Hôm nay,  

Liên Cầu Khuẩn Heo Có Đáng Ngại Không?

03/08/200700:00:00(Xem: 5402)
Keywords: Streptococcus suis

Vào khoảng tháng 7 và tháng 8 năm 2005, Trung Quốc đã hoang mang trước một bệnh lạ lây nhiễm từ heo sang cho người xảy ra tại vùng Tứ Xuyên (Sichuan). Có 215 người, đa số là nông dân, đã ngã bệnh sau khi ăn phải thịt heo bệnh. Trong số nầy, 61 người đã biểu lộ triệu hội chứng shock độc tố (Toxic shock syndrome) và có 38 tử vong. Các triệu chứng khác được ghi nhận gồm có nhiễm trùng huyết (septicemia), viêm màng não (meningitis), hoặc phối hợp cả hai. Kết quả xét nghiệm đã chẩn đoán ra được tác nhân gây bệnh, đó là Liên cầu khuẩn heo serotype 2 (Streptococcus suis serotype 2).

Cục Y tế Dự Phòng thuộc Bộ Y tế Việt Nam cũng cho biết tính từ đầu năm 2007 đến tháng 7/2007, cả nước có 42 ca bệnh do Streptococcus suis serotype 2 gây nên và có hai người chết...Bệnh thấy xuất hiện ở miền Bắc, vùng Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Tây, Nam Định và Thừa Thiên ở miền Trung (Vietnam Net).

Đồng thời với bệnh Liên cầu khuẩn, một loại bệnh lạ khác cũng thấy xảy ra ở heo tại một số tỉnh VN từ miền Bắc và miền Trung (Quảng Nam) lần lần tràn xuống tận Long An ở phía Nam đó là bệnh Tai xanh, hay hội chứng sinh dục và hô hấp, Mystery Swine Disease, Blue Ear Disease, Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome (PRRS). Đây là bệnh truyền nhiễm do một loại virus ARN được xác định năm 1991 tại Hòa Lan và có tên là Lelystad thuộc họ Arteriviridae.  Cơ chế gây bệnh là virus tấn công đại thực bào (macrophage) của cơ thể heo khiến con vật không còn khả năng chống đỡ bệnh tật được. Triệu chứng chính ở heo thuộc về đường hô hấp và đường sinh dục gây ra xảo thai, heo con đẻ ra èo uột, ốm yếu, v.v… Bệnh xuất hiện lần đầu tiên năm 1987 tại Hoa Kỳ, năm 1990 tại Anh Quốc và năm 1991 tại Đức Quốc và Hoà Lan.. Xin nhớ là bệnh Liên cầu khuẩn heo và bệnh tai xanh là hai bệnh hoàn toàn khác nhau ở heo!.Bệnh tai xanh không lây nhiễm cho người nhưng lại gây thiệt hại kinh tế rất đáng kể.

Không một quốc gia nào thoát khỏi hết

Trong ngành thú y, vi khuẩn Streptococcus suis ở heo đã được biết đến từ lâu, nhưng không được mấy ai quan tâm cho lắm…Bệnh xảy ra lác đác chỗ nầy chỗ nọ nhưng ít thấy lây nhiễm cho người. Những ca người bị nhiễm Streptococcus suis đầu tiên được biết đến vào những năm 60. Từ 20 năm trở lại đây, Streptococcus suis có mòi gia tăng sự lây nhiễm sang cho người.

Các nhà dịch tể học cho biết bệnh Streptococcus suis từ heo truyền cho người là một zoonose hiếm thấy nhưng quan trọng. Họ xếp Streptococcus suis vào trong nhóm bệnh đang lên (Maladie en émergence, Emerging  zoonotic pathogen). Streptococcus suis rất phổ biến khắp thế giới nhất là tại những quốc gia có kỹ nghệ chăn nuôi heo phát triển và thâm canh. Bệnh được thấy báo cáo ở Hòa Lan, Đan Mạch, Ý, Đức, Bỉ, Anh Quốc, Thụy Điển, Ái  Nhỉ Lan, Brazil, Áo, Hung Gia Lợi, HongKong, Croatia, Nhật Bản, Úc Châu, Tân Tây Lan, Singapore, Đài Loan và Argentina...Từ trước tới giờ không thấy có báo cáo nào nói về bệnh Streptococcus suis xảy ra ở người tại Hoa kỳ cả. Phải chăng phần lớn giới y tế Mỹ không nghĩ rằng vi khuẩn ở heo cũng có thể là một nguyên nhân, nên họ ít khi hướng test xét nghiệm streptococcus suis trong các trường hợp chẩn đoán viêm màng não ở người" Phải chờ đến mãi vài tháng sau biến cố bệnh dịch năm 2005 ở Trung quốc, Hoa kỳ mới cho công bố một ca đầu tiên viêm màng não do Streptococcus suis ở một nông dân vùng New york (JAVMA 15, 2006).

