Hôm nay,  

Sinh hoạt tháng Sáu của VACGS với ban tam tấu TrioniCity

13/06/202519:33:00(Xem: 566)

Screenshot 2025-06-10 190757.png

Tam tấu TrioniCity (từ trái): Chloe Descher (sáo), Hugo Nogueira (classical guitar) và Maura Phelps (cello). 



Chiều Chủ Nhật 8 tháng Sáu, 2025 vừa qua, giữa lòng thành phố Fountain Valley, Nam California, trong một không gian âm nhạc nhỏ bé, ấm cúng nhưng trang trọng và thân mật, khoảng trên dưới 30 khán giả mộ điệu đã được thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng tuyệt vời với ban tam tấu TrioniCity. Ban nhạc là một kết hợp khá lạ và hiếm thấy trong thế giới âm thanh, gồm có sáo, guitar và cello. Các nhạc sĩ đều còn rất trẻ, nhưng tài năng của họ thì đã hiển lộ rất mực qua thể cách trình tấu với kỹ năng tuyệt hảo và một tâm hồn nhạy cảm thấm đẫm ý nghĩa âm nhạc, bởi âm nhạc không phải là những nốt đen trắng nhảy múa vô nghĩa mà là phương tiện để truyền tải cảm xúc từ nghệ sĩ sang người nghe, nghệ sĩ ở đây là cả người viết nhạc lẫn người chơi nhạc. Và, âm nhạc cũng không thể toàn nguyên nếu không có người nghe, chính người nghe đã góp phần sáng tạo âm nhạc.
 
TrioniCity lấy địa bàn hoạt động là Nam California, tuy mới được thành lập trong khoảng thời gian cách nay 9 tháng, nhưng qua buổi trình diễn này, họ đã chứng tỏ là một ban nhạc thính phòng đầy tiềm năng. Dưới đây là tiểu sử sơ lược của ba nhạc sĩ:
 
Hugo Nogueira (classical guitar): Anh đoạt giải thưởng trong cuộc thi của American Guitar Society năm 2011 tại thành phố Los Angeles. Từng đi biểu diễn tại nhiều bang khắp nước Mỹ. Hugo tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ khoa trình diễn guitar và Tiến sĩ Nghệ thuật Âm nhạc. Hiện anh là giảng viên ngành guitar cổ điển tại hai trường đại học ở Nam California.
 
Chloe Descher (sáo): Cô tốt nghiệp ngành trình diễn sáo tại đại học USC, Los Angeles. Hiện tại cô là thành viên của hai dàn nhạc giao hưởng Civic Orchestra của thành phố Los Angeles và California Young Artists.
 
Maura Phelps (cello): Cô tốt nghiệp ngành trình diễn violoncello với bằng Bachelor Âm nhạc từ đại học Western Michigan và bằng Thạc sĩ từ nhạc viện Bob Cole năm 2022. Cô từng trình diễn với nhiều nhóm nhạc ở Michigan và New Orleans trước khi dọn về định cư ở Nam California.
 
Chương trình được đặt dưới sự bảo trợ của Vietnamese American Classical Guitar Society (VACGS) / Hội Tây Ban Cầm Cổ Điển Việt-Mỹ do nhạc sĩ Võ Tá Hân sáng lập và điều hành. (Nhạc sĩ Võ Tá Hân là một cầm thủ guitar cổ điển từ nhiều năm). Trong phần giới thiệu chương trình, ông nhắc lại “VACGS là một diễn đàn/ sân khấu nhỏ được thành lập cách nay 10 năm với mục đích kết nối các nhạc sĩ guitar cổ điển Việt-Mỹ. Trước đây Hội sinh hoạt mỗi thứ Sáu đầu tháng tại Viện Việt Học từ năm 2015 cho đến khi phải tạm ngừng vì Covid-19, nhưng từ đầu năm 2025, Hội đã bắt đầu hoạt động trở lại. Buổi sinh hoạt tháng Năm vừa qua, Hội đã giới thiệu nữ cầm thủ guitar Thu Lê danh tiếng quốc tế trong một buổi trình tấu thành công rực rỡ với rất đông khán thính giả đến nghe…”
 
Tiếp theo, ông Võ Tá Hân giới thiệu hai hội viên của Hội lên biểu diễn. Cầm thủ thứ nhất là cô bé 16 tuổi tên Bianca Sanchez, cô đàn hai bài cổ điển. Tuy còn trẻ và đang học đàn lớp trung cấp, nhưng cô bé đã chứng tỏ một căn bản vững chắc với ngón đàn kỹ năng chuẩn, tiếng đàn tròn trịa, đầy đặn. Tương lai cô chắc chắn còn tiến xa. Cầm thủ thứ hai được giới thiệu là bác sĩ Nguyễn Tự Hào, ông chính là Vice Chairman của VACGS. Ông trình tấu một tấu khúc Flamenco mang âm hưởng Cuba.
 
