Hôm nay,  

Tướng Cướp Núi Mây Tào

20/06/202500:00:00(Xem: 1618)
Poster 1
 
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây.
 
Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ.
 
Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
 
Ở K2 trại tù Hàm Tân này, trong những lần thăm nuôi trước, tôi đã có dịp gặp lại một số bạn nhà văn gốc quân đội, từ các trại tập trung miền Bắc chuyển vào. Văn Quang, giám đốc Đài phát thanh Quân Đội trước 1975, tác giả tiểu thuyết được quay thành phim Chân Trời Tím nổi tiếng. Hoàng Ngọc Liên, nhà thơ quân đội. Thân hơn với chúng tôi là anh bạn Thảo Trường, cùng viết văn từ thời tạp chí Sáng Tạo những năm năm mươi.
 
Sau cả chục năm lưu đầy, gặp lại bạn cũ trong tù, ngay lần thăm nuôi đầu ở K2, Từ khoe:
 
“Có Thảo Trường ở đây. Gửi lời thăm em. Hai anh em ở cạnh nhau. Được lắm.”
“Anh ta thế nào? Có ai thăm nuôi không?”
 
“Khỏe. Hắn bị bắt ngay tháng Tư 1975. Vợ con bên Mỹ cả. Có mấy cô cháu lo thăm nuôi. Không đến nỗi nào.”
 
Bị bắt ngay tháng Tư 1975. Sao trong cuốn tiểu thuyết công an “Vụ Án Hồ Con Rùa”,  sau đó cả năm, Trần Duy Hinh còn được phong chức tư lệnh kháng chiến quân trên rừng núi Tùng Nghĩa? Tôi tự hỏi rồi tự cười mình: Ngố. Có vậy mà cũng ngạc nhiên được. Tiểu thuyết công an mà.
 
Trần Duy Hinh là tên thật của Thảo Trường. Anh là sỹ quan trong quân đội VNCH. Sau hiệp định Paris, có lúc là thành viên của Ủy ban Quân Sự Hai Bên, lo việc trao đổi tù binh, trước 1975, từng có dịp ra Hà Nội thăm nhà tù Hỏa Lò.
 
Còn nhớ lần thăm nuôi ấy, khi ra về, cũng ngay khúc đường rừng này thôi, đang đi, bỗng có tiếng quát:
 
“Chị kia. Đứng lại.”
 
Giật mình. Đúng kiểu vệ binh cộng sản.
 
Từ sau khóm cây bên đường, có người nhô ra: tóc tai, râu ria, nón rộng vành, rựa dài đeo trên vai. Một người rừng chăng?
 
“Muốn qua thì phải nạp tiền mãi lộ. Ta là tướng cướp chân núi Mây Tào đây!”
Rồi:
 
“Nhã Ca phải không? Sợ chưa?”
 
Một nụ cười quen thuộc hiện ra. Chính là Thảo Trường. Phì cười:
 
“Làm giống gì mà ra đây được? Tù tự giác à?”
 
“Hà hà...  Ta đây, núi Mây Tào giang san một cõi. Giống tướng cướp chưa? Sợ hả?”
 
Chỉ là một anh khổ sai xách rựa đi rừng đốn tre. Biết tin có bạn tới, lén ra đón đường chờ gặp. Tù rạc cả chục năm mà đòi giống tướng cướp nỗi gì. Coi chừng. Bọn cán bộ mà thấy, cùm là cái chắc.
 
“Khỏe không?”
 
“Khỏe re. Gặp Từ rồi chứ? Các bạn bên ngoài ra sao? Có hy vọng gì không?”
 
“Hy vọng chứ.”
Cả lô câu hỏi. Đáp ngay là hy vọng, kỳ thực chẳng biết là hy vọng chỗ nào. Chỉ cùng đi một đoạn đường ngắn. Chẳng nói thêm được gì. Có tiếng xôn xao phía trước. Vậy là “tướng cướp núi Mây Tào” phải biến vào rừng lại.
 
Mới đó, đã hơn một năm rồi. Biết bao nhiêu chuyện.
 