Riêng Canada, vào giữa thập niên 80 cũng có báo cáo vài ca nhiễm Streptococcus suis ở người. Có một ca ở Ontario và ít nhất 5 ca ở Quebec gồm 3 ca viêm màng não và 1 hay 2 ca viêm nội tâm mạc (endocarditis).

Có hai lý do chính là tại sao Quebec phát hiện được nhiều ca nhất: lý do thứ nhất là nhờ vào sự cảnh giác của các nhà chuyên môn Canada về vấn đề Streptococcus suis và lý do thứ hai là nhờ vào phòng thí nghiệm quốc tế tham khảo vi khuẩn Streptococcus suis (Laboratoire Internationale de Référence) được đặt ngay tại Quebec và do Gs Marcelo Gottschalk đảm nhiệm Group Leader of the Streptococcus suis Research Team.

Nói chung thì bệnh nhiễm Streptococcus suis từ heo rất hiếm thấy tại Bắc Mỹ nhưng nó vẫn còn là một bệnh khá quan trọng tại Á Châu và tại một số quốc gia Âu châu.

Vi khuẩn Streptococcus suis là gì"

Đây là một loại cầu khuẩn Gram + ở loài heo. Chúng thường tập trung ở vùng thượng tầng hô hấp (upper respiratory tract), trong xoang mũi, trong lỗ mũi và nhất là trong hạch amygdale (palatine tonsil). Đôi khi cũng có thể tìm thấy vi khuẩn trong phổi và trong âm hộ ở các heo trưởng thành có chứa vi khuẩn nhưng không bệnh.

Heo con thường bị nhiễm bằng cách hít thở mầm bệnh từ những heo khác. Heo lớn có thể mang vi khuẩn, thường ít khi biểu lộ ra thành bệnh (asymptomatique) nhưng có thể lây nhiễm và giết hại heo con trong thời kỳ dứt sữa hoặc heo tơ đang lớn gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Chuồng trại quá chật chội, mật độ heo quá cao, quá dơ bẩn, việc lưu thông không khí trong chuồng không được tốt cho lắm, hoặc có sự hiện diện của một vài loại bệnh khác cộng với thời gian dứt sữa rất ư gây cấn làm giảm sức miễm dịch  của heo con khiến cho bệnh dễ bộc phát ra.

Có tất cả 35 chủng huyết thanh (serotype) mà quan trọng hơn hết, gây bệnh mạnh và thường gặp nhất là serotype 2. Chính loại vi khuẩn nầy là tác nhân gây bệnh ở người tại Tứ Xuyên Trung quốc năm 2005 và tại VN hiện giờ...Hiếm thấy hơn nhưng cũng có thể lây bệnh cho người là serotype 4 và 14...Heo là ổ chứa (reservoir) chính của Liên cầu khuẩn. Ngoài heo ra,  Streptococcus suis cũng còn được tìm thấy ở các thú khác như chó mèo, ngựa, chim chóc, trâu bò dê cừu và  cả ở người nữa.

Bs R.Higgins, chuyên khoa vi trùng học Trường Đại học Thú y Montreal đề nghị gọi Streptococcus suis là một zoonose de loisir vì bệnh cũng có thể truyền từ các thú cảnh sang cho người.

Có gì nguy hiểm cho chúng ta không"

Các đối tượng dễ bị lây nhiễm bởi Streptococcus suis là những người có tiếp xúc chặt chẽ với heo hay ăn phải thịt heo bệnh. Bởi lý do nầy, người ta thường gọi bệnh do Streptococcus suis là zoonose occupationnelle vì nó liên hệ đến nghề nghiệp như các công nhân lò sát sinh, thú y sĩ, nông dân, những người làm thịt heo, những người bán thịt heo, v.v…Càng nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân đang có sức miễn dịch bị suy yếu sẵn vì bệnh tật như bị cancer, sida hoặc các người đang được ghép bộ phận…

Vi khuẩn Streptococcus suis có thể nhiễm qua vết cắt, vết xây xát trên da, hoặc qua ngõ niêm mạc.