Bước vào phần chính của chương trình, tam tấu TrioniCity đã chinh phục khán thính giả ngay từ những ô nhịp đầu tiên của tấu khúc mở đầu chương trình, khúc Trio Concertante, Số 1, Opus 18. Đây là một tác phẩm dài hơi của nhạc sĩ guitar và nhà soạn nhạc tài ba người Pháp François de Fossa (1775-1849). Ông sống cùng thời với Beethoven, nhưng nhạc của ông có xu hướng ngả về Cổ điển trữ tình Ý (ví dụ, Boccherini) nhiều hơn là Cổ điển Đức-Áo (như Haydn, Mozart) hoặc Tiền Lãng mạn Đức-Áo (Beethoven). Ông cũng nổi tiếng là một nghệ sĩ guitar. Tấu khúc Trio Concertante trong chương trình, nguyên thủy được viết cho tam tấu Violin, guitar và cello, nhưng giữa violin và sáo, sự cải biên hoàn toàn không là vấn đề, nhạc cụ này thay thế nhạc cụ kia một cách dễ dàng. Tấu khúc có cả thảy 4 hành âm, Allegro non tanto; Largo cantabile; Minuetto Poco presto; Rondo Allegreto, đã được TrioniCity trình tấu trọn vẹn, đó là màn trình diễn thể hiện sự pha trộn tao nhã giữa tính chất trữ tình và sự chỉn chu nghiêm túc của nhạc thính phòng phong cách cổ điển tinh tế.
 
Nhạc thức của khúc nhạc là concertante nên các nhạc cụ đều có tầm quan trọng ngang nhau, ở đây tiếng sáo vẫn giữ vai trò chủ động trong chức năng truyền tải giai điệu, nhưng guitar không lui vào vai trò làm nhạc đệm mà luôn xướng họa rất nhịp nhàng với sáo và cello. Nhờ ngón đàn tinh luyện, cầm thủ Hugo Nogueira đã cùng với hai người bạn của mình tạo thành một mặt dệt âm thanh luôn chuyển động như sóng vỗ tràn bờ, như những đám mây cuồn cuộn trôi không dứt. Tôi đặc biệt yêu thích hành âm thứ hai, Largo cantabile, nghe như một ca khúc, da diết nhưng không áo não, và ban tam tấu đã trình diễn với nhiều cảm xúc.
 
Từ đầu thế kỷ XIX, TrioniCity nhảy vọt sang đầu thế kỷ XX với tấu khúc Café 1930 của nhà soạn nhạc lừng danh Astor Piazzolla [1921-1992] của thời kỳ hiện đại. Piazzolla là nhà soạn nhạc người Argentina, người được xem là có công rất lớn chuyển hóa thể điệu khiêu vũ nhạc đại chúng của dân tộc ông sang thành một điệu thức nghệ thuật bằng cách phối hợp các tố chất của nhạc cổ điển châu Âu với nhạc Jazz. Kiểu thức mới này thường được mệnh danh là nuevo tango, nó thường có nhịp tiết chậm hơn điệu tango phổ thông, giai điệu và hợp âm thường buồn bã, như tâm tư u uất nghẹn ngào của nàng vũ nữ khi ánh đèn sân khấu tắt lịm, khi mọi vật xung quanh chìm trong bóng tối của cô đơn. Điển hình là khúc Café 1930 mà chúng ta được nghe qua màn song tấu của cây sáo Chloe Descher và cầm thủ guitar Hugo Nogueira. Khúc nhạc là hành âm thứ hai trong tổ khúc Histoire du Tango, nguyên thủy viết cho sáo và guitar, là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Piazzolla và thường được chơi bằng nhiều kết hợp khác nhau, bao gồm violin hoặc double-bass thay thế cho sáo, và piano hoặc harp hoặc marimba thay thế cho guitar. Nghe tấu khúc này nhiều lần trên YouTube, tôi nghĩ tiếng violin có lẽ da diết hơn tiếng sáo, nhờ kỹ năng vibrato, như trong màn trình tấu của hai nhạc sĩ danh tiếng quốc tế Esther Abrami (violin) và Alexandra Whittingham (guitar):
 
