Hôm nay,  

Tản mạn về Huế của anh “học trò xứ Quảng”

22/03/202400:00:00(Xem: 738)

nho Hue
 
Khi nói về cái nhìn của chàng học trò xứ Quảng với những người đẹp đất thần kinh tôi nghe nhiều lần hai câu: Học trò trong Quảng ra thi / Thấy cô gái Huế chân đi không đành. Có lẽ vì mặc cảm thua sút, thấp cơ so với người đẹp, chàng học trò xứ Quảng nói lại bằng cách thay chữ “Thấy” bằng chữ “Mấy” để vớt vát: Học trò trong Quảng ra thi / Mấy cô gái Huế chân đi không đành.

  
Tôi là dân Quảng, nhìn nhận theo cách riêng và thuần cảm tính của mình, rất khách quan và thật lòng, vẫn nghiêng về hai câu trước ít nhất là dựa trên sự chiêm nghiệm của mình trong 5 năm sống và học hành ở Huế chỉ vì một điều rất dễ hiểu là tôi đã ở vào tình trạng “chân đi không đành” khá nhiều lần!
  
Cho đến bây giờ, đã bốn mươi năm xa Huế, hẳn là hai chữ “thấy” và “mấy” vẫn là vấn đề tiếp tục được nói đến, được mổ xẻ để giành phần hơn cho trai Quảng hoặc gái Huế. Không chắc rằng hai câu này có phải là ca dao hay không, tôi gõ câu đầu vào Google, không tin được là tôi nhận được 4.590.000 câu trả lời chỉ trong 0.55”!
  
Tôi đến Huế hai lần năm lên chín, một lần theo mẹ thăm người quen và lần khác thăm cha tôi bệnh điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, tôi cũng sống với Huế cùng nhân vật trong truyện “Trong gia đình” được phóng tác từ “En Famille” của Hector Malot lấy bối cảnh không gian là Huế, một lần ở lại mấy ngày trong trường NHSQG bên đường Ngô Quyền khi thăm chị tôi làm việc ở đó và thực sự sống nhiều năm ở cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng số 127 đường cùng tên, ngày xưa còn có tên là đường Hàng Bè. Địa chỉ này là tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này đang được quản lý bởi Hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam tại Huế do ông Nam Thiên có nhà trước cửa Thượng Tứ phụ trách.
  
Sinh viên cư xá dưới 40 người gồm dân các quận của Quảng Tín, Quảng Nam và Đà Nẵng, mỗi năm chừng bốn năm người ra trường, cư xá lại nhận thêm con số đó thay vào. Năm năm sống ở cư xá tôi hiểu tính cục bộ địa phương trong tâm tư chàng sinh viên xứ Quảng, một số người là dân quận huyện, thời gian đầu chưa am hiểu nhiều về đất và người của Huế nên khá mặc cảm, nhất là trước các cô gái Huế, chưa nói đến những Tôn Nữ con nhà!
  
Gần bốn mươi chàng trai đó sống ở cư xá cả trên dưới lầu mỗi tầng hai dãy giường có lối đi ở giữa, hai người một ô, mỗi dãy bốn ô, tính chung một tầng là 16 người, có thêm một gác xép và một phòng nhỏ sau phòng khách khoảng 8 người nữa. “Cơm đùm gạo bới” đi học nên chỉ tập trung vào việc dùi mài kinh sử, lộ trình chính là từ nơi ở đến trường và ngược lại, thời gian đầu thường ngại tiếp xúc ngoại trừ bạn cùng lớp trong khoa. Tuy vậy, máu Quảng Nam vẫn rần rật trong tư tưởng họ, có lần, ngồi hóng mát trước hành lang phòng khách cư xá, sát lề đường, chứng kiến hai anh bạn chọc ghẹo hai cô gái đi qua, tôi can không kịp vì việc này luôn được Ban Đại diện cư xá nhắc nhở thường xuyên trong các buổi họp thường kỳ: không nên để dân địa phương đánh giá thấp sinh viên nội trú và có những việc làm khiến cư xá nói chung và sinh viên Quảng Nam nói riêng mang tiếng xấu. Các cô gái có lẽ từng gặp chuyện này nên thủ sẵn vũ khí loại hàng độc, khi bị chọc, một cô nói ngay: “Chiếu không?” Đó là từ người Quảng Nam cho là bị xúc phạm vì khi người Huế chê dân Quảng thì thường dùng ba chữ mang tính miệt thị: dân bán chiếu. Tôi chưa gặp nhưng nghe nói là có rất nhiều người dân Quảng gánh chiếu đến các vùng quê và cả đi vào các ngỏ hẽm phố phường để bán. Hai anh bạn này là sinh viên năm hai, có lẽ do đàn anh truyền kinh nghiệm nên hỏi ngay: “Bán chiếu để trải dưới đò à?” Ác đến thế, đốp chát đến thế là cùng!
  
