Hôm nay,  

“Lời tình buồn” và 10 năm ngày mất của Chu Trầm Nguyên Minh

22/02/202407:51:00(Xem: 1898)

LỜI TÌNH BUỒN

Lời tình bun

 

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc

Lời tình thơm sách vở học trò

Đêm xuống rồi em buồn không hở

Trời xa mù tầm tay với âu lo

 

Anh đi rồi còn ai đưa đón

Áo em bay khuất mất thiên đường

Tuổi hai mươi vòng tay chờ đợi

Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương

 

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng

Cổ em cao tay mười ngón thiên thần

Tóc em xanh trùng dương sóng lượn

Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

 

Anh đi rồi còn ai tình tự

Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ

Phúc yêu em dấu lần quá khứ

Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô.

(Chu Trầm Nguyên Minh)

 

Bài thơ với 4 khổ thơ, được láy lại cụm từ “Anh đi rồi” ở đầu mỗi câu thơ như một khẳng định… buồn cho tình yêu, bởi một trong hai người là chủ thể tình yêu lại “đi rồi”, có nghĩa là khuyết đi, mất đi, thì làm sao mà trọn vẹn, mà vui được? Vũ Hoàng Chương cũng đã từng viết: “Đời vắng em rồi say với ai?”, huống gì Chu Trầm Nguyên Minh với các hành động cụ thể trong tình yêu: “ai vuốt tóc, ai đưa đón, ai chiêm ngưỡng và ai tình tự”, lời thơ thật buồn và cũng thật trong trẻo, hồn nhiên khi: “Anh đi rồi còn ai vuốt tóc/ Lời tình thơm sách vở học trò/ Đêm xuống rồi em buồn không hở/ Trời xa mù tầm tay với âu lo” . Ba câu thơ 7 chữ, câu thơ thứ 4 lại 8 chữ, giai điệu đẹp, nhè nhẹ như lời tình thủ thỉ. Đó là tuổi hai mươi cùng với khoảng thiên đường tình yêu thật ngọt ngào đằm thắm: “Anh đi rồi còn ai đưa đón/ Áo em bay khuất mất thiên đường/ Tuổi hai mươi vòng tay chờ đợi/ Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương”. Mối tình của tuổi hai mươi, cũng là mối tình của tuổi học trò, của tuổi mới lớn, khi mà “Lời tình thơm sách vở học trò” cùng với “Áo em bay khuất mất thiên đường”? Không điển cố, điển tích như thơ cũ. Các từ như “thơm sách vở học trò, khuất mất thiên đường”, mang nét mới của thập niên 60 của thế kỷ trước, khi mà nhà thơ đang “lăn lộn” với sách vở ở Nha Trang, rồi sau đó là Qui Nhơn, cùng mối tình đầu với một cô tên Sâm ở quê nhà Phan Thiết, thật đẹp và lãng mạn. Chu Trầm Nguyên Minh, khi ấy vẫn là một chàng trai nghèo, tay trắng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ với một cuộc đời... buồn. Thi sĩ tên thật là Phạm Minh Tâm, sinh năm 1943 tại làng Phú Bình, Hàm Liêm, Phan Thiết, nhưng quê gốc ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, lận đận sống cùng người chú, vừa mưu sinh, vừa tìm con chữ để học, từ Nha Trang, rồi Qui Nhơn, lại trở ngược vào Phan Rang, Phan Thiết, để được theo học Sư phạm và trở thành một Giáo sư Toán ở Phan Rang từ năm 1965. Ông có nhiều mối tình ở những nơi mình đi qua, nhưng cũng là... “Tình buồn”! Theo lời kể của thi sĩ, nàng là người chủ động chia tay để đi lấy chồng khi đang học lớp đệ nhị (11 bây giờ), nhưng bài thơ lại là lời “của người con gái”, và rồi bài thơ được tiếp tục: “Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng/ Cổ em cao tay mười ngón thiên thần/ Tóc em xanh trùng dương sóng lượn/ Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng”. Người xưa nói “Cổ cao ba ngấn” là người con gái đẹp, quý phái. Người con gái của Chu Trầm Nguyên Minh lại có thêm bàn tay “mười ngón thiên thần”, rồi tóc “ em xanh trùng dương sóng lượn”, vậy mà… “anh đi rồi” thì còn ai chiêm ngưỡng? và chắc là người con gái ấy cũng sẽ “biếng điểm trang gương lược”? Một điều buồn và tất yếu của tình yêu!
    Bài thơ kết thúc: “Anh đi rồi còn ai tình tự/ Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ/ Phúc yêu em dấu lần quá khứ/ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô.” Như một sự hụt hẩng, bất ngờ, với “ còn ai tình tự, tiếng nhớ bơ vơ…”, không một giận hờn, oán trách, hay cay nghiệt như Nguyễn Tất Nhiên là: “ Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên…” Chỉ kịp nhận thấy: “Phúc yêu em, dấu lần quá khứ/ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô”, một hình ảnh thật… buồn, cũng thật lãng mạn. Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh hai từ ở đầu câu thơ áp chót là “ PHÚC yêu em”, khác với lời trong nhạc phẩm “Lời tình buồn”, Vũ Thành An đã sửa lại là “PHÚT yêu em” có vẻ “thoáng qua” và ngắn ngủi hơn là “Phúc yêu em” là hạnh phúc được yêu em, là yêu em mãi mãi, dài lâu, đây cũng chính là sự “tự tình” sâu nặng và cả cam chịu lẫn hạnh phúc với tình yêu ấy, vì vậy, “Nụ hôn đầu rụng xuống” là một hình ảnh ý vị, rất mới, và cũng ẩn dụ bao điều. Phải chăng tác giả, thay lời người yêu để chấp nhận một cuộc tình buồn, không thành đôi lứa, nhưng đẹp và thánh thiện của những người yêu nhau, tôn thờ tình yêu, luôn giữ mãi cho mối tình thật đẹp để mãi mãi còn nhớ đến nhau?
    Giờ thì nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh đã “đi” thật rồi, và đi rất xa vào chốn “thiên đường” của riêng ông (Ông mất lặng lẽ vào ngày 19 tháng 2 năm 2014 tại Sài Gòn), mới đó mà đã 10 năm, trong sự tưởng nhớ không nguôi của những người mến mộ thơ ông và luôn nhớ mãi bài thơ, ca từ của nhạc phẩm “Lời tình buồn” vẫn còn vang vọng trên cõi thế gian này, thấm sâu vào hồn người để yêu nhau và duy trì cái đẹp trong tình yêu con người…

