Hôm nay,  

Giới Thiệu “Cám Dỗ Tự Do” & Sức Sống Cám Dỗ Nguyễn Hữu Liêm

18/06/202508:31:00(Xem: 686)

GIỚI THIỆU “CÁM DỖ TỰ DO” & SỨC SỐNG CÁM DỖ NGUYỄN HỮU LIÊM
 

Lê Giang Trần
 blank

Qua giao tiếp trong cuộc sống, có một sức thu hút của người mình tiếp cận, làm cho ta cảm thấy thích thú, cảm mến, muốn kết bạn với người đó; có thể qua câu chuyện hàn huyên với nhau dù chừng mực và lịch sự, hay chỉ qua sự lắng nghe những gì người đó trao đổi với người khác hoặc nhiều người. Sự hấp dẫn ấy tạm gọi là “cùng tần số” nên có sức hút làm cho mình chú ý dõi theo. Không chỉ đơn thuần đối xứng như kiểu “trai tài, gái sắc” mà ngạn ngữ quen thuộc quy ước, bởi vì dòng “nhân điện” toát ra bao gồm cái hữu hình và vô hình của con người đó, nghĩa là ngoài cái biểu lộ sắc tướng còn đồng thời toát ra sức mạnh nội tâm. “Trọn gói” đó, tôi gọi là SỨC SỐNG / LIFE FORCE.

Nữ nhân = Sắc Đẹp + Nết Na.

Nam nhân = Tài Sức + Đức Độ.

Mà tâm-tánh con người vẫn còn phân biệt hai thái cực: ác đức, ác tâm / nhơn đức, thiện tâm.

Lung khởi như trên để nêu lên một điển hình không khác, đó là tác phẩm của một tác giả có sức thu hút dẫn người đọc say mê theo từng con chữ và ý nghĩa mà nhà văn/thơ ấy đã cô đọng tựu thành trong cuốn sách ấy. Cảm xúc dâng tràn, (có khi còn rớm lệ nữa), đồng cảm với văn chương và ý tưởng chứa chan của tác giả. Tôi kết luận, nếu người không có THIỆN TÂM thì không thể nào viết ra được một nội dung được cảm nhận như vậy. Từ đó, một tác phẩm như thế còn khả hữu CÁM DỖ giải Nobel Văn Chương nữa, mà tiêu chuẩn của giải trân trọng này dựa trên TÍNH NHÂN BẢN.

 

**

Nguyễn Hữu Liêm đã có 3 cám dỗ: Cám dỗ của Triết học, làm cho chàng thanh niên này trở thành Triết gia. “Cám dỗ Sài Gòn” cho anh nỗi ray rứt với đất nước quê hương. Và “Cám dỗ Tự do” là một nỗi cám dỗ đối với tự thân, đồng nghĩa với cám dỗ của Lý tưởng, hay siêu hình thì “Giải thoát Tự do” là mục tiêu cám dỗ rốt ráo mà đức Phật Thích Ca đã tu chứng đắc thành.

Qua việc layout sách, riêng với tác giả Nguyễn Hữu Liêm (NHL), năm 2016, tác phẩm “SỬ TÍNH và Ý THỨC - Một Triết học cho Việt Nam” của anh đã có sức cám dỗ tôi để viết một bài Bạt, anh đăng lại trong Phần VI Những bài viết về NHL, 2025 năm nay. Tôi lại có dịp tiếp tay anh việc dàn trang cho một tuyển tập đề tựa “CÁM DỖ TỰ DO Từ góc độ Triết học và Tư tưởng”. tôi thêm cơ hội đọc nhiều bài viết của anh về nhiều lãnh vực, được chia thành 6 phần: Văn Hóa Và Nghệ Thuật - Tôn Giáo - Chính Trị - Triết Học - Điểm Sách - Các Bài Viết Về Tác Giả. Những bài viết trải theo hành trình đời sống của anh cho tôi cái nhìn sâu đậm hơn về anh, một bằng hữu, một con người mà chính anh trêu cợt là cái người này nhận nhiều dư luận nhất, báo chí từng bầu là “Man of the year”!! Riêng tôi thì sự xác định anh là một con người có THIỆN TÂM, được minh chứng hơn, sau khi đọc toàn bộ những bài viết được tuyển tập.

Trong bài viết giới hạn này, tôi chỉ nêu lên một số cảm nhận lý thú đối với cá nhân tôi như một cách giới thiệu tuyển tập cám dỗ này và không nhất thiết phải thứ lớp, nên đây không phải bài điểm sách dọc theo chiều dài tác phẩm, mang tính phân tích v.v.