Lê được mấy túi đồ thăm nuôi qua đoạn đường mòn, mắt đã nổ đom đóm vì mệt.  Nhà thăm gặp K2 lợp lá, trống trải, nền đất, có mấy dãy bàn và băng ghế dài. Lại chờ. Thêm một lần thủ tục nữa. Qua buổi trưa. Kẻng lao động. Từng đoàn tù rách rưới xuất trại. Kìa, toán tù được gặp thân nhân, ăn mặc lành lặn hơn, sắp hàng một, ra sau cùng.
 
Phải thủ tục đầu tiên đã. Đem số thư từ con cái viết gửi lên cho bố, đặt lên bàn cán bộ. Thôi thì cũng phải như mọi người để được yên ổn trong mười lăm phút gặp gỡ, chuyện trò mà không bị làm khó dễ: dưới mớ thư từ, tờ báo Giải Phóng ôm gói thuốc lá ba con số năm.
 
Đoàn tù đã vào tới. Ngồi xuống. Nhìn. Cười. Coi kìa, bàn tay đặt lên bàn. Những vết chai cứng trên bàn tay khổ sai.
 
“Bình tĩnh. Cho anh biết tin con ra sao.”
 
“Yên rồi. Con đã gửi thư về.”
 
Một hơi thở ra. Hơi thở đã bị nén lại, bị nuốt xuống.
 
Mười năm thăm nuôi, cảnh này đã tái diễn mấy lần. Đánh tư sản, mẹ con tan tác, biệt tích một năm. Lũ nhỏ vượt biên lần thứ bảy bất thành, Sớm Mai đi khổ sai ở Đồng Phú 18 tháng. Mới đây thằng con trai vượt biên lần thứ mười. Đường bộ. Sáu tháng kẹt cứng trên đất Miên. Gần nửa năm, chỉ có mấy đứa con thay nhau thăm nuôi bố. Tôi biết mình không thể ngồi thẳng được trước mặt anh ấy, cũng chẳng thể trả lời được thành tiếng. Đành phải lánh mặt. Hơi thở bị nén xuống suốt bao nhiêu năm tháng, mãi bây giờ mới bật ra được, như một cơn gió mát.
 
“Thư con ra sao?”
“Thư gửi từ Thụy Điển.”
“Tội nghiệp em.”
 
Lại nhìn nhau. Anh ấy hiểu mà. Tôi đã làm gì suốt mấy tháng qua? Ngày đi từ nhà ở ra chợ, rồi từ chợ trở ngược về nhà, đi không để làm gì hết. Đêm, cùng quẫn một mình với những điếu thuốc cháy đỏ. Thằng con đi đường bộ, sang Cam-pu-chia, luồn lách tìm đường sang biên giới Thái. Con đường biên giới gài kín mìn chông, chưa kể những trận đụng độ giữa bộ đội Việt cộng với lính Miên, lính Thái. Nhận thư con, chỉ còn sức bò lê dưới nền nhà.
 
“Con nó thoát qua biên giới bằng cách lẫn vào một đàn trâu... Nó bị rơi vào kháng chiến quân Cam-pu-chia. Bị bắt giữ. Một sĩ quan Thái đã cứu nó, đưa vào trại tỵ nạn. Người bạn của chúng ta đã kịp thời báo cho sứ quán Thụy Điển ở Thái Lan. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, con được đưa thẳng sang Thụy Điển. Nó đã gặp ông Thomas và Marianne của Pen. Có thư của con và thiệp của ông Thomas gửi bố.”
 
Trên bàn cán bộ, gói thuốc đã khui, một tên đang đứng phía ngoài cửa phì phèo. Cán bộ còn lại chăm chú kiểm duyệt thư. Tiếng rì rầm, chuyện trò rôm rả xunh quanh. Tấm bưu ảnh của thằng con gửi về được đặt vội lên bàn.
 
“Thưa Ba Mẹ,
Con đang ngồi ở bàn viết của ông Thomas tại Stockholm. Cả ông lẫn bà đang đứng đằng sau lưng con để gửi lời thăm Ba Mẹ. Ông Thomas, bà Marianne đã dẫn con đi thăm thành phố. Ông Thomas bảo con nhắc ba giữ sức khỏe. Tất cả đều đang hết lòng lo cho Ba và các bác, các chú bên nhà. Ông bà Thomas cùng ký tên với con, nói là mong sớm gặp Ba Mẹ.”
 
“Có chữ ký của ông bà Thomas, anh thấy không?”
 