 

– Trn Hoàng Vy

CHU TRẦM NGUYÊN MINH 2
Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh trong một bức hình ở tuổi xế chiều.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà văn Nhã Ca vừa bước vào tuổi 80, cái tuổi mà hầu hết từ lâu đã đi tìm thú vui an nhàn cho những ngày còn lại đời người. Nhưng với nhà văn thì bà vẫn tiếp tục sinh hoạt với văn chương, báo chí, như những gì bà đã từng làm suốt hơn 60 năm qua từ trong nước ra đến hải ngoại. Bà là tác giả nhiều bộ tiểu thuyết giá trị, có bộ được dịch sang Anh ngữ, như cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế
Ông làm thơ từ khi còn rất trẻ, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Việt Báo: Trong cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng, chị thuật một câu chuyện buồn bằng một ngôn ngữ có tính hài, chủ ý của chị ở đây là gì ? Nó có liên quan gì đến tính cách trái ngược đến buồn cười của hai nhân vật chính, Hằng và LeeRoy?
Không phải đợi đến khi phong trào #Metoo ra đời vào năm 2017 người phụ nữ mới mạnh dạn lên tiếng chống lại vô số những bạo hành và lạm dụng thể xác lẫn tinh thần từ trong gia đình ra ngoài xã hội, mà trước đó cả hai thập niên cũng đã có người dám đứng lên vận động chống lại giới mày râu ỷ mạnh hiếp yếu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.