 
Tuy nhiên, tôi đã không thất vọng chút nào với tiếng sáo của Chloe Descher, có lẽ nhờ thể cách “phrasing” của cô. Có những lúc tiếng sáo của cô nghe như ngập ngừng, phân vân, băn khoăn, rồi bỗng vụt biến hóa vào những cung bậc như giận dữ, phẫn nộ. Tôi nghĩ cô đã thuyết phục người nghe với phong cách trình tấu độc sáng đó. Cầm thủ guitar cũng vô cùng xuất sắc thành công trong vai trò của mình. Sáo-guitar là một kết hợp tuyệt hảo nếu nhìn từ góc độ của guitar, bởi, khác với các loại hình kết hợp khác (violin và guitar, chẳng hạn), cường độ guitar không bị nhạc cụ kia lấn át. Và màn trình diễn tấu khúc Café 1930, theo tôi, có thể được xem là cao điểm của chương trình.
 
Sau Piazzola, Hugo có hai màn độc tấu guitar. Từ Argentina anh bước sang vườn hoa âm nhạc đầy màu sắc dị kỳ và ảo diệu của xứ Brasil với một tấu khúc của nhà soạn nhạc Heitor Villa-Lobos [1887-1959]. Ông là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sĩ cello và guitar cổ điển người Brasil, người được xem là “nghệ sĩ sáng tạo quan trọng nhất của nền âm nhạc nghệ thuật Brasil thế kỷ XX”, và đã trở thành một trong những nhà soạn nhạc Nam Mỹ được công nhận nhất trên toàn cầu trong lịch sử âm nhạc. Là một nhà soạn nhạc sung mãn, ông viết nhiều tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc cụ và thanh nhạc, tổng cộng hơn 2.000 tác phẩm cho đến khi ông qua đời vào năm 1959. Âm nhạc của ông chịu ảnh hưởng của cả nhạc dân gian Brasil và các yếu tố từ truyền thống cổ điển châu Âu, chẳng hạn như tấu khúc Bachianas Brasileiras (lấy phong cách nhạc J.S. Bach làm chủ đạo) và những tấu khúc Chôros (lấy phong cách dân nhạc làm chủ đạo). Là bạn thân của Andrés Segovia, ông viết nhiều nhạc cho guitar, quan trọng nhất là các Etudes (1929), Preludes (1940), và cầm tấu khúc cho guitar và dàn nhạc giao hưởng viết năm 1951, tất cả đều là những tác phẩm quan trọng nằm trong repertoire của bất cứ cầm thủ guitar cổ điển nào.
 
Trong chương trình, Hugo chọn tấu khúc Chôros Số 1. Villa-Lobos sáng tác khúc nhạc vào năm 1920, ban đầu xuất bản dưới tựa đề Chôro típico, sau đó là Chôro típico brasileiro. Tựa đề này được lấy từ một thể loại nhạc đại chúng ngẫu tác của Brasil có nguồn gốc từ vùng Rio de Janeiro vào thế kỷ XIX. Từ chôro (phát âm là ʃoɾu), tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là “khóc” hoặc “than thở”, mặc dù hầu hết các bản nhạc thuộc thể loại này không nhất thiết phải có âm điệu buồn bã, thê lương. Villa-Lobos còn sáng tác nhiều tấu khúc Chôros cho nhiều nhạc cụ và kết hợp nhạc cụ khác nhau, nhưng bản Số 1 cho guitar lại là bản được nhiều người ưa thích nhất, và được Julian Bream làm cho bất tử cách đây hơn nửa thế kỷ với đĩa nhựa LP thu âm tấu khúc này. Nghe “live” do một cầm thủ tầm vóc như Hugo đàn, là một trải nghiệm khó quên. Ngón đàn của anh, nói chung, có xu hướng nghiêng về tính cách “trí thức/ intellectual” nhiều hơn là “hào nhoáng/ showmanship”, với nhịp tiết, phrasing chỉn chu, tiếng đàn (tone) gọn, nhẹ, chắc nịch, trong sáng, nhưng với khúc Chôros Số 1, anh đã cống hiến cho người nghe một âm thanh rộn ràng, tươi vui, đúng với tinh thần của khúc nhạc, vốn bao gồm các yếu tố truyền thống của dân nhạc Brasil.
 