“Anh thấy.”
 
Thomas Von Vegesack, nhà văn Thụy Điển, nguyên chủ tịch Văn Bút Thế Giới, hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế Các Nhà Văn Bị Cầm Tù. Marianne Eyre là Tổng Thư Ký Văn Bút Thụy Điển.
 
Tấm bưu ảnh được lật lại: mặt hồ và cảnh rừng tĩnh lặng, phong cảnh đất nước Thụy Điển thanh bình. Những tấm lòng rộng mở. Anh ấy cười. Nụ cười lạ, làm lấp lánh giọt nước mắt trên khuôn mặt đen đủi. Gần ba mươi năm biết nhau, đây là lần đầu tiên anh để tôi nhìn thấy nước mắt.
 
“Tin tức về các bạn thế nào?”
 
“Anh Ba Tiệp, cô Chín, bà Simpson... vẫn liên lạc đều. Thủ tướng Olof Palme, người bảo lãnh cho gia đình mình có giấy nhập cảnh vừa bị ám sát chết. Em có gửi được thư phân ưu cho ông Thủ Tướng mới. Tom Hansson, nhà báo Thụy Điển hiện đang có mặt ở Sài Gòn, có cho biết ngoại trưởng Thụy Điển sắp tới Hà Nội.”
 
“Đã tìm được cách nạp hồ sơ chưa?”
 
“Không có cách nào hết. Giấy nhập cảnh Thụy Điển đóng con dấu vương miện hoàng gia màu tím. Mang nạp, bọn chúng bảo giấy gì mà con dấu giống cái chùa, không phải giấy thật.”
 
“Tom có hẹn gặp lại không?”
 
“Có hẹn sẽ trở lại ngày mai. Tom muốn biết tin tức về anh.”
 
Tom Hansson là nhà báo nổi tiếng của Thụy Điển thường lui tới Việt Nam. Từ mấy năm trước, do bạn bè trong PEN và Amnesty gửi gấm, Tom tới thăm tận nhà, thu thập những chi tiết về các nhà tù Việt Nam. Từ có biết chuyện này.
 
“Tiếng Anh của Sớm Mai khá chưa?”
 
“Khá, có thể đủ để nói được mọi chuyện.”
 
“Con đã thoát. Mớ chỉ rối của chúng ta vậy là đã gỡ được nút đầu tiên. Không có gì phải lo lắng, sợ hãi nữa. Ta pi đi. Một sống hai chết. Cần xử sự xứng đáng với tấm lòng tốt đẹp bạn hữu đã dành cho con ở Stockholm. Đừng để nó phải xấu hổ. Hai mẹ con thu xếp gặp Tom. Nói cho hết những điều cần nói. Yêu cầu Tom ghi rõ tên họ, ngày tháng, cho làm lớn trên báo. Muốn tới đâu thì tới. Ý em thế nào?”
 
Còn thế nào nữa. Nhìn nhau. Gật đầu. Bây giờ mới hỏi thăm được các bạn:
 
“Anh Hinh, anh Tế ra sao?”
 
“Yên cả. Không sao đâu. Hinh muốn có cuốn Qui Luật Của Muôn Đời, sách dịch của nhà văn Nga Đum Ba Giê. Em chịu khó kiếm cho anh ấy.”
 
Có tiếng hô lớn:
 
“Thân nhân bắt đầu đăng ký gửi tiền cho trại viên.”
 
Giờ thăm gặp sắp hết. Ở bàn đầu, thân nhân thăm nuôi đã lục tục kéo lên bàn cán bộ làm thủ tục gửi tiền.
 
“Lần thăm nuôi trước, lúc vào, nghe tin cán bộ trại giữ em lại làm việc?”
 
Chuyện từ mấy tháng trước. Giờ thăm nuôi bị rút ngắn. Vào một phòng nhỏ. Cán bộ trưởng trại đích thân gặp. Có trà nóng mời uống.
 
“Chẳng có gì đâu. Đài BBC loan tin anh và anh Tế đang bị hành hạ trong trại tù. Họ bảo anh phải ở đội lao động nặng chỉ vì chưa tự giác, em phải động viên anh để anh an tâm cải tạo. Trưởng trại hỏi em có muốn anh là người sẽ trở về sau cùng không.”
 