 

Trong PHẦN I: Những tản mạn về VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT, có hai bài gây phản ứng dư luận xôn xao nhất: Bài "Âm điệu Tủi thân bi đát" nói lên sự rên rỉ sầu não của nhạc Việt qua sự trình bày ngay cả của một số ca sĩ hàng đầu, dòng lịch sử âm nhạc như thế giống như điềm báo hiệu cho một dân tộc tang tóc đau thương bởi nền cai trị. Bài viết này có phần chú thích: Nhạc Ký của Khổng Tử nói: “Phàm âm thanh đều xuất phát từ tấm lòng của con người. Sự rung động của tình cảm sẽ tạo nên âm thanh, từ âm thanh sẽ tạo ra lời ca tiếng hát. Căn cứ vào âm nhạc để biết thời thế. Nếu thời thế bình yên thì âm nhạc êm dịu, còn thời thế loạn lạc thì âm nhạc ai oán, nếu chính trị đồi bại thì có lời ca ai oán vì mất nước, sẽ có sự buồn thảm đau thương để nói lên nỗi thống khổ của người dân.” Và đưa ra Điển hình là nhà Lý bị nhà Trần thay thế. NHL cho đăng sau bài này 3 bài phản hồi của: 1. Trịnh Thanh Thủy 2. Thanh Thanh Hải 3. Patrick Raszelenberg. Và bài "Cái Tật Văn chương tào lao" cũng đăng kèm 3 bài phản biện của: 1. Phạm Thị Hoài 2. Nguyễn Hoàng Văn 3. Hải Đường.

Bài “Từ Kiều đến Nietzsche: Khủng Hoảng Văn Học Việt” (trang 72) thật thú vị khi ông nói lên truyện Kiều ám không những đối với tư tưởng của giới cầm bút mà còn cả giới cầm quyền.

Rồi ở VN thế hệ tuổi trẻ say mê đọc Nietzsche, triết gia có câu tuyên ngôn xanh rờn: “Thượng đế đã chết” bởi vì ở thời đại con người khoa học huênh hoang khả năng loài người sẽ có năng lực SIÊU NHÂN, khoa học sẽ tự làm được những việc siêu phàm, cần chi tới phép mầu của thượng đế nữa, cho ổng về vườn! NHL trở lại vấn đề này trong bài “Hãy cẩn trọng khi đọc Triết: Trường hợp Nietzsche và Wittgenstein” (trang 373), lưu ý giới trẻ nên cẩn trọng tư duy khi đọc ngài triết gia này, bởi vì ngọn lửa nổi loạn của ông dễ hấp dẫn “lứa tuổi thiếu niên chưa trưởng thành tính khí cũng như tri thức.”  và cảnh báo rằng, “Đọc Nietzsche phải cảnh giác khả năng cám dỗ vào hố đen thuần phủ định, cay đắng, hàm hồ và hoang tưởng. Nếu Nietzsche là cha đẻ của cái gọi là “hậu hiện đại” hay “giải cấu trúc” thì những đứa con rơi của ông ta là một lũ thiếu niên mang lửa đi quậy phá đốt bỏ những đền thờ linh thiêng nơi gìn giữ giềng mối trật tự và hạnh phúc cho xóm làng”

“Khi Mộng Ruộng muốn làm Chúa Trời”là truyện ngắn phóng tác rất hay ho ẩn dụ, NHL ghi chú diễn dịch từ Jacob Needleman, Tiền bạc và ý nghĩa cuộc đời, 1983. Kể chuyện “chàng nhà quê Hai Lúa sống với nàng vợ Mộng Ruộng trong túp lều tranh vách bùn tồi tàn bên bờ biển.” Một hôm tay không trở về nhà sau buổi câu nên buộc phải kể vợ nghe lý do tại anh tha cho con cá thần mắc câu trở về biển và nó hứa sẽ giúp anh toại nguyện điều mơ ước. Cô vợ liền bắt anh phải chứng minh sự thật, đi tới biển ngay. kêu con cá thần cho vợ chồng nghèo có căn nhà nhỏ đủ tiện nghi với khu ruộng vườn đầy thóc lúa rau trái. Lòng tham của mụ vợ leo thang nâng cấp, từ túp lều tranh hai quả tim nghèo, rồi “một căn nhà nhỏ có hoa thơm trái lành”, rồi lên ngôi vua, rồi lên ngôi giáo hoàng, rồi mụ ta nghĩ tại sao phải mất thì giờ nhiều thế, hãy đòi cái địa vị cao tột đỉnh là Chúa Trời thì sẽ không còn sợ thua ai trên đời nữa!!

