Hôm nay,  

Đằng Sau Bài ‘Happy Birthday To You’ là hai tác giả bị lãng quên

15/03/202400:00:00(Xem: 871)

Birthday

“Happy Birthday to You” được Kỷ Lục Guinness Thế Giới công nhận là bài hát tiếng Anh được hát nhiều nhất. (Nguồn: pixabay.com)

 
Trong suốt thế kỷ qua, mọi người thường hát vang khúc nhạc bốn câu để chúc mừng ngày sinh nhật của người thân, bạn bè. Nhưng có lẽ ít người biết tên của những người phụ nữ đằng sau giai điệu nổi tiếng này: Mildred Jane Hill, một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc nổi tiếng, và Patty Smith Hill, người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục trẻ thơ.
 
Happy Birthday to You” được Kỷ Lục Guinness Thế Giới công nhận là bài hát tiếng Anh được hát nhiều nhất. Lịch sử rối rắm đáng ngạc nhiên của bài hát này bắt đầu vào năm 1893, khi chị em nhà Hill đồng sáng tác và xuất bản một giai điệu có tên “Chào buổi sáng mọi người” (Good Morning to All). Về sau, Patty kể lại rằng mục tiêu của họ là tạo ra những bài hát thể hiện “những từ ngữ, cảm xúc và ý tưởng phù hợp với khả năng âm nhạc còn hạn chế của trẻ nhỏ.”
 
Patty đã thử nghiệm bài hát có giai điệu giống như “Happy Birthday” cho các học sinh mẫu giáo của bà ở Louisville, Kentucky. Lời bài hát như sau: “Good morning to you / Good morning to you / Good morning, dear children / Good morning to all.” (“Chào buổi sáng nhé bạn / Chào buổi sáng các bạn / Chào buổi sáng các bạn nhỏ thân yêu / Buổi sáng tốt lành nhé mọi người.”)
 
Có rất nhiều giả thuyết về việc làm thế nào và khi nào thì lời bài hát trở thành “Chúc mừng sinh nhật”? Nhưng không ai chắc chắn về những chi tiết cụ thể của quá trình này. Ở Louisville, người dân thường liên kết sự thay đổi này với Little Loomhouse, nơi hiện là trụ sở của một tổ chức nghệ thuật sợi vô vụ lợi.
 
Mick Sullivan, quản trị viên Bảo Tàng Lịch Sử Frazier của Louisville, cho biết: “Chuyện kể rằng một hoặc cả hai chị em đã tham dự bữa tiệc sinh nhật tại cabin vào mùa hè, và đó là lúc lời bài hát được thay đổi. Một trong những cái hay của bài hát là chúng ta có thể thay lời. Thay vì nói ‘Good Morning to All,’ chúng ta có thể hát thành ‘Good Friday to You’ để chúc ‘Thứ Sáu tốt lành’.”
 
Sullivan cho biết thêm, “Trẻ em thay đổi lời bài hát liên tục.” Thí dụ, có một bản chế khá nổi tiếng của bài hát sinh nhật: Happy Birthday to you / You live in a zoo / You look like a monkey, / and you smell like one, too!” (“Chúc mừng sinh nhật bạn/Bạn sống trong sở thú/Bạn trông giống một chú khỉ,/ và bạn cũng có mùi giống một chú khỉ luôn!”)
 
Cuộc sống của chị em nhà Hill
 
Happy Birthday” có thể là thành tựu nổi tiếng nhất của chị em nhà Hill, nhưng ảnh hưởng của họ đối với lịch sử Hoa Kỳ không chỉ giới hạn ở một bài hát được yêu thích. Sullivan nói rằng Patty là lý do khiến trẻ em được đi học mẫu giáo. Bà đã giới thiệu triết lý tiến bộ về giáo dục trẻ thơ, nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng sáng tạo ở trẻ, đồng thời không chỉ tập trung vào việc học mà còn quan tâm đến sự sáng tạo và phát triển tinh thần xã hội và tâm lý của trẻ.
 
Sullivan nói: “Patty là tiên phong – có tiếng nói lớn nhất ở Hoa Kỳ trong việc chấp nhận mô hình giáo dục mẫu giáo. Bà đã thuyết phục công chúng và các nhà chức trách rằng trường mẫu giáo không chỉ nên tồn tại mà còn thực sự cần thiết.”
 