“Em trả lời sao?”
 
“Em nói anh không phải là người trở về sau cùng. Người về sau cùng sẽ chính là cán bộ. Vì còn một người tù, cán bộ phải còn ở lại chăm coi tù.”
 
Lại ngó nhau, cười. Tấm bưu ảnh được bỏ lại vào bóp.
 
“Em thay anh trả lời, cám ơn.”
 
“Em đã viết thư trả lời, cám ơn xong rồi.”
 
Trời mưa. Lắc rắc thôi, vậy mà con đường lội bộ trở ra đầy sình. Bên đường, ngang qua khu ruộng bắp èo uột, có một mái nhà tranh. Đây là nhà lô, chỗ cất xẻng cuốc của một đội khổ sai nào đó. Lần trước khi đi qua, thấy có đống lửa. Một đoàn tù đứng ngồi lổn ngổn trong nhà, ngoài sân, chắc đang giờ giải lao. Bây giờ, trong mưa, căn nhà trống trải tưởng như chỉ chờ thêm một cơn gió nhẹ nữa là xụm xuống.
 
Không thấy tướng cướp núi Mây Tào xuất hiện.
 
***
 
Trên đây là một trích đoạn “Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng”.
Năm 1988, Từ ra khỏi nhà tù, chúng tôi sang Thụy Điển. Trần Duy Hinh vẫn rừng lá, trong số 10 người tù cuối cùng, ở đủ 17 năm.
 
Mấy tháng trước khi rời đất nước, một vài lần, trong lúc Từ đi thăm Tú Kếu, tôi đi thăm nuôi Thảo Trường ở trại Hàm Tân. Vẫn K2, vẫn con đường ngoằn ngoèo, vẫn những cây kè tàng lá bị cắt lên tận ngọn, lấp ló mấy cái lán tù lợp lá tả tơi, mãi chưa chịu xập.
 
Chúng tôi sang tới Thụy Điển. Thảo Trường đưa lén cho cô cháu thăm nuôi gửi sang tận nơi mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, ghi nguệch ngoạc mấy chữ  thăm hỏi. Năm 1989, lại một mảnh thư báo tin đang bị bịnh tim, nằm bệnh xá trại tù Hàm Tân. Buồn. Chỉ muốn chết. Buồn muốn chết mới đúng. Bạn bè, nhà văn, nhà tù đã lần lượt chết, hoặc được thả ra. Đâu còn ai nữa.
 
Đó là mấy tờ thư tôi còn giữ.
 
Bệnh cũng không chết. Buồn cũng không chết. Mãi tới 1992 mới gặp lại ở Mỹ. Từ đó, không bao giờ Thảo Trường gọi tôi bằng tên Nhã nữa. “Anh ta”, Thảo Trường chỉ tôi, nói với Từ và chọc: “Cuối cùng anh ta vẫn phải chịu thua thằng cá sấu.”  Đó là những cái tên chúng tôi gọi nhau trong tình thân. 
 
Tôi có tới căn nhà ở Huntington Beach thăm chị Thảo Trường, nhìn thấy chị. Cao, gầy, mảnh mai như cây sậy mà đầy nghị lực. Không vậy sao có thể một mình đem bầy con đi Mỹ, nuôi nấng lớn khôn, còn chăm những thùng đồ về Việt Nam nuôi ông chồng 17 năm tù.
 
“Bà ơi! Lúc đi tôi có đem theo một cọng rau húng nhũi. Bây giờ nó đầy một vườn sau kìa. Bà bứt một vài dây về trồng, nó còn giữ mùi đất cũ, thơm lắm.” Trong lúc hai ông ngồi riêng, chị kéo tôi ra vườn rau, bắt kể chuyện những lần đi thăm nuôi ông Từ, ông Hinh ở Hàm Tân.
 
Chúng tôi vẫn gặp nhau. Cho tới những ngày cuối của Thảo Trường, hai ông bạn vẫn bàn chuyện sách vở, chữ nghĩa. Một lần, Thảo Trường bước vô tòa soạn Việt Báo.
 
“Anh ta đâu rồi?”
 
“Tôi đây”.
 
“Anh ra ngoài gặp bà lão một chút.”
 
Bà lão nào? Tôi ra xe. Chị Thảo Trường tươi cười:
 
“Bận coi đứa cháu ngoại, không vô thăm chị được.”
 
Một đứa nhỏ kháu khỉnh, nằm trong cái xe xách, buộc phía băng ghế sau, bên cạnh bà ngoại. Thì ra, khi lên chức ông bà, Thảo Trường gọi vợ là bà lão.
 
Chị Thảo Trường đi trước.
 
Không bao lâu, bạn tôi đi theo. Làm như sợ hụt nhau trong chuyến đò qua sông.
 
Nghe tin bạn ra đi, Từ và Nguyễn Xuân Nghĩa chạy vội lại nhà.
 
“Con cháu đông đủ. Trước khi vô phòng ngủ trưa, còn cười vui với bà chị vừa từ xa về thăm. Vậy mà đi luôn. In hệt đang ngủ ngon trên giường. Ôm hắn, thấy như còn hơi ấm, mặt mũi tỉnh queo...”  Từ kể, sau khi đến thăm bạn lần cuối.
 
Vậy là ông lão, bà lão lại cùng một chuyến đò.
 
Sông tỉnh hay sông mê vẫn có nhau như thường.
 
Cầu chúc hai bạn tôi an lạc.
 
Nhã Ca
Tháng 8, 2010
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khu Nursing Home gồm bốn dãy nhà quây thành hình vuông. Mỗi dãy có tám phòng, cửa mở ra chái hiên rộng, lát gạch hoa có tam cấp dẫn vào mảnh vườn trồng nhiều cây trái nhiệt đới: mít, xoài, nhãn lồng, xen kẽ những loại cây và hoa đậm chất đông phương: tùng, liễu, mẫu đơn, phật quả, thiết mộc lan và hồ rộng, thiết kế mỹ thuật. Những con thác từ các mỏm đá cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, đàn cá koi nhởn nhơ quanh các bụi thủy trúc, rải rác nhiều khóm liễu vươn ra từ bờ, sà thấp chạm mặt nước. Mùa hè, sáng, chiều, luôn có các lão niên ngồi trên những băng ghế đá, dưới các gốc cây phủ kín bóng mát bởi những tàn lá rộng, hóng gió, tán gẫu hoặc bày trò vui.
Năm 1988, tại Nam Cali có cuộc bầu cử ban chấp hành lâm thời của Văn bút Việt nam Hải ngoại, nhà văn Nhật Tiến làm chủ tịch. Sau đó có các ban ngành này kia truyền thông, báo chí gì đó và tôi được chỉ định làm việc với Khánh Trường. Đó là lần đầu tôi gặp anh, 1 người điệu đà, mặc đồ trắng và quần có giây lưng, tuy dáng dấp khoan thai nhưng có cái gì đó dục giã giấu bên trong và nét bất bình loáng thoáng ở hàng râu mép.
Gần đây tôi tới thăm Khánh Trường (KT) nhiều lần ở trong mấy căn nhà đầu đường rất dễ kiếm trong khu mobile home trên đường Bolsa, nhiều lần tới nỗi mỗi khi xe chạy ngang đây thì Ngọc Ánh nhắc: ‘Hay ta vào thăm KT.’ Không được tiếp xúc với KT khi tôi còn ở bên Texas, chỉ liên lạc nhiều khi đã chuyển về Nam CA thôi, lúc KT đã bị lọc thận hàng chục năm rồi. Lần nào tới cũng thấy KT lọc cọc đẩy xe lăn ra mở cửa, với nụ cười hiền trên môi và cái bắt tay rất thân thiết, chí tình. Trong những lần đó, tôi cố ý nắm tay KT thiệt lâu, lâu hơn thời gian cần thiết của những cái bắt tay bằng hữu.
Tôi chạy tới nhà thương như một quán tính, tìm chỗ đậu xe một cách dễ dàng, nơi đây tôi đã ra vào quen thuộc, nơi đây tôi sắp sống với một cuộc chia ly mới. Tôi quen lắm hành lang phòng ICU, quen lắm với hình ảnh Bác Mai Thảo, Bác Đỗ Ngọc Yến, với Bố, với Mẹ... Và nay hình ảnh một thân quen quá đỗi hiện ra trước mắt - chú Khánh Trường! đang nhắm nghiền mắt, đang thoi thóp thở... Chị Hoà Bình ôm vai tôi, siết thật chặt. Hai chị em chẳng nói với nhau một lời, nhưng tôi hiểu, cả hai chị em, đang lục tìm trong quá khứ, để sống lại những ngày thật đằm thắm bên chú.
Bây giờ thì tôi biết rồi: từ nguồn hợp lưu, những dòng chảy lại tìm về chính mình, đơn hành vào một cõi khác. Như anh Khánh Trường...
Trận đấu giữa Khánh Trường và anh Thần Chết đã qua tới phút 89. Phần thắng nghiêng hẳn về anh thần trang bị bằng chiếc lưỡi hái. Cô cháu Hòa Bình nhắn tin cho tôi vào lúc 3 giờ 45 phút chiều ngày 24/12/2024, giờ Montreal: “Chú vẫn không tỉnh. Chắc gia đình sẽ rút ống soon”. Vậy là tên thần vênh váo chuyên bắt người đang ở thế thượng phong.
Tôi bắt đầu nghe tên anh khi đọc bài viết “Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng” của họa sĩ Đinh Cường vào tháng 1/2012 nhân dịp anh bày 30 bức tranh Thiền...
(Orange County, CA) Sau đúng hai tuần hôn mê, họa sĩ/nhà văn Khánh Trường cuối cùng đã bỏ cuộc thế gian vào chiều Chủ Nhật, ngày 29 tháng 12, 2004, lúc 4:33PM giờ California tại bệnh viện UCI Health, thành phố Fountain Valley trong niềm thương tiếc của gia đình và bằng hữu. Hoạ sĩ Khánh Trường tên thật là Nguyễn Khánh Trường, sinh năm 1948, ở Quảng Nam, gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1968, giải ngũ năm 1972 vì bị thương. Khánh Trường vượt biên đến Thái Lan năm 1987, định cư tại Hoa Kỳ năm 1988. Sự đóng góp của anh vào văn học Việt Nam hải ngoại không nhỏ vì ngoài vẽ tranh, triển lãm tranh, anh cũng là một nhà văn tên tuổi, viết với vài bút hiệu khác như Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Khánh Trường đã xuất bản nhiều tác phẩm và từng là chủ biên của tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2005.
Một mùa bầu cử tổng thống đã đến và đi ở Hoa Kỳ. Trong khi mọi cuộc đua chính trị đều có ý nghĩa nào đó đối với công dân, thì cuộc bầu cử đặc biệt này có thể tác động đến mọi người theo những cách mới, chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Cho dù, đó là các cuộc trục xuất hàng loạt, hay tảng băng chìm thuế quan, hay từng nhân vật “kỳ lạ” trong nội các mới do Tổng Thống đắc cử Donald Trump lựa chọn, thì đều là một ảnh hưởng đến cảm xúc và không khí của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Khi tác giả người Mỹ Washington Irving từ Anh trở về Mỹ, ông ghi lại những truyền thống lễ Giáng Sinh mà ông đã thấy ở các quốc gia khác trong cuốn The Sketch Book. Trong chương có tên “Christmas Eve,” ông viết: “Cây tầm gửi vẫn được treo trong các trang trại và nhà bếp vào dịp Giáng sinh, và những chàng trai trẻ có đặc quyền hôn các cô gái bên dưới nó, mỗi lần hái một quả mọng từ bụi cây. Khi tất cả các quả mọng được hái hết, đặc quyền đó sẽ chấm dứt.”
Chúng ta kể chuyện để mua vui trong chốc lát, quên đi sự đau khổ nơi trần thế, đi tìm suối nguồn ẩn mật kia và sau đó tìm cách trở lại. Chúng ta kể chuyện để phục hồi những gì đã mất, đã bị đánh cắp, đã bị ngọn lửa hận thù chiến tranh thiêu cháy rụi. Chúng ta kể chuyện để làm nên lịch sử của tình yêu. Để vượt qua sự phản bội và đương đầu với sự thất vọng nơi người khác, kẻ mà chúng ta từng ngây thơ kỳ vọng. Để một đêm nhìn lên bầu trời, nơi sao chổi Halley đi ngang qua trái đất trong những thời điểm cách nhau bảy mươi lăm năm, khi người ta có thể nhìn thấy, nhưng nó chưa bao giờ quét đuôi vào trái đất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.