Con cá thần nghe đòi hỏi của đỉnh cao trí tuệ của bà vợ của anh chàng nô lệ vợ, trước khi giận dữ lặn xuống biển, hét lên, “Về lại cái ổ chuột dưới ruộng bùn của ngươi đi.” Ẩn dụ truyện này sao thấy giống hệt truyện ở nước VN sau năm 1975, và đã phượt qua 50 năm, nhưng đến năm 2025 thì chưa xảy ra lời cầu ước cuối cùng.

Khép lại phần I là câu chuyện một phần tư thế kỷ, cũng là câu chuyện vợ chồng, kể lại cuộc vợ chồng của tác giả một cách đời thường thơ mộng, sẽ làm buồn những ai không may mắn có được người phối ngẫu sống hạnh phúc bên nhau. Truyện ngược lại hoàn toàn với cái duyên nghiệp của anh hai Lúa, dù có thăng hoa “từ chàng trai bốc gạch đến triết gia danh tiếng” qua bài phỏng vấn của Lê Thọ Bình.

Những mẩu chuyện tự thuật rải rác về cuộc đời của anh cho thấy SỨC SỐNG mãnh liệt của con người này, thấy hoàn toàn đúng như câu kinh Pháp Cú: “Ta chính là những gì ta nghĩ” [tạm hiểu: con người của ta trở nên như thế nào là hệ quả của sự tư tưởng ta huân tập], và đó chính là lực hút nam châm, luật hút này xảy ra với hai đối cực: âm/dương, nam/nữ, thiện/ác, cương/nhu, giàu/nghèo v.v. và nên nhớ, còn phụ thuộc tỉ số của số lượng hay chất lượng. Tuy nhiên đừng lẫn lộn nhập nhằng hai phạm trù KHÔNG GIAN với THỜI GIAN; một cái thuộc thế giới GIỚI HẠN, cái kia thuộc thế giới VÔ HẠN. Sự nhầm lẫn này, NHL gọi là: “Nhầm lẫn giữa Tiềm năngThực tại. (Việc Einstein phối ngẫu KHÔNG+THỜI = Không-Thời-Gian, hoàn toàn không phải điều nói ở đây; và cũng không phải “ta tư duy nên ta hiện hữu”)

 

“Sự sai lầm trộn lẫn giữa chuyển động của bình diện Thời với chuyển dịch ở bình diện Không” được NHL dẫn ra mẫu biện luận sophists từ thuở khai sinh triết học Hy Lạp trước Công nguyên,

“Mẫu nghịch đề Zeno Paradox tương đối giản dị. Nếu ta muốn đi từ A đến B thì ta phải đi qua ½ khoảng cách đó, ngắn hay dài. Muốn đi hết ½ đó thì phải đi qua ½ của ½ đó. Như thế thì ta không thể đi từ A đến B dù ngắn cỡ nào. Thực ra, nghịch đề này chứng minh rằng di động là không thểmotion is impossible. Các nhà biện luận thời ấy tìm không ra kẽ hở về lý luận nào của nghịch đề Zeno – cho đến thời Aristotle khoảng hai thế kỷ sau. Aristotle chỉ ra nghịch đề này bị nhầm lẫn giữa hai ý niệm Khả thể đối với Thực thểpotentiality vs. actuality. Khả thể là vô giới hạn và vô cùng, limitless and infinite, nhưng thực thể thì giới hạn bởi biên độ của vật chất và khả năng ý thức thường nghiệm.”

Tôi thật sự giật mình về sự nhầm lẫn vô tư này, mặc dù ngôn ngữ thi ca có thể dùng trừu tượng hóa mọi hiện tượng, tuy nhiên nhập nhằng kiểu đầu gà đít vịt trong tư tưởng thì dị hợm thật. Đến một số luận sư nhà Phật cũng có vấp phải, như trong bài “Đọc và phản biện Tuệ Sỹ: Tổng Quan Về Nghiệp” NHL có đưa ra vấn đề này: “… các luận sư Phật giáo pha trộn, hay là nhầm lẫn, giữa hai phạm trù Không gianThời tính. Đây không phải chỉ có các luận sư Phật giáo mắc phải – mà suốt cả truyền thống triết học siêu hình cũng như lý luận Tây phương hầu hết cũng ít nhiều vướng vào một cách không ý thức.”