Mildred và Patty sinh năm 1859 và 1868, là hai trong số sáu người con của Mục sư William Wallace Hill, mục sư Giáo Hội Trưởng Lão biên tập cho một tạp chí tôn giáo và từng là mục sư tại Nhà thờ Presbyterian Anchorage ở ngoại ô Louisville. Với tư tưởng tiến bộ vào thời đó, William kiên quyết cho rằng các con gái của ông cần được ăn học đến nơi đến chốn, điều không phổ biến đối với phụ nữ vào thời điểm đó. Ông thành lập một trường học dành cho nữ sinh có tên là Bellewood Female Seminary, giảng dạy về tiến hóa, địa chất và thiên văn học.
 
Elizabeth Campbell Rightmyer, cựu chủ tịch của tổ chức vô vụ lợi Happy Birthday Circle ở Louisville, cho biết: “Ông ấy là một người trí thức và tin rằng phụ nữ không nên phụ thuộc vào đàn ông để có được một mái ấm, mà họ nên tự có kế sinh nhai của riêng mình. (Cả Mildred và Patty đều không kết hôn hay có con.)
 
Theo một bài báo của Robert Brauneis năm 2010, một chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ tại Đại Học George Washington, Mildred và Patty bắt đầu hợp tác sáng tác các bài hát dành cho trẻ em vào năm 1889, sau đó tổng hợp các sáng tác trong cuốn sách có tựa đề ‘Kể chuyện bằng bài hát cho trẻ mẫu giáo’ (Song Stories for the Kindergarten). Năm 1893, cùng năm hai chị em xuất bản “Good Morning to All,” họ đã trình bày tác phẩm dành cho giáo dục của mình tại Hội Chợ Thế Giới Chicago (Chicago World’s Fair).
 
Mildred là một thiên tài âm nhạc và nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới. Bà cũng đóng vai trò là nhà sử học về nền âm nhạc của Louisville. Từ phòng thu của mình, Mildred nghe thấy những người bán hàng gốc da đen “hát rao trên đường phố” theo gam nhạc blues, bà dự đoán rằng blues và jazz sẽ trở thành thể loại âm nhạc nổi tiếng trên khắp Hoa Kỳ. Bà đã ghi lại những lời rao độc đáo và thúc đẩy việc bảo tồn âm nhạc.
 
Mildred viết trong một bài luận cuối thế kỷ 19: “Nếu có ai viết lịch sử về âm nhạc ở Kentucky, có lẽ phần lớn nên được dành cho âm nhạc của người gốc da đen trong tiểu bang chúng ta. Những cụ già gốc da đen là những người duy nhất thông hiểu về loại âm nhạc này, nhưng chẳng còn được mấy người còn sống. Và thật đáng buồn là chưa có nỗ lực nào để bảo tồn loại âm nhạc này, trước khi quá muộn màng.”
 
Trong khi đó, Patty là một trong những nhà cải cách giáo dục quan trọng nhất ở Hoa Kỳ. Bà là chủ tịch đầu tiên của Hiệp Hội Quốc Gia Về Giáo Dục Trẻ Nhỏ và là một giáo sư tại Đại học Columbia. Bà đã thiết kế và quảng bá các công cụ giảng dạy có tên là “khối Patty Hill” (Patty Hill blocks), thường được học sinh mẫu giáo sử dụng để chơi trò chơi xây dựng.
 
“Học sinh mẫu giáo sẽ đạt được những gì?” Sullivan hỏi. Sự tiến bộ “là do các em ở bên những đứa trẻ khác và chia sẻ trải nghiệm, [học] cách hợp tác và những việc cần nhiều người cùng làm. [Cách tiếp cận] đó thực sự đi trước thời đại.”
 
Mildred qua đời năm 1916 ở tuổi 56, rất lâu trước khi bản nhạc sinh nhật của bà trở nên nổi tiếng khắp mọi nơi. Patty qua đời năm 1946 ở tuổi 78. Hai chị em nhà Hill được chôn cất gần nhau tại Nghĩa trang Cave Hill ở Louisville.
 
Cuộc chiến bản quyền của bài hát “Happy Birthday to You”
 
Trong những năm 1920, các biến thể của bài “Happy Birthday” được đặt theo giai điệu của “Good Morning to All” đã xuất hiện trong một số sách nhạc, trong đó có một cuốn sách năm 1924 do Robert H. Coleman biên soạn. Khi bài hát ngày càng phổ biến, thậm chí xuất hiện trong các bộ phim và một vở nhạc kịch Broadway, em gái út của Mildred và Patty, Jessica Mateer Hill, đã phản đối việc sử dụng không kiểm soát của giai điệu. Năm 1935, Jessica ủy quyền cho Clayton F. Summy Company, công ty đã xuất bản bản gốc cuốn ‘Song Stories for the Kindergarten’, phát hành bản phối mới có bản quyền của “Happy Birthday.”
 