Đặc biệt trong phần độc tấu, Hugo còn biểu diễn một tấu khúc nhan đề In Cali do chính anh sáng tác. Ngoài tài đàn, anh còn sáng tác nhạc, quả là một nhạc sĩ toàn nguyên đúng nghĩa. Khúc In Cali có ngôn ngữ âm nhạc đương đại, rất nhiều nốt harmonics, nhưng khác với nhạc hiện đại hoặc đương đại vốn có xu hướng phi chủ âm nên trừu tượng và khô khan, khúc nhạc này của Hugo thấm đẫm tính trữ tình với giai điệu rõ rệt, và hòa âm, tuy có một chút Jazz trong đó, nhưng lại rất “cổ điển”.
 
Khán thính giả còn được thưởng thức hai tuyệt tác trong kho tàng nhạc cổ điển: Pavane Op. 50 của nhà soạn nhạc người Pháp Gabriel Faure và Flute Sonata, BWV1020 của nhà soạn nhạc lớn nhất trong dòng nhạc cổ điển Tây phương từ trước tới nay, J.S. Bach [1685-1750]. 
 
Sonata cung Sol thứ, BWV1020, trước đây thường được cho là của J.S. Bach, nhưng theo nhiều học giả thì đây là tác phẩm sáng tác bởi con trai ông là C.P.E. Bach. Tấu khúc, nguyên thủy được viết cho sáo và đàn harpsichord, và nhìn từ bất cứ góc độ nào thì đây vẫn là một tác phẩm nhạc thính phòng thời kỳ Baroque tao nhã không hề thua kém sáu bản Sonata viết cho sáo đích thực của J.S. Bach. TrioniCity chọn chơi hành âm mở đầu của khúc nhạc, Allegro. Tôi không rõ nhạc sĩ nào đã cải biên khúc nhạc cho ban tam tấu, nhưng hiển nhiên tinh thần Baroque và tính cách đặc trưng trong âm nhạc J.S. Bach, đa thanh âm/ polyphony, được duy trì cao độ trong phiên bản. Đa thanh âm trong âm nhạc yêu cầu mỗi “giọng”, bổng hoặc trầm, đều có tầm quan trọng riêng biệt và ngang nhau, không “giọng” nào “kém “giọng” nào. Điều này tạo ra một cấu trúc âm nhạc phong phú hơn, phức tạp hơn. Và đây chính là cao điểm của nữ cầm thủ cello, cô Maura Phelps. Cello có một âm vực tương đương với guitar, và “giọng” cello đã khéo léo hòa quyện với “giọng” guitar, “giọng” sáo, tạo thành một mặt dệt âm thanh xoắn xuýt nhau, giao hòa một cách tuyệt hảo, khiến người nghe như lạc vào cõi âm thanh kỳ thú, liên miên bất tuyệt, khó diễn tả bằng lời.
 
Sau cùng là một tấu khúc nhan đề Vou Vivendo của nhạc sĩ người Brasil ít được bên ngoài biết đến, Pixinguinha [1897-1973]. 
 
Hiển nhiên, ba nhạc sĩ tài ba của Nam California, Hugo Nogueira, Chloe Descher và Maura Phelps đã chiếm được trọn vẹn cảm tình của tất cả khán giả hôm ấy. Họ đã thành công phô diễn nghệ thuật của họ với tất cả tài năng và tâm hồn mình, và vì thế đã để lại trong lòng người nghe một ấn tượng sâu đậm. TrioniCity phải là cái tên cho khách mộ điệu âm nhạc tìm đến, không hẳn chỉ là những người yêu đàn guitar mà tất cả những ai yêu thích âm nhạc đích thực.
 
Trịnh Y Thư (Việt Báo)


Phụ lục hình ảnh:
 
IMG_3281.JPG
TrioniCity trong một màn trình tấu.(Từ trái) Chloe Descher, Hugo Nogueira
và Maura Phelps.


IMG_3268.JPG
Cô Bianca Sanchez, 16 tuổi, hội viên VACGS.
 
IMG_3273.JPG
Bác sĩ Nguyễn Tự Hào, Phó Hội trưởng VACGS.
 
IMG_0694.JPG
Quang cảnh buổi hòa nhạc.
 