Khi vào cơ thể, vi khuẩn định vị trong các hạch bạch huyết và trong các khớp xương. Bệnh nhân sẽ bị sốt nóng, nhức đầu, chóng mặt và có triệu chứng về thần kinh. Viêm màng não (meningitis) là biểu hiệu chính của bệnh do Streptococcus suis gây nên. Có thể bị viêm nội mạc tim (endocarditis), nhiễm trùng huyết (septicemia) và đôi khi tuy rằng hơi hiếm có thể thấy xuất hiện là hội chứng shock độc tố (toxic shock syndrome) rất ư nguy hiểm dẫn đến tình trạng hôn mê và chết...Trường hợp sau khi khỏi bệnh, có thể thấy các biến chứng khác như viêm khớp (arthritis) hoặc bị điếc một cách vĩnh viễn.

Nên biết là nhiễm Streptococcus suis không tạo ra miễn dịch để bảo vệ cơ thể trong tương lai.

Chưa thấy có báo cáo nào nói đến sự kiện Liên cầu khuẩn heo có thể lây truyền từ người nầy sang qua người khác.

Chẩn đoán rất khó

Từ trước tới giờ phần lớn giới y khoa ít khi nghĩ tới Streptococcus suis ở heo, cho nên họ rất có thể dễ nhầm lẫn trong việc chẩn đoán lúc tìm nguyên nhân của bệnh viêm màng não.

Các kết quả xét nghiệm thường được đưa ra là: Enterococci, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus bovis, Viridans group Streptococcus, Listeria, Sreptococcus bovis hoặc Pneumococcus…là những nguyên nhân gây ra viêm màng não. Phải chăng vì lý do nêu trên mà Hoa Kỳ báo cáo rất ít ca nhiễm Liên cầu khuẩn heo ở người"

Chẩn đoán chính yếu căn cứ trên việc xác định chủng huyết thanh (serovar) của vi khuẩn.

Có thuốc chữa trị không"

Vi khuẩn Streptococcus suis rất nhạy cảm với những loại thuốc kháng sinh thuộc các nhóm: 

*Penicilline: Penicilline G - Ampicilline - Amoxicilline+Acide Clavulinique - Oxacilline   và Gentamycine+Beta lactamase.
*Chloramphénicol.

Vấn đề khó khăn là hiện tượng antibioresistance có nghĩa là vi khuẩn đã lờn với một số  thuốc kháng sinh nào đó rồi.

Có vaccin để chủng ngừa Streptococcus suis cho heo nhưng sự hiệu nghiệm của nó cần phải được xét lại vì có quá  nhiều sérotype vi khuẩn khác nhau...Chưa có vaccin nào để ngừa bệnh nầy cho người hết.

Cẩn thận: Liên cầu khuẩn heo sống rất dai

Streptococcus suis sống dai ở nhiệt độ thấp và dễ bị hủy diệt ở nhiệt độ cao. Tuy vậy trong điều kiện tối hảo, vi khuẩn Streptococcus suis có thể sống nhiều ngày hoặc nhiều tuần trong thịt.

Trong nước nóng 60 độ C, vi khuẩn có thể sống trong 10 phút. Giai đoạn cạo lông heo là giai đoạn rất dễ làm cho bị nhiễm nhất. Dụng cụ cạo mổ heo cũng vậy, có thể làm cho bị nhiễm vi khuẩn dễ dàng.

Nhiệt độ:
*0 độ C: vi khuẩn S. suis sống 54 ngày trong bụi, 104 ngày trong phân.
*4 độ C: vi khuẩn sống 6 tuần trong thịt heo.
*9 độ C: 25 ngày trong bụi, 10 ngày trong phân heo.
*25 độ C: 24 giờ trong bụi, 8 ngày trong phân.

Kết luận
Không nên ăn thịt heo tái. Tuyệt đối không đụng đến món ăn tiết canh heo. Có đi về Vn lúc nầy xin các bạn hết sức cẩn thận với các món như nem công chả phượng vì nghe nhà văn Văn Quang nói là được làm từ heo bệnh, heo chết. Trời ơi! quê hương ta là thế sao" Ăn thịt heo đã được nấu thật chín là an toàn nhất!...