Hàng thập niên tranh chấp bản quyền và kiện tụng diễn ra sau đó, với Warner Chappell Music – công ty xuất bản âm nhạc kế thừa bản quyền – đã đấu tranh để giữ bản quyền đối với bài hát này. Vào năm 2016, một thẩm phán đã chấp thuận một thỏa thuận chấm dứt tranh chấp, chính thức đưa bài hát “Happy Birthday” thành của chung cộng đồng.
 
Những chi tiết chưa rõ ràng xoay quanh việc làm thế nào “Good Morning to All” lại trở thành “Happy Birthday” có thể đóng một vai trò nào đó trong sự thiếu công nhận dành cho Mildred và Patty. Nhưng “không thể nghi ngờ rằng [chị em nhà Hill] đã sáng tác ‘Good Morning to All,’ và họ đã sáng tác ra giai điệu của bài ‘Happy Birthday to You’,” Brauneis nói với trang Smithsonian. “Chúng ta chỉ không biết ai là người đầu tiên hát bài ‘Happy Birthday’ theo giai điệu đó. Chúng ta không biết đó là sinh nhật của ai và ai đã chọn bài hát đó.”
 
Ông nói thêm, “Một số người có thể nghĩ ['Happy Birthday'] là một bài hát dân gian đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng sự thật không phải vậy. [Mildred và Patty] đã sáng tác ra giai điệu đó và họ xứng đáng được công nhận về điều đó.”
 
Bảo tồn di sản của chị em nhà Hill
 
Ở Louisville, Happy Birthday Circle đã quyên góp được 100,000 MK trên tổng số 8.7 triệu MK cần thiết để xây dựng công trình tưởng niệm công cộng cho chị em nhà Hill tại Waterfront Park. Dự án dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2026. Địa điểm dự kiến – cũng được gọi là Happy Birthday Circle – sẽ có một mái đình, một đài tưởng niệm và một khu vui chơi dã ngoại. Công trình sẽ nằm dưới lối đi dành cho người đi bộ Big Four Bridge, cây cầu nối Louisville với Jeffersonville, Indiana.
 
Hàng năm có hơn một triệu người đi qua cây cầu này, nên đây sẽ là “một nơi thực sự tuyệt vời để tưởng nhớ chị em nhà Hill, những người chưa bao giờ được Louisville tuyên bố là tác giả của bài hát ‘Chúc mừng sinh nhật’,” Rightmyer, người hiện đang chủ trì chiến dịch quyên góp của Happy Birthday Circle, cho biết.
 
Happy Birthday Circle sẽ cho khắc một bức ảnh của chị em nhà Hill vào khoảng thời gian họ viết bài hát. Rightmyer nói rằng Patty và Mildred xứng đáng được khen ngợi và công nhận. Họ là “những người phụ nữ tuyệt vời. Họ đã có một sự nghiệp tuyệt vời, nhưng những gì họ làm được không chỉ giới hạn trong sự nghiệp của bản thân họ.”
 
Brauneis cho biết thêm: “Suy nghĩ của họ rất thực tế, nếu chúng ta muốn trẻ em tích cực hơn, chúng ta phải nghĩ đến việc sáng tác những bài hát mà trẻ có thể học thuộc và hát theo. Di sản của họ là bài hát mà chúng ta đã được học và hát nhiều nhất trong suốt thời thơ ấu.”

 

Nguồn: “The Forgotten Sisters Behind ‘Happy Birthday to You’” được đăng trên trang Smithsonianmag.com