Xin truy cập đường dẫn YouTube sau để theo dõi buổi trình tấu:

https://www.youtube.com/watch?v=PreerG8wsgY

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào chiều ngày 3 tháng 9, 2024, tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) chính thức khởi động Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2024 (Viet Film Fest-VFF), sự kiện phim ảnh quốc tế thường niên lớn và lâu dài nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đội Los Angeles Lakers vừa công bố kết quả cuộc thi tuyển nghệ thuật “Lakers In The Paint - 2023-2024”, nhằm vinh danh mười nghệ sĩ da màu từ khắp khu vực Los Angeles như một phần của chương trình nghệ thuật thường niên của đội nhằm ghi nhận, hỗ trợ và nâng cao tinh thần cho các nghệ sĩ đến từ các cộng đồng thiểu số. Trong mười họa sĩ trúng tuyển, có hai họa sĩ gốc Việt, gồm họa sĩ Ann Phong và Michael Trần Thế Khôi, và 8 họa sĩ từ các cộng đồng đa dạng Abby Aceves, Estefania Ajcip, Jessica Taylor Bellamy, Daryll Cumbie, Derick Edwards, Megan Gabrielle Harris, Marlon Ivory, Larry Li
Khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
Vào tối ngày Thứ Bảy 31 tháng 8 tới đây, tại sân khấu ngoài trời Garden Grove Amphitheater (12762 Main Street, Garden Grove CA 92843), Đài Truyền Hình SBTN, hội thiện nguyện Bên Em Đang Có Ta sẽ có một sự kiện đặc biệt dành cho những người yêu nhạc: Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024 (SBTN Music Festival). Nhiều ca sĩ hải ngoại nổi tiếng sẽ có mặt để cống hiến một chương trình ca nhạc đặc sắc cho khán giả. Hai ca nhạc sĩ Sỹ Đan, Việt Khang đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Việt Báo, chia sẻ tâm tình của mình về Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Vương Trùng Dương, tên khai sinh là Trần Ngọc Dưỡng, sinh đầu tháng 2 năm 1945 (âm lịch tuổi Giáp Thân) tại Quảng Nam. Gia đình của Dương, từ lâu, định cư tại Chợ Được, một ngôi chợ khang trang nằm bên bờ sông Trường. Chợ cũng là bến ghe thuyền. Đò dọc theo sông dài, đò ngang qua bên kia sông là vùng ven biển Đông. Gần biển, những đêm mùa đông, trong chiếu chăn hãy còn nghe tiếng sóng biển ầm vang.
Nhà xuất bản nổi tiếng của Hoa Kỳ Barnes and Noble vừa phát hành cuốn hồi ký 500 trang của Kiều Chinh. Giới văn chương Mỹ gọi cô là nghệ sĩ lưu vong. Tra cứu trên Internet chúng ta thấy bản văn Anh ngữ nhà Barnes khen ngợi tác giả. Bản văn Việt Ngữ khen ngợi cô Kiều Chinh do nữ đại úy Phan của quân lực Mỹ viết. Cuốn hồi ký đặc biệt này đã ghi bán 30 đồng giấy thường và sách bìa cứng giá 40 đồng. Đại úy Phan là nữ quân nhân trẻ hiếm có đọc được cuốn hồi ký tiếng Việt đã ước mong rằng sẽ có phiên bản Anh Ngữ sớm phát hành.
Khi nói đến âm nhạc, người ta thường liên tưởng đến khái niệm về “tâm hồn” hay “cảm xúc”. Khi nói đến giáo dục lại thường liên kết với “trí tuệ”. Một bên là nghệ thuật, một bên là tri thức. Một bên là những chàng nghệ sĩ, một bên là những nhà mô phạm. Thực ra hai lĩnh vực này có nhiều khi đan lẫn, kết hợp với nhau. Âm nhạc là một ngành học với học vị lên tới tiến sĩ, không thua kém gì học bác sĩ, kỹ sư. Và khoa học đã chứng minh từ lâu rằng học âm nhạc góp phần phát triển khả năng trí tuệ toàn diện cho trẻ em.
Cuốn phim Từ Sài Gòn đến Điện biên Phủ cũng được ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Phim do hãng Mỹ Vân hoàn tất tại Việt Nam trước 1975. Chưa từng chiếu được giữ lại trên 50 năm qua sẽ ra mắt đồng bào rất may mắn tại San Jose. Xin mời đến để gặp Kiều Chinh và Sài Gòn sau hơn nửa thế kỷ. Vào 1 giờ chiều thứ bẩy 27 tháng 7-2024 tại hội trường Santa Clara County
Vào chiều Chủ Nhật cuối Tháng Sáu, khoảng hơn 400 khán giả đã ngồi chật khán phòng của Huntington Beach Central Library Theater để cổ vũ cho các tài năng âm nhạc trẻ gốc Việt trong chương trình nhạc Emê Concert 2, chủ đề “I Wish It So”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.