Mặc dù streptococcus suis rất hiếm thấy lây nhiễm cho người nhưng Santé Canada vẫn khuyên chúng ta nếu có đi du lịch Á châu, VN, Trung quốc thì nên tránh tiếp xúc, tránh sờ mó hoặc đụng chạm với heo sống lẫn heo chết và cũng không nên đi viếng các trại heo, hoặc các chợ heo. Nên mang bao tay, rửa tay kỹ lưỡng với savon, v.v…Nói tóm lại là chúng ta cần nên giữ vệ sinh tối đa!

Sống tại Âu châu và Bắc Mỹ, chúng ta cần cảnh giác bệnh Liên cầu khuẩn heo nhưng đây không phải là một bệnh làm cho chúng ta phải bận tâm lo ngại gì cho lắm./.

Tham Khảo:

-Réseau d’Alerte et d’Information Zoosanitaire, Quebec; Streptococcus suis: Etat de  Situation, No 38, 10 /8/2005 http://www.mapaq.gouv.qc.ca/NR/rdonlyres/76117EA4-9633-42CE-99F3-0889AE2CBD29/0/streptococcusetatsituationno38_2005.pdf

-Higgins R. DVM, MSc, DSc. Infection causées par Streptococcus suis: Le Medecin Véterinaire du Québec. Vol 29 No 1, 1999.

-E.D. Erickson DVM, PhD. Zoonosis Updates: Streptococcosis. Department of Veterinary Science, Univ. of Lincoln, NE, JAVMA 1995.

-CDC. Human Streptococcus suis outbreak, Sichuan China, Vol. 12 no 6, June 2006

-Gottschalk M. DVM, PhD. Fac Med Vet. Univ de Montreal, Segura M. MSc. PhD, Univ Mc Gill. Lesson from China’s Streptococcus suis outbreak:The risk for Humans
http://www.thepigsite.com/articles/1/health-and-welfare/1980/lessons-from-chinas-istreptococcus-suis-ioutbreak-the-risk-for-humans

-Marcelo Gottschalk DVM, PhD. Group Leader of the Steptococcus suis Research team.
http://www.medvet.umontreal.ca/reseau/ang/Scientists2/Gottschalk2.htm

-JAVMA. Steptococcus suis in pigs cause meningitis in man. May 15, 2006.

-Perron D. Higgins R. L’infection due à Streptococcus suis: Plus qu’une zoonose occupationnelle" Médecin Vétérinaire du Québec 1995: 25: 8-11

-Health Protection Agency. Streptococcus suis-General Informations
 Montreal, August 2, 2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mổ cườm mắt (Cataract, bệnh đục thủy tinh thể, hay còn gọi là Đục nhãn mắt, Cườm mắt) là một trong những loại phẫu thuật phổ biến và được thực hiện nhiều nhất trên thế giới. Đa số bệnh nhân sau khi mổ đều có kết quả tích cực và ít bị biến chứng. Ở Hoa Kỳ, hơn một nửa số người cao niên dưới 80 tuổi bị cườm mắt, và có gần 4 triệu ca phẫu thuật được thực hiện mỗi năm.
Vào những năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung học ở Bồ Đào Nha, công việc đầu tiên của Ricardo Da Costa là vận động viên ba môn phối hợp (triathlete) chuyên nghiệp – bao gồm bơi lội, đạp xe, và điền kinh. Trong quá trình tham gia các cuộc thi, một trong những vấn đề lớn nhất mà anh và các vận động viên khác phải đối mặt là các vấn đề về tiêu hóa, nhưng không có ai để tâm hoặc tìm cách giải quyết vấn đề này.
Aspirin nổi tiếng với khả năng giảm đau từ các cơn đau cơ và đau đầu; giúp giảm sốt; và liều lượng thấp có thể làm loãng máu, giảm nguy cơ đông máu gây đột quỵ và đau tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng Aspirin cũng có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư ruột kết
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Khi nói đến việc giữ cho xương khỏe mạnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin D, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết để giúp cho bộ xương chắc khỏe. Nhưng dù rằng vitamin D đúng là một chất dinh dưỡng thiết yếu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của các loại vitamin khác trong việc chống gãy xương (fractures) và bệnh loãng xương, hay bệnh xương xốp (osteoporosis).
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.