 

Phần II – TÔN GIÁO: gồm 14 bài, bài nào cũng có một giá trị luận giải hay ho, trong đó có hai bài tưởng niệm hai vị Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ. Tôi có chú ý một bài đặc biệt tổng hợp về huyền thoại vắng mặt 14 năm của Chúa Jesus, tựa đề: “Sự thật hay hư cấu Huyền Thoại: Chúa Jesus là Bồ Tát Hóa Thân?” Chuyện này tôi đã nghe đôi ba lần lâu lắm rồi nhưng chưa đọc tài liệu nào, nay qua bài này đã biết rõ câu chuyện, NHL cho biết,

“Câu chuyện của nhà tiên tri Issa là một phần trong cao trào lãng mạn huyền bí học, hướng về nền văn minh cổ bí ẩn Tây Tạng và Ấn Độ ở cuối thế kỷ 19. Đã có hàng chục cuốn sách và phim ảnh tài liệu về cuộc đời của Issa, tức là Chúa Jesus, về thời gian Ngài tu học ở Á Đông.”

“Nếu câu chuyện Issa là khả tín, thì cả nền tảng đức tin Thiên Chúa giáo sẽ bị sụp đổ – vì theo đó thì Chúa Jesus đã không phục sinh ba ngày sau khi mất và bay lên thiên đàng để ngự bên phải Chúa Trời. Dĩ nhiên tín đồ Thiên Chúa giáo không chấp nhận câu chuyện này. Càng phủ nhận hơn nữa chính là Giáo hội Công giáo La Mã.”

 

PHẦN III - CHÍNH TRỊ: Gồm có 14 bài liệt kê dưới đây:

Làm người Cộng Sản Việt Nam có dễ không?

Có phải Tô Lâm Là một Trần Thủ Độ ngày nay?

Giữa nơi Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an

Logic Thương Tích gặp trí tuệ Nông Dân

AI và ảo vọng toàn năng: tương lai chính trị Việt Nam năm 2030

Khi Hồ Chí Minh bước xuống thánh giá Cộng Sản

Nỗi lòng Ức Trai và Tố Như: Tâm tư TBT Nguyễn Phú Trọng…

Trung quốc 75 năm và bài học cho Việt Nam

Bi Hài Kịch Việt Nam Hậu Cộng Sản

Khi tượng đài mất linh hồn từ góc độ Triết học

Vẫy tay gọi nhau làm Người: Về những bản án chính trị gần đây ở VN

12/12/1974: Trận Phước Long khởi đầu một cứu rỗi mới

Thập niên 1980-1990 và phong trào Kháng Chiến Phục Quốc Hải Ngoại

Chiến tranh là da thịt Lịch sử

 

14 bài về chủ đề chính trị tập trung vào những vấn đề và thời sự của nước Việt Nam Cộng Sản, là nguyên nhân bản thảo tuyển tập này không xin được giấy phép xuất bản trong nước nên in ấn phát hành tại Hoa Kỳ. Tổng thể là những đề nghị chuyển hóa, thay đổi… sao cho nước nhà và dân trí bắt kịp nhịp độ văn minh của thế giới, tự do dân chủ thật sự, phát triển kinh tế, khoa học v.v. Mà muốn thực hiện được những phương án vươn lên cao thì trước tiên con người nước Việt phải trưởng thành, nhân tài phải có, chính phủ phải tài ba, nền giáo dục phải nâng cấp, học sinh ưu tú phải được ưu đãi và trọng dụng v.v. Tóm lại là phải chuyển hóa toàn diện về CON NGƯỜI là quan trọng nhất, như những gì NHL đã nêu lên trong tác phẩm SỬ TÍNH & Ý THỨC, một Triết học của Sử Việt, nhận thức về con-người-Việt mà ông gọi là: “Một lịch trình khôn lớn cho đứa trẻ Việt Nam”, qua đó ông cho rằng con người Việt hiện tại chỉ như ở tuổi 16 chưa trưởng thành. như sau:
 

“Và ở thời điểm nầy, thập niên thứ nhì của thế kỷ XXI, chàng thiếu niên Việt Nam đang bước vào tuổi 16. Tức là, sau 20 thế kỷ, cái Ta dân tộc Việt đã đi được một đoạn đường khá xa và dài, nhiều gập ghềnh lên xuống và gãy đoạn, nhưng cũng chỉ được trưởng thành lên đến tuổi thiếu niên.