Từ thập niên 70, bên tả ngạn sông Hương có 34 vạn đò sống trên sông nước với nhiều nghề nghiệp khác nhau,từ Phu Vân Lâu, Thương Bạc xuống đến chợ Đông Ba, rẽ về sông Đông Ba có một số đò là nơi kinh doanh thân xác phụ nữ phần lớn phục vụ khách làng chơi là những người lính về từ “địa đầu giới tuyến”. Dân Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng, tôi biết, không chấp nhận chuyện này! Đò Huế không còn là nơi để những đêm trăng sáng, chèo ra giữa sông Hương nghe câu “mái nhì mái đẩy”, không phải là nơi bạn bè tri kỷ gặp nhau cùng ngược dòng Hương Giang vừa thưởng thức khúc “Nam ai Nam bình” vừa uống rượu ngăm trăng, qua khỏi Tuần đến Tả Trạch Hữu Trạch tìm mùi thơm của hoa Thạch xương bồ, mùi thơm khó quên nên người Pháp đặt tên sông là Rivière de Parfum mà đò Huế trở thành chốn Bình Khang được biết đến trên cả nước không khác gì “Number 9” thường nghe gọi là “năm bờ nay” tức cây số 9, Cam Ranh.
  

Không có số liệu chính xác về số sinh viên Quảng Nam học ở 5 khoa của Đại học Huế, những người học ở trường Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh Quốc gia hay Trung học Nông Lâm Súc, những trường không mở ở Quảng Nam Đà Nẵng nhưng nếu tính cả vào lúc tôi ở Huế sẽ có con số phỏng chừng dưới 200. Cư xá Nam Giao, Đội Cung, Xavier, Jeanne D’Arc, Huỳnh Thúc Kháng, cư xá của hai trường y tế là những nơi cư trú của họ trong những năm đi học, số còn lại thuê nhà ở hoặc dạy kèm ở ngoài. Năm năm tôi sống ở nơi này, chưa nghe thấy ai có đóng góp hoặc cống hiến gì nổi bật ở các trường hay trong các hội đoàn ngoại trừ đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của các đô thị miền Nam mà cư xá tôi ở, con số tham gia lên đến gần chục người! Có lẽ lo học nhiều nên kết quả của các chàng sinh viên xứ Quảng khá khả quan và điều này làm họ lọt vào mắt xanh của những người đẹp, khóa Huỳnh Thúc Kháng của tôi cũng có người rước được người đẹp về làm dâu đến tận Tam Kỳ!
  
Khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu người Huế đã viết về tình thương yêu và nhớ nhung của họ khi sống xa thành phố nắng nẻ đất, mưa trắng trời này, đó là giáo sư Cao Huy Thuần, là giáo sư Nguyễn Tường Bách, là nhà văn Trần Kiêm Đoàn… Ngày tôi về thăm Huế, Thanh Nhã tặng mấy cuốn sách trong đó có “Từ ngõ Huế xưa” một quyển sách chọn lựa những bài hay nhất về Huế của Trần Kiêm Đoàn, bài nào đọc cũng không thể không xúc động, trong bài Mưa Huế (trang 36) anh trích một đoạn trong Nhớ Huế (năm 1995) của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà anh dùng là “người bên kia đèo Hải Vân” như sau: “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ… Tình yêu của Huế không cần viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh.

Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó”.
  