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuần này tôi trân trọng giới thiệu Đỗ Kh. Nhà văn Đỗ Kh., hẳn không xa lạ gì với người yêu văn chương tiếng Việt, ở hải ngoại nói riêng, trong nước nó chung. Ba mươi bốn năm trước, Đỗ Kh. (lúc bấy giờ ông còn ký bút hiệu Đỗ Khiêm) là tác giả đầu tiên tôi chọn để trình làng nhà xuất bản Tân Thư do tôi chủ trương. CÂY GẬY LÀM MƯA cũng là tác phẩm đầu tiên tác giả này đến với thế giới văn chương tiếng việt. Ngoài CGLM, Tân Thư còn in của ông một tập truyện nữa, KHÔNG KHÍ THỜI CHƯA CHIẾN. Với bút pháp rất riêng cộng kiến thức và trải nghiệm sâu rộng qua những chuyến đi khắp mọi nơi trên hành tinh này, Đỗ Kh. cho chúng ta những bài viết lý thú.
Mặt trời như chiếc nong đỏ ối sắp chạm mái ngói phủ rêu của dãy phố cổ. Bức tường bên trái loang lổ, tróc lở, chồng chéo những dòng chữ thô tục cạnh các bộ phận sinh dục nam nữ đủ cỡ đủ kiểu vẽ bằng than hoặc mảnh gạch vỡ. Bức tường thấp, có chiếc cổng gỗ đã mất hẳn màu sơn, xiêu vẹo, quanh năm nằm trong vị thế mở ngõ. Chiếc cổng dẫn vào ngôi miếu nhỏ. Bên trong miếu, trên bệ thờ bằng xi măng hai ba bài vị chẳng hiểu viết gì, chẳng biết thờ ai. Trước bài vị, lư hương chỉ toàn chân nhang. Từ lâu không còn ai đến đây hương khói, ngôi miếu đã biến thành giang sơn riêng của dơi, chuột cùng các loại côn trùng. Cạnh ngôi miếu, một tàn cổ thụ rậm lá với những rễ phụ chảy thõng thượt, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất.
Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1994, dưới thời Bill Clinton. Khởi từ dấu mốc đó Việt Nam dần dần thân thiện hơn với người anh em “sen đầm đế quốc” này, thời kỳ ngăn sông cách chợ đã được khai thông, nhiều người xuất ngoại thăm thân nhân, du lịch hoặc công tác. Giới văn nghệ sĩ không ngoại lệ. Thuở đó gần như tháng nào tôi cũng đón ít nhất một văn, thi, nhạc, họa… sĩ. Phải chăng tại fake news, một người nhà quê như tôi bỗng biến thành “tay chơi” có số má dưới mắt nhìn các vị cầm cọ, cầm bút trong nước?
Hầu hết mọi người già thường mắc phải chứng quên những chuyện gần, nhưng lại nhớ những chuyện xưa, có khi hàng sáu bảy chục năm trước. May mắn (hay xui xẻo?), tôi có một trí nhớ khá tốt, dù gần hay xa tôi đều không quên. Tuy nhiên tôi lại vướng phải nhược điểm là chỉ nhớ sự việc nhưng lại không nhớ thời điểm. Nhược điểm này theo tôi từ ngày thơ trẻ cho đến hôm nay. Khác hẳn một vài người quen, chả hạn nhà văn Hoàng Khởi Phong, anh có một trí nhớ xuất chúng về những con số. Số điện thoại, số nhà của ai đó, chỉ nhìn hoặc nghe qua một lần là ghim ngay vào não, nhiều năm sau, hỏi, anh trả lời vanh vách. Nhà văn Cung Tích Biền cũng không kém, xuất thân là giáo sư dạy sử, ngoài những chi tiết liên quan đến chuyên môn như tên, đế hiệu các vị vua, ngày lên ngôi, ngày chết, những hành trạng của họ suốt thời gian trị vì, và mọi biến cố lịch sử… trải dài từ thời lập quốc, bốn nghìn năm trước, đến bây giờ. Như Hoàng Khởi Phong, anh nhớ rõ mọi con số, kể cả những chi tiết liên quan.
Hai hôm trước một cô em, cũng cầm bút, đến thăm, nhân tiện đề nghị, nếu sức khỏe không cho phép tôi gõ chữ thì cô ấy sẽ giúp, tôi chỉ cần nói qua băng ghi âm, cô em chép lại rồi giao cho tôi nhuận sắc. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, qua trao đổi riêng, vẫn nhiều lần khuyên tôi nên viết hồi ký. Theo hai người, do một thời chủ trương tạp chí Hợp Lưu, tôi có điều kiện tiếp cận và rành rất nhiều chuyện của giới văn nghệ sĩ cũng như văn học hải ngoại lẫn trong nước, nếu tôi không làm thì rồi mọi sự cố sẽ trôi vào lãng quên, thiệt thòi cho văn học Việt Nam, uổng lắm.
Tuổi già thường sống với dĩ vãng. Nhiều chuyện tưởng đã vĩnh viễn ra khỏi trí nhớ, thế mà bất chợt bỗng hiện về, có khi mồn một từng chi tiết nhỏ, tựa mới xảy ra hôm qua, hôm kia, có khi nhập nhòa hư thực bất phân. Chuyện này không lâu, chỉ 23 mươi năm, trước một năm ngày tôi bị tai biến. Nhớ, vì có một chi tiết, lạc đề, nhưng vui.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.