Ở đầu thế kỷ XXI, cái Ta dân tộc bước vào tuổi thanh-thiếu niên của 16 nhờ tiếp xúc học hỏi với văn minh Âu Mỹ. Chàng bắt đầu ý thức được chủ đích và ý nghĩa cuộc đời và ý thức được mình phải làm gì thực tế cho đời mình. ... Về mặt tích cực thì chàng thiếu niên Việt đã mang một năng lực ý chí sinh tồn, một truyền thống Khát Sống và Hiếu Thắng cao độ cộng với một bản sắc tự-Ngã đầy tự ái dân tộc. Anh siêng năng học hỏi, khai phá – nhưng lại ít khi đào đến được chiều sâu cho đối tượng nghiên cứu. Cái Ta dân tộc ở giai đoạn hiện nay là vậy: Một thiếu niên 16 tuổi, nửa quê, nửa tỉnh, nhiều ý chí thành đạt và đầy tham vọng nhưng thiếu chiều sâu, ít kiên nhẫn, một mặt thì chân thành, nhưng cũng nhiều ảo tưởng. Bi kịch Sử Lý Việt Nam trong suốt thế kỷ qua là bi kịch của một anh thiếu thời ở tuổi 15 vừa từ quê lên tỉnh, đầy nhiệt huyết, bắt đầu có lý tưởng, biết yêu đương, sinh lý và tâm lý đang phát huy cao độ – nhưng không có một nền văn hóa chủ đạo vững chắc nhằm điều hướng chọn lựa cho đại thể tính quốc gia. Từ đó, từng bước chân đi tới trên hành trình Sử Lý đã trở nên những mò mẫm thử nghiệm trong bóng tối vô minh. Thảm họa lịch sử cho dân tộc, do đó, là kết quả không thể tránh khỏi.” (Ch. XV)
 

NHL trong tuyển tập đã bình luận lại vấn nạn này qua bài “Dân Tộc Việt: Khối nhân quần đang ở tuổi thiếu niên”, và kết luận:

“… người Việt còn trẻ con và cũng vì thế, không thể ngồi chung, làm việc với nhau trên bình diện dân sự. Nguyên do chính vì dân ta thiếu vắng văn hóa cộng đồng. Người Việt không thể thành lập hội đoàn dân sự vững mạnh, lâu dài, uy tín. Hầu hết các tổ chức tự nguyện người Việt khắp thế giới đều tự tan rã vì không ai chịu ai. Hệ quả là nền văn hóa duy tập thể của Đảng Cộng Sản Việt Nam – ít nhất là trong nước – hình như là câu trả lời đương nhiên và cần thiết cho sự khiếm khuyết của chất keo văn hóa dân sự và công dân đó.”

Và ở Phần IV – TRIẾT HỌC, bài “Từ Marx đến Mill: Niềm Cám Dỗ của Tự Do” ở tiểu đề “Câu chuyện Việt Nam” ông ta-thán rằng:

“… giá như những gì nêu lên trong Bàn về Tự do của Mill đến sớm ngay từ đầu thế kỷ 20 và giá như đã trở thành kinh điển đối với ý thức chính trị Việt Nam – nghĩa là thiết yếu tính của Tự do Cá nhân là điều kiện tiên quyết nhằm chuyển hóa Sử tính dân tộc – thì Sử tính Việt chắc đã không trải qua một quá trình mà trong đó, con khủng long tập thể nhân danh Chân lý Đại thể ăn sống nuốt tươi và tiêu hóa hết khả thể chuyển hóa Ngã thức cá nhân của con người Việt.”

 

Phần V - ĐIỂM SÁCH, bài “Tương Lai của Tự Do Fareed Zakaria” NHL giới thiệu, “Tương Lai của Tự Do của Fareed Zakaria là cuốn sách phải đọc dành cho những ai quan tâm đến hiện trạng và tương lai chính trị Việt Nam – nhất là các người tranh đấu cho dân chủ. Khi đã nắm vững nội dung của cuốn sách này, hy vọng người đọc sẽ không còn suy nghĩ về chính trị, về tự do và dân chủ như trước kia khi chưa đọc nó.” Và trích đoạn thêm:

“Zakaria nêu hai trường hợp đáng chú ý về câu hỏi, kinh tế trước hay dân chủ trước? Đó là Nga Sô và Trung Quốc. Nga cải tổ chính trị trước và sau đó là kinh tế. Ngược lại thì Trung Quốc cải tổ kinh tế trước, chính trị sau…