Bạn bè tôi, những con dân sinh ra và lớn lên trên đất thần kinh luôn âm ỉ trong lòng một niềm tự hào về đất và người xứ Huế, nơi đã là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng: nhà Nguyễn, cũng không ít người khi nghe ai đó ngợi ca Huế đã có những phản ứng trái chiều dầu những ngợi ca đó được số đông ủng hộ vì đã có cái nhìn sâu sắc đến mức có thể đi vào văn học sử như hai câu nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn:
  
Con sông dùng dằng, con sông không chảy   
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…
  
Hay: Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ, Huế mộng họ liền thêm vào 5 chữ đầy ác ý và giễu cợt, chưa bàn đến đúng, sai: “Huế tộng bộng hai đầu!”
  
Lại nữa, từ câu ca dao về sông Hương núi Ngự như:
  
Núi Ngự bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đực mưa trong.

Họ trả lời ngay:
  
Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!
  
Hồi sống ở cư xá, có lần tôi được nghe một đàn anh kể lại một chuyện tình trai Quảng-gái Huế, không cần thẩm định mức độ khả tín của câu chuyện nhưng tôi biết anh và không tin đây là chuyện đùa. Anh kể rằng, có một chàng trai Quảng ra học đại học, ở trọ và kiếm tiền phụ thêm tiền nhà chu cấp hằng tháng bằng việc kèm trẻ (hồi ấy gọi là précepteur). Không rõ nhan sắc và sức học của cô học trò thế nào nhưng cô là con của một chủ tiệm buôn lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Có tình yêu nảy nở sau quan hệ thầy trò này không hay chàng trai này có ý “đào mỏ” hay không cũng không rõ nhưng một thời gian sau cô học trò này… có bầu! Cha cô bé đề nghị chàng sinh viên làm rể mình, sẽ tổ chức một đám cưới xứng tầm với gia sản và vị thế của ông trong giới doanh nhân và hứa hẹn sẽ cho hai vợ chồng trẻ một căn nhà riêng trong phố. Chừng như ý thức được “thế thượng phong” của mình, chàng trai đòi hỏi thêm một chiếc xe hơi và vốn liếng. Ở đời, “già néo đứt dây”, sau nhiều lần “đàm phán” không tìm được mẫu số chung, ông chủ quyết định đưa con vào Sài Gòn sống chờ ngay sinh nở. Không biết “cái hậu” thế nào, những nhân vật trong chuyện này ra sao nhưng nếu là chuyện tình thì nó thiếu cái happy ending!
  
Các bậc tiền bối Quảng Nam ra học, ở lại làm quan, làm việc ở Huế nhiều thế hệ khác nhau đã có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Nguyễn, cho Huế nhưng đọc một bài viết của tác giả Phạm Phú Phong (1) tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng về việc đối xử của chính quyền hiện tại với những danh nhân, những di tích liên quan mà nơi tôi ở, cư xá SV Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa bây giờ hoang tàn đổ nát vì chính quyền giao cho Đại Học Y làm nơi ở của cán bộ, họ cơi nới, chia nhỏ, thậm chí có người dùng cho thuê mặt bằng buôn bán là một thực tế đắng lòng!
  
Sau Mậu Thân, Huế đổ nát, điêu tàn do bom đạn, Huế tang thương với hàng ngàn vành tang trắng do thành tựu “giải phóng” qua các mồ chôn tập thể, coi phóng sự trên tivi về các buổi khai quật những mồ chôn này, phóng sự luôn kết thúc bằng bản nhạc “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà mỗi lần nghe, tôi nhớ – dầu chỉ mới đến Huế vài ba lần – mình đã không cầm được nước mắt!
  
Sau này, khi lập gia đình, tôi lại lần nữa gắn bó với Huế tuy vợ tôi chỉ lớn lên ở Huế từ thuở lên năm lên sáu. Và bởi đó, tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn xứ Huế nơi một anh, một chị tôi đã học và làm việc, nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng, nơi tôi sống suốt thời sinh viên sôi nổi, nơi tôi đã không ít lần thấy lòng mình dậy lên những xôn xao về một nét đẹp Huế, một giọng nói Huế, một ánh mắt Huế, một tấm lòng Huế… cho tôi nhiều người bạn Huế vô cùng dễ thương và sau cùng, ít nhiều cũng cho các con tôi một chút chất Huế trong người.
 
– Nguyễn Hoàng Quý
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ nhất "Bá nhân bá tánh",/ Trời sinh ta cá tánh khác nhau / Người thích ở chốn rừng sâu, / Kẻ tìm đến chốn đâu đâu cũng người. / Chấp nhận người khác ta thôi, / Mỗi người một kiểu đừng chơi... "độc tài".
Họ một nam và một nữ, dạng bé nhỏ và đen đủi vào khoảng tuổi đôi mươi trong ngoài. Người thanh niên cởi trần và đeo gùi, cả hai đều chân đất và cô gái mặc cái áo len màu mè, rách ở nhiều chỗ. Họ không vào sân nhà mà chỉ đi ngang phía ngoài vài mươi thước. Trong ký ức của tôi sau này một thời gian dài là người thanh niên có đeo cung tên nhưng sự thật có lẽ anh chỉ có 1 cái rựa vác trên vai hay là anh không có đến con dao, tấc sắt đi rừng. Nhưng chi tiết cung tên này rất là quan trọng mặc dù nó được bịa đặt trong đầu của một thằng bé ba tuổi.
Nhật bản ngoài các kỹ nghệ này kia như ta biết, còn có kỹ nghệ “kyabakura” chiếm 1 tỷ lệ đáng kể của tổng sản lượng quốc gia. Đó là 1 dạng “bia ôm” nhưng chính xác hơn là “bia tâm sự vui buồn” vì khách vào đó không hẳn là để ôm ai mà là nhu cầu tinh thần muốn chia sẻ của đủ hạng đàn ông các cỡ. Tại các quán này bạn uống bia và có người ngồi nghe bạn kể chuyện về mình. Nhân viên phục vụ tại đây vì vậy là chuyên gia nghe chuyện. Theo 1 thăm dò thì họ sếp hạng những thứ đàn ông đáng chán và vô duyên nhất họ phải chịu đựng như sau.
Tôi đến Pháp non ba mươi năm trước do lời mời của một người bạn. Anh ta cũng là họa sĩ. Như hầu hết các đồng nghiệp cùng chủng tộc, không mấy người sống bằng nghề cầm cọ, họ phải có một việc làm nào đó, tuy phụ nhưng lại là chính, nuôi thân, lo cho gia đình, vợ con. Ngày mới vào Đại học Mỹ thuật, như tất cả những người chọn hội họa làm hướng tiến thân, bạn tôi nuôi nhiều tham vọng. Ra trường sẽ sáng tác, sẽ triển lãm, sẽ bán được tranh, báo chí sẽ ngợi khen, vừa có tiếng vừa được miếng. Thế nhưng ba năm miệt mài vẽ, triển lãm, chả ma nào thèm để ý, tranh bán không ai mua, đã đành, truyền thông cũng ngoảnh mặt, có chăng chỉ vài ba dòng thông tin. Chấm hết!
Rượu có chi cay mà uống rượu phải đưa cay. Tôi phân vân về chữ “đưa cay” này. Gọi quách một cách trực tiếp như dân miền Nam: nhậu là phải có mồi. Như đi câu cá. Cá đớp mồi cá sẽ lên bàn nhậu. Nhậu một hồi sẽ “quắc cần câu”. Quắc cần câu là… xỉn, thân hình đi đứng liêu xiêu cong như cái cần câu cá. Xỉn quắc cần câu có biệt tài tự về tới nhà, lăn ra ngủ, khi tỉnh dậy chẳng nhớ cái chi chi. Tại sao người quắc cần câu lại có biệt tài như người mộng du vậy? Mỗi khi con người trải nghiệm được một thứ mới, thùy trước trán sẽ lưu giữ những thông tin này theo dạng trí nhớ ngắn hạn. Sau đó hồi hải mã nằm ở não trước sẽ ghi những thông tin ngắn hạn này để tạo thành ký ức dài hạn. Đường truyền từ thùy trước trán tới hồi hải mã cần có những neuron thần kinh đặc biệt dẫn lối. Say xỉn khiến những neuron này không còn hoạt động. Vậy là xỉn xong ngủ dậy chẳng còn nhớ mô tê gì hết!
Tôi quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ, đủ thứ hạng: vang danh năm châu bốn biển, khiêm nhường quận lỵ làng xã, làng nhàng phường khóm, tổ dân phố. Đa phần không như tôi tưởng hồi còn trẻ, họ chả phải là những á thánh mà chỉ là những con người với đầy đủ cung bật tốt xấu. Có anh đóng rất tròn vai trò người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, có chú chân chỉ hạt bột, cơm nhà quà vợ và … sòng phẳng đến độ, trong mắt nhìn bạn bè, là những gã keo kiệt, xem cắc bạc như bánh xe bò, tính toán chi li từng tách cà phê, từng điếu thuốc.
Trung tâm lọc máu, nơi tôi đến “làm việc”, khá qui mô, gồm nhiều nhân viên: văn phòng, tiếp tân, kỹ thuật, lao công dọn dẹp vệ sinh, bác sĩ, trợ lý, y tá… Riêng đội ngũ y tá gồm 6 người, trong số này có hai người cho tôi nhiều ấn tượng nhất: Một anh Mỹ đen cao to như con gấu, chí ít cũng 250 ký, khó đăm đăm, ít khi cười, phát ngôn cộc cằn. Nói chung, thoạt nhìn tôi không ưa nổi, và sợ, tay này lụi kim (mỗi lần 2 mũi, kim to như cây tăm xỉa răng, cách nhau khoảng 2cm, một mũi hút máu ra đưa vào máy lọc chất dơ rồi trả lại cơ thể qua mũi thứ hai. Cứ thế luân lưu hơn ba tiếng)
Hồi học đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tôi có một thằng bạn tên Thái Hải, con trai bác sĩ kiêm thi sĩ Thái Can, nó giống tôi ở cái tính “ba nhe” (phương ngữ miền Trung chỉ những bọn trẻ rắn mắt, cứng đầu, nghịch phá), nhưng khác tôi 180 độ: hắn học cực giỏi, tôi cực dốt! Hơn sáu mươi năm, tôi lang bạt kỳ hồ, thỉnh thoảng về quê nhưng chỉ như khách trọ, chỉ lưng bữa nửa tháng lại ra đi, nên không có cơ hội gặp bạn bè xưa, cũng có nghĩa kể từ ngày còn oắt con cho đến bây giờ tôi chưa gặp lại người bạn thời niên thiếu. Nghe nói sau này hắn cũng là bác sĩ như ông thân sinh. Phải thôi, học giỏi như nó, không nối nghiệp cha mới lạ.
Có thể khẳng quyết, trong dòng văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, chắn chắn Song Thao là nhà văn viết Phiếm uyên bác và mạnh mẽ. Ông đi nhiều, đọc nhiều, viết chuyên cần. Chỉ trên mười năm ông đã trình làng 31 tập Phiếm, mỗi tập trên 300 trang. Đề tài của ông đa dạng, bao quát, từ cây kim sợi chỉ đến vũ trụ bao la với lỗ đen, mặt trăng, sao hỏa, phi thuyền…, đến chuyện đời thường, những địa danh ông từng đặt chân đến. Chúng ta sẽ còn được đọc nữa những tập Phiếm sẽ ra trong tương lai.
Những năm trên dưới hai mươi, tôi xem văn chương là một thứ đạo, những cuốn sách, những thi phẩm không khác kinh thánh, các nhà văn, nhà thơ ngang bằng các giáo chủ. Tôi mê văn chương, tôn sùng những người tạo ra nó. Bước vào tuổi trung niên, say mê vẫn còn, nhưng bình tĩnh hơn, chừng mực hơn. Cho đến khi phần lớn đời mình gắn liền với sách vở như nghiệp dĩ, văn chương, ban đầu tôi viết vì nhu cầu nội tâm, muốn tỏ lộ những buồn vui đau đớn hài mãn… qua chữ nghĩa, trước tiên cho mình, thứ đến cho người, với mong muốn xẻ chia.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.