai cũng có. Ai mà không biết sợ? Người can đảm là người biết kiềm chế sự sợ hãi và quen thuộc với những hoàn cảnh nguy hiểm.

Bằng chứng nào cho thấy ông Trump đổ mồ hôi? Chắc ai theo dõi thời sự sẽ nhớ vào tối thứ Sáu ngày 27 tháng Năm, 2020, khi hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài dinh thự điều hành, một số người ném đá và kéo mạnh hàng rào cảnh sát, Các nhân viên Mật vụ đã nhanh chóng đưa Tổng thống Donald Trump tới hầm trú ẩn của Nhà Trắng. Ông đã núp dưới hầm gần một tiếng đồng hồ. Nơi được thiết kế để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như bị khủng bố tấn công. Có tổng thống nào đã phải chạy núp trong trường hợp tương tựa?

Theo tôi, để chấm dứt việc ông Trump hăm dọa, không cần phải án luật lôi thôi, thiếu hiệu nghiệm, không dám thi hành theo châm ngôn “Không ai lớn hơn luật pháp”, chỉ cần có người, một đám người, hăm dọa lại ông Trump. Dùng y nguyên lời nói hăm dọa của ông chỉ thay đổi chủ từ và đối tượng, sau đó, một số người khác, emails, sử dụng mạng lưới truyền thông, nhắn vào máy những lời hăm dọa giống như các vị cuồng, si, vĩ đã làm. Tôi chắc rằng, câu chuyện hăm dọa sẽ chuyển hướng. Từ từ, ông Trump sẽ rút lui những lời ám toán. Hòa hoãn hơn. Có khi vật đổi sao dời, ông trở thành người tử tế, xứng đáng để nhận những lá phiếu của người đi bầu.

Không ai biết được ông Trump sẽ như thế nào, bước vào năm 2024, khi thời gian mở ra những sự việc đang nổi lửa, chúng ta sẽ có thêm dữ liệu để phán đoán, người ấy ngã hay bay?
 
Ngu Yên

Ý kiến bạn đọc
06/01/202405:33:36
Khách
Mời các bạn đọc bài rất h
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.