Zakaria cho rằng, nếu phát triển kinh tế trước, xây dựng tầng lớp trung lưu vững chắc để sau đó mới mở rộng dân chủ thì Trung Quốc đang đi đúng hướng. Nga Sô là một trường hợp điển hình của một “illiberal democracy” – một nền dân chủ thiếu tự do. Trung Quốc là một trường hợp không dân chủ, thiếu tự do (“illiberal anti–democracy”?). Zakaria cho rằng, với chiều hướng hiện nay, nếu Trung Quốc tiếp tục con đường tự do hóa kinh tế, phát huy nhà nước pháp quyền, xã hội pháp trị, xây dựng tầng lớp tư sản trung lưu, và sau đó khai phóng chính trị thì nó sẽ đi đến một quốc gia dân chủ thật sự.”

Trích đoạn trên để NHL dẫn tới Việt Nam qua tiểu đề:

Bài học cho Việt Nam

Với những luận đề trên của Zakaria từ Tương Lai của Tự Do, người Việt hiện nay có tìm ra được một luận chứng cơ bản nào khả dĩ áp dụng cho lý tưởng dân chủ, tự do cho nước nhà?

Việt Nam có phải là một “illiberal democracy”? Theo định nghĩa và tiêu chuẩn của Zakaria – “dân chủ phi tự do” phải có bầu cử lãnh đạo quốc gia công bằng mà kết quả thể hiện ước muốn của đa số – thì Việt Nam không phải hay chưa phải là một nền dân chủ phi tự do. Việt Nam hiện nay, dưới chế độ độc đảng Cộng Sản, là một quốc gia độc tài đang trên chiều hướng khai mở. Tức là Việt Nam đang đi từ một chế độ độc tài toàn trị, totalitarianism, đến một thể chế độc đoán, authoritarianism. Nhân dân đang dần được sống trong một không gian kinh tế thông thoáng hơn, thịnh vượng hơn, chính trị ngày càng bớt khắt khe. Tuy rằng về các phương diện như báo chí, hội đoàn thì về chính sách ngày càng bị giới hạn và kiềm chế – dù internet đã làm cho mọi chính sách về tư tưởng và thông tin, báo chí của Đảng trở nên vô hiệu. Độc tài của Việt Nam là một thể loại độc tôn chủ nghĩa trong định chế đảng trị, cộng với một guồng máy công quyền và nhân sự thiếu hiệu năng và thối nát. Nó không như các thể loại độc tài cá nhân hay quân phiệt như Nam Hàn hay Singapore trước đây vốn đã xây dựng những định chế cần thiết cho không gian tự do nhằm tạo cơ hội tiến đến dân chủ pháp trị.”

 

Chúng ta đã thấy dù tuyển tập chia ra 5 phần bài viết chủ đề, nhưng tựu chung đều là những vấn đề hay vấn nạn liên quan đến con người và đất nước Việt Nam, và qua tính triết lý, trong bài “Cám dỗ Tự do” NHL phân tích:

“Trong khi Marx–Engels nói về Lịch sử như một chuỗi dài đấu tranh giai cấp; thì Mill nói về cuộc vật lộn giữa Tự do và Quyền lực. Trong khi Marx–Engels hô hào cho cứu cánh Đại thể; thì Mill lý luận về vị trí Con người Cá nhân. Trong khi Marx–Engels cổ võ cho một năng lực Cách mạng dựa trên giá trị tập thể, thì Mill biện hộ cho quyền hạn cá thể độc lập và đặc thù.

“Sự va chạm nghịch chiều trên trục tung của hai khuynh hướng Ý chí Lịch sử ở trung tâm ngã tư thánh giá này như một lực húc nhau dữ dội tách nhân loại vẹt ra hai phía trên trục hoành: Một đằng rẽ bên trái theo Marx-Engels thành cánh tả; một đằng rẽ bên phải theo Mill, Bentham thành cánh hữu. Hai khối ngôn ngữ Ý chí này của Marx-Engels và Mill-Bentham như đại diện cho khúc rẽ Lịch sử ở Thời điểm đó, để rồi Thế giới bước vào thế kỷ 20 như một chuỗi dài ứng nghiệm những gì được tiên tri bởi Marx-Engels và Mill-Bentham. Vì thế, bài học được rút tỉa từ Sử tính Ý thức là: Hãy lắng nghe những gì giới trí thức chân chính đã nói và viết. Ngôn từ của họ là cất bước tiên phong, là tiếng kèn giục giã xuất quân, tiếng còi hú vang tàu chuyển bánh, báo hiệu một Tân-Thời-Ý, và dù trước hay sau, nhanh hay chậm, nó cũng sẽ hiện ra nơi chân trời Sử tính.”

Nhưng thật đáng buồn thay:

“Lịch sử Việt Nam trải suốt chiều dài dựng nước giữ nước, nhất là trong vòng trăm năm qua, là biểu trưng cho tình trạng thiếu niên và yếu đuối nơi Ý chí Ngã thể cá nhân. Tang thương dân tộc Việt là tấn bi kịch lớn lao và dài lâu mà nguyên nhân là thể trạng bất quân bình và bất cập giữa cán cân Ngã thể cá nhân trong mối tương quan với năng lực và nhu cầu Đại thể. Bi kịch Sử tính dân tộc như thế không thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của chủ nghĩaý thức tập thể, và sẽ tiếp tục nếu Ngã thức cá nhân vẫn còn nuôi mãi bản sắc thiếu niên chưa trưởng thành.”

 

Nếu phía cánh hữu coi Nguyễn Hữu Liêm bên cánh tả, hay nói cách khác, NHL bị cho là hay ông vỗ ngực xưng là Cộng Sản, thì sự thật là chưa có một người Cộng Sản nào ở trong hoặc ở nước ngoài hiên ngang nói lên những tư duy triết lý về mệnh hệ và con người Cộng Sản như ông công khai trình bày bằng những tác phẩm tư duy, bằng sức sống, bằng lực thu hút nam châm của tự thân. Tôi chợt nhớ tới ông Tướng độc nhãn của Do Thái trả lời câu hỏi trước khi chấm dứt chuyến viếng thăm miền Nam VN, rằng, “Muốn thắng Cộng Sản thì phải thua Cộng Sản trước”. đây là một phát biểu đầy ngụ ý mà có lẽ người dân miền Nam Tự Do sau năm 1975 thấm đạn nhất. Tác giả viết cuốn “Bên thắng cuộc” chắc cũng thấm thía cái thân phận thua cuộc nằm trong lao tù như thế nào.
 

Riêng tôi, sau năm 1975, đã hoát ngộ là con dân Việt Bắc hay Việt Nam đều là nạn nhân của cuộc chiến tranh Nam-Bắc cả, và đó là định mệnh lịch sữ nghiệt ngã của dân tộc Việt trải dài qua bốn năm ngàn năm, vượt đi, vượt về phương Nam, vượt qua núi rừng, vượt qua biển cả, vượt ra ngoài thế giới, chỉ trong vòng 50 năm (1975-2025) đã có mặt khắp địa cầu hằng triệu giống nòi chim Lạc Việt, hay bởi vì – theo huyền sử – là dòng dõi Tiên-Rồng đạp mây lướt gió chăng?

Để kết thúc, xin chua một chú thích trong tuyển tập CÁM DỖ TỰ DO: “Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), con người “đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi với tấm lòng bình thản của một người thời trước” cũng phải bật kêu lên: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn; Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”

Và chúc cho Tuyển Tập CÁM DỖ TỰ DO của người bạn Thiện-Tâm Nguyễn Hữu Liêm sẽ không chịu số phận lưu vong, mà sẽ được cung thỉnh về nơi quê hương yêu dấu.

 

Lê Giang Trần

(Little Saigon, 31/05/2025)



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
(WASHINGTON, ngày 3 tháng 7, APNews) – Bất chấp những khuyến nghị từ các khoa học gia của chính phủ, một viên chức cấp cao trong chính phủ, đang công tác dưới quyền Bộ trưởng Y Tế Robert F. Kennedy Jr., đã tự ý can thiệp vào quy trình chuẩn thuận vắc-xin để giới hạn phạm vi sử dụng của hai loại vắc-xin COVID-19.
(WASHINGTON, ngày 2 tháng 7, Reuters) – Một tòa án liên bang hôm Thứ Tư (2/7) đã ra phán quyết chặn lệnh cấm tị nạn của Tổng thống Donald Trump tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Thẩm phán tuyên bố rằng Trump đã vượt quá thẩm quyền khi tự ý ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến nhập cư bất hợp pháp và gạt bỏ các thủ tục pháp lý hiện hành.
Như mọi người đều biết, người ta càng lớn tuổi chừng nào, thì người ta lại thường hay nhớ tới những kỷ niệm trong dĩ vãng của mình nhiều bấy nhiêu. Nhất là những người cao niên đã về hưu, không còn bị ràng buộc bởi những công việc làm thường ngày của mình như trước kia, nên có nhiều thì giờ rành rỗi ngồi ở nhà một mình, để hồi tưởng lại những kỷ niệm buồn vui khó quên trong cuộc đời mình, rồi để có những lúc tâm sự cho nhau nghe lại những kỷ niệm khó quên
Chỉ từ một mặt nước tĩnh lặng, trăng mới có thể soi chiếu và tỏa sáng. Chỉ từ một tâm bình thường, định tĩnh, những phiền não dục vọng mới có thể tan biến, hiển lộ trí tuệ siêu việt của bậc hiền nhân.
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: vùng vằng chống chọi với những cái được thấy và được nghe là chưa biết đạo. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
(WASHINGTON, ngày 1 tháng 7, Reuters) – Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba đã hối thúc Hamas (lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn) chấp thuận “đề nghị cuối cùng” về lệnh ngừng bắn 60 ngày với Israel tại Dải Gaza. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được Qatar và Ai Cập chuyển đến Hamas thông qua các viên chức ngoại giao của họ.
(WASHINGTON, ngày 1 tháng 7, Reuters) – Hôm thứ Ba, Thượng Viện Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu với tỷ số áp đảo để gỡ bỏ lệnh cấm các tiểu bang ban hành quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) trong mười năm; luật này từng được đưa vào dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu ngân sách của Tổng thống Trump.
Phân Ưu: Được tin bạn GIUSE NGUYỄN VĂN CHƯƠNG Sinh ngày 04 tháng 04 năm 1962 tại Bình Định Việt Nam. Đã từ trần vào ngày 19 tháng 6 năm 2025 tại San Diego California Hoa Kỳ. Hưởng thọ 63 tuổi
Phân Ưu: Nhận được tin buồn Ông NGUYỄN NGỌC TUYỀN, Pháp Danh QUANG MINH, sinh ngày 02 tháng 02, năm1932 tại Làng Hoành Lộ, huyện Giao Thủy, Tỉnh Nam Định, Bắc phần Việt Nam đã mệnh chung ngày 17 tháng 6, năm 2025, tai Santa Ana, California. Hưởng thọ 94 tuổi.
Xét vụ các bà bầu và hội dân quyền kiện về lệnh Trump nói trẻ em sẽ không tự động có quốc tịch khi sinh ra trên đất Mỹ nếu ba mẹ không phải công dân Mỹ, Thẩm phán Deborah Boardman ra hạn hôm nay Bộ Tư Pháp phải ghi văn bản về việc thực hành lệnh Trump thế nào thì tòa mới xử. - Bộ Tư pháp bắt đầu lập ưu tiên tước quốc tịch của người Mỹ nhập tịch khi họ bị truy tố về tội phạm
(WASHINGTON, ngày 30 tháng 6, Reuters) – Một công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet báo động rằng nếu Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development, USAID) tiếp tục bị cắt giảm ngân khoản, hoặc tệ hơn, bị giải thể, thế giới có thể sẽ có hơn 14 triệu người chết vào năm 2030.
(WASHINGTON, ngày 30 tháng 6, Reuters) – Một nhóm tin tặc tự xưng là “Robert”, bị tình nghi có liên hệ với Cộng hoà Hồi giáo Iran, vừa loan báo sẽ công bố thêm nhiều tài liệu lấy được từ hộp thư điện tử của các nhân vật thân cận với Tổng thống Donald Trump. Nhóm này từng gây xôn xao dư luận khi tung ra loạt tài liệu trước kỳ tổng tuyển cử Hoa Kỳ vào cuối năm 2024.
Dự luật One Big Beautiful Bill Act – hiện đang được phe Cộng Hòa xắn tay soạn thảo và cổ động – nếu được thông qua tuần này, sẽ bơm tiền khổng lồ cho các cơ quan công lực liên bang và hệ thống nhà tù, mở đường cho chiến dịch trục xuất chưa từng có và tham vọng quân sự hoá xã hội Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump
- Khi thuế xe hơi của Trump hiệu lực, người mua xe Mỹ có thể sẽ tốn thêm trung bình 1.760 đô/xe (tức là, người tiêu dùng chịu 80% gánh nặng thuế quan) - Dự luật ngân sách "bự và đẹp" Trump hy vọng Thượng Viện thông qua hôm nay, thứ